Thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e bị thương nặng tại trận đánh đồn Kỳ Lừa, phải trao quyền chỉ huy đạo quân thứ nhất cho Trung tá Hec-bin-gơ (Herbinger) giữ mặt trận Lạng Sơn. Nằm trên cáng, y được tụi lính người châu Phi đưa về đồn Chũ để chữa trị. May cho hắn, vết thương do một người lính An Nam đâm vào ngực, chảy nhiều máu nhưng chưa thủng màng tim và cũng chưa đứt một mạch máu nào. Vết thương chỉ làm cho hắn ngất lịm đi, được những tên lính Pháp băng bó kịp thời, máu ngừng chảy, nay được bác sỹ cấp cứu hắn đã tỉnh lại.
Hắn nhớ lần này bị thương là lần thứ 2. Lần thứ nhất hắn bị thương vào chân, cũng bị một tên lính người An Nam bất thần bắn trúng, viên đạn xuyên bắp chân phải cũng may chỉ vào phần mềm. Hắn tự rút bông băng bó lại vết thương, tiếp tục chỉ huy binh lính chống lại quân Đại Nam và quân Tàu đông như kiến cỏ. Quân Tàu cậy đông xung phong ào ạt chiếm lại đồn Kép. Năm đội pháo binh của quân Pháp nã đạn xối xả vào đội hình quân Tàu làm cho quân Tàu chết chất đống. Quân Pháp xung phong lên đánh chặn đã cản được quân Tàu, chiếm lại được các đồn Kép, đồn Chũ.
Số quan quân người Nam chiến đấu dũng cảm hơn quân Tàu. Đây là số tướng sỹ đã chống lại lệnh bãi binh của triều đình Huế. Họ có ý thức dân tộc và tinh thần chiến đấu cao hơn lũ quân Tàu. Thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e vẫn nghĩ như vậy. Y đã từng chiến đấu chống quân nước Nam tại Sơn Tây, Hưng Hóa, tại các mặt trận Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Yên. Quân sỹ và người nước Nam vẫn luôn tỏ ra dũng cảm, ít thấy họ hoảng sợ bỏ chạy. Nhiều binh sỹ đã liều mạng chiến đấu đến cùng với quân Pháp bằng mã tấu, giáo mác chỉ khi họ bị trúng đạn ngã xuống, chết rồi mới chịu thôi.
Sau Hiệp ước Pa-tơ-nốt, theo lệnh của triều đình Huế, quân Đại Nam phải hạ vũ khí đầu hàng, nhưng họ đâu có chịu. Họ chạy ra khỏi thành, vào đồi rừng, ra những bãi đầm lầy lau lách, hội tụ nhau, lập căn cứ tìm cách chống lại quân Pháp. Khắp nơi quân Pháp phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng, xương máu. Bản thân thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e đã hai lần bị thương, lần sau nặng hơn lần trước. Biết đâu lần sau nữa, hắn lại trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Khi tỉnh dậy, y lơ mơ nhận ra điều hiểm nguy sắp đến với hắn trong cuộc chiến tranh mà chính phủ Pháp cố tình tạo nên.
Hắn là sỹ quan cấp tướng nên được yêu tiên đưa về thành Hà Nội chữa trị. Tại đây nhiều sỹ quan cấp tướng, cấp tá, cấp úy đã đến thăm và có lời hoa mỹ ca ngợi để động viên. Họ cho y là người anh hùng, dũng cảm xung trận, không từ nan một nhiệm vụ gì, có lệnh là lên đường ngay. Từ thành Hải Dương y mang quân lên phía tây Hà Nội chống quân Cờ Đen, hạ thành Sơn Tây, bao vây và chiếm thành Hưng Hóa, đốc quân lên chiếm Tuyên Quang, giữ thành Tuyên Quang, bị quân nước Nam bao vây mãi mới được giải cứu. Đưa quân lên đánh thành Phủ Lạng Thương, đồn Chũ, đồn Kép và can trường đánh chiếm đồn Bắc Lệ, rồi phá thành Lạng Sơn, giữ đất Lạng Bằng. Một thực tế y cảm nhận thấy quân nước Nam rất dũng cảm, họ chiến đấu có mục đích, chẳng chịu buông súng, chẳng chịu đầu hàng. Hai vết thương trên cơ thể, một trên ngực và một vết tại chân phải là do những người lính Việt Nam gây ra. Hắn suýt mất mạng bởi hai người lính ấy, họ còn rất trẻ, tuổi chắc chưa bằng tuổi con trai đầu lòng của y.
Hắn là chỉ huy một đạo quân nên kế hoạch gì của Pháp hắn cũng nắm được. Chính phủ Pháp đã nhòm ngó nước Nam này lâu lắm rồi. Từ đời vua Lu-i thứ XIV đã có chủ trương chiếm đóng nước Nam làm thuộc địa. Khi công ty Đông Ấn được thành lập từ năm 1664, việc quan hệ buôn bán với các chính quyền hai miền nước Nam được đặt ra. Tàu buôn Pháp đã vào buôn bán ở phố Hiến đàng ngoài và Hội An đàng trong. Việc buôn bán vừa mở rộng thị trường vừa để nắm tình hình kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa trong nước Nam. Cũng trong năm 1664 Hội truyền giáo nước ngoài của Pháp được thành lập tại Pari. Với một âm mưu nham hiểm là cho đội quân truyền giáo đi trước dò đường, tuyên truyền đạo giáo kết hợp với việc do thám, vận động dân chúng theo đạo làm hậu thuẫn cho đội quân viễn chinh của Pháp đi sau.
Đến thế kỷ XVIII, các triều đại phong kiến ở đàng trong và đàng ngoài của nước Nam đều suy yếu. Lực lượng nông dân Tây Sơn đã khởi nghĩa giành chính quyền và thống nhất nước Nam, đánh thắng các đội quân ngoại xâm của Tàu và Xiêm La, truy đuổi các lực lượng phong kiến đàng trong còn sót lại. Chúa Nguyễn Ánh bỏ chạy, đường cùng phải chìa tay xin cầu viện nước Pháp. Năm 1784, hắn cho con trai là Hoàng tử Cảnh theo cha cố Bá Đa Lộc ( Pigneau de Beshaine) sang Pháp làm con tin. Lúc đó chính trường nước Pháp đang rối ren, nên tài chính Pháp kiệt quệ, cách mạng tư sản Pháp sắp nổ ra, ngai vàng của vua Lu-i XVI cũng rất bấp bênh. Nhưng nước Pháp quân chủ không bỏ lỡ cơ hội, ngày 28 tháng11 năm 1787 Bá tước Mông-mô-ranh ( MogmoZan) đại diện cho vua Lu-i XVI và Bá Đa Lộc đại diện cho Nguyễn Ánh đã ký một bản hiệp ước tại Véc-xây.
Hiệp ước Véc-xây tuy không được thực hiện, nhưng nó là cái cầu đặt mối quan hệ của giáo sỹ và nhiều võ quan Pháp với thế lực phong kiến phản động nước Nam. Bá Đa Lộc tìm cách mua tàu chiến, súng đạn, mộ lính đánh thuê giúp Chúa Nguyễn Ánh đánh đổ được nhà Tây Sơn, giành lại nước Nam. Nhà nước Pháp đang cần thiết mở rộng hệ thống thuộc địa sang châu Á, tranh giành với Nước Anh, Đức, Bồ Đào Nhà, Tây Ba Nha. Khi Na-pô-lê-ông I (Napoléon I) lên ngôi, phát động chiến tranh xâm lược Bắc Phi, các nước Nam Âu, Trung Âu, Đông Âu và nước Nga đã ra lệnh cho Chính phủ Pháp nghiên cứu lại Hiệp ước Véc-xây tìm cách can thiệp quân sự vào nước Nam.
Đế chế Na-pô-lê-ông I bị đổ, vua Lu-i XVIII lên trị vì. Năm 1818, ông ta liền cử phái đoàn sang Việt Nam đòi vua Gia Long thi hành Hiệp ước Véc-xây đã ký, nhượng đảo Côn Lôn và cửa biển Đà Nẵng cho Pháp. Vua Gia Long không đồng ý, cho rằng hiệp ước đó không được thực hiện, nên không còn giá trị và đã đi vào quên lãng. Nhưng những nhà cầm quyền nhà nước Pháp vẫn thực hiện mục tiêu chiếm nước Nam, coi đó là một “quốc sách”, nên Chính phủ Pháp nào lên cầm quyền thì kế hoạch ấy cũng được thực hiện.
Chúng tung lực lượng giáo sỹ đi hoạt động, cô lập triều đình Huế với nhân dân, xúi gục các thế lực đối lập trong triều đình đánh phá lẫn nhau, lợi dụng những cuộc khởi nghĩa nông dân chống đối nhà nước, làm cho nhà nước phong kiến Đại Nam mau chóng suy yếu, kích động giáo dân gây ra những vụ lộn xộn làm mất an ninh trật tự xã hội, chia rẽ lương-giáo để hai tôn giáo này tàn hại lẫn nhau làm cho đất nước không ổn định.
Đến giữa thế kỷ thứ XIX, ở Pháp, đế chế thứ 2 được thành lập, việc chuẩn bị đánh chiếm Việt Nam càng gấp rút hơn. Có những giáo sỹ người Pháp về nước đã báo cáo với Na-pô-lê-ông III rằng: “ Những người Công giáo An Nam sẽ nổi lên hàng loạt khi người Pháp tới, và sẽ đi theo những người giải phóng họ để trong ít ngày kết thúc cuộc hành binh”. Lập tức vua Na-pô-lê-ông III cử sứ thần đến Huế đòi “truyền đạo tự do, buôn bán tự do”, tăng viện cho hạm đội Pháp hoạt động trên biển Thái Bình Dương, cùng quân đội Anh, Mỹ xâm lược Trung Quốc, đồng thời ra lệnh cho thiếu tướng Giơ-nui ( Ginouilly) phụ trách đội quân viễn chinh đánh Việt Nam. Đến năm 1958, chúng nổ súng đánh Đà Nẵng với lý do triều đình Huế ngược đãi các giáo sỹ, đàn áp dân công giáo, không nhận quốc thư của nước Pháp và không thực hiện hiệp ước Véc-xây.
Từ cuối năm 1858, quân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng, thực hiện cách “đánh nhanh thắng nhanh” những không thành, vì sức kháng cự của quân dân nước Nam. Đầu năm 1859, quân Pháp phải quay vào đánh chiếm Gia Định, thực hiện cách đánh dần theo kiểu“tằm ăn lá dâu”, chiếm dần ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ và sau đó chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Người Pháp vừa dựa vào sức mạnh quân sự, vừa vỗ về triều đình Huế bằng các hiệp ước mang tên “ Hòa bình, an ninh, hữu nghị” để lừa phỉnh vua quan và dân chúng. Khi triều đình Huế ký hòa ước, thì nhân dân khắp nơi nổi dậy chống quân Pháp, lực lượng của họ quá mạnh, lắm lúc quân Pháp thấy bất lực và hoảng loạn. Quân Pháp phải tìm cách lôi kéo các lực lượng chính quy của triều đình đàn áp các cuộc khởi nghĩa, làm chiến tranh tâm lý phân hóa lực lượng quân nổi dậy, mua chuộc dụ dỗ binh sỹ và dân chúng theo quân Pháp chống lại quân “phiến loạn”. Nhưng trên thực tế chiến trường Nam Kỳ phong trào kháng chiến của nhân dân vẫn tiếp tục chưa bao giờ quân Pháp dập tắt được.
Chính phủ Pháp muốn gấp rút chiếm toàn bộ Đại Nam, Cao Miên và Ai Lao. Trước hết là phải chiếm được Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e nhớ lại đã có mấy đời tổng chỉ huy Pháp chết tại xứ Bắc Kỳ, như Gác-ni-ê chết năm 1873, Ri-vi-e chết năm 1883 và hàng nghìn người Pháp chết và vị thương khi đánh chiếm và bình định các tỉnh của xứ Bắc Kỳ. Chính y đã hai lần bị thương và nhiều lần cái chết đến trong gang tấc. Lần này, bị thương nặng y cảm thấy sợ chiến tranh, vì nó gây chết chóc cho dân lành và binh sỹ. Sao mà những người cầm quyền nước Pháp, tư bản Pháp và các nước đế quốc tham lam thích làm ra chiến tranh, xô đẩy các dân tộc vào cuộc chém giết lẫn nhau. Chiến tranh chỉ để làm giầu cho những người nắm quyền ở Pháp, làm giầu cho bọn tư bản Pháp còn nhân dân nước chủ chiến và bị xâm chiếm thì khổ nhục như nhau.
Đờ Nê-giơ-ni-e bỗng nhớ người lính chết trong lòng cột cờ Hưng Hóa. Anh ta còn rất trẻ, tuổi đời mới ngoài hai mươi. Khi anh ta chết mắt vẫn mở trừng trừng, hình như còn căm giận kẻ thù đến xâm lược nước mình. Không biết lý do gì, chỉ có một mình ở lại thành? Khi quân Pháp tràn vào, anh đã bắn chết, bắn bị thương 5 người lính Pháp, lúc hết đạn, bị thương mới chịu tự sát. Quan quân Hưng Hóa không chịu đầu hàng, đã chạy ra miền đồi rừng Thượng du sông Thao, mang theo súng đạn để tiếp tục chiến đấu. Họ là những người yêu nước, trung thành với dân tộc, rất xứng đáng được tôn vinh anh hùng. Hôm ấy, y đã bước qua xác người lính ấy để lên đài Kính Thiên treo lên ngọn cờ ba màu của nước đại Pháp. Khi đi xuống lại bước qua xác người lính ấy, y mới cảm thấy rùng mình bởi tinh thần quyết tử của anh ta. Những người như anh ấy mới chính là người dẫm lên xác những người lính Pháp và sẽ dẫm lên xác mình, nếu như mình tiếp tục ở lại tham chiến tại Việt Nam.
Vừa lúc đó, thiếu tướng Mi-lốt ( Millot), thống tướng chỉ huy Bắc Kỳ bước vào phòng điều trị.
- Xin chào thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e, người hùng của của nước Đại Pháp!
- Xin cảm ơn ngài! Đó chỉ là chức phận binh sỹ phải tham chiến.
- Chúng tôi đã nghị thưởng Bắc đẩu bội tinh cho thiếu tướng!
- Xin cảm ơn ngài đề nghị tôi được thăng thưởng!
Thống tướng Mi-lốt ngồi trên chiếc ghế đệm bên giường và đề nghị Đờ Nê-giơ-ni-e cứ việc nằm nghỉ. Ông ta thấy thiếu tướng đã bình phục, cũng không hỏi thăm sức khỏe và vết thương, thực tình trước khi đến thăm bác sỹ điều trị đã báo cáo cho hắn biết tường tận về vết thương của thiếu tướng. Nên ông ta chỉ việc thông báo cho Đờ Nê- giơ-ni- e biết: Tình hình quân ta ở mặt trận Lạng Bằng vẫn hết sức căng thẳng, quân Tàu và quân Đại Nam vẫn đánh mạnh. Quân ta đã rút khỏi thành Lạng Sơn về chốt ở đồn Muội, đồn Chũ và đồn Kép. Quân Pháp để mất Lạng Sơn và bị thiệt hại nặng, chết và bị thương hơn 1000 người, số người chết là 400 người. Quân Tàu tiếp tục chiếm đóng thành Lạng Sơn và chốt giữ những vị trí xung yếu và quân phản loạn nước Nam tiếp tục đánh phá dữ dội ở miền sông Thao, ở các huyện Lâm Thao, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba và các vùng đất trên đất tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa.
Đờ Nê-giơ-ni-e nghe vậy liền hỏi:
- Thế thì các hiệp ước ta ký với Tàu và An Nam đều vô hiệu hóa à?
- Chưa hẳn là thế. Chúng ta đã ký Hiệp ước Phô-mi-e ( Foumier) với nhà Thanh, họ cam kết rút quân ra khỏi Bắc Kỳ, để cho nước Pháp tự do xếp đặt công việc tại Viêt Nam. Nhưng một số lớn quan quân Đại Nam không chịu đầu hàng, không chịu hạ vũ khí, không chịu tự giải thể đã lôi kéo quan quân các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây,Quảng Đông của Trung Quốc tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội Pháp. Còn về phía triều đình Huế thì đã ký Hiệp ước Pa-tơ-nốt rồi, quan lại trong triều đình thì đa số theo ta, còn một số không nhỏ họ chống lại ta. Họ đang có kế hoạch nổi dậy, kết hợp với quân phản loạn, tình hình ấy sẽ khiến chúng ta gặp khó khăn vô cùng đấy.
- Về phía nước Pháp thế nào, vẫn kiến quyết theo đuổi chính sách chiếm Đại Nam làm thuộc địa chứ?
- Chính phủ Pháp sẽ không bao giờ thay đổi kế hoạch đó. Họ còn tham vọng xâm chiến cả nước Tàu. Khi tôi sang đây làm thống tướng thay cho ngài trung tướng Cuốc-bê ( Courbet) đi nắm quyền đô đốc chỉ huy hạm đội của Pháp tại Thái Bình Dương. Ý đồ của Chính phủ Pháp là đánh chiếm Phúc Châu và chiếm Đài Loan.
- Không được đâu, quân Tàu đông lắm! Quân Pháp sẽ không chinh phục nổi.
- Không phải chỉ có chúng ta chiếm đóng Trung Quốc mà cả quân nước Anh quốc, Hoa Kỳ, Đức, Nga, Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha cùng đánh Trung Quốc. Phía Pháp đánh Trung Quốc là buộc triều đình Mãn Thanh nhanh chóng phải ký hiệp ước với ta, phải triệt để rút quân khỏi Đại Nam. Ngài Cuốc-bê đang có kế hoạch đánh Phúc Châu, Phúc Kiến và bao vây Đài Loan.
Đờ Nê-giơ-ni-e nghe thống tướng nói thì thở dài, có vẻ không tin vào tham vọng của chính phủ Pháp.
- Việc ấy to như núi, nhưng sức ta thì có hạn làm sao mà mang vác nổi. Ngài thấy đấy, chúng ta đã chinh phục Đại Nam mất 26 năm rồi mà chưa xong đâu. Dân nước Nam ít, đất đại họ nhỏ mà chúng ta nuốt mãi không trôi. Nước Tàu to lắm, đông người lắm, mình phải làm thế nào, chứ dốc toàn lực quân Pháp đánh họ cũng không thắng đâu. Nghe nói khi ngài sang đây đã đem theo 5000 quân tăng viện cho chúng tôi có phải không?
- Đúng thế. Toàn bộ số quân ấy đang đóng ở cửa biển Hải Ninh, tỉnh thành Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội đã sẵn sàng tham chiến.
- Ngài cần tăng viện ngay cho cánh quân đánh Lạng Sơn, trung tá Đu-che-nơ đang cần tăng viện. Cánh quân ấy bị thiệt hại nặng nhất, khi phải đánh nhau với quân Tàu đông gấp bốn năm lần. Hồi tháng 5, chúng tôi kéo lên trên đó hơn ba nghìn nay chỉ còn gần 2000 quân. Không tăng viện không đánh thắng nổi vì quân Tàu và quân nước Nam hợp sức chống lại chúng ta.
Thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e nói với giọng yếu ớt, tràn đấy xúc động. Mắt y nhắm lại, người mỏi mệt, đột nhiên không nói được một câu nào nữa.
Thống tướng Mi-lô thấy vậy, không thông báo cho Đờ Nê-giơ-nê-e việc để mất thành Lạng Sơn và số binh sỹ thương vong quá nhiều đã làm cho chính phủ Pháp hoang mang. Hồi đầu năm 1883, thủ tướng Phe-ry (Jules Ferry) người kiên quyết đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa, đã cho hàng chục ngàn quân tăng viện cho quân viễn chinh Pháp tại Việt nam, thông qua 5,5 triệu phơrăng chiến phí. Thế mà nghe tin thành Lạng Sơn bị mất ngài ấy đã đệ phải đơn xin từ chức.
Mi-lốt ngồi lặng yên, một lúc không thấy thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e nói gì, đưa tay nắm lấy bàn tay mạt lạnh của người bị thương mất nhiều máu, đứng dậy từ biệt, đi về nơi làm việc của mình trong thành Hà Nội. Viên thiếu tướng bị thương sức yếu thiếp đi lúc nào không biết, khi tỉnh lại chỉ thấy một mình nằm trơ trong phòng điều trị toàn một mầu trắng của đệm, màn, phông và bông băng với mùi nồng nồng của thuốc tiêm và cồn.
Bác sỹ Gô-be (Gobert) thường trực viện vào thăm bệnh, ngồi trên ghế đệm chỗ thống tướng Mi-lốt vừa ngồi. Bác sỹ thông báo cho thiếu tướng chỉ huy binh đoàn số 2 đánh Lạng Bằng được biết, số quân chết và bị thương còn tiếp tục, cộng thêm số quân chết vì bệnh sốt rét và bệnh tả lên cao. Đến hôm nay đã lên tới 300 người chết, y đã báo cáo cho thống tướng Mi-lốt biết. Thống tướng nghe rõ nhưng không nói gì vẻ mặt đăm chiêu, có vẻ chán nản lắm.
- Nhờ ơn Chúa chúng ta vẫn còn tồn tại! Chúng ta suy nghĩ là chúng ta đang sống mà. Không ngờ con đường đi lên Lạng Sơn lại nguy nan đến thế này. Binh sỹ chúng ta bị tử thương vì chiến đấu, chúng ta còn thương vong vì lam chướng nữa chứ. Cứ tiếp tục chiến tranh chúng ta còn phải hy sinh nhiều. Sinh mạng của chúng ta cứ như cỏ rác ấy. May mắn là ngài còn sống đấy, mà chết tại Kỳ Lừa thì người ta sẽ chôn ngài như chôn một con ngựa chết trương mà thôi. Không hơn đâu, hàng trăm, hàng nghìn binh sỹ của chúng ta chết được chôn một mộ, không có quan tài gì đâu. Người may mắn còn được một vị linh mục đọc trước mộ vài câu cầu nguyện cho linh hồn về nước Chúa.
- Bác sỹ Gô-be bao giờ thì xin về Pháp?- Thiếu tướng Đờ-Nê-giơ-ni-e bất chợt hỏi bác sỹ.
- Cũng mong hết thời hạn ba năm thì tôi xin về, còn hơn một năm nữa thì mới hết. Được về với vợ con là phúc đấy ngài ạ. Bị thương thế này, liệu ngài có xin về không?
- Để phục hồi sức khỏe thì tôi sẽ xin về nhà. Vợ con tôi ở thành phố Véc-xây cũng đang mong chờ tôi trở lại. Người ta muốn khi nào chấm dứt chiến tranh Việt Nam thì về, nhưng tôi nghĩ chắc còn lâu lắm. Việt Nam là một quốc gia thống nhất, có truyền thống chống xâm lăng, chẳng để cho người Pháp đè đầu bóp cổ mãi được. Chờ thời cơ họ sẽ đồng loạt đứng lên chống lại chúng ta. Bác sỹ theo chúng tôi đánh dẹp mãi thấy có xong đâu, nơi nào cũng có quân khởi nghĩa nổi dậy chống lại quân ta. Ta với họ còn đối đầu lâu dài, ta gọi họ là “ quân phiến loạn” còn họ gọi ta là “ bọn giặc cướp nước” đấy.
Bác sỹ Gô-be còn trẻ khẽ nhếch miệng cười, để lộ hai hàm răng trắng. Hắn thích thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e vì cái tính cương trực hay nói thẳng nói thật. Đời binh nghiệp được gần một viên chỉ huy thông cảm với binh sỹ là một hạnh phúc. Bác sỹ đã được đi theo tháp tùng thiếu tướng khắp các xứ sở Bắc Kỳ từ Hải Dương, Hà Nội lên Sơn Tây, Hưng Hóa, đến thành Tuyên Quang, sang thành Bắc Ninh ngược lên Lạng Sơn, Cao Bằng. Con đường chiến chinh gặp nhiều khó khăn và quân lính Pháp còn phải chịu nhiều thương vong.
Trung tướng Bờ-ri-e-đờ-lin hiện đang cầm quân thay cho Thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e bị thương. Chiến sự giữa quân Tàu và quân Pháp có phần giảm bớt, họ chiếm thành Lạng Sơn để giữ danh dự và làm điều mặc cả với quân Pháp mà thôi. Bọn quan quân nước Nam chiến đấu có mục đích nhằm bảo vệ đất nước và nhân dân. Họ có phần kiên quyết hơn nhưng thiếu người cầm đầu chỉ đạo giỏi về chiến lược, chiến thuật, nên họ sẽ bị thất bại. Bác sỹ Gô-be vẫn thường nghĩ thế và y hỏi thực viên thiếu tướng:
- Có bao giờ tướng lĩnh Pháp nhận thấy quân Pháp sẽ thua trận ở nước Nam không?
- Bây giờ thì chưa đâu, bác sỹ ạ.
Thiếu tướng kể từ đầu nghe rõ ràng, rành mạch:
- Từ khi phát động chiến tranh đánh chiếm Việt Nam, có lúc quân Pháp ở thế thua hoàn toàn. Đó là vào thời gian đầu những năm 1860, quân Pháp mới đặt chân lên đất Nam Kỳ. Nước Pháp vừa bước qua cuộc chiến tranh với nước Ý, lại bước vào cuộc chiến tranh với Trung Quốc, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn không thể khắc phục. Chính vua Na-pô-lê-ông đệ III đã định rút khỏi Việt Nam. Tướng Pa-giơ (Page), tổng chỉ huy quân Pháp thay cho Đờ Giơ-nui đã đem quân từ mặt trận Đà Nẵng và Gia Đinh sang chiến trường Hoa Bắc, Trung Quốc chỉ để lại 1000 quân đóng ở Gia Định, do một quan năm chỉ huy. Lúc đó quân nước Nam có mấy vạn quân đang có mặt tại đấy không biết được mà tiến công, quân Pháp chỉ có chết chống cự sao nổi. Nhưng mà ơn Chúa, quân nước Nam do Tôn Thất Cáp chỉ huy án binh bất động, thời cơ mà nước Nam có được để giành lại phần đất Gia Định bị Pháp chiếm đóng đã lặng lẽ trôi qua.
Viên thiếu tướng ngừng lời, lấy hơi và cố nói để người nghe được rõ:
-Triều đình Huế, đứng đầu là vua Tự Đức mù tịt tin tức về quân Pháp! Không biết quân Pháp bị thua trận ở Pu-ê-bia, Mê-hi-cô. Tài chính quốc gia cạn kiệt, sức mạnh quân Pháp chẳng còn gì. Lúc bấy giờ, những người cầm quân nước Nam biết được mà tập trung quân lực tiến công thì quân Pháp ở Gia Định chỉ có một con đường đầu hàng hoặc chịu bị tiêu diệt. Chính lúc ấy triều đình Huế lại xin ký hòa ước nhận cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Thực là một lũ ngu! Chỉ đạo chiến tranh mà không biết cái gì về đối phương thì đánh làm sao nổi. Đến cuối năm 1870, chiến tranh Pháp-Đức lại nổ ra, nước Pháp đại bại, 40 vạn quân Pháp bị Đức bắt làm tù binh, 149 ngàn quân bị tử trận. Trên 27 tỉnh của nước Pháp, bị 650 ngàn quân Đức chiếm đóng. Tinh thần quân Pháp suy sụp, Pari hỗn loạn bởi công xã Pa ri khởi nghĩa vào năm 1871. Lúc ấy, quân Pháp ở lục tỉnh Nam Kỳ nơm nớp lo sợ ! Quân nước Nam mà nổ súng tiến công, binh sỹ Pháp chỉ có đường đầu hàng, không dám bắn một viên đạn! Chờ lệnh cấp trên cho rút về Pháp. May mắn thay, triều đình vua Tự Đức lại cho người vào chia buồn với thống sứ Nam Kỳ! Nghe tin nước Pháp bị bại trận, mong chúng ta trao trả lục tỉnh Nam Kỳ cho họ. Tôi cho rằng triều đình Huế, vua Tự Đức như con ếch nằm sâu đáy giếng chẳng hay biết gì về nước Pháp, quân Pháp cả. Bác sỹ thấy đấy họ vỗ về, mong chờ chúng ta trả lại phần đất đai bị mất, cứ hòa và hòa, hòa để chúng ta tự đứng vững và có thời gian lấy sức mà tiến công chiếm hoàn toàn nước Nam.
Bác sỹ Gô-be nhớ lại chuyện cũ, trình bày thêm như để phù họa với lời của thiếu tướng. Đánh thành Hà Nội quân Pháp thiếu gì nguy cơ! Hồi 1873, tổng chỉ huy Gác-ni-ê chết, vài trăm quân Pháp tại thành Hà Nội run sợ đã định xuống pháo thuyền bỏ chạy. Thế mà quan quân nước Nam có binh lực hàng vạn quân không đánh mà lại cử người ra dàn xếp. Ơn Chúa! chúng ta đã không bị đánh tan tành, lại còn được đền bồi chiến phí. Mười năm sau khi tổng chỉ huy, đại tá Ri-vi-e bị giết tại Cầu Giấy, quân Pháp đóng ở thành Hà Nội đã định tháo chạy. Thế mà quân nước Nam không đánh, lại cử người đến xin cầu hòa, quân ta được an toàn đánh tiếp chiếm các tỉnh thành ở Bắc Kỳ. Khi ta mạnh lên, có thời cơ quân Pháp liền đánh chiếm cửa Thuận An, cửa biển Đà Nẵng. Lúc đó vua Tự Đức từ trần chúng ta đã có cơ hội chiếm kinh thành Huế. Buộc triều đình nước Nam ký hiệp ước Hác-măng và sau đó là hiệp ước Pa-tơ-nốt nhận bảo hộ, coi như họ đã đầu hàng hoàn toàn! Cái triều đình Huế bây giờ thật như cá nằm trên thớt, chúng ta muốn phế bỏ lúc nào cũng được. Thiếu tướng nghe tôi nói như thế có đúng không?
Viên thiếu tướng bị thương gật đầu nói có ý khen ngợi Gô-be. Bác sỹ là người làm chuyên môn y khoa mà nắm rõ tình hình chiến cuộc gớm! Những điều tôi và bác sỹ vừa nói chính là nguyên nhân cơ bản mà triều đình nước Nam để mất nước. Họ coi chúng ta như là người khách từ xa đến nước họ chỉ để buôn bán và truyền đạo, không có ý định chiếm đóng nước họ làm thuộc địa. Trong quá trình chúng ta đánh chiếm, họ chỉ cầu hòa là chính, không chủ động tiến công mà chỉ bị động phòng thủ. Họ không chịu cải tiến vũ khí, trang bị, không chịu học hỏi cách đánh mới. Vũ khí toàn là những thứ cổ lỗ sỹ, làm sao đánh được quân Pháp với vũ khí hiện đại. Vua quan họ không ngu lắm đâu nhưng như người mê muội chẳng hay biết gì về quân đội Pháp và tình hình nước Pháp đã bỏ qua những thời cơ trời cho họ để lấy lại nước, đánh bại chúng ta.
- Thưa thiếu tướng, nước Nam này còn có cơ hội nào không?
Đờ Nê-giơ-ni-e tỉnh táo trình bày rất rõ ràng:
- Nước Pháp hiện nay đã ổn định trở lại sau khi đã chiến tranh với đế quốc Anh, với nước Đức, vừa chiến thắng ở Trung Quốc và các thuộc địa. Chính phủ Pháp đã quyết đinh chiếm cả nước Nam, Cao Miên và sau nữa là Ai Lao. Thế của đế quốc Pháp là rất vững, nhưng về sau thì chưa chắc đâu. Một là các nước đế quốc sẽ tiến hành chiến tranh với nhau, có thể gây ra nhiều cuộc chiến tranh mang tính chất thế giới. Hai là các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Đại Nam và các thuộc địa của các nước thực dân đế quốc trên toàn thế giới sẽ làm chiến tranh giải phóng. Lúc ấy, không thể có hòa bình ổn định đâu, ngay tại chính quốc nhân dân Pháp bị rên xiết đau khổ vì chiến tranh đế quốc, hao người tốn của vì những cuộc chiến tranh của các dân tộc đòi giải phóng. Ngay bây giờ tôi và anh là công cụ của bọn thực dân tư bản thì sinh mạng còn chưa chắc được bảo toàn và mai sau con cháu của chúng ta sẽ còn chết nhiều về những cuộc chiến tranh vô nghĩa lý như thế. Sau khi bị thương nặng tôi mới khao khát được hòa bình, ổn định. Tôi mong các dân tộc trên thế giới sống với nhau trong tình thân ái, hữu nghị! Chỉ có hòa bình, ổn định, hợp tác, các dân tộc mới có điều kiện phát triển tới văn minh! Bây giờ những người tiến bộ đã nhận thức thấy chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa để quốc là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh. Các cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc với nhau như ta thường thấy, còn chiến tranh tôn giáo, sắc tộc do chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc tạo ra nữa. Chỉ khi nào loài người xây dựng một chế độ hoàn toàn mới tốt đẹp thì mới hết chiến tranh! À, tôi quên trả lời anh, nước Nam, dân Nam sẽ có nhiều cơ hội đánh thắng chúng ta và lấy lại nước. Khi nào ư, khi nào họ biết rõ về quân Pháp và biết rõ về nước Pháp, họ có một tổ chức và lực lượng sẵn sàng đón lấy thời cơ vùng dậy giành lại đất nước. Gần 30 năm, chúng ta đánh chiếm nước Đại Nam, họ đã có bốn thời cơ đánh bại quân Pháp mà tôi và bác sỹ vừa nhắc tới đó. Trong tương lai, họ sẽ có nhiều thời cơ nhưng phải biết phát hiện và đón nhận thời cơ thực sự hữu ích cho việc khôi phục nền độc lập của nước Nam.
Bác sỹ Gô-be gật đầu khen:
- Ngài đúng là một chính trị gia xuất sắc!
- Không, mình chỉ là một vị tướng bị thương, từng trải nên mới nhận ra đôi điều chân lý, không dám nhận mình là chính trị gia của nước Pháp. Mình nghĩ làm tướng của một đội quân đi xâm lược có khi làm mất danh dự của nước Pháp, người Pháp mà còn làm mất danh dự của chính mình.
Khi tiếng nói của Đờ Nê-giơ-ni-e vừa dứt thì bên ngoài thành nghe rộ tiếng súng của quân khởi nghĩa đang tiến đánh vào các đồn tiền tiêu phía đông nam Hà Nội. Nhiều tiếng súng đại bác trong thành bắn ra nghe đinh tai nhức óc làm cho người nói và người nghe phải bàng hoàng. Viên tướng bị thương định vùng dậy chạy đi, nhưng viên bác sỹ điều trị kịp giữ hắn lại nằm bất động trên giường.
*
Linh mục Mit-tơ-răng( Mitterand) đến phòng điều trị thăm thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e bị thương. Ông ngồi trên chiếc ghế đệm mà bác sỹ Gô-be vừa ngồi, bên người bị thương đang thiêm thiếp ngủ. Linh mục ngồi cầu nguyện, chờ cho viên thiếu tướng tỉnh hẳn, để nói chuyện. Ông còn nhớ, ông cùng với thiếu tướng lúc ấy còn là sỹ quan thiếu úy sang đất Việt Nam từ năm bắt đầu cuộc chiến đánh chiếm Đà Nẵng và sau đó vào đánh chiếm Gia Định. Ngày đó cả hai còn ở độ tuổi hai mươi, đang hăm hở ra đi chinh phục thế giới. Khoác áo linh mục, Mit-tơ-răng sẽ nhân danh Chúa đi trước truyền đạo, làm cơ sở cho Đờ Nê-giơ-ni-e đi sau làm người chỉ huy lính chiến đánh chiếm đất đai, cướp bóc của cải về cho nước mẹ Pháp. Năm 1883, khi ra Bắc Kỳ về giáo phận Sơn Tây thì nghe tin thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e đang chỉ huy một cánh quân lên thành Sơn Tây và chuẩn bị đánh chiếm thành Hưng Hóa. Vì những cuộc hành quân liên miên của bạn và vì phải bận rộn với công việc của các xứ đạo nên hai người chưa có lúc nào gặp nhau. Mới cách đây ba hôm, nghe một viên sỹ quan từ mặt trận Lạng Sơn trở về Sơn Tây báo cho biết Đờ Nê-giơ-ni-e bị thương nặng đang nằm ở bệnh viện quân y trong thành Hà Nội. Linh mục Mit-tơ-răng lập tức đi xe ngựa từ giáo phận Sơn Tây về ngay thành Hà Nội thăm bạn.
Khi vị linh mục còn đang chăm chú đọc danh sách, phương án điều trị các bệnh nhân trong một cái bảng treo góc phòng thì viên thiếu tướng bị thương bừng tỉnh. Hắn nhìn sang người ngồi bên giường không phải là bác sỹ Gô-be mà là một người linh mục có dáng quen quen. Thiếu tướng nhắm mắt lại, để hồi tưởng người linh mục này là ai. Hắn bỗng nhớ tới người bạn cùng học trung học sau theo học trường Giòng là Mít-tơ-răng cùng hắn sang nước Nam đã gần ba mươi năm rồi. Hắn mở to miệng gọi:
- Mit-tơ-răng, Mit-tơ-răng, bạn đến thăm mình đất ư!
- Chào bạn Đờ Nê-giơ-ni-e! Khỏe lại rồi chứ, mình đến một lúc rồi.
- Lạy Chúa không sao! Mình đang khỏe lại, có cái tâm thần còn hay hoảng loạn, chưa ổn định. Bạn cầu Chúa cho mình mau hồi phục đi!
- Lạy Chúa lòng lành! Giáng phúc ban ơn cho bạn của con là Đờ Nê-giơ-ni-e chóng được bình yên, mạnh khỏe!
- Cảm ơn linh mục đến thăm và cầu nguyện cho!
Họ đã trở thành người có tuổi, có chức vị. Đờ Nê-giơ-ni-e là thiếu tướng, còn Mit-tơ-răng đã được phong linh mục của giáo phận Sơn Tây nhiều xứ đạo. Vì là bạn thân từ nhỏ nên mọi câu chuyện trao đổi rất tự nhiên như tuổi học trò. Đờ Nê-giơ-ni-e thì thầm:
- Này bạn, ngày mới sang nước Nam các cha cố báo cáo là họ đã có trong tay 50 vạn giáo dân làm hậu thuẫn cho cuộc đánh chinh phục của chúng ta. Đánh nước Nam dễ như trở bàn tay, ngon như nhai một miếng bánh quy bơ. Nhưng thực ra người theo đạo Thiên Chúa nước Nam chẳng bao giờ làm hậu thuẫn cho đội quân chinh phục đất nước của họ. Họ kính Chúa tất nhiên là yêu nước yêu đồng bào, biết chúng ta là kẻ ngoại bang đi xâm lược, đặt ách thống trị lên đầu lên cổ dân tộc Việt Nam. Họ không chịu phục tùng chúng ta đâu, cha cố Mít-tơ-răng đừng trách người ta nhé!
Thấy bạn mình lòng thẳng thật, ông ta nói:
- Chúa dạy con chiên từ bi, bác ái, lương thiện thì cứ việc thực hành! Điều nào Chúa dạy hay thì làm, điều nào không của Chúa dạy thì bỏ qua dứt khoát không làm. Việc quân ta đi xâm lược xui bậy giáo dân làm phản, chẳng ai nghe theo là đúng, trách chi họ.
Viên thiếu tướng nằm im, nhìn vào cha cố với đôi mắt xanh veo bình thản nói:
- Nghe nói có nhiều nơi linh mục xúi dục giáo dân làm những việc bất lương! Phá đình mếu, chùa chiền, cướp đất đai của người nước Nam, a dua cùng với bọn tướng cướp, bọn phản loạn chống lại triều đinh, gây mất an ninh trật tự, làm suy yếu nước Nam để đánh bại quân họ hòng chiếm đất đai, của cái của họ. Tôi cho rằng đó là tội ác trời không dung đất không tha cho những kẻ phản đạo đó, dù họ có khoác cái áo linh mục để lòe bịp mọi người.
Để cắt ngang câu chuyện đáng buồn, Mít-tơ-răng hỏi:
- Này bạn thân mến ơi ! Bạn nghĩ gì về dân Việt Nam?
- Mình đâu dám và không có quyền gì nhận xét riêng về dân tộc Việt Nam. Mình chỉ nói riêng với bạn về ý kiến của ngài Toàn quyền Hác-măng về dân tộc này.
Ông ta nói:“ Người Pháp không bao giờ quên rằng dân tộc Việt Nam mang tính chất thống nhất mà toàn châu Âu không nơi nào bằng! Nó cấu thành một đơn vị làm cho những kẻ chinh phục ở xa tới phải đáng gờm. Một dân tộc mà từ ngàn xưa cho đến nay lịch sử của nó đã làm nổi bật lên trước mắt những nhà quan sát như một dân tộc có tinh thần yêu nước ở mức độ cao nhất, hay nói cho đúng hơn có ý thức về giống nòi, và đối với chúng ta, sẽ là một điều cực kỳ nguy hiểm nếu họ đoàn kết lại, tất cả một lòng, trong một mối thù chung mà chúng ta là đối tượng”.
Ngài ấy có nói việc chúng ta chia nước Việt Nam ra thành hai nước thù địch: “ Bắc Kỳ và An Nam (1) sẽ là sai lầm tuyệt đối, gây hại cho chúng ta không thể nào nói hết. Người ta tin chắc một điều chỉ có một nước Việt Nam từ biên giới Trung Quốc đến biên giới Cao Miên và Thái Lan. Người Việt Nam đều có chung một ý nghĩ, đều có nguyện vọng như nhau, chung một hận thù như nhau, một ngôn ngữ như nhau, luật lệ như nhau, giữa người Bắc Kỳ và Nam Kỳ không có đối kháng.
Chú thích:
(1). An Nam là phần đất từ Quảng Bình vào Quảng Nam triều đình Huế quản lý do Pháp quy định trong hiệp ước Pa-tơ-nốt.
Một điều dễ nhận ra, không một sỹ phu, một người dân, một đứa trẻ con nào không biết tên tuổi và chiến tích của các vị anh hùng nước họ có công đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Đó là bọn phong kiến xâm lược Trung Quốc, đế quốc Nguyên Mông và những kẻ xâm lăng khác. Họ làm ra những bài vè, bài ca, những truyền thuyết, sự tích kể về những chiến công, ca ngợi những vị vua yêu nước, những tướng lĩnh, sỹ phu anh hùng có công với dân với nước. Điều đó đã xảy ra khi chúng ta đánh chiếm Nam Kỳ và Bắc kỳ và các chiến dịch hiện nay. Đó là những triệu chứng mà một nhà chính trị không thể coi thường!
Vì những lý do ấy chúng ta phải làm tất cả để tránh xẩy ra cuộc khởi nghĩa của toàn dân Việt Nam! Một cuộc tổng nổi dậy mà hiện nay dường như rất có khả năng nổ ra, sẽ rất nguy hiểm cho chúng ta. Dù tổng khời nghĩa có thể bị dấp tắt, bị đàn áp dã man bằng các phương tiện lớn lao mấy đi nữa, thì đối với dân tộc Việt Nam vẫn mãi mãi như một hận thù lịch sử không gì xóa sach nổi, như một vinh quang, như một lời kêu gọi tập hợp, như một niềm hy vọng lần sau sẽ thành công hơn khi có hoàn cảnh thuận lợi hơn. Nó tạo cho người Việt Nam ý thức sâu sắc về sự thống nhất và về sức mạnh của mình, tư tưởng về cuộc báo thù luôn tồn tại và luôn chờ đợi.”.
Linh mục Mít-tơ-răng nhìn thiếu tướng nói thêm rằng:
- Ngài toàn quyền Hác-măng nói rất đúng, rất trúng về dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam. Chúng ta đã chiếm toàn bộ Việt Nam, buộc triều đình Huế ký những hiệp ước có lợi cho chính phủ Pháp, nước Pháp. Họ đã chịu đầu hàng, chịu làm nô lệ cho chúng ta!
Linh mục chưa kịp nói hết, viên thiếu tướng đã nói chen vào:
- Tôi không phải là ngài Hác-măng để nghe linh mục nói. Nhưng tôi không đồng ý với cách nói hời hợt của những cái đầu thiếu suy nghĩ, ngu dốt và cả tin. Mà rồi, những điều chúng ta coi người Việt Nam đã bị khuất phục thì thật là không phải!- Hắn đưa hai bàn như định bắt một vật gì trên cao, rồi lại thì thào - Không bao lâu nữa một cuộc tổng khởi nghĩa lớn trong phạm vi toàn Việt Nam sẽ nổ ra, quân Pháp sẽ phải chịu thất bại lớn và có thể bị đánh bại. Bạn linh mục của tôi ơi, là người truyền đạo chân chính đừng làm cho đức Chúa Trời nổi giận. Trong tương lai đất này sẽ không còn là đất của chúng ta bảo hộ, con cháu chúng ta nếu không tỉnh ngộ sẽ thua nhục nhã ở Việt Nam. Chiến tranh do chủ nghĩa đế quốc tạo ra là cuộc chiến vô nghĩa, không có vinh quang mà chỉ toàn là hận thù và đau thương!
Nói đến đấy, viên thiếu tướng bị thương xúc động, líu lưỡi không nói được nữa, hắn lại nằm yên như chết. Vị linh mục cảm thấy đau lòng, đứng dậy đi ra ngoài phòng điều trị và vì thời gian vị linh mục này âm thầm chia tay người bạn đi về nơi ở của mình, giáo phận tỉnh Sơn Tây. Khi thiếu tướng Đờ Nê-giơ- ni-e tỉnh lại, thấy đại tá Đu-che-nơ ( lúc này y đã được phong đại tá) ngồi trên chiếc ghế đặt bên cạnh mình thì vội vàng đưa bàn tay mềm nhũn ví mất máu của mình ra chào. Đại tá cũng đưa bàn tay rắn chắc ra nắm chặt bàn tay lạnh như tiền của thiếu tướng.
- Tôi đưa thương binh về thành Hà Nội, nhân thể đến thăm thiếu tướng, biết thiếu tướng đang khỏe dần là tôi mừng. Về đây, báo cho thiếu tướng biết, quân Thanh chiếm thành Lạng Sơn cũng không tiến công chúng ta nữa, ta cũng ngừng tiến công họ, chờ cho họ rút quân về, theo Hiệp ước đã ký và Hiệp ước sẽ được ký. Quân phản loạn nước Nam đã rút về những vùng núi hiểm trở, tìm cách chống lại quân ta. Bọn chúng như loài thỏ đế trước sau sẽ bị chúng ta bắt hết, tiêu diệt hết không còn một tên. Ngài Thống tướng Mi-lốt đã bổ sung 2000 quân cho cánh quân phía đông bắc nhưng ngài vẫn còn chưa an tâm.
- Chưa an tâm là đúng đấy đại tá ạ. Anh cũng phải cẩn thận đấy, đừng có chủ quan. Chúng ta vừa qua có dịp thừa thắng là do họ có những chỉ đạo sai lầm, chỉ có cầu hòa và phòng thủ. Tên vua Tự Đức hèn nhát, ngu xuẩn ấy đã chết rồi, những ông vua mới, vua nào hèn nhát theo Pháp đã bị giết rồi, vua Hàm Nghi còn trẻ nhưng tinh thần cứu nước có thừa. Nghe nói những tên Phụ chính đại thần đang chuẩn bị nổi dậy đấy, không khéo thì chúng ta không đủ sức mà chống lại họ đâu.
- Ngài Đờ Nê-giơ-ni-e đã nằm điều trị hàng tháng mà vẫn tỉnh táo gớm. Ngài đô đốc Cuốc-bê chưa đi đánh Tàu mà còn ở Huế đang theo dõi sát sao những diễn biến ở triều đình An Nam. Đã chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đánh trả và lần này chúng ta sẽ có thời cơ cướp lấy toàn bộ tài sản mà triều đình An Nam có được đang chất đầy trong kho của họ. Chỉ tiếc là tôi và thiếu tướng không có mặt ở Huế mà giành lấy một phần chia cho nhau.
Thiếu tướng vẻ không vui, nhìn đại tá Đu-che-nơ nói với giong buồn buồn:
- Đại tá sẽ chết trận thôi! Người nào còn mong đi cướp của giết người để làm giầu thì sẽ bị người ta giết chết! Từ ngày tôi bị thương tôi đang nghĩ khác, đại tá đừng chấp tôi nói nhé. Thiếu tướng Mi-lốt, ông ấy chắc là khôn hơn chúng ta nhiều, đang có ý định xin về Pháp và chính tôi cũng muốn được về Véc-xây quê nhà để nghỉ ngơi, không ở nước Nam nữa đâu.
Viên đại tá ngồi im trơ mắt ra nhìn viên thiếu tướng bị thương và nghĩ đến những kỷ niệm chinh phục nước Nam, cùng nhau đánh quân Cờ Đen, quân Tàu và chống lại quân khới nghĩa người Việt Nam. Trước đây thiếu tướng khỏe mạnh, dũng cảm, xông xáo luôn lao lên phía trước giết giặc mà nay tâm tính đổi khác quá, tinh thần sẽ xuống dốc không phanh mất! Đại tá Đu-che-nơ đứng dậy chia tay thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e đến thành Hà Nội mang 2000 quân được tăng viện cho cánh quân đông bắc. Không ngờ, khi thiếu tướng chưa ra viện đã nghe tin đại tá Đu-che-nơ bị giết chết khi đem quân đi trấn áp quân khởi nghĩa Đề Nắm. Xác của nó được quân Pháp chôn cất bên con đường mòn đi vào vùng đồi núi Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.
Khi nghe tin Đu-che-nơ bị giết, thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e khóc rống lên và ngất đi. Vừa lúc đó, thiếu tướng Gia-me tham mưu trưởng quân viễn chinh Pháp tại Bắc Kỳ đến thăm. Không nắm được tư tưởng, tinh thần của viên thiếu tướng bị thương, hắn cứ nói oang oang rằng, quân Pháp sẽ đem quân bình định toàn xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Hắn sẽ mang mấy binh đoàn lính Pháp và mấy chục nghìn lính Việt Nam đi càn quét, bóc cho hết các lớp loang trên bản đồ, đặt nền tảng vững chắc cho chế độ thực dân Pháp ở xứ Viễn Đông này. May mắn cho Đờ Nê-giơ-ni-e là lúc đó hắn nằm bất tỉnh, chứ lại nghe những lời nói hiếu chiến về đánh chiếm, giết chóc người nước Nam thì bệnh tình của hắn bị nặng thêm nữa.
Hơn hai tháng nằm viện, thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e đã bình thường trở lại. Ngài thống tướng Mi-lốt mời đến cơ quan, long trọng gắn Bắc đẩu bội tinh của nhà nước Pháp cho thiếu tướng. Đờ Nê-giơ-ni-e nhận và cảm ơn ngài thống tướng. Khi chỉ có hai người trong phòng làm việc, thống tướng nói:
- Đờ Nê-giơ-ni-e này, mình phải cáo bệnh để xin về Pháp, không ở Việt Nam nữa!
Ngài đưa ra cái lý do, Pháp với nhà Thanh sẽ ký một hiệp ước mới, miền biên giới Việt Trung sẽ yên, quân Thanh sẽ triệt để kéo quân về nước, chỉ còn quân khởi nghĩa người Việt Nam chống lại chúng ta. Nhưng tình hình Việt Nam sẽ có những cuộc nổi loạn, quân Pháp đang tích cực chuẩn bị chống nổi loạn. Việc bình định những vùng mà chúng ta chiếm được ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và các vùng khác của Đông Dương là nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta. Công việc ấy đâu phải là chuyện đùa, nước Pháp phải mất nhiều tiền của, nhiều sinh mạng mới làm được. Tôi cảm thấy mệt mỏi rồi, thiếu tướng đã hai lần bị thương cũng cảm thấy quá nhọc nhằn phải không? Vậy, tôi và thiếu tướng cùng xin về nước chứ?
- Vâng, thống tướng nói phải lắm! Tôi mong thống tướng giúp đỡ để tôi được về nước an toàn tính mệnh. Đời người ngắn ngủi lắm, không tham công tiếc việc đánh dẹp mãi được đâu. Người nước Nam sau khi thua, họ sẽ tự rút ra bài học kinh nghiệm để đánh lại. Họ có truyền thống đánh giặc lâu đời và rất vẻ vang hoàn toàn sẽ có khả năng đánh bại chúng ta. Trước mắt, họ gặp những thất bại đau đớn, nhưng qua thua trận sẽ đứng lên chiến đấu mạnh mẽ hơn và giành thắng lợi hoàn toàn.
- Tôi cũng nghĩ vậy, thiếu tướng ạ. Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam này thiêng liêng lắm, sẽ sinh ra những nhân tài trị tội bọn cướp nước và đồng thời trị tội lũ bán nước tham sống sợ chết. Cũng như nước Pháp, dân tộc Pháp, nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ luôn thống nhất, độc lập và tự do!
- Đó cũng là chân lý không bao giờ thay đổi! Anh và tôi luôn nghĩ tốt về các dân tộc về con người, Chúa Trời sẽ phù hộ chúng ta trở về nước Pháp an toàn! Kẻ nào không hiểu, thì cứ mà ở lại đem mồ hôi, xương máu làm giầu cho những tên tư bản béo mập, làm sang cho những tên cơ hội chính trị nắm quyền thống trị. Chúng ta cứ theo con đường sáng mà đi thì sẽ về đến nơi đến chốn, mặc kệ những kẻ lầm đường đi vào cõi tối tăm vào cõi chết.
Hôm đó, đất trời Hà Nội vào xuân rất đẹp. Thống tướng Mi-lốt cùng với thiếu tướng Đờ Nê-giơ-ni-e đi dạo quanh thành, nhìn thấy mấy khẩu thần công cổ lỗ sỹ để tượng trưng ở cổng thành và nhìn thấy mấy vết đạn đại bác của quân Pháp trên tường thành. Cả hai đều chăm chú nhìn vào mấy mảnh vỡ, vết thủng trên tường, cùng nghĩ về dấu tích của cuộc chiến tranh Việt Nam. Sự vẻ vang của những chiến công mà quân Pháp đem đến cho nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam có lẽ không bằng mấy vết thủng kia. Cả hai cùng mỉm cười không nói, chia tay nhau về nơi ở của mình. Mấy tháng sau, người ta nhìn thấy họ cùng lên tàu thủy trở về Pháp. Khi tàu cập bến cảng Véc-xây, Đờ Nê-giơ-ni-e còn mời Mi-lốt về nhà chơi. Sau vài ngày thống tướng Mi-lốt mới trở về quê nhà ở ngoại ô Thủ đô Pa-ri.