Tuy nghĩa quân giành được thắng lợi, nhưng quân số, vũ khí giảm đi nhiều. Lực lượng hao hụt làm cho Đề Kiều phải suy nghĩ, băn khoăn, nhiều đêm không ngủ được, lúc thức cũng cảm nhận thấy mình chơi vơi. Ông hiểu tình trạng của mình đang rơi vào thế cô. Đốc Ngữ đã bị sát hại, phong trào đánh Pháp ở Thanh Sơn, Ba Vì, Chợ Bờ chưa có thể tạo dựng lên được. Miền Thanh Hóa, Nghê An rộng lớn, đất căn bản của ông cha, có nhiều nhân lực, nhân tài nay phong trào cứu nước lắng xuống. Những người có uy tín như Tiến sỹ Tống Duy Tân, Đinh công Tráng, Phạm Bành đã bị giết hại, ông Cao Điền, Hà Văn Nho, Cầm Bá Thước còn sống thì cũng ở thế cô khó có thể nổi dậy. Đình nguyên, Bình Trung tướng Phan Đình Phùng ở vùng Hương Sơn, Hương Khê cũng đang rơi vào thế bí. Ông Cao Thắng tướng của ông Phùng chế tạo được nhiều súng hiện đại, nhưng tướng sỹ không mạnh, lúc nào cũng phải xông ra trận tiền thì khó có thể bảo toàn.
Kế hoạch vào Hà Tĩnh, Quảng Bình đón Vua Hàm Nghi ra Bắc và kế hoạch đưa Đại Bản doanh của Bình Trung tướng Phan Đình Phùng ra Nghệ An, Thanh Hóa của ta đều không thực hiện được. Vua Hàm Nghi bị những tên hầu cận Nguyễn Đình Tĩnh và Trương Quang Ngọc phản bội bắt nộp cho Pháp từ cuối năm Mậu Tý (1888). Hiện nay, Vua bị giặc Pháp đày sang An-giê-ri, số phận thế nào cũng không biết nữa. Theo chỉ đạo của Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích trước khi Người qua đời là cố gắng mở rộng căn cứ bắc và nam sông Đà, chiếm lại vùng đất chiến lược Nghệ An và Thanh Hóa, đưa Bình Trung tướng Phan Đình Phùng ra chỉ đạo phong trào chung của cả nước, đã không làm được. Nay Tống Duy Tân không còn nữa, lấy ai mà thay thế, khi mà cả miền Thanh Hóa, Nghệ An chỉ còn một số lực lượng nhỏ không đáng kể đang phải di chuyển lên miền tây, giáp với nước Lào.
Dưới miền đồng bằng Bắc Kỳ, các cuộc khởi nghĩa theo phong trào Cần Vương cũng bị đánh dẹp. Các thủ lĩnh, văn thân, võ tướng, người đã chết, bị bắt, bị giết, tù đày hoặc trốn tránh ra nước ngoài. Ở vùng Bắc Giang, Bắc Ninh còn có Đề Nắm, Đề Thám nhưng đang hoạt động cầm chừng. Các lực lượng nghĩa quân ở vùng sông Thao, Trấn Yên, Văn Yên, Bảo Thắng, Sơn La, Lại Châu cũng chỉ còn lực lượng nhỏ, hoạt động yếu ớt. Khi đó, ngài Tôn Thất Thuyết ở Tàu cũng nằm im hơi, lặng tiếng; nhiều người lên án ông ta là kẻ đào tẩu, đảo nhiệm không xứng đáng là đại tướng quân. Phong trào Cần Vương xuống dốc gần đến tận cùng rồi. Bây giờ, mình phải làm gì đây để cứu nguy!
Theo tư tưởng chỉ đạo của các vị tiền nhiệm là “ cố thủ chờ thời”. Mình và quan quân cứ phải nhất thiết cố thủ ở đây ư? Vùng Rừng Già bao gồm phần đất phía nam Cẩm Khê và châu Yên Lập, quy về các tổng Điêu Lương, Chương Xá, Phú Khê và Đông Lỗ. Bao đời cha ông đã lấy đất này làm căn cứ chống giặc ngoại xâm. Người dân ở đây đã từng rút ra bài học kinh nghiệm chống giặc, mà một lần ông Đội Thủ đã nhắc lại cho Tuần Phủ Nguyễn Quang Bích và ông nghe là “ về chiếm cứ ở đất này ai ở thế công thì thắng, còn giữ thế thủ thì thua”. Ông ấy còn viện dẫn ai thua, ai thắng. Bảo rằng: đệ nhất anh hùng trong 12 sứ quân là Kiều Công Thuận chẳng đã bị thua, bị thương và phải tuẫn tiết vì luôn giữ thế thủ, không chuyển sang thế công. Thời gần nhất là 18 vị anh hùng thời Tây Sơn chống lại Gia Long, vì chỉ lo thế thủ nên đã bị quan quân của Gia Long tiêu diệt. Các ông Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương đã dựa vào đất này trong thế công đã góp sức làm nên chiến thắng quân Nguyên lẫy lừng. Ông Đinh Công Mộc cũng phải dựa vào đất này, phò vua Lê Lợi trong thế công đã góp phần đánh thắng quân Minh xâm lược. Mọi việc thắng thua, sử sách còn ghi rõ, ông đã đọc và được truyền dạy.
Ông thấy tư tưởng“cố thủ chờ thời” của các văn thân có cái gì chưa ổn. Hôm qua, ông có đọc thư của tuần phủ Hưng Hóa là Lê Hoan gửi cho, yêu cầu ông ra hàng. Trong thư có những câu:“ Lúc này chống Pháp phỏng có ích gì, chúng ta phải làm như đã từ bỏ sự nghiệp của người nước Nam... Chúng ta phải kiên trì, rồi đến một ngày kia sẽ tập hợp lại lực lượng chống lại chúng (chỉ quân Pháp), tống cổ chúng ra biển..., tốt hơn hết là hãy ru ngủ chúng bằng những tình bạn giả vờ...”. (1) Hắn cũng biết khuyên ông “ sáng suốt” sẽ tìm ra “con đường hòa bình”, “ bảo toàn lực lượng tinh túy nhất của giống nòi”, chờ “thời thế thuận lợi thì toàn dân tộc sẽ đứng lên làm một trận là xong”. Nó cũng chỉ ra cách thức ra hàng“có điều kiện”, là toàn quyền Pháp và chính quyền Nam triều sẽ cho ông một “ vùng đất tự quản”, nhưng phải bãi binh, không hoạt động chống lại quân đội Pháp và quân của Nam triều nữa. Nay chúng tôi “ đã rút quân khỏi Rừng Già, Đọi Đèn”, tùy ông “ lo liệu!”.
Chú thích:
(1). Theo Nguyễn Văn Nguyên,tạp chi Xưa Nay só 223 tr36,tháng 11/ 2004
Đề Kiều nghĩ mình không thể cố thủ được lâu để chờ thời. Quan quan của ông đã chống lại cuộc càn quét lớn, kéo dài suốt 4 tháng trời. Nhưng thực lực không thể chống trả được mãi. Quân Pháp sẽ tăng cường lực lượng, dồn quân từ khắp nơi về, dùng hỏa lực mạnh để tiến công. Quân quan của ông chống cự đến chừng mực nào đó sẽ bị đánh bại. Lúc đó, không thể ra hàng có điều kiện, quan quân sẽ bị giết hết. Sự trả thù của quân Pháp và quân Nam triều sẽ vô cùng thảm khốc.
Nhưng mà ra hàng thì danh dự của người chủ tướng sẽ mất hết. Quân dân sẽ coi ông là một kẻ phản bội, cái tiếng đầu hàng quân cướp nước sẽ không bao giờ gột rửa được. Lòng ông cảm thấy xót xa vô cùng! Đọc thư của tuần phủ Lê Hoan, ông đã dò hỏi từng tướng chỉ huy, không ai muốn đầu hàng. Họ thật xứng đáng là những anh hùng của thời đại. Thà chết, chứ không chịu làm nô lệ, tay sai quân thù. Đầu hàng giặc còn mang tiếng xấu ở đời là kẻ tham sống sợ chết! Đầu hàng có điều kiện thì mang tiếng xấu nữa là mang xương máu của quân dân đi cầu vinh quang phú quý cho riêng mình. Lúc sống đã vậy, khi chết còn không dám vác mặt mà gặp tiền nhân, tiên Tổ nữa!
Người quân tử lúc khó phải có chính kiến riêng. Vì vậy, ông vẫn cử người ra làng Văn Khúc hỏi ý kiến ông Đội Thủ người cậu đáng kính của vợ chống ông. Ông ấy nói rằng:“ Người ta có thể biết trước vận hội, giả hàng hay trá hàng vẫn là hàng, tiếng xấu vẫn phải mang, chịu nhục để mưu việc lớn theo gương Việt Vương Câu Tiễn (1) thì nên làm”. Đề Kiều đích thân đến nhà Đốc Biêu người anh em thân thiết, cùng ông tham gia chống Pháp trong nhiều năm. Khi ông nói ý định ra hàng Pháp và về với triều đình thì Đốc Biêu lặng in không nói gì. Bà cô Tèo đang ru cháu, hình như đã nghe thấy tiếng nói của cháu mình, cất lên lời ru:
“ Trăm năm đá nát vàng phai,
Ngã rồi lại dậy kém ai ở đời.
Trăm năm đá nát vàng mười,
Ngã thì lại dậy ai cười mặc ai”.
Chú thích:
(1) . Việt vương Câu Tiễn đời Xuân Thu ( Trung Quốc) giả điên, trá hàng để mưu khôi phục nước Việt, sau đã đánh thắng kẻ thù lập lại vương triều.
- Thì cô thấy cháu có ngã bao giờ đâu?- Đề Kiều đi vào nhà trong vui vẻ hỏi cô.
- Người ta có những bước đi thẳng, đi nghiêng và vấp ngã. Anh là người họ Hoàng, lúc nào vấp ngã thì phải gắng dậy, giữ được tư thế thẳng mới là hay.
Hai cô cháu nhìn nhau, cùng cười. Thấy đứa cháu nhỏ bụ bẫm nẳm trong nôi, ông nói vui:
- Bố cu nhà mình, bị thương nặng mà giống vẫn tốt ghê, đẻ lắm vào nhé, nuôi cho đã!
- Chẳng bằng anh, vợ mát da mát thịt đẻ một đàn một lũ, nuôi hết hơi!
Thấy nhà vắng, ông lại hỏi:
- Cô Thân và các cháu đi đâu?
- Thì giặc giã như chấu, vợ nó và các cháu phải lên nương vừa làm vừa tránh giặc.
Chợt nghĩ về con người Lê Hoan, ông quay ra hỏi Đốc Biêu:
- Hồi chú đi lính triều ở Hà Nội, Sơn Tây có biết người lính nào tên là Lê Hoan không?
- Có, anh ta là lính cơ, người thôn Mọc, làng Nhân Mục, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì. Khi giặc Tây đánh thành Sơn Tây, anh ta gây mâu thuẫn gì với quân Cờ Đen bị chúng ghép tôi tử hình, sau giảm án tù. Sau này, thành Sơn Tây mất, người Pháp trọng dụng cho anh ta làm Bố chính Sơn Tây. Năm nay, người Pháp cho về làm Tuần phủ Hưng Hóa, kiêm chức Tiễu phủ sứ Sơn- Hưng-Tuyên. Anh ta là người tinh khôn, ma mãnh, khó đoán biết được lòng dạ anh ta lắm.
- Hắn bảo mình ra “hàng có điều kiện”, “hàng giả vờ”, liệu có ổn không?
Đốc Biêu lặng yên một lúc mới nói:
- Ai biết được lòng bụng của tên tay sai đã từng cộng tác với giặc? Nhưng anh phải biết mình ở chỗ không thể cầm cự mãi, với lực lượng của giặc mạnh hơn trăm nghìn lần, sẽ đánh bại mình. Quân mình đã bám trụ ở đất này ròng rã gần 10 năm, đánh bại nhiều cuộc tiến công càn quét quy mô lớn hàng tháng trời. Đấy là mình dựa vào thế hiểm và tinh thần quân dân kiên cường, nhưng giữ mãi thì cần phải có thực lực. Bây giờ, ta đang ở thế cô, anh cũng liệu mà tính toán thấy có lợi thì làm ngay.
Đề Kiều gật đầu lại hỏi sang chuyện khác:
- Cháu Hoàng Văn Kiều và cháu Cao Biêu được người Pháp cho sang Tây học rồi à?
- Hồi bác ở Nghĩa Lộ, hai cháu trước khi đi Pháp, từ Hà Nội có vào đây chào các bà nội và tôi. Hai đưa bảo tôi rằng:“Phải sang Pháp xem họ làm ăn thế nào, học họ rồi về nước mình tìm con đường đánh Pháp!”.
- Hai thằng giỏi giang, sốt sắng quá đó! Nhưng có thể vì bơ sữa của Pháp mà hỏng con người đi đấy.
- Nhưng ai mà biết trước được con người ta thế nào? Nhưng tôi tin tưởng ai mang dòng máu anh hùng của ông cha ta thì sẽ không chịu khuất phục quân thù.
Đề Kiều nhìn Đốc Biêu, cầm chén uống một hơi rượu suông rồi nói:
- Chú nói đúng đấy. Trước sau, chúng ta phải nuôi chí đánh bại quân thù. Hành động của tôi thế nào sẽ có trời soi xét!
Mấy ngày sau, tại Đại bản doanh của nghĩa quân trên núi Đọi Đèn, Đề Kiều nhận được tin giặc Pháp cho nhiều tốp lính Âu Phi cùng với tụi lính tập đi càn vào các làng thuộc tổng Điêu Lương, Chương Xá, Phú Khê bắt bớ những gia đình có người đi lính Cần Vương. Chúng dồn tất cả dân làng Cát Trù, Thạch Đê ra bãi sông Thao đe dọa phải gọi người thân theo Cần Vương trở về. Không để con cháu, chồng, cha đi lính chống lại nhà nước Pháp bảo hộ và quan quân Nam triều. Chúng cho hạn trong vòng một tháng mà không gọi người của gia đình mình về chúng sẽ giết chết, không tha một ai.
Bà Hoàng Thị Sung thân mẫu của ông đã bị giặc bắt. Khi bà cụ từ làng Xuân Lôi đi đến làng Hương Nha để làm giỗ cha mình. Chúng bắt, đưa bà ra ngoài bãi sông Thao cùng với dân làng. Nhiều người hoảng loạn gào khóc ầm ỹ, thảm thiết kêu bà cho người gọi ông Đề Kiều ra hàng. Bà cô Tèo vừa mới hôm qua còn ru cháu, sáng đi chợ Ô Đà, qua Văn Khúc có việc thăm họ hàng cũng bị bọn lính tập phục kích bắt được đem về làng Cát Trù tra khảo và đem ra bãi sông giam giữ.
Dân làng Cát Trù và dân các làng thuộc tổng Điêu Lương trở nên tao tác, nháo nhác. Giặc Pháp đã cho quân đốt nhà, bắt bớ, bắn giết những người cố tình chạy trốn hoặc chửi bới chúng. Thân mẫu, người nhà và anh em của Đề Kiều chúng đều kết tội phản nghịch, cho lính đốt nhà và bắt bớ, đánh đập rất giã man. Các gia đình của Đốc binh Hoàng Nhân, Đội trưởng Đỗ Kỷ, Phó đốc binh Vi Bá Thưởng, Đội trưởng Lê Chính, Đặng Tất, Hoàng Oanh đều có cha mẹ, người thân bị giặc bắt đem ra bãi sông Thao.
Chúng cho lệnh bắt tất cả chánh tổng, lý trưởng các làng thuộc hạ huyện Cẩm Khê về giam tại đình Trò. Sai lý trưởng Cát Trù là Tạ Hữu Long và hào lý của làng vào Hố Trò lên núi Đọi Đèn thuyết phục Đề Kiều và binh sỹ ra hàng. Chúng ra lệnh đi sáng, chiều phải về báo cáo tình hình. Viên đại úy Pháp Ri-lăng (Riallaut) và tên tri huyện Cẩm Khê Lê Văn Sỹ theo lệnh của Đại tá Pe-nơ-canh và tuần phủ Lê Hoan phải ép bằng được Đề Kiều ra hàng.
Tin mẹ và bà con cô bác, dân làng tổng của mình bị bắt và bị giam cầm, phải chịu đựng cảnh màn trời chiếu đất trên bãi bồi giữa sông Thao làm Đề Kiều và tướng sỹ vô cùng lo lắng. Lại có tin từ Lãnh Hoan, Lãnh Gáo báo về, ở dưới quê nhà Nam Định, nhà của cố Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đã bị giặc đốt phá, bà Phu nhân Phan Thị Nhã và các con đã bị bắt giam. Chúng đòi Phu nhân phải đưa người con cả Ngô Quang Đoan ra trình diện càng làm cho ông và tướng sỹ thêm lo lắng bội phần.
Ngô Quang Đoan lên chiến khu vẫn ở với ông, cùng quan quân đánh trận Chợ Bờ thu được thắng lợi. Vừa rồi, ông đã phái anh ta đi sang Tàu cùng với một số thương gia người Hoa đi mua vũ khí chưa về. Lúc đầu ông không muốn cho Đoan đi, vì sợ nguy hiểm nhưng vì anh ta nài nỉ xin đi để làm quen với công việc giao tiếp, ngoại giao. Nên ông đã đồng ý cho đi, mấy tháng nay chưa về ông cảm thấy vô cùng lo lắng. Lại tin dưới nhà, mẹ và các em Đoan đang bị nạn, lòng ông nóng ran như có lửa đốt.
Khi lý trưởng Ta Hữu Long và đoàn hào lý làng Cát Trù leo núi Đọi Đèn lên gặp Đề Kiều và các tướng chỉ huy. Ông và quan quân cùng có mặt tiếp đón tại khu đất bằng dưới chân dốc Lắc Lư. Viên Lý trưởng nói:
- Thưa quan Đề đốc Hoàng Văn Thúy và quan quân ! Tình hình dân làng Cát Trù và những người thân của quan quân và người dân vô tội các làng rất nguy cấp. Giặc Pháp đã bắt và đẩy mọi người ra bãi bồi giữa sông Thao. Chúng hẹn trong một tháng, không gọi được người nhà ra hàng thì bắn chết hết, kéo xác ném xuống sông. Chúng tôi hào lý trong làng được lệnh quan tri huyện Cẩm Khê, quan tuần phủ Hưng Hóa và các quan Pháp lên Đọi Đèn kêu gọi quan Đề đốc và mọi người mau trở về.
Đề Kiều thét lớn:
- Trở về là thế nào? Có điều kiện gì không?
Viên lý trưởng lúng túng thưa:
- Về là ra hàng. Điều kiện thì chưa thấy các quan trên nói gì. Nghe các ông ấy bàn nếu Đề Đốc Hoàng Văn Thúy kéo quân trở về sẽ cho giữ chức lãnh binh Hưng Hóa, các chỉ huy khác thì tiếp tục giữ các chức vụ tương đương nếu tình nguyện làm việc cho nhà nước Pháp, cho triều đình An Nam, còn binh lính thì được giải ngũ về quê nhà làm ăn, không phải truy sát nữa.
- Thôi được, các ông cứ về đi, báo với các ông quan Tây và ta là quan Chánh Đề đốc phải họp bàn với quan quân. Có gì thì ngày mai các ông lên đây, chúng tôi sẽ cho người trở về làng bàn bạc cụ thể từng điều khoản mà chúng tôi cần.
Viên Lý trưởng Tạ Hữu Long và các hào lý cùng đi mừng ra mặt, chấp tay vái lạy quan quân ra về.
Lúc này thấy các chỉ huy các đạo, các đội gần như đông đủ, Đề Kiều có lời:
- Thưa anh em chiến hữu! Chúng ta theo các vị văn thân Nguyễn Văn Giáp, Đại thần Nguyễn Quang Bích và Vua Hàm Nghi chống quân Tây xâm lược đã gần 10 năm. Đến nay, sự nghiệp chưa thành công mà các văn thân, võ tướng người đã chết vì bệnh tật, vì tử trận, người vì già yếu mà mất, nhiều người còn bị bắt bị tù, Vua Hàm Nghi thì bị đày biệt xứ. Anh em ta đã vì nước đánh giặc mà cống hiến tất cả. Nhưng đến nay, trong tình thế bị cô lập, lại bị giặc Tây, giặc ta tàn sát, hãm hại, đốt nhà, giết người, bắt bớ, yêu cầu phải ra hàng. Trong tình thế này, tôi hỏi ý kiến toàn thể anh em hàng hay nên đánh đến cùng? Chúng ta đã sát cánh bên nhau cùng sống chiến đấu với nhau lâu ngày thì nay tiếp tục chiến đấu có chết chẳng sá gì!
Đốc binh Hoàng Nhân nói:
- Chúng tôi với ông Đề Kiều đã cùng đi với nhau, gắn bó với nhau, cùng sống chết đánh giặc Tây xâm lược. Chúng ta luôn tạo ra những chiến thắng mà quân giặc phải sợ hãi, thán phục; nay phải bàn tới việc bãi binh thì ai cũng thấy ngán ngẩm. Tôi và nhiều tướng sỹ nghe tin phải hàng giặc đều muốn tự sát đề giữ khí tiết. Nhưng nghĩ lại thấy rằng, chúng ta cần phải sống để chờ thời cơ phục quốc. Việc ra hàng giặc Pháp là nhục nhã lắm, không ai chịu được, nhưng trong tình thế này chúng ta hàng có điều kiện thì ta nên hàng. Việc này, chúng tôi tin tưởng vào ông Đề Kiều sáng suốt, tìm cách nào đó có lợi cho quân dân ta thì làm. Chúng tôi không muốn bàn rộng vì sợ lộ ý đồ ngầm chống Pháp của quan quân. Tất cả chúng tôi đều tin tưởng vào ông Đề Kiều tìm cách giải quyết theo cách nào đó có lợi nhất.
Đề Kiều lại hỏi ý kiến của các vị đốc binh đã bảm trụ đất này như Đốc Sơn, Đốc Thành, Đốc Dị, các vị chỉ huy các đạo quân từ Thanh Sơn, Nghĩa Lộ mới kéo quân về như Đốc Đức, Đốc Tuế, Đốc Lệ. Các vị chỉ huy đều nhất trí giao quyền hành xử cho Đề Kiều.
Để cho tướng sỹ thực sự yên tâm, Đề Kiều nói trước về các điều kiện thỏa thuận với quân Pháp và Nam triều:
Thứ nhất: Phải thả ngay tất cả nhân dân đã bị bắt giam trên bãi sông tại làng Cát Trù để cho họ trở về sum họp với gia đình, phải cấp đủ lương thực và thuốc chữa bệnh cho họ, không được bắt giam một ai nữa.
Thứ hai: Phải cam kết để cho Đề Đốc Hoàng Văn Thúy và các bạn chiến đấu của ông được tự do, không được bắt bớ, trả thù nghĩa quân và phải cho họ trở về với gia đình. Những người bị bắt tại Hưng Hóa từ năm 1884 đến nay vì tham gia cứu nước, Cần Vương cũng phải được thả về.
Thứ ba: Quan Pháp và quân Nam triều phải rút khỏi ba tổng Điêu Lương, Chương Xá, Phú Khê thuộc huyện Cẩm Khê cho Đề đốc Hoàng Văn Thúy tự quản lý; có quyền thu các loại thuế, nhân dân được tự do đi lại làm ăn, sinh sống không phải đi lính, phu phen và tạp dịch.
Ngược lại về phía quan quân phải chấp nhận hai điều kiện:
Thứ Nhất: Giải tán nghĩa quân để mọi người trở về với gia đình làm ăn, sinh sống, nộp hết súng đạn, không tàng trữ, cất giấu vũ khí ở một nơi nào nữa.
Thứ hai: Cam kết sống bình thường, không tổ chức và tập hợp lực lượng quân sự. (1)
Chú thích:
(1). Theo Hoàng Khôi: Hoàng Văn Thúy ( Đề Kiều), danh nhân lịch sử thời Cần Vương chống Pháp, tr14.
Đốc Thành nghe xong liền có ý kiến:
- Mọi điều khoản ông Đề Kiều vừa đưa ra là hợp lý, người Pháp và người Nam triều có thể tán thành và nghĩa quân cũng có thể chấp nhận. Nhưng người Pháp làm việc rất tỷ mỷ, ta cũng phải bàn cụ thể xem thể thức ra hàng thế nào. Bên ta cho một đốc binh thay mặt Đề Kiều và quan quân ra bàn bạc kỹ các điều kiện. Người Pháp cần con tin, ông Kiều nên cử một đứa con trai của mình ra Cát Trù trình diện. Hiện nay việc làm đầu tiên của ta là yêu cầu quân Pháp và Nam triều thả tất cả người dân bị giam giữ trên bãi bồi sông Thao được trở về nhà. Trời đang mưa rét, các cụ ông, cụ bà và trẻ nhỏ không thể chụi được nữa đâu!
Đề Kiều nói:
- Đốc Thành nói phải, ngày mai tôi cử Đốc binh Hoàng Nhân và cậu con trai của tôi là Hoàng Văn Tập đang theo tôi chiến đấu ở đây, ra làng Cát Trù mang văn bản trình bày các điều kiện này và bàn bạc với các quan ta và tây để cho mọi người bị bắt được tự do trở về nhà ngay chiều mai.
Đốc Sơn có lời:
- Chúng tôi và một số quan binh không ra đầu thú. Nhưng nghe ông Đề Kiều sẽ tự giải tán, trở về bản quán, khi nào cần động binh thì báo chúng tôi được hay để tham gia. Chúng tôi phải được tự do, không được một thế lực nào bắt bớ, hành hạ chúng tôi. Ông Đề Kiều làm việc với Pháp phải bảo đảm cho chúng tôi được an toàn tuyệt đối.
Nghe Đốc Sơn nói xong tất cả cùng cười vang. Đốc Dị thì có lời bàn:
- Không được hạ vũ khí ngay, phải chờ quân Pháp thực hiện các điều kiện của ta thế nào đã. Khi nào tất cả làm nghiêm chỉnh thì chúng ta mới hạ vũ khí, mới trở về nhà.
Đề Kiều phân bua:
- Tôi đã đánh đổi danh dự của tôi cho cuộc ra hàng Pháp. Các tướng sỹ thấy tôi phải khó khăn lắm, chịu nhục lắm mới làm nổi việc này. Tôi xin hứa với ba quân tướng sỹ sẽ làm tròn trách nhiệm mà anh em giao cho tôi. Tôi không muốn ai phải chịu khổ, chịu nhục nữa. Ngày kéo quân ra hàng cho phép tôi cùng với mấy chục anh em người làng Cát Trù và người tổng Điêu Lương, mà ngày 1 tháng ba năm Giáp Thân (1884) đã đi tòng chinh về bảo vệ thành Hưng Hóa ra thôi. Còn các tướng sỹ khác thì tự về nhà từ căn cứ Đọi Đèn, Rừng Già này. Chúng tôi còn đủ ngân quỹ cấp tiền cho anh em trở về, không ai phải lo âu quá. Anh em chúng ta sẽ bàn bạc cụ thể để ra hàng có đủ tư thế; chứ không để mang tiếng là quân bại trận mà chịu thêm nỗi nhục đầu hàng.
Đề Kiều nhìn các tướng sỹ yêu cầu:
- Các chỉ huy đạo quân, đội quân vẫn phải giữ bí mật, phải cảnh giác với những âm mưu của giặc Pháp. Khi chưa có lệnh giải tán nghĩa quân thì phải giữ quân lệnh thật nghiêm, không ai được vô kỷ luật làm ảnh hưởng danh dự của nghĩa quân. Không để cho quân Pháp coi khinh, đánh giá quan quân ta là một lũ người giã đám, một thứ tàn quân.
Ngày hôm sau, viên lý trưởng Tạ Hữu Long và hào lý làng Cát Trù lại lên núi Đọi Đèn tìm gặp chỉ huy nghĩa quân. Đề Kiều tiếp họ và cử người đi ra làng Cát Trù bàn việc như đã định. Ông nói :
- Từ ngày mai, ta hẹn gặp nhau tại đình Vũ dưới chân núi Đọi Đèn, không phải leo dốc lên đây vất vả nữa. Các quan Tây và quan Nam có thể theo Đốc binh Hoàng Nhân và người nhà tôi là Hoàng Văn Tập vào đình Vũ bàn bạc thêm những vấn đề mà hai bên chưa thống nhất. Nếu đi thuyền thì phải cắm cờ vàng cho phía quân lính biết; sáng mai, chúng tôi sẽ cử người xuống chờ người vào để đón tiếp.
Đình Vũ của làng Văn Khúc, nơi thờ Tổ tiên họ Ma gốc Tày. Tương truyền ngôi đình là nơi Phụ quốc Ma Khê, Đại thần, Đại tướng quân thời Hùng Duệ Vương thường xuyên lui tới. Thời trẻ, ông cùng thanh niên của bộ tộc mình thường rủ nhau lên núi Đọi Đèn săn bắt voi và hổ. Ông là người có sức mạnh vô biên, thường săn bắt hổ bằng tay không. Ông có tài thuần phục được những con hổ dữ nhất rừng; sau này có những con hổ tự về không cần phải lên núi bắt. Nhà ông ở bên rìa gò Làng, nay là nơi làm đền Kim Giao nơi thờ tự. Cách đó không xa là cây gạo già, có đến vài chục người nắm tay nhau ôm không xuể. Người ta nói đó là cành gạo cắm làm cổng nhà thấy giáo dạy Ma Khê từ nhỏ. Nay thành cây gạo khổng lồ có hơn 2000 năm tuổi rồi mà vẫn xanh tươi, tọa lạc trên đình gò. Đi từ ngoài bờ sông Thao, theo ngòi Cỏ vào làng Văn Khúc người ta nhìn thấy tán cây gạo, vào tháng ba hoa nở đỏ rực cả một khoảng trời.
Khi Hoàng Nhân và Hoàng Văn Tập đưa văn bản ghi các điều kiện ra hàng mà Đề Kiều yêu cầu. Viên sỹ quan Ri-lăng điện cho đại tá Pen-nơ-canh biết nội dung của bản yêu cầu. Y điện cho tuần phủ Hưng Hóa là Lê Hoan và tri huyện Cẩm Khê là Lê Văn Sỹ và viên sỹ quan Ri-lăng vào ngay Đọi Đèn bàn bạc cụ thể, chi tiết về các điều kiện cần để tiếp nhận sự đầu hàng của Đề Đốc Hoàng Văn Thúy và quân lính. Sáng hôm sau, lý trưởng Tạ Hữu Long cho người bơi thuyền vào đình Vũ, đưa Lê Hoan, Lê văn Sỹ và Ri-lăng vào gặp Đề Kiều.
Khi thuyền vào gò Trình thì Đề Kiều và một số các ông đốc binh cũng đi từ trên núi Đọi Đèn xuống đình Vũ. Lê hoan không hề sợ bội ước, ông ta đi nhanh lên đền gặp Đề Kiều. Thấy Lê Hoan, ông vội chạy ra đón. Lê Hoan cũng không phải là người quan cách, ông ta chào thân mật, bắt tay Đề Kiều và giới thiệu cho Đề Kiều làm quen với Ri-lăng và Lê Văn Sỹ. Đề Kiều giới thiệu với các quan Tây và quan Nam các vị đốc binh, đội trưởng cùng đi. Lê Hoan còn gọi riêng Đề Kiều, ra góc đình Vũ nói chuyện không ai biết nội dung gì.
Vào cuộc đàm phán, Lê Hoan nói trước:
- Thưa các vị! Chúng ta phải họp với nhau ở đây là việc bần cùng. Các ông nghĩa quân phải nhận đầu thú là bắt buộc, vào tình thế không đừng. Nhận thấy việc yên dân là trọng, vua Đồng Khánh trước đây và vua Thành Thái ngày nay đã có chiếu phủ dụ nghĩa quân Cần Vương trở về với triều đình. Nước ta đã có nhà nước Pháp “ bảo hộ”, không còn khổ về nạn Cờ Đen, Cờ Vàng. Người Pháp thực thi chính sách “ hòa bình hữu nghị”, cam kết “ đầu tư” xây dựng An Nam “ phồn thịnh, văn minh”. Các ông nhận ra hàng “ là đúng đắn, là thức thời”, chúng tôi rất hoan nghênh.
Lê Hoan nhìn quan quân, không ai tỏ phản ứng gì lại nói tiếp:
- Chúng tôi đã được tiếp hai đại diện của các ông, chiều qua tại làng Cát Trù. Các ông đã đưa ra các điều kiện, tôi và đại tá Pen-nơ-canh đã thảo luận và đồng ý. Có thêm vào thời gian từ ngày 1 tháng 12 năm 1892 là thời gian hai bên ngừng bắn. Về phía quân Pháp và quân Nam triều sẽ rút khỏi Đọi Đèn, Rừng già và các tổng Điêu Lương, Chương Xá, Phú Khê; thả hết người bị bắt giam tại làng Cát Trù.
Thấy mọi người tỏ ra vui vẻ, phấn khởi, Lê Hoan lại nói tiếp:
- Chiều nay, khi tôi về tới Cát Trù, sẽ cho thả ngay người bị giam; ai có người thân thì có thể ra đón về, không người nào phải bắt bớ nữa.
Lê Hoan nhìn mọi người, cao hứng:
- Như thế, thì các ông đồng ý chứ gì? Về phía các ông phải ngừng ngay các hoạt động quân sự trên phạm vi toàn bộ khu vực Tây Bắc, mạn phía nam, phía bắc sông Đà và Thanh Hóa, Nghệ An. Trong khu vực gần tỉnh lỵ Hưng Hóa, tại làng Phú Thọ, ông Đề Kiều phải lệnh cho họ ngừng hoạt động quân sự. Các nhóm tàn quân của Tán Áo, Tán Dật, Đốc Kình, Lãnh Hinh, Đốc Hậu, Lãnh Vân phải tự giải tán và ra thú. Làm được như vậy, các ông đã góp phần quan trọng vào công việc bình định của chính quyền bảo hộ Pháp và chính thể Nam triều.
Thấy toàn thể quan quân của Đề Kiều lặng im, Lê Hoan nói tiếp:
- Hai công việc quan trong nữa. Thứ nhất, là việc ký kết văn bản chính thức sẽ được tổ chức tại đình Trò, làng Cát Trù, vào ngày 3 tháng 12 năm 1892. Ngày đó, ông Đề Kiều phải có mặt để ký kết, nếu không đi được thì phải cử Phó Chỉ huy của mình ra ký kết. Ông Đề Kiều đi được thì hơn. Hôm đó có các quan Tây và quan Nam triều về dự để chứng kiến. Thứ hai, ngày 15 tháng 1 năm 1893, toàn bộ quan quân của Đề Kiều phải kéo quân ra hàng, tại đồn Cổ Tiết huyện Tam Nông. Trước đó, ngày 13 tháng 1 chúng tôi sẽ cho quân vào một nơi nào đó mà các ông cho phép để giải giáp vũ khí. Tại đồn Cổ Tiết, ông Đề Kiều và các ông lãnh binh, đốc binh của nghĩa quân có thể tình nguyện ra làm việc với chính quyền Nam triều, nhưng phải có đơn từ; còn không thì từ bỏ quân ngũ về với gia đình có sự giám sát của quân Pháp và quân Nam triều.
Đề Kiều thay mặt quan quân của mình nói:
- Thưa ông tuần phủ Hưng Hóa Lê Hoan! Ông quan ba Ri-lăng đại diện cho ngài đại tá Pen-nơ-canh, ông tri huyện Cẩm Khê Lê Văn Sỹ! Chúng tôi hàng không phải do bắt buộc, vào tình thế cùng kiệt. Chúng tôi vừa đánh thắng cuộc càn quét của các ông, kéo dài 4 tháng trời. Một đạo quân của chúng tôi do Tán Dật chỉ huy ở Bằng Giã vừa đánh tan một đại đội Pháp khi vào càn quét ở khu căn cứ. Chúng tôi ra hàng vì lý do là theo chỉ dụ của vua Thành Thái là thực thi hòa bình, hữu nghị với người Pháp. Chúng tôi muốn giải tán quân sỹ, để trực tiếp giải cứu đồng bào tôi, trong đó có mẹ và thân nhân của tôi bị các ông giam giữ. Tướng sỹ của tôi đã gần mười năm chiến đấu, nay muốn nghỉ ngơi trở về quê hương, bản quán.Thực tâm thì không ai muốn đầu hàng, nhưng vì chỉ muốn sống trong hòa bình, yên ổn nên mới có chuyện này. Các ông thông cảm và giúp đỡ chúng tôi! Không làm điều gì để quan quân chúng tôi phẫn nộ, cầm súng bắn lại nhau lần nữa thì không nên.
Đề Kiều nhìn vào Lê Hoan và Ri-lăng với đôi mắt rực sáng, nói tiếp:
- Tôi đã họp tướng sỹ của tôi thông qua các điều kiện; các ông đã chấp nhận thì nên thực hiện cho đúng cam kết. Quân chúng tôi và quân phía các ông trên thực tế đã ngừng bắn mấy ngày nay rồi. Ngày mồng 3 tháng 12 tôi sẽ ra Cát Trù vào đình Trò để ký kết văn bản. Ngày 13 tháng 1, mời các ông đại diện quân Pháp và Nam triều vào căn cứ Hố Trò của chúng tôi để giải giáp vũ khí! Chúng tôi có khoảng 400 khẩu súng kíp, súng hỏa mai, súng điểu thương và số súng Pháp sản xuất 1874 và khoảng 50 hòm đạn mà chúng tôi cướp được của quân đội Pháp. Ngày 15 tháng 1 năm 1893, tôi và 45 tướng sỹ sẽ ra trình diện tại đồn Cổ Tiết huyện Tam Nông.
Viên quan ba Ri-lăng nói:
- Phải kéo quân ra hết, không ai được ở lại!
Đề Kiều bình tĩnh trình bày:
- Thưa ông, quân chúng tôi thì nhiều, nếu mà tính hết có tới hàng vạn người. Nhưng họ đều là những người dân lao động, có lệnh giải tán nghĩa quân là họ trở về ngay với gia đình, không kéo họ lại được. Số người ra trình diện như tôi vừa báo cáo có thể ít hơn nhiều. Chỉ những người vô trách nhiệm, thoái thác và chụi nhục nhã, họ mới ra hàng. Dân Việt Nam chúng tôi đã tham gia cứu nước, cứu dân không có tư tưởng, hành động đầu hàng. Khi tôi bàn ra hàng rất nhiều người trong hàng ngũ chúng tôi phản đối dữ dội, nhiều người nói muốn tuẫn tiết trước mặt tôi để giữ gìn danh dự.
- Thôi! Thôi! Các ông là người Pháp chưa hiểu tâm lý của người Việt Nam chúng tôi.- Tuần phủ Lê Hoan nói chen vào, trấn an Ri-lăng - Các ông vận động được bao nhiêu người ra hàng thì chúng tôi chấp nhận tất. Cốt yếu là ông Đề Kiều phải dẫn đầu, không có hành động phản bội, trá hàng, sẽ không còn tiếp diễn các hoạt động quân sự trong vùng này chống lại người Pháp và chính thể Nam triều nữa là được. Bắt buộc người ta quá, người ta phẫn nộ chống lại quân Pháp và Nam triều thì không có lợi cho chính người Pháp và người Nam.
Viên quan ba Pháp chừng đã hiểu, y cũng sợ việc đàm phán không thành công sẽ ảnh hưởng đến toàn cục. Trước mắt y thấy thắng lợi vì đối phương đã chấp nhận ra hàng, triệt thoái khỏi căn cứ, giải tán quân đội, giao nộp vũ khí với số lượng rất lớn. Hắn thừa hiểu còn những người này cầm súng thì ngay tính mạng của hắn cũng không được bảo toàn. Thôi thì kết quả đàm phán được đến đó cũng là rất tốt rồi.
Hắn còn nhớ một việc quan trọng đứng lên nói tiếp:
- Chúng tôi không cần phải có mặt tất cả, nhưng phải nắm được danh sách tướng sỹ đã ra hàng. Cần ghi rõ họ tên, năm sinh, chức vụ, quê quán để chúng tôi còn theo dõi. Ngay cả những tù nhân là quân nhân của các ông bị giam giữ tại các nhà tù của chúng tôi phải được các ông khai rõ, để chúng tôi còn biết mà tha cho.
Đề Kiều nói:
- Vâng, chúng tôi sẽ lập danh sách. Xin báo là ngày mồng 3 tháng 12, chúng tôi ra đình Trò ký kết văn bản, số lượng 10 người, tất cả cưỡi ngựa, đeo súng, mang cờ, giữ cái tư thế là quân Cần Vương. Chúng tôi đã ra hàng là nhục nhã lắm, lôi thôi, lếch thếch thì ra cái thá gì. Ngày 15 tháng 1 năm 1893, tôi sẽ dẫn đầu đoàn quân về Cổ Tiết trình diện cũng đi ngựa, mang vũ khí, giương cờ Đại Nam. Các ông có thể cử quân giám sát chúng tôi. Đến đây, chúng tôi không còn gì phải bàn nữa; các ông có thể lên thuyền ra đầm Meo, theo ngòi Cỏ về làng Cát Trù an toàn.
Lê Hoan thấy công việc tạm ổn, mừng ra mặt. Hắn nói:
- Các ông đi ngựa từ Hố Trò ra, chúng tôi sẽ cho người tiếp đón tại cầu Gỗ. Các ông có thể mang súng theo, tuy nhiên vào hội nghị ký kết thì cả hai bên không ai được mang súng vào. Đó là quy định, cũng như chúng tôi đi vào đình Vũ này, cả quan Tây, quan Nam có ai mang súng ống gì đâu. Thời gian đã ấn định, các văn bản ký kết được viết bằng chữ Pháp chữ Nôm cho dễ hiểu. Các ông cũng nên chọn một người biết tiếng Pháp chữ Pháp để làm thông ngôn cho nhanh hiểu nhau.
Lê Hoan đứng dậy, giơ tay chào mọi người. Các quan Tây và Nam vội bước theo. Đi ra cửa đình Vũ, bước nhanh xuống dốc đi sang gò Trình. Đề Kiều và các quan dự họp bước theo tiễn, một quãng thì dừng lại, đứng trên sân đình Vũ giơ tay cao chào phải đoàn Pháp và Nam triều.
Đề Kiều và các quan quân đi trở lại đình Vũ. Ông phân công việc:
- Ngày mai, tôi đề nghị Đốc Thành mang cho mười con ngựa tốt mà hiện nay đang nhờ người dân Phục Cổ chăn hộ, đánh ra Hố Trò. Để 7 giờ sáng ngày kia, tôi và quan quân ra đình Trò ký văn bản với họ. Đốc Sơn cử cho tôi 7 người lính biết cưỡi ngựa cùng đi. Mang theo 7 khẩu súng trường và 3 khẩu súng lục cho tôi và ông Hoàng Nhân, Đội Kỷ. Quần áo ăn mặc gồm các bộ đồ may mới, sạch sẽ, nghiêm trang. Ký kết xong thì đoàn trở về căn cứ Hố Trò. Tại Hố Trò, ta chuẩn bị thu các loại súng ống loại bỏ thì trao cho họ. Số súng mới thì tôi và Đốc Dị tìm chỗ cất giấu, ở một nơi nào đó mà địch không thể biết, phòng khi bắt trắc hoặc gặp thời cuộc ta còn có vũ khí sử dụng.
Đề Kiều nhìn mọi người nói tiếp:
- Anh Hoàng văn Tập, giúp ta lập danh sách tướng sỹ cho đầy đủ để cho họ theo dõi. Số quan quân ta bị địch bắt, ở Tiên Động, Thanh Mai, Nghĩa Lộ và các nơi khác, nhớ được ai thì cũng kê khai ra cho hết. Các ông Đốc Tuế, Đốc Đức, Đốc Kim, Đốc Bằng, Đốc Lệ giúp anh Tập kê khai cho đúng. Khi có danh sách sẽ có lợi cho người bị bắt, bị tù. Họ được thả về với vợ con, gia đình có phải là tốt không nào.
Đốc Nhân có ý kiến:
- Ta không nên kê khai những binh sỹ không muốn về quê hương. Họ muốn ở lại với người thân quen tại miền núi này thì ta cho họ về tự do. Không đưa vào danh sách làm gì, địch biết họ đi lính Cần Vương thêm lôi thôi cho họ. Số anh em của ta ở tổng Điêu Lương, nay chỉ còn có 45 người, còn hơn hai mươi người bị hy sinh, bị thương đã giải ngũ thì cũng thôi không khai báo nữa. Ai muốn ra trình diện thì ra, không phải bắt buộc. Số người ra trình diện số quân cũ không đủ thì lấy thêm lính mới bổ sung cho đủ 45 người.
Đề Kiều bảo:
- Cứ làm danh sách đi, ta liệu sau vậy, cũng không ai nhớ hết được quân đâu. Khai rõ quá người trong ngục người ta không khai, ta khai hóa ra giấu đầu hở đuôi, lại có hại cho họ. Bây giờ, ta phải ra hàng có thắng họ đâu, đấu tranh với họ cũng phải tinh tế mới được. Quân thù nó giã man, lật lọng, gian trá, ta cũng phải dè chừng!
Ông Kiều nhìn Đốc Sơn, Đốc Dị nhắc:
- Hai ông cho chuyển toàn bộ quân trên núi xuống Hố Trò, sửa sang lại nhà cửa doanh trại để còn lấy chỗ đón tiếp các quan Tây và Nam triều vào thu nhận vũ khí. Hố Trò nằm trong địa phận của ta, nó sát với Đọi Đèn, Lắc Lư. Tại đây, ta làm lễ chia tay nhau. Việc này ta làm trong nội bộ thôi. Ai là người không muốn về quê thì ở lại đây, có vợ con thì đón về, chưa có vợ thì lấy vợ đẻ con, sản xuất lúa gạo, trồng cây trái không phải nốp thuế, đi lính, đi phu. Ai không thích ở thì về, nhớ cho địa chỉ để còn liên lạc với nhau. Tôi sẽ không nhận ra làm quan cho Tây, cho Nam triều trở về quê làm ăn, sinh sống. Trước mắt, ta phải sửa sang lại nhà cửa, khôi phục lại sản xuất, sinh hoạt cho dân. Sau nhiều năm chiến tranh nhiều việc phải làm lắm.
Đốc Thành hỏi:
- Các đạo quân phía nam, phía bắc, phía tây sẽ tập kết ở đâu?
- Ngày 16 tháng 12 này, Đốc Thành cho tướng sỹ về tập kết tại đình làng Phục Cổ. Ở đó ta gặp gỡ nhau, bàn bạc thấu đáo mọi việc cho giải tán nghĩa quân. Các đạo quân này, nhiều người cứng đầu cứng cổ sẽ không nhận đầu hàng. Tôi phải vào trực tiếp làm tư tưởng cho mọi người, để mọi người yên tâm trở về. Đốc Thành, Đốc Sơn, Đốc Dị và một số ông đội phải cùng tôi vào đình Phục Cổ chia tay anh em. Nghe nói, cậu Cả Đoan đi mua vũ khí đang từ Tàu về, cũng phải giải thích cho cậu đó hiểu việc ra hàng. Việc quan trọng nữa, ta phải vào căn cứ Tôn Sơn bốc hài cốt của Hiệp thống Nguyễn Quang Bích và lên Nghĩa Lộ chuyển hài cốt của Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp về Cát Trù. Nếu có điều kiện thuận lợi thì đưa hài cốt hai cụ văn thân về quê nhà an táng luôn.
Xong mọi việc, Đề Kiều và các quan quân trở về vị trí được phân công. Đề Kiều đi lên Đại bản doanh Đọi Đèn nghe tin tức phía quân địch. Đến 2 giờ chiều, toàn bộ dân làng Cát Trù và những người bị Tây bắt đã được tha trở về nhà. Mẹ ông và cô Tèo đã được người nhà ở Cát Trù đưa về thôn Ô Đà mà từ lâu người dân quen gọi là thôn Rừng Gìà. Vì nơi đó, ông cho đặt hành dinh của cánh quân Rừng Già từ cuối năm 1884.
Ông nói với Hoàng Văn Tập:
- Bố phải ra thôn Rừng Già thăm bà nội con và xem cô dì chú bác ra sao. Từ hôm bị giặc bắt chắc là lo nghĩ lắm, gầy yếu, có cần phải thuốc thang gì không. Chiều ngày mai, cha sẽ đến Hố Trò, chuẩn bị cho ngày ra đình Trò ký kết. Con cứ ở lại đây cùng quan quân, nhắc họ phải làm các việc đã định và phải giữ nghiêm quân lệnh.
- Bố bảo mấy người lính cùng đi, xuống ngay bến Thùng lấy thuyền mà bơi ra. Chiều mai bảo họ bơi về phía bến miếu Móng sẽ có người đón vào Hố Trò.
Chẳng mấy chốc, thuyền của ông đã cập bến Rừng Già đi lên mấy ngôi nhà gỗ khang trang, làm trên một bãi đất bằng, trên có rừng cây thị, cây sấu. Mùa nước cạn, người dân đang đi săn bắt cá, tiếng reo hú ầm ĩ. Chỉ có mấy hôm im tiếng súng, Tây kéo đi mà dân đã trở lại thôn làng. Nghe tiếng reo hú quen thuộc từ tuổi thơ làm ông vui hẳn lên. Thấy ông về, ngồi trên thuyền vẫn khỏe mạnh như xưa thì họ reo hú thật to làm ông phải bật cười. Họ bám xung quanh thuyền, ném lên cho những con cá chuối, chắm, chép thật to.
Họ hô to:
- Đề Kiều muôn năm!
Nhiều người còn nói to:
- Tây nó thua ta rồi!
- Nó rút rồi!
- Về nhà thôi, anh Thúy ơi!
Ông nhận ra tiếng gọi của những người anh em họ Hoàng của ông. Ông không biết nói gì chỉ lấy tay vẫy vẫy như để chào lại mọi người.
Ai đó còn báo tin:
- Tây nó vừa tha bà mẫu rồi, anh lên nhà thăm bà đi!
Nhiều người cứ lầm tưởng mấy ngôi nhà làm ở thôn Ô Đà là nhà riêng của ông. Nhưng không phải đó là Hành dinh Rừng Già, nơi để quan quân hội họp. Ở đây, ông đã cho cậu Cả Ngô Quang Đoan về nghỉ ngơi một thời gian. Không phải ở mãi trong núi đồi, âm u, chướng khí, nước độc; người miền xuôi dễ sinh bệnh tật, ốm đau, chết chóc. Ông là tướng quân của Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích phải có trách nhiệm nuôi nấng, dậy bảo, chăm lo, bảo toàn cho câu Cả.
Tại Hành dinh Rừng Già, ông đã cho cậu Cả Đoan tham gia ba trận.Trận đầu ở Khả Cửu diễn ra vào ngày 15 tháng 5 năm 1992. Hồi ấy, giặc Pháp vây đánh Thanh Sơn rất mạnh, Đốc Ngữ phải cho quân rút về Trung Bằng La nam châu Văn Chấn. Ông phải cho quân vào gây dựng lại phong trào, cốt để giữ dân. Ông dẫn quân từ Rừng Già vào Khả Cửu bàn với viên lý trưởng Đinh Kỳ lên đồn Cự Thắng đón quân Pháp về để bày trận tiêu diệt. Đinh Kỳ lên đồn báo là có một đội quân.của Đốc Ngữ vừa ở Trung Bằng La về. Tên đại úy Sa-tút (Satus) liền dẫn 200 tên lính Tây, lính Nam triều về vây bắt. Ông đã làm trận địa phục kích trên con đường độc đạo, một bên là đồi, một bên là suối. Ông cho quân nằm phục ở bên đường, và ngồi phục ở bên kia suối. Khi địch đi vào trận địa, ông nổ pháo lệnh, quân địch bị bắn chết nằm lăn ra đường, nhiều tên còn sống sót lăn xuống suối, thì bị quân ta ở bờ bên kia nổ súng tiêu diệt. Viên Lý trưởng Đinh Kỳ thấy tiếng súng nhảy xuống hố nằm bẹp dí tránh đạn nên thoát nạn. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt toàn bộ cánh quân địch, thu được 160 khẩu súng. Nhiều súng chìm dưới suối sâu, sau này còn có người dân mò được. Trấn ấy, cậu Cả Đoan bắn chết tên sỹ quan Sa-tút và 4 tên lính Âu Phi được thưởng một khẩu súng lục mới tinh.
Trận thứ hai, mới diễn ra từ hồi tháng 6, khi ấy mặt trận nam sông Đà quá im ắng. Ông bàn với Đề Hoan, câu Cả Đoan đưa quân mở trận tập kích vào đồn binh Chợ Bờ. Sau những trận đánh của Đốc Ngữ các năm trước, bọn địch xây dựng đồn bốt kiên cố, phòng vệ rất cẩn mật. Quân ta khó có thể tập kích vào trung tâm tỉnh lỵ, ông bàn với Đề Hoan đánh đồn lính tập tại khu chợ. Ông cho quân cải trang thành người đi chợ, một anh lính người trẻ đẹp đóng giả “chị bán bánh” xinh xắn mang bánh tới cổng đồn. Một tốp nghĩa quân đóng giả thanh niên đi theo ve vãn, gây gổ đánh nhau chảy máu đầu, rồi kéo nhau vào kiện quan. Bên bị mang buồng cau, hũ rượu vào nhờ quan đồn xử kiện. Khi nó đang ngất ngưởng xử kiện, thì bên ngoài “ chị bán bánh” thấy địch lơ là liền nổ súng bắn chết tên lính gác. Nghe thấy tiếng súng, người“bên bị” nhanh như cắt vớ ngay hũ rượu đạp nát đầu tên quan đồn. Phục binh của ta ở cổng đồn lao vào, bọn lính không kịp trở tay phải đầu hàng đều bị trói chặt. Quân ta mở kho lấy được 50 khẩu súng và 20 hòm đạn lặng lẽ rút lui. Các đồn địch ở trong tỉnh lỵ không kịp ứng cứu, nghĩa quân rút ra an toàn. Trận ấy, cậu Cả Đoan mang về 2 khẩu súng và một hòm đạn.
Trận thứ ba, ông cho Cả Đoan và một tốp quân đi trinh sát đồn Cổ Tiết. Khi cách đồn Tây khoảng ba cây số thì bị lộ, bọn lính ập đến vây bắt. Cả Đoan bình tĩnh chỉ dẫn cho anh em chạy vào chân đồi, bọn giặc rượt đuổi theo. Một mình cả Đoan rẽ sang phải chạy vào một ngôi nhà dân. Tên quan hai Pháp Hê-vô (Hervo) phát hiện thấy người vào nhà tay không. Nó chủ quan sừng sực bước vào hàng hiên, Cả Đoan tay cầm súng lục đưa lên ngắm bắn. Trúng ngực, thằng Tây lực lưỡng buông súng quàng tay khoằm lấy cột hiên. Ông nhằm bắn luôn phát nữa vào đầu, chạy lại cướp lấy khẩu súng lục rồi thoát ra vườn sau nhà. Trong tay có hai khẩu súng, Cả Đoan bắn chỉ thiên mấy phát nữa. Bọn giặc thấy chỉ huy chết, nghe súng nổ nhiều bỏ chạy về đồn. Cả Đoan theo về hướng đồi tìm anh em cùng đi về căn cứ.
Đề Kiều rất mừng, thấy Cả Đoan còn trẻ đã trở thành dũng sỹ diệt giặc. Tương lai trở thành người lãnh đạo quyết đoán, vị tướng chỉ huy gan dạ kiên cường. Cả Đoan được học hành bài bản, có bút lực tốt, viết chữ đẹp, làm thơ hay. Chuyến đi Tàu mua vũ khí cùng thương gia người Hoa là cơ hội tốt để cho cậu rèn luyện năng lực giao tiếp và quan hệ ngoại giao. Hôm lên đường, cậu cả Đoan đi từ Hành dinh Rừng Già này vào bến Vợt, theo đường thượng đạo sang Tàu.
Ông bước lên Hành dinh Rừng Già thì mấy người trong nhà nhìn thấy gọi to:
- Bà Sung ơi! Anh Đề Kiều nhà ta về rồi!
Nghe tiếng người em trai Hoàng văn Hòe của ông gọi, ông thấy yên tâm. Ông hỏi nhẹ nhàng:
- Mẹ có sao không em?
- Không sao cả anh ạ. Bị Tây bắt giam một tuần nay, bà không hề nao núng tinh thần. Lúc chiều, giặc tha, bà con Cát Trù định đưa bà về Xuân Lôi, nhưng gặp mấy người của anh bảo bà còn yếu nên đưa vào Hành dinh của nghĩa quân ở Ô Đà.
- Cô Tèo về Xuân Lôi rồi à?
- Vâng, cô Tèo được thả thì về ngay với con cháu. Em bảo cô ở lại mai về, nhưng cô không ở, nhất định đòi về, có trời mà giữ được cô ấy.
Thấy tiếng con trai nói, bà Sung ngồi dậy. Nghe bước chân con bước vào bà không nhìn vào con trai mà nhìn xuống xuống giường quở trách:
- Sao con lại đầu hàng giặc Pháp, để mẹ không còn mặt mũi nào nhìn người làng nước nữa?
- Vâng, con hàng có điều kiện để cứu mẹ, cứu dân. Con phải học người đời, bảo toàn sinh lực, tính kế lâu dài chờ thời cơ để mưu phục quốc. Thôi, mẹ đừng lo buồn về chuyện hàng hiếc gì cho tổn thọ!
Thấy con trai nói vậy, bà Sung yên lòng. Nhưng ra hàng trong vòng nanh vuốt của giặc bà không thể không âu lo. Bà nghĩ lại cảnh bà ngồi đầy đọa trên bãi bồi giữa sông Thao cầu trời khấn Phật phù hộ cho mọi người thoát nạn. Thằng Ri-lăng và tuị lính Âu Phi muốn giết bà để trả thù cho binh lính của chúng nó bị nghĩa quân giết hại; nhưng thằng Lê Hoan thì bảo: “Cho bà ngồi đấy khi nào con trai bà ra đầu hàng thì thôi!”. Hôm qua mấy người của con trai bà ra đình Trò đám phán, Lê Hoan lại ra bãi bồi bảo bà: “ Con bà đã nghe tôi, nhận đầu hàng có điều kiện rồi; mẹ con bà thế là có Tiên, Phật phù hộ. Bà cầu được ước thấy đó, mẹ con bà sẽ lại được gặp nhau, sống với nhau, tha hồ mà làm phúc đức cho người!”. Đêm qua trời rét đậm, bà nghe tin ấy đau buồn ngất trên bãi sông. May có mọi người tìm lá mía de đốt sưởi ấm cho, bà mới hồi tỉnh. Chiều nay mới được tha, được người dân Cát Trù ra đón, đưa đò về đây.
Cô Năm vợ ông nghe tin mẹ chống được thả cũng đi ra thăm. Mẹ con, vợ chồng anh em được gặp nhau. Bà con họ hàng ở An Dưỡng, Văn Khúc, Cát Trù đến thăm rất đông, chúc mừng gia đình về đoàn viên. Một đêm sống trong cảnh gia đình đông vui, Đề Kiều cảm thấy phần nào mãn nguyện, nhưng vẫn lo âu về những việc sắp tới. Việc chờ thời phục quốc phải tính thế nào đây? Tuy được sống trong “ vùng đất tự quản” nhưng thoát sao vòng cương tỏa, nanh vuốt của giặc? Công việc đánh Pháp phải có anh hùng cứu tinh, người đó là ai, xuất hiện ngay cho ta theo mà phụng sự? Người thầy Nguyễn Quang Bích dạy dỗ ta, là phải tận trung, tận lực, sống chết vì nghĩa lớn. Nay ra hàng giặc, ta còn xứng đáng là một trang nghĩa hiệp nữa hay không? Lúc này, một hành động dù nhỏ góp vào công việc chấn hưng quốc gia, dân tộc cũng là đáng quý. Thôi, ta không làm được công việc to lớn thì làm công việc nhỏ bé vậy, cốt sao giữ được tinh thần yêu nước. Cứu nguy dân tộc là trách nhiệm của mình và của mỗi người dân thì mới có hy vọng có ngày đất nước được giải phóng, non sông huy hoàng quy về một mối. Suy nghĩ nhiều, nên người mệt; ông thiếp đi, trời sáng lúc nào không hay.
Sáng dậy, ông Đề Kiều đi vào phòng bà Sung. Bà đã thức, thấy con trai như có điều gì muốn nói, bà nhẹ nhàng nhắc:
- Có việc gì trong lòng thì cứ nói cho mẹ biết!
- Vâng, thưa mẹ! Trong mấy năm ở chiến khu ở Mộ Xuân, do công việc, con có lấy thêm người vợ nữa. Cô ấy là Đốc binh Hà Thị Khiêm con gái Tán tương quân vụ Hà công Cấn, người làng Áo Lộc.
- Thế thì tốt, chứ sao?
- Con muốn nói cho mẹ biết, mẹ khỏi lo.
- Anh chẳng nói, thì mẹ cũng đã biết rồi. Nghe nói cô ấy, giỏi giang lắm, hồi chiến sự ở khu Đọi Đèn xảy ra ác liệt, cố ấy đã về Phục Cố cùng con chiến đấu. Người ta nói cô ấy đã cùng con lên đình Đọi Đèn, chỉ huy thay con chiến đấu trong nhiều ngày, chẳng kể gì sống chết, dũng cảm còn hơn cả con nữa. Người như thế thì mẹ còn lo gì, hả con?
- Dạ, mẹ không cần phải lo. Có điều con nói cho mẹ biết thôi. Mẹ nên nói cho những người vợ con được biết và động viên mọi người an tâm. Khi “Công ước hòa bình” được ký kết, con về quê Cát Trù xây nhà cửa cho mình, cho vợ con. Nhưng con sẽ không đưa cô vợ ba Hà Thị Khiêm về nhà ở Cát Trù mà làm nhà cho cô ấy ở quê nhà Áo Lộc. Thỉnh thoảng con mới lên thăm nom, bàn bạc chuyện đại sự.
- Cái đó thì tùy anh, mẹ biết làm thế nào. Cốt là các con đồng thuận, sống với nhau thủy chung cùng làm tròn việc nước, việc dân là mẹ mừng.
*
Chiều hôm ấy, ông cùng với mấy người lính người làng Cát Trù đi sang Hố Trò chuẩn bị việc sớm mai đi ra đình Trò ký kết văn bản. Thuyền đi qua đầm Meo, nước mênh mông, thấy có nhiều thuyền bè đánh cá, ông nghĩ đến câu phương ngôn: “ Cá đầm Meo, beo Khổng Tước nước ngòi Rành, gianh Phượng Vĩ, dĩ Văn Khê”. Những vùng đất quê hương mà ông đi qua, đã sống với bao kỷ niệm sâu sắc. Ông muốn lên thăm Tiên Động, Xuân Áng, Đầm Đen, Đại Lịch, Thượng Bằng La, Đèo Ách, Mường Lò, Mộ Xuân..., những nơi ghi dấu ấn lịch sử của cuộc chiến tranh chống Pháp Cần Vương.
Đề Kiều đền Hố Trò, vào lúc trời vừa hoàng hôn. Quang cảnh núi đồi trở nên thơ mộng, từng đàn chim dang cánh mải miết bay về phía núi. Gần 10 năm chiến tranh, ông bàn với các nghĩa binh, đóng quân ở đây để có thế tiến công về Hưng Hóa, Lâm Thao, Việt Trì, Sơn Tây; trong tình thế phải cố thủ lấy Rừng Già-Đọi Đèn làm căn cứ, thì Hố Trò sẽ là pháo đài bảo vệ về phía đông nam. Trong nhiều cuộc tiến công vào căn cứ Rừng Già-Đọi Đèn quân Pháp đã không thể chiếm được Hố Trò. Ông về lúc quân sỹ đang ăn cơm chiều, tướng sỹ có phần vui vì có lệnh ngừng bắn. Họ sẽ được trở về sống với gia đình.
Binh sỹ mang ra mời ông ăn cơm bày ra rất nhiều thịt cá, do họ săn bắt được. Đốc Sơn, Đốc Dị mang rượu ra mời ông uống. Ông chỉ ăn uống qua loa mỗi thứ một vài miếng, còn ngồi nói chuyện với anh em. Ông bảo anh em nào không muốn về, thì ở lại “ vùng đất tự quản” của ông. Chưa lấy vợ thì ông lấy vợ cho, chưa có nhà cửa thì ông làm cho. Đại đa số binh sỹ muốn trở về bản quán, có đôi ba người muốn ở lại xin ông giúp đỡ. Ông bảo Phó đốc binh Vi Bá Thưởng giúp ghi tên những người đó để sau này còn biết mà giúp nhau.
Ông kiểm tra mọi thứ rất đầy đủ. Con ngựa mông của ông đã đươc cậu lính Bào cho ăn no và uống nước, 9 con ngựa núi Trạm Tấu cũng được những người lính chăm sóc cẩn thận. Những người lính được phân công đi đều được gội đầu, tắp táp, quần áo thơm tho, dây đeo súng, đeo đạn gọn gàng. Anh lính Trần Quý có thời đi học ở Nam Định nói giỏi tiếng Pháp được cử làm thông ngôn cho đoàn.
Đề Kiều dậy sớm, ăn mặc đẹp đẽ, nai nịt gọn gàng choàng áo bào Cần Vương, cười ngựa mông cáo lớn trông rất oai vệ. Khẩu súng ngắn kiểu Pháp ông mang theo để trong bao da đeo bên hông, khuất trong áo bào xanh. Ông cũng bảo các quân binh mang súng theo quy định. Trước lúc lên đường, ông nói với các võ tướng và binh sỹ:
- Chúng ta ra đình Trò làm một việc mà chúng ta không ai muốn. Nhưng tình thế bắt buộc ta phải làm. Tôi nghĩ kỹ lắm, thực lực chúng ta không có mấy, đã rơi vào thế cô, sớm muộn sẽ bại vong. Chúng ta ra hàng có điều kiện là để cứu dân, giữ gìn sinh lực chờ thời cơ mới. Trước mắt, lịch sử sẽ lên án tôi và tôi sẽ phải mang tiếng là kẻ đầu hàng, nhưng mà tôi tuyệt đối không phản bội một ai. Tấm lòng và hành động của tôi sẽ có trời đất, Thần Phật và các anh linh Anh hùng, Liệt sỹ thiêng liêng chứng giám!
Ông dẫn đầu quan quân đi ra đình Trò. Con đường quen thuộc ra làng Đồng Lương, giong ngựa đi men theo những sườn đồi ra bờ đê sông Thao. Mùa này nước cạn, dòng sông nước trong veo chảy êm đềm. Qua cầu Gỗ bắc qua ngòi Cỏ là tới làng Cát Trù. Người dân đã đứng ra đường vẫy chào ông và đoàn quân ra đình Trò. Họ không nói gì vì họ còn sợ giặc theo dõi. Trông thấy ông và những người trở về thật oai vệ, ai cũng mừng. Nhưng đến đường rẽ vào đình Trò, Đề Kiều và quan quân phải xuống ngựa và phải nộp súng ống cho vệ binh Pháp, sau đó được một sỹ quan Pháp đưa vào hội nghị. Dọc đường vào đình và trong khu đình Trò quân Pháp cắm cờ ba sọc màu xanh, trắng, đỏ và cờ Nam triều.
Tại đình Trò, các quan Pháp và Nam triều đã có mặt đông đủ. Ông đã nhìn thấy các hào lý các làng của tam tổng cũng đã có mặt chứng kiến việc ký kết. Đại tá Pen-nơ-canh, chánh sứ Ka-ga-va-ra, đại úy Ri-lăng và nhiều sỹ quan Pháp ăn mặc quân phục Pháp, mang mề đay và Tuần phủ Lê Hoan thì ăn mặc y phục Nam triều ngồi trên ghế tựa. Các ông hào lý thì đội khăn xếp, mặc áo the đang đứng chầu hai bên. Đề Kiều và Hoàng Nhân, Đỗ Kỷ bước vào. Theo nghi lễ họ cúi chào các quan Pháp, các quan Nam triều. Một viên thông ngôn người Việt đứng lên giới thiệu từng người tham gia hội nghị và đọc văn bản thỏa thuận ghi điều kiện đầu hàng quân Pháp và Nam triều của Đề đốc Hoàng Văn Thúy, văn bản ghi bằng tiếng Pháp được đọc trước, văn bản ghi bằng tiếng Việt được đọc sau.
Đề Kiều và các quan quân đi theo nghe rất rõ các điều khoản. Nó đã được quy định y như điều đã bàn thỏa thuận sáng ngày hôm mồng1 tháng12 năm 1892 tại đình Vũ. Văn bản tiếng Pháp cũng được anh lính Trần Quý thông ngôn gật đầu bảo đúng với nội dung trong văn bản ghi tiếng Việt.
Đề đốc Hoàng Văn Thúy là người đầu tiên bước lên ký, tiếp theo là Đại tá Pen-nơ-canh đại diện cho quân đội Pháp, Công sứ tỉnh Hưng Hóa Ka-ga-va-ra và sau cùng là Tuần phủ Lê Hoan đại diện cho Nam triều ký vào văn bản.
Thấy đại diện các bên đã ký, Lê hoan đưa tay lên vỗ tay. Tất cả mọi người trong hội nghị đều vỗ tay. Đại tá Pen-nơ-canh đến bắt tay Đề Kiều và Hoàng Nhân, Đỗ Kỷ tỏ vẻ rất thân mật. Nghi lễ chưa từng thấy trong chế độ phong kiến ở Nam triều.
Đề Kiều nhanh nhẹn nói lời cảm ơn các quan Pháp và các quan Nam triều. Ông xin phép được trở về căn cứ làm việc giải tán nghĩa quân, thu vũ khí bàn giao cho quân đội Pháp và Nam triều. Xin hứa thực hiện thật nghiêm chỉnh các điều khoản đã ghi trong văn bản. Khi nói hết, ông đưa tay lên cao chào các hào lý các làng trong tam tổng, bước vội ra khỏi đình, đi nhanh ra ngoài bờ đê nhận lại súng, cùng quan quân cưỡi ngựa trở về căn cứ Hố Trò.
Các quan Pháp và các quan Nam triều làm xong việc ký kết với Đề Kiều cũng rời đình Trò ra bờ sông Thao đi tàu chiến về tỉnh lỵ Hưng Hóa đóng tại làng Phú Thọ. Đây là một việc phải nhân nhượng đầu tiên với nghĩa quân Cần Vương do Đề Kiều lãnh đạo. Nhưng những người Pháp rất phấn khởi, vì đã làm xong một việc khó khăn chiêu dụ được Đề Kiều ra hàng, lợi dụng Đề Kiều để dẹp yên các đơn vị nghĩa quân khác. Mở thông con đường sông Thao và con đường bộ từ thành Hà Nội sang Vân Nam, Trung Quốc mà họ hằng mơ tưởng, dồn bao công sức, bỏ bao sinh mạng và tiền của để bình định trong mấy chục năm qua.