Trên đường về Thanh Mai, tới cầu Miễu, Chu Hóa đoàn tạm ngồi nghỉ dưới gốc đa. Quan Bố Giáp nói với Phó đốc Đương và Lãnh Mai:
- Khi nào về, ông nói với Tán Dật cần phải cho ba đơn vị tiền tiêu đóng tại làng Dòng, Tiên Kiên và Hy Cương. Chú ý vòng ngoài, phía bắc và phía đôngThạch Sơn, mà cũng là bảo vệ phía tây Thanh Mai. Đại đồn Thanh Mai sẽ phải phái một đội quân sang Chu Hóa giữ mặt tây, nếu không có đủ quân thì lấy dân binh Chu Hóa làm cũng được. Tôi cho rằng, giặc Pháp sẽ kéo quân vào đánh Thanh Mai theo đường này là chính. Chúng sẽ kéo theo đại bác, công binh và quân đánh bộ tràn vào đây. Mặt này không giữ vững, địch sẽ tràn tới, quân ta sẽ không cầm cự được và cái thua là không tránh khỏi.
Lãnh Mai thưa:
- Tôi đã bố trí quân đóng tại đồi Bồ Hỗ, đồi Hóc Ngồ và Cồ Đất án ngữ con đường bộ từ phía tây vào Thanh Mai. Mỗi vị trí cử một đội quân trên ba mươi tay súng có thể trấn giữ được. Nếu tình thế khấn cấp, thì quân đại đồn ở xóm Lảo Quân, quân xóm Dõng, xóm Đình sẽ ra ứng cứu.
Quan Bố chánh nói:
- Chúng ta không có nhiều quân. Lúc địch đánh, đại bác bắn tới tấp công phá mạnh, quân giặc đông hô tiến ào ào, quân mà không có tại chỗ không thể cứu nhau được đâu. Người cầm quân phải tinh mà tính toán điều quân trước đi, không để nước đến chân mới nhảy thì nguy khốn.
Khi qua đồn Cồ Đất, quân lính biết mở cổng ra đón mời đoàn vào. Nhưng Lãnh Mai bảo rằng mọi người cần phải về Đại bản doanh ngay vì có khách tới làm việc. Binh lính đứng trong đồn giơ tay vẫy chào quan Bố chánh cùng đoàn người đi về hướng khu dân cư xóm Lảo Quân, theo con đường rẽ sang xóm Đình. Trên cao bãi bằng có hai ngôi đình to lợp lá cọ thờ thánh Tản Viên, thần Quý Minh và một ngôi chùa lớn tên là Thiên Thành thờ nhiều tượng Phật.
Đoàn lặng lẽ đi tới cổng Dõng, một người lính còn trẻ đeo súng dài chạy từ điếm gác ra mở cửa. Mọi người đi vào ngôi nhà gỗ năm gian, tường xây và quanh vườn đều xây bao bằng gạch đá ong. Khi quan quân kéo từ Sơn Tây về đây, Lãnh Mai dành nhà riêng của mình cho quan quân làm Đại bản doanh. Phía trước nhà là đồng Chằm, nước sâu, ven bờ ấu súng mọc đầy. Xa xa về phía làng Thụy Vân là đồng Lô, đồng Láng, có con ngòi Dài chảy giữa đồng chiêm về phía làng Cao Xá, đổ ra sông Thao. Dưới xóm Dõng có một giếng cổ rộng hai mét rưỡi, sâu hơn 4 mét xây tang giếng bằng đá ong, bốn mùa nước trong vắt. Từ khi quan quân kéo về, nhu cầu về ăn uống, tắm giặt nhiều hơn, quan Lãnh Mai cho khơi thêm ba giếng nữa ở ven đồi để có thêm nước phục vụ quan quân và dân làng. Vợ con của quan Lãnh Mai không ở chung, được Lãnh Mai đưa sang gửi người nhà bên ngoại ở xóm Giếng làng Sơn Vy.
Vừa đến nhà thì mấy người lính đi thuyền đã về tới nhà từ lâu. Họ đã ăn cơm trưa tại nhà, đang hò hát vui vẻ. Thấy Lãnh Mai và đoàn đi bộ đến nhà, họ đến líu tíu phô chuyện:
- Chúng tôi về nhà lúc sớm, nhân tiện còn xuống đồng Chằm dăng lưới đánh dập bắt cá. Hôm nay chúng tôi vớ được món cá to, chừng tạ rưỡi cá chép, cá chắm. Chúng tôi đã mang đến nhà bếp để nấu bữa trưa mời các quan, khách và binh sỹ đi xa về ăn.
- Vẫn biết là con đường thủy đi thuyền đến nhà nhanh hơn, nhưng hôm nay quan Bố Giáp muốn đi bộ nắm thêm về địa hình để bài binh bố trận. Các cậu đi về trước biết bắt cá làm thức ăn, thế là tốt! Nhưng nhớ cất thuyền, giầm chèo cẩn thận để khi cần đi mang ra dùng. Tới đây, chúng ta phải dùng thuyền về làng Cao Mại, Trịnh Lời, Tứ Xã, Kinh Kệ, Sơn Dương, Hữu Bổ, Cao Mại, Sơn Vy để thu lương thực. Không có quân lương thì quân quan đói không thể đánh giặc cứu nước. Còn phải dùng thuyền đi chống càn, phục kích địch ở mạn Sơn Tây, Hưng Hóa, Vĩnh Tường. Các cậu binh sỹ không phải là người miền sông nước thì phải tập dùng thuyền, bơi thuyền, vác thuyền, tập bơi lội cho giỏi. Tới đây cũng phải tổ chức những cuộc bơi thi cho quân sỹ thi đua luyện tập, bơi nhanh là thắng cuộc. Việc dùng thuyền giỏi là sở trường của quân thủy binh Đại Nam ta đánh thắng giặc rõ chưa nào?
- Chúng tôi biết rồi ạ.
- Trưa rồi, đã ăn cơm no thì về nhà tranh thủ ngủ đi, chiều có việc công vụ đi các nơi đấy.
Mấy người lính cần vụ nghe lệnh đi về lán trại nằm nghỉ. Mọi người vừa đi về ra bếp ăn cơm, riêng phần cơm của Bố chánh, Lãnh Mai và mấy người lính là khách đến chơi thì được lính mang đến tận nhà khách. Mọi người ăn cơm trưa rất ngon, có nhiều món cá mới được bắt từ đồng Chằm, đồng Lô. Bữa ăn của quan lính thời chiến rất đạm bạc, đơn giản. Phó Đốc Đương còn chưa quen. Thấy vậy, quan Bố chánh nhắc nhở:
- Phó Đốc Đương cần phải làm quen với cuộc sống lính tráng đi nhé! Xảy nhà ra thất nghiệp, cuộc sống thường ngày của nghĩa binh rất khó khăn. Hôm này tại Đại bản doanh còn được như thế này, còn tươm đấy. Vài hôm nữa đánh trận, cơm chẳng có ăn, nước chả có uống, phải chịu nhịn cho quen. Là Phó Đốc binh, người tướng cầm quân đến vài ba trăm người, phải chui thương chịu khó, làm gương cho binh sỹ, thức khuya, dậy sớm, nhường nhịn anh em. Về kiến thức thì trên thông thiên văn, dưới thông địa lý, hiểu biết lòng người, như vậy mới có thể trở thành người tướng giỏi.
Trước lời dăn dạy của quan Bố chánh, Phó đốc Đương nói:
- Tôi xin hứa với quan Bố chánh, sẽ rèn luyện tích cực để đáp ứng với lòng tin cậy của quan quân. Bản thân tôi phải cố gắng nhiều, phấn đấu nhiều để bằng anh em và bằng bạn. Cuộc chiến tranh chống giặc Pháp vô cùng gian khổ, tôi đã bắt đầu nếm trải. Từ khi anh em binh sỹ từ thành Sơn Tây về làng Thạch Sơn chúng tôi đã gắn bó với nghĩa quân, đào hào đắp lũy, bày binh bố trận, đánh tập kích, chống địch càn, vào sinh ra tử nhiều lần. Lần này, quan Bố chánh về làng thăm nhà biết gia cảnh, biết khả năng, giao cho chức Phó Đốc binh, nhận thấy vinh dự và trách nhiệm. Xin hứa với quan Bố chánh và bạn Lãnh Mai rằng sẽ quyết tâm chiến đấu lập công! Mong rằng quan Bố chánh, Lãnh Mai, Tán Dật giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ và mau chóng trưởng thành!
Quan Bố chánh nhìn Lãnh Mai giao nhiệm vụ cụ thể:
- Chiều nay, Lãnh Mai dẫn bạn mình thăm căn cứ Thanh Mai, chỉ cho Phó Đốc binh biết cách bố trí phòng thủ, cách đánh chặn, cách đánh tập kích địch trên đồi núi, trên sông nước, trên đồng bãi. Xem bạn mình có ý kiến gì hơn thì nói lại cho tôi biết, tôi sẽ phổ biến một số kinh nghiệm thực tế cho Trần Đương hay để anh ta cùng với Tán Dật, chỉ huy quân dân Thạch Sơn đánh thắng địch. Bây giờ đào tạo chỉ huy đều phải qua thực tế, chứ không thể qua lớp học, trường võ bị nữa. Đất nước, nhân dân ta đang cần gấp những người có chí có tài chỉ huy quân và dân đánh Pháp. Trần Đương chẳng phải học đâu xa, học ngay người bạn từ thời để chỏm là Lãnh Mai, hai mười năm đi lính đã trở thành phó lãnh binh, lãnh binh cầm quân hàng tỉnh đấy. Bây giờ là Phó Chỉ huy nghĩa quân Thanh Mai, một người chỉ huy giỏi khiến cho quân Pháp mất ăn mất ngủ, một anh hùng chống quân Pháp xâm lược, được toàn dân Sơn Tây, Hưng Hóa ngợi ca. Há chẳng phải là niềm tự hào của quan quân và dân làng Thanh Mai hay sao?
Được nghe lời khen ngợi Lãnh Mai của quan Bố Giáp, không khí bữa cơm trưa càng vui nhộn. Gió từ ngoài đồng Chằm, đồng Lô thổi về mát rượi. Phó Đốc binh Đương nhớ câu chuyện thần thoại mà ngày trước đến chơi nhà Lãnh Mai, cụ thân sinh ra Lãnh Mai đã có lần kể cho Trần Đương nghe:
- Chuyện rằng ngày xửa, ngày xưa ông Thần Nông về đây bắt voi đi cầy. Voi đi thẳng nên đồng đất giáp làng Sơn Vy, Thanh Mai thì thẳng bằng, khi đến làng Mai Đình và Thụy Vân voi đi queo nên đồng đất quanh co. Buổi trưa thần nghỉ thả cho voi đằm nên Thanh Mai và Mai Đình có nhiều chằm nước, đồng nước như bây giờ.
Quan Bố chánh lằng nghe rồi nói:
- Truyện thần thoại là chuyện của con người tưởng tượng ra những nhân vật, những sự việc để nhằm giải thích các hiện tượng có trong tự nhiên, trong xã hội. Nhưng cái hay là trí tưởng tượng thật bay bổng, diệu kỳ. Đời xưa, thời Hùng Vương các cụ đã nghĩ ra nhân vật huyền thoại Thánh Gióng chẳng phi thường hay sao, mới lên ba mà đã cưỡi ngựa sắt phun ra lửa, lao thẳng vào quân giặc, quét sạch bọn giặc Ân chỉ trong một buổi. Bây giờ ta ước gì có một ông thần xuất hiện đuổi được giặc Tây trong một ngày để muôn dân khỏi khổ đau.
Nghe quan Bố Giáp nói chẳng ai nói thêm gì. Họ chăm chú ăn uống cho no rồi đi nghỉ. Buổi trưa trên đất Thanh Mai rất yên tĩnh. Ngoài đồng, chằm nước vang vọng tiếng cò, chim le le và tiếng lũ vịt nhà thả đồng kêu cạc cạc gọi nhau. Thỉnh thoảng có đàn chim sâm cầm từ phương bắc bay về hạ cánh xuống đầm nghe ầm ào. Mùa đông đang tới gần, chim di cư đang bay về, lá cây vườn, là cây rừng cuối thu bắt đầu rụng lá. Sau những trận gió, lá cây rơi xuống mái nhà xào xạc. Lãnh Mai và Phó đốc binh Đương sau bữa ăn trưa đi nằm nghỉ đều không ngủ được, họ nhớ về tuổi thơ, về tuổi trưởng thành, nhớ cha mẹ, vợ con và những người thân yêu.
Lãnh Mai dậy trước và gọi bạn mình dậy cùng ra khỏi nhà. Hai người đi xuống giếng cổ múc nước rửa mặt, tăm táp cho sạch sẽ. Lãnh Mai nhớ nhiệm vụ của mình, gọi Trần Đương cùng đi. Ông chỉ cho bạn mình những giếng mới được khơi thêm nắm ở ven đồi xóm Dõng. Nơi đây còn là bến thuyền, có rất nhiều thuyền mới về buộc dưới những gốc cây sung Nhiều chiếc thuyền mới quân lính dìm xuống ngâm nước sau khi sơn đã khô.
Hai người đi về phía bên trái xóm Dõng có một cổng tre đi về phía tây bắc. Lãnh Mai bảo đó là cổng Mòng, dưới cổng Mòng có lối đi ra phía đồng Sơn Vy, Cao Mại và ra thôn Khang Phụ. Đối diện với cổng Mòng có lối đi ra cổng Bưng hướng ra đại đồn, các cánh cổng làm bằng tre tươi. Chung quanh Đại bản doanh được đào hào, ngoài là rào tre rất kiên cố. Tại xóm Đình và xóm Lảo Quân, đồn quân trung tâm cũng được bao bọc một hàng rào tre, bên trong có hào sâu có thể đi lại được, để phòng thủ. Giặc đến binh sỹ có thể dùng súng, dùng nỏ, cung tên tẩm thuốc độc, giáo mác, lao sắt đánh tiêu diệt.
Nhìn thấy Lãnh Mai và Phó Đốc Trần Đương, quân ở đại đồn gác trên đồi cao í ới gọi. Đốc binh Hoàng Kim và Phó Đốc binh Nguyễn Dũng ở trong nhà dân ra tận cổng đón tiếp. Báo cáo cho Lãnh Mai biết, quân sỹ vẫn thường xuyên luyện tập cách ứng phó với địch, cho rằng nếu quy mô tấn công của địch lên tới hàng nghìn, căn cứ Thanh Mai vẫn có thể được giữ vững.
Lãnh Mai nói:
- Các ông đã biết, giặc Pháp tấn công thành Sơn Tây với lực lượng đông tới hơn 9000 tên. Đánh Thanh Mai có thể địch sẽ dùng nhiều quân hơn. Sau khi chúng đánh chiếm các mục tiêu là thành trì phía bắc Bắc Kỳ chúng thể nào cũng quay lại đánh chiếm Thanh Mai-Thạch Sơn, Tiên Động và đánh dẹp các cuộc nổi dây của dân ta. Chúng ta quyết giữ Thanh Mai vì đây là vị trí chiến lược quan trọng, nơi quan quân còn kiểm soát được một phần đất rất rộng lớn vùng đồng bằng và Tây Bắc,Việt Bắc.
Đốc binh Hoàng Kim báo cáo khó khăn của căn cứ Thanh Mai đang gặp phải là thiếu vũ khí, không có súng đạn, thậm chí thiếu cả giáo mác, gươm đao. Lãnh Mai nhìn quan quân quần áo rách, thiếu vũ khí, trang bị bàn cách khắc phục tạm thời:
- Việc thiếu trang bị vũ khí là một thực tế, chúng ta sẽ khắc phục bằng cách cho anh em dùng cung, nỏ, dao, giáo. Thanh Mai đã mở một xưởng rèn đúc trong xóm Dõng làm được gươm giáo, dao nhọn, dao dài, cung nỏ, các loại vũ khí đánh gần. Tất nhiên, không thể để anh em thiếu vũ khí mãi. Về quần áo mùa đông đang tới, Bố Giáp đã cho người đi vận động nhân dân trong vùng Lâm Thao, Thanh Ba, Vĩnh Tường, Ba Vì lo cho anh em cả ăn lẫn mặc, không để cho anh em mình đói rét.
Mùa đông đang về, trời đã có dấu hiệu mù sương, núi đồi sầm sậm một màu xanh xám. Xa xa trên đồng Lô, đồng Dài xuất hiện những đàn chim sâm cầm mới bay về đang mải mê bơi lội tìm thức ăn. Cây súng, cây sen đã ngả vàng, những cồn cỏ, những cánh bèo trên đầm, trên đồng cũng ngả sang màu vàng úa như là để cùng họa một màu. Trời về chiều có nắng, nhưng mát mẻ dễ chịu, gió bắc thổi nhè nhẹ. Cảnh trí Thanh Mai có những khoảnh khắc rất đẹp, nên thơ. Mọi người đến đây ở cảm thấy người nhẹ nhàng như những cánh diều đang được thả trên tầng cao.
Hai người từ biệt đồn Trung quân đi ra phía xóm Bàn Cờ, Lãnh Mai chỉ tay về phía trước, nói như thể giới thiệu về vùng đất lịch sử này:
- Ngày xưa, vua Hùng và các quan lang đến đồng đất này để săn bắn. Ngắm nhìn vùng đất phẳng như bàn cờ nên gọi là trang Bàn Cờ. Vua cử các quan coi giữ, thỉnh thoảng vua về đây săn bắn. Sau có người dân đến ở, vua lại cùng dân đi săn, được thú rừng thì giết thịt chia cho từng người. Săn bắn được nhiều thì làm giò chả đem về lễ Tổ tiên và cho triều thần cùng ăn. Ngày xuân xưa dân ở vùng này đông vui, mùa xuân năm ngoái quan quân về đây đông vui hơn. Năm nay, quân ta giữ vững căn cứ, đánh thắng nhiều trận, thanh thế lên cao, chắc là đông vui hơn hẳn.
- Lãnh Mai này, anh bố trí lực lượng ở đây như thế nào?
- Mình đã bố trí lực lượng ở xóm Bàn Cờ khoảng hơn một trăm quân. Chia làm bốn phòng tuyến, vòng ngoài cử một đội quân trấn giữ, hai vòng giữa cũng cử hai đội quân canh phòng, vòng trong cùng đưa ra một đội quân bảo vệ. Các vòng cách nhau 500 m, mỗi tổ trong một vòng bố trí so le cách nhau 50 mét, mỗi vòng đều có rào chắn bên ngoài, bên trong có hầm hào tránh pháo và chỗ nấp để bắn ra. Có cổng tre thông với nhau để liên lạc và khi cần thiết ứng cứu cho nhau. Địch có thể theo đường bộ từ Việt Trì lên, từ làng Minh Nông, Thụy Vân đến. Chúng chắc chắn sẽ kéo tới xóm Bàn Cờ đi theo đường này, để đánh vào trung tâm.
- Đúng là địch sẽ vào Thanh Mai theo đường bộ. Một là theo đường Chu Hóa, Khang Phụ, hai là theo hướng đường này. Ta bố trí phòng thủ như thế có phần chắc chắn. Nhưng quân phòng thủ, thường bị động, khi nổ súng đánh trả thì trận địa coi như là lộ hết. Địch có nhiều quân, cố kiết bao vây, chúng ta khó có thể giữ được lâu. Quân ta ở căn cứ Thanh Mai có chừng hơn 400 người, chia ra nhiều ngả canh giữ, lực lượng mỏng càng khó giữ vững. Trong khi đó, chúng ta không tận dùng thời gian này, đánh tràn ra, chia quân giữ lấy nhiều vùng đất miền đồng bằng trù phú, đông dân mà cứ lo cố thủ e mất thời cơ rồi.
- Tại sao vậy hả, Trần Đương?
- Sau khi thành Hà Nội thất thủ, địch đánh chiếm Hải Dương, Nam Định sau đó là Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Tuyên Quang. Quan quân ta chạy dài, chỉ lo cố thủ, không biết rằng chúng ta còn vùng đồng bằng đông dân trù phú. Để cho địch chiếm một cách dễ dàng, chúng chiếm được đất, được dân, ngay lập tức lập bọn tay sai cai trị. Đến nay, chúng ta khó có thể giành lại được đất, được dân. Giặc Pháp nham hiểm cấu kết với vua quan tay sai bán nước đàn áp nhân dân, những văn thân, tướng sỹ của ta có chí có gan cứu nước, cứu dân cũng không lật được thế cờ vì đã để mất đất, mất dân rồi.
Vẻ suy nghĩ, Lãnh Mai nói:
- Chúng tôi vẫn cho quân đi đánh địch ở Vĩnh Tường, Tam Dương, Vĩnh Yên, vượt sông Thao đi đánh địch bên Ba Vì, Thanh Oai, Mỹ Đức, Chợ Bờ, nhưng lại không có chủ trương giữ đất, giữ dân. Đánh xong, diệt được giặc là rút, không tạo ra chính quyền của riêng mình. Không có quân tại chỗ, đi từ đây về các nơi đó, có chỗ dựa là dân, nhưng không chắc chắn. Lần đầu về đánh được, nhưng lần sau về không đánh được nữa.
Trần Đương thở dài:
- Việc binh cũng như việc nhà, phải tính đến lợi, “sức dùng một nửa công được gấp đôi” thì làm. Ta bỏ sức ra mà chẳng có ích gì, công chẳng thu được gì, thật phí phạm quá. Tinh thần của quan quân của dân ta thì cao, nhưng chúng ta chưa có một người cầm quân thiên tài. Cứ như thế này, chúng ta còn gặp khó khăn, còn gặp thất bại và có thể mất hết.
Lãnh Mai biết bạn mình hay nói thẳng, nói thật, không giữ mồm, giữ miệng. Chỗ ba quân bộc trực quá, nhiều khi hệ lụy nên cố ý nói lảng ra:
- Mình không nghĩ được sâu xa như bạn đâu. Trên bảo đánh là đánh, lập công thì được, thua thì cũng chẳng sao cả, có khi thua lại còn được quan trên thăng thưởng.
- Sao lại có chuyện kỳ vậy?
- Chẳng là khi bọn mình chặn đánh giăc Tây ở cầu Phùng, đội quân của mình chết gần hết bởi pháo địch. Mình chỉ huy binh sỹ chặn giặc, chủ quan không cho đào hầm hào, nên chiến hữu bị thương vong nhiều. Mình xót thương anh em, biết mình không có tài chỉ huy mới để cho quân ta chết thê thảm như thế. Trận ấy, về thành mình lại được thăng chức Sơn Tây tăng thiết Phó Lãnh binh kia đấy.
- Pháp đánh Sơn Tây lần 2 với số quân lên tới trên 9000 tên, pháo binh địch yểm trợ tối đa. Quân ta gồm cả quân Cờ Đen cũng chỉ có gần 2000 người. Đã quyết tâm chiến đấu giữ thành, nghe nói quân Tây chết và bị thương lên tới trên 400 tên. Trận đánh ấy, Lãnh Mai ở đâu mà sao anh vẫn được an toàn?
- Trận ấy mình dự ngay từ đầu, khi địch kéo lên cách thành Sơn Tây chừng 5 cây số. Quân ta và quân Cờ Đen cùng đánh chặn địch. Quân Cờ Đen vốn là đội quân Thái Bình Thiên quốc ở bên Tàu chạy sang, được quan quân ta sử dụng để đánh Pháp. Tướng Lưu Vĩnh Phúc có công giết giặc Pháp được vua Tự Đức phong chức đề đốc. Chính họ đã tham gia đánh Pháp giết được tổng chỉ huy Gác-nê-e và Ri-vi-e tại Cầu Giấy tạo được uy thế. Trong trận đánh ở Sơn Tây họ treo thưởng cao lắm, hễ ai cắt đầu một thằng Tây trắng đem về được thưởng 50 lạng bạc, một đầu Tây đen thì thưởng 40 lạng. Nên vào trận những quân lính Cờ Đen chỉ chăm chắm tranh cắt được một cái đầu Tây đem về. Bọn mình vừa bắn chết được mấy thằng Tây, bọn Tây sợ còn chưa dám ra thu xác. Đến tối đã thấy lính Cờ Đen ra cắt lấy đầu lâu đem về lĩnh thưởng. Khi đánh vào thành Sơn Tây, bọn Tây lừa quân Cờ Đen ra giữ cửa Hữu, đã tập trung quân và pháo bắn tiêu diệt. Trận ấy, gần 1000 quân Cờ Đen chết và bị thương. Còn quân ta đã lợi dụng lúc quân địch tập trung về phía cửa Hữu. Chập tối rằm tháng 10, lúc trăng vừa lên, quân ta nhanh chóng rút ra cửa Hậu và cửa Tả, hướng lên phía bắc qua làng Đường Lâm đến làng Cổ Đô, rồi lặng lẽ vượt sông Thao trở về Thạch Sơn và Thanh Mai.
- Như vậy, quân Cờ Đen là đội quân ô hợp không có động cơ chiến đấu vì dân, vì nước. Họ xả thân, liều lĩnh đánh trận vì tiền bạc, vì thăng thưởng. Khi thuận lợi thì theo ta, khi khó khăn thì theo địch. Mới đây, có nhiều quân Cờ Đen chạy theo giặc Pháp, quay lại đàn áp dân ta. Chúng ta không nên dùng họ nữa!
Lãnh Mai gật đầu tán thành, ông nhìn Phó Đốc Trần Đương đang đi trước, nói:
- Họ quân đông, trang bị vũ khí tốt, người cầm đầu là Lưu Vĩnh Phúc tài năng, thiện cảm với Đại Nam, có ý thức chống giặc Tây nên quan Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích đã tranh thủ được họ cùng quân ta chống Pháp. Nhưng bây giờ triều Thanh đã có lệnh triệu hồi họ về nước rồi, may cho ta không phải đem quân chống lại họ. Mấy trận vừa rồi ở Lạng Bằng, họ với quân Tàu cũng chẳng làm nên trò trống gì. Quân Pháp đã đánh thắng quân Tàu, buộc họ ký hiệp ước công nhận quyền thống trị của Pháp trên toàn cõi Đại Nam.
Hai người vừa đi vừa trò chuyện say sưa. Khi đến phòng tuyến trong cùng, mấy người lính trông thấy Lãnh Mai ra đón vào đồn. Hai viên chỉ huy cánh quân phía đông là Đốc binh Lê Thanh và Phó Đốc binh Trịnh Viễn ra tiếp.
Đốc binh Lê Thanh báo cáo:
- Đạo quân phía đông, cả thảy có 132 người. Đội quân tiền tiêu được bố trí tại đồn Lú trên đất làng Minh Nông, gồm có 21 người. Chúng tôi huy động thêm dân binh các làng Thanh Vân, Quất Hạ, Quất Thượng canh giữ, không cho địch từ Bạch Hạc, Việt Trì nống lên. Có nhiệm vụ giữ mối liên lạc từ miền xuôi lên, báo cho quan quân biết những cuộc hành quân truy quét của giặc để phía sau ta chuẩn bị đối phó. Trên xóm Bàn Cờ ta bố trí dày đặc bốn phòng tuyến đánh địch từ Việt Trì, Thụy Vân, Cao Xá đánh đến, có dân binh từ các làng Kim Đức, Cao Xá, Vĩnh Lại, Trịnh Lời hỗ trợ. Hiện nay, tinh thần của binh sỹ rất tốt, sẵn sàng đánh địch. Chúng tôi đã cử anh em đi phối hợp tác chiến đánh địch trên các mặt trận, lập được chiến công, giết được nhiều địch, thu được vũ khí trang bị cho quân mình.
Hai vị chỉ huy cùng quê gốc Vĩnh Yên với Lãnh Mai, lại cùng đi lính tại Sơn Tây, gắn bó với nhau trong nhiều trận nên họ nói chuyện rất vui. Quê Đốc Thanh ở làng Thổ Tang, Vĩnh Tường; quê Phó Đốc Trịnh Viễn ở làng Vũ Di, Vĩnh Tường; quê gốc Lãnh Mai ở Vực Sanh, Vĩnh Yên nên ba người có quan hệ khá thân thiết với nhau.
Đốc Thanh nhìn Lãnh Mai và Trịnh Viễn thì thầm:
- Bao giờ hết giặc, anh em mình cùng về quê Vĩnh Yên nhỉ?
- Mình cũng nhớ nhà, nhớ quê vô cùng, nhớ vợ con, nhớ cả con trâu thửa ruộng. Thời thế đổi thay, đang hòa bình hóa ra thời chiến. Giặc Tây nó chiếm nước ta, đặt ách đô hộ, dân mình sẽ vào thời kỳ khổ cực vô cùng. - Phó Đốc Trịnh Viễn vừa nói vừa thở dài vẻ ngao ngán.
- Mình vừa rồi có về quê, đưa quân tập kích tụi Tây về chiếm Vĩnh Tường. Diệt mười hai thằng Tây trắng và một lũ người Nam đi theo làm tay sai. Tính chuyện ở lại mộ quân đánh Pháp nhưng Bố Giáp cho người xuống gọi về. Thế là công cốc, không giữ được dân, được đất coi như là ta thua.
Lúc này, Lãnh Mai mới hiểu sâu sắc lời bàn của Trần Đương ở dọc đường. Việc binh cũng như việc nhà phải tính đến lợi, đánh thắng giặc rồi mà bỏ đi thì công của mình bằng không chẳng nên cơm cháo gì. Việc binh rất cần người biết tính toán, tính toán như thần, tính toán giỏi thì thắng, tính toán kém thì thua. Lãnh Mai nhớ tới nhiệm vụ chiều nay, nói với các bạn:
- Chiều nay, tôi có nhiệm vụ đưa Phó Đốc Đương chiến hữu bên Thạch Sơn đi thăm một số đơn vị, nay đến giờ trở về. Chúc các bạn mạnh giỏi, chỉ huy chiến đấu lập nhiều chiến công. Hiện nay quân Pháp đã chiếm xong Bắc Kỳ, triều đình Huế bạc nhược đã đầu hàng, phản bội dân tộc ký Hiệp ước Pa-tơ-nốt công nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp. Chúng ta đứng về phía nhân dân, kiên quyết chiến đấu không chịu hạ vũ khí, không đầu hàng! Dẫu thân ta phải chôn vùi trong chốn sa trường, chúng ta quyết không sợ, chỉ có một con đường chiến đấu chống lại lũ giặc Pháp, giải phóng nhân dân, giải phóng đất nước.
Lãnh Mai không đưa bạn ra đồn Lú nữa, nghĩ rằng nói như thế, chỉ dẫn như thế là bạn mình đã hiểu rồi. Hai người từ biệt phòng tuyến Bàn Cờ trở lại khu đại đồn, giữa rừng cây trong buổi chiều in ắng. Nhìn xa làng mạc Thanh Mai và Mai Đình như có gì bí ẩn. Trong các nhà dân, khói lam chiều đang tỏa ra, vẻ bình yên nhưng ẩn chứa điều bất thường không báo trước những cơn bão lửa vào một ngày nào đó sẽ trùm lên.
Trần Đương nhìn về phía trước nói với bạn:
- Xem chừng, Thanh Mai là một căn cứ mạnh mà quân Pháp rất đáng gờm. Dân chúng đã có lời ngợi ca:“Nhất Thanh Mai nhì Bãi Sậy” là rất đúng. Nghĩa quân của Tán Thuật mới nổi lên, phải dựa vào vùng Bãi Sậy trên đất Văn Giang, Khoái Châu thuộc tỉnh Hưng Yên để đánh Pháp. Quân lực chưa đông bằng Thanh Mai, thanh thế còn chưa bằng Thanh Mai, thủ hiểm chưa bằng Thanh Mai. Nhưng ở giữa miền đồng bằng, Bãi Sậy binh lực sẽ đông lên, kiểm soát được dân chúng, giữ được đất đai, nên Bãi Sậy sẽ hơn Thanh Mai cho mà xem. Lịch sử sẽ nhắc nhiều đến Bãi Sậy mà không nhắc nhiều đến Thanh Mai, nếu như Thanh Mai không được giữ vững, không bán trụ được lâu.
Lãnh Mai lòng man mác buồn không bàn việc quân cơ nữa mà nói sang chuyện khác:
- À này, cụ Trần Mạnh bố anh biết bấm số Thái ất có nói cho anh rõ số phận ra sao?
- Bố tôi không bao giờ nói cho con mình biết số phận thế nào. Nhưng mà có sách mình tự xem được mà, có cái là mình không có khả năng nhìn thấu mọi việc, nên không tường tận. Bố mình vừa xem số tướng, vừa bấm được số Thái ất, lại có khả năng nhìn thấu mọi việc, nên đã tiên tri được sự việc sắp diễn ra, số phận con người và vạn vật gặp phải, đúng như thực. Nhưng cụ không bao giờ nói rõ, cụ bảo con người khi biết trước số phận, nếu không làm chủ được sẽ có hại cho người ấy.
- Thế, anh xem cho anh và tôi thì thấy thế nào?
- Kết cục là không được tốt! Nhưng biết làm sao? Từng trải như anh cũng có thể phán đoán, tiên tri được số phận của mình rồi. Nhưng cuộc đời thì phải theo con đường chính nghĩa mà đi, hướng nơi ánh sáng mà tới. Anh đã nói với bạn bè, với binh sỹ lúc nãy rồi đó. Nói thế nào thì mình làm như thế, ai lại có thể làm khác được nữa.
Hai người lặng lẽ rảo bước, nghĩ suy và ngừng nói chuyện. Trong lòng như đang có những đợt sóng ngầm, họ không thể không bàn tới việc binh. Lãnh Mai muốn hỏi thêm về kiến thức quân sự mà sách binh pháp đã dạy:
- Anh là con nhà Nho, đọc nhiều sách binh pháp, cho mình vài lời dạy được không?
- Mình có đọc nhiều, nhưng chỉ nhớ được ít thôi. Hiểu biết nó, biết vận dụng sáng tạo nó vào thực tiễn mới là khó. Nhưng có những cái là chân lý bất di bất dịch như “ Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Ta ở đây phải biết Tây nó đã làm gì, đang làm gì, sẽ làm gì, biết cặn kẽ lực lượng, sở trường, sở đoạn của nó thế nào. Về phía ta cần phải biết làm gì, lực lượng, vũ khí có gì, tương quan giữa ta và địch, cần phải làm gì trước, làm gì sau, phải tính toán chi ly, tỷ mỷ. Trước một chiến dịch hay trong một trận đánh người chỉ huy đều phải biết, muốn biết hết phải nhờ nhiều người, nắm bắt được tin tức thì thắng, không nắm bắt được tin tức thì bại. Cho nên vai trò người tướng cầm quân rất quan trong, tướng giỏi thì thắng, tướng kém thì thua. Vì thế người tướng phải có phẩm chất “ Trí, dũng, nhân, tín, trung, liêm”.
Thấy bạn mình bàn rất hay, Lãnh Mai muốm biết Phó Đốc Đương có ý kiến riêng nhận xét gì vì căn cứ Thanh Mai và Tiên Động với những người chi huy nổi tiếng như Bố chánh Nguyễn Văn Giáp, Tuần phủ Nguyễn Quang Bích. Ông bảo Trần Đương ngồi nghỉ tạm dưới một gốc cây trên con đường mòn và hỏi dò. Biết ý bạn,Trần Đương nói luôn:
- Lãnh Mai này, mình đã nhận xét về Tiên Động và Thanh Mai rồi đó. Ở thế yếu bị mất thành mới đi tìm chỗ hiểm cố thủ, bỏ lỡ thời cơ, để mất đất mất dân, khó lấy lại thế cờ lắm. Hai người chủ tướng của chúng ta rất đáng kính có đủ phẩm chất của người tướng giỏi như sách binh pháp đã nói, nhưng thiếu cái vượt trội về “mưu lược”và “dũng lược” của một thiên tài. Mình chỉ có lời bàn như thế để Lãnh Mai xem xét, tự hiểu thêm, cũng không nên nói với ai điều này nhé. Chúng ta đã nhất quyết theo các ông ấy đánh giặc Tây thì chỉ có một lòng trung thành đến cùng. Dân ta trước sau vốn không tôn thờ kẻ hai lòng đâu.
Hai người vui vẻ cầm tay nhau cùng đứng dậy. Họ rảo bước trong rừng thân quen có những cây lim, cây sến to mấy người ôm. Họ đi về phía núi Dõng trên đó có một bãi tập dành cho binh lính mới. Bên giếng Vật nước sâu, quân lính được xếp hai hàng đang hò reo vỗ tay inh ỏi, cổ vũ cho hai đô vật trần trục hỳ hục thi đấu. Trông thấy Lãnh Mai và Trần Đương, người đội trưởng Nguyễn Bá Cương muốn thổi còi dừng lại. Biết ý Lãnh Mai vẫy tay bảo người đội trưởng cứ tiếp tục cho vật.
Cuộc đấu nào thì cũng có người thắng người thua. Người lính trẻ có vóc dáng to lớn, bị một người lính có vóc dáng cao mảnh khảnh vật ngã. Chỉ vì bị người lính cao kia chộp được cẳng chân, giật anh to ngã ngửa, nhanh chóng lấy tay gô cổ và bẻ go một chân, lấy toàn thân mảnh khảnh đè lên bụng người to lớn. Thế là anh lính người to lớn kia thua trắng bụng rồi.
Một hồi còi vang lên, hai hàng lính mới được tập họp ngay ngắn. Đội trưởng Nguyễn Bá Cương tiến ra báo cáo Lãnh Mai:
- Thưa quan Lãnh binh, chúng tôi gồm 23 lính mới đang luyện tập võ bị. Chiều nay chúng tôi thi vật, ném đá và phi lao. Xin chỉ thị của quan Lãnh binh!
Lãnh Mai bước ra trước hàng quân nói to:
- Thưa toàn thể binh sỹ! Hôm nay tôi mới có thời gian đến thăm anh em luyện tập. Thấy anh em hăng hái tôi rất mừng. Việc luyện tập võ bị rất cần thiết không phải chỉ có anh em lính mới mà anh em lính cũ cũng phải thường xuyên luyện tập. Hiện nay, ta đánh giặc Tây xâm lược cần phải sử dụng tốt vũ khí đánh gần như gươm, dao, mác, giáo, các loại súng ngắn, súng dài thậm chí phải biết sử dụng các loại vũ khí đánh xa như súng trường, đại bác của Tây nữa. Đội trưởng Cương cần đi xuống các đơn vị liên hệ với anh các đạo, các đội cùng kết hợp luyện tập. Binh lính phải biết sử dụng các loại vũ khí cho thành thạo, phải tập đánh gần, đánh ngày, đánh đêm, đánh trên đầm, trên sông, trên biển, trên đồi, trên núi, trên đồng, trên bãi. Chỗ nào, địa hình nào, thời gian nào cũng biết đánh giỏi thì thắng. Anh em còn phải biết phối hợp tác chiến giữa các tổ, các đội, các đạo, các đơn vị dân binh của các địa phương và các đơn vị chính quy của ta nữa.
Lãnh Mai nhìn binh sỹ một lượt, có ý như muốn nói thêm điều gì rất hệ trọng. Nhưng ông lại thôi, ông nói lời chào từ biệt binh sỹ:
- Tôi có việc bận, phải đưa Phó Đốc binh Trần Đương đi một vài điểm nữa. Chiều tối tôi có việc họp bàn với quan Bố chánh. Hẹn một ngày gần nhất tôi sẽ ra thao trường cùng các bạn luyện tập, văn ôn võ luyện mà, càng luyện tập được nhiều càng tốt bấy nhiêu.
Hai người chào anh em binh sỹ đi ra khỏi thao trường. Đội trưởng Nguyễn Bá Cương đưa tiễn một đoạn đường. Ông báo cáo thật với Lãnh Mai về tình hình tư tưởng và khả năng luyện tập của binh sỹ mới:
- Anh em mới nhập ngũ thì hồ hởi, nhưng khi bước vào luyện tập thấy thiếu thốn nên anh em có vẻ chán nản. Quần áo không có để thay, cơm ăn cũng chẳng đủ no, vũ khí không có để luyện tập. Quân lính ở các xóm, các đồn cũng chỉ ngồi chờ giặc tới mà không được luyện tập thường xuyên. E khi giặc tiến công, quân ta phòng thủ không nổi sẽ bị thất trận, các phòng tuyến bị vỡ, đồn bị phá, ta nên tính sao đây?
Nguyễn Bá Cương là người Thanh Mai, cùng anh em họ với Lãnh Mai nên anh ta cứ nói thẳng nói thật chẳng e dè gì. Sự thực thì Lãnh Mai cũng biết tình hình tư tưởng và đời sống thực của anh em binh sỹ. Đội trưởng Cương chẳng nói thì ông đã nắm được tình hình. Một số đạo quân, đội quân trong căn cứ đã có người đảo ngũ, hoặc bỏ trốn trong khi đi làm nhiệm vụ. Ông nói với Đội trưởng Cương:
- Mình cũng biết thực tế ấy, đã báo cáo với quan Bố chánh. Ông ấy họp với các đạo, các đội cho chấn chỉnh quân ngũ, đã lo cho anh em ăn mặc, cấp vũ khí, trang bị. Có điều Đội trưởng Cương cần rèn cho anh em tinh thần kỷ luật, ý thức chịu đựng gian khổ, ý chí giết giặc lập công. Làm sao cho mỗi người lính trở thành anh hùng thắng không kiêu, bại không nản, xả thân cứu dân, cứu nước.
Đội trưởng Cương nghe xong quay lại về bãi tập với binh sỹ. Hai người tiếp tục đi về phía Cồ Đất có cổng thông sang làng Khang Phụ. Dọc đường Trần Đương nói với bạn mình một câu trong binh pháp rằng: “Khéo che đậy không khi nào không thắng, vụng che đậy không khi nào không thua” và ông giảng giải:
- Lãnh Mai ạ, sách nói thế là người tướng phải biết che giấu lực lượng của mình, không cho kẻ địch hoặc đối phương biết gì về quân mình. Địch không biết đâu mà lường, không biết đâu là thực, đâu là hư, không biết đánh chỗ nào, như thế là khéo che đậy. Khi tác chiến, tướng cầm quân dễ đoạt được thắng lợi. Còn như vụng che đậy là để lộ hết, địch sẽ biết rõ đâu là chỗ đóng của cơ quan chỉ huy đầu não, có thành lũy kiên cố như thế nào, phòng bị như thế nào. Chỗ nào là nơi chính nơi phụ. Sẽ cử người chỉ huy, cử quân đến đánh, lại biết rõ sở trường, sở đoạn của binh sỹ, đánh càng nhanh được.
Nghe Trần Đương nói thế, Lãnh Mai có vẻ hốt hoảng.
- Nói thế thì căn cứ Thanh Mai, kẻ địch cũng đã biết. Giặc Pháp đã có bản đồ về Thanh Mai, ghi rõ đâu là Chùa, Đình, xóm dân cư, đầm, đồng, đồi núi và đường đi lối lại. Hôm quân ta đánh tập kích địch ở Hạc Trì có lấy được một tấm bản đồ của Pháp vẽ khá chi tiết và tỷ mỷ về vùng này.
- Không phải đâu Lãnh Mai à. Đó là bản đồ địa hình của người Pháp về vùng đất này. Chúng chưa biết rõ ta bố trí lực lượng ở chỗ nào đâu. Chỉ trừ những người chỉ huy và binh sỹ ra đầu thú, hoặc là người dân ra khai báo thì bọn Tây mới biết. Cho nên đối với ta phải đề phòng, những cái gì cần giữ không cho biết thì tuyệt đối không cho ai biết, cái gọi là bí mật thì tuyệt đối không cho người khác biết, kể cả người quen thân. Không cho binh sỹ biết nhiều về lực lượng, về kế hoạch, người dân không cho họ biết về số quân, hướng hoạt động, hướng tác chiến, hướng tiến công. Hiện nay, kẻ địch cũng chưa biết rõ về căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn, cũng như Tiên Động, chúng chỉ mới cho người đến trinh thám, thăm dò mà thôi.
- Thế thì chúng ta phải có chủ trương bàn giữ gìn bí mật. Ở thế thủ, quan quân càng phải biết giữ gìn bí mật, có phải thế không Trần Đương?
- Đúng là thế. Ta cần bàn ngay về việc giữ gìn bí mật, quan quân và dân cần phải biết giữ bí mật. Trong quân cũng phải tìm người phụ trách nắm bắt tin nội gián, hương gián, phản gián, có đường dây liên lạc để đưa các bí mật của địch về căn cứ. Đặc biệt phải gài người tin cậy làm nội gián, phản gián trong chính quyền tay sai, trong binh sỹ địch, trong dân cư các làng xã, huyện thị. Ta cũng phải có kế hoạch trừ gian trong quân lính, trong dân cư, trong chính quyền tay sai của địch.
Hai người mải mê nói chuyện, họ đã đến đồn Cồ Đất. Viên Đốc binh Hà Đức Thành và Phó Đốc binh Lê Thám ra đón. Họ mời hai người vào ăn cơm, bữa cơm chiều có thịt lợn rừng, binh sỹ vừa mới bắn được ở ven đồi. Trong bữa cơm, Đốc binh Hà Đức Thành có nói về tình hình binh sỹ:
- Binh sỹ thành Sơn Tây kéo về đây, bây giờ mới thực sự yên tâm. Số người dao động đã bỏ trốn rồi, chỉ có những người chí cốt mới ở lại. Họ đã xác định quyết tâm chiến đấu đến cùng chống quân Tây xâm lược. Quan quân cùng một chí hướng cả, nên quan Lãnh Mai đừng lo nhiều về họ. Bây giờ nên cử anh em đi đánh các nơi mà giữ lấy dân, giữ lấy đất. Không để lực lượng ta nằm chết dí ở đây như thế này.
Lãnh Mai gật gật đầu vẻ tán thành, Trần Đương nghe cho là rất phải, ông nói:
- Chúng ta cần phải rải quân ra mà đánh. Ngày xưa thần Nguyễn Trãi đã bàn: “Đánh nơi không có thành, công nơi không có lũy nhẹ nhàng như mưa rơi”. Ta đưa quân đánh chiếm những vùng ven thành, các vùng đồng bằng, đồi núi có nhiều dân cư. Chẳng phải đánh vất vả mà chiếm được rất nhanh. Không để mất đất, mất dân, quân địch có chiếm được thành cũng không làm gì được ta. Đi đến đâu, quân ta giương cờ Bình Tây Báo Quốc lên là ta có chính nghĩa rồi. Quân dân ta sẽ hướng về đó mà theo, thiếu quân đã có dân bổ sung, lực lượng sẽ dồi dào. Quan quân có lúc gian khổ, mất sức vì trận mạc, nhưng có dân hỗ trợ thì mau chóng hồi phục. Như quan quân ta từ thành Sơn Tây đến vùng Thanh Mai, Thạch Sơn này có dân nên đã đứng vững, phát triển lên được. Còn tiến sâu vào vùng thượng du sơn cước, trông vào dân chẳng có dân, thì quan quân cũng chết đói, chết rét, chết bệnh mà thôi. Cho nên từ lâu dân ta có câu nói: “Quân với dân như cá với nước” là rất đúng. Ai là người cầm quân giỏi không thể không chú ý việc kết hợp sức mạnh quân dân. Dân các nơi đang cần ta về bảo vệ, muốn cùng ta chung sức chiến đấu trường kỳ để giành thắng lợi.
Lãnh Mai nghe Trần Đương nói như bị thuyết phục, ông hỏi thêm:
- Ví như Thanh Mai, Thạch Sơn bị giặc vây đánh quân ta ở xa có thể trở về giải cứu được không?
- Ta chiếm được nhiều nơi, đến đâu ta lập chính quyền kháng chiến của ta đến đấy thì vùng đó coi như là của ta. Ta mạnh lên thì Thanh Mai-Thạch Sơn, Tiên Động chẳng thằng địch nào dám động tới. Ta để địch chiếm hết dân hết đất thì địch sẽ kéo về đánh ta. Lúc đó chẳng có ai cứu, nó sẽ rảnh tay tiêu diệt ta. Chúng sẽ kéo số quân lên tới năm bảy nghìn người, có đại bác yểm hộ, ta chỉ có vài trăm tay súng thì khó bề chống đỡ.
Phó Đốc Đương nhìn mọi người nói như để thuyết phục:
- Ta có quân lực ở nhiều nơi, Thanh Mai-Thạch Sơn bị tiến công cần giúp đỡ thì ta sẽ kéo về. Nếu biết được trước địch tiến công theo hướng nào thì việc cứu Thanh Mai-Thạch Sơn chẳng khó gì. Khi địch mạnh ta rút ra, cho địch vào chiếm; ta vây đánh chúng không ở được phải rút đi, ta quay về chiếm lại, cho chúng ngủ lại một thời gian cũng chẳng sao. Cứ như hiện nay ta chỉ chú trọng cố thủ, không cho quân đi giữ đất, giữ dân, giặc Pháp chiếm hết, ta bị bao vây cô lập, địch chủ động đến đánh ta. Đến lúc quân ta không bảo vệ nổi căn cứ, đội hình tan rã, không biết dựa vào ai, phải bỏ đi coi như thất bại hoàn toàn.
Nghe Trần Đương nói, Đốc binh Hà Đức Thành cứ xuýt xoa kêu tiếc:
- Tiếc quá! Hồi thành Sơn Tây thất thủ, tôi có ý định kéo quân về chiếm vùng Tam Dương, Vĩnh Yên. Nhưng đề nghị, các quan trên không đồng ý, cho nên phải kéo quân về đây. Nếu hồi ấy, tôi chỉ cần số quân này trong tay có thể chiếm toàn bộ đồng đất Tam Dương và Vĩnh Yên rồi. Về đó đông dân, quân lực có khi đông đến cả ngàn người theo. Bây giờ thì không làm được nữa, thế mới lấy làm tiếc! Nhưng hiện nay mà được về có thể chiếm vài xã, sau đó mở rộng ra giữ toàn huyện, toàn khu vực.
- Đó là thời cơ, thời cơ thực không nên lỡ. Như Đốc Thành nói thì thời cơ vẫn còn nhưng làm khó hơn. Thanh Mai-Thạch Sơn cũng như Tiên Động chúng ta nên xoay sang hướng tiến công thì tốt hơn. Cứ cố thủ mãi e thời cơ giành đất, giành dân không còn, quan quân miền sông Thao, Hưng Hóa sẽ bước vào giai đoạn khó khăn.
Nghe Phó Đốc Đương nói, Lãnh Mai cũng phải gật đầu cho là phải. Ông nghĩ người tướng giỏi cầm quân cần phải trí lược hơn người, biết nghe người, biết nhìn xa trông rộng, chỉ đạo như thần. Cứ một mực cố thủ, lo cho mình, lo cho đám binh sỹ của mình mà không biết lo cho đại cục, cho toàn dân thì cái họa thất bại là không tránh khỏi.
Ăn uống đã no nê, Lãnh Mai và Trần Đương từ biệt binh sỹ đồn Cồ Đất trở về Đại bản doanh. Anh em binh sỹ ra mở cổng đồn tiễn đưa, Lãnh Mai hẹn ngày mai trở lại bàn thêm về việc tăng cường luyện tập võ bị và có kế hoạch đem quân đi đánh giặc tại Sơn Tây và Vĩnh Yên. Khi đi lên xóm Chùa, Lãnh Mai kể cho Trần Đương nghe:
- Nơi xóm Chùa này tọa lạc trên lưng con rùa thần, cổ của nó là cái dải đất dài chỗ đồn Cồ Đất. Chỗ chúng ta vừa đến, chính chỗ ấy nối thông ra thôn Khang Phụ, Chu Hóa. Về mùa nước con đường này là đường bộ duy nhất từ hướng tây bắc vào làng Thanh Mai và Mai Đình.
Trần Đương nói với bạn:
- Chuẩn bị cho đan nhiều thuyền nhỏ, đi được hai hoặc ba người, có thể khiêng vác bộ. Một là đề phòng địch đánh từ Cao Xá, Sơn Vy, hay Cao Mai vào, ta sẵn phương tiện mà cản địch. Hai là khi địch dùng lực lượng lớn đến đánh thì cần có thuyền mà vượt vòng vây ra ngoài. Đồng thời, Thanh Mai cho tìm một con đường rừng dọn sẵn mà ra, nhưng đường bộ dễ bị phát hiện, vì người đi để lại dấu chân.
- Bao giờ thì bọn Tây đánh Thanh Mai?
- Theo phán đoán của tớ, thì chỉ một thời gian không xa, chừng một năm trở lại, địch sẽ dồn quân đánh Thanh Mai. Nếu ta giữ được thì rất tốt, không giữ được thì thì phải lui, giữ được người lúc này là cần thiết. Khi đất nước có phong trào mới mà không có người thì chẳng làm ăn gì được.
Cả hai người thong thả đi về cửa Dõng, một người ra mở cửa. Hai người đi vào nhà Đại bản doanh. Mọi người đang ngồi ăn cơm bên những ngọn đèn dấu dọc, tỏa ra ánh sáng vàng vàng. Thấy quan Bố Chánh Nguyễn Văn Giáp đang ngồi ăn cơm với lính cần vụ, Lãnh Mai đến báo cáo:
- Thưa quan Bố chánh, tôi đã đưa Phó Đốc binh Trần Đương đi thăm một số nơi cơ bản trong căn cứ Thanh Mai. Nay trở về, tôi đến xin ý kiến Bố chánh!
- Lãnh Mai và Trần Đương ăn cơm chưa? Chưa ăn thì ngồi vào đây ăn cơm đi!
- Chúng tôi đã ăn cơm với anh em binh lính tại đồn Cồ Đất.
- Tốt rồi. Anh đưa Phó Đốc binh Trần Đương sang ngôi nhà bên nghỉ với số anh em binh sỹ Thạch Sơn cùng về lúc sáng. Sớm mai cho binh sỹ mình dùng thuyền chở Trần Đương và số anh em đó về Thạch Sơn. Đi càng sớm càng tốt, trời mát, còn lơ mờ tối sẽ an toàn hơn.
Làm xong mọi việc, Lãnh Mai trở về Đại bản doanh căn cứ Thanh Mai. Ông vào báo cáo lại với Bố Giáp về việc chiều nay đưa Phó Đốc Đương đi thăm mọi nơi. Khi ông vừa ngồi xuống ghế, Bố Giáp hỏi:
Lãnh Mai thấy Trần Đương thế nào, anh ta có nhận xét gì về căn cứ Thanh Mai?
- Tôi thấy Trần Đương đúng là con dòng cháu giống, anh ta rất thuộc các loại sách binh pháp và có kiến thức thực tiễn. Anh ta đã phân tích câu nói “Nhất Thanh Mai, nhì Bãi sậy”. Anh ta cho rằng Thanh Mai hơn Bãi Sậy về binh lực, về đất thủ hiểm, về thanh thế, nhưng duy trì không được lâu sẽ không bằng Bãi Sậy. Anh ta nói lực lượng Thanh Mai còn rất mỏng, chỉ chăm chắm phòng thủ đã bỏ lỡ thời cơ giành đất, giành dân. Địch chiếm các nơi xong sẽ quay lại đánh Thanh Mai, Thạch Sơn, chỉ trong thời gian khoảng một năm trở lại. Anh ta có bảo Thanh Mai phải tổ chức mạng lưới nội gián, hương gián, phản gián để nắm tình hình địch, nhắc chúng ta phải giữ bí mật, sắm thêm thuyền nhất là là loại thuyền nhỏ có thể mang vác được vừa dùng để tác chiến trên sông nước, vừa dùng vượt vây. Về chỉ huy nghĩa quân, anh ta bảo chưa xuất hiện người chỉ huy trí lược và dũng lược, còn những người tướng như Bố Giáp, Tuần phủ Nguyễn Quang Bích thì có đủ phẩm chất một người tướng cầm quân là trí, nhân, dũng, tín, liêm, trung. Anh ta cố gắng phấn đấu để tỏ rõ là một người trung thành.
- Như thế, anh ta là người đã có kiến thức và thực tế rồi đấy. Ta chẳng phải bỏ công dạy bảo nữa. Cứ cho anh ta cùng ở với Tán Dật cầm quân giữ vững Thạch Sơn, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ căn cứ Thanh Mai về phía tây. Thực tế chiến đấu sẽ dạy anh ta thành con người trí lược, dũng lược. Mình tin tưởng vào con người Trần Đương đã mạnh dạn cất nhắc và bấy giờ cứ để cho anh ta thử sức. Biết đâu trong cuộc chiến đấu chống Pháp này, quê hương, đất nước ta lại có thêm một người tướng tài.
Nhớ lời cụ Trần Mạnh nói về số phận Trần Đương và Lãnh Mai, Bố Giáp không nói gì thêm. Cùng Lãnh Mai uống một chén rượu suông và hai người thong thả bước ra khỏi nhà. Gió đông thổi nhẹ, lá vàng trên cây lách tách rơi, sóng đồng Chằm nối nhau vô bờ. Lần đầu tiên từ khi về đây, Bố Giáp nghe rõ tiếng lá rơi và cả tiếng sóng vỗ bờ dào dạt. Chính vào thời khắc đó, ông thấy đại bác của giặc Pháp bắn từ thành Sơn Tây, Hưng Hóa, Việt Trì chớp sáng và sau đó là tiếng nổ ì ùng, ì oàng vang động núi đồi, đồng nước Thanh Mai.