Không thể đương đầu với lực lượng giặc Pháp mạnh gấp nhiều lần, Đốc Ngữ cho quân rút lui theo đường rừng lên Thu Cúc và vượt đèo Khế đến Trung Bằng La. Lãnh Khuê cho người đi đón Đốc Ngữ đưa quân về đóng ở bên khe Thắc cách Thượng Bằng La châu Văn Chấn không xa. Đốc Ngữ nói với binh sỹ:
- Ở châu Thanh Sơn, giặc kéo lên càn quét, vây đánh khá nguy cấp nên phải cho anh em lên căn cứ dự bị này một thời gian; giặc lui thì ta lại về Thanh Sơn làm lại căn cứ như lần trước. Trong hai lần giặc Pháp càn quét quy mô lớn vào Thanh Sơn, quân ta chống cự quyết liệt, vẫn giữ được dân, bảo toàn được lực lượng như thế là ta đã thắng.
Viên đội Đinh Thụ đứng lên thưa:
- Giặc Pháp bây giờ rất mạnh không để chúng ta yên. Từ Thanh Sơn lên đây không xa, chúng có thể kéo quân lên vây đánh ngay, nên ta phải liệu tính đi!
Lãnh Khuê người được giao xây dựng căn cứ nói:
- Đinh Thụ nói đúng ta phải liệu ngay. Nhưng quân ta vừa rút lên đây, giặc Pháp còn chưa biết đâu. Ta cho binh lính nghỉ ngơi vài ngày, nắm tình hình địch, mọi việc sẽ bàn sau.
Nghe lời Lãnh Khuê, Đốc Ngữ cho binh sỹ tạm hạ trại nghỉ trong một khu rừng cây nguyên sinh cây cối rậm rạp, xung quanh là rừng núi điệp trùng. Đất Thanh Sơn rừng núi đã điệp trùng lên Trung Bằng La rừng núi càng điệp trùng hơn. Ai cũng nghĩ lên đây đóng quân thì rất an toàn.
Những ngày ở Trung Bằng La nhân dân tiếp tế lương thảo cho nghĩa quân ăn uống đầy đủ. Binh sỹ rất phấn khởi, ai cũng khen Lãnh Khuê làm dân vận giỏi, lo việc hậu cần chu đáo cho anh em.
Ngày nghỉ ngơi, Đốc Ngữ kiểm lại quân số, thấy lực lượng lên Trung Bằng La chỉ bằng một nửa số quân ở Thanh Sơn trước khi cuộc tiến công lần thứ nhất kết thúc. Một số binh sỹ đang bị căn bênh sốt rét hoành hành, trông lử khử lừ khừ, người xanh lét, không còn sức. Ông bàn với Lãnh Khuê cho số anh em này về nhà chữa bệnh khi nào khỏi thì lên nhập cuộc.
Ông cử Đốc Dụng trở về các căn cứ Sơn Hùng, Thục Luyện, Khả Cửu, nắm lực lượng quân còn lưu lại và nắm tình hình dân cư, xem xét có vấn đề gì phát sinh không. Căn cứ vào lực lượng hiện có, Đốc Ngữ phiên chế lại quân ngũ. Với số quân hơn 200 người khỏe mạnh, ông chia làm ba đạo. Đạo thứ nhất do ông trực tiếp chỉ huy gồm 75 người, đạo thứ hai do Đốc Nam chỉ huy gồm 65 người, đạo thứ ba do Đốc Đức chỉ huy gồm 67 người. Các chỉ huy phó thì do các đốc binh tùy ý lựa chọn, mỗi đạo cử ra một tổ lưu linh 5 người để đưa thông tin, truyền mệnh lệnh. Ông ra lệnh cho ba đạo quân tìm vào các bản Mường gần đó đóng quân, không để binh sỹ ở rừng dễ bị chướng khí. Lãnh Khuê là người hướng dẫn các đạo quân phân tán vào ở trong những căn nhà sàn cao ráo, thoáng mát của dân.
Trước khi đi vào ở nhà dân ông dặn:
- Tình hình ở đây yên tĩnh là do bọn giặc Pháp chưa biết ta đến đây. Nếu để lộ, chúng sẽ kéo quân đến đánh, ta phải quyết đánh đến cùng. Có điều ta phải biết vận động nhân dân làm “vườn không nhà trống”, không cho địch chiếm dụng gì hết. Tôi sẽ tìm cách liên hệ với các thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương ở Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên để xây dựng lại phong trào đánh Pháp. Anh em phải sẵn sàng cơ động, chiến đấu trong mọi điều kiện.
Nghĩa quân Thanh Sơn được yên trong vòng nửa tháng, thì nhận được tin tức. Đại tá Pen-nơ-canh tư lệnh đạo quan binh Tây Bắc cho hơn nghìn quân Pháp từ Phù Yên sang, từ hướng ngòi Lao lên, từ Trái Hút xuống, tiến vào căn cứ Trung Bằng La nhằm tiêu diệt quân của Đốc Ngữ từ Thanh Sơn mới chạy sang.
Khi ấy, Đội Tám là quân của Tiến sỹ Tống Duy Tân và Đề đốc Cao Điền từ Thanh Hóa ra bắt liên lạc với Đốc Ngữ. Đội Tám báo tin:
- Hiện nay, quân của Tống Duy Tân và Cao Điền đang thắng thế, tiến đánh nhiều đồn địch, diệt nhiều sỹ quan và binh sỹ Pháp. Tiến sỹ, Chánh sứ Sơn phòng Tống Duy Tân cử tôi ra Thanh Sơn yêu cầu Đốc Ngữ đưa quân vào Thanh Hóa giúp đánh chiếm các vùng Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Thạch Thành, Yên Định và Thọ Xuân.
Đốc Ngữ họp các đạo quân lại bàn định kế hoạch. Các đốc binh và chỉ huy các đạo đều nhất trí với Đốc Ngữ phương án đem quân vào Thanh Hóa để giúp nghĩa quân mở rộng vùng giái phóng. Tạo thế vững chắc cho quân Cần Vương đứng trên địa bàn chiến lược mà Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích khi còn sống đã chỉ ra. Hơn nữa là để bảo toàn lực lượng, tránh một cuộc tiến công quy mô của giặc Pháp và quân lính Nam triều vào Trung Bằng La.
Đốc Ngữ phân công:
- Bây giờ, ta cử đạo quân của Đốc Nam ở lại cùng đồng bào Trung Bằng La chống càn quét. Còn hai đạo quân của tôi và Đốc Đức thì đi vào Thanh Hóa giúp nghĩa quân Cần Vương một thời gian. Vũ khí đạn dược ta cướp của địch ở hai trận càn Thanh Sơn, ở Yên Lãng, ở Chợ Bờ còn đủ trang bị cho anh em ta. Chúng ta mang vào để giúp Thanh Hóa đánh được những trận thắng lớn mong sao xoay được cục diện chung.
Nói rồi, ông và quân sỹ lên đường vào Thanh Hóa. Đội Tám dẫn đường vượt núi sang châu Phù Yên, đi thuyền theo sông Đà về Đà Bắc qua Tân Lạc vào dừng chân trên đất Bá Thước. Con đường này đã quá quen thuộc với đốc Ngữ. Từ những năm 1885, 1886, ông đã dẫn quân vào đây giúp nghĩa quân Cần Vương Thanh Hóa xây dựng lực lượng ở Ba Đình, Mã Cao.
Sáu năm rồi, Đốc Ngữ mới trở lại vùng này. Ông nhận thấy quân Pháp đã cho quân đóng đồn khắp các miền, huyện, châu của Thanh Hóa. Hai bờ sông Mã dày đặc các đồn bốt, di chuyển quân đã thấy khó khăn. Qua các làng từ Quan Hóa sang Bá Thước đã thấy giặc Pháp ra truy đuổi chẳng hy vọng gì xuống đến Yên Định, Hậu Lộc, Nga Sơn. Quân Pháp và quân Nam triều dăng bẫy khắp nơi, quân Cần Vương rất khó hoạt động và khó liên kết với nhau.
Ông vào Thanh Hóa giữa lúc quan quân Hùng Lĩnh thua trận nặng nề, chẳng như lời của Đội Tám nói. Căn cứ Hùng Lĩnh, Đa Bút và ở các căn cứ khác ở Nông Công, Thọ Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành đã bị quân Pháp đánh tan. Các cơ quân của Hùng Lĩnh chẳng còn là bao, chỉ còn khoảng hơn 150 tướng sỹ đang dồn về Niên Kỳ, Bá Thước.
Gặp Tiến sỹ Tống Duy Tân và Đề Đốc Cao Điền, ông báo tin:
- Tình hình nghĩa quân Cần Vương ở bắc sông Đà và hai bờ sông Thao cũng đang gặp khó khăn rất lớn. Quân Pháp đang tập trung lực lượng đánh phá ác liệt các căn cứ trọng yếu của nghĩa quân. Vùng Thanh Sơn cũng đã bị hai cuộc càn quét quy mô lớn, nghĩa quân phải rời lên Trung Bằng La thuộc châu Văn Chấn. Vùng Rừng Già, Hố Trò, Đọi Đèn, Cẩm Khê cũng đang bị giặc bao vây, Đề Kiều, Đốc Sơn và Đốc Thành đang phải cố giữ. Nghĩa quân của Tán Dật tại căn cứ Đầm Đen, Hạ Hòa đã rút lui lên đóng ở Bằng Doãn, Đoan Hùng. Các đội nghĩa binh hoạt động từ Hạc Trì lên tới Tuần Quán, Âu Lâu, Trái Hút đã ngừng hoạt động vì quân Pháp và quân Nam triều đàn áp rất giã man, dân chúng hoảng sợ không còn dám theo nghĩa quân Cần Vương như trước.
Tiến sỹ Tống Duy Tân nói:
- Từ năm 1889 tôi trở về Thanh Hóa gây lại dựng phong trào, củng cố căn cứ Hùng Lĩnh, Đa Bút và nhiều căn cứ ở khắp các huyện Yên Định, Thạch Thành, Nông Cống, Thọ Xuân, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa. Đã đánh hàng chục trận lớn ở Hùng Lĩnh, Đa Bút, Vạn Lại, Yên Lãng, Nông Cống, Mỹ Hòa diệt được hàng trăm quân Pháp. Nhưng đến nay thì lực lượng giảm sút đáng kể, ông đã vào đây thì biết, chẳng phải nói lại làm gì.
Đốc Ngữ có vẻ buồn, nhìn các tướng nói:
- Chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện tư tưởng chỉ đạo của quan Hiệp Thống đại thần Nguyễn Quang Bích khi Người còn sống là phải giữ vững phòng tuyến Bắc và Nam sông Đà, kết hợp với quân Cần Vương tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Nay quân Cần Vương Thanh Hóa đang gặp khó khăn, chúng tôi phải mang quân vào ngay, các ông cần gì thì chúng tôi giúp sức.
Tiến sỹ Tống Duy Tân lại hỏi:
- Trước khi mất Tướng quân Nguyễn Quang Bích và Nguyễn Văn Giáp có dặn dò điều gì không?
Đốc Ngữ trả lời:
- Hiệp đốc Giáp có dặn lại quan quân phải cố thủ đợi thời. Ông có nói là cuộc chiến đấu chống Pháp có thể kéo dài hàng chục năm hoặc lâu hơn nữa. Nếu không duy trì được quan quân chống Pháp mà buông súng hết thì không còn có thời cơ nữa đâu. Còn Hiệp thống Bích thì dặn quan quân cố giữ chí khí chiến đấu đến cùng “Nếu chung cục thất bại thì hãy đem cái chết mà đền nợ nước”. Chúng tôi quân sỹ Thanh Sơn đều quán triệt sâu sắc tinh thần của hai cố Tướng quân.
Tống Duy Tân, Cao Điền, Cầm Bá Thước và các tướng sỹ có mặt đều nghe thấu. Họ có chung một ý chí đánh giặc đến cùng, bảo toàn danh dự và khí tiết của mình. Họ không đầu hàng, không chịu nghe lời đường mật dụ dỗ, quyết chiến đấu và hy sinh anh dũng chứ không chịu làm tay sai, không chụi làm nô lệ.
Đốc Ngữ và quân sỹ ở Bá Thước đã cùng với với quân của Cao Điền phục kích quân Pháp kéo quân từ huyện Lang Chánh lên Niên Kỳ. Khi chúng đến Na Cát nghĩa quân phục kích đánh một trận tiêu diệt hơn 20 tên thu được 15 khẩu súng. Đốc Ngữ còn tập trung đánh quân Pháp lên càn quét tại làng Chiêng, làng Trà khiến bọn chúng phải lui quân về đồn Thọ Xuân.
Khi đó, người của Đốc Dụng từ Thanh Sơn vào báo cáo tình hình ở Trung Bằng La. Tại đó, quân của Đốc Nam bị bao vây, chống cự không nổi đã rút về Thanh Sơn. Hiện nay chưa tìm thấy đơn vị rút về đâu, hoạt động ở nơi nào. Tại Thanh Sơn, bộ máy chính quyền của Nam triều đã được củng cố, chúng đưa châu lỵ về đồn Vàng. Hàng ngày, tên tri huyện Nguyễn Đức Thanh thường đem quân đi đánh dẹp bắt bớ những người ủng hộ nghĩa quân.
Viên Đội Hàn mới vào còn nhấn mạnh:
- Tình hình rất căng thẳng, ông Đốc Đức và Đốc Đức phải đem quân về ngay cứu nguy cho quân sỹ vùng Thanh Sơn!
Đốc Ngữ được biết, quân của Đề Kiều ở chiến khu Rừng Già đang gặp khó khăn rất lớn. Quân của Pen-nơ-canh và Lê Hoan đang mở một chiến dịch lớn đánh vùng Đọi Đèn. Chúng đang dùng sức mạnh quân sự và với âm mưu thâm độc ly tán dân và quân để có điều kiện tiêu diệt. Mới đây Đề Kiều cho người vào Thanh Sơn yêu cầu tướng Đốc Ngữ kéo quân lên vùng Ngọc Lập, Ngọc Đồng hỗ trợ về phía tây nam. Nhưng nghĩa quân đã lên Trung Bằng La, Đề Kiều cho người lên đó gọi về nhưng lên tới nơi thì Đốc Ngữ đã kéo quân vào Thanh Hóa cứu viện.
Đốc Ngữ thưa với Tiến sỹ Tống Duy Tân về tình hình:
- Tôi có lệnh của Đề Kiều phải về ngay cứu nguy cho quân quan ông ấy. Hơn nữa vùng Thanh Sơn đã là đất trằng rồi, tôi về phải xây dựng lại, làm sao phải được như trước đây thì phong trào mới đứng vững. Xong việc thì tôi lại vào, mang thêm quân và vũ khí thì mới có thể tạo dựng cho Phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa.
Tiến sỹ Tống Duy Tân nghe nói liền bảo:
- Tướng quân có nhiều việc gấp quá thì phải về. Ngày mai về ngay đi, việc quân không thể chậm chễ! Khi nào xong mọi chuyện thì vào giúp tôi. Chúng tôi thấy bí vô cùng, làm người tướng chỉ huy mà bất lực tôi cảm thấy hổ thẹn lắm. Nhưng vì người ta còn kém, người Tây có nhiều ưu thế hơn ta, kết cục có thể phải thua họ. Nhưng không vì thế mà cúi đầu làm nô lệ, làm tay sai. Những văn thân như chúng tôi thì trước hết phải bảo vệ danh dự, phải đem cái chết mà trả nợ nước nhà.
Trên đường về, ông hỏi viên Đội Hàn:
- Ta xa Thanh Sơn bốn tháng rồi, không nắm được tình hình, nay thì có thể về đâu đáng tin cậy.
- Về Khả Cửu chứ về đâu nữa? Đốc Dụng đang chờ ông ở xóm Ruộng.
- Dân xóm Ruộng thế nào?
Đội Hàn trả lời:
- Giặc đi, dân ta lại về dựng nhà, cày cấy như trước, cuộc sống không có gì thay đổi. Người dân không ca thán gì về nghĩa quân.
- Thế thì tốt rồi!
Hôm ấy, Đốc Ngữ có một nỗi lo âm thầm là chưa biết chắc chắn là nên về chỗ nào ở Thanh Sơn. Nhưng vì sốt ruột cho tình hình tướng sỹ và nhân dân Thanh Sơn, ông vội về để giải quyết tình hình. Đến Đà Bắc nằm ngủ trong nhà một người dân Mường. Đêm ấy, ông nằm mơ thấy cha mẹ ông trong căn nhà lợp lá cọ đơn sơ bên dòng sông Hồng cuộn cuộn chảy. Ông đang cần mẫn lái đò đưa người từ Vĩnh Tường về bên Phúc Thọ. Bỗng gặp trời mưa to sấm chớp, nhìn thấy phía trước có con thuyền đang chở bố mẹ mình, ông gọi to thì sét đánh. Ông bị hất xuống dòng sông Hồng đang chảy xiết. Ông kêu lớn: “Bố mẹ ơi, cứu con với!”. Lúc ấy, ông bừng tỉnh, vùng ngồi dậy, người như mất hết hồn vía.
Đốc Đức nghe thấy tiếng Đốc Ngữ kêu cũng vùng dậy hỏi:
- Ông Ngữ kêu gì vậy?
- Mình vừa mơ bị sét đánh giữa sông Hồng. Trong mơ gặp cả cha mẹ già mình nữa. Các cụ nhìn mình mà không ai nói gì cả, sợ thật!
Đốc Đức không nói gì thêm, lại lăn ra sàn nhà nằm. Từ lúc đó, Đốc Ngữ nằm không ngủ được. Ông thương bố mẹ già, lúc về với tổ tiên mà ông bận việc nước không có mặt ở nhà. Sau này, có lần về chỉ kịp thắp hương trên hương án còn chưa biết mồ mả cha mẹ nằm đâu. Nghĩ đến việc ấy, nước mắt ông trào ra ướt hết cả cái khăn quàng cổ mà ông thường mang theo. Ông nghĩ về người vợ trẻ và mấy đứa con ở nhà lam lũ, nước mắt ông lại chảy. Thiếu ông vợ con đã khổ, nhỡ ra ông chết trong trận chiến này, vợ con ông còn khổ gấp bội. Bây giờ vợ con ông đã khổ rồi vì tội liên lụy, nhà cửa bị giặc đốt hết không biết bấy giờ phiêu bạt ở nơi đâu.
Cứ thế ông nằm sụt sịt khóc cho đến lúc tờ mờ. Nhìn xuống sàn nhà thấy trời đã sáng nhìn rõ mọi vật. Ông nhìn tướng sỹ đang nằm ngủ say mà thương không gọi để họ ngủ thêm chút nữa cho người khỏe ra. Ông là người tướng chỉ huy phải có trách nhiệm giữ gìn sinh mạng của họ. Từ đây, về Khả Cửu cũng không xa, chỉ đến chiều thì tới. Ông đã có kế hoạch, chọn lấy 10 binh sỹ đi về Khả Cửu trước, sau đó phái người quay lại đón quân sau.
Ông nghĩ thế là làm, không bàn bạc gì cả. Ông chọn 10 người lính trong đạo quân của ông đi về trước. Ông phân công Đốc Đức đi sau chịu trách nhiệm chỉ huy quân sỹ trở về Khả Cửu. Ông cũng nhắc nhở mọi người phải sẵn sàng chiến đấu để đánh lại quân phục kích của giặc Pháp. Theo kinh nghiệm của ông, đi vào những nơi mà mình chưa biết rõ tình hình thì phải phòng bị cẩn thận.
Đốc Ngữ hỏi Đội Hàn:
- Đốc Dụng về Thanh Sơn tìm được bao nhiêu quân?
- Không nhiều lắm, chỉ chừng 30 người.
- Hàng ngày ông ta làm gì?
- Ông vẫn cho binh sỹ luyện tập như thường, tập bắn súng và tập các môn võ công.
- Đốc Dụng có đánh một trận nào không?
- Không đánh một trận nào cả. Ông ta bảo Đốc Ngữ dặn không được động binh khi chưa có lệnh của ông ấy.
Đốc Ngữ nghĩ lại chưa có lần nào ông ra lệnh không được phép tiến công địch. Việc giặc Pháp và quân Nam triều liên tục cho quân đi càn quét mà sao Đốc Dụng nắm trong tay mấy chục tay súng và hàng trăm dân binh mà từ cuối tháng 3 đến nay đã là tháng 7 chưa đánh trận nào. Điều đó đã làm ông nghi hoặc, có cái gì rất lạ cần phải tìm hiểu.
Ông hỏi Đội Hàn:
- Có thấy đốc Dụng đi đâu không?
- Tôi thấy đôi lần Đốc Dụng hay đi về Thu Cúc và thường lên phía đồn Vàng.
- Những người đi với Đốc Dụng là ai?
- Tôi cũng không biết. Thấy có người lạ, tôi hỏi là ai? Đốc Dụng bảo là quân ta từ miền xuôi mới lên.
Đốc Ngữ đang vác súng bỗng cầm súng lên cò, lăm lăm hướng nòng súng ra phía trước. Mọi người đi cùng cũng cầm súng lên tay sẵn sàng chiến đấu. Đốc Ngữ biết đã đến gần xóm Ruộng, ông hỏi Đội Hàn:
- Đây là xóm Cày?
- Vâng.
Khi tiếng “vâng” vừa buột ra khỏi miệng Đội Hàn, thì hàng loạt sùng trường vang lên. Đội Hàn ngã xuống trước, sau đó đến Đốc Ngữ trúng đạn. Những người đi sau chưa kịp bắn trả đã trúng đạn ngã gục xuống, chỉ có vài ba người đi phía sau cùng nổ được vài tiếng súng, nhưng cũng bị bắn chết. Tất cả 11 nghĩa quân bị giết, trong đó có danh tướng Nguyễn Đức Ngữ. Bọn giặc phục kích đã nhanh chóng đến cắt đầu từng người cho vào bị cói xách đi. Chúng đi theo một con đường tắt trong núi về phía Thục Luyện, đồn Vàng.
Lúc Đốc Đức kéo quân tới, thì chỉ nhìn thấy 11 cái xác không đầu. Binh sỹ và dân làng kéo ra vây quanh những xác nghĩa binh, nhận ra từng tên người. Ai cũng bị trúng đạn vào ngực vào lưng riêng Đốc Ngữ bị trúng 2 viên đạn vào ngực. Thi thể nào trông cũng sợ, quần áo và thân người bê bết máu. Dân làng cùng nghĩa quân chôn cất họ trên quả đồi cao, nhìn ra những dộc ruộng thẳng về hướng đông, nơi quê hương họ là Hạc Trì, Sơn Tây và Hà Nội.
Không ai cầm nổi nước mắt khóc thương Chủ tướng và nghĩa quân của mình. Đêm ngày 7 tháng 8 năm 1992 trở thành ngày đau đớn nhất của nghĩa quân Thanh Sơn. Đốc Ngữ, người anh hùng của nghĩa quân Cần Vương tại vùng Thao Đà đã bị giết hại do sự phản bội của tên Đốc Dụng.
Sau hai tiếng, tuần phủ Lê Hoan nhận được tin qua điện báo: Đốc Ngữ đã bị giết chết. Các quan binh Pháp ở đồn Vàng nhận diện chính xác đầu của Đốc Ngữ. Đốc Dụng đã thực hiện âm mưu của Lê Hoan cho người vào Thanh Hóa gọi Đốc Ngữ trở về Khả Cửu. Y vạch ra kế hoạch phục kích và đưa bọn lính khố xanh, đóng giả nghĩa quân và nghĩa binh người Mường, kiên trì phục kích và đã diệt được Chủ tướng quan trọng nhất của nghĩa quân vùng Thao Đà.
Đại tá Pen-nơ-canh cũng nhận được tin Đốc Ngữ đã bị giết rất vui mừng. Hắn cũng điện cho Trung tướng Đuy-rê tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Kỳ tin mừng này. Hắn còn ra lệnh điều quân từ các đồn Yên Lãng, Đồn Vàng và đồn Hưng Hóa lên Thanh Sơn tiến công truy quét nghĩa quân một lần nữa. Những ngày giữa tháng 8, giặc Pháp càn quét đã giết chết 130 người dân vô tội tại Khả Cửu, Cự Thắng, Sơn Hùng và Thục Luyện, đốt hàng trăm ngôi nhà, lùng bắt hàng nghìn người dân.
Đốc Đức và hơn một trăm binh sỹ trong hoàn cảnh mất Chủ tướng đã chủ động cho quân phá vòng vây chạy về Ngọc Đồng, lên Phục Cổ nhập vào nghĩa quân của Đề Kiều đang tập trung chống giặc càn quét tại chiến khu Rừng Già-Đọi Đèn. Tại Trung Bằng La, Đốc Nam và Lãnh khuê đã chỉ đạo quân sỹ của mình chống lại hàng trăm quân Pháp kéo vào căn cứ Khe Thắc. Nhưng lực lượng của địch khá đông, nghĩa quân chống chọi yếu dần. Đốc Nam cho quân phá vòng vây thoát ra ngoài. Ông và một số binh sỹ chạy lên Thượng Bằng La còn cánh quân của Lãnh Khuê chạy về Văn Bán, Cẩm Khê hợp với quân của Đốc Xù và Lãnh Hinh. Được vài tuần Đốc Xù bị giặc phục kích bắn chết. Lãnh Khuê bị bắt và bị giết ngay trên cánh đồng làng Văn Bán.
*
Tại làng Xuân Lôi, Đề Kiều nhận được tin dữ, Tướng quân Nguyễn Đức Ngữ đã bị giặc Pháp sát hại. Ông báo cho bằng hữu và người quen của Đốc Ngữ cái tin đau đớn này. Đốc Biêu đã được giải ngũ vì thương tật, trở thành người chủ trại chăn nuôi trồng cấy lúa và hoa quả tại đất Xuân Lôi. Nghe tin Đốc Ngữ chết, ông khóc thảm thiết thương sót người bạn đồng ngũ anh hùng cùng quê hương đã chết một cách không ngờ. Đề Kiều đến nhà Đốc Biêu, hai người bàn nhau lập đàn tràng cúng tế Đốc Ngữ và quân dân chết trận tại Thanh Sơn. Đốc Biêu cung tiến gà lợn, trâu bò nuôi được giết thịt làm lễ cúng tế. Lễ tế do Đề Kiều chủ trì, địa điểm làm tại đình Xuân Lôi, bên cạnh con ngòi Cỏ nước chảy từ đầu nguồn trong vắt.
Lễ tế được cử hành trang nghiêm, đủ mặt tướng sỹ các đội quân của Đốc Sơn, Đốc Thành, Đốc Dị và đại diện các đạo quân của cố Hiệp thống Nguyễn Quang Bích từ Nghĩa Lộ, Yên Lập kéo về cùng Đề Kiều đánh giặc. Quân của Đốc Đức từ Thanh Sơn vừa ra và nhân dân tổng Đông Lỗ, hào lý các làng, tính ra phải có hơn 200 người về dự lễ. Đề Kiều, vì lo việc quân không kịp làm văn tế, ông chỉ có lời văn cúng Nôm. Nêu họ và tên người tướng anh hùng có tên thường gọi là Đốc Ngữ quê làng Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, tính Sơn Tây. Sinh ra trong một gia đình nghèo, sớm phải lao động chèo đò cực nhọc nuôi sống gia đình và các em. Ông đã anh dũng tham gia chống Pháp từ năm 1873, hai lần đánh giặc Pháp ở thành Hà Nội, hai lần ở thành Sơn Tây, một lần ở thành Hưng Hóa và kiên trì chống giặc Tây trên khắp trận địa ở Quốc Oai, Phúc Thọ, Ba Vì, Vĩnh Tường, Thanh Ba, Yên Lập, Cẩm Khê, Văn Chấn, Sơn La, Phù Yên, Đà Bắc, Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Thạch Thành đặc biệt là các căn cứ chống Pháp Sơn Hùng-Thục Luyện ở huyện Thanh Sơn. Gần 30 năm chiến đấu là người chỉ huy đánh thắng hàng trăm trận, diệt và làm bị thương hàng trăm sỹ quan, hàng nghìn quân lính Pháp và quân lính ngụy Nam triều. Ông là đệ nhất danh tướng của Phong trào Cần Vương. Ông đã anh dũng hy sinh cùng với hàng nghìn nghĩa binh và dân binh trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp xâm lược trên quê hương Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Hóa, Chợ Bờ, Ninh Bình, Thanh Hóa. Ông đã được Vua Hàm Nghi phong chức Chưởng vệ, Phó Tướng đạo Hà Ninh, người Pháp tôn ông là vị cứu tinh, anh hùng dân tộc của Việt Nam. Tướng sỹ và nhân dân ta coi ông là một vị tướng anh hùng rất đỗi yêu quý, hết lòng thương yêu binh sỹ và nhân dân.
Trong bài văn, Đề Kiều đã nêu công sức của quân sỹ, nhân dân các địa phương, đặc biệt là nhân dân châu Thanh Sơn, các làng Sơn Hùng, Thục Luyện, Yên Lãng, Cự Thắng, Khả Cửu đã sát cánh cùng với Đốc Ngữ và nghĩa quân chiến đấu đến cùng chống giặc Pháp. Ông nguyền rủa bọn phản bội đầu hàng, làm tay sai mưu cầu vinh hoa phú quý đã sát hại Đốc Ngữ và hàng trăm người dân tại Thanh Sơn. Ông mong thần Cao Sơn linh thiêng chứng giám cho lòng thành của mọi người và chấp nhận việc tướng sỹ Cần Vương và nhân dân đặt bài vị, bát hương thờ người anh hùng Đốc Ngữ tại đình làng Xuân Lôi, tổng Đông Lỗ, châu Yên Lập.
Đề Kiều làm phép xin âm dương, tung hai đồng tiền quay tít trên đĩa, một lúc hai đồng tiền ngả ra, ông xem một đồng sấp một đồng ngửa. Thần Cao Sơn linh thiêng đã đồng ý, tướng sỹ và nhân dân vui mừng khôn tả, bởi ý định của mình đưa một danh tướng Cần Vương vừa hy sinh vào làm Hậu thần đình làng Xuân Lôi đã được chấp nhận.
Đề Kiều trịnh trọng giới thiệu Đốc Biêu là bạn của Đốc Ngữ, chiến đấu kiên cường chống Pháp xâm lược từ năm 1873. Ông đã cùng đạo Hậu quân chiến đấu lập nhiều chiến công, bị thương nặng trong trận đột kích cướp đại bác của địch tại đồn Bùng lên đọc bài “ Văn tế Đốc Ngữ” vị tướng uy danh nhất của Phong trào Cần Vương, do chính ông vừa viết đêm qua.
Đốc Biêu tập tễnh bước lên phía trước, chắp tay vái lạy thần Cao Sơn, vái lạy anh linh Anh hùng Liệt sỹ Đốc Ngữ. Ông quay đầu nhìn đông đảo tướng sỹ và nhân dân tay cầm tờ giấy viết bài văn bằng chữ Nôm đưa lên trước mặt, hướng lên bài vị đọc ngân vang:
“ Hỡi ôi!
Gia đình xuất thân nghèo khó,
Đức nhân rèn luyện chuyên cần.
Ai biết cậu lái đò ngang, sau trở nên người dũng tướng;
Người nào tin anh lính lệ, bỗng thành một vị anh hùng?
Gặp lúc đất nước lâm nguy, giặc Tây xâm lược, lòng trung vua mang nặng nỗi ân ưu;
Đột khi thành lũy tan tành, quân Nam bức bối, nghĩa hiếu trung chẳng hạ cờ buông súng.
Chí đã quyết theo việc nhung đao, thề đánh giặc cứu dân cứu nước;
Coi cái chết nhẹ tựa hồng mao, vì Tố quốc trọng nghĩa khinh tài.
Hai trận bảo vệ thành Hà Nội, tay vung gươm quyết tử chặn giặc;
Mấy bận giữ lũy đất Sơn Tây, đưa súng lên nhằm bắn quân thù.
Ngược sông Thao bất khuất, khâm phục chí Tổ Tiên bất tử;
Lên sông Đà trung dũng, ngưỡng mộ đức anh tài nghìn thu.
Theo Bố Giáp đến Thanh Mai, không vâng lệnh nhà vua vào kinh đô đầu hàng giặc;
Hướng Quang Bích về Tiên Động, phục Hàm Nghi lên rừng xanh nghe Chiếu dụ Cần Vương.
Nhận kế các vị Đại thần đến Sơn Hùng, Thục Luyện, lập nên căn cứ đánh giặc Pháp;
Bàn bạc với nhiều tùy tướng lên Cự Thắng, Khả Cửu, dựa hình sông thế núi chống thù.
Tay vươn tới Ba Vì, Quốc Oai, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Dương,Thạch Thất, Đà Bắc, Quan Hóa, Thọ Xuân, nghe uy danh lũ giặc Tây sợ vỡ mật;
Chân đạp đất Lâm Thao, Thanh Ba, Cẩm khê, Hạ Hòa, Yên Lập, Văn Chấn, Sơn La, Phù Yên, Trấn Yên, gọi chức vị lính quan triều hoảng mất hồn.
Đánh phục kích, tập kích lũ giặc nước bị cuốn sạch tựa cơn bão lốc;
Đánh truy kích, đột kích bọn mắt xanh sợ thất kinh chẳng khác thiên thần.
Một Sơn Hùng, một Quảng Nạp, một Khả Cửu, một Niên Kỳ, Bá Thước quan quân Tây khiếp vía;
Hai Sơn Tây, hai Yên Lãng, Hai Chợ Bờ, hai Cự Thắng, Thanh Sơn tướng sỹ ngụy kinh hoàng.(1)
Chú thích:
(1). Những nơi quân Đốc Ngữ đánh thắng giặc Pháp một lần, hai lần
Quan tướng Pháp thua trận tôn vinh Đốc Ngữ, vị cứu tinh anh hùng dân tộc Việt;
NgàiTôn Thất Thuyết phong Nguyễn Đức Ngữ chức quan Chưởng vệ, Phó tướng đạo Hà Ninh.
Nào hay:
Thế cuộc đang lên, chẳng ngờ Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp mắc bệnh từ trần, bí càng thêm bí;
Trận tiền đang thắng, nào hay Hiệp thống Nguyễn Quang Bích quy về Tiên Tổ, cùng lại tới cùng.
Vận nước suy vong, ai cứu đặng một bầy con đỏ;
Triều đình bạc nhược, người nào liều giúp đỡ quân binh?
Miệt sông Đà, tướng quân Nguyễn Đức Ngữ với binh sỹ Thanh Sơn kiên cường dồn giặc;
Miền sông Thao, Đề Đốc Hoàng Văn Thúy và binh sỹ Cẩm Khê anh dũng diệt thù.
Đã bảo rằng ba sinh có phúc, hăm hở xả thân để giết giặc, chí khuôn phò theo đức quân vương không bao giờ phụ;
Chẳng thể ngờ mệnh số đến mau, đau đớn bấy dọc đường bị hại, Người phụng sự muôn vạn quân dân phải chịu thiệt thân.
Than ôi!
Tướng cầm quân hy sinh, nhân dân bị sát hại, hận nghìn thu còn mang theo mãi;
Nhà cầm quân mất rồi, căn cứ bị tiến công, tổn thất đây nhắc tới muôn đời.
Thương biết mấy! Vợ con, anh em phiêu dạt, biết tin buồn nuốt nước mắt vào gan ruột;
Đau tận cùng! Bạn bè, động đội ly tán, nhận cáo chung đau như sét đánh giữa đường.
Ai chết vì nước! Là vinh, là khôn, là nghĩa hiệp lưu danh vạn thế;
Người tử vì dân! Là chính, là hạnh, là anh hùng hậu duệ tôn thờ.
Sống đánh giặc, tinh thần một dạ thờ vua hiếu trung trọn đạo;
Chết giết thù, linh hồn theo giúp cơ binh đánh giặc trường tồn.
Thôi! Thôi!
Người viết này, bằng hữu kể sao cho hết;
Anh em mình, bạn bè thương mấy là thương!
Sự nghiệp lớn chưa làm xong, chúng ta đã xây nền đắp móng;
Nền thịnh trị sẽ khôi phục, con cháu mình hợp sức làm mau.
Từ nay kẻ chết người sống âm dương bao năm còn cách biệt;
Mai sau ta cùng về thế giới cực lạc vạn thuở hưởng chung.
Cúi mình cẩn cáo,
Muôn lạy anh linh!
Đốc Biêu đọc xong cùng mọi người chấp tay cúi mình vái lạy anh linh Đốc Ngữ. Ai cũng khóc thương người vị tướng của mình, hai mắt đỏ hoe. Bên ngoài sân đình cỗ bàn được làm tinh tươm xếp đặt trang nghiêm cúng chúng sinh tử nạn được thầy mo làm lễ xong xuôi. Đề Kiều nói với mọi người:
- Việc lễ viếng cho Đốc Ngữ và quan quân, dân binh tử nạn đã xong. Công việc của chúng ta bây giờ là phải bảo vệ cho được căn cứ Rừng Già- Đội Đèn. Giặc Pháp đã cho quân bao vây quan quân chúng ta. Tôi phân công cho Đốc Đức từ Thanh Sơn ra, giữ lấy Ngọc Đồng, cùng với quân của Đốc Dị dựa vào dãy Năm Tầng bảo vệ cho được căn cứ này về hướng nam. Đốc Sơn, Đốc Thành và Đốc binh Hoàng Nhân đưa quân lên chiếm giữ đỉnh Đọi Đèn, đỉnh núi Chợ Trời, đỉnh núi Cuốn, vị trí Hố Trò, chịu trách nhiệm bảo vệ căn cứ về phía đông. Tôi cũng phân công Đốc Tuế, Đốc Lệ và số quân từ Văn Chấn về giữ cửa suối Gió, cửa ngòi Cỏ, phía làng Chương Xá, Văn Khúc vào bảo vệ căn cứ về phía bắc. Một đạo quân nữa do đốc binh Hà Đức Thành từ Nghĩa Lộ vừa về dựa vào dãy Đá Trắng hướng sang Ngọc Lập bảo vệ căn cứ về phía tây. Quân lực chúng ta còn đông, dự trữ lương thực thực phẩm có đủ; chúng ta hoàn toàn giữ được căn cứ này trong nhiều năm để chờ thời cơ mới.
Đốc Sơn đứng lên báo cáo:
- Tôi đã ở căn cứ Rừng Già, Đọi Đèn từ năm 1884 đến nay. Tám năm rồi tôi cùng binh sỹ vẫn bền bỉ giữ vững. Nay quan quân về đây lấy căn cứ này làm nơi quyết chiến. Tôi tin là ta có thể giữ được lâu dài, chỉ cần gan góc, giữ vừng tinh thần đến cùng là có thể đánh thắng.
Khi Đốc Sơn vừa nói hết câu, thì mọi người thấy trên trời có một quả cầu khổng lồ, treo một thùng chứa người đang bay theo chân núi Vòng Kiềng, cách mặt đất chừng ba dặm. Chúng giải truyền đơn và dùng loa kêu gọi quân ta đầu hàng. Một người nào đó trong quân nói to:
- Khí cầu của bọn giặc Pháp đang bay trên đầu chúng ta! Anh em đâu, mang súng ra bắn!
Nhiều loạt súng trường vang lên, nhưng vô hiệu, chiếc khí cầu vè vè bay đi bay lại nhiều lần từ đông sang tây và từ nam lên bắc trinh thám đỉnh núi Đọi Đèn, vùng núi Vòng Kiềng, tổng Đông Lỗ bao gồm các làng Xuân Lôi, Quắc Thước, Phục Cổ, An Dưỡng dãy núi Khiếu phía nam và dãy núi Đá Trắng phía tây. Đề Kiều nói với binh sỹ đề trấn an:
- Chúng ta không sợ khí cầu của giặc Pháp! Cho nó bay do thám, ta cần giữ bí mật, cần lấy cây lấy lá mà che không cho chúng nhìn thấy. Chúng ta đang sống giữa rừng đồi có muôn nghìn cây lá che mắt địch. Không như ở thành Hưng Hóa cách đây hơn chín năm về trước. Địch đã dùng khí cầu trinh thám, nhưng vì thành đứng trơ trọi quá nên ta đành chịu. Còn bây giờ thì đố chúng nó nhìn thấy chúng ta đang ở đâu!
Đốc Thành nói:
- Không phải là chúng nó nhìn thấy mới là đang lo. Chúng nó dùng khí cầu bay trên không trung đề vẽ đường đi lối lại, vị trí các làng, các ngọn núi, dòng sông, con ngòi, con suối nhằm vào mục đích tiến công. Sử dụng lính bộ đánh chiếm các cao điểm, các làng và các đồn binh. Dùng pháo, theo cự ly xa gần để mà bắn phá các căn cứ, các phòng tuyến và doanh trại của chúng ta.
Đề Kiều hỏi:
- Theo ông Đốc Thành, làm sao để diệt được khí cầu của địch?
- Dễ thôi, chỉ cần mang súng trường ra bắn trúng vào cái quả cầu khổng lồ kia là nó sẽ rơi. Muốn bắn rơi, chỉ có một cách là cho người mang súng lên đỉnh Đọi Đèn, đỉnh núi Khiếu, núi Đá Trắng kia mà phục. Nó bay qua, bay lại, ta nhằm vào quả cầu mà bắn. Bắn trúng nó sẽ nổ rơi xuống đất, thằng giặc ngồi trên cái thùng kia cũng sẽ chết toi.
- Thế thì ta phải cử quân lên các đỉnh núi cao, lập trận địa mai phục. Bây giờ ta phải ngụy trang lên các phòng tuyến, các trận địa không cho địch biết. Việc đó rất cần, che được mắt địch càng nhiều càng tốt.
Đề Kiều nhớ lại sự việc cách đây 9 năm nói:
- Giặc Pháp sử dụng khí cầu trinh thám là nhằm vào việc tiến đánh chúng ta. Hồi trước, chúng dùng khí cầu bay lên không trung xem trong và ngoài thành Hưng Hóa chúng ta bố trí thế nào, sau đó chúng đã dùng hai lữ đoàn tiến đánh. Bây giờ chúng lại dùng khí cầu trinh thám vùng núi Rừng Già, Đọi Đèn, Vòng Kiềng cũng là để tiến công ta, chắc hẳn là chúng sẽ huy động lực lượng lớn đánh phá căn cứ. Tôi yêu cầu mọi người dự lễ, ăn uống xong thì về ngay vị trí chiến đấu của mình.
Nghe lệnh Đề Kiều, tất cả các đạo quân trở về vị trí. Các đơn vị của Đốc Sơn trở lại căn cứ Hố Trò, chặn địch từ phía làng Đồng Lương, làng Điêu Lương tiến vào. Đốc Thành cho quân theo đường Ba Khe lên đỉnh Đọi Đèn chuyển quân vượt ra phía Thậm Thình, Đồng Lốc, Lắc Lư.
Một cánh quân Pháp và quân Nam triều do thiếu tá Lô-bô-cô đã đi thuyền tiến vào Đồng Meo vào Gò Trình, bến Thùng, tiến lên đối Lắc Lư. Quân của ĐốcThành đã chặn đánh địch ngay dưới chân dốc, những loạt bắn thẳng đã hạ gục nhiều tên. Chúng không dám tiến lên, quay lại đóng quân tại các ngôi đình Vũ, đình Kim Giao, đình Hoa Triệu và một số nhà dân tại gò Làng, gò Hươu. Âm mưu của chúng là đóng quân lâu dài đánh phá bằng được căn cứ Đọi Đèn, Rừng Già .
Một cánh quân do đại úy Sa-pơ-le chỉ huy điều quân từ đồn Cổ Tiết và đồn Tứ Mỹ, đồn Phong Vực tiến sang Đồng Lương, An Dưỡng đánh vào căn cứ Hố Trò. Chúng bị đánh chặn ngay từ ngoài làng Phong Vực, Đồng Nương, liền quay về phía Ngọc Đồng. Một cánh quân khác do trung úy Béc-ben-la (Berbenlas) và tên tri huyện Cẩm Khê dẫn đầu tiến vào khu đồi Con Tượng cũng bị quân ta chặn đánh ngay ở Bến Vợt. Chúng phải mở đường đưa quân sang Bến Phường tiến vào Đồng Phai ở chân núi Đọi Đèn, nơi đồn trú của nghĩa quân. Ở phía Hưng Long giặc Pháp cho một cánh quân tiến ra khu vực suối Gió, mở đường tiến vào các làng Quắc Thước, Xuân Lôi và Phục Cổ.
Trong tình thế bị giặc vây tứ phía, Đề Kiều chỉ đạo tướng sỹ bình tĩnh chống lại các mũi tiến công. Ông động viên binh sỹ vác đá lên đỉnh núi Cuốn, núi Chợ Trời, núi Đọi Đèn, lưng dốc Lắc Lư, dốc Trò, dốc Thậm Thình làm trận địa lăn đá cản địch. Tại dốc Lắc Lư, quân địch do thiếu tá Lô-bô-cô chỉ huy liều mạng mở đường tiến lên núi Chợ Trời đã bị những loạt đá lăn cản lại. Nhiều tốp lính Tây bị đá lăn xuống làm chết và bị thương gần hết. Số quân sống sót lại bị nghĩa quân bắn chết. Chúng không dám lên nhặt xác và cứu chữa những tên bị thương. Tại trận địa dốc Trò, cánh quân của đại úy Sa-pơ-le bị đá lăn làm chết hàng chục tên lính Âu Phi. Cánh quân do trung úy Béc-ben-la và tên tri huyện Cẩm Khê tiến vào đồng Cát Trắng bị nghĩa quân chặn đánh bắn chết và bị thương hơn hai mươi tên. Vùng Rừng Già, Đọi Đèn trở thành nơi tử địa đối với quân giặc Pháp và quân lính Nam triều.
Quân lính Nam triều sợ hãi tìm cách liên lạc, móc nối với các đơn vị quân của Đề Kiều. Hẹn rằng trông thấy nhau không bắn vào nhau, bắn chỉ thiên để được cùng sống. Đề Kiều nghe lính báo về cũng cho phép binh sỹ không được giết hại binh sỹ Nam triều, vì cùng giòng giống, tổ tiên không nỡ sát hại nhau. Nên trên khắp trận địa, người ta thấy vang lên tiếng hô:
- Không bắn vào lính đội nón dấu! Hãy bắn vào những tên lính đội mũ bù hụp!
Hay tiếng hô:
- Lính quân túm thì tha! Lính mang thắt lưng, áo quần may nhiều túi thì bắn!
Hoặc:
- Da vàng mũi tẹt thì tha! Da trắng mũi lõ thì bắn! Da đen mắt trắng thì bắn!
Người ta nhìn thấy những người lính Nam triều chỉ nhằm bắn chỉ thiên; khi xung phong họ cúi đầu tránh đạn hoặc ôm súng lăn nhanh xuống dốc. Lúc những tốp lính Âu Phi xung phong thì liên tiếp bị bắn hạ, bị đá lăn trúng rất nhiều. Các sỹ quan chỉ huy Pháp đành phải cho lui quân không dám tiến lên nữa. Lính Nam triều khi rút lui gửi cho binh sỹ của Đề Kiều những gói thuốc lào hoặc gói kẹo, gói bánh mà họ mang theo, gài hoặc treo trên những thân cây cao để cho người của nghĩa quân dễ nhìn thấy, sử dụng.
Vào buổi chiều các ngày, Đề Kiều, Đốc Sơn và Đốc Thành hẹn gặp nhau trên núi Đọi Đèn để nắm tình hình địch. Họ yên tâm trên núi Đọi Đèn đã được dân các làng Văn Khúc, An Dưỡng, Phục Cổ, Xuân Lôi, Quắc Thước đã mang đầy đủ lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân. Trên núi có nhiều khe nước, có hồ nước trên núi Chợ Trời, bể nước lớn trên hố Thùng Than. Cuộc chiến có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm trời cũng không thiếu nước.
Nhưng vào khoảng giữa tháng 10 năm 1982, Đề Kiều và các chỉ huy căn cứ Rừng Già, Đọi Đèn nhận được tin buồn; thủ lĩnh Tiến sỹ Tống Duy Tân bị bắt tại hàng Niên Kỳ, Bá Thước và bị giặc Pháp giết hại tại thành Thanh Hóa vào sáng ngày 5 tháng 10. Hiện nay, các ông Đề đốc Cao Điền, Cầm Bá Thước không biết tính mạng ra sao. Mặt trận nam và bắc sông Đà, tây Thanh Hóa coi như đã bị giặc Pháp đánh tan. Đề Kiều nhận thấy quân mình đang ở thế cô, kết cục theo chiều hướng xấu sẽ đến với quan quân tại Rừng Già-Đọi Đèn.
Bên tả sông Thao, các đội nghĩa quân làng Phú Thọ, Chí Chủ, Vũ Yển, Y Sơn cũng đã bị đánh bại. Chỉ còn cánh quân của Tán Dật được duy trì nhưng không giữ được căn cứ Đầm Đen phải rời lên Bằng Doãn, Đoan Hùng cách xa bờ sông Thao. Bên hữu sông Thao, Tán Áo chỉ còn một số quân ít ỏi hoạt động cầm chừng ở vùng Văn Bán, Tiên Động. Vùng núi RừngGià-Đọi Đèn trở nên trọng điểm tiến công ác liệt nhất, khó có thể chống đỡ lâu dài. Phương hướng chiến lược cố thủ chờ thời thật là khó với nghĩa quân. Hàng ngày, tại vùng núi Đọi Đèn diễn ra hàng chục cuộc tiến công của giặc Pháp khắp ba bên phía núi. Pháo cối của chúng bắn làm đinh tai nhức óc, nhiều quả đạn đại bác bắn từ Đồng Nương lên, Chương Xá tới gây sát thương khủng khiếp.
Đề Kiều thấy cuộc chiến đấu càng ngày càng ác liệt, ông phải nói lại lời dặn tướng sỹ của Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích rằng “nếu kết cục thất bại phải đem cái chết mà đến nợ nước”. Các tướng sỹ của ông đều được quán triệt tinh thần chiến đấu hy sinh đến cùng. Ông rất vui mừng vì thấy tinh thần chiến đấu của tướng sỹ ngày càng cao, không một ai nao núng.
Đề Kiều, Đốc Sơn và Đốc Thành phải thường xuyên xuống các trận địa chỉ huy trực tiếp. Nhận được tin một cánh quân Pháp và quân Nam triều từ đồng Cột Cờ tiến qua đồng Lốc lên núi Đọi Đèn, Đề Kiều liền cho quan quân lập trận địa phục kích trên Đồng Lốc. Khi bọn giặc Pháp tiến tới Đồng Lốc bị hàng loạt súng trường từ trên bắn xuống. Bọn giặc cuống cuồng chạy dạt sang những bờ ruộng cao ẩn nấp, thì bị nghĩa quân núp ở trong những đống giạ hoặc núp dưới mé bờ xung phong lên dùng gươm và mã tấu chém chết. Gần 100 tên lính Âu Phi bị giết, nghĩa quân thu được 75 khẩu súng và hàng nghìn viên đạn. Quân Pháp phải báo tin về tỉnh lỵ Hưng Hóa, đại tá Pen-nơ-canh phải vội điều quân từ đồn Ngọc Tháp về và từ đồn Chí Chủ sang ứng cứu.
Sau gần 4 tháng tiến công vào căn cứ Đọi Đèn, Rừng Già quân Pháp bị thua đau, hàng trăm sỹ quan và binh lính chết và bị thương. Tướng Đuy-phrê tư lệnh quân Pháp tại Bắc Kỳ điện cho đại tá Pen-nơ-canh lập tức cho ngừng cuộc tiến công. Hắn ra lệnh cho Pen-nơ-canh và tuần phủ Lê Hoan chuyển sang cách đánh bằng thủ đoạn chính trị, đình chỉ tiến công bằng quân sự hao người tốn của mà không thu được kết quả gì. Cho binh lính quay về đóng đồn tại Phong Vực, Tình Cương, Cát Trù hỗ trợ đắc lực cuộc khủng bố do quân đội Pháp kết hợp với quan lại Nam triều tại Hưng Hóa thực hiện.
Lê Hoan cho gọi tri huyện Cẩm Khê là Lê Văn Sỹ và tri châu Nguyễn Gia Hè của Yên Lập sang tỉnh lỵ ở làng Phú Thọ bàn bạc. Y bí mật viết thư dụ dỗ Đề Kiều ra hàng, lệnh cho tri huyện Cẩm Khê và đồn lính cơ của huyện phải lùng bắt cho được tất cả người thân của Đề Kiều và thân nhân của các đốc binh, phó đốc binh, chỉ huy các đội và binh lính thuộc các làng tổng trong huyện Cẩm Khê và châu Yên Lập.
Cuộc khủng bố nhân dân các làng, các tổng thuộc khu Rừng Già và Đọi Đèn được giặc Pháp và bè lũ tay sai dự định sẽ bắt đầu từ ngày 1 tháng 12 năm 1892. Đề Kiều là người chỉ huy cao nhất của nghĩa quân sẽ có cách gì để cứu hàng nghìn sinh linh dân lành tại các làng tổng thuộc huyện Cẩm Khê và châu Yên Lập? Đại tá Pen-nơ-canh và tuần phủ Lê Hoan sẽ lập ra phương án nào để Đề Kiều và quân lính có thể chấp nhận hạ vũ khí quay về với quân Pháp và chính quyền Nam triều? Trong hoàn cảnh binh sỹ và nhân dân các làng trong khu Rừng Già và trên núi Đọi Đèn không chấp nhận đầu hàng quân Pháp. Đề Kiều muốn ra hàng quân Pháp phải thuyết phục tướng sỹ và người dân như thế nào? Đó là quyết định quá khó khăn, vì Đề Kiều cũng chưa bao giờ nghĩ đến tình thế này.
Chiến sự đang diễn ra ác liệt, bỗng im tiếng súng. Bộ chỉ huy quân Pháp đã ra lệnh cho quân lính rút khỏi khu Rừng Già-Đọi Đèn. Bọn lính Pháp và lính Nam triều đều thở pháo nhẹ nhõm, không phải tiến công lên núi Đọi Đèn và vào khu căn cứ Rừng Già là thoát chết rồi. Đề Kiều và binh sỹ đứng trên đỉnh núi Đọi Đèn, núi Chợ Trời, núi Cuốn và trên mỏm Lắc Lư, dốc Trò nhìn thấy quân Pháp hành quân rút theo đường bộ từ làng Văn Khúc, làng Điêu Lương, Đồng Lương về đồn Phong Vực, đồn Tứ Mỹ và đồn Cổ Tiết. Chúng kéo đi trông giống như đàn kiến bò theo bờ ngòi Cỏ và theo bờ đê sông Thao tuôn về xuôi.
Đứng trông quân Pháp và lính Nam triều rút lui, Đề Kiều và quan quân rất phấn khởi. Vì họ đã đánh thắng hàng nghìn giặc Pháp, khi chúng cố sức mở một cuộc bao vây, tiến công ròng rã suốt bốn tháng liền. Thực hiện mục đích phá tan căn cứ Đọi Đèn, Rừng Già, chúng đã tổ chức nhiều cuộc tiến công theo các hình thức cho pháo cối bắn liên hồi rồi đốc lính xung phong đánh chiếm điểm cao hoặc đốt kích quyết liệt theo nhiều hướng. Quân của Đề Kiều trên núi Đọi Đèn, trong căn cứ Rừng Già luôn giữ vững vị trí, càng đánh càng vững tin chưa hề thấy tinh thần giảm sút.