Trên đường từ Mộ Xuân về căn cứ Sơn Hùng-Thục Luyện, Đốc Ngữ hình dung lại trận tập kích tỉnh lỵ Chợ Bờ. Trận ấy, tướng sỹ của ông tập trung đi từ Thục Luyện về Yên Lãng tập kết. Ông phân cho Đốc Nam chỉ huy quân đánh vào trung tâm tỉnh lỵ Chợ Bờ. Đốc Nam, người vừa được giải thoát khỏi nhà tù Sơn Tây rất mừng dẫn quân đi ngay. Trong quân có rất nhiều người là tù nhân cùng được giải thoát một ngày với Đốc Nam. Ông đã nói với họ mục tiêu, ý nghĩa của trận tập kích:
- Trận này ta phải đánh thằng, phải diệt gọn địch chiếm tỉnh lỵ này. Thực hiện bằng được tư tưởng chỉ đạo của cố Hiệp thống Nguyễn Quang Bích. Người rất mong chúng ta giữ mà mở rộng vùng bắc và nam sông Đà để liên kết với quân Cần Vương tại Thanh Hóa và An Tĩnh, xoay chuyển tình thế sang tiến công chiến lược giải phóng dân, mở rộng vùng giải phóng.
Quan quân rất phấn khời, hơn hai trăm quân sỹ vượt sông Đà bằng thuyền nan, nhanh chóng bao vây tỉnh lỵ Chợ Bờ. Quân của Đốc Nam tiến đánh đồn binh lính khố xanh, giết chết tên đồn trưởng người Pháp tên là Mi-sô ( Michok), một số lính khố xanh ngoan cố bỏ chạy, bị quan quân ta vây vòng ngoài bắn chết 24 tên. Quân ta nhanh chóng tiến đánh vào dinh công sứ giết chết tên công sứ hung ác tên là Ru-gơ-ri (Rougery) và giết chết tên đội Di-gơ-lê (Zeigler ). Tên chủ bưu điện Giơ-ra-nê ( Granet) và tên giám binh Phe-rây (Ferrey) chạy ra sông, nhảy xuống sông Đà lạnh giá chịu chết chìm. Một số toán địch đi đặt đường dây điện thoại bị quân ta phục kích bắn chết và bắt sống hết. Hơn hai chục lính cơ bảo vệ tỉnh lỵ quay súng trở về với quân ta.
Trận đánh tỉnh ly Chợ Bờ kết thúc nhanh gọn trong đêm ngày 31 tháng 1 và ngày 1 tháng 2 năm 1891. Quân ta làm chủ tỉnh lỵ, chia quân đi các nơi đốt phá, thu vũ khí và chiến lợi phẩm. Nghĩa quân thu được 118 khấu súng trường, 4 khấu súng lục và 40 000 viên đạn, nhiều thủ pháo và thuốc nổ. Thất bại thảm hại ở Chợ Bờ giặc Pháp đành phải thú nhận: “Một tỉnh lỵ bị đánh chiếm và bị đốt hoàn toàn bởi quân phiến loạn ( chỉ nghĩa quân). Viên công sứ bị giết, 100 khẩu súng và 5000 viên đạn bị mất. Đó là sự kiện đáng tiếc có ảnh hưởng trong cả xứ Bắc Kỳ. Quân thù (chỉ nghĩa quân) thu được một số chiến lợi phẩm đáng kể”.
Giặc Pháp đưa quân từ Hưng Hóa, Sơn Tây, Việt Trì lên cứu viện. Tránh bị giặc bao vây lại, Đốc Ngữ cho quân rút lui về căn cứ Sơn Hùng-Thục Luyện. Ông đã nghĩ đến việc cho quân giữ lấy tính lỵ Chợ Bờ, để mở rộng ảnh hưởng, nối với Thanh Hóa và An Tĩnh, Quảng Bình. Nhưng trước sức mạnh của hàng nghìn quân Pháp có pháo binh yểm hộ thì với thực lực của quân ta chưa có khả năng giữ nổi. Về căn cứ, ông cho khao quân và cho quân sỹ họp để rút kinh nghiệm trận đánh và chuẩn bị đánh chống trả cuộc phản công càn quét lớn của địch vào căn cứ. Ông tranh thủ lên Đại Bản doanh Tôn Sơn báo cáo và bàn hiệp đồng đánh quân Pháp nhưng chỉ gặp Đề Hoan còn hai tướng Đề Kiều và Vương Doãn thì không thấy về.
Không thể chờ đợi lâu, ông có bàn với Đề Hoan nhờ Đề Kiều đem quân vào giúp căn cứ Sơn Hùng-Thục Luyện và các căn cứ quân sự khác ở châu Thanh Sơn. Nhờ Vương Doãn chặn địch giúp từ trên châu Văn Chấn và huyện Trấn Yên xuống. Kế hoạch phá càn của giặc Pháp đã được Đốc Ngữ vạch ra, không biết Đề Hoan có thuyết phục được các tướng lĩnh không? Phải về ngay Thanh Sơn, mấy con ngựa thu được tại trận Chợ Bờ đã giúp ông và quân sỹ cùng đi rút bớt thời gian để trở về căn cứ.
Về tới căn cứ Sơn Hùng-Thục Luyện Đốc Ngữ được tin tình báo từ “ Hạ lưu”, vào những ngày đầu tháng 3 năm 1891 quân giặc sẽ huy động một lực lượng lớn quân chủ lực Pháp và quân ngụy của Nam triều đánh vào đội quân của Đốc Ngữ tại Thanh Sơn. Nhằm ngăn chặn sự ảnh hưởng của nghĩa quân và nguy cơ các lực lượng quân Cần Vương của Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Hóa liên kết với nhau tiên công tiêu diêt quân đội Pháp và quân quan chính quyền Nam triều ở Bắc Kỳ.
Bộ chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ là trung tướng Pháp Đuy-phrê (Duypre), cử đại tá Pen-nơ-canh (Pennequin) phụ trách đạo quan binh Tây Bắc làm tổng chỉ huy, lập các đạo quân tiến về châu Thanh Sơn:
Đạo thứ nhất đưa một phần lớn trung đoàn số 11 thủy quân lục chiến, do thiếu tá Gây (Geil) chỉ huy, gồm 350 binh sỹ với trang bị vũ khí hiện đại, một đội pháo bốn khẩu đại bác 90 ly, xuất phát từ thành Sơn Tây theo sông Hồng lên sông Đà rồi đổ bộ lên Tu Vũ.
Đạo thứ hai do trung tá Béc-gu-ni-u (Bergouniou) thuộc trung đoàn lê dương số 2 chỉ huy, gồm 450 binh sỹ gồm cả số lính cơ của tổng đốc Sơn Tây và 150 lính tập của Hưng Hóa xuất phát từ các đồn binh tại Hưng Hóa tiến vào Thục Luyện.
Đạo quân thứ ba do thiếu tá Phu-kê ( Fouquet) thuộc trung đoàn số 2 lính khố đỏ chỉ huy, gồm 300 quân từ Văn Yên qua Văn Chấn, vượt đèo Khế xuống Thanh Sơn càn quét và khống chế vùng Ngọc Lập, Ngọc Đồng, Địch Quả, Thu Ngạc ngăn chặn quân của Đề Kiều ở châu Yên Lập chi viên cho quân Đốc Ngữ.
Pen-nơ-canh đã điện báo cho các chỉ huy các đạo tin:“ Tuần phủ Nguyễn Quang Bích kẻ thù nguy hiểm nhất của quân đội Pháp đã bị bệnh chết”. Y nói:
- Chúng ta sẽ đánh thật mạnh, tiêu hao, tiêu diệt toàn bộ quân của Đốc Ngữ tại Thanh Sơn. Khi nào giết được Đốc Ngữ và những tên chỉ huy chủ yếu của nó thì chiến dịch mới kết thúc.
Đốc ngữ nắm được tin liền họp các chỉ huy và binh sỹ chuẩn bị chiến đấu chống lại sự tiến công của địch vào Thanh Sơn. Ông phân công Đốc Nam chặn địch từ Yên Lãng lên, Đốc Đức, Đốc Dung, Đốc Doan, Đốc Dụng cùng ông chỉ huy quân đánh địch bảo về căn cứ Thục Luyện, Cự Thắng, Khả Cửu. Cho quân lên báo Đề Kiều, Đốc Sơn, Đốc Thành, Đốc Dị chặn địch từ Hưng Hóa lên Sơn Hùng. Biết trước địch tiến công với mục đích triệt phá cướp bóc. Ông ra lệnh cho các lang đạo bản mường thi hành triệt để lệnh sơ tán, nhân dân thực hiện “vườn không nhà trống”, tham gia chống lại cuộc càn quét của địch. Ông nói với binh sỹ và nhân dân:
- Cuộc tiến công của địch lần này hết sức khốc liệt. Binh sỹ và nhân dân hãy giữ vững tinh thần chiến đấu cố gắng đánh tiêu diệt thật nhiều giặc, giữ gìn lực lượng của ta. Chúng nó chỉ ở Thanh Sơn trong khoảng nửa tháng, không đánh thắng quân ta sẽ phải rút quân. Chúng ta cứ tưởng tượng như qua một trận lũ lụt, sau lũ lụt thì mọi sinh hoạt lại trở lại bình thường. Binh sỹ, dân binh phải có trách nhiệm bảo vệ người già, phụ nữ và trẻ em. Chúng sẽ thực hiện khủng bố dữ dội, giết sạch, đốt sạch, ly tán dân tộc Kinh và dân Mường và các dân tộc thiểu số khác, giữa quân và dân. Chúng ta phải đoàn kết, gắn bó không chia rẽ nhau, một lòng cộng sức thương yêu nhau thì hoạn nan chiến tranh sẽ qua đi.
Ngày 6 tháng tháng 3, năm 1891 đạo quân của thiếu tá Gây từ Tu Vũ đã lên tới đồn Yên Lãng. Dọc đường lên Thục Luyện, nó đã cho binh lính đốt phá tất cả những bản làng, cho lính sục sạo, cướp bóc, đặt pháo bắn vào chân núi Lưỡi Hái và những khu vực đồi núi nghi là có nghĩa quân đóng. Chúng bắn giết những người già yếu, bệnh tật không đi trốn tránh được. Nghĩa quân do Đốc Nam chỉ huy cũng đã chia quân vào các làng bản bám địch, giữ dân, đêm đêm tổ chức đánh tập kích nhưng chỉ diệt được vài tên địch. Khi đêm đến địch thường co cụm lai từng cứ điểm, nghĩa quân vì lực lượng ít lại dàn trải đã không tổ chức tiến công được.
Ngày 13 tháng 3 năm 1891, địch hội các đạo quân tiến đánh chiến căn cứ Thục Luyện, trước sức mạnh của quân Pháp, Đốc Ngữ phải cho quân rút lui về đóng ở xóm Giòn thuộc làng Cự Thắng. Buổi trưa hôm ấy, quân Pháp đuổi theo đánh vào xóm Giòn, nghĩa quân dựa vào thế đồi cao rừng rậm nổ súng bắn trả. Địch cố kết xung phong, bị nghĩa quân bắn hạ tại chỗ 6 tên lính Âu Phi và bắn bị thương 15 tên khác. Buổi chiều tối, địch sợ hãi phải lui quân co cụm, Đốc Ngữ cho binh sỹ rút khỏi xóm Giòn.
Bị đánh trả quyết liệt dọc đường, đạo quân của Béc-gu-ni-u đã tiến được vào làng Cự Thắng, chúng gặp quân của Đốc Ngữ đang rút quân. Đại đội lính Âu Phi do trung úy Be-ra (Berad) và thiếu úy Hiếc-man (Hiertzman) truy đuổi. Đốc Ngữ cử Đốc Dung, Đốc Dụng chỉ huy một số binh sỹ cầm cự, nhưng sau thấy thế quân yếu Đốc Dung, Đốc Dụng vội vã cho binh sỹ rút lui. Trận ấy, nghĩa quân đã bỏ lại số đạn để quân Pháp thu được 6000 viên.
Quân Pháp ở mạn Ngọc Đồng, Ngọc Lập luôn bị những đội quân của Lãnh Tanh, Đề Kiều, Đốc Dị tiến đánh. Đạo quân của Phu-kê luôn trong tình thế bị tiến công, có khả năng bị tiêu diệt. Hai đạo binh đóng tại Cự Thắng, Thục Luyên, Yên Lãng, Yên Lương có nhiều nguy cơ bị vây đánh, đang nao núng tinh thần. Quân Cần Vương vẫn trong tình thế làm chủ, chính trung tướng Đuy-rê tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Kỳ đã nói với các sỹ quan của mình:
- Tình hình phía tây đường Chợ Bờ, Sơn Tây, Hưng Hóa và dọc sông Thao ngày càng rối loạn. Các tướng Đề Kiều, Đốc Ngữ đang làm chủ vùng này.
Y liền lệnh cho các đạo quân phải rút lui về thành Hưng Hóa và SơnTây. Ngày 24 tháng 3 năm 1891 các đạo quân Pháp cho quân rút lui theo kế hoạch. Nghĩa quân của Đốc Ngữ trở về làm chủ địa bàn cũ và hoạt động có phần mạnh hơn. Số quân Pháp ở lại đồn trú trên đất Thanh Sơn tiếp tục bị nghĩa quân tiến công phải đối phó rất vất vả.
Quân và dân trở về làng xóm, căn cứ cũ củng cố lán trại, nhà cửa, hầm hào, chiến lũy. Đốc Ngữ biết rằng địch sẽ không để nghĩa quân được yên, sẽ mở nhiều cuộc tiến công khác lên vùng núi Thanh Sơn. Trong thời gian tạm yên ông đi nhiều nơi xem xét địa thế. Ông ngược dòng sông Bứa, sông Mùa lên Thu Cúc, sang Phù Yên và ngược sông Diêm lên Khả Cửu. Ông đi ngược phía tây Thanh Sơn vượt Đèo Khế đến Thượng Bằng La và chọn vùng Trung Bằng La thuộc Văn Chấn làm căn cứ dự bị, ông cũng cho người liên lạc với Tống Duy Tân, Hà Văn Nho, Cao Điền, Cầm Bá Thước ở căn cứ Hùng Lĩnh Thanh Hóa. Tiến sỹ Tống Duy Tân đã viết lời khen ngợi, kích lệ, coi ông như vị tướng có uy danh nhất vùng Thao Đà. Đại tướng Nguyên nhung Tốn Thất Thuyết đã gửi sắc phong cho ông làm Phó tướng đạo Hà Ninh ( Hà Nội và Ninh Bình) kiêm chức Chưởng vệ.
Đốc Ngữ lên Đại Bản doanh Tôn Sơn để thắp hương tưởng niệm và báo công cho cố Hiệp thống đại thần về chiến công của nghĩa quân và nhân dân Thanh Sơn. Ông gặp Đề Kiều và Đề Hoan. Đề Kiều nói cho ông biết tình hình các nơi. Bên Xuân Áng, Lãnh binh Bùi Hữu Khanh bị giặc giết hại và ném xác xuống cửa ngòi Lao. Công trình Nghĩa trủng đã đưa được 103 nghĩa binh chết trận các nơi về mai táng, nay ông Khanh chết công trình ấy bị bỏ dở. Lãnh Đa người cùng quê cũng bị quân Pháp bắn chết khi vượt sông Thao sang đất Đoan Hùng. Lãnh Hặc bị giặc chém chết tại đình làng Mai Tùng khi ông bị địch bắt không chịu đầu hàng. Mặt trận phía bắc Tiên Động đã bị vỡ, rất ít nơi có thể hoạt động lại được.
Ông được biết tin, tỉnh lỵ Hưng Hóa sẽ được bọn Pháp chuyển từ làng Trúc Phê, huyện Tam Nông sang làng Phú Thọ thuộc huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao. Nghĩa quân ở vùng đồng bằng Bắc Kỳ, tập trung ở vùng Bãi Sậy-Hai Sông đã tan rã. Thủ lĩnh Nguyễn Thiện Kế là em trai của Hiệp đốc Nguyễn Thiện Thuật hy sinh trong một trận đánh lớn ở Trại Sơn. Hoàng Cao Khải được cử làm kinh lược sứ Bắc Kỳ và Lê Hoan về làm tuần phủ Hưng Hóa. Trên vùng Kinh Bắc chỉ còn nghĩa quân của Đề Nắm, Đề Thám hoạt động ở vùng Bắc Giang.
Mặt trận An Tĩnh, quân Cần vương của Đình nguyên Phan Đình Phùng hoạt động tương đối mạnh. Nhưng ở vùng Hương Sơn, Hương Khê, ít dân, khí hậu khắc nghiệt khó có thể làm chỗ dựa vững chắc. Khi Hiệp thống Bích còn sống đã có lời khuyên Đình nguyên Phan Đình Phùng nên di chuyển đại bản doanh ra Nghệ An,Thanh Hóa hay Hưng Hóa có đủ điều kiện về thiên địa nhân hơn. Cái khó là chưa tạo được cục diện mới có lợi cho quân Cần Vương. Phần đất đai có quân Cần Vương hoạt động trên phạm vi toàn quốc đang thu hẹp dần, phần nhiều các lãnh đạo, vị chỉ huy của phong trào có uy tín đã ốm mất, hy sinh, bị bắt tù đày.
Trên vùng Tây Bắc, vùng sông Thao, Hưng Hóa nghĩa quân Cần Vương đang giám sút nhanh sau khi Hiệp thống Nguyễn Quang Bích qua đời. Phó Đề đốc Vương Doãn trở về hoạt động vùng Văn Chấn, Văn Yên đã mất liên lạc. Những người chỉ huy như Chánh Đề Kiều cũng không biết là Vương Doãn đi về đâu. Chỉ còn thấy quân của Lãnh Tám, Đào Chính Lục và Đặng Phúc Thành hoạt động lẻ tẻ, cầm chừng trên đà tan rã. Đề Kiều đã nhiều lần cử người đi tìm Vương Doãn mà vẫn chẳng thấy tăm hơi.
Đã đến lúc, Đốc Ngữ phải dốc binh lực ra đánh để cữu vãn tình hình. Nhưng Đốc Ngữ biết quân của mình quá ít trong tay chỉ còn chừng vài trăm quân. Không dám hành động liều lĩnh. Lần quân Pháp tiến công hồi đầu năm ngoái vào Thanh Sơn, quân ông chỉ có khoảng gần 300 tay súng, lại lúng túng trong việc chia quân ra bảo vệ dân. Nên chỉ huy hết sức bị động, nhiều lúc có cơ hội tiến công tập kích, truy kích mà lực lượng ít quá không dám động binh. Nếu có trong tay vài nghìn quân thì ông đã cho toàn bộ ba đạo quân của Pháp hành quân đến Thanh Sơn không có đường về.
Năm Nhâm Thìn (1892), Đốc Ngữ đang có ý định đánh một trận lớn vào đồn Yên Lãng. Ông lệnh cho Đốc Nam, Đốc Đức, Đốc Dung, Đốc Dụng chuẩn bị nghiên cứu trận địa đánh địch. Đồn Yên Lãng là mục tiêu trước mắt của nghĩa quân. Ngày 5 tháng 2 năm 1892 đang trong không khí tết, thấy có 20 tên lính từ đồn Yên Lãng được cử đi hộ vệ đoàn vận tải lương thực, lực lượng trong đồn giảm đi một phần ba. Chớp thời cơ, đúng 7 giờ tối, bọn lính đang ăn cơm tại nhà ăn, một số về nghỉ tại nhà riêng, tên đồn trưởng về ăn chiều tại chỉ huy sở. Nghĩa quân áp sát đồn, giết chết tên lính gác, tiến thẳng vào chỉ huy sở bắn chết tên đại úy Pu-li-gô ( Pusligou) đồn trưởng ngay tại chỗ. Số đông nghĩa quân khác tiến vào khu nhà ăn xả súng bắn bọn lính đang ăn cơm, nhiều tên bị chết ngay tại bàn ăn. Một số tên giặc liều lĩnh bỏ chạy bị bắn chết, 4 tên Pháp ở nhà riêng bỏ chạy thoát ra Tu Vũ tẩu thoát.
Trận đánh diễn ra nhanh gọn chỉ trong vòng 10 phút. Tuy chưa diệt gọn, nhưng đó là một kiểu đánh tập kích bất ngờ, làm cho quân Pháp không kịp chống trả. Ta tiêu diệt hơn 40 tên địch, thu 50 khẩu súng, 35 000 viên đạn. Đốc ngữ ra lệnh cho thiêu đốt đồn Yên Lãng; lửa đồn cháy suốt đêm, tre nứa qua nhiều ngày nằng hanh khô, cháy bùng bùng, nổ rôm rốp suốt cả đêm. Nhân dân vùng phía đông Thanh Sơn được một đêm đón mừng chiến thắng. Quân quan của Đốc Ngữ tạo ra một chiến thắng bằng chiến thuật tập kích nhanh, đánh địch trong tình huống bất ngờ, gây cho địch những thiệt hại lớn về người và vũ khí, trang bị.
Bộ chỉ huy Pháp tại Bắc Kỳ thấy tình hình quân Pháp bị đánh bại ở bắc sông Đà đã quyết định đánh vào Thanh Sơn lần thứ hai. Lần này chúng lập hai đạo quân. Đạo thứ nhất cử thiếu tá Bô-giơ (BeauJeux) chỉ huy và điều 2 đại đội của trung đoàn 11 lính thủy đánh bộ và 1 đại đội lính khố đỏ ở vùng Bắc Giang về, tổng số hơn 600 quân. Ngày 8 tháng 2 năm 1892, quân Pháp từ Hà Nội lên; ngày 10 tháng 2, chúng chiếm lại đồn Yên Lãng tìm cách tiến công nghĩa quân tại Thục Luyện. Đạo quân thứ hai cử thiếu tá Bô-a-le-vơ (Boalever) thuộc lữ đoàn 2 khố đỏ chỉ huy đưa 500 quân từ thượng lưu sông Thao về Hưng Hóa và cử thêm mội số lính khố xanh và lính tập của các đồn binh Hưng Hóa đến, nâng tổng số quân của hai đạo lên đến 1600 tên.
Địch thực hiện tiến công càn quét vào các trung tâm căn cứ Sơn Hùng-Thục Luyện, đánh vào Cự Thắng, Yên Lương. Chúng tập trung quân theo sông Diêm và đường bộ từ Cự Thắng lên Khả Cửu, căn cứ hiểm hóc nhất của nghĩa quân Thanh Sơn. Nghĩa quân của Đốc Ngữ lợi dụng địa thế rừng núi bắn tỉa diệt nhiều tên địch. Lúc ấy, Đốc Ngữ đang ở xóm Ruộng, chúng phát hiện được liền tập trung bao vây. Trong tình thế nguy hiểm, ông và một số chỉ huy chủ chốt dẫn quân rút khỏi vòng vây lên Trung Bằng La, Văn Chấn vào nửa đêm ngày 18 tháng 2 năm 1992 để bảo toàn lực lượng.
Bọn Pháp kéo vào xóm Ruộng chẳng thấy một ai, nghĩa quân đã rút hết không biết đi phía nào. Hai viên chỉ huy Pháp báo cáo lên Bộ chỉ huy ở Hà Nội rằng, các mục tiêu đánh vào Thanh Sơn không thực hiện được, Đốc ngữ đã cho quân rút lui. Sợ ở lại Thanh Sơn lâu, sẽ bị đánh tập kích, phục kích, truy kích, khó có thể giữ an toàn. Ngày 22 tháng 2, hai đạo quân Pháp được lệnh rút về thành Hưng Hóa và thành Sơn Tây.
Trong lúc quân Pháp đánh mạnh ở Thanh Sơn, thì bên tả ngạn sông Thao suốt từ Việt Trì lên Lâm Thao, Thanh Ba, Hạ Hòa nghĩa quân tiến công các đồn địch để hộ trợ cho quân của Đốc Ngữ ở Thanh Sơn. Tên đại úy Ba-tay ( Bataille) phải cố thủ tại đồn Việt Trì vì quân của Đốc Kình, Đội Bốn đem quân uy hiếp các đồn binh ở Cao Mại, Chợ Lú. Quân của Ba Vân kết hợp với quân của Đề Kiều tiến công đồn Ngọc Tháp lần thứ hai diệt 20 tên địch. Phía nam Thanh Ba, Ba Vân diệt địch ở Lương Lỗ, Tăng Nhi và Nội Đọ. Đốc Hậu tiến công giặc Pháp ở Thanh Hà, Trung Hậu và vây ép lỵ sở Thanh Ba ở Chí Chủ. Đội quân của Tán Dật đánh đồn ngòi Lao lần thứ ba, diệt 12 tên lính Pháp, cho quân vây đồn Hạ Hòa bắn bị thương tên tri huyện. Quân của Đốc Thục đã vây đánh lỵ sở Đoan Hùng, diệt nhiều tên lính khố xanh.
Tại Tam Nông, quân của Đề Thành đã tiến công vào những đội quân Pháp vừa rút từ mặt trận Thanh Sơn về. Tổ chức diệt các đồn bốt nhỏ của giặc Pháp đóng ở Cổ Tiết, Dị Nậu, Văn Lang, Tứ Mỹ, Thạch Nung và Tề Lễ. Suốt hai bờ sông Thao không lúc nào im tiếng súng diệt quân Pháp. Tại Mặt trận Thanh Sơn quân Pháp đã rút, một số cánh quân của Đốc Ngữ trở lại hoạt động nhằm khôi phục các căn cứ bị giặc Pháp đốt phá. Một lực lượng quân chủ yếu của Đốc Ngữ đã lên Trung Bằng La, Văn Chấn chưa rút về. Như vậy, chiến dịch càn quét lần 2 của giặc Pháp vào châu Thanh Sơn nhằm tiêu diệt đội quân chủ lực của Đốc Ngữ đã thất bại hoàn toàn.
Hai năm 1891 và 1892, quân Pháp và quân Nam triều tổ chức hai cuộc hành quân lớn đánh vào vùng căn cứ của Đốc Ngữ tại châu Thanh Sơn đều thất bại, gây ra tâm lý xấu cho quân lính Pháp và quân lính Nam triều. Đại tá Pen-nơ-canh thấy cần chuyển hướng từ tiến công bằng quân sự sáng tiến công bằng biện pháp chính trị. Hắn gặp Lê Hoàn tại lỵ sở Hưng Hóa ở làng Phú Thọ, yêu cầu kiện toàn bộ máy quan lại cấp tỉnh, cấp huyện, các làng tổng trong tỉnh Hưng hóa. Những quan lại tuổi cao, nghi ngờ làm việc cho cả hai phía thì phải cho nghỉ ngay. Mua chuộc những người làm việc cho quân Cần Vương bằng vật chất và ngôi bậc danh vọng. Hình thành một tầng lớp ngụy quyền tay sai đắc lực cho chính quyền thực dân, phong kiến. Dựa hẳn vào tầng lớp hào lý ở làng xã quản lý con người, tiện việc bắt lính, bắt phu, đàn áp những người chống đối. Mở một con đường rộng rãi cho những người chống đối từ bỏ đi với quân Cần Vương, chỉ bắt giết nhưng kẻ thực sự ngoan cố, tha bổng cho những kẻ bỏ hàng ngũ trở về, loại bỏ dần lực lượng binh lính của đối phương bằng cách cho họ một số quyền lợi nhỏ nếu xét thấy cần thiết.
Pen-nơ-canh nói rằng:
- Tiến công bằng quân sự không phải là thượng sách, chỉ có chừng mực thì phải dừng. Nếu như quân Pháp tiến công Đốc Ngữ bằng quân sự tiếp thì đánh hàng chục năm nữa cũng không được, càng đánh càng thất bại. Khi mà quân của họ có người dân hưởng ứng giúp đỡ. Bây giờ phải ly tán quân Cần Vương với dân, tìm vách mua chuộc để người dân không ủng hộ giúp đỡ nghĩa quân, không chỉ đường, không tiếp tế lương thực, không đi lính cho nghĩa quân tham gia chống đối lại quân Pháp. Làm sao những người dân cùng cộng tác với nhà nước Pháp và chính quyền Nam triều thì chẳng phải đánh nghĩa quân Cần Vương cũng sẽ dần dần bị loại trừ. Như vậy, ta chẳng phải đánh mà giặc tự tan.
Tuần phủ Lê Hoàn sốt sắng:
- Ngài nói rất đúng, đối với Đốc Ngữ đánh bại hắn thì quân đội Pháp và Nam triều không thể làm được. Chúng tôi đã có phương án loại trừ hắn, chỉ trong một trận là xong.
- Phương án nào mà hiệu nghiệm vậy?
- Cũng là những phương án mà ngài vừa nói đấy thôi. Bây giờ hắn đang chạy lên Trung Bằng La, châu Văn Chấn. Ngài sẽ đưa lực lượng lên truy đuổi, quân nó ít không cầm cự nổi phải đưa quân trở về Thanh Sơn. Ta cho người đã được mua chuộc là những người thân cận hoặc người dân bản quen biết hắn tìm đón về. Ta biết đích xác hắn về căn cứ nào, cho quân giả làm dân Mường phục kích. Khi quân nó vào trận địa thì ta nổ súng, nhằm vào Đốc Ngữ mà bắn trước. Giết được hắn thì quân nó như rắn mất đầu, ta sẽ diệt hết số quân còn lại dễ như trở bàn tay.
- Việc này quan tuần phủ Hưng Hóa làm được chứ?
- Vâng, chúng tôi đang lập kế hoạch và tin tưởng sẽ thực hiện được ạ!
- Bao giờ thì hoàn thành?
- Chỉ trong năm này thôi.
- Tuần phủ Lê Hoan thật cừ! A ha ! Đốc Ngữ my phải chết!
- Thế còn các cụm quân khác?
- Trước hết ta dùng biện pháp quân sự, sau dùng biện pháp chính trị, tách dân ra khỏi quân phiến loạn, trấn áp khốc liệt, dụ hàng tướng sỹ, những tên đầu sỏ xin hàng, có thể cấp cho một số quyền lợi nhất định. Như thế, chỉ hơn một năm nữa thì bọn giặc cỏ ở hai bờ sông Thao, sông Đà sẽ tan. Nước Nam tự ổn định thái bình, nước Pháp có một phương trời bình yên, tha hồ mà khai thác tài nguyên làm giầu cho mẫu quốc.
Pen-nơ-canh mừng ra mặt:
- Tuyệt vời, thật tuyệt vời! Quân đội Pháp ở Bắc Kỳ đã có Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải nay lại có thêm Lê Hoan thì quân Cần Vương ở xứ này tất phải tan rã.
*
Thực hiện ý đồ đã bàn, Pen-nơ-canh và Lê Hoan đem quân tiến công đánh vào hai mạn tả hữu sông Thao trước, giải tỏa con đường sông và đường bộ Hà Nội-Lào Cai. Việc gấp phải làm là phải dẹp cho được quân nổi loạn, lập trật tự, giải tỏa dân ngay để có thể bắt đầu làm con đường sắt Hà Nội-Lào Cai. Tỉnh lỵ Hưng Hóa phải chuyển dần sang làng Phú Thọ, phải xây dựng các công sở: gồm các dinh công sứ, dinh tuần phủ, đồn giám binh, sở cẩm, doanh trại lính, nhà bưu điện, nhà ga, trường học, phố xá. Biến một làng thành một tỉnh lỵ là công việc khó khăn, lâu dài, nhưng trước mắt phải dẹp mối nguy là quân Cần Vương.
Lê Hoan bàn với công sứ Ka-ga-ra-va (Kargaravat):
- Trên khu vực này còn một tên cầm đầu quân phản loạn nổi tiếng tên là Ba Vân hay còn gọi là Lãnh Vân. Nó họ Ma, gốc Tày đã được Kinh hóa tham gia phong trào Cần Vương từ đầu, lập nhiều chiến công như đánh đồn Ngọc Tháp giết hại 50 quan quân của Pháp, đánh phục kích vào một đại đội quân Pháp tại Trạm Thản giết 20 lính Âu Phi. Hắn được phong chức Lãnh binh từ trận đó, là mối nguy hiểm nhất của ta ở khu vực tỉnh lỵ này.
Viên công sứ vốn là sỹ quan Pháp tham gia nhiều trận càn quét tại vùng này thì nói:
- Chính hắn đã ra hàng với 15 lính, tôi thấy nó có vẻ lanh lợi, sốt sắng cho hắn tạm chỉ huy đồn binh ở Yên Lành, Thanh Ba với 50 quân. Không ngờ, hắn vận động binh sỹ cầm súng quay về với thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích.
- Như thế, ông bị một đòn đau!
- Đúng thế. Nhưng bây giờ hắn ở đâu?
- Hắn bị quân Pháp và quân Nam triều truy đuổi chạy vào rừng Trạm Thản và rừng Quảng Nạp cùng với một số quân trung thành với hắn. Mấy lần quân lính ta đụng độ, bao vây nhưng chưa bắt được hắn.
Viên công sứ Ke-ga-ra-va nhìn Lê Hoan nói:
- Phải vây đánh và giết bằng được tên Ba Vân thì tỉnh lỵ mới Hưng Hóa sẽ được yên. Phải huy động thật đông binh sỹ gồm lính Âu Phi và lính tập, lính cơ tập trung đánh thì may ra mới diệt và bắt được hắn.
- Vừa rồi ta cho quân vây đánh hắn ở Yên Lành, bị hắn phục kích bắn chết 12 lính Âu Phi và 20 lính tập.
Viên công sứ Pháp có vẻ sốt ruột:
- Làm thế nào giết và bắt được hắn, bây giờ?
Lê Hoan đủng đỉnh nói:
- Tôi đã có cách rồi ngài công sứ ạ. Đó là cách phục kích mà hắn thường dùng đánh vào quân ta. Độc dùng trị độc mới ứng nghiệm, ngài cứ bình tĩnh chờ tôi lập công bắt hắn mà không tốn nhiều súng đạn và sinh mạng binh sỹ.
- Thế thì là phép mầu thần kỳ! Ngài sẽ được nhà nước Pháp thưởng Bắc đẩu bội tinh!
- Vô cùng cảm ơn ngài và quan trên! Chúng tôi vì mẫu quốc Pháp xin hết lòng phục vụ!
Thực ra, Lê Hoan đã cho người tìm hiểu hoàn cảnh gia đình Lãnh Vân một cách kỹ càng. Hắn biết Ba Vân có một người vợ trẻ đẹp quê Lương Lỗ, phán đoán rằng Ba Vân thế nào cũng mò về. Hắn cho người giả làm dân đi bắt ếch, bắt cá ở ngoài cánh đồng làng. Chỉ một vài hôm, người đi bắt ếch, bắt cá làm quen với người làng Lương Lỗ, chỉ cho nhà người vợ trẻ của Ba Vân. Đó là ngôi nhà gỗ ba gian xinh xắn, xung quanh nhà đánh nhiều cây rơm, có một vườn chuối tiêu trồng ra sát bờ sông Thao.
Người “ bắt cá, bắt ếch” lại làm quen với viên phó lý của làng. Tên này đã nói rằng thỉnh thoảng vào khoảng nửa đêm vẫn thấy Ba Vân mò về với vợ. Nhưng dăm bữa nửa tháng thôi chứ không phải là liên tục. Viên phó lý còn trẻ tếu táo:
- Ba Vân không phải là Thần Phật, “ cứng nõ” thì hắn mò về, vợ trẻ thế ai mà chẳng nhớ cái tè he. Cứ phải cái thằng tôi, thì đêm nào tôi cũng mò về.
- Đây là vợ thứ mấy của Ba Vân?
- Vợ thứ ba của Ba Vân, còn vợ cả, vợ hai thì Tây nó bắt giết rồi.
- Như vậy thì hắn phải mò về luôn!
- Đúng như thế.
Người “bắt cá, bắt ếch” hỏi như là vô tình:
- Ông ấy bây giờ đang ở đâu?
Viên phó lý làng cao hứng:
- Hắn đang ẩn ở trong rừng già Võ Lao, núi Thắm chứ đâu.
Người “bắt cá, bắt ếch” về báo với Lê Hoan, hắn cho người của sở cẩm cử người về nắm chắc hoạt động đi về của Ba Vân. Vào khoảng ngày đầu tháng 4 năm 1892, chúng đưa một trung đội lính tập về phục bắt, quả nhiên Ba Vân sa lưới. Lúc Ba Vân đang nằm ngủ trên giường với vợ con.
Lũ giặc đưa Ba Vân và người vợ trẻ về giam tại nhà giam Phú Thọ. Lê Hoan yêu cầu Ba Vân đầu hàng, nhưng ông quyết cự tuyệt, chịu chết chứ không thèm theo giặc. Nhiều viên chức Pháp định giao Ba Vân cho dân theo đạo Thiên Chúa trong Văn Lung tử hình trả thù việc ông ta giết Cai Mạ, mấy năm trước. Lê Hoan không cho sợ Giáo-Lương vùng Phú Thọ thù ghét, giết chóc lẫn nhau gây mất an ninh, trật tự. Hắn cũng không dám đem Ba Vân ra bắn, vì sợ dòng họ Ma trả thù y và vợ con. Nên hắn đề nghị với chánh công sứ Pháp đưa về giam tại Hỏa Lò, Hà Nội.
Hắn biết Ba Vân còn có những bí mật cần phải khai thác, nên cho thả vợ Ba Vân về nhà tiếp tục theo dõi. Hắn cho hào lý đến dụ dỗ, mua chuộc người vợ trẻ khai báo về vũ khí mà Ba Vân còn cất giấu. Chúng dọa sẽ giết mẹ con, đốt nhà, giết người thân của thị. Vợ Ba Vân sợ quá đã khai báo kho vũ khí được cất dấu trong vườn chuối, dưới những cây rơm to. Lê Hoan cho quân về tìm thấy một kho súng gồm 120 khẩu, với 2000 viên đạn. Chúng đem về lỵ sở Phú Thọ, coi đó là một thắng lợi lớn không ngờ.
Lê Hoan dẫn quân Pháp về càn quét vùng Chí Chủ. Hắn chia quân làm ba cánh tiến vào gò Dùng, làng Hà trung tâm đồn trú của quân Cần Vương Chí Chủ. Cánh quân thứ nhất gồm hai đại đội lính thủy đánh bộ do đại úy Ma-van (Malval) từ Hưng Hóa đi tàu chiến theo sông Thao đổ bộ lên xóm Bến đốt phá, tiến vào khu huyện lỵ. Một cánh quân khác tiến từ làng Tiên Châu sang do viên Trung úy Bác-tây (Bartay) chỉ huy một đại đội lính Âu Phi từ đồn Ngọc Tháp kéo lên. Một cánh quân thứ ba, tiến từ Yên Lành, Đồng Đốt do trung úy Cờ-ru-di-a (Corudia) trưởng đồn binh Thanh Ba chỉ huy.
Giặc Pháp không thế tiến công vào căn cứ, phải dùng pháo cối bắn vào khu gò Dùng, gò Trường, làng Hà phá hủy một phần căn cứ. Sau mới cho quân ồ ạt tiến vào đồn tiền tiêu và đồn trung tâm. Đốc Hậu thấy không đủ sức giữ, liền lệnh cho Lãnh Cắng và binh sỹ phá vòng vây thoát ra ngoài. Hơn một ngày tiến công, giặc Pháp mới chiếm được căn cứ của nghĩa quân. Chúng bắt được hai người chỉ huy, một người là tên là Hà Khắc Hậu tức Đốc Hậu, một người tên là Hà Khắc Tứ tức Lãnh Tứ; cả hai người này bị sức ép đạn pháo nằm mê man trong hầm.
Lãnh Cắng và một số binh sỹ thoát ra chạy về Hạ Mạo bất ngờ gặp một đại đội lính địch đi tuần tiễu, hai bên bắn nhau kịch liệt. Nghĩa quân bị thiệt hại nặng, Lãnh Cằng cùng một số nghĩa binh đã chiến đấu đến cùng và hy sinh anh dũng.
Chúng đưa Đốc Hậu và Lãnh Tứ về nhà giam Phú Thọ, dụ dỗ hai ông đầu hàng, tiếp tục làm hào lý làng Chí Chủ. Cả hai ông đều không nhận, chúng mang bắn Lãnh Tứ còn tiếp tục giam Đốc Hậu, nhắm khai thác những bí mật khác. Lê Hoan là tên Việt gian thâm độc giết người dã man, nhưng hắn vẫn phải chùn tay bắn giết, sợ dư luận lên án. Đốc Hậu là người trẻ tuổi, đẹp trai, hắn muốn sử dụng vào việc cai trị dân. Một hôm hắn và viên công sứ Pháp mời Đốc Hậu lên cho ăn uống no say và dụ dỗ. Viên công sứ Pháp nói:
- Chúng tôi từ mẫu quốc Pháp sang kinh lý nước Nam rất trọng dụng nhân tài, chúng tôi muốn Đốc Hậu làm việc cho chúng tôi!
Đốc Hậu thản nhiên trả lời:
- Tao thà về đốt than kiếm củi còn hơn làm quan cho giặc!
Tên phiên dịch nói làm sai lời khảng khái của Đốc Hậu rằng: “cho tôi về nhà đốt than kiếm củi còn quý hơn làm quan”. Viên công sứ Pháp liền nói:
- Ý tên này chỉ muốn làm nghề đốt than kiểm củi thì cho hắn về. Nhà nước, quân đội Pháp không giết người lành hiền, thực thà thế này.
Thật là số Đốc Hậu chưa chết. Gặp buối mát trời tính người hiền lành trở lại. Viên công sứ không hiểu lời nói và viên tuần phủ cũng không chú ý nghe, nên chưa thấu, liền cho Đốc Hậu về nhà sống với vợ con. Rất nhiều người dân ở Chí Chủ nghi ngờ chuyện ông Đốc Hậu được tha về. Hỏi ông thì ông cười bảo:
- Bọn Pháp sợ tao thì không dám giết tao đấy thôi!
Thấy Đốc Hậu được trở về, những người theo nghĩa quân cũng tự trở về nhà làm ăn. Hào lý Chí Chủ và các quan chức huyện Thanh Ba đều biết nhưng lờ đi, không ai bị truy bức, nên khu vực Thanh Ba và khu vực quanh tỉnh lỵ Hưng Hóa đóng tại làng Phú Thọ dần dần im tiếng súng chống giặc Pháp.
*
Tại khu vực Đầm Đen, Lang Sơn, Hạ Hòa, Tán Dật đã cho quân rút khỏi căn cứ. Khi quân Pháp tổ chức đánh vào Đại bản doanh Cây Sy, phá được đồn Bồ Đề, Tán Dật thấy không thể ở mãi Đầm Đen, quyết định lui quân theo đường hẻm lên Gia Điền. Sau đó, ông cho quân lên Bằng Doãn thuộc phủ Đoan Hùng, dựa hẳn vào vùng đồi rừng bạt ngàn, cách xa sông Thao. Tán Dật cho lập Đại bản doanh tại gò Tròn, giữa thôn Cổ Tích. Ông cho quân đắp nền, đào hầm, xây lũy dày 1,2 m bằng đất để tránh đạn đại bác và đạn thẳng khi địch tiến công.
Chính tại căn cứ Cổ Tích, ông nhận được tin Hiệp thống Đại thần Nguyễn Quang Bích qua đời. Ông đã cùng Đốc Đen, Đốc Đô lăn lội qua sông Thao lên Tăng Xá vào Áo Lộc gặp Tán Áo cùng đi, theo ngòi Rành lên bến Cổi tìm đường vào Đại bản doanh Tôn Sơn dự tang lễ. Ông đã gặp lại bạn chiến đấu cũ là Đốc Ngữ, Vương Doãn, Đề Kiều, Đề Hoan và rất nhiều bạn đồng niên, đồng ngũ, đồng hương từ khắp nơi về chịu tang. Ông được nghe Đề Kiều nói lại trước khi Hiệp thống Bích mất một ngày có dặn rằng:“Nếu chung cục thất bại thì đem cái chết mà đền nợ nước!”. Đúng là việc nước thiên biến vạn hóa, quân ta ối thời cơ có thể thắng, mà nay lại có xu hướng ngả về thất bại. Vua Hàm Nghi đã bị giặc Pháp bắt đi đầy biệt xứ; Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết thì vội vã đi sang Tàu, như là kẻ trốn chạy, thỉnh thoảng gửi về những lời hứa viển vông. Chỉ những người ở lại dám đem thân mình xông pha trận mạc giết giặc lập công. Tán Dật nghĩ lại mới thấy lòng dân, tinh thần tướng sỹ Cần Vương thật cao cả. Hôm đó, Đề Kiều cho ông biết tin Bố Giáp đã từ trần tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn; Lãnh Mai bị giặc bắt, chúng mua chuộc dụ dỗ không chịu đầu hàng, không thèm nhận một chức quan tước gì đã hiên ngang bước ra pháp trường chịu bắn. Ông ghi nhớ lời của quan Hiệp thống đại thần căn dặn là sẵn sàng nhận lấy cái chết về mình khi thất bại. Nghĩ thế ông thấy tinh thần bay bổng, bước vững chắc lên phía trước, dù nhiều chông gai, trắc trở.
Hiện nay, Đề Kiều, Đốc Ngữ là hai vị tướng xuất sắc, chống Pháp quyết liệt nhất. Ở vùng Thanh Sơn, Đốc Ngữ đã thắng hai cuộc càn lớn, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch. Các sỹ quan Pháp cho rằng, hai viên tướng của Nguyễn Quang Bích vẫn làm chủ vùng Tây Bắc, vùng sông Thao, vùng bắc và nam sông Đà. Các ông ấy đang thực hiện lời dặn của Hiệp thống đại thần, phải cố giữ lấy vùng đất chiến lược này và sẽ liên kết với nghĩa quân Cần Vương ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, tạo thế và lực tiến công giải phóng các tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ và tiến tới giải phóng cả nước. Buộc bọn xâm lược Pháp phải đưa Vua Hàm Nghi về trả lại ngôi vị. Đất nước lại thống nhất, hòa bình và quan hệ với các nước lại bình đẳng như xưa.
Trên đường từ Tôn Sơn về, khi qua sông Thao ông đã chỉ cho hai người đốc binh thân thiết của ông là Đốc Đen, Đốc Đô biết phía nam kia là dãy núi Đọi Đèn, có đỉnh Đọi Đèn cao 389 m. Từ thời Hùng Vương, có vị Phụ quốc, Đại thần, Đại tướng quân Ma Khê đã cho quân lên đỉnh Đọi Đèn, làm một ngọn đèn dầu khổng lồ soi sáng khắp vùng Phong Châu, để thuyền bè của quân dân biết hướng mà xuôi ngược sông Thao. Từ Bạch Hạc lên đây phải qua ghềnh Ba Triệu, Ngọc Tháp, Bái Thiên. Thời Trần đoạn ghềnh Bái Thiên còn nhiều cá sấu, ông Tiến sỹ Nguyễn Thuyên sinh ra và lớn lên ở Vũ Yển đã làm bài văn trừ cá sấu để nhân dân xuôi ngược được bình yên. Thời xa xưa, Hai Bà Trưng và các nữ tướng đã lấy dòng sông Thao này huyết chiến với quân xâm lược nhà Hán. Khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết, Các bà Lê Chân, Bát Nàn, Thánh Thiện cùng các bà Tiên Hoa, Nguyệt Hoa, Quỳnh Hoa, Lý Hoa, Hòe Hoa đã đưa chiến thuyền từ dòng sông Thao vào Đầm Đen lên đầm Ao Châu lập trận tuyến đánh giặc. Nhiều trận đánh dữ dội đã xảy ra trên cửa Đầm Đen và Đầm Ao Châu. Sau vì Mã Viện quân đông, lắm mưu sâu, kế hiểm đàn áp nghĩa quân, các bà nữ tướng đã lần lượt hy sinh anh dũng.
Đốc Đen nghe Tán Dật nói chuyện vui quá thốt lên:
- Quan Tán à, nếu chúng ta bại trận mà chết vinh quang, chắc con cháu ta sau này sẽ lập đến thờ tưởng nhớ chúng ta!
- Gở mồm rồi, đang yên đang lành lại nói chuyện chết!- Đốc Đô khẽ nói.
Lúc đó, Tán Dật lại ngâm vang lời văn:
“ Thác mà trả nước non rồi nợ, danh tiếng thơm đồn“cả nước” chúng đều khen; Thác mà ưng đình miếu để thờ tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ”.
Mọi người ngồi trên thuyền đi ngang dòng sông Thao đều lặng yên. Họ đều thuộc bài Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc từ ngày các vị văn thân Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn về Hội tướng tại Tiên Động. Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đã cho quân chép và binh sỹ tự học thuộc coi như bài học cuộc đời. Họ lặng yên lắng nghe tiếng sóng, tiếng gió từ dòng sông Thao và lời văn bất tử ấy đã thấm vào tâm hồn họ từ lâu rồi.
Hôm đó, Tán Dật và hai viên đốc binh thân cận trở về thăm lại làng Lang Sơn và căn cứ Đầm Đen. Dân làng Lang sơn đã sơ tán đi nơi khác để tránh giặc, vừa có dăm nhà mới trở lại dựng tạm nhà ở. Tán Dật có vào thăm vài nhà, gặp bác Đăng người cùng xóm, ông căn dặn:
- Bây giờ, bọn giặc tuyên truyền nói xấu nghĩa quân, kêu gọi trở về với bọn giặc Tây và chính quyền Nam triều. Mọi người phải tỉnh ngộ trước những lời xuyên tạc, bôi nhọ nghĩa quân Cần Vương. Lúc chiến sự xảy ra thì đi tản cư, lúc bình thì trở về cày ruộng làm ra lúa gạo nuôi nhau. Chúng tôi đã rút lên Bằng Doãn cố thủ chờ thời, tin tưởng rằng sẽ có ngày quân quan chiến thắng trở về.
Bác Đăng hốt hoảng thưa:
- Có một bọn người thường xuyên đi qua đây, chúng hay giết người lắm rồi đổ vấy cho quân quan Tán. Hôm vừa rồi, chính mắt tôi nhìn thấy, chúng chém ông Dần và ông Mậu bằng dao phát cùn. Hai ông kêu ghê lắm nhưng mọi người sợ chẳng ai dám đến cứu. Để dân được yên ổn làm ăn, quan Tán nên cử quân về bảo vệ dân. Chính tôi nghe tiếng một thằng, nó nói:“ Giết cho hết giống dân đàn anh, đàn chị Lang Sơn chúng mày!”
- Thế ông có nhớ mặt chúng nó không? Chúng tôi phải có trách nhiệm trử khử những tên giặc giả danh, trả thù cho đồng bào bị chúng giết hại!
Hôm đó, Tán Dật cử Bác Đăng theo dõi giúp để nghĩa quân tìm giết chúng đi. Bác Đăng vui vẻ nhận lời, mấy người được bác Đăng mời cơm. Chiều tối, Tán Dật và hai viên đốc binh theo đường rừng trở về thăm lại căn cứ Đầm Đen.
Cuộc tiến công của quân Pháp vào khoảng tháng 1 năm 1890, cách đây tròn một năm. Giặc Pháp cử tên Ba-tay đồn trưởng ngòi Lao đưa 300 quân sang đánh trả thù. Chúng đổ bộ lên bờ sông, mở một mũi tiến công từ hướng tây vào Đại bản doanh Cây Sy. Chúng đưa hai đại đội lính khố xanh khoảng 300 tên, từ đồn binh Ấm Thượng xuống đánh từ mặt bắc vào đồi Bồ Đề. Hai đại đội lính Âu Phi khoảng 400 tên, từ Vũ Yển đánh lên. Hướng đông nam này, được tăng cường bốn khẩu pháo 90 ly yểm hộ cho các đội lính Pháp tiến công vào căn cứ Đầm Đen.
Tán Dật đã cử Đốc Đen giữ Đại bản doanh Cây Sy. Khi mọi người vào tới nơi, Đốc Đen kể lại:
- Binh sỹ ta dựa vào thế núi cầm cự, ẩn mình trong các lũy tre, bụi nứa dầy đặc bắn trả quân Pháp. Mấy con đường bờ đắp vào mùa cạn, nước chẳng có, lại rất thuận lợi cho lính Pháp xung phong. Tiếng bọn Pháp hô Văng-xê ( xung phong) ầm vang. Pháo Pháp bắn liên hồi, đạn pháo rơi vào đúng chiến lũy phá đi hàng vạt rào tre. Quân ta nhiều người bị hy sinh, súng bắn chống trả ngày một ít, nguy cơ bị vây và bị tiêu diệt. Chính lúc đó được lệnh của Tán Dật cho quân rút lui.
Đốc Đô và Đốc Thực giữ đồn Bồ Đề, trên thế đồi cao, trung tâm của căn cứ lại là nơi bị pháo bắn trúng nhiều nhất. Pháo bắn từng đợt bốn viên một, chỉ cách nhau có hai ba thước ta. Pháo địch phá hết nhà cửa, doanh trại, lửa tóe ra cháy hết đồ đạc, chiếu chăn. Quân sỹ mặt mày đen nhẻm như bị thui rơm. Đốc Đô nói:
- Trận đó, quân ta bị pháo giết chết mất một nửa, phần nhiều là quân sỹ người Sơn Tây, Thạch Sơn theo ta chiến đấu sáu bảy năm trời, trải bao gian nan vất vả. Khi trời tối, có lệnh rút tôi cho anh em theo đường hẻm rút lên Gia Điền, quân của Đốc Đen đi trước tôi chỉ cách vài chục thước. Ông Tán Dật là người rút sau cùng, chỉ huy anh em đánh chặn tụi giặc đuổi theo nghĩa quân.
Tán Dật nói:
- Chúng ta vẫn còn nhớ như in quên sao được. Trận ấy, tôi ra lệnh rút lui kịp thời chứ chần chừ như các lần trước thì nguy to rồi. Quân Pháp có pháo binh, bắn như để đạn, sát thương nhiều người, chứ chỉ riêng lũ bộ binh quân ta không sợ gì cả. Bọn giặc Pháp nói “pháo binh là thần chiến tranh quả không sai tí nào”. Quân Việt Nam muốn đánh thắng quân Pháp vẫn phải nhờ đến thần chiến tranh. Nghe nói ông Đốc Biêu thuộc đạo Hậu quân Tiên Động mấy năm trước có kế hoạch liều lĩnh cướp pháo của địch nhằm tăng cường cho đội pháo của quân mình ở Tiên Động. Ông ấy đã cướp được trận địa Pháo rồi, tay đã sờ được vào từng khẩu pháo mới xanh định cho trâu đực mụng kéo về dùng thì bị bọn giặc ở đồn Phùng Xá tiến lên phản công. Đốc Biêu quân ít chống đỡ không nổi bị thương nặng và toàn bộ binh sỹ bị hy sinh. Bọn giặc tưởng Đốc Biêu đã chết huy động quân lính lôi các xác lính và xác ông ấy ra bờ sông Thao ném xuống dòng nước đục ngầu về mùa lũ đang chảy xiết.
- Thế thì Đốc Biêu còn sống sao được?
- Nghe nói có người vớt củi trên sông Thao đã cứu được ông ta. Sau gia đình mang về chữa chạy, vết thương khỏi, nhưng bị tật ở chân đi tập tễnh, không thể xông pha được nữa. Hiệp thống Bích đã cho ông ta giải ngũ về quê. Bây giờ ông ta về nhà thả cá, nuôi trâu, bò, dê, ngựa tại Đông Lỗ, phía nam châu Yên Lập. Nghe nói Đề Kiều, Đốc Sơn, Đốc Dị, Đốc Thành và cả Đốc Ngữ nữa thường hay về thăm.
Đêm đó, cả ba người ở lại nằm ngủ tại Đại Bản doanh Cây Sy. Trong một túp lều của một tốp binh sỹ về tìm kiếm Liệt sỹ để chôn cất cho họ sau cuộc chiến. Những kỷ niệm sống chết hơn bốn năm tại căn cứ Đầm Đen cứ dồn về trong mỗi người.
Tán Dật là người tìm và cho quân xây dựng căn cứ Đầm Đen. Khi địch đánh Thanh Mai-Thạch Sơn ông đã nghĩ đến việc cho quân về xây dựng căn cứ này; dựa vào địa thế hiểm yếu, lại gần bờ sông Thao, hộ trợ cho căn cứ Tiên Động về phía đông. Ngày căn cứ Tiên Động bị tiến công, ông đã cho quân đánh địch để hỗ trợ cho quan quân. Trong những ngày Hiệp thống Nguyễn Quang Bích và Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp cho quân lên Mường Lò, Nghĩa Lộ, ông đã làm nhiệm vụ căng địch ra mà đánh, giúp cho đội quân hậu cần chuyển lương thực lên tiếp tế cho nghĩa quân bằng đường sông Thao và đường bộ. Tán Dật phải cho dời căn cứ lên Bằng Doãn là một sự bần cùng, phải làm. Căn cứ Đầm Đen đã giúp nghĩa quân lập bao nhiêu chiến công. Đánh địch tại huyện lỵ Hạ Hòa, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch. Chặn đánh địch ở Vũ Yển, tập kích quân địch đóng quân dọc hai bờ sông Thao. Bốn lần tiến công đồn Ngòi Lao mà trận nào cũng tạo được yếu tố bất ngờ, lập được chiến công.
Trận đầu đánh vào đánh vào đồn ngòi Lao là dựa vào yếu tố chủ quan của giặc, canh gác sơ sài. Trận thứ hai đánh vào yếu tố sơ hở của địch, chúng không gác kỹ phía bờ sông Thao. Trận thứ ba dựa vào yếu tổ thiên nhiên, trời mưa to chúng chẳng ngờ nghĩa quân lại đánh chúng vào lúc trời mưa như té như tát ấy. Trận cuối cùng, quân ta đánh thẳng vào đồn, khi thằng Ba-tay đồn trưởng chỉ huy đi vắng. Quân của Tán Dật đã lập kỳ công, mà chính thằng Ba-tay phải phục tài. Nó nói: “Tán Dật là thiên thần sông Thao, hắn chưa chết còn là mối lo lâu dài của quân đội Pháp và quân Nam triều”. Hơn một trăm tên lính Âu Phi bỏ mạng bên dòng sông Thao, vĩnh viễn không thể trở về nước mẹ.
Đốc Đen chỉ huy chính việc báo về Đại Bản doanh Đầm Đen, ông còn trẻ chưa có vợ. Con nhà nghèo không được ăn học, phải đi lính triều đình ở Sơn Tây. Nhờ Tán Dật dìu dắt, ông đã trưởng thành nhanh chóng, sau này được Hiệp thống đại thần phong chức Đốc binh. Đốc Đen thường được giao những việc khó khăn, có những việc gấp không hỏi ý kiến của Tán Dật trước, ông đều quyết làm ngay. Nhiều việc được thì không sao, có việc hỏng quá không chịu được, Tán Dật nổi nóng mắng là “Thằng tiền trảm hâu tấu!”. Tán Dật làm mối cho Đốc Đen lấy một người em họ tên là Lê Thị Mây. Nay nghĩa quân phải rút khỏi Lang Sơn, cô Lê Thị Mây thì theo gia đình sơ tán lên Y Sơn. Đốc Đen chắc hẳn đang nhớ thương người vợ trẻ da diết. Nằm tại nơi doanh trại cũ, trên mảnh đất Lang Sơn thân thiết, Đốc Đen không sao nhắm mắt nổi.
Đốc Đô, Đốc Thục và hơn một trăm quân giữ cứ điểm Bồ Đề. Trên quả đồi cao hai ông và binh sỹ đã bố trí trận địa rất vững chắc. Cứ điểm Bồ Đề trang bị nhiều vũ khí mới với hơn 50 khẩu súng trường cướp được của địch lại có nhiều thủ pháo tự tạo. Tại cứ điểm làm rất nhiều hầm hào kiên cố, hướng về bốn phía. Bọn địch mà tiến công bằng quân bộ sẽ không đánh chiểm được. Ai ngờ bọn Pháp dùng pháo câu tới hầm hào sụp đổ, một nửa số quân lính chết và bị thương. Địch tiến sát quá, hai ông phải cho quân rút lui, không thể mang theo liệt sỹ và người bị thương. Quân Pháp tiến lên thấy một số người bị thương, kêu gọi đầu hàng. Họ không chịu hàng, chống cự quyết liệt giết thêm nhiều quân giặc. Trong số đó có lính Nhỏ, lính Bình, lính Báu đã bắn địch đến viên đạn cuối cùng. Giặc Pháp chiếm được điểm cao Bồ Đề đã chặt đầu tất cả anh em bêu lên cọc tre. Sau này, anh em ta về làm việc chôn cất Liệt sỹ đã phải gỡ từng cái đầu ra và tìm thi thể từng người đem chôn.
Sớm mai dậy, cả ba vị chỉ huy ra nơi chôn cất các liệt sỹ, Tán Dật đã khóc và than:
- Các em đã vì nước mà hy sinh, Tổ quốc và nhân dân rất biết ơn! Trời cho anh sống chiến thắng quân thù anh sẽ tìm hài cốt các em đem vào nghĩa trang, lập đền thờ tưởng niệm các em. Không để các em nằm sương gió mãi thế này! Hôm nay, các anh đến thăm các em không một nén hương, nhưng các em chứng cho các anh luôn có tấm lòng yêu thương các em vô hạn! Thỉnh thoảng các anh vẫn làm lễ cúng tế các em, có em nào về hưởng không? Các em linh thiêng phù hộ cho các anh đánh giặc cứu nước cứu nhà nhé!
Đốc Đen và Đốc Đô sụt sịt khóc, không ai nói câu gì. Họ hiểu rằng đã đi chiến đấu chống giặc ngoại xâm thì ai cũng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Bây giờ người chết có nói được đâu. Thân xác tan biến hết, linh hồn thì phảng phất trong thinh không. Người đang sống như các ông chưa chắc sẽ còn tồn tại. Khi mà quân thù ngày một đông, một mạnh; quân ta đang ở thế yếu, đang bị truy đuổi. Ước gì nước Nam xuất hiện một vị cứu tinh để đưa dân tộc thoát khỏi ách nô lệ, lầm than.
Ba người lau nước mắt, đứng lên vài vọng những linh hồn Liệt sỹ lần nữa và đi theo con đường núi lên Gia Điền. Đến Hố Hẻm, thuộc Gia Điền mọi người nhìn thấy 7 xác lính Âu Phi bị ta phục kích bắn chết vẫn nằm rãi thây dọc lối đi. Tán Dật kể lại:
- Mình và Đốc Nam đã cho quân phục ở Hố Hẻm này. Bọn lính Âu Phi đuổi tới đã bị ta chặn đánh quyết liệt. Một loạt đạn đầu tiên đã hạ sát mấy tên lính này đây. Sau đó mình cho một tổ ở lại chặn đánh, chúng không dám liều mạng xông lên nữa. Chính hôm đó, Đội Thân chỉ huy và anh chàng Sáu Sậu nói líu lo như chim sáo ấy đã mang về bảy khẩu súng trường Pháp.
Hai viên đốc binh nghe Tán Dật nói quay nhìn thế trận lần nữa và lặng lẽ bước đi. Sau mấy tiếng trèo đồi lội suối, mọi người mới về tới căn cứ Bằng Doãn. Buối chiều, ông cho binh sỹ và người dân giết lợn, giết gà, đồ xôi làm lễ cúng vọng quan Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích tại Đại bản doanh Cổ Tích. Binh sỹ thì đông nhưng dân Bằng Doãn lúc đó mới chỉ có 12 xuất đinh đã vì dự đầy đủ. Ông đã mượn được bài Văn tế Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích của Đề Kiều, đọc với giọng hào hùng, cảm kích để mọi người hiểu thấu về sự nghiệp và công lao của vị văn thân, tướng công anh hùng. Mọi người dự lễ đều khóc thương nhà lãnh đạo kiên trung tài ba nhất của Phong trào Cần vương đã tạ thế, cầu mong cho linh hồn thiêng liêng của Ngài phù hộ độ trì cho tất cả quân dân căn cứ Cổ Tích chiến đấu đến cùng chống giặc Pháp xâm lược.
Nghĩ lại chuyện ấy, lòng Tán Dật chẳng lúc nào yên. Ông biết kẻ thù thế nào cũng tìm cách tiến công vào Đại bản doanh Cổ Tích để tiêu diệt nghĩa quân. Hôm sau, ông cùng với Đốc Đen, Đốc Đô đi từ Cổ tích về hướng bắc lên núi Ông cách khoảng bảy, tám dặm nghiên cứu thế trận và tìm cách đánh trả bọn giặc Pháp tiến công vào căn cứ. Nhìn về Đầm Đen, làng Lang Sơn và nhìn ra xa sông Thao nổi lên giữa miền đồi núi xanh tươi bát ngát xuôi dài về phía đông nam. Phía ấy có cả thành Hưng Hóa, căn cứ Thanh Mai, Thạch Sơn, Việt Trì, Sơn Tây, Hà Nội. Những nơi ông đã từng sống, chiến đấu chống Pháp xâm lược với quyết tâm cao nhất. Ông nhớ tất cả những người mà ông yêu quý như Quan Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích, Hiệp đốc Giáp, Lãnh Mai và hàng trăm, hàng nghìn binh sỹ đã hy sinh và mất vì đất nước. Ông nhớ Đốc Ngữ, Đề Kiều, Vương Doãn, Đề Hoan đang cùng ông chiến đấu trong một cục diện hết sức gian nguy, khó có thể xoay chuyển được tình thế. Tự dưng ông thấy trào dâng bao niềm cảm xúc nhớ thương, trong lòng buồn bã, chân bước trở về căn cứ Bằng Doãn mà cảm thấy chơi vơi.