Khoảng giữa trưa, Đề Kiều và quan quân về tới Hố Trò. Các ông Đốc Sơn, Đốc Thành, Đốc Dị ra tiếp. Ông báo cho những người ở nhà việc ký kết văn bản đã xong. Quan quân phải thi hành một số công việc cuối cùng là giải giáp vũ khí và kéo quân ra trình diện tại đồn Cố Tiết, huyện Tam Nông. Ông yêu cầu Đốc Sơn, Đốc Thành, Đốc Dị cùng ông vào tổng Đông Lỗ để gặp gỡ chỉ huy các đạo quân từ Thanh Sơn, Mường Lò, Thượng Bằng La, Đại Lịch và các nơi khác trở về tham gia chiến dịch chống càn quét tại căn cứ Rừng Già-Đọi Đèn vừa qua. Giải thích về việc vì sao phải ra hàng có điều kiện, khuyên nhủ họ hạ và nộp vũ khí, giải tán nghĩa quân. Ông phân công Đốc Thành làm việc gọi đủ 45 người, là nghĩa dũng của làng Cát Trù và tổng Điêu Lương và số binh sỹ thuộc ba tổng hạ huyện Cẩm Khê: Điêu Lương, Chương Xá, Phú Khê về Hố Trò để ngày 15 tháng 1 năm 1893 ra trình diện và sau đó giải ngũ về quê nhà. Khi ra trình diện quan quân cũng phải đi ngựa, mang súng, trang phục gọn gàng, cho đúng tư thế của quân Cần Vương.
Đốc Sơn báo tin:
- Các ông chỉ huy các đạo quân phía tây, phía bắc, phía nam rất phản đối việc hàng có điều kiện của ta. Cậu Cả Đoan đi sang Tàu mua vũ khí đã về tới Mộ Xuân rồi.
- Thế thì ta phải vào ngay Phục Cổ họp quan quân. Đốc Sơn và Đốc Dị có thể đi trước vào báo cho chỉ huy nghĩa quân đến đình Phục Cổ để trưa mai ta họp. Nhân có cậu Cả Đoan về, ta cũng cho cậu ấy biết quyết định của tôi lên Tôn Sơn đưa hài cốt Hiệp thống Nguyễn Quang Bích về Cát Trù an táng. Sau khi ở dưới làng Trình Phố bình yên, tôi sẽ lo liệu đưa hài cốt Ngài về Nam Định quê nhà. Không để mãi ở Tôn Sơn heo hút, không ai hương khói, nhỡ ra có kẻ phá hoại mồ mả thì nguy.
Đốc Thành nghe thì đề nghị:
- Ta nên chuyển luôn hài cốt của Tướng quân Nguyễn Văn Giáp cùng về.
Đề Kiều suy nghĩ rồi nói:
- Việc đó thì thôi, khi nào thật yên thì tôi sẽ làm. Các ông không phải lo chuyện đó ấy nữa.
Mọi người đang bàn thì viên đội Hà Tuất đến báo:
- Một số anh em binh lính, nghe tin ta ký kết đầu hàng thì bỏ về quê. Dọc đường bị quân Pháp phục kích ở Hạ Bì bắn chết 4 người, bắt 8 người. Họ đều quê tỉnh Sơn Tây, nhớ nhà quá nên liều trốn.
Đề Kiều nghe tin nhắc:
- Đốc Sơn phải yêu cầu, quân quan giữ kỷ luật. Ngay cả các ông đốc binh, phó đốc binh, đội trưởng, đội phó cũng phải làm việc đến ngày cuối cùng. Khi nào xong việc tôi cấp giấy tờ cho về, thì mới có thể đi lại an toàn. Bốn người chết thì thật phí, tám người bị bắt là ai, các ông điều tra cho rõ tên tuổi để sau này tôi còn xin ân xá.
Đề Kiều thấy quan quân có vẻ lộn xộn, quân sỹ tự do đi lại, bỏ trốn; ông nhìn các ông đốc binh có vẻ không hài lòng:
- Bây giờ ta đã là dân vong quốc, dân nô lệ chẳng còn ai sung sướng gì đâu. Sự khống chế, áp bức của giặc Pháp là không tưởng tượng được, chúng ta bảo được nhau, nghe tin nhau thì sống, chẳng bảo được nhau, chẳng nghe nhau là chết. Mấy anh em vừa bị nạn vừa rồi, theo Tướng quân Nguyễn Quang Bích trước cả thời Cần Vương, nhưng không nghe tôi đã chết mất mạng và còn lại bị bắt bị tù làm rắc rối cho nhau.
Đêm hôm ấy, ông ở lại căn cứ Hố Trò. Buổi tối có hai người từ làng Áo Lộc và Lang Sơn về. Viên đội Lê Kiểm của Tán Áo báo tin, các đơn vị nghĩa quân đang trong thế bị cô lập đang cần sự giúp đỡ. Đốc Đô người của Tán Dật sang tha thiết đòi được cứu viện. Đề Kiều phải nói thực với hai người:
- Chúng tôi đã ra hàng có điều kiện rồi. Vì bận công việc đàm phán nên chưa thông báo cho các đơn vị nghĩa quân trong vùng được biết hết.
Hai người nghe Đề Kiều nói ra hàng giặc, lặng đi không nói lời nào nữa. Đề Kiều phải giải thích cho họ hiểu hành động của mình. Ông phải chịu nhục như thế nào vì hành động ra hàng quân giặc. Ông nói với Lê Kiểm:
- Ông về bảo với cụ Tán Áo và Lãnh Hòa hãy tạm án binh bất động, để khi công việc của tôi xong xuôi thì tôi sẽ lên giải quyết giúp và bàn các việc làm tiếp theo.
Lê Kiểm thưa:
- Chúng tôi cũng hàng như các ông hay sao?
- Không làm như chúng tôi được! Quân các ông không mạnh không đưa ra được một điều kiện gì với họ đâu. Các ông cứ nằm im, không động tĩnh gì, quân Pháp không chú ý nữa thế là ổn. Các ông về báo cho Đốc Đông ở Tiên Động và Lãnh Cát ở Hoàng Lương biết và cũng nên làm như vậy.
Viên đội của Tán Áo chỉ biết nghe và vâng vâng, dạ dạ chưa không biết nói sao. Đề Kiều quay sang nói với Đốc Đô:
- Tôi nghe tin Tán Dật đã thua ở Đầm Đen, phải rút lên lập căn cứ tại Bằng Doãn, Đoan Hùng. Hiện nay lực lượng chỉ còn vài đội quân, không chịu được sự tiến công nữa của quân Pháp. Chỉ có một cách là chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng, để giữ gìn khí tiết. Tôi không dám khuyên Tán Dật ra hàng, nhưng nếu quân Pháp kêu gọi ra hàng cho bảo toàn sinh mạng thì cũng nên ra để giữ lực lượng. Ông Tán Dật là người thẳng thắn, không chịu khất phục quân thù, sẽ không chịu nhục được, có về hàng thì cũng uất hận mà chết đấy.
Đốc Đô thở dài:
- Chính tôi cũng không biết thế nào nữa! Ông Đề Kiều là Phó tướng của Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích mà lại ra hàng quân Pháp! Điều này tôi không thể nào tưởng tượng được!
Đề Kiều quay lại nhìn Đốc Đô:
- Chính tôi cũng đã nghĩ như ông. Nhưng trong tình hình mới tôi đã nghĩ khác, vì điều kiện, hoàn cảnh cụ thể thay đổi, ta cần phải đổi mới cách nhìn. Tôi ra hàng để cứu dân, giữ gìn sinh lực của mình dành cho mai sau.
Đốc Đô lại hỏi:
- Ông có nhận làm việc cho Pháp không?
- Tôi đã không nhận một chức vụ gì. Tôi về nhà làm ruộng như mọi người nông dân.
Đề Kiều nhận thấy Đốc Đô không nói, chỉ lắc đầu tỏ ý không tin hay không thể không nhận. Ông cũng đang nghĩ nhiều về việc ấy, có khi chính mình phải thay đổi cách nghĩ đơn giản của mình. Ngày mai, hai người đi về căn cứ, ông có lời:
- Hai ông ngày mai vào Phục Cổ với tôi và anh em. Tới đó, tôi phải làm việc vận động anh em hạ vũ khí, giải tán nghĩa quân. Các vị vào chứng kiến và xem tôi gặp khó khăn như thế nào. Xong mọi việc, các ông theo đường về Mộ Xuân, đến bến Cổi xuôi ngòi Rành về căn cứ của mình.
Hôm sau cả đoàn leo núi Cuốn vào Phục Cổ, đi nhanh nên chóng tới nơi. Đình thờ Vua Quang Trung, được dân làng Phục Cổ xây dựng 100 năm nay, gọi là đình thờ thần Cao Sơn để tránh sự phá hoại của vương triều nhà Nguyễn. Đốc Sơn nhìn thấy đoàn vào chạy ra báo:
- Đốc Đức, Đốc Dung và quân Thanh Sơn kéo đến đây, nghe tin ông Đề Kiều và quan quân ký hiệp định đầu hàng đã bỏ về Thanh Sơn rồi. Họ kiên quyết không nộp vũ khí và không đầu hàng giặc Pháp. Họ phẫn nộ bắn nát một góc đại bái đình. Tôi đã phải xin lỗi dân làng Phục Cổ và hứa sẽ cho quân làm lại như cũ.
- Họ kéo quân về đâu? - Đề Kiều hỏi.
- Tôi không biết được rõ. Nghe tin các ông ấy về rừng Xuân Sơn.
- Họ là quân trung thành của Đốc Ngữ, ta không thể dễ dàng thuyết phục được, cứ để họ đi, kệ họ vậy.
Một lúc sau, Đốc Dị và các ông Đốc Tuế, Đốc Lệ, Phó Đốc Thám và số đông viên đội ở các đạo quân phía tây và bắc kéo về đình Phục Cổ. Đề Kiều quay sang hỏi mấy người:
- Có thấy Cả Đoan đi sang Tàu về chưa?
- Anh cả Đoan đã về nhà ông Lãnh Sành ở Mộ Xuân rồi, chưa về đây.
Ông không nói gì về Cả Đoan, gọi mọi người vào trong đình ngồi nghe ông nói.
- Tôi đã ký văn bản đầu hàng quân Pháp và Nam triều ngày hôm qua. Vì xét thấy cần phải cứu hàng trăm sinh mạng dân và bảo toàn sinh lực của nghĩa quân. Trong điều kiện chúng ta sức cùng lực kiệt, không thể chỗng đỡ được các đợt tiến công lớn của quân Pháp. Tôi đã đánh đổi danh dự của tôi cho sự ra hàng của mình. Bây giờ tôi mong anh em nghe tôi cho quân nộp lại vũ khí mang về tập trung tại đình Phục Cổ này để quân lính của tôi chuyển ra Hố Trò trao cho quân đội Pháp.
Phó Đốc Thám thay mặt quan quân tuyên bố:
- Các đạo quân phía tây, phía bắc sẽ không ra trình diện, chỉ nộp lại vũ khí cho ông Đề Kiều tự giải quyết. Nhiều anh em, khi nghe đầu hàng đã phản đối tự trốn về nhà, chúng tôi không thể ngăn họ được.
Đề Kiều nghiêm nét mặt lại:
- Thôi tùy vậy, trời không chịu đất, thì đất chịu trời. Họ trốn về, không may gặp quân Tây vây bắt, bắn giết phải chịu thiệt thân, không ai bảo lãnh cho họ được đâu. Mọi người phải biết rằng, ta ra hàng có điều kiện với quân Pháp và quân Nam triều cũng là một thắng lợi, có công đóng góp của mỗi người. Tôi là người chủ xướng, tôi hữa sẽ có trách nhiệm với từng người. Anh em đã cùng sống chết với tôi trong chiến tranh chống Pháp xâm lược đã thấy tôi phản bội ai chưa, hoặc làm cho anh em phải mất mát, hy sinh? Dù sự nghiệp không thành, tôi không phụ ai, rất trân trọng công lao của các đại thần, văn thân, võ tướng và toàn bộ quân dân. Sau buổi ký văn bản đầu hàng, vào ngày 13 này phải giao nộp vũ khí, ngày 15 tháng 1 năm 1893 tới, tôi phải kéo quân ra trình diện tại đồn Cổ Tiết, Tam Nông. Bây giờ, tôi hỏi quan quân tại đây xem ai có ý kiến gì không?
Đốc Tuế đứng lên:
- Việc ông Đề Kiều ra hàng có điều kiện quân Pháp cũng là vạn bất đắc dĩ. Ông là người quyết đoán, tinh khôn chúng tôi luôn tin tưởng, chấp hành mệnh lệnh làm theo. Có điều, chúng tôi không thể ra hàng cùng ông mà ông cũng không chọn chúng tôi ra trình diện quân Pháp. Chúng tôi sẽ ở lại đây, khi nào xong mọi công việc; ông vào hay cử người vào cấp giấy tờ cho chúng tôi về quê. Chúng tôi mong ông sau này luôn nhớ tới tình anh em gắn bó với nhau mà giúp đỡ trong hoạn nạn.
Đề Kiều nói:
- Sống với nhau thành cái tình sâu nặng thì chẳng bao giờ quên nhau. Người An Nam ta coi trọng sống đạo đức, coi đạo đức là sức mạnh của tâm hồn con người. Tôi thề cùng anh em sống tròn đời vì nước, vì dân! Anh em đừng coi tôi là kẻ phản bội ra hàng giặc, hãy coi tôi như là người anh, người em trong gia đình. Vì một lý do nào đó không tiện nói ra mà phải khuất phục, nhẫn nhục thì anh em cũng như quân dân đừng quở trách, rủa mắng tôi!
Đề Kiều xúc động chảy nước mắt, quan quân nhiều người nghe ông nói cũng mủi lòng cảm động lệ chảy tràn. Họ có cái đau chung là đi làm việc nước không thành, nước mất, dân làm nô lệ mà không cứu vãn được.
Lúc không khí trầm lắng nhất, Phó Đốc Thám đứng lên nói:
- Vận nước suy vi, anh em ta theo Cần Vương cố gắng đánh đuổi giặc Pháp, nhưng thế cô, lực kiệt, sự nghiệp không thành. Ông Đề Kiều tính kế lui thì tôi tin tưởng. Về nhà phụng dưỡng bố mẹ, vợ con, nhưng ta phải có chí phục quốc, đánh đuổi giặc Tây. Hơn một nghìn năm Bắc thuộc ông cha ta mới đánh đuổi được giặc Tàu, dựng xây nền độc lập. Một thế kỷ nữa, chúng ta sẽ thắng giặc Tây và mọi loại giặc xâm lược.
Nghe Phó Đốc Thám nói tất cả lại cười. Một người nào đó nói:
- Bao nhiêu loại giặc thì thắng thế nào được?
- Phải thắng! Nhiều nữa dân Việt Nam ta cũng phải đánh thắng!
Lại tiếng cười vang, Đề kiều cũng bật cười, vui vẻ lại.
- Ai còn ý kiến nữa thì nói luôn đi. Bữa nay, tôi gặp anh em có đôi lời giải thích với anh em về hành động ra hàng có điều kiện của tôi. Lịch sử sẽ lên án hành động của tôi, nhưng cái tình nghĩa đồng bào, chí phục quốc của tôi sẽ không bao giờ mất đi. Tôi tin tưởng, một ngày nào đó vận nước lại trung hưng, chúng ta sẽ làm lại tất cả, hoặc con cháu chúng ta nối chí ta sẽ làm nên. Tuyệt nhiên mọi người chúng ta không nên bi quan chán nản quá mức!
Không ai nói gì nữa, Đề kiều nói:
- Chúng ta còn một việc phải làm là đưa hài cốt của Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích từ Tôn Sơn về Cát Trù. Việc này tôi dự định đi làm vào ngày mai, tôi và nhóm binh sỹ do tôi cử làm việc cải táng, cả đi lẫn về có thể phải mất 3 hôm. Nơi đưa hài cốt về an táng, tôi chọn gò Lộc Cương gần căn cứ Hố Trò. Bây giờ tôi hỏi ý kiến mọi người, có nên làm ngay trong năm không?
- Vâng, chúng ta nên làm!- Đốc Lệ nói- Nhân có anh Cả Đoan đi công tác mới về thì bảo anh ấy cùng đi. Nghe tin, bọn giặc đang bắt giam vợ, các con và bắt giam cả dân làng của cố Tướng công nữa. Quân giặc cho 20 tên lính đến đóng quân tại nhà, phá phách hết thảy. Đòi anh Cả Đoan phải ra trình diện mới thả cho mọi người về, việc này rất gay go. Ông Đề Kiều nên chuyển hai cốt Tướng công về quê mình là tốt nhất, tiện cho việc hương khói. Để mộ tại núi Tôn Sơn hẻo lánh, rõ ràng là không an toàn. Sau này đi lại khó khăn, Pháp nó kiểm soát gắt gao, có thể ta không đến được nữa.
Quan quân nhất trí việc chuyển hài cốt của Hiệp thống Đại thần Nguyễn Quang Bích về Cát Trù. Ông cử thêm Đốc binh Trần Tuế, cựu chiến binh thành Hưng Hóa và Lê Thám cựu chiến binh Thanh Mai; ông Đốc Đô đại diện cho nghĩa binh Thạch Sơn, Đầm Đen; ông Lê Kiểm đại diện cho nghĩa binh Tiên Động, Áo Lộc; ông Đốc Tế người Đại Lịch đại diện cho nghĩa binh Văn Chấn; ông Đốc Sơn đại diện cho nghĩa binh căn cứ Rừng Già- Đọi Đèn; ông Đinh Công Sành đại diện cho dân binh Yên Lập và cử thêm 10 người lính cùng đi. Tất cả đều đi ngựa cho nhanh, làm xong thì về ngay. Con đường lên Mộ Xuân đã được giải tỏa, quân Pháp vừa rút nên không có trở ngại gì.
Đề Kiều phân việc:
- Để làm được nhanh, tôi cử Đốc Dị trở lại Hố Trò, báo với lý trưởng Cát Trù là Tạ Hữu Long tìm thấy địa lý có uy tín chọn vị trí đất tốt ở gò Lộc Cương an táng. Cử binh sỹ đi ra chợ mua tiểu sành, đào huyệt mộ, chuẩn bị lễ nghi cúng tế. Bây giờ Đốc Sơn cử cho hai người lính phi ngựa đến nhà Lãnh Sành ở Mộ Xuân, bảo với ông ta là đoàn của Đề Kiều vào bàn việc quan trọng. Bảo cậu Cả Đoan không được đi đâu, ở nhà chờ đoàn đến có việc cần. Đốc Sơn cũng chuẩn bị cho nơi làm lễ tống chung, tiếp đón khách, dân chúng đến thăm viếng Tướng công tại làng Phục Cổ. Bây giờ còn giặc giã, ta không làm rộng chỉ ai biết thì đến, không biết thì thôi, cũng không mời.
Hôm sau, đoàn của Đề Kiều đến nhà Lãnh Sành ở Mộ Xuân. Lãnh Sành và người em là Đốc Sỏi cùng đón tiếp đoàn. Cậu Cả Đoan và ông Đàm Thống Lĩnh người Tàu vừa đi sang Tàu mua vũ khí cùng về. Đàm Thống Lĩnh là người Hoa làm việc với Tán Dật, được cử đi mua vũ khí cho nghĩa quân Bằng Doãn. Vũ khí mới mua về đã được Lãnh Sành chuyển phần lớn ra bến Cổi theo ngòi Rành chuyển ra sông Thao. Quân của Tán Áo có trách nhiệm chuyển sang cho nghĩa quân Tán Dật ở Bằng Doãn. Phần vũ khí còn lại chuyển đến Rừng Già-Đọi Đèn.
Lúc về Mộ Xuân Cả Đoan chưa nhận được tin Đề Kiều đã ký kết đầu hàng. Các quan binh của Đề Kiều cũng không nói cho cậu Cả và các chỉ huy quân dân ở Mộ Xuân biết.
Gặp Đề Kiều, Cả Đoan báo:
-Tôi đã đưa về 150 khẩu súng trường Tàu và 3000 viên đạn. Tôi đã phân phát cho quân của Tán Dật 90 khẩu và 2000 viên đạn. Số còn lại đang để lại đây, ông cho quân lính chuyển về căn cứ Rừng Già- Đọi Đèn.
Đề Kiều nghe rất rõ Cả Đoan báo cáo, nhưng chỉ khẽ nói:
- Căn cứ Rừng Già- Đọi Đèn không cần súng nữa. Để tất cả vũ khí lại đây, tôi báo cho Đốc Đức, Đốc Dung từ chiến trường Thanh Sơn cử quân ra lấy mà sử dụng.
Mọi người ai cũng dửng dưng như chẳng thích gì vũ khí nữa. Cậu Cả Đoan chưa hiểu điều gì, chỉ biết quan Lãnh Sành kể là quan quân Rừng Già- Đọi Đèn vừa thắng lớn diệt hàng trăm quân Pháp. Đốc Sỏi thì báo tin buồn cho cậu Cả, ở dười làng Trình Phố bọn giặc cho quân đến chiếm nhà, phá phách, bắt mẹ, các em và dân làng lên huyện đường tống giam, đòi Cả Đoan phải về trình diện. Tin ấy làm cho Cả Đoan bối rối ăn nằm không yên.
Thấy Đề Kiều và quan quân vào, cậu Cả không kêu ca gì về hoàn cảnh riêng để mọi người khỏi lo. Anh hiểu rằng mọi người đã biết cả nhưng cũng chẳng biết hành động làm sao. Cả Đoan cắn răng chịu đựng, sợ kêu ca ảnh hưởng đến công việc chung. Từ xa đi vào, mọi người khát nước hì hụp uống nước, chẳng nói năng gì. Nghỉ ngơi một lúc lâu, Đề Kiều mới nói:
- Tôi đã cho lính vào báo trước cho ông Lãnh Sành, đốc binh Sỏi, cậu Cả Đoan nữa là hôm nay chúng tôi vào đây. Việc lớn là chuyển hài cốt của quan Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích về an táng tại Cát Trù. Khi nào, giặc giã ở dưới quê nhà cố Tướng công yên hàn thì chúng tôi bố trí cho người chuyển về. Nhân có cậu Cả Đoan đi mua vũ khí từ Tàu về thì vào núi Tôn Sơn tham gia cùng chúng tôi làm việc này. Tôi hỏi mọi người có ý kiến gì riêng về việc này hay không?
Cậu Cả Đoan có lời:
- Cha tôi mất gia đình tôi không ai có mặt. Việc an táng là nhờ tướng sỹ và nhân dân. Nay đến kỳ sang cát thì chỉ có riêng tôi ở đây. Hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, gia đình tôi nhờ hết vào quan quân và đồng bào lo liệu hộ! Chuyển về làng Cát Trù để cho đoạn đường về với quê hương của cha tôi được gần hơn. Trong hoàn cảnh chiến tranh thì không thể chuyển về được, khi nào hòa bình thì tôi ngược sông Hồng lên sông Thao, về làng Cát Trù chuyển về quê an táng. Ngày ấy, quân Pháp bại trận, ta chiến thắng, mọi người đưa hài cốt cha tôi về quê an nghỉ thì sung sướng, vui vẻ biết bao.
Đề Kiều nhìn cậu cả Đoan không nói gì, quay sang hỏi Lãnh Sành và Đốc Sỏi:
- Hai ông có ý kiến gì riêng?
- Chúng tôi không có ý kiến gì thêm.- Lãnh Sành nói- Chúng tôi chỉ có một đề nghị là cho dân tổng Mộ Xuân muốn đặt bát hương thờ Hiệp thống Nguyễn Quang Bích tại đình Đạng vì một lẽ là Người hóa tại đất này. Đình Đạng của làng chúng tôi thờ thần Cao Sơn. Đưa hài cốt Hiệp thống từ Tôn Sơn ra sẽ phải theo ngòi Dạng, qua đình Đạng. Tôi sẽ xin phép thần Cao Sơn cho linh hồn Ngài nhập vào đây để nhân dân các làng tổng Mộ xuân được hương khói, phụng thờ.
Đàm thống Lĩnh là người Tàu nghe Lãnh Sành nói thì phản đối:
- Thế thì không được đâu! Thần Cao Sơn là sơn thần là thần núi, ta không thể thờ tướng công Nguyễn Quang Bích là nhân thần ở đây được.
Đốc Sỏi nói:
- Đình Đạng của làng Xuân An, tổng Mộ Xuân theo ngọc phả là thờ thần Cao Sơn. Ngài chính là Hùng Duệ Vương, như thế Ngài là nhân thần chứ không phải là sơn thần. Trước đây các cụ Tổ nhà tôi có xin phép thờ Tiết chế Hưng Đạo Vương ở đình này cũng được thần Cao Sơn chấp nhận. Bây giờ xin thờ thêm Hiệp thống Đại thần Nguyễn Quang Bích tôi tin là được. Ngày mai ta làm lễ xin âm dương, các Ngài cho phép thì chúng tôi sẽ phụng thờ, hương khói, cúng tế đều đặn quanh năm.
Đến chiều thì mọi việc chuẩn bị xong xuôi, đoàn hơn hai mươi người theo đường mòn men bờ ngòi Dạng ngược lên dốc núi đi vào khe núi Tôn Sơn. Mùa đông rất rét, dòng khe lạnh ngắt có chỗ nước sâu lội đến bắp đùi làm chân tê buốt. Đoàn người vừa đi vừa phát đường mải miết đi vào tới Đại bản doanh thì trời tối. Đề Kiều cho binh sỹ sửa lại những căn nhà cũ để ở, đốt lửa lên cho ấm áp. Mọi người tổ chức cúng thần linh và xin Tướng công cho phép được làm thủ tục sang cát. Xong xuôi, Đề Kiều và cậu Cả Đoan tìm lên nơi mộ chí, cho binh lính phát quang, cuốc sới sạch sẽ để chuẩn bị đến canh hai thực hiện việc bốc mộ. Cho quân dùng cây cọc đánh dấu bốn góc mộ để tiện cho việc đào bốc.
Lúc Đề Kiều vào ngồi sưởi cùng với cậu Cả Đoan, ông thông báo cho cậu biết những tin tức về các vị chỉ huy quen biết:
- Đề Hoan, vị Phó tướng được quan quân trao cho việc trông nom mộ chí của Hiệp thống về dưới xuôi hồi tháng 7 vừa rồi, đã bị giặc Pháp bắt kết án tù chung thân đày đi Côn Lôn. Cử nhân Nguyễn Tử Ngôn người theo cụ nhà chống Pháp từ đầu Phong trào Cần Vương cũng có tin giặc Pháp bắt được đem chém tại quê nhà. Các văn thân, võ tướng khác thì nhiều người bị truy nã, xem ra khó có thể trốn tránh.
Đề Kiều và mọi người cùng đi cũng chưa ai thông tin việc đã ký kết ra đầu hàng quân Pháp cho cậu Cả hay. Ông nghĩ làm xong công việc này, tìm một thời điểm thích hợp để báo tin này cho cậu Cả Đoan biết và bố trí cho cậu trở về quê nhà. Thực tâm ông muốn cho cậu Cả học hành đỗ đạt, nổi danh sau đó làm việc cứu nước thì sẽ chắc chắn hơn. Tuổi trẻ được cái nhiệt huyết bốc cao, nhưng kinh nghiệm còn ít sẽ có những quyết sách không đúng. Người lãnh đạo làm sai một ly sẽ đi ngàn dặm, quân dân khó có thể kéo lại. Hồi Hiệp thống đại thần còn sống đã có lúc tâm sự thật là mình đã sai lầm trong điều quân khiển tướng để đến nỗi “ thất tiên cơ”. Ông còn nói lại rất rõ trong bài thơ “ Văn Dụ Phong báo tiệp” mà trong những ngày ở động người Miêu tại Nghĩa Lộ, chính ông đã đọc cho nghe.
Cậu Cả Đoan có sức khỏe tốt, không ngủ thiếp đi như những binh sỹ trẻ khác. Trời rét, được củi lửa đốt ấm, nhiều quan quân ngủ ngáy khò khò. Đề Kiều là võ tướng hầu như đã quen mọi thời tiết, có thể thức khuya dậy sớm. Ông là người chủ động, quyết đoán trong mọi công việc khó khăn. Việc ông ra hàng giặc Pháp là cái tình thế vừa bắt buộc, vừa là điều kiện sống còn cho phép sự tồn tại của quan quân trước mắt và sau này. Ông đã tính, không thể hy sinh hết thảy, phải sống để mà mưu cứu nước, cứu dân. Những người như cậu Cả Đoan cần phải được sống, làm nòng cốt cho phong trào cứu nước mới.
Đề Kiều thấy Cả Đoan còn thức nên nói:
- Cậu Cả cứ yên tâm, việc dưới nhà đã được giải quyết rồi. Phu nhân, các em của cậu và dân làng đã được thả, binh lính vừa rút khỏi nhà. Tình hình sẽ yên trở lại, cậu Cả Đoan có thể trở về nhà.
- Có thực không, ông Đề Kiều?
- Thực chứ, tôi không bao giờ nói sai.
- Tôi thấy tin nhà bị giặc phá; mẹ tôi, các em, dân làng bị bắt đã không yên tâm được. Người bàng hoàng như đi trong mây, cứ nằm nhắm mắt lại nghĩ đến cảnh nhà, mẹ và các em bị giặc tra hỏi, quát tháo, làm thổn thức không thôi.
- Thì lòng vả cũng như lòng sung mà. Mẹ mình, cô chú ruột, dân làng tổng bị giặc bắt lòng người yên sao. Cái tâm mà không yên thì chẳng làm cái gì cho trọn, ngủ nghê thoải mái sao được.
- Thế, mẹ ông và mọi người bị bắt tự dạo nào? Được thả từ bao giờ vậy?
- Giặc Pháp mới thả mẹ mình và mọi người chiều hôm xừa, cách đây mấy hôm thôi.
- Sao chẳng thấy ai nói chuyện đó?
- Cũng như cậu Cả thôi. Chuyện buồn thì nói làm gì, cho mọi người thêm buồn à.
Cả Đoan không nói gì nữa. Cậu cảm thấy an tâm khi nghe tin mẹ, các em, dân làng được thả về nhà. Cậu thấy mình bắt đầu buồn ngủ, lại nghe thấy tiếng ông Đề Kiều bảo:
- Ta ngủ đi một chút, để canh hai dậy làm việc! Anh em ngủ cả rồi đấy, ta cùng chợp mắt đi một tý cho người khỏe ra!
Đêm Tôn Sơn về tháng Chạp rất lạnh, các bếp lửa phải đốt thâu đêm để sưởi ấm người ngủ. Mấy người lính canh gác, thỉnh thoảng phải rùi củi vào cho lửa cháy bập bùng. Cậu Cả cũng bắt đầu ngủ ngon, không thấy cậu mơ mấc gì. Đến canh hai, nghe tiếng gà rừng gáy, cả đoàn thức giấc. Đề Kiều cho người nấu nước quế, mùi quế thơm bay khắp lán trại. Hương trầm được đốt lên, khói bay, lửa cháy lập lòe. Một số người hì hục cuốc đào khai mồ, chỉ một loáng đã chạm phải quan tài gỗ phát ra tiếng kình kịch. Anh em cậy mở, lật nắp quan tài. Khi nhìn thấy hình hài Tướng công ai cũng khóc òa. Tiếng cậu Cả kêu và tiếng người thì thầm cầu nguyện:
- Cha ơi! Cha ơi! Con đây cha ơi! Con và quan quân lên đón cha về làng Cát Trù! Đường về quê còn chưa thông được, cha ơi! Mọi người kính yêu cha quá, cha ơi!
- Tướng công ơi! Sự nghiệp cứu nước Cần Vương còn chưa thành công, mong tướng công thiêng liêng phù hộ để quan quân còn tồn tại, đánh thắng quân thù.
- Chúng tôi mong đặt bát hương thờ Tướng công ở lại đình Đạng để dân làng Mộ Xuân, Quế Sơn còn được đến thắp hương tưởng niệm. Người Kinh, Mường, Thái, Thổ, Dao chúng con thương nhớ Ngài xiết bao. Hài cốt về Cát Trù, hay là về quê, thì linh hồn Ngài luôn ngự về đình Đạng quê hương chúng con!
- A di đà Phật! Tướng công là “Hoạt Phật”, siêu linh tịnh độ phù giúp chúng con! Chúng con người dân miền núi Yên Lập không bao giờ làm trái đạo cương thường. Ngài giúp cho dân nước Việt Nam thoát khỏi nạn xâm lăng! Chúng con thoát cảnh làm nô lệ!
Người bốc mộ cho Tướng công là Đề Kiều và Đốc Sỏi. Mọi người đứng xung quanh thành kính, cầu nguyện. Đề Kiều bốc đầu lâu, lấy nước quế pha rượu rửa sạch đặt vào vuông vải trắng tinh, các loại xương ống chân tay được xếp ngay ngắn, các xương sườn, chi tay, chi chân, xương bánh chè được thu lại hết, rửa sạch, gói đủ cho vào hòm gỗ thông. Mùi hương trầm tỏa ra thơm ngát sườn núi Tôn Sơn. Bốc mộ xong, trời chưa sáng, mọi người lại đốt lửa ngồi sưởi. May là trời không mưa, chỉ có mây và hơi sương. Khoảng gần 7 giờ, trời sáng, Đề Kiều cho hai binh sỹ khiêng hòm hài cốt đi sau một tốp lính đi trước dọn đường; mọi người bám theo xuôi dòng khe Cháu trở về. Đến 9 giờ sáng, đoàn người về tới đình Đạng. Ông Lãnh Sành đứng trước lễ nghi thịnh soạn, trang nghiêm, đặt trên bệ thờ. Ông làm lễ cúi xin thần Cao Sơn và thần Hưng Đạo Vương cho phép đặt bát hương thờ Hiệp thống Đại Thần, Thuần trung tướng Nguyễn Quang Bích tại đình Đạng. Sau lời kính trình, ông xin một quẻ âm dương thì thấy được ngay. Mọi người vô cùng phấn khởi khi được chứng kiến sự đồng ý của các thần cho Ngài ngự tại đây. Ông Lãnh Sành quay sang nói với viên lý trưởng làng Xuân An và người thủ từ:
- Các vị thần đã đồng ý cho thờ quan Hiệp thống Đại thần, Thuần trung tướng Nguyễn Quang Bích tại đình Đạng khi cúng phải nhớ gọi tên Ngài. Hàng năm xuân thu nhị kỳ cúng tế phải nhắc dân làng làm cho chu đáo. Hào lý, dân làng cần phải sắm ngay cỗ ngai và bài vị thờ Ngài, khi rước cũng phải có cỗ kiệu riêng.
Mọi người lại được dân làng Xuân An, Mộ Xuân mời ăn uống no nê. Đề Kiều và mọi người đều đi ngựa, nên chẳng lo chặng đường xa. Ông cưỡi con ngựa mông to lớn, mang hòm đựng hài cốt của Tướng công trên lưng. Ông quay ngựa lại cúi chào mọi người và nói:
- Cảm ơn ông Lãnh Sành, Đốc Sỏi và dân làng Xuân An đã đón tiếp, giúp đỡ chúng tôi về mọi mặt! Công việc chuyển hài cốt coi như đã xong, Đốc Đô, Đội Kiểm, Đàm Thống Lĩnh có thể về đơn vị của mình. Cho chúng tôi gửi lời thăm ôngTán Dật, cụTán Áo và quan quân. Xong công việc, tôi sẽ lên thăm, có vấn đề gì chưa thông thì về gặp tôi trao đổi, bàn bạc cho thấu đáo nhé.
Hai con ngựa mà Đội Kiểm và Đốc Đô cưỡi thì trao lại cho cậu Cả Đoan và Đốc Sỏi người nhà của Lãnh Sành về Cát Trù dự lễ an táng Tướng công Nguyễn Quang Bích. Đoàn người cưỡi ngựa đi theo Đề Kiều, băng qua những đoạn đường núi non của Xuân An, Xuân Thủy, Xuân Viên, qua Hưng Long về tổng Đông Lỗ. Đến chiều, đoàn người về tới làng Phục Cổ, mọi người vào nghỉ trong một doanh trại của một đội nghĩa quân dười chân núi Cuốn. Vì công việc phải giữ bí mật, Đề Kiều và quan quân không thông báo cho mọi người ở các làng khác biết. Chỉ có bà Sung, cô Năm, chú Hòe là mẹ ,vợ, em trai của Đề Kiều; cô Thân vợ của Đốc Biêu và một số người thuộc gia đình quan quân ở Xuân Lôi biết tin thì vào Phục Cổ ngồi chờ đoàn.
Đốc Thành, Đốc Dị ở nhà đã chuẩn bị đầy đủ. Ngoài gò Lộc Cương Lý trưởng Ta Hữu Long đã đưa thầy tìm đất, chuẩn bị tiểu sành, hương hoa, lễ nghi, cử người đào huyệt mộ. Trong làng Phục Cổ quan quân đã chuẩn bị hương án, nơi tiến hành lễ cúng tế. Bà Năm đã chuẩn bị đầy đủ áo xô, khăn xô cho cậu Cả Đoan và mỗi người một chiếc khăn xô đội đầu chở tang Tướng công.
Đề Kiều thấy công việc chuẩn bị tương đối chu tất, ông vui vẻ nói:
- Đêm nay, chúng ta làm lễ tống chung cho Tướng công tại làng Phục Cổ. Sáng mai, chúng ta chuyển hài cốt Tướng công về đồi Lộc Cương, làng Cát Trù. Khoảng 10 giờ sáng mai, chúng ta tổ chức an táng. Mọi việc nghĩa sinh nghĩa tử làm xong, thì quan quân lại về đơn vị chờ lệnh của tôi. Chiều ngày kia, Đốc Sơn, Đốc Tuế, Đốc Nhân, Đốc Thành, Đốc Dị, Đốc Lệ, Phó đốc Thưởng, Đốc Thám về nhà tôi tại Xuân Lôi bàn công việc mới.
- Sao không thấy có kèn trống?
Đề Kiều nghe tiếng của ai đó nói, trả lời:
- Vì phải giữ bí mật, ta không báo rộng, không thổi kèn đánh trống inh ỏi, nguy hiểm đến tính mạng của quan quân. Hơn nữa, đây là lễ tang sang cát cho Tướng công. Ngày mất, nhiều người chưa được thăm viếng Tướng công thì hôm nay được đến thăm viếng.
Đêm Phục Cổ trời rét đậm. Mọi người lại đốt lửa ngồi chịu tang, trực lễ. Cậu Cả Đoan đầu đội vòng tang, mặc áo xô xẻ tà ngồi bên hương án. Bà Sung, cô Năm, cô Thân, cô Quỳnh, vợ con các binh sỹ và một số người dân Phúc Cổ đội khăn trắng ngồi hai bên, phía trước là cái tiểu sành đựng hài cốt Tướng công được phủ vải đỏ đặt trên bệ gỗ. Hai bên cắn cờ đại màu đỏ mang hai chữ “Đại Nam” và một là cờ đỏ mang bốn chữ vàng “ Bình Tây Báo Quốc”. Một đội tiêu binh đứng hai bên oai nghiêm tề chỉnh.
Ông Mườn thấy mo Phục Cổ được mời đến. Ông cúng bằng tiếng Mường trước, sau thì cúng bằng tiếng Kinh. Ông nói về bản quán, về công đức, công lao, lòng yêu mến nhân dân của Tướng công. Nhất là những nơi Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích từng đến, trên bước đường làm quan, trên khắp các nẻo đường trường chinh gian lao ác liệt chống giặc Pháp xâm lược đã để lại biết bao tình cảm yêu thương cho quân dân các địa phương.
Đề Kiều được giới thiệu lên đọc bài “Văn tế Hiệp thống Đại thần Nguyễn Quang Bích”. Bài văn tế, ông đã làm hai năm về trước, đọc trước lễ tang Tướng công, ông vẫn thuộc làu. Ông đọc thật diễn cảm, ai cũng thấy hay. Nhiều câu được mọi người nhập tâm, nhớ và thuộc ngay. Trong cuộc đời người thì kiến thức, tư tưởng, tình cảm, thực tiễn, ngôn ngữ đã thêu dệt nên những áng văn thơ hay.
Đốc Dị thuộc lòng các câu đối viếng Tướng công, ông lên đọc lại một lượt. Hàng chục câu đối, rất chỉnh có nội dung hay và mới được ông nói lại cặn kẽ. Cậu cả Đoan không ngờ những tướng sỹ của cha mình nhiều người có trí thông minh tuyệt vời đến vậy. Có những đốc binh, đội binh thuộc cả pho truyện Kiều của Nguyễn Du bằng thơ Nôm, đọc lại còn giải thích rõ ràng từng điển tích. Trong rừng già chiến khu, trên đường hành quân họ đã đọc cho ông và binh sỹ nghe để quên đi tháng ngày gian khổ.
Người Tư vụ của cha tên là Nguyễn Gia Thiều, sau khi Tướng công mất anh ta về ở với Đốc Sơn tại căn cứ Rừng Già- Đọi Đèn lên đọc thơ của Ngư Phong Tướng công. Ông là người sống gần gũi, cất giữ những bài thơ nên đã học thuộc làu gần như hết các bài thơ trong tập thơ của Tướng công. Ông Thiều như là người đồng sáng tạo, lên đọc thơ Ngư Phong mà không hề vấp váp, không hề quên một chữ nào. Hình ảnh nhà thơ Ngư Phong hiện lên trên con đường chiến chinh:
“ Con người chạy vạy để Cần Vương
Lam chướng rừng xanh thấu cốt tủy
Sâu vắt hút máu áo đỏ hoen
Bấu đá, vin cây, leo trèo lên
Đêm ngày chỗ ở không nhất định
Chỉ có lều tranh cùng cửa phên”.
Đến khi nằm xuống cũng không cửa không nhà, ở nơi rừng xanh núi đỏ; khi chôn cất cũng phải nhờ đến nghĩa sinh nghĩa tử của tướng sỹ và đồng bào. Khi chỉ còn là một nắm xương tàn cũng phải phiêu diêu không có đường về với vợ con, quê hương, làng xóm, nhà cửa thân thiết của mình. Đó là vì con người sống với lý tưởng cao quý vì nước, vì dân, không can tâm làm nô lệ, tin tưởng vào ngày mai thắng lợi:
“ Sống mà mang kiếp trâu chó, sao bằng chết đi cùng trời đất u minh!
Sống mà sống bám sống nhờ, sao bằng chết đi làm cành Giao cành Quỳnh!
Núi Nùng, sông Nhị nước biếc non xanh
Một núm tĩnh địa nghìn thửa giai thành
Phảng phất thanh gươm núi Sóc bài thơ trên không
Ngọn sóng Bách Đẳng, hình như ở tả, ở hữu, đằng trước, đằng sau, như mưa, như bão, như sấm, như sét để mà quét sạch lũ tanh hôi.”.
Vì tinh thần xả thân cứu nước, cứu dân mà thơ Ngư Phong chỉ thấy nói đi mà ít thấy nói về; coi trọng cái tình non nước, lòng trung với Vua, nghĩa đồng bào. Cậu cả Đoan thấy cha mình rất thương vợ yêu con nhưng tuyệt nhiên không thấy trong thơ nhắc tới. Ấy là vì cha mình đã hết lòng vì nước, vì dân mà hiến dâng tất cả, cái tình cảm sâu nghĩa nặng của cuộc đời dành trọn cho tinh thần trung quân ái quốc, thương yêu nhân dân, tướng sỹ nên không dành một chút riêng tư chia sẻ nào nữa.
Bà sung, cô Năm, cô Thân, cô Quỳnh và những người dân sống ở Đông Lỗ, thuộc những bài Kinh Phật dài dằng dặc, đọc đến hàng giờ mà không hề ê a ngắc ngứ. Trong cuộc sống lao động, cuộc sống đấu tranh gian khổ thế mà họ cũng không hề quên một đoạn nào, một câu nào. Đêm nay, đến đây chịu sương giá, ngồi đọc Kinh Phật cầu nguyện cho Tướng công của họ một cách tự giác, vô tư không ai bắt buộc. Chính trong lòng mỗi người đang bùng lên ngọn lửa thiêng sưởi ấm tâm hồn họ trong đêm trường giá rét và cuộc đời cần lao.
Hàng ngày, cậu Cả Đoan thường nói khiêm với mọi người, là mình “dốt có chuôi”. Hôm nay trong buổi lễ tang sang cát của cha mình, cậu mới thấy cái trí nhớ tuyệt vời, tài năng siêu việt của quân chúng nhân dân. Đề Kiều là một võ tướng, tưởng như chẳng có tài văn chương mà làm bài văn tế cha mình dài hơn và hay không kém các bài Văn tế Trương Định, Phan Tòng, Nguyễn Trung Trực của nhiều tác giả có tên tuổi mà cậu đã từng được đọc.
Cậu Cả Đoan thầm cảm ơn cuộc đời đã đưa đến cho mình nhiều cái quý giá hơn vàng. Cha cậu mất, còn những người đồng tâm, đồng chí, đồng nghiệp và còn đồng bào, dân tộc sẽ hướng đường cho cậu đi tiếp. Những người như Đề Kiều, Đốc Sơn, Đốc Thành, Đốc Dị, Đốc Sỏi và các tướng sỹ sẵn sàng hy sinh cả tài sản, tính mạng vì nghĩa lớn. Cả Đoan tin rằng trong thực tiễn cuộc đời cậu sẽ tiếp cận, tìm ra con đường đi đúng đắn cho dân tộc và cho mình. Cậu đã nhận ra rằng lực lượng, tài sản, sức mạnh và trí tuệ vô tận đang ở trong dân, không để cho kẻ thù cướp đoạt. Cậu phải dựa vào dân mà làm cái nhiệm vụ chặt đứt xích xiềng nô lệ, cứu dân cứu nước. Cha cậu mất đã dặn cậu và con cháu cố gắng học hành, mong sao thành đạt nên danh và đem cuộc sống đời mình gắn với nhân dân.
Đêm tang lễ Tướng công tại rừng già Phục cổ, trong hoàn cảnh chiến tranh mà tổ chức rất trọng thể. Quân sỹ và các hào lý, dân làng Phục Cổ không được quan quân loan báo mà hầu như có mặt hết. Tướng sỹ và nhân dân được thắp hương, cúng vái quan Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích cảm thấy vô cùng toại nguyện. Bù lại hai năm về trước, quan quân và nhân dân chỉ được nghe thông báo tin buồn, không ai đi đến Tôn Sơn viếng Ngài được. Lần sang cát này, Đề Kiều đã cho phép nghĩa quân Rừng Già-Đọi Đèn làm tang lễ trọng thể để đưa tiễn Ngài về nơi yên nghỉ mới.
Trời sáng rõ, Đề Kiều ra trước lễ đài nói:
- Đã đến giờ đưa hài cốt của Hiệp thống đại thần về đất Cát Trù an táng. Tôi thay mặt quan quân, xin cảm ơn hào lý, nhân dân làng Phục Cổ, bà con cô bác, anh em đã về dự tang lễ rất đông đủ và trang nghiêm! Hiện giờ trong hoàn cảnh chiến tranh, tôi chỉ cử một số tướng sỹ đưa Ngài vượt núi Cuốn sang đất Cát Trù còn đồng bào và quân sỹ thì trở về nhà và doanh trại.
Số binh lính 22 người được Đốc Sơn cử đã ra vị trí làm nhiệm vụ. Họ ăn mặc chỉnh tế, được phân từng công việc cụ thể. Chỉ trong vài phút đã đưa tiểu đựng hài cốt, phủ vải đỏ đặt lên linh sa do 8 người lính khiêng. Hai binh sỹ cầm cờ đi trước, sau là đội tiêu binh mang súng trường, cậu Cả Đoan, Đề Kiều, các vị đốc binh, lãnh binh và đông đảo nhân dân, binh sỹ đi sau cỗ linh sa.
Số người đi rước khoảng 50 người được cử, binh sỹ và nhân dân đưa đám đến chân núi Cuốn thì dừng lại trở về. Khi leo dốc, không thể rước linh sa, Đề Kiều cho hạ xuống, cho người bó chặt cỗ tiểu vào đòn tre cử hai người khiêng, để tiện cho việc leo núi. Cỗ linh sa thì được quân sỹ ở lại khiêng về đem trả cho dân làng Phục Cổ.
Đoàn người đi vượt dốc núi, sang bên kia núi Cuốn. Dòng sông Thao đã hiện ra trước mặt; trong mờ sương họ nhìn thấy con sông mờ ảo đang chảy xuôi về làng Phú Thọ, nơi tỉnh lỵ Hưng Hóa. Bọn chỉ huy Pháp, bộ máy cái trị của Pháp và quan quân Nam triều tỉnh Hưng Hóa sẽ chuyển về ở đấy. Trên núi Đọi Đèn, núi Chợ Trời, núi Cuốn, nghĩa quân thường xuyên quan sát được những hoạt động của quân giặc trên phạm vi hai bờ sông Thao.
Hơn một tiếng sau leo dốc, xuống dốc đoàn người đi tới căn cứ Hố Trò. Đốc Thành đã cử quan quân đón ở dốc núi, cho xếp hai hàng dài chờ đám rước đi qua. Mấy ngày qua, quan quân tại căn cứ đã chuẩn bị chu đáo để đón đoàn. Cỗ lễ đã được bầy biện tươm tất, các vòng hoa của các đội quân đã được kết, bãi nghỉ cũng đã được sửa sang. Đoàn rước về, đặt tiểu hài cốt trên lễ đài nghỉ ngơi, binh sỹ tại căn cứ mang ra những vòng hoa, xếp đặt vào hai bên. Trong trật tự, im lặng, mọi người lần lượt đến thắp hương tưởng niệm, vái tạ linh hồn người chỉ huy tối cao của mình.
Gò Lộc Cương cũng gần căn cứ Hố Trò, nên mọi việc an táng làm rất nhanh. Đến trưa thì công việc được hoàn thành, ngôi mộ của Tướng công được đắp to, phủ lên một lớp cỏ xanh mướt. Đề Kiều đứng ra cảm ơn dân làng Cát Trù, anh em binh sỹ căn cứ Hố Trò đã tận tình làm việc nghĩa tử là góp phần đưa hài cốt Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích từ Tôn Sơn, châu Yên Lập về an táng tại đất Cát Trù, huyện Cẩm Khê an toàn tuyệt đối. Ông ra lệnh mọi người về nhà, binh sỹ đóng ở căn cứ Hố Trò, Rừng Già, Đọi Đèn thì về doanh trại của mình. Ông dặn các chỉ huy nhớ chiều mai vào Xuân Lôi nơi sơ tán của nhà ông bàn công việc. Ông nhắc riêng cậu Cả Đoan, Đốc Nhân thì đi về cùng ông tại Hành dinh Rừng Già ở thôn Ô Đà có việc cần.
Đề Kiều đến bên mộ vái lậy anh linh Tướng quân Nguyễn Quang Bích lần nữa rồi ra về. Mọi người lần lượt làm theo vái tạ, đi ra hai hướng, một hướng về nhà tại Cát Trù bên bờ sông Thao và một hướng vào các doanh trại tại Hố Trò, Phục Cổ. Đoàn của Đề Kiều và cậu Cả Đoan nhằm hướng núi Đọi Đèn thì rẽ về làng An Dưỡng, đi thuyền qua đầm Meo sang Ô Đà về Hành dinh. Đến nơi, binh lính phục vụ cho mọi người ăn cơm và nghỉ ngơi. Trời tháng chạp hanh khô, rét đậm, mọi người mỏi mệt lăn ra giường ngủ thật ngon.
Đến tối, Đốc Nhân về thăm nhà, chỉ có Đề Kiều và cậu Cả Đoan ở Hành dinh. Đề Kiều hỏi:
- Từ hôm cậu Cả về Mộ Xuân, Yên Lập có nắm được tin gì mới không?
- Chỉ có tin về mẹ và các em tôi bị giặc bắt, nhà cửa bị phá tán hết, dân làng, anh em bị giam, chúng đòi tôi và người em tôi phải ra trình diện.
- Việc ấy tôi đã nói với cậu là giải quyết xong xuôi rồi. Mẹ, các em, dân làng cậu đã được trở về.
- Làm sao, ông có thể giải quyết nhanh như thế?
- Giải quyết việc ấy cùng với việc mẹ tôi, cô tôi, dân làng Cát Trù và một số đông thân nhân binh sỹ bị giặc Pháp bắt đem ra bãi bồi trên bãi sông đe dọa:“ Nếu Đề Kiều và quân lính không ra hàng thì đem bắn chết hết, ném xác xuống sông Thao”. Vào tình huống như vậy, bắt buộc tôi phải đồng ý đầu hàng. Nhưng không phải chỉ kéo quân ra hàng không mà có điều kiện.
Khi cậu Cả Đoan còn đang bàng hoàng, Đề Kiều thuật lại mọi tình tiết như là để giải thích vì sao ông phải ra hàng. Chuyện về tuần phủ Lê Hoan viết thư cho ông, nói về thời thế chưa có đủ điều kiện đánh Pháp nên phải giả hàng; việc cử Đốc Nhân, Hoàng Văn Tập ra làng Cát Trù đàm phán; việc người của quân Pháp và Lê Hoan vào đình Vũ ngay sát chân núi Đọi Đèn bàn về các điều kiện ra hàng; việc chính ông phải ra tận đình Trò ký kết văn bản đầu hàng. Ngày 13 tháng 12 tới phải giải giáp vũ khí, ngày 15 tháng 1 năm 1893, ông phải trực tiếp kéo quân ra trình diện quân Pháp và quân Nam triều tại đồn Cổ Tiết, Tam Nông. Ông nói là trong điều kiện thế cô và phải nhẫn nhục lắm mới làm nổi việc đầu hàng, dù đó là đầu hàng có điều kiện.
Nghe kể và thuật lại mọi chuyện, Cả Đoan đã hiểu vì sao Đề Kiều phải đầu hàng quân Pháp. Vì sao khi gặp ông, trong suốt chuyến đi chuyển hài cốt cho cha mình, ông và mọi người tuyệt nhiên không nói về việc đầu hàng quân Pháp, cứ mải miết, tận tình, làm hết các công việc nghĩa tử với cha mình. Chỉ khi về Hành dinh Rừng Già, trong không gian yên tĩnh, thanh bình, Đề Kiều mới nói thực với mình.
Không để cho Cả Đoan nghĩ, Đề Kiều nói luôn:
- Ngày mai, tôi bố trí cho người đưa cậu Cả về quê nhà. Cậu cứ như người bình thường, đi làm ăn xa về, không nói chuyện gì về tham gia đánh giặc trên chiến khu. Vừa rồi bọn Pháp đòi Phu nhân đưa hai anh em cậu ra trình diện, người của ta đã phải mượn hai đứa trẻ nhà hàng xóm đi lên huyện đường trình diện. Có ai biết mình làm giả không, người ta biết đấy, nhưng nhờ Cha Cố Sáu xin hộ, họ lờ đi đấy thôi. Cố Sáu và những người theo đạo Thiên Chúa còn nhớ cái ơn sâu dạo trước của Tướng công bao dung đã cứu người họ thoát chết. Bây giờ về, cậu Cả tiếp tục đi học bồi đắp thêm kiến thức đông tây kim cổ theo lời khuyên của Tướng công để sau này còn lo làm việc cứu nước, cứu dân.
Cả Đoan nghe Đề Kiều thuật chuyện, vừa vui mừng vừa lo nghĩ mông lung. Đề Kiều tận tình khuyên nhủ, cậu chưa kịp trả lời thì lại nghe nói:
- Khi về, cậu Cả cầm lấy ít tiền về mua quà cáp, thuốc men cho Phu nhân, các em; sửa sang lại nhà cửa cho mẹ con có chỗ ở ấm cúng, không thể đi ở nhờ anh em mãi được. Mai kia, mình cũng sẽ về dựng lại nhà tại Cát Trù, gần chợ Trò, cậu Cả có lên thăm thì về nơi đó nhé!
Cả Đoan lúc này rơi vào trạng thái vô cùng bâng khâng. Nghĩ lại những việc làm, những lời nói của Đề Kiều đã cho cậu thấy tư tưởng, tình cảm, tài năng, đức độ rất tuyệt vời của người tướng của cha mình. Việc ông Đề Kiều ra hàng quân Pháp là tính toán có tính chiến lược, nghĩ đến kế phục quốc sau này. Mấy năm lên ở với Đề Kiều, cậu thấy ông không hề buông xuôi công việc, nhiệt tình làm đến nơi đến chốn, lo cho đời sống của tất cả nghĩa quân và nhân dân mà không hề kể công. Đề Kiều biết tính đến kế lâu dài, trong tình thế rất khó khăn đã nhanh chóng có quyết định mà không ai ngờ tới. Ngay cả cậu Cả Đoan về ở đây cũng không thấy dấu hiệu, không nghĩ đến việc ông đã ký kết văn bản với quân Pháp ra đầu hàng.
Cả Đoan nhìn thẳng vào Đề Kiều nói:
- Giả hàng liệu có an toàn cho quan quân và gia đình nhà ta không?
- Nằm trong vòng cương tỏa của giặc Pháp, ta phải tương kế tựu kế, bảo là an toàn tuyệt đối thì không thể.
Đêm hôm đó, cậu Cả Đoan ngủ tại Hành dinh Rừng Già. Cậu nhớ từ nơi đây đã đi tham gia đánh trận ở tỉnh lỵ Chợ Bờ, Khả Cửu và Cổ Tiết. Cậu nhớ tới kỷ niệm với Đốc Ngữ, Đề Kiều, Đề Hoan, Lãnh Doãn, Lãnh Vân, Lãnh Nhưỡng, Lãnh Sành, Đốc Sơn, Đốc Sỏi, Đốc Thành, Đốc Dị, Đốc Đô và bao nhiêu chiến binh, đồng bào dũng cảm, yêu thương. Cậu thấy cần phải cố gắng học tập, tu dưỡng, ra sức hoạt động và tham gia các phong trào yêu nước để tiếp tục sự nghiệp cứu dân, cứu nước của cha anh.
Sáng hôm sau, có người nông dân tuổi ngoài ba mười, xưng là người buôn sơn từ Đồng Lương lên. Anh ta nói lên gặp quan Đề tại Hành dinh Rừng Già, binh sỹ đưa anh ta vào nhà. Đề Kiều tiếp anh ta trong phòng sau, nói gì với anh ta không ai được biết. Một lúc sau ông Đề Kiều dẫn ra giới thiệu:
- Người này tên là Đức sẽ đi cùng cậu Cả về quê, hai người đóng giả là người buôn sơn xuôi về bến đò Tân Đệ, Nam Định. Cậu Cả cùng anh Đức phải gánh sơn về làng Trình Phố bán. Anh Đức ở lại vài ba hôm thì ngược về chợ Trò, nếu có việc lại đi chuyến nữa. Hành lý của cậu Cả đã được anh Đức thu xếp, tiền bạc cũng đã được anh Đức gói gém đem giùm. Bây giờ hai người về Đồng Lương, tối thì đi đò xuôi sông Thao, sông Hồng về Nam Định. Chúc hai người đi gặp may mắn, cho mình gửi lời chào bà Phu nhân và mọi người trong gia đình, họ hàng, anh em nhé!
Cậu Cả Đoan và người buôn sơn xuống thuyền, người bơi qua đầm Meo, sang Trù Mè đi bộ về Đồng Lương xuôi đò về quê Nam Định. Lúc đó, Đề Kiều, Đốc Nhân và mấy người lính mang súng xuống thuyền vào Bến Ẩu tìm đường vào Xuân Lôi. Trong thâm tâm, cậu Cả rất yêu quý Đề Kiều, một người rất đáng tin cậy, chẳng thế mà cha cậu, khi qua đời đã tin tưởng trao trọng trách lãnh đạo nghĩa quân Cần Vương vùng sông Thao, Hưng Hóa.
Đề Kiều vào Xuân Lôi bàn ngay những việc giải giáp vũ khí, cho quan quân giải ngũ, lập đội hình quân ra hàng, bố trí lực lượng ngầm trong 3 tổng Điêu Lương, Chương Xá, Phú Khê. Việc giải giáp vũ khí, ông và các ông Đốc Nhân, Phó đốc Thưởng, Đội Chính, Đội Kỷ ra làm việc với quân Pháp và Nam triều tại căn cứ Hố Trò. Đội quân ra hàng, gồm 45 người, do ông dẫn đầu; mọi người đều cưỡi ngựa, giương cờ Đại Nam, mang theo vũ khí. Đúng 8 giờ sáng, quan quân từ căn cứ Hố Trò kéo về đồn Cổ Tiết trình diện. Sau đó, mọi người tự trở về nhà tại các làng tổng Điêu Lương, có việc gì thì gặp nhau tại nhà Đề Kiều ở làng Cát Trù.
Đề Kiều bí mật làm việc riêng với các ông chỉ huy về giải ngũ ở khắp các làng trong tổng: Điêu lương, Chương Xá, Phú Khê; căn dặn những công việc cần thiết về kế an dân, về việc phòng thủ. Trong hoàn cảnh vẫn nằm trong sự phong tỏa của địch, phải chú ý giữ bí mật cho ta và tỉnh táo đề phòng âm mưu hoạt động gián điệp của địch. Trong tổng Phú Khê có làng Yên Tập, Tạ Xá có nhiều người theo Công giáo thì phải đoàn kết Giáo-Lương, không được chia rẽ, không được đối xử xấu với cha cố, thầy tu, con chiên. Các chùa, miếu, đền, đình trong khu vực vì chiến tranh tàn phá hay xuống cấp thì tu sửa, tôn tạo lại cho khang trang, bề thế được như cũ hoặc hơn.
Về nhà cửa của gia đình, Đề Kiều trình bày, đề xuất phương án chuyển nhà từ nơi sơ tán Xuân Lôi về Cát Trù; vì nhà riêng của ông ở đó đã bị giặc Pháp đốt cháy từ nhiều năm nay. Hiện nay, ở Cát Trù ông không có nhà, phải làm lại để thường xuyên có chỗ tụ họp. Đội Chính đứng lên nói:
- Ở Cát Trù, ông Đề Kiều không có nhà cửa thì quan quân ta giúp làm lại ngay trong những ngày tới. Hiện nay, quan quân chưa giải ngũ, tập trung giúp ông Đề Kiều làm lại nhà rất dễ dàng. Quan quân thì mang vác, còn thợ mộc, thợ nề của các làng ở tổng Điêu Lương thì huy động họ ra làm giúp trong khoảng 10 ngày là xong. Ngày 15 tháng 1, làm cái việc ra trình diện xong, khi về ông Đề Kiều đã có nhà, không phải đi ở nhờ; cũng là nơi anh em ta về ăn bữa cơm tất niên chào mừng năm Quý Tỵ tại nhà ông Đề Kiều.
- Năm Thìn, năm Tỵ chị chẳng nhìn em thì vui gì?
- Chẳng phải thế đâu. Năm nào của ta cũng tốt, tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ, có làm là có ăn, chắng phải lo lắng quá thế!
- Vui quá, ta được ăn Tết Tất niên ở nhà ông Đề Kiều; sau ta về ăn Tết với vợ con ở nhà, sướng quá còn gì!
Mỗi người mỗi lời nói ra cho vui vẻ. Đề Kiều nghe ý kiến của Đội Chính có phần chính đáng. Ông bảo việc chuyển nhà thì giao cho em ông Hoàng Văn Hòe và con trai cả Hoàng Văn Huy chỉ đạo làm. Ông dặn dò thêm:
- Sau khi giải giáp vũ khí, các hoạt động quân sự của ta cũng chấm dứt. Quân ta phải về làm dân thuộc các tổng Điêu Lương, Chương Xá, Phú Khê. Phần đất tổng Đông Lỗ bao gồm các làng Phục Cổ, Xuân Lôi, Quắc Thước hay nói chung toàn bộ châu huyện: Yên Lập, Thanh Sơn, Văn Trấn, Trấn Yên, Phù Yên, Văn Yên, Hàm Yên, Sơn Dương, Đai Từ, Lập Thạch, Tam Dương là vùng đất chiến lược của ta. Tuy không ghi vào văn bản, nhưng ta phải kiểm soát. Người Tây họ không thể rải quân, đóng đồn khắp nơi thì ta cho người của ta vào ở. Những ông đốc binh, đội binh không về quê có thể ở lại sinh cơ lập nghiệp trên những vùng đất mà người của ta lâu nay vẫn làm chủ.
Mọi người lục tục ra về, Đề Kiều nói:
- Sau ngày 15 tháng 1, ta không tụ họp được nữa. Mọi việc cần anh em đến tận nhà tôi ở Cát Trù thảo luận bàn cho căn kẽ nhẽ. Có ai đề đạt gì thì cứ đến nhà, anh em ta gặp nhau, chớ ngại ngần.
Vì những lời dặn dò thiết thực, nhiều tướng sỹ đã nghe ông trở lại làm ăn sinh sống trên những vùng rừng núi, có vị trí chiến lược thuộc phần đất đai rộng lớn ở Tây Bắc, Việt Bắc nước ta. Nhiều người mang cả vũ khí về, với vài người lính trẻ, sau gọi người nhà từ vùng xuôi lên mở mang khai hóa đất đai. Từ đây, người Kinh sống lẫn với người dân tộc thiểu số, nói tiếng Mường, Miêu, Tày, Thái, Dao hóa thành người dân tộc ít người. Vài cá thể ở với những chủ thể đông, họ ngay lập tức bị đồng hóa về trang phục, tiếng nói, tập quán, lễ nghi do bản tính bắt chước, làm theo của con người.
Đề Kiều ở Xuân Lôi một ngày, sau đó lên Hưng Long trực tiếp gặp tri châu Nguyễn Gia Hè bàn về các công việc sau hậu chiến. Nguyễn Gia Hè hứa sẽ che chở cho binh sỹ ở lại châu Yên Lập khai khẩn đất hoang, làm ruộng không ai bắt bớ gì. Cho người của Đề Kiều vào kiểm soát các vùng nam châu Yên Lập, cho các ông Lãnh Sành, Đốc Sỏi và một số lãnh binh, đốc binh nắm các chức lý trưởng, chánh tổng thuộc các làng thuộc tổng Mộ Xuân, Quế Sơn, Thượng Long và Đông Lỗ.
Ông cũng lên gặp tri huyện Cẩm Khê Lê Văn Sỹ trình bày về mối quan hệ của ông với quan huyện sau này bình đẳng, liên kết cai quản làm sao cho nhân dân trong huyện được ổn định, yên tâm làm ăn sinh sống. Vùng đất ông được tự quản thực hiện đức trị và pháp trị, không áp bức, chèn ép dân chúng. Ông cũng bàn với tri huyện về những gia đình, có người tham gia phong trào Cần Vương nay tự giải giáp quân ngũ, vũ khí, về nhà làm ăn; chính quyền bảo hộ và Nam triều thôi không được trả thù, bắt bớ nữa.
Sớm ngày 13, Đề Kiều có mặt tại Hố Trò, một đội quân Pháp do Ri-lăng chỉ huy và tuần phủ Lê Hoan từ bờ sông Thao đi vào giải giáp vũ khí. Ông và Đốc binh Hoàng Nhân bàn giao số lượng vũ khí đã ký trong bản nghị định cho quân đội Pháp. Đại úy Ri-lăng rất mừng nói:
- Chúng tôi không ngờ Đề Kiều và quân lính chấp hành nghiêm thế! Đại tá Pen-nơ-canh nghe tin sẽ rất phấn khởi.
Khi được anh lính thông ngôn Trần Quý dịch ra nghe, Đề Kiều nói luôn:
- Chúng tôi làm thế là muốn được hòa bình, hữu nghị thực sự. Không ai muốn chiến tranh, vì kẻ xâm lược bạo ngược, áp bức quá đáng nên người dân phải cầm vũ khí chống lại thôi.
- Không, không, chúng tôi chỉ là bảo hộ chứ không xâm lược, những thứ vũ khí này lạc hậu quá, chúng tôi sẽ thiêu hủy hết.
Nghe thông ngôn dịch hiểu, Đề Kiều nói luôn:
- Các ông đồng thời phải thiêu hủy cả chiến hạm, tầu chiến, xe pháo hiện đại thì thế giới sẽ hết chiến tranh. Chứ chỉ thiêu hủy những thứ vũ khí tự tạo lạc hậu của một bên thì vẫn còn chiến tranh đấy.
Viên đại úy Ri-lăng cười hồn nhiên, khi nghe viên thông ngôn của Đề Kiều nói lại. Đề Kiều nhìn viên đại úy Pháp còn trẻ tuổi cũng cười vui vẻ.
Lê Hoan không cười, ông rút quyết định của Kinh lược sứ Bắc Kỳ ra phong cho Đề Kiều chức Phó Lãnh binh Hưng Hóa, nhưng làm việc tại gia. Y nói với Đề Kiều:
- Đề Kiều cứ nhận chức đi mới thấy hết giá trị của nó đấy. Chức vụ đó sẽ giúp ông có thế lực mà cai quản vùng đất được tự quản. Ông sẽ có vũ khí và quân lính bảo vệ, bằng không thì một thằng cha căng chú kiết, nó có thể gây sự với ông. Hàng tuần, hàng tháng quan Pháp, quan Nam sẽ đến nhà làm việc với ông. Ông không phải làm gì, nhưng những việc cần thiết chúng tôi vẫn phải gọi đến.
Đề Kiều đang trong trạng thái vui vẻ với viên sỹ quan Pháp thì nói:
- Đây là cái vòng kim cô xiết vào cổ tôi đây, không nhận cũng không được mà!
Lê Hoan thấy Đề Kiều cầm giấy quyết định cũng thấy thoải mái cười vang. Mọi người cả ta lẫn tây cùng cười theo, nhưng mỗi bên, mỗi người mang một ý nghĩ như nhau và khác nhau không ai phân định được.
Buổi giải giáp và bàn giao vũ khí đã xong. Chỉ huy Pháp yêu cầu Đề Kiều cho binh sỹ vác vũ khí chuyển ra bến Đồng Lương, xếp vũ khí xuống tàu chiến chở về tỉnh lỵ Hưng Hóa. Quân Pháp thấy số lượng vũ khí đầy đủ, quan quân Đề Kiều nhiệt tình, chấp hành đúng nghị định đã ký thì rất hài lòng; không có ai kêu ca gì, thậm chí Ri-lăng, Lê Hoan còn có lời khen ngợi.
Ngày 15 tháng 1 năm 1893, Đề Kiều dẫn quân ra trình diện quân Pháp. Đội hình gồm 45 người, đều là người tổng Điêu Lương trong đó có 25 người là cựu binh có mặt trong đội nghĩa dũng làng Cát Trù đã tham gia chống quân xâm lược Pháp gần 10 năm trời. Họ cưỡi ngựa đi theo con đường núi ra đồn Cổ Tiết, các chỉ huy quân Pháp và quân Nam triều đã chờ sẵn ở đó. Đúng 10 giờ sáng, quan quân Đề Kiều về đến nơi, người lính đi ngựa cầm cờ có thêu hai chữ Đại Nam đi trước; sau đến Đề Kiều cưỡi ngựa mông cao lớn nhất, mặc áo bào xanh, bên thắt lưng có đeo khẩu súng lục của sỹ quan Pháp; rồi đến các vị đốc binh, phó đốc binh, đội trưởng, đội phó, binh lính đeo súng, đeo gươm trông rất oai nghiêm. Quân Pháp thấy họ khỏe mạnh, tráng kiện, oai nghiêm chẳng thua kém đội quân chính quy nhà nghề của phương Tây.
Họ yêu cầu Đề Kiều cho binh sỹ xuống ngựa, quân Pháp chạy ra tạm thời thu lại cờ, vũ khí mà binh sỹ đối phương mang theo. Đề Kiều bình thản bước lên tuyên bố đầu hàng quân Pháp, thừa nhận chính quyền bảo hộ Pháp, quy phục triều đình Nam triều do nhà vua Thành Thái trị vì và mong các quan Pháp và các quan Nam triều cho mọi người về sinh sống trong “vùng đất tự quản” như nghị định đã ký kết.
Đại tá Pen-nơ-canh chấp nhận sự đầu hàng của Đề Kiều và quân lính. Y cũng nói sẽ thực hiện đầy đủ các điều khoản đã ghi trong nghị định. Từ ngày hôm nay, Đề Kiều phải chấp hành nghiêm không được tạo ra các hoạt động quân sự chống lại quân đội Pháp, trấn áp bọn nổi loạn nổi lên trong “ vùng đất tự quản”, thực thi những chính sách của Nam triều. Đồng ý cho Đề Kiều lĩnh chức Phó Lãnh binh Hưng Hóa, làm việc tại gia, những việc quan trọng được triệu tập phải có mặt đúng giờ quy định.
Lê Hoan thì nói cho quan quân Đề Kiều nghe rõ rằng, đây là một trường hợp yêu tiên, có sự nhân nhượng của quân đôi Pháp và quân đội Nam triều cho phép Đề Kiều và binh sỹ đầu hàng có điều kiện. Đề Kiều và binh sỹ phải có trách nhiệm vận động các đơn vị “ quân phản loạn” hai bên bờ sông Thao ra đầu hàng không điều kiện, bỏ vũ khí, về nhà làm ăn. Quân Pháp và quân Nam triều sẽ không thu vũ khí và các phương tiện quân sự của riêng Đề Kiều và binh sỹ ra hàng hôm nay. Đem các loại vũ khí vừa mang ra bảo vệ “ vùng đất tự quản”, có trách nhiệm quản lý dân chúng của khu vực mình, làm sao cho an ninh trật tự nghiêm minh hơn các khu vực khác.
Binh lính Pháp lại mang trả cho họ súng và gươm, Đề Kiều được nhận lại khẩu súng lục đeo bên hông; người còn lại mang súng được nhận lại súng, đeo gươm được nhận lại gươm. Pen-nơ-canh và Lê Hoan đi đến bắt tay Đề Kiều và cho phép cưỡi ngựa dẫn quân trở về nhà. Pen-nơ-canh nói:
-Từ nay, Đề Kiều hãy đối xử tốt với người Pháp chúng tôi; quan hệ sẽ bình thường khi chúng ta không là kẻ thù, coi nhau như những người bạn, mang hòa bình và hữu nghị cho nhau nhé!
Lê Hoan thì ngọt ngào:
- Phó Lãnh binh Kiều nhờ đôn đốc quân sỹ các nơi hạ vũ khí, cho các cánh quân “phiến loạn” hai bên bờ sông Thao cần phải giải tán ngay!
Đề Kiều nghe rõ nhưng không trả lời, cưỡi ngựa dẫn đoàn quân trở về làng. Nhằm con đường quen thuộc từ Cổ Tiết đến Cát Trù đi về nhà. Ông nhớ gần 10 năm trước, ông và đội nghĩa dũng Cát Trù, Điêu Lương theo con đường này về giữ thành Hưng Hóa. Sự nghiệp cứu nước cứu dân bắt đầu, các vị văn thân, võ tướng đã giúp ông trưởng thành. Người thầy, người lãnh đạo là Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích và Hiệp đốc đại thần Nguyễn Văn Giáp đã trực tiếp bảo ban, dậy dỗ ông tiến bộ. Bản thân ông đã có công đóng góp thiết thực cho Phong trào Cần Vương kháng chiến cứu nước. Nhưng ông cũng tự nhận thấy mình còn kém cỏi đã phải hạ vũ khi đầu hàng. Tuy là đầu hàng có điều kiện, nhưng vẫn phải mang tiếng xấu. Ông có thể đảo lại thế cờ không, cũng phải chờ cơ trời vận nước; nhưng trước mắt phải duy trì được lực lượng, chăm sóc và bảo vệ được những hạt giống quý cho ngày mai.
Mấy ngôi nhà chuyển từ Xuân Lôi về Cát Trù đã được binh sỹ, thợ các làng làm xong. Tuy không được khang trang, nhưng được cái rộng rãi. Ngày đêm ông được tiếp mọi người đến giải quyết các công việc còn tồn đọng; giúp giải thoát những vụ binh sỹ, dân thường bị giặc Pháp bắt bớ, tù đầy; dàn xếp những vụ xích mích, thù oán trong dân; ổn định đời sống, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cho dân tự do tín ngưỡng; khôi phục các hoạt động thương mại, xây lại các khu chợ, duy trì họp chợ thường kỳ; cho phép các thầy đồ dậy học tại các làng; đón tiếp các quan Tây, các quan An Nam đến thăm, làm việc. Lúc nào người ta cũng thấy nhà ông phó quan lãnh binh Kiều tấp nập khách khứa là vì thế.
Đôi lần có việc, Đề Kiều vào núi Đọi Đèn, qua đầm Meo lên mỏm Lắc lư. Đứng nhìn ra xa là dòng sông Thao về mùa xuân nước chảy êm đềm, hai bên bờ sông làng mạc dân cư đông đúc. Đã nhiều thời đại, dân ta tự chủ thoát khỏi cách nô lệ của người phương Bắc, nay bọn giặc phương Tây lại đến đặt ách nô lệ lên đầu lên cổ dân ta. Người Việt Nam đã kiên cường chiến đấu trên ba mươi năm, nhưng thời cuộc không cho phép ta thắng, triều đình và quan quân đã phải cầu hòa. Cuộc chiến đấu của quân dân vùng sông Thao, Hưng Hóa theo Cần Vương rất oanh liệt nhưng dần dần rơi vào thế bại. Ông phải đầu hàng quân Pháp, nhưng không thể khuất phục quân thù mãi, phải có kế hoạch phục hưng dân tộc. Khi đủ sức mạnh và có thời cơ thì dân ta lại nổi lên đánh đuổi giặc Pháp giành lại độc lập, tự do cho dân mình, nước mình.
Hơn một tháng sau, Đề Kiều nhận được tin bên đầm Đen - Bằng Doãn Tán Dật đã xin hàng. Bọn Pháp cho ông nhận làm chức tri huyện nhưng ông từ chối bảo rằng:“ Tôi là người giúp dân cho khỏi nô lệ, nên tôi không muốn làm quan để lấy của dân, tôi về làm đến đâu ăn đến đó”. Tán Dật nói cho mọi người hay: “Ông hàng là vì triều đình đã hàng!”, ông phẫn uất tự ăn lá ngón tuẫn tiết, trước khi chết ông còn nói: “ Tôi chết, vì không muốn nhìn mặt thằng Tây!”. Cũng hôm đó, Đề Kiều nhận được tin Đốc Đô, người mà ông vừa gặp ở Hố Trò hai tháng trước, đã bị tên bang tá phủ vụ Đoan Hùng sai quân chém chết. (1)
Chú thích:
(1). Tác giả dựa theo các sự kiện, nhân vật, chi tiết lịch sử đã nêu từ cuốn Phong trào Cần Vương ở Phú Thọ cuối thế kỷ XI, Hội Khoa học lịch sử Phú Thọ xuất bản 2007, tr196.
Người ta thấy Đề Kiều hay tụ tập người chơi cờ, chơi bạc. Món cờ tướng là thú chơi mà ông hăng hái, say sưa nhất. Chính hôm nghe tin Tán Dật chết, Đề Kiều ngồi chơi cờ tướng trên tấm phản ngựa ở giữa nhà. Tay đi quân cờ, miệng thi thoảng thét lớn: “Chiếu tướng này!”... “Diệt xe này!”... “Diệt pháo này!”... “Diệt mã này!”... “Diệt sỹ này!” và “Hãy nhìn thẳng vào mặt tướng sỹ nó mà diệt!”. Chẳng biết là ông đang mải mê chơi cờ trên bàn cờ hay là đang mê mải với ván cờ thắng thua ở ngoài đời.