Khi in xong tác phẩm Trầm tích sông Thao ngồi đọc lại, người viết thấy cần nói rõ thêm những vấn đề sau:
1. Diễn biến lịch sử: Viết tác phẩm Trầm tích sông Thao nhằm mục đích tái hiện lại cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng và rất vẻ vang của nhân dân vùng sông Thao, Hưng Hóa chống bọn xâm lược Pháp, khi chúng kéo đến chiếm đóng vùng đất này. Bắt đầu từ cuộc chiến giữ thành Hưng Hóa, với lực lượng gần 500 quan quân của thành, phải chống chọi với hơn 7000 quân giặc có tàu chiến và pháo binh yểm hộ. Quân dân ta trong một tình thế hết sức bất lợi, triều đình đã ký hiệp ước Hác-măng đầu hàng quân Pháp, yêu cầu phải hạ vũ khí. Quan quân dưới sự lãnh đạo của Hoàng giáp,Tuần phủ Nguyễn Quang Bích với vũ khí thô sơ, không có quân hỗ trợ nào, đã chiến đấu đến cùng bảo vệ thành Hưng Hóa. Sau đó, nghĩa quân rút ra bảo toàn lực lượng, hướng về miền rừng núi Thượng du tiếp tục cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược.
Trên đường rút về vùng núi Thượng du, nghĩa quân đã phải chiến đấu chống lại sự truy đuổi, bao vây của giặc Pháp trên đất Tứ Mỹ. Lúc này, quân dân cùng nhau hợp sức, xác định mục tiêu, đồng lòng, quyết tâm cầm súng chống giặc Pháp. Do tính chất chính nghĩa của cuộc chiến đấu, nghĩa quân đã được nhân dân các địa phương ủng hộ. Trai tráng các làng trên đất Tam nông, Cẩm Khê, Yên Lập đã hăng hái gia nhập nghĩa quân, lực lượng ngày càng đông. Được các hào lý các làng tổng giúp đỡ nghĩa quân đã tìm được đất Tiên Động lập căn cứ chống Pháp lâu dài. Trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã xây dựng được phòng tuyến, trận địa, đồn trại, gây được thanh thế để nghĩa sỹ bốn phương kéo về, hợp sức. Tại Tiên Động nghĩa quân thượng cờ “ Bình Tây Báo Quốc”, ra lời hịch cứu nước, quy tụ được lực lượng văn thân, võ tướng, những người yêu nước cùng chí hướng đã tự nguyện cầm vũ khí chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp.
Tiên Động đã trở thành một trung tâm kháng chiến. Nghĩa quân đã làm chủ nhiều nơi, đánh tiêu hao nhiều lực lượng địch, liên kết, hỗ trợ cho các vùng cùng nổi dậy. Khắp các vùng miền thuộc các tỉnh Sơn Tây, Chợ Bờ, Hưng Hóa, Tuyên Quang, nghĩa quân vẫn làm chủ, mặc dù có nhiều thành trì và lỵ phủ, huyện, châu do quân Pháp chiếm đóng, kiểm soát. Tư tưởng chỉ đạo về chiến thuật, chiến lược là phòng thủ, kết hợp với tiến công, chuẩn bị lực lượng để tổng tiến công. Về tổ chức có lực lượng quân tập trung cơ động, có lực lượng địa phương dưới sự lãnh đạo của các lãnh binh, đốc binh của các làng tổng. Nghĩa quân đông đến hàng nghìn người, trang bị đã có súng, giáo gươm và các loại thủ pháo tự tạo. Phương châm là đánh địch, cướp lấy vũ khí trang bị cho mình, dựa vào địa hình rừng núi, địa vật hiểm trở và các yếu tố về thời gian, thời tiết để đánh địch.
Lực lượng nghĩa quân Tiên Động đã liên kết với các lực lượng kháng chiến ở miền đồng bằng Bắc Kỳ, nghĩa quân miền sông Đà, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Chủ tướng Nguyễn Quang Bích đã liên hệ và chỉ đạo các lực lượng kháng chiến trong khu vực và trong phạm vi Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Các lực lượng nghĩa quân của các thành Hà Nội, Sơn Tây, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang... đã hướng về vùng sông Thao, Hưng Hóa. Mối quan hệ giữa lực lượng nghĩa quân Thanh Mai và Thạch Sơn do Bố chánh Nguyễn Văn Giáp chỉ huy ngày càng gắn bó, hỗ trợ cho nhau cùng mục tiêu chống Pháp. Trên khu vực sông Thao, Hưng Hóa bao gồm tả hữu sông Thao và tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, vùng Tây Bắc, Việt Bắc nước ta, nghĩa quân vẫn làm chủ tuyết đối. Đó là lợi thế chiến lược mà nghĩa quân có được.
Sau khi vua Tự Đức từ trần, triều đình càng suy mạt đã ký hiệp ước Pa-tơ nốt, thực chất là hiệp ước đầu hàng, dâng nước ta cho giặc Pháp. Một lực lượng của phái chủ chiến do Phụ chính Tôn Thất Thuyết tiến hành khởi nghĩa ở Huế. Bị thất bại, ông Thuyết đưa Vua Hàm Nghi ra Tân Sở, Quảng Trị tổ chức lực lượng kháng chiến. Vua Hàm Nghi ra “Chiếu Cần Vương” kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên giết giặc cứu nước. Nghĩa quân vùng sông Thao, sông Đà, Hưng Hóa đã nhiệt liệt hướng theo “Chiếu Cần Vương” ra quân đánh giặc cứu nước. Nghĩa quân các vùng miền khác, đứng đầu là các văn thân, võ tướng giương cao cờ Cần Vương xông lên đánh giặc giúp vua, lực lượng rất to lớn tính ra phải đến hàng vạn người.
Quân Pháp đã tập trung lực lượng đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa. Tại Huế mấy vạn người bị giết hại, tài sản của triều đình và của nhân dân bị cướp trắng. Chúng bắt Phụ chính Nguyễn Văn Tường, lập vua Đồng Khánh, chiêu dụ vua Hàm Nghi, văn thân, võ tướng trở về hàng. Giặc Pháp dựa vào triều đình Huế và bè lũ tay sai ra tay đàn áp và dìm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu. Lúc này, quân Pháp đã chiếm hẳn nước ta, lực lượng của chúng rất mạnh, trang bị vũ khí tối tân, sức cơ động nhanh, hoàn toàn có khả năng đánh bại các lực lượng khởi nghĩa trên các vùng miền Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Trong hoàn cảnh như vậy, nghĩa quân vùng sông Thao, Hưng Hóa kiên cường theo Cần Vương chống giặc Pháp. Các văn thân, võ tướng lãnh đạo kháng chiến đã được cất nhắc vào các vị trí quan trọng. Chủ tướng Nguyễn Quang Bích được vua Hàm Nghi phong chức Lễ bộ Thượng thư, sung chức Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Thuần trung tướng. Bố chánh Nguyễn Văn Giáp người lãnh đạo nghĩa quânThanh Mai, Thạch Sơn cũng được phong Hiệp đốc quân vụ đại thần, Phấn trung tướng. Nói chung, các văn thân, võ tướng được bổ dụng vào các chức vụ dưới quyền đã được Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đề bạt phong chức. Nhiều người ở các địa phương được phong chức đề đốc, lãnh binh, đốc binh, tương xứng với nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy các cấp.
Phong trào Cần Vương phát triển mạnh, trong phạm vi Bắc kỳ và Trung Kỳ. Nhưng thiếu sự chỉ đạo thống nhất, không có sự chuẩn bị trước, không có người tài chỉ huy về chiến lược, chiến thuật; vũ khí trang bị thô sơ; tổ chức phòng thủ và tiến công có nhiều hạn chế; chiến thuật chủ yếu vẫn là phòng thủ, thủ hiểm. Các vùng thành thị, đồng bằng đông dân cư đều do địch kiểm soát. Chúng dựa vào bè lũ tay sai của triều Nguyễn tập trung đánh phá quân khởi nghĩa. Giặc Pháp vẫn dùng chiến thuật “tằm ăn lá dâu”, chính sách “chia đề trị” tức “ chia để trị” để chống lại Phong trào Cần Vương và văn thân. Dựa vào sức mạnh về quân sự, sự viện trợ kịp thời của chính phủ Pháp, chống lại sự can thiệp của nhà Thanh, giặc Pháp đã thực hiện được kế hoạch bình định, xâm chiếm Việt Nam.
Nghĩa quân Cần Vương, mặc dù có lực lượng đông, quan quân và dân binh biểu hiện lòng yêu nước rất cao. Nhưng do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, do hạn chế về tầm nhìn thời đại, do thiếu hụt về cơ sở vật chất, vũ khí trang bị thô sơ, thiếu người mưu lược, dũng lược, không có đường lối chiến lược, sách lược rõ ràng. Nhiều sai lầm về tổ chức, chỉ đạo chiến thuật, cứ lo cố thủ, đợi thời, không chủ động đánh địch. Người chỉ huy cao nhất là Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết thì thiếu trách nhiệm, bỏ sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh tạo tâm lý trông chờ vào ngoại viện, không trông cậy vào thực lực của quan quân và dân chúng.
Tuy vậy, nghĩa quân vùng sông Thao, Hưng Hóa, dưới sự lãnh đạo của Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đã tạo ra những chiến công rất lớn, rất đáng tự hào. Nghĩa quân Thanh Mai- Thạch Sơn đã đánh thắng một cuộc hành quân của gần chục nghìn quân Pháp, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo toàn được lực lượng rút quân lên Tiên Động, hợp nhất với quan quân của Nguyễn Quang Bích. Tại Tiên Động nghĩa quân đã phát triển lực lượng về phía nam Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn, Thanh Thủy, mở rộng trận địa ra khắp khu vực Thao Đà, liên kết với nghĩa quân Cần Vương các vùng Thanh Hóa, Nghệ An và vùng đồng bằng Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng. Trên mặt trận sông Thao, dưới sự chỉ huy của các lãnh binh, đốc binh, các nghĩa binh kháng chiến đã đánh nhiều trận, tạo ra được những chiến thắng to lớn, kiểm soát được nhiều vùng đất đai và dân cư. Tạo ra thế đứng chân rất vững chắc, có điều kiện để phát triển lên, tạo ra thế và lực có thể đánh thắng hoàn toàn bọn xâm lược Pháp.
Tại căn cứ Tiên Động, quân Pháp tổ chức các cuộc tiến công với lực lượng hàng nghìn quân. Nghĩa quân và nhân dân đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí đã đẩy lùi hàng chục cuộc phản kích, bảo vệ được căn cứ. Đó là chiến công vượt trội mà các mặt trận khác không có được, cũng như cuộc chiến ở thành Hưng Hóa, tướng sỹ Pháp phải sợ, phải gờm trước sức mạnh tinh thần, mưu trí, dũng cảm tuyệt vời của nghĩa quân. Trên các mặt trận, nghĩa quân đã biết phối hợp, tác chiến, đánh tan nhiều cuộc hành quân, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giữ vững trận tuyến, trận địa, bảo vệ được dân chúng và lực lượng của nghĩa quân. Giữa vững những vùng đất chiến lược và căn cứ, tiêu hao lực lượng địch, gây cho giặc nhiều hoang mang, tổn thất.
Do yêu cầu của vua Hàm Nghi và Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích phải nhận nhiệm vụ hai lần đi sứ cầu viện nhà Thanh. Ông đã tạo ra mối quan hệ với nhà Thanh. Họ đã công nhận chính thể triều đình Hàm Nghi, hứa viện quân và giúp đỡ về quân lực, vũ khí. Do họ đã ký nhiều hiệp ước với Pháp và đang gặp khó khăn không thể giúp ta được. Nhưng từ mối quan hệ cá nhân với quan lại và nhân dân các tỉnh giáp biên giới đã giúp ta một số vũ khí. Đó là thành công của những lần đi sứ của quan Đại thần Nguyễn Quang Bích tại Vân Nam, Trung Quốc.
Hiệp thống Nguyễn Quang Bích cũng đã tính toán chuyển hướng chiến lược. Ông cho quân từ Tiên Động rút lên Mường Lò, Nghĩa Lộ để đón Vua Hàm Nghi ra Bắc, lập triều đình kháng chiến, biến Mường Lò, Nghĩa Lộ thành Kinh đô kháng chiến. Tại Lai Châu, ông đã bàn kế hoạch này với Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết, lãnh tụ tối cao của Phong trào Cần Vương trước khi đi sứ lần hai. Nhưng Tôn Thất Thuyết đã không nghe, bỏ đi Trung Quốc cầu viện nhà Thanh. Vẫn ảo tưởng vào sự giúp đỡ của nhà Thanh, không biết giữ quốc thể. Hành động của Tôn Thất Thuyết đã gây ra những tổn thất rất lớn cho phong trào Cần Vương, các sử gia Pháp coi việc ông bỏ đi Trung Quốc cầu viện là thoái thác nhiệm vụ, đào tẩu để giữ yên tấm thân mình. Về tư cách cá nhân và bản lĩnh của người chỉ huy tối cao, ông không xứng đáng là một đại tướng quân ( như lời đánh giá của nhà sử học Trần Trọng Kim)
Kế hoạch chiến lược kéo quân lên Nghĩa Lộ bị phá vỡ, giặc Pháp tập trung quân đánh phá nhiều lần. Hai người Phó tướng thân cận, tin tưởng của ông là Khê Ông ( tức Nguyễn Hội) và Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp đều từ trần do ốm đau bệnh tật vì hoạt động gian khổ, ở nơi lam sơn chướng khí, nước độc rừng thiêng. Quân quan ngày càng thiếu hụt, do thương vong, do ốm đau bệnh tất, không có lực lượng bổ sung. Do đó, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích phải cho lui quân về tổng Mộ Xuân, châu Yên Lập, hợp sức với các lực lượng nghĩa quân tại đồng bằng Bắc Bộ và với các địa phương Sơn Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Tây Bắc, Việt Bắc. Ông cho lập căn cứ Tôn Sơn, nghĩa quân đứng vững, đang trên đà phát triển, lập được nhiều chiến công đánh giặc Pháp.
Lúc này, Nguyễn Quang Bích nhận được tin Vua Hàm Nghi bị giặp Pháp bắt đày sang An-giê-ri. Nhưng ông vẫn có kế hoạch duy trì lực lượng Cần Vương, tiến công quan Pháp, tạo thế và lực mới. Nhưng đến tháng Chạp năm Canh Dần ( 1890), ông đột ngột mắc bệnh và từ trần tại căn cứ Tôn Sơn châu Yên Lập. Nghĩa quân mất chủ tướng, người lãnh đạo tin tưởng nhất của Phong trào Cần Vương là tổn thất vô cùng lớn. Việc chỉ huy nghĩa quân Cần Vương vùng Thao Đà trong tay hai người tướng là Đề Kiều và Đốc Ngữ. Các ông đã đánh thắng địch nhiều trận, vẫn kiểm soát tuyệt đối vùng đất hữu ngạn sông Thao và bắc sông Đà.
Đốc Ngữ một người tướng có tài, lập nhiều chiến công đánh địch ở thị xã Sơn Tây, Chợ Bờ, Yên Lãng, Sơn Hùng-Thục luyện và nhiều nơi khác. Giặc Pháp tập trung đánh phá dự dội vào vùng đất Thanh Sơn, nghĩa quân đã anh dũng cầm cự, đánh tan nhiều cuộc tiến công càn quét của giặc Pháp. Nhưng ở thế bị cô lập, lực yếu, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề. Giặc Pháp thực hiện chính sách mua chuộc, ly tán, chia rẽ các dân tộc, Nguyễn Đức Ngữ bị sát hại. Lực lượng nghĩa quân Cần Vương miền sông Đà, không còn người chỉ huy giỏi dần dần tan rã. Tuy rằng còn có lực lượng người dân tộc nổi lên kháng Pháp nhưng cuối cùng đều bị thất bại.
Vùng Đọi Đèn, Rừng Già lực lượng nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Đề Kiều đã chống chọi quyết liệt những cuộc tiến công của giặc Pháp. Họ đã đánh thắng cuộc tiến công của Pháp kéo dài 4 tháng trời làm cho quân địch tổn thất, hoang mang, lo sợ. Quân Pháp chuyển sang dùng các thủ đoạn chia rẽ, mua chuộc, dụ dỗ. Chúng thực hiện đàn áp dã man, bắt dân làng Cát Trù và dân các làng thuộc tổng Điêu Lương, thân nhân nghĩa quân đưa ra ngoài bãi sông Thao giam giữ, dọa giết hết. Chúng kêu gọi, gây sức ép để Đề Kiều phải nhận đầu hàng. Cuối cùng, trong thế bị cô lập, trước sức ép của giặc Pháp, Đề Kiều phải tính nước nhận “ đầu hàng có điều kiện”, chúng cho ông cai quản vùng đất tự quản gồm ba tổng: Điêu Lương, Chương Xá và Phú Khê. Từ đó, phong trào đánh giặc Pháp cứu nước tại vùng sông Thao, Hưng Hóa tạm thời lắng xuống, nhưng ngọn lửa yêu nước, tinh thần chống giặc Pháp vẫn được duy trì, ngầm chuẩn bị lực lương, chờ thời cơ nổi dậy đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập, tự do.
2. Tạo lập cuốn tiểu thuyết lịch sử: Diễn biến lịch sử là như vậy, nhưng trong lịch sử Việt Nam ghi lại rất ít. Lịch sử kháng chiến chống Pháp vùng sông Thao, Hưng Hóa chỉ thấy ghi lại chưa đầy một trang, hoặc vài dòng, nhiều văn thân, võ tướng thì chỉ có ghi tên hoặc không còn danh tích, nhiều danh nhân lịch sử còn bị ghi sai lệch. Vào thời kỳ đổi mới, các Hội Lịch sử địa phương và Trung ương đã tích cực hoạt động làm sáng tỏ các sự kiện, nhân vật lịch sử, có cách nhìn nhận đánh giá đúng đắn, khoa học hơn. Người đọc mới hiểu rõ về Phong trào Cần Vương cứu nước, vai trò và sự đóng góp của các văn thân, võ tướng, của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX trên quê hương, đất nước.
Tiểu thuyết lịch sử là văn bản tự sự phải có cốt truyện. Cốt truyện trong tác phẩm này là cốt truyện sự kiện, được xây dựng và phát triển theo thời gian. Truyện kể về cuộc chiến đấu của nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của các văn thân, võ tướng. Bắt đầu từ cuộc chiến giữ thành Hưng Hóa, nghĩa quân chống lệnh của triều đình, tối hậu thư buộc đầu hàng của giặc, kiên quyết chiến đấu đến cùng, không giữ nổi thành, kéo quân về miền rừng núi Thượng du, lập căn cứ chống giặc Pháp. Khi có Phong trào Cần Vương, họ lại tiếp tục chiến đấu theo ngọn cờ Cần Vương cứu nước. Trong hoàn cánh vô cùng khó khăn, gian khổ, nghĩa quân đã chiến đấu gây cho quân Pháp nhiều thất bại. Cuộc chiến kéo dài, trong hoàn cảnh thiếu thốn, bị địch tiến công tiêu diệt, các văn thân, võ tướng, người thì bị bắt, bị giết, bị tù đày, người thì bị chết trong rừng sâu, nước độc. Tại vùng sông Thao, Hưng Hóa nghĩa quân cũng bị tổn thất, những người lãnh đạo chỉ huy tài năng, đạo đức như Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Hội lần lượt từ trần, Đốc Ngữ và một số đông tướng sỹ hy sinh, Đề Kiều phải chấp nhận “đầu hàng có điều kiện” để giữ lực lượng, mưu tính việc cứu nước trong tương lai. Truyện đã chìm vào quá khứ, chỉ còn là cái bóng của lịch sử. Người viết, dựa vào chuyện có thực được các nhà nghiên cứu lịch sử ghi chép và trong trí nhớ của nhiều người kể lại để viết nên thiên tiểu thuyết, phản ánh cuộc chiến đấu chống Pháp xâm lược vô cùng anh dũng, rất vẻ vang của nhân dân vùng quê hương mình.
Kết cấu truyện kể theo thời gian, sự kiện, vụ việc, các trận chiến diễn ra theo đúng với lịch sử.Cuộc chiến đấu diễn ra trước Phong trào Cần vương và khi Phong trào Cần Vương nổ ra thì nghĩa quân náo nức hướng về. Giặc Pháp đã dùng hàng nghìn quân tiến công với vũ khí hiện đại đánh phá, nghĩa quân vẫn làm chủ thế trận trên địa bàn chiến lược. Chỉ khi mất những người chỉ huy nồng cốt, ở vào thế cô lập, bị tổn thất, bị chia rẽ nghĩa quân mới chịu thất bại.
Kết cấu tập truyện theo chương, tất cả tập có 34 chương, trong từng chương người viết mở rộng thêm viết về tướng sỹ Pháp, về những tên quan lại tay sai, hay thêm chương viết về âm mưu của thực dân Pháp bàn tính xâm lược Việt Nam trong suốt ba thế kỷ, bè lũ quan lại tay sai, những tên theo Pháp phản bội. Để cho người đọc, hiểu biết thêm về tình hình quân Pháp, nhà nước Pháp, triều đình nhà Nguyễn với những kế hoạch, âm mưu thâm độc của bọn cướp nước, bán nước. Chỉ ra cho người đọc thấy những hy sinh, tổn thất của Phong trào Cần Vương với nguyên nhân, hạn chế đã đến thất bại của phong trào kháng chiến chống Pháp xâm lược của nhân dân ta cuối thế kỷ thứ XIX. .
Do quy mô hoành tráng của tác phẩm, số lượng nhân vật tương đối nhiều tính ra đến hàng trăm nhân vật. Tuyến nhân vật chính diện, gồm các văn thân, võ tướng, binh sỹ, những hào lý, nhân dân địa phương bao gồm cả người già, phụ nữ, trẻ em. Văn thân nổi tiếng, trụ cột của nghĩa quân là Hoàng giáp, Tuần phủ Nguyễn Quang Bích, người chủ tướng, người lãnh đạo cao nhất, chỉ huy nghĩa quân vùng sông Thao, Hưng Hóa. Ông là người có uy tín, được dân tôn ông là “Hoạt Phật” ( Phật sống). Được giao giữ thành Hưng Hóa, ông đã cùng tướng sỹ kiên quyết giữ thành. Thành thất thủ, ông định tự sát để giữ danh tiết. Nhưng khi các tướng lĩnh thân cận khuyên ông, vượt vây, lên miền Thượng du để tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp xâm lược. Ông nghe theo, đi với tướng sỹ và nhân dân chống Pháp, kêu gọi mọi người phất cờ “Bình Tây Báo Quốc”. Khi có Chiếu Cần Vương, ông đã cùng tướng sỹ hướng về, lĩnh trách nhiệm hai lần đi sứ nhà Thanh, tạo được mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân vùng biên giới Trung Quốc, trong gian khó luôn ý thức giữ gìn quốc thể. Về chỉ đạo quân sự, ông có nhiều kế hoạch, bàn tính kịp thời, ông được các cấp chỉ huy, binh sỹ nể phục. Tướng sỹ coi ông như người cha, người thân thích. Có thể nói ông là người có nhân cách cao thượng, con người ông trong suốt như pha lê; ý chí, lập trường ông là sắt đá; trí tuệ, tình cảm của ông giá trị hơn vàng ngọc; một tâm hồn thơ trong sáng. Ông đã vì đất nước, vì nhân dân hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Ông mất đi đã được tướng sỹ và nhân dân vùng Thao Đà tôn thờ như những vị thánh của dân tộc mình.
Người văn thân thứ hai là Nguyễn Văn Giáp, ông giữ chức vụ bố chính Sơn Tây. Khi thành Sơn Tây thất thủ tháng 12 năm 1883, ông cùng binh sỹ kéo quân về Thanh Mai, cùng các ông Lãnh Mai, Tán Dật tổ chức kháng chiến chống Pháp. Các ông đã giữ đất Thanh Mai và Thạch Sơn thuộc phủ Lâm Thao làm căn cứ, cho quân đi đánh chiếm các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Bạch Hạc, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quảng Oai, Ba Vì. Chiếm giữ vùng đất quan trong ven sông Lô, sông Thao, sông Đà. Quân Pháp phải chuẩn bị binh lực lớn để đánh tiêu diệt căn cứ Thanh Mai- Thạch Sơn.
Nghĩa quân Thanh Mai-Thạch Sơn đã anh dũng chiến đấu chống lại cuộc hành quân của gần chục ngàn quân gồm quân chính quy và quân đóng tại chỗ của giặc Pháp có nhiều tàu chiến và pháo binh yểm hộ. Trong hơn một tuần giao chiến, nghĩa quân đã gây thiệt hại về binh lực cho quân Pháp, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí. Khi giặc Pháp chiếm được Thanh Mai thì nghĩa quân đã rút ra khỏi vòng vây, mà tướng sỹ Pháp không biết đối phương rút quân theo đường nào. Khi hội quân với Tiên Động, ông đám nhận làm Phó chỉ huy, khi Nguyễn Quang Bích đi sứ ông làm Quyền Tổng Chỉ huy nghĩa quân. Ông đã chỉ huy quân sỹ đánh thắng hàng chục cuộc phản công của giặc Pháp khi chúng định đánh chiếm Tiên Động. Ông đã trực tiếp chỉ đạo cuộc rút quân chiến lược từ Tiên Động lên Nghĩa Lộ, phát huy được thế mạnh của nghĩa quân, giữ vững lực lượng. Trên chiến trường Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Phù Yên, Vân Yên, Trấn Yên, ông là người xông xáo, sâu sát có cái nhìn tinh tường về chiến thuật, chiến lược, dự báo được tình hình, phán đoán được các hướng tiến công, cùng như hướng rút lui của các cánh quân địch. Ông biết động viên tinh thần binh sỹ, giữ vững ý chỉ chiến đấu, tin tưởng vào thực lực của mình. Ông là người thẳng thắn, biết giữ gìn kỷ luật binh sỹ. Do hoạt động ở nơi lam chướng, ốm đau, bệnh trọng không thể chữa được, ông từ trần, để lại bao nỗi tiếc thương. Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đã ca ngơi ông Hiệp Đốc Giáp là “trung hưng danh tướng”, tinh thần và khí phách, tài năng, linh hồn ông còn mãi, theo giúp quan quân. Khi ông mất rồi, quân Pháp vẫn tưởng ông còn sống rất sợ uy phong và tài năng chỉ huy của ông.
Người văn thân thứ ba là Khê Ông ( Nguyễn Hội). Ông là An sát tỉnh Sơn Tây, khi giặc Pháp chiếm thành Sơn Tây, đã cùng nhân dân địa phương tổ chức kháng chiến, người đầu tiên đến với nghĩa quân, giúp chủ tướng Nguyễn Quang Bích đi vào cuộc trường chinh chống Pháp. Ông làm phó tướng, Tán tương quân vụ có nhiều đóng góp, một nhân cách hoàn thiện, cao thượng được tướng sỹ kính trọng nể phục. Ông mất trên đường đi sứ, tại Lai Châu. Bài văn tế của Nguyễn Quang Bích khóc thương Tán Tương quân vụ Khê Ông đã nêu những đóng góp, công lao, bản lĩnh của một sỹ phu vì nước quên thân, hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp chống giặc Tây cứu nước.
Trong tác phầm có kể tới những văn thân, lãnh tụ khởi nghĩa của các vùng như Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Nguyễn Xuân Ôn, Vũ Hữu Lợi, Nguyễn ThiệnThuật, Lã Xuân Oai, Nguyễn Cao, Lương Tuấn Tú và hàng chục văn thân, sỹ phu yêu nước khác ở khắp các miền . Họ đã gương cao ngon cờ yêu nước, Cần Vương, hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp cứu nước, thể hiện khí phách anh hùng trong mọi hoàn cảnh, nêu một tấm gương, bài học cao quý cho các thế hệ mai sau nối tiếp đứng lên chống lại bè lũ cướp nước, bán nước, đòi lại độc lập, chủ quyền dân tộc.
Trong tác phẩm kể nhiều đến các võ tướng chỉ huy trực tiếp nghĩa quân như Đề Hoan, Đề Kiều, Đốc Ngữ, Tán Dật, Đề Doãn, Tán Áo, Tán Khảm, Tán Vị, Lãnh Mai, Lãnh Khanh, Đề Mạc, Lãnh Hặc, Lãnh Tứ, Đốc Hậu, Lãnh Cắng Lãnh Vân và hàng chục các vị Đốc binh, Phó Đốc binh chỉ huy trực tiếp các đạo quân, đội quân. Họ đều là những người anh hùng, trung thành, quả cảm, can trường chống giặc hy sinh anh dũng, có những đốc binh là phụ nữ như Hà Thị Khiêm, Triệu Thị Vân, Lê Thị Lan đã chỉ huy những đội quân vận tải lương và chiến đấu trong các điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ và có người đã anh dũng hy sinh. .
Thực tiễn đây là cuộc chiến tranh toàn dân, tướng sỹ từ nhân dân mà ra, tự nguyện cầm súng đánh giặc. Họ được nhân dân ủng hộ, những cụ ông, cụ bà, những người vợ, những người con gái đã tham gia bầy mưu, tính kế, góp tiền, góp sức may cờ, may quần áo, tải lương, mang vác vũ khí, nuôi dưỡng binh sỹ, làm tốt việc nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ, hay những người dân bình thường ở các làng bản cung cấp voi ngựa, lúa gạo cho nghĩa quân. Họ đã được miêu tả trong tác phẩm hoặc chỉ được nêu tên, người đọc vẫn hình dung ra sự đóng góp to lớn sức người và của cải trong cuộc đấu tranh chống giặc Pháp. Những người bình dị như cụ Đội Thủ, cụ Trần Mạnh, Bà Sung, Bà Tèo, cô Năm, cô Thịnh, cô Tâm, cô Thân đã có công giúp đỡ nghĩa quân, đóng góp về tinh thần, vật chất. Trong tác phẩm cũng nêu rất nhiều các vị hào lý làng tổng, đã vì nghĩa quân mà nhận các chức lãnh binh, đốc binh, vận động, chỉ huy quân nghĩa dũng xông lên đánh giặc, bảo vệ dân làng, giúp sức, sát cánh cùng nghĩa quân chiến đấu, dù phải chịu hy sinh mất mát, nhà tan cửa nát, người thân bị sát hại và phải chịu đau thương, tang tóc.
Trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, nhiều người Trung Hoa đã sát cánh chiến đấu cùng nhân dân Việt Nam. Những con người như Lý Phúc, Lưu Vĩnh Phúc, Chu Thiết Nhai, Đàm Thống Lĩnh và nhiều chiến binh đã cùng nhân dân Việt Nam đánh giặc lập công tạo mối quan hệ hữu nghị tốt dẹp cho hai dân tộc Việt Nam, Trung Quốc.
Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Hoàng Văn Thúy ( Đề Kiều ). Ông là chánh tổng của tổng Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, người đầu tiên thành lập đội nghĩa dũng bảo vệ sự yên bình của làng tổng của mình trong lúc bị quân Cờ Đen quấy phá và cũng để chuẩn bị lực lượng chống giặc Tây cứu nước. Ông được Tuần phủ Nguyễn Quang Bích phong chức đốc binh, đem quân nghĩa dũng của làng tổng mình tham gia bảo vệ thành Hưng Hóa. Khi chiến sự nổ ra, đội Hậu quân của ông tham gia chiến đấu lập công, đã đưa Tuần phủ Nguyễn Quang Bích ra khỏi thành, hướng về miền núi Thượng du lập căn cứ chống Pháp. Ông đã được tôn làm Phó soái, lo việc hậu cần kiêm phụ trách đạo Hậu quân. Khi Phong trào Cần Vương nổ ra, ông được phong chức đề đốc tỉnh Hưng Hóa và sau này lĩnh chức Chánh Hành dinh chỉ huy nghĩa quân. Ông đã trực tiếp tham gia chỉ huy chiến đấu trong nhiều trận, vận động nhân dân ủng hộ nghĩa quân lương thực, thực phẩm và quân trang, quân dụng. Ông là người giỏi đi quyên góp, đi vận động nhân dân; gia đình ông gồm mẹ, vợ, con, người thân hết lòng, hết sức phục vụ nghĩa quân. Mặc dù giặc Pháp đã cho quân thiêu cháy toàn bộ nhà cửa của ông, khi chúng chiếm đóng làng Cát Trù. Ông và gia đình tản cư vẫn kiên trung, sản xuất lúa gạo, buôn bán làm ra tiền bạc, tìm cách ủng hộ nghĩa quân.
Trong quân ông được các vị chỉ huy, tướng sỹ yêu mến và tin tưởng. Ông là người trung thành, thẳng tính, cương trực, có tấm lòng bao dung, độ lượng hết lòng về việc chung, riêng. Nhiều lần ông đã được tín nhiệm giao cho việc chỉ huy toàn nghĩa quân, các vị chỉ huy rất tin tưởng vì thấy ông có đủ năng lực, tài đức. Khi Hiệp thống Nguyễn Quang Bích từ trần đã giao cho ông công việc chỉ huy chung và ông đã đảm nhiệm tốt các công việc. Ông đã trực tiếp chỉ huy nghĩa quân khu vực Đọi Đèn, Rừng Già chiến đấu với giặc Pháp suốt bốn tháng trời. Chỉ khi mẹ ông, người thân và dân làng Cát Trù, tổng Điêu Lương bị giặc bắt giam giữ trên bãi bồi sông Thao, hăm dọa giết hết, thì ông mới chấp nhận “ đầu hàng có điều kiện”, ký hiệp ước có tên gọi là “Công ước hòa bình” để cứu dân, tìm hướng duy trì lực lượng chuẩn bị chiến đấu cho ngày mai.
Ông Đề Kiều luôn quan tâm đến đời sống của dân, của binh sỹ khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Ông cũng rất quan tâm đến gia đình, công việc riêng của những người chỉ huy như Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích, quan tâm đến Ngô Quang Đoan, người con cả của Nguyễn Quang Bích, mồ mả của tướng sỹ đã bỏ minh vì nước. Trong cuộc sống hàng ngày, ông là người thông minh, nhanh mạnh, có năng khiếu văn chương, nghe nói ông rất thuộc truyện Kiều, ca dao và có tài làm câu đối và các thể văn tế. ( Trong những năm về sau ông vẫn ngầm cung cấp vũ khí lương thực cho các đơn vị nghĩa quân còn hoạt động ở vùng Tây Bắc, ông đã cung cấp tiền bạc, lương thực cho nghĩa quân Yên Thế, cho riêng ông Đề Thám khi phải chạy về vùng núi Sáng, về rừng núi Tuyên Quang, Thái Nguyên. Ông còn chu cấp tiến cho chí sỹ Phan Chu Trinh, Ngô Quang Đoan đi Đông Du sang Nhật. Trước những biến động lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, giặc Pháp lo sợ dân ta nổi dậy đã tìm cách đầu độc, giết chết ông đúng vào ngày Quốc khánh Pháp 14/ 7/ năm 1915. Trong tác phẩm, người viết đã dành nhiều trang, nhiều đoạn để thể hiện con người ông. Ông xuất hiện phần lớn trong các chương, từ chương đầu tiên đến chương cuối. Ông là người có chi khí, yêu nước, thương dân đem tất cả tinh thần, nghị lực, trí tuệ và của cải ra để giúp dân, cứu nước. Ông đã phải chịu tai tiếng xấu để người dân, quân sỹ được bảo toàn, mong làm cái việc lớn cứu dân, cứu nước trong hoàn cảnh nước mất, dân ta đang phải sống thân phận làm nô lệ.
Tuyến nhân vật phản diện bao gồm các thống tướng, tổng đốc, khâm sứ, công sứ, linh mục, sỹ quan, binh lính Pháp và số quan lại, tay sai người Việt.Số này cũng đông phải đến hàng chục nhân vật, viết về họ để người đọc biết về kế hoạch, chính sách, âm mưu, thủ đoạn thâm độc, lâu dài, trước mắt nhằm đàn áp quân dân ta, cướp nước Việt Nam làm thuộc địa. Họ đi cầm súng xâm lược, đi bắn giết không phải mất hết lương tâm, lý trí. Họ có những nhận định rất đúng, rất chính xác về đất nước, con người Việt Nam. Như lời toàn quyền Hác-măng về tính thống nhất, truyền thống anh hùng chống xâm lược, về sức mạnh văn hóa, con đường giải phóng của người Việt Nam thì đến nay vẫn là những chân lý. Quân Pháp tin người Việt Nam theo Công giáo sẽ nổi dậy, giúp đỡ, thì những người công giáo ấy đã quay lưng với họ, không hề phản bội dân tộc mình. Những tướng sỹ Pháp cũng đã dao động, hoặc rất cảm phục tinh thần chiến đấu bất khuất của con người Việt Nam. Những tên giặc gây nhiều tội ác bị đền tội, chưa kịp hối hận đã bị vùi thây trên đất nước này.
Tác giả cũng viết về những viên quan lại tay sai, đầu hàng phản bội. Những viên tướng nhà Nguyễn có trọng quyền đã sợ giặc, không dám đem quân tấn công địch như Hoàng Kế Viêm, Trương Quang Đản để mất thành Hà Nội, Sơn Tây, Nam Định, Hải Dương. Vua quan hèn nhát như người nối giáo cho giặc Pháp, khi nổi dậy thì không tính toán thời cơ để quân dân bị giết hại. Như ông Tôn Thất Thuyết, khi đảm nhận chức vụ cao của Phong trào Cần Vương lại bỏ sang Trung Quốc, ảo tưởng cầu viện nhà Thanh, đã phạm tội ác giết hại người tài trung thực, khảng khái, không cùng quân dân đồng cam cộng khổ, xả thân, xông pha vào nơi trận mạc, thiếu ý chí cũng như mưu lược, dũng lược chống giặc. Nhiều tên tay sai đã phản bội dân tộc, gây nhiều thiệt hại cho nghĩa quân như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Trọng Hợp, Phùng Quang Đáng, Vũ Văn Báo, Lê Hoan. Có nhiều người đã theo giặc như bố chính Hưng Hóa Bùi Quang Thích, tri phủ Lâm Thao Nguyễn Khắc Hợp, tri châu Nguyễn Gia Hè vẫn có những hoạt động thiết thực giúp nghĩa quân. Một số tên phản bội nguy hiểm trong quân như tên Cỏn giết chết Tán tương quân vụ Nguyễn Văn Vị tại Tiên Động và tên Lê Đình Nhạn dẫn đường cho quân Pháp đánh vào Hàm Rồng, Mỹ Lương cũng được tác giả nêu ra để mà cảnh tỉnh, đề phòng.
Trong tác phẩm, tác giả đã dành nhiều trang kể về những trầm tích lịch sử từ đời Hùng Vương, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế và anh hùng các triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê… diễn ra trên vùng đất sông Thao, Hưng Hóa. Những truyện lịch sử, những truyền thuyết, huyền thoại về các anh hùng dân tộc cũng được nhắc nhiều làm phong phú truyền thống, kinh nghiệm, giáo dục ý thức, tinh thần, trách nhiệm chống giặc Tây cứu nước của tướng sỹ ta.
Về ngôn ngữ: người viết chú ý đến vai trò chức năng của ngôn ngữ nghệ thuật, bảo đảm tính cấu trúc, tính hình tượng, tính cá thể hóa, tính cụ thể. Ở dạng lời nói trần thuật, kể chuyện hướng theo diễn biến của lịch sử, phản ánh thời cuộc, bối cảnh lịch sử, tiểu sử, tư tưởng, hành động của các nhân vật. Ở dạng lời nói đối thoại, hành động nói năng của các nhân vật, chú ý bám vào các nhân tố giao tiếp, như đối tượng, hoàn cảnh, đề tài, mục đích, nội dung giao tiếp. Ở đây là tiểu thuyết lịch sử, ngôn ngữ kể chuyện và đối thoại do người viết sáng tạo ra cho phù hợp với không khí lịch sử, hoàn cảnh và con người cụ thể, chỉ có một số lời nói của các nhân vật lịch sử được truyền lại thì giữ nguyên. Về ngôn ngữ của con người cuối thế kỷ thứ XIX đã gần ngôn ngữ hiện đại, nhưng ảnh hưởng Hán ngữ vì các văn bản viết phần nhiều bằng chữ Hán. Các văn thân, võ tướng được đào tạo bằng chữ Hán, nên đã sử dụng nghe, nói, tạo lập văn bản thơ, chính luận bằng chữ Hán. Song ngôn ngữ sử dụng trong tiểu thuyết cơ bản vẫn là ngôn ngữ tự nhiên, thường dùng trong sinh hoạt hàng ngày của người Việt ta. Để cho người đọc dễ hiểu, cảm nhận, hiểu sâu được ý nghĩa của các hình tượng nhân vật và hình tượng tác phẩm.
3. Kết luận:
Phong trào chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX, của nhân dân vùng sông Thao, Hưng Hóa tuy thất bại nhưng đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc. So với những cuộc khởi nghĩa của các văn thân, võ tướng nhiều nơi thì có sự nổi trội hơn. Thời đó dân ta đã có câu nói “ Nhất Thanh Mai, thứ hai Bãi Sậy”, so với khởi nghĩa Ba Đình thì căn cứ Tiên Đông bền vững, dẻo dai, kiên cường hơn nhiều lần. Giặc Pháp không thể dễ dàng tiêu diệt được nghĩa quân từng nổi lên đánh giặc Pháp trước khi có Phong trào Cần Vương và đã sốt sắng hướng theo Cần Vương. Vì họ đã sáng tạo ra nhiều cách đánh: đột kích, phục kích, tập kích, vận động, phòng thủ, tiến công chớp nhoáng, cách rút lui chiến lược và bảo toàn lực lượng, duy trì sức chiến đấu lâu dài. Ngày nay, chúng ta cần phải học tập và cần tổng kết kinh nghiệm rút ra bài học thực tiễn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hiện tại và tương lai.
Hiện thực đấu tranh cách mạng của vùng sông Thao, Hưng Hóa còn tiếp diễn rất sôi nổi và hào hùng trong thời Quang Phục Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng và phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhân dân các dân tộc trong vùng và con cháu những văn thân, võ tướng, chiến binh thời trước đã phát huy phẩm chất anh hùng chống giặc Pháp của cha anh, viết tiếp nhưng trang vàng lịch sử làm nên những chiến công rực rỡ.
Mặc dù bị giặc Tây và bè lũ tay sai đàn áp khốc liệt, các thế hệ con cháu đã anh dũng đứng lên chiến đấu, không sợ tù gông, máy chém, đọa đầy, tìm mọi cách để chiến thắng quân thù man rợ với khát vọng giành độc lập, tự do, hòa bình, cơm áo cho nhân dân và cho đất nước. Cuối cùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận động, tập hơp được lực lượng công nông trong đó có thành phần địa chủ, tư sản yêu nước làm nên kỳ tích Cách mạng Tháng Tám, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai ( 1945- 1954) vùng đất này lại làm nên chiến thắng Việt Bắc 1947, Sông Thao 1949, Tây Bắc, Hòa Bình ( 1951, 1952) và chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu ( 1954). Trên cơ sở những chiến thắng lịch sử này, sông núi, con người nơi đây đã góp phần đánh thắng đế quốc Pháp và đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập, tự do, hòa bình, toàn bộ lãnh thổ, non sông thu về một mối, tiến lên xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững độc lập, tự do dân tộc, nền hòa bình, thực hiện mục tiêu dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ ,văn minh.
Lịch sử vùng đất sông Thao, Hưng Hóa, nói rộng hơn là lịch sử vùng đất Sơn Hưng Tuyên với những con người anh dũng, bất khuất làm nên những sự kiện, sự tích, chiến công chói lọi. Chứng tỏ nhân dân các dân tộc đã phát triển ở trình độ ngày càng cao trong từng thời kỳ lịch sử của đất nước Việt Nam.
Trên cơ sở hiện thực phong phú, người viết có thể viết tiếp, thể hiện thật nhất quán, sinh động những sự kiện, vụ việc và những con người của quê hương rất bình dị, chân thành, dũng cảm đã làm nên những chiến công vĩ đại, rạng danh lịch sử đấu tranh chống xâm lăng của dân tộc.
Nhà văn là chủ thể sáng tạo, vẫn có những điều chưa thực sự làm hài lòng về tác phẩm của mình. Dù tác phẩm có hoành tráng đến đâu vẫn còn những thiếu sót, hạn chế, mong được bạn đọc sáng suốt góp ý để có thể hoàn thiện tiếp các tập Trầm tích sông Thao lịch sử.
Xin chân thành cảm ơn!
Phú Thọ, ngày 5/ tháng 7 năm 2014
Tác giả tiểu thuyết Trầm tích sông Thao thực sự cố gắng và tài năng. Nếu đầu tư hơn nữa về lao động nghệ thuật, có thể còn tiến xa. Là người đầu tiên viết tiểu thuyết lịch sử Cần Vương chống Pháp xâm lược trên miền đất sông Thao, Hưng Hóa, vùng đất Sơn Tây, Phú Thọ,Tuyên Quang và Tây Bắc nước ta ngày nay. Tác giả đã đem đến cho ta niềm tự hào về những con người anh hùng làm nên lịch sử. Nhiều nhân vật, sự kiện, chiến công được tái hiện rất sinh động làm sống lại biết bao con người anh hùng, cho ta yêu quý họ, tự hào về vùng quê nghèo mà lằm chiến công vẻ vang chống giặc cứu nước. Tấm gương của họ còn giúp chúng ta đứng vững trong gian nguy, trong cuộc sống bộn bề những khó khăn, phức tạp.
Cái giỏi của tác giả đã đưa vào tác phẩm rất nhiều nhân vật, sự kiện nhưng không hề bị rối. Mỗi chương là một sự kiện, một vụ việc, minh bạch. rõ ràng như những màn cảnh trong một cuốn phim truyện. Sau này có điều kiện những nhà làm phim có thể tạo dựng một bộ phim dài tập về cuộc chiến đấu này. Trong tác phẩm, tác giả đã có nhiều trang giáo huấn, luận bàn về chiến tranh mà lý thuyết đưa ra rất mô phạm, bởi tác giả là người từng trải, một giảng viên nghiên cứu nhiều về văn học và lịch sử chiến tranh, lại từng trải nghiệm thực tiễn chiến đấu trong chiến tranh chống Mỹ. Nhiều trang người viết luận giải về chiến tranh, “vấn đề thắng thua” đều có căn cứ kiến thức lịch sử quân sự của ông cha ta. Chiến tranh Cần vương là một cuộc chiến đặc biệt nên vấn đề lịch sử cần nêu, cần bàn là “vấn đề thắng thua”. Tác giả đã lý giải rất rõ ràng thông qua các hoạt động của nhân vật, với những điều kiện, thời gian, vũ khí, trang bị mà họ đã vận dụng nó vào trong cuộc chiến đấu không cân sức. Một bên là đế quốc Pháp có đội quân viễn chinh được trang bị vũ khí tối tân, quân lực mạnh; một bên là những vân thân, nghĩa sỹ, vũ khí thô sơ, lực lượng phân tán, thiếu sự chỉ huy thống nhất. Cuối cùng, cuộc chiến của các văn thân, nghĩa sỹ của ta thất bại nhưng đã ghi bao chiến công anh hùng, những bài học quý giá về kinh nghiệm, về phẩm chất trung kiên, bất khuất, không sợ quân thù, không sợ chết, chiến đấu đến cùng, hy sinh anh dũng, làm gương cho hậu thế.
Tác giả đã phản ánh và nêu những tấm gương về nhân cách cao thượng của các văn thân như Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Hội tức Khê Ông chiến đấu đến cùng chống quân xâm lược. Tấm gương chiến đấu anh dũng, hy sinh của các tướng lĩnh như Đốc Ngữ, Trịnh Bá Đanh, Lãnh Mai, Lãnh Khanh, Vương Doãn, Lãnh Tứ, Tán Dật. Những đóng góp to lớn của các các ông Đề Kiều, Hà Công Cấn, Nguyễn Văn Vị, Ma Văn Vân và hàng trăm nghìn nghĩa sỹ trên khắp các vùng đất Hưng Hóa, vùng ven sông Thao, sông Đà, Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Họ rất xứng đáng được biểu dương, tôn vinh. Tác giả đã dành nhiều trang viết về quân Pháp, đội quân xâm lược, không phải là họ không có dao động, sợ chết, họ cũng rất khâm phục, kính nề những con người anh hùng và nhất là lịch sử chống xâm lược của dân tộc Việt Nam. Những tên tay sai hèn hạ bị dụ dỗ, mua chuộc đã gây ra tổn thất về người và thất bại của quân ta. Cả những người làm việc cho địch nhưng vẫn còn lương tâm, có những hành động tích cực giúp đỡ nghĩa quân. Nhìn chung số lượng nhân vật nhiều, đa dạng, góp phần phản ánh chân thực cuộc chiến đấu chống Pháp xâm lược của nhân dân ta.
Tiểu thuyết lịch sử đang chiếm vị trí quan trọng trong nền văn học nước nhà. Tác phẩm Trầm tích sông Thao đáp ứng với yêu cầu giáo dục lịch sử và giải quyết những vấn đề cấp thiết của cuộc chiến tranh giải phóng. Tác phẩm này được phản ánh theo cấu trúc thời gian tuyến tính, có thể làm được bộ phim nhiều tập cho đại chúng nhân dân. Triệu Hồng đã phản ánh trung thành với lịch sử, làm phong phú lên rất nhiều chứ không như các văn bản ghi chép sẵn có. Giải quyết “ vấn đề thắng thua” rất rõ ràng, lôgic không có chút nào gò ép. Nhưng rất cần phải có những hư cấu đột biến, phản ánh những xung đột, những tính cách của các nhân vật, cần tao ra được những tính cách điển hình của thời đại. Có tác giả phê bình cho rằng Triệu Hồng là người “ thực thà” bê nguyên sy lịch sử vào tiểu thuyết. Ý kiến đó chỉ đúng với cái cốt của lịch sử, con người lịch sử, còn tác giả đã hư cấu tất cả. Lịch sử chỉ ghi vài dòng thì tác giả viết vài chục trang, nếu không hư cấu, không “ phịa ra như thật” thì làm sao có được những chương đầy đủ như vậy. Tác giả đã hư cấu trên cơ sở lịch sử, chứ không nên nói tác giả không hư cấu. Nhân vật nào tác giả cũng đều hư cấu thêm để hoàn thiện tính cách, cá tính, hành động. Bằng sự hư cấu, tác giả phê phán hay ngợi ca đều rất chính xác, không hề xuyên tạc lịch sử..
Hà Nội, tháng 10 năm 2015
Nhà văn Nguyễn Văn Toại