Quân Pháp phát hiện được sở chỉ huy nghĩa quân Cần Vương đã lui về tổng Mộ Xuân. Đại tá Brít-xô liền sai đại úy Lô-bô-cô (Lobocot) dẫn 300 quân từ ngòi Lao, Hạ Hòa tiến sang đánh. Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đã kịp thời cho phần lớn binh sỹ đạo Hậu quân từ nam Văn Chấn rút về chặn địch. Khi chúng tiến đến khu vực gò Cao, xóm Dần liền bị các ông Lãnh Sành, Đốc Sỏi, đốc Thịnh, Đốc Bài tập trung quân bao vây đánh tiêu diệt. Quân địch bị đánh từ bốn phía, phải phá vòng vây rút chạy. Để lại hơn hai trăm xác chết, nghĩa quân ra thu vũ khí và chôn lũ giặc trong những huyệt mộ chung.
Bọn giặc Pháp bị thua đau, Brít-xô cay cú tiếp tục cử thiếu tá Phe-ry (Ferry) dẫn 500 quân từ Yên Bái, Âu Lâu, Trấn Yên tới đánh. Với lực lượng mạnh hơn nghĩa quân, chúng tràn vào khu vực đình Đạng nghi là nơi có sở chỉ huy. Chúng bị nghĩa quân Cần Vương bao vây, đánh tiêu diệt. Hơn một trăm tên lính Pháp bị giết chết tại chỗ, nằm la liệt từ ngoài ngòi Rành vào khu đình Đạng, máu chảy nhuốm đỏ đường đi. Trận này, nghĩa quân bị giặc Pháp bắn chết hai voi: “Voi Hoàng tử” và “ Voi Công chúa”, còn “ Ông Voi Chúa” thì gầm vang lao vào lũ giặc Tây húc chết một tên chỉ huy Pháp. Lúc đó mấy tên lính Pháp đưa súng lên ngắm bắn, thì bị nghĩa quân bắn chết, giải cứu được cho “Ông Voi Chúa”.
Chiến thắng liên tiếp ở Mộ xuân khiến Hiệp thống Nguyễn Quang Bích rất phấn khởi, liền ra lệnh khao thưởng quân sỹ. Trong dịp này, ông tổ chức lại lực lượng nghĩa quân. Chỉ huy Đại bản doanh được tăng cường thêm quân thường trực về đóng tại Mộ Xuân. Các đạo quân còn lại tại Nghĩa Lộ được rút về hoạt động bên Xuân Áng, Tiên Động, Áo Lộc, Văn Bán, Lang Sơn, Đông Thành. Một bộ phận lớn được tăng cường cho khu vực Thượng Long, Rừng Già, Điêu Lương, Đông Lỗ, Tề Lễ có thể phối hợp với các cánh quân của Đốc Ngữ đang hoạt động bên vùng Sơn Hùng, Thục Luyện, Khả Cửu, châu Thanh Sơn và nam sông Đà.
Những lần giặc Pháp kéo tới Mộ Xuân, trận chiến chỉ cách nơi Đại bản doanh có vài dặm. Những lãnh đạo chủ chốt của nghĩa quân thường phải di chuyển đến ở những nơi có hang động kín đáo, phòng quân địch kéo đến đánh bất ngờ. Bọn thám báo Pháp cũng không biết chắc chắn Đại bản doanh nghĩa quân nay đang ở đâu. Ngay cả việc Hiệp đốc Giáp chết chúng vẫn chưa nắm được. Bọn địch hành quân càn quét vào Nghĩa Lộ vẫn tưởng Hiệp đốc Giáp còn sống đang chỉ huy nên hết sức dè chừng lối đánh phục kích táo bạo và lối đánh tập kích bất ngờ đã làm cho quân Pháp nhiều lần bị thiệt hại nặng.
Binh sỹ Pháp bị thua đau hai trận ở xóm Dần và đình Dạng, chúng hoảng sợ khi nghe hai tiếng“ Mộ Xuân”. Đại tá Brít-xô cho rằng quân Cần Vương cũng không còn ở Mộ Xuân, Đại Bản doanh đã rút rồi, nên thấy không cần điều quân đến đánh nữa. Cho rằng, tổ chức hành quân càn quét bị đánh thiệt hại như các lần vừa rồi thì thật đáng sợ. Vùng Mộ Xuân, Quế Sơn lại được bình yên, người dân trở về cuộc sống lao động cày cấy làm ruộng, làm nương. Lợi dụng chính sách bình định của giặc Pháp, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích chủ trương kiện toàn bộ máy điều hành làng xã, châu huyện. Nhiều nơi, hào lý, quan lang, tri châu huyện nhận làm việc cho chính quyền tay sai của Pháp nhưng thực chất là làm việc cho nghĩa quân. Bọn giặc Pháp có biết điều đó nhưng không thể thanh lọc được ngay. Chúng còn nghi ngờ rằng ngay cả những người làm việc hàng ngày với các chánh sứ, thống sứ Pháp ở thành Hưng Hóa, Sơn Tây và Hà Nội chưa hẳn đã quy thuận hoàn toàn.
Thanh thế của quân Cần Vương tại vùng sông Thao, Tây Bắc chưa hề bị giảm sút. Nghĩa quân nhiều nơi được tăng cường, vũ khí được trang bị ngày càng mới. Súng đạn mà quân Pháp bị mất ngày càng nhiều, nghĩa quân chiếm được đã biết sử dụng đánh lại quân Pháp ngay tại trận. Điều đó đã làm cho các sỹ quan chỉ huy Pháp phải dè chừng những lối đánh táo bạo bất ngờ không thể tưởng tượng và không thể lường hết được.
Một hôm Phó Đề đốc Vương Doãn bàn với Hiệp thống:
- Tình hình địch lúc này tạm yên. Nhưng ở hai bờ sông Thao, quãng huyện Cẩm Khê, Tam Nông có một bọn người thường lấy danh nghĩa quân Cần Vương nhũng nhiễu, giết người cướp của. Tướng công cho tôi đem một đội binh sỹ đi đánh dẹp bọn này. Chỉ một vài hôm diệt xong lũ phiến loạn thì tôi lại dẫn quân về doanh trại.
Hiệp thống đồng ý và dặn:
- Lãnh binh cần phải liên hệ với Tán Dật, Tán Áo, Đốc Xù, Lãnh Khanh, Đốc Hậu, Lãnh Vân, Đốc Sơn cùng làm. Việc giữ yên lòng dân là rất cần, nhưng việc bảo toàn tính mang binh sỹ lúc này cần hơn. Hẹn trong ba ngày phải mang quân trở về đây còn phải đi làm nhiệm vụ mới.
Được sự đồng ý của quan Hiệp thống, Lãnh binh Doãn hớn hở dẫn một đội gồm 30 quân sỹ của đạo Trung quân ra bến Cổi lên thuyền xuôi ngòi Rành ra làng Tăng Xá bên bờ sông Thao. Vương Doãn tìm gặp Đốc binh Lê Duy Tiến, thuộc quyền chi huy của Tán Áo. Khi ấy quân Pháp đã rút, nghĩa binh lại trở về đóng giữ tại bờ sông Thao. Đốc Tiến thấy Vương Doãn đến hỏi mượn thuyền và người bơi liền hỏi:
- Phó Đề đốc có việc chi mà mượn thuyền và người bơi? Trên sông Thao giặc Pháp kiểm soát rất ngặt nghèo, khó có thể xuôi thuyền về đồn Hưng Hóa.
Vương Doãn nói:
- Tôi được tin đồn binh Hưng Hóa giặc Pháp rất chủ quan, canh gác sơ sài phải cho quân về tập kích đánh úp tiêu diệt, cướp lấy một số vũ khí trang bị cho quan quân. Xong việc, tôi sẽ cho bơi sang bờ tả sông Thao dìm thuyền xuống rồi lên bờ theo đường đồi rừng rút quân về. Sau này yên, ta sẽ cho người về mò lấy thuyền chẳng bị mất đâu mà sợ. Ông và một nửa số quân của tôi ở lại coi việc phòng giữ chờ tôi thắng trận trở về trình quan Hiệp thống.
Đốc Tiến là người hăng hái thấy việc đánh giặc là đồng ý ngay, liền cấp cho 2 thuyền bốn cắng và cử một đội quân 8 người gồm những binh sỹ bơi thuyền giỏi giúp Vương Doãn. Đêm 30 tháng hai, trời mưa phùn, tối như bưng, hai chiếc thuyền chở 15 binh sỹ của Phó Đề Đốc Doãn lượt nhanh như tên bay trên dòng sông Thao chảy xiết, khoảng nửa đêm đã về bên đồn Hưng Hóa. Vương Doãn và binh sỹ thuộc đạo Trung quân quá quen thuộc khu vực này. Khi thuyền cập bến họ lập tức nhảy lên bờ và tiến vào đồn giặc.
Đến cổng đồn Hưng Hóa, tên lính gác không hề biết gì. Vương Doãn rút dao đâm tên lính gác, nhưng tên lính gác chưa chết ngay, kêu rống lên chạy vào trong sân đồn. Bọn giặc đang ngủ say giật mình tỉnh dậy, thét la ầm ĩ, đèn bỗng sáng như ban ngày. Quân của Lãnh Doãn xông vào đồn, dùng thủ pháo ném vào các phòng, dùng súng bắn tiêu diệt từng tên địch ngoan cố chống trả. Lãnh Doãn và ba tay súng bắn rất chính xác diệt ngay được tên quan ba Pháp chỉ huy đồn, hạ sát những tên mang súng chạy ra phía sân đồn. Bọn giặc như rắn mất đầu, hoảng loạn bỏ chạy ra đồi. Mấy chục tên giặc Pháp bị giết tại chỗ, quân ta xông vào nhà, đến chỗ giặc nằm chết tước lấy súng đạn và lặng lẽ rút ra bến sông. Tất cả xuống thuyền bơi sang bờ tả, ngược lên phía trên gành Ba Triệu, tìm lối lên, dìm thuyền xuống sông, vượt đê đi vào trong mạn đồi rừng thuộc làng Dòng lúc trời vừa rạng sáng. Đêm đi, ngày nghỉ, ngày thứ năm đoàn mới trở về làng Tăng Xá.
Đốc Tiến vui mừng thấy đoàn an toàn, Vương Doãn chia sẻ niềm vui chiến thắng cấp cho đội quân của Đốc Tiến 10 khẩu súng trường Pháp. Đoàn quân của Vương Doãn lại mau chóng ngược ngòi Rành về Mộ Xuân trình diện quan Hiệp thống.
Đúng ngày hẹn, không thấy Vương Doãn về, Hiệp thống Quang Bích nóng ruột vô cùng. Ông cho người đi tìm, nhưng chẳng ai biết Vương Doãn đi đâu, ông sinh nghi nói với binh sỹ:
- Ôi, Vương Doãn theo ta lâu ngày vất vả, nay giả tìm đường đầu thú, mưu đồ phú quý vinh hoa chăng? Quan quân hãy nên thận trọng, đề phòng!
Đến canh hai, vệ binh vào báo quan Hiệp thống rằng Vương Doãn đã về. Ông vùng dậy ra đón, Vương Doãn thuật lại mọi chuyện, ông nghe thấu rồi nói:
- Chỉ huy quân táo bạo bất ngờ đánh thắng giặc như thế là tốt! Nhưng phải được bàn bạc kỹ rồi hãy đem quân đi đánh. Một mình quyết định còn có chỗ sơ hở, nhỡ ra thất bại thì sao? Để tướng sỹ ở nhà sốt ruột chờ mong, nghi hoặc là điều không tốt đâu. Lần sau không nên làm như thế nữa nhé!
Vương Doãn vâng dạ, xin lỗi, hứa sẽ không làm cho Hiệp thống phải lo nghĩ về tính tự do của mình. Hiệp thống không quên khen thưởng cho Vương Doãn 10 đồng tiền vàng và các binh sỹ mỗi người 5 đồng tiền vàng vì thành tích lập nên chiến công giết chết hơn 30 tên giặc Tây, trong đó có hai sỹ quan Pháp, lấy được 40 khấu súng và 5000 viên đạn.
Đêm đó, ông bảo Vương Doãn ở lại ngủ tại Đại Bản doanh Tôn Sơn. Sớm mai, Hiệp thống ngồi nói chuyện với Vương Doãn rất lâu. Ông bàn về việc phá thế bao vây cô lập của quân địch. Vương Doãn có ý kiến:
- Bây giờ quân ta nên căng địch ra mà đánh. Ta điều quân tiến đánh các nơi, chúng phải bị động chống đỡ, ta có điều kiện tiêu diệt chúng hơn. Không nên đóng cố thủ một chỗ như trước, địch tập trung đánh ta vỡ trận, thế quân sa sút nhanh. Các đạo quân của ta, biên chế đủ đã đưa về Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa, Tam Nông, Lâm Thao hoạt động. Các đơn vị này tổ chức ra quân đánh mạnh, lập tức chúng không dám điều binh đánh vào Mộ Xuân. Đại bản doanh của ta ở đây sẽ được yên ổn lâu dài. Việc điều binh, khiến tướng của các tướng lĩnh sẽ dựa hẳn vào tin tức do đội quân lưu linh đưa đến. Địch có điện báo, còn ta thì lập trạm quân chạy bộ, khi phát triển lên ta cũng học cách thay thế bằng điện báo.
Hiệp thống gật đầu:
- Ta đồng ý với lời Vương Doãn vừa bàn. Ông và Đề Kiều tiến hành điều quân ngay đi. Đánh thật mạnh vào các đồn binh, các huyện lỵ, châu lỵ và tỉnh lỵ diệt thật nhiều địch. Giặc Pháp bị đánh tiêu hao, quân không kịp bổ sung, tốn kém, sẽ giảng hòa với ta, lui binh về nước.
Vương Doãn lại nói:
- Đánh tiêu diệt như trận đánh đồn binh Hưng Hóa vừa qua thì thằng giặc nào mà chẳng khiếp sợ! Hiệp thống đồng ý với phương án đánh giặc trên là tướng sỹ ta vui rồi. Tôi sẽ bàn với Đề Kiều, Đốc Ngữ ra quân ngay, lập công thật nhiều báo về cho Tướng công hay.
Hiệp thống nhắc nhở:
- Quân quan tại ngoại cố gắng giữ gìn kỷ luật. Không được xâm phạm của cái của dân, ức hiếp dân, phải giữ được lòng dân, giữ được niềm tin của dân, tham gia tích cực việc bảo vệ dân. Bây giờ giặc Pháp thực hiện“ chia để trị”, ta chống lại sự chia rẽ là ta sẽ thắng địch. Kẻ thù đang gây mâu thuẫn Giáo-Lương và các dân tộc anh em, ta đoàn kết được thì ta sẽ tồn tại và vững mạnh.
Vương Doãn hỏi:
- Bây giờ bọn tay sai của quân Pháp rất tàn ác, có những tên rất ngoan cố nên xử lý thế nào?
- Những tên nào thực sự gian ác, ngoan cố thì phải xử tử ngay. Có như thế bọn chúng mới chùn tay, không dám làm hại quân dân ta nữa. Nhưng đối với quan lại người Việt, ta tranh thủ được nhiều người càng tốt cho ta, phải bảo vệ họ, không nên trừng trị bừa bãi có hại cho ta về sau.
Quan triệt tinh thần tiến công địch, phá thế bao vây, quân dân Yên Lãng, Thanh Sơn lập công đầu, phục kích bắn chết tên Tri phủ Lâm Thao Nguyễn Kế Hào cầm đầu và diệt 350 quân giặc cùng hắn đi tuần tiễu. Quân của Lãnh binh Bùi Hữu Khanh tiến công địch trên tuyến ngòi Lao diệt hai mười tên giặc Pháp. Nghĩa quân Đào Xá, Thanh Thủy, dưới sự chỉ huy của Đốc Thành đột kích giết chết tên quan hai Pháp tên là Giắc-cô (Jacquot) đang bắt dân phu làm đường đê Đào Xá vào La Phù, Thanh Thủy. Tại Cẩm Khê, Đốc Xù, Tán Áo, Lãnh Hinh cho quân tiến công huyện lỵ bắn bị thương tên tri huyện và diệt gọn một đồn binh khố xanh. Tại khu vực Rừng Già, Đọi Đèn, Đề Kiều và Đốc Sơn đánh tiêu diệt 50 tên giặc Pháp khi chúng liều lĩnh cho quân vào khu Hố Trò, thu 40 khẩu súng và mấy trăm viên đạn. Nghĩa quân của làng Tiên Động, do Đốc Đông chỉ huy chặn đánh quân địch tại khu gò Dọc, đầm Đào diệt 20 tên Pháp. Trên đường Cao Xá, Trình Xá, Bản Nguyên thuộc Lâm Thao, nghĩa quân của Đốc Kình diệt hàng chục tên giặc Pháp từ đồn binh Việt Trì lên càn quét. Trên vùng Nghĩa Lộ, Văn Chấn chỉ huy Pháp cho xây đồn Mường Lò bị nghĩa quân của Đốc Lục, Phó đốc Thành liên tục bao vây làm cho bọn giặc phải chịu nhiều thiệt hại. Nhiều nơi, quân và dân cùng phối hợp tác chiến, lực lượng đông đến 200 hoặc 400 người như trận đánh huyện lỵ Cầm Khê, trận vây phủ Lâm Thao. Như vậy, thanh thế của nghĩa quân Cần Vương vùng sông Thao-Hưng Hóa không hề bị giảm sút mà tăng lên nhiều.
Nhưng tại vùng đồng bằng Bắc Kỳ tình hình nghĩa quân Cần Vương đang có chiều hướng tan rã. Sau Khi Vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt đầy đi biệt xứ, các đội nghĩa binh gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Đốc Tít bị vây ở Trại Sơn đã ra hàng, Nguyễn Thiện Kế đang lâm vào thế cùng, các đội nghĩa binh có chiều hướng tự vỡ. Hiệp thống phải phái người về tạo dựng lại phong trào. Năm trước Nguyễn Tử Ngôn xuôi Ninh Bình chưa có tin báo lên. Năm nay cử nhân Trần Ngọc Dư mới lên căn cứ Hiệp thống bảo phải về ngay. Những người thân cận như Lãnh Gáo, Lãnh Nhưỡng thì ông luôn phái về, có tin tức gì mới thì họ lại lên ngay. Vũ khí từ nguồn Trung Quốc sang, từ nguồn cướp được của giặc, ông phân phối gửi về xuôi để cố tạo dựng lại phong trào chống Pháp.
Nghĩa quân của Đình nguyên Phan Đình Phùng ở An Tĩnh, Quảng Bình đang được củng cố. Các Quân thứ hoạt động khắp bốn tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa nay mạnh hơn. Súng ống do tướng Cao Thắng tự tạo được ngày càng nhiều, quân sỹ ngày càng đông, họ có hướng đánh vào các thành thị lớn để khuếch trương thanh thế. Ngoài Thanh Hóa, Tiến sỹ Tống Duy Tân đã xây dựng lại căn cứ Hùng Lĩnh, huy động được hàng ngàn binh sỹ. Có thể vươn dài, vươn xa ra phía đống bằng Bắc Kỳ và Ninh Bình, Sơn La.
Mỗi lần tiễn người đi tâm trạng của Hiệp thống cùng xôn xao theo bước chân của họ. Nhiều khi nhìn lên đỉnh núi cao, ông ước gì mình cũng như làn mây trắng, bay nhanh về quê hương. Nhờ nhà, nhớ vợ con, anh em, nhớ bằng hữu lòng xiết bao sầu muộn. Nhiều cái nhớ vẩn vơ, nhìn làn sương bay và hơi lam chướng trong rừng sâu mà tim gan tê tái. Buồn nhất là lúc chiều tà, nghe chim cuốc kêu hoài và những đêm dài nằm trong gió mưa liên miên. Nhiều lần ông nhìn những người lính trẻ vô tư nắm gối đầu lên gươm súng ngủ, ông lại không dám nghĩ đến nhà, đến thân mình nữa. Ông nhìn tướng sỹ của mình ung dung ra trận mà cảm động đến rơi nước mắt và thầm nghĩ mình đã là người của nước, của dân từ lâu rồi.
Vào trung tuần tháng 8 năm Kỷ Sửu ( 1889), con cháu ở quê cùng với ông Cảnh Tinh ở làng Ngoại Lãng lên thăm ông tại Đại bản doanh Tôn Sơn. Bữa đó, Cảnh Tinh nói thầy Tiến sỹ Doãn Khuê từ quan về đã mất trước cả thầy Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị hai năm. Ông ôm mặt khóc rưng rức nhớ thương những người thầy hết lòng vì dân vì nước đã dạy dỗ ông nên người. Chính thầy Doãn Khuê đã tiến cử ông với Đức Vua Tự Đức. Khi chấm bài thi Đình chọn ông đỗ Đình Nguyên Hoàng giáp, Đức Vua khen ông và nói: “ngươi đã không phụ lời đề cử của Doãn khanh”. Và chính Vua Dục Tông đã chọn mặt gửi vàng cử ông về làm Chánh sứ Sơn phòng Hưng Hóa để làm rường cốt sau này giữ lấy cơ đồ của vương triều.
Thấy ông gầy yếu, con cháu ai cũng muốn ở lại để trông nom hầu hạ. Người con cả tên là Ngô Quang Đoan mới 17 tuổi khẩn khoản yêu cầu cha cho ở lại chiến khu, ông gạt phắt đi nói rằng:
-Ta đã đem thân cống hiến cho nước, không cần phải thăm hỏi cho tốn công đi lại. Sau này có nhớ đến ta cứ lấy ngày thành Hưng Hóa thất thủ làm ngày giỗ. Các con cháu hãy về nhà chăm chỉ học hành, ngõ hầu khiến cho gia thanh nhà ta không sa sút là được rồi. (1)
Chú thích:
(1) . Dẫn theo Ngư Phong tướng công hành trạng, sđd tr426 và một số chi tiết trong nhưng trang sau đều lấy từ bài viết này.
Riêng cậu ấm Đoan thì dùng dằng không muốn về, ông phải nói to:
- Con là lớn nhất, mẹ con ở nhà đang trông cả vào con! Con cố gắng theo học thấy Phó bảng Trần Xuân Sắc cho thật giỏi, sẽ có ngày con giác ngộ tìm ra con đường cứu dân, cứu nước. Non sông ta, dân Việt Nam ta đang trông vào thế hệ con cháu gắng sức giành lấy lại cơ đồ, cứu nguy dân tộc. Con sẽ có nhiều cơ hội ra đi để thi thố tài năng làm nên danh phận.
Nghe lời ông, Cảnh Tinh dẫn cả đoàn trở về quê hương. Hôm ấy trời thu xanh ngắt, núi non cùng một màu xanh quyến dũ, ông vui chân đi ra tận ngòi Rành tiễn. Khi mọi người đi khuất, ông mới trở về Đại bản doanh cùng với Đề Kiều, Đề Hoan, Đề Doãn và Đốc Ngữ. Các ông lại ngồi bàn tiếp tục cho quân tiến công diệt địch, hỗ trợ đắc lực cho các vùng miền trong cả nước chống giặc.
Tại các Hội nghị tướng lĩnh đầu năm 1890, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đã xác định quyết tâm chiến đấu đến cùng. Mặc dù tướng sỹ đều biết sự việc đã diễn ra, Vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt đi đày sang An-giê-ri. Nhưng ông vẫn quán triệt tinh thần tư tưởng cho tướng sỹ coi Vua Hàm Nghi vẫn tại vị, mọi người ra sức giết giặc để buộc bọn giặc Pháp phải giảng hòa, đưa Vua Hàm Nghi trở lại ngôi. Nước Nam trở lại hòa bình, độc lập, quan hệ với các nước khác lại theo thể thức như trước đây.
Tại Đại bản doanh Tôn Sơn, Hiệp thống liên tiếp nhận được tin chiến thắng báo về. Giặc Pháp bị quân Cần Vương đánh khắp nơi, nhiều khu vực quan quân vẫn làm chủ thực sự. Quân Pháp chỉ bình định trên danh nghĩa mà thôi còn nghĩa quân vẫn là người kiểm soát tuyệt đối nhiều vùng miền.
Trên vùng rừng núi Quảng Nạp, Thanh Ba nghĩa quân của Đốc Hậu kết hợp với quân của Đốc Ngữ phục kích đánh vào một đội lính Pháp đi tuần tiễu. Đã bắn chết tên thiếu úy Ê-rê ( Ehre), diệt tại chỗ 6 tên, bắn bị thương nhiều tên khác. Bọn giặc phải tháo chạy, quân ta thu được 15 khẩu súng và nhiều trang bị. Bọn giặc Pháp từ đó ghê sợ không dám đi tuần tiễu vào rừng nữa.
Tại vùng rừng Thạch Khoán, Thanh Sơn, quân của Đốc Ngữ đã phục kích đánh một đơn vị thám báo Pháp do thiếu úy Ma-ghen (Margaine) chỉ huy. Trận đầu quân ta đã diệt tại chỗ 3 tên trong đó có tên thiếu úy Ma-ghen và bắn 11 tên khác bị thương. Chúng tháo chạy, sau được quân Pháp từ đồn binh La Phù, Thanh Thủy lên chi viện. Chúng quay lại đánh, khi đó quân của Đốc Nam từ căn cứ Sơn Hùng-Thục Luyện và quân của Đốc Dị từ Hoàng Xá, Thanh Thủy dồn quân ra đánh trả diệt 15 tên, ngăn được giặc phản kích. Biết không thể thắng, quân Pháp phải rút lui, nghĩa quân của hai nơi truy kích, phục kích tiêu diệt thêm 17 tên nữa.
Trận phục kích giặc ở Thạch Khoán và trận phục kích tại Yên Lãng, Thanh Sơn đã gây được tiếng vang. Chúng sợ uy danh của Đốc Ngữ, coi Đốc Ngữ như một vị cứu tinh, một người anh hùng vô địch. Trên thế thắng trận, Đốc Ngữ tung quân ra đánh khắp nơi, nhiều khi còn vào phối hợp với quân Cần Vương Thanh Hóa đánh giặc tại nhiều vùng ở Quan Hóa, Hậu lộc, Nông Cống.
Học tập các đánh của Vương Doãn, Đốc Ngữ cho quân về đánh tập kích thị xã Sơn Tây. Một bộ phận nghĩa binh xuất phát từ căn cứ Sơn Hùng-Thục Luyện, lợi dụng đêm tối nước sông Thao lên to, cho thuyền bơi về phía nam thị xã, tiến công đồn giặc, đốt cháy một số nhà binh, cốt để bọn giặc trong thành tập trung về phía nam thành. Một bộ phận lớn quân Đốc Ngữ, đi bè mảng đổ bộ lên sát nhà tù ở cửa Bắc thành, tiến công bọn lính cai tù, giải thoát cho 174 tù nhân, phần lớn là người của nghĩa quân Cần Vương trong đó có Đốc Nam vừa bị địch bắt khi dẫn quân từ Thanh Thủy sang Ba Vì, Sơn Tây hồi đầu tháng 7 năm 1890. Sau đó quân ta lặng lẽ rút lui về các căn cứ của nghĩa quân tại vùng núi Ba Vì.Trận này quân của Đốc Ngữ diệt hơn 130 tên địch, làm cho chính Bộ chỉ huy Pháp tại Bắc Kỳ phải bàng hoàng, lo sợ.
Tại Đại Bản doanh Tôn Sơn, tin chiến thắng của đội quân Đốc Ngữ lập nên tại Thạch Khoán và thị xã Sơn Tây đưa đến, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích rất mừng. Vì thực sự đội quân của ông lãnh đạo đã không ngừng lớn mạnh, trải qua nhiều thử thách gian lao, hy sinh, mất mát rất nhiều vẫn cứ tồn tại và phát triển lên không ngừng. Điều đáng ghi nhận là quan quân ngày càng trưởng thành, tìm ra nhiều cách đánh thích hợp, hiệu quả hơn nhiều lần trước đây; làm cho Bộ chỉ huy Pháp phải hoang mang, chưa tìm ra cách giải quyết. Họ nói rằng cứ đà này, thì chẳng bao lâu, quân Pháp phải thua, người Pháp phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam.
Nhìn vào thực lực của quân Cần Vương cả nước, nhiều nơi lâm vào tình trạng thất bại trầm trọng. Vua Hàm Nghi đã bị giặc Pháp bắt đưa đi đày biệt xứ, Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết chưa hồi hương, chỉ đạo ở tầm xa không có hiệu quả gì. Nhưng sức mạnh của quân CầnVương trong nước đang dần hồi phục. Đình nguyên Phan Đình Phùng và Tiến sỹ Tống Duy Tân đã về nơi căn cứ xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho những cuộc tiến công mới. Thế mạnh của ba vùng Hương Khê, Hùng Lĩnh, Hưng Hóa với ba trụ cột của đất nước là Nguyễn Quang Bích, Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân hoàn toàn có thể xoay chuyển được tình thế của đất nước theo chiều hướng thắng lợi, Phong trào Cần Vương nhất định đi đến đích cuối cùng.
Tháng 10 năm, Canh Dần ( 1890), ông truyền lệnh cho các đạo quân, đội quân đóng trên khắp các địa bàn chiến lược chuẩn bị đầy đủ khí giới, lương thực, sang xuân mới sẽ ra quân đánh địch. Các đơn vị ở tiền phương phải có trách nhiệm nghiên cứu, điều tra tình hình, sẵn sàng đánh địch trên cùng một thời gian; tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng tự do, giành lấy dân, tăng cường lực lượng; hỗ trợ đắc lực cho các Quân thứ, các đội nghĩa quân tại các vùng chiến lược Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Ngờ đâu trời chẳng chiều người, vào ngày 13 tháng Chạp, năm Canh Dần, Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đột ngột mắc bệnh. Tướng sỹ trong quân doanh hết lòng tìm cách cứu chữa, đón các thấy thuốc giỏi khắp nơi về bắt mạch, cắt thuốc uống, nhưng bệnh không hề thuyên giảm. Ông không ngồi dậy được, đêm nằm thường hay mê man, người nóng như lửa đốt, chân tay yếu dần, sắc mặt võ vàng, xanh xao. Đêm ông nằm mơ thấy một cụ già đầu tóc bạc phơ, đạo mạo bước vào, tay cầm tờ giấy có hai câu thơ:
Chi lý đạt quan tu tự ngộ,
Công danh đáo thủ dục thùy thành.
Nghĩa là: “ Cái lý cao nhất nên tự mình giác ngộ, sự nghiệp sẽ có người kế tục làm nên thành công”. Ông toan hỏi ngọn ngành, bỗng gió thổi bay bức mành, thực dậy mới biết là mình chiêm bao. Sáng hôm sau, các quan văn võ đến thăm hỏi, ông vùng dậy nói chuyện như thường, mọi người vô cùng mừng rỡ.
Đến ngày thứ 3, Ông linh tính thấy có điều chẳng lành, những vị tướng dưới quyền như Đề Kiều, Đốc Ngữ, Đề Hoan, Phó Đề đốc Doãn cùng đến thăm. Ông mệt không ngồi dậy được nhưng có lời căn dặn riêng. Ông bảo Đề Kiều rằng, nếu như ông có điều mệnh hệ gì thì phải đảm đương trách nhiệm chỉ huy quan quân chiến đấu giữ vững khu vực phía tây và đông sông Thao. Ông căn dặn Đốc Ngữ, phải chỉ huy quan quân đánh mạnh và cố giải phóng giữ lấy vùng đất rộng lớn phía bắc và nam sông Đà; còn Vương Doãn thì chiếm giữ vùng Sơn La, Lai Châu, Bắc Tấn, Bảo Thắng, Văn Chấn. Đề Hoan thì trông coi huấn luyện quân và coi giữ Đại bản doanh. Lãnh đạo chung Phong trào Cần Vương cả nước nên cử Tiến sỹ Đình nguyên, Bình Trung tướng Phan Đình Phùng làm Thống soái, Tiến sỹ Tống Duy Tân làm Phó Thống soái. Các tướng nên bàn với các ông ấy nhận trách nhiệm chỉ đạo chung mà Đại bản doanh không nên đóng quá lâu trong vùng rừng núi Hương Khê, Hương Sơn đất hẹp người thưa, mưa sối nắng thiêu nên chuyển dần ra Thanh Hóa hoặc Hưng Hóa có nhiều yếu tố thuận lợi về thiên, địa, nhân.
Bữa chiều, ông Chương đầu bếp bưng đến một nồi cháo cá mỵ câu được trong khe Cháu rất thơm ngon, xơi một bát mời ông ăn, nhưng ông lắc đầu, bảo xơi ra mời mọi người cũng ăn. Đến tối, bệnh sốt lại phát dữ dội, đến giờ Ngọ sốt tuy giảm nhưng ông lại nằm mê man. Ông mơ thấy hàng vạn quân đạp gió cưỡi mây, cờ xí rợp trời không biết từ đâu đến, người đứng đầu đoàn quân ấy nói:
- Kính mời Đại thần, Tướng quân đi về phía bắc có Quốc thư đệ trình!
Ông đi nhanh về hướng bắc, cầm Quốc thư đọc, rồi trịnh trọng để trên giá sách. Lúc ấy, ông bừng tỉnh mới biết là mình vừa chiêm bao, chỉ còn nhớ trong Quốc thư có ghi một câu về thời thế: “Trung hưng chi thái vận”, nghĩa là vận nước sẽ có ngày trung hưng. Ông kể lại và giảng giải tường tận câu ấy cho mọi người nghe, ai cũng khấp khởi mừng thầm.
Thấy bệnh của quan Hiệp thống càng nặng, tướng sỹ và người giúp việc thức trắng đêm trông nom thuốc men, ai cũng hết sức lo lắng. Đến canh tư, bỗng có giông tố nổi lên ầm ầm, cây rừng nghiêng ngả, đổ gãy. Cảnh tượng như muôn ngàn quân nhà trời rong ruổi, cưỡi ngựa hý vang, mọi người nhìn ra sợ hãi ứng với giấc mộng lúc nửa đêm mà ông vừa kể.
Đến giờ Mão, khoảng hơn 5 giờ sáng, ngày 15 tháng Chạp, trời vẫn còn tối, ông thấy trong người buồn bực, sai người vực dậy, miệng thổ ra hơn một bát máu. Đề Kiều, ôm lấy thắt lưng ông, từ từ đặt ông nằm xuống giường, lau miệng cho ông, một lát sau ông xuất thần thanh thản về trời, thọ 59 tuổi. Năm đó là năm Canh Dần, niên hiệu Thành Thái thứ hai. Các tướng sỹ, quan binh gần xa biết tin đều đến làm lễ khâm liệm rồi kính đưa thi hài lên an táng tại một khu đất đẹp trên núi Tôn Sơn.
Khi làm lễ truy điệu, Đề Kiều là một võ tướng đã chắp bút làm nhanh một bài: “Văn tế Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích” bằng chữ Nôm và thay mặt tướng sỹ đọc:
Hỡi ôi!
Thương nhớ Hiệp thống khôn nguôi,
Kính yêu Đại thần vô hạn!
Người văn thân tâm tư hoạt Phật, hiến dâng cuộc đời cho nước cho dân;
Vị võ tướng tài trí Vũ Hầu(1), cầm quân phụng sự trung hưng nghiệp lớn.
Lòng trung quân son sắt, không sợ thành bại hơn thua;
Tình ái quốc có thừa, chỉ mong cường thường thuận đạo.
Thời chẳng mang cái nghĩa trường tồn, công danh chung đạt tới đỉnh tuyệt trần;
Trời chẳng cho người ngọc sống lâu, tính mệnh riêng chịu đến ngày tận số.
Nhớ sinh thời:
Nhờ cha nghiêm, mẹ thảo chăm nom, dậy bảo, nối nghiệp nho gia nuôi tráng chí tang bồng;
Cậy công thầy Doãn Khuê, Văn Nghị(2) đúc vàng, vượt cửa vũ môn đoạt Đình nguyên Hoàng Giáp.
Chú thích:
(1). Chỉ Gia Cát Lượng
(2) Doãn Khuê (1813-1878) và Phạm Văn Nghị (1805-1880) đều là sỹ phu yêu nước thầy dạy Nguyễn Quang Bích.
Bài văn sách lưu hậu thế, nổi trội bậc anh tài;
Văn thơ hay truyền vạn thuở, âm vang lời vàng đá.
Vận nước lâm nguy, ghê giặc phương Tây man rợ nhằm tàn sát dân lành;
Triều chính ngả nghiêng, sợ lũ mọi Tàu quen bao ngược sang xâm chiếm đất nước..
Thầy tiến cử đức anh tài;
Hoàng đế ghi nhớ tên tuổi.
Quan đề đạt người hiền lương,
Vua nhìnkhông quên rường cột.
Đại thần nhận chức Chánh sứ Sơn phòng Tây Bắc, tuân theo kế giữ đất lâu dài;
Tướng công kiêm luôn chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa, trông vào dân dựa thế phòng thủ.
Lũ giặc Tây đánh mạnh, triều đình chia hai, phái chủ hòa tiếp tay địch làm cho giang sơn đắm chìm;
Vua quan ta chống trả, vương triều ly tán, phái chủ chiến bị động theo hòa càng sa cơ thất thế.
Hòa ước Hác-măng thông qua, nhận dây thưng treo mình;
Hàng ước Pa-tơ-nốt ký, quàng dâysắt treo cổ.
Vua Dực Tông băng hà, vận nướccàng lâm nguy;
Vua Kiến Phúc cầm quyền, chỉ lo đầu hàng giặc.
Thành Sơn Tây bị vỡ, thành Hưng Hóa vẫn đứng vững hiên ngang;
Quan quân ta không núng, chiếu chỉ vua bắt hạ cờ buông súng.
Nhận ra con đường chính nghĩa, sắc lệnh vua bỏ mặc để giữ gìn thanh danh;
Không thể hàng bọn giặc cướp, tối hậu thư vứt đó khác chi tờ giấy loại.
Tướng sỹ kiên quyết giữ thành Hưng Hóa, song ngầm bàn tìm đất lập chiến khu;
Dân binh thề chết vì nước Đại Nam, còntìm đường rút lui cho hợp cách.
Lui quân để sau tiến, thất bại để rồi thắng, phòng thủ để tiến công;
Thế nguy không hoảng loạn, gian khổ mấy không sờn, mọi người cùng chí hướng.
Tứ Mỹ trận đầu, lực lượng quân ta vẫn được bảo toàn;
Sơn Bình dừng chân, tinh thần đầu quân càng thêm cao ngất.
Đường lên làng Áo Lộc rộng dài, quân Đại ra lời “ Bình Tây báo quốc”,sự nghiệp vinh quang;
Sang Tiên Động hợp quân hội tướng, quan quân thống nhất, giết giặc lập công, tiền đồ sán lạn.
Nào hay:
Giang sơn vẫn còn vua sáng tôi hiền, việc nước chung lo;
Vương triều ta sinh nhiều lớp trung thần, nêu cao chí khí.
Hịch Cần Vương vang vọng, quân dân hưởng ứng khắp nơi;
Tinh thần lên cao ngất, nghĩa kỳ tung bay rợp đất.
Quan quân được tấn phong, ơn vua còn hơn phụ mẫu sinh thành;
Triều đình đã thống nhất, dựa vào dân thề giết hết lũ giặc.
Chủ tướng nhận chức Lễ bộ thượng thư, kiêm Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ,nhận làm chánh sứ hai lần;
Tướng sỹ chốt Thanh Mai, Tiên Động,giữsông Đà, sông Thao, Hưng Hóa, máu thù bao phen tràn đất.
Rút quân lên Mường Lò, Nghĩa Lộ, mong lập “Triều đình kháng chiến”, tỏ rõ mưu hay;
Lui quân về Quế Sơn, Mộ Xuân, chuyển chiến lược tiến công thù, làm nên kế lạ.
Nhiều lần lập công, bốn phương chiến thắng báo về;
Mấy phen thắng trận, mọi miền tin vui loan khắp.
Tướng công đã ra lệnh chuẩn bị thêm lực lượng, khí giới, quân trang, để đầu xuân tới tổng tiến công;
Quân dân thực thi mệnh lệnh sẵn sàng binh bị, trận địa, trận đồ, sẽ đánh mạnh tiêu diệt quân giặc.
Thương thay:
Hiệp thống bất ngờ bị bạo bệnh rồi tạ thế, quan quân sầu muộn hoang mang;
Đại thần không còn sống nữa trên cõi đời này, mọi người thương đau tê tái.
Về với Khê Ông, Lãnh Mai, Bố Giáp và các Liệt sỹ Anh hùng, Hiệp thống sẽ tràn đầy niềm tin;
Đi với văn thân, võ tướng Cần Vương và những dũng sỹ hy sinh, Đại thần chẳng cảm thấy đơn chiếc.
Vài năm sau, chiến cuộc tạm yên, di hài cốt đem về quê, con cháu xây cất mộ phần;
Trăm năm nữa, đất nước hòa bình, xây dựng đền thờ tưởng niệm, toàn dân muôn đời ngưỡng vái.
Sự nghiệp đấu tranh còn lắm gian nan, nhờ Tướng công linh thiêng phù giúp quan quân mọi sự tốt lành;
Dân tộc trường tồn vinh quang chói lọi, mong Đại thần mẫn tuệ sáng soi con đường tương lai rực rỡ.
Chúng tôi nay:
Tướng sỹ còn sống, ghi tạc những lời Hiệp thống đại thần dậy dỗ bảo ban;
Sự nghiệp còn đây, Cần Vương cứu nước quyết không đầu hàng hạ cờ buông súng.
Một lòng trung quân ái quốc, nêu gương cho con cháu muôn đời;
Giữ trọn đạo cương thường, tỏ lòng son sáng tươi cõi thế.
Cuối cùng:
Giấy ngắn tình dài, chúng con được xin phép cáo từ;
Một lần nữa kính cáo, cúi đầu vái tạ anh linh!
Đề Kiều bình tĩnh đọc rõ ràng, cảm xúc và chú ý nghe, thỉnh thoảng có tiếng khóc rộ lên. Sau đó, bị lời văn thuyết phục không ai khóc thành tiếng nữa. Khi ngừng, ông nhìn mọi người cùng vẻ xúc động, hai mắt đỏ hoe. Họ cũng như ông nuốt nước mắt mà khóc Hiệp thống đại thần, mang trong mình nỗi lo vì sự nghiệp chiến đấu còn nhiều gian khổ, dài lâu. Đề Kiều bảo họ, ở lại thêm buổi tối nữa, làm lễ ba ngày cho Tướng công vừa mất. Ông có nói rằng, mọi tướng lĩnh cứ theo lời dặn của Hiệp thống đại Thần, về nơi đã được phân công mà chỉ huy đánh trận, giữ vững trận địa, mở rộng vùng giải phóng nối với Thanh Hóa và miền Trung, miền Nam. Ông phái lưu linh đi báo cho Tiến sỹ Tống Duy Tân, Đình nguyên, Bình Trung tướng Phan Đình Phùng tin Hiệp Thống đại thần Nguyễn Quang Bích từ trần và những điều ông dặn lại cho hai vị văn thân ấy được biết.
Sớm hôm sau, Đề Kiều về chiến khu Rừng Già, Đọi Đèn, Đốc Ngữ trở về căn cứ Sơn Hùng-Thục Luyện, Vương Doãn trở về với chiến khu Nghĩa Lộ. Thỉnh thoảng dăm bữa nửa tháng, các vị tướng lĩnh chủ yếu này mới đáo qua Đại Bản doanh hoặc có những việc gấp cần thiết họ mới trở về bàn bạc. Còn không thì họ gửi báo cáo về theo con đường liên lạc mà nghĩa quân đã lập từ trước. Đề đốc Nguyễn Quang Hoan là người chỉ huy quân sự, nay được ủy thác làm việc tại Đại Bản doanh Tôn Sơn nên phải kiêm tất cả công việc hành chính, sự vụ rất vất vả. Ông cũng biết là mình không có đủ tầm làm vị Tổng Chỉ huy tướng sỹ khu vực sông Thao, Hưng Hóa, ông thường nói với các mọi người ở Đại Bản doanh như vậy.
Mấy ngày sau khi Hiếp thống đại thần Nguyễn Quang Bích qua đời, nhiều sự việc xảy ra, ngay trong Đại Bản doanh Tôn Sơn. Đó là vụ ông bếp Chương tự nhiên bị bệnh sốt cao và chết sau một tuần. Đề Hoan lại vất vả lo chôn cất cho ông Chương, mộ ông được binh sỹ làm ngay bên con suối nhỏ, ngày ngày ông vẫn hay ngồi câu các thứ cá mà người dân Mường gọi là: cá mỵ, cá phảo, cá tuôn, cá niếc. Nhiều thứ cá ăn ngon, dễ bắt, dễ câu; ông Chương thường tranh thủ thời gian ngồi câu vào buổi chiều tà hay chập tối. Lúc còn sống, đôi lúc thư thả, rỗi rãi, quan Hiệp thống đại thần cũng ra ngồi câu cá bên suối cùng với ông Chương.
Hai ngày sau, ông Vàng người giữ kho trung thành, liêm chính cũng đột ngột chết trên con đường đi vào Đại bản doanh. Ông ấy bị mắc bệnh tim, thường hay chóng mặt. Một hôm Đề Hoan sai ông đi vào nhà Lãnh Sành, Lý Sỏi quyên tiền. Hôm đó, ông mang về hơn một trăm quan, giữa đường thấy chóng mặt ông ngồi nghỉ bên con dốc vào căn cứ. Một lúc sau thì người ông tím tái, người lính đi cùng sợ quá chạy về báo thì đã muộn. Đề Hoan và mọi người ra cấp cứu thì ông đã chết. Ông được binh sỹ chôn cất ngay bên vệ đường, sau này ai đi qua đó, cũng nghe người ta gọi là“Dốc Ông Vàng”.
Cùng ngày ông Vàng mất, Đinh Thuần người quản “Ông Voi Chúa” về ở Xuân Viên. Trận đánh giặc ở khu đình Dạng, ông voi này đã húc chết tên sỹ quan chỉ huy Pháp. Đinh Thuần vớ được một số quần áo của quân Tây mang về, cùng chiếc mũ bù hụp của viên sỹ quan Pháp. Lúc mùa hè thì không mặc, không đội mũ của Pháp. Hôm đó, trời rét dữ, Đinh Thuần liền mang ra mặc thử và đội thử. Đi ra quả gò thả voi. “ Ông Voi Chúa” nhầm tưởng là tên giặc Pháp bắn chết “Voi Công chúa” và “Voi Hoàng tử” đã lao ra dẫm chết anh lính quản voi Đinh Thuần tại chỗ. Mọi người lại phải về Xuân Viên chôn cất cho anh lính quản voi Đinh Thuần. “Ông Voi Chúa” cũng biết là nhầm, mấy ngày không ăn cỏ, ăn mía và nằm chết trên gò. Quan quân thương tiếc, ai cũng gọi là “ Ông Voi Chúa trung nghĩa”. Khi tin báo về Đại Bản doanh, Đề Hoan ra lệnh cho quan quân làm ma, chôn cất cẩn thận, ngày sau người dân Mường ở Xuân Viên, đặt tên quả gò là “ Gò Ông Voi Trung Nghĩa”. Sau này, không mấy ai nhớ chuyện cũ, thấy mộ ông voi ở đó thì gọi là gò “ Ông Voi Chết”.
Lại một chuyện buồn nữa xảy ra, anh lính liên lạc Trần Xuân Căn cưỡi ngựa di từ Mộ Xuân lên Thượng Bằng La, qua một dãy núi phía tây Sơn Lương. Bị một đàn hổ xông ra chặn đường. Con ngựa sợ hổ vồ chạy bạt mạng, anh lính Trần Xuân Căn ngã ngựa nên bị thương nặng nằm bên sườn núi. Con ngựa không thấy chủ đâu, cứ thế chạy về phía Đại bản doanh. Đề Hoan lại phải cử người đi tìm, hai ngày sau thì tìm thấy anh lính Căn bị thương, nằm bên một con hổ bị anh Căn bắn trọng thương đang nằm bên đường chờ chết. Được tin, Đề Hoan cho người khiêng anh Căn và khiêng hổ về làm thịt và lấy xương nấu nồi cao hổ cốt. Anh Căn được các thầy lang Mường băng bó và lấy lá rừng đắp vào vết thương. Thời gian vài ba tuần thì khỏi, nhưng đi tập tễnh, Đề Hoan liền cho Căn giải ngũ về quê ở Thượng Long, châu Yên Lập. Sau này ai từ Mộ Xuân lên Thượng Bằng La qua dãy núi ấy, đều quen gọi là dãy núi “Ngựa Lồng”.
*
Những ngày giáp Tết Canh Dần, cậu Ấm Đoan cùng gia đình đang chuẩn bị mọi thứ để ăn Tết. Lòng cậu Đoan thấy nôn nao, bồn chồn không yên. Cậu nhớ về chiến khu Mộ Xuân, Quế Sơn nơi cha cậu đang chỉ huy quan quân đánh bọn giặc Pháp xâm lược. Cậu nhớ như in con đường lên chiến khu và quan quân dưới quyền của cha mình. Nhớ chú Đề Hoan người Nam Định, nghe nói chú là cử nhân võ, tay cử đỉnh nổi tiếng quốc gia một thời. Người đã theo cha cậu đánh giặc từ hồi thành Nam Định thất thủ, năm 1883. Khi ấy chú Đề Hoan đang là lãnh binh thành Nam Định theo cha lên giữ thành Hưng Hóa, thành mất thì theo cha cậu đi đánh giặc bền bỉ đến bây giờ.
Người vui tính, khỏe mạnh, đẹp trai là ông Đề Kiều. Ông ấy mới ba mươi nhăm tuổi, hay nói tếu táo. Thường có chính kiến rất rõ ràng, ngày lên chơi đầu tiên ông bảo cậu:
- Này, cậu Ấm Đoan! Có thích đi đánh giặc thì cứ đi lên đây với bọn mình. Mình sẽ cấp ngựa cho cậu cưỡi, cấp súng đạn cho cậu bắn. Bắn được nhiều Tây thì được quan Hiệp thống đại thần khen thưởng.
- Nhưng cha tôi chưa cho đi. Cha tôi bảo còn phải học hành thêm!
- Học hành làm chi lắm chữ cho nhọc thân! Mà cái chữ Nho, chữ Nôm không khó lắm đâu. Cậu hỏi tớ xem có sách nào, có trang, có chữ nào tớ không học, không đọc, không thuộc?
Khi bất ngờ cậu Ấm hỏi nhưng câu chữ trong sách đại học, trung dung ông đều biết cả. Chuyện Tàu thì ông kể vanh vách những trang viết về các nhân vật Tào Tháo, Khổng Minh, Quan Vân Trường, Trương Phi và về những chuyện ly kỳ trong Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, Tây Du ký.
Nghe cha kể, Đề Kiều có duyên đi xin. Xin cái gì người ta cũng cho, mấy con voi của làng Phục Cổ là do Đề Kiều xin của những người dân Mường cho nghĩa quân chuyên chở lương thực lên Tiên Động và lên Nghĩa Lộ. Cha tôi đã cưỡi “ Ông Voi Chúa” từ thành Viềng Công, Nghĩa Lộ về Quế Sơn châu Yên Lập. Khi ấy hậu cần chưa chuyển lên kịp, không có lương thảo, cha cậu phải tự mình đi vào bản quyên góp. Chuyện này ông đã viết thành bài thơ “Quân trung sách mễ”( Kiếm gạo cho quân). Ông bảo chuyến ấy bản thân ông chỉ xin được một thùng gạo vừa đủ cho một đội quân nhỏ của ông ăn trong một ngày. Mấy ngày sau, phải ăn củ nâu đào về ngâm dưới suối rồi đem đồ lên mà ăn vẫn chát xít họng. Đến bữa ông phải ăn trước binh sỹ để binh sỹ ăn theo mà sống. Còn ông Đề Kiều thì xin đủ cho quân ăn trong ngần ấy năm trường không có bữa nào đói. Thế mới biết, người tài cần thiết biết chừng nào! Người đi xin giỏi cần cho sự nghiệp chống giặc xâm lược Pháp biết bao!
Người trong quân ngũ còn có Vương Doãn, người dân tộc Tày ở Văn Chấn. Ông có biệt tài bắn súng, bán cung. Người ta đồn ông có con mắt phía sau gáy, đang đi thẳng về phía trước quay ngoắt lại vẫn bắn trúng mục tiêu ở phía sau như thường. Một thằng giặc đang ngắm bắn ông phía sau lưng, hắn chưa kịp bóp cò thì ông phát hiện quay phắt lại bắn chết ngay tên giặc ấy. Ông có tài phán đoán tình hình địch, tìm cách đánh tiêu diệt như trận đánh đồn Hưng Hóa năm 1889 và trận đánh ở Thượng Bằng La vào năm trước đó. Đã diệt rất nhiều giặc Pháp làm cho chúng nghe uy danh mà sợ hết hồn.
Ấm Đoan còn nhìn thấy nhưng văn quan, võ tướng khác của cha như Đốc Ngữ, Lãnh Khanh, Đốc Thành, Đốc Dị, Đốc Hậu, Lãnh Vân, Tán Dật, Tán Áo, Lãnh Cắng, mỗi người một vẻ, một cái tài nổi trội mà ít ai có được. Họ đã cùng cha chống Pháp khi quân Pháp kéo quân đến chiếm vùng đất sông Thao, Hưng Hóa; giúp cho Phong trào Cần Vương phát triển và chống giặc Pháp quyết liệt thu được nhiều thắng lợi, tạo được thanh thế. Nhưng trước hết họ rất yêu quý cha mình, trung thành vô hạn làm cho Ấm Đoan rất mừng.
Có điều làm cậu Ấm Đoan suy nghĩ mãi, là kỳ năm ngoái, theo ông Cảnh Tinh lên thăm cha ở Đại bản doanh Tôn Sơn; cha đã không cho một ai ở lại để giúp đỡ, kể cả mình. Hôm ấy cha đã nói những lời rứt khoát rằng: “Ta đã đem thân cống hiến cho nước, không cần phải thăm hỏi cho tốn công đi lại. Sau này có nhớ đến ta cứ lấy ngày thành Hưng Hóa thất thủ làm ngày giỗ”. Khi về nhà, mẹ Ấm Đoan hỏi cha nói gì, Ấm Đoan kể lại và nói lại đầy đủ những câu cha dặn. Mẹ Ẫm Đoan nghe xong thì òa khóc:
- Thế là cha con đã nói lời vĩnh biệt mẹ con ta rồi! Mẹ con ta không bao giờ còn được gặp lại Người nữa đâu!
Bà Hoàng (1) buồn mãi, còn Ấm Đoan nghe mẹ nói thế cũng buồn theo. Thì ra chỉ có người vợ thương yêu mới hiểu hết được ý nghĩa, sắc thái âm thanh lời nói của người chồng. Trưa ngày 28 Tết, có người lạ về nhà đưa tin báo là cha Ấm Đoan đã mất ở chiến khu rồi. Cậu Ấm cần phải lên ngay, nhưng vào ngày Tết đi đâu được. Mẹ con bàn nhau để ngày mồng ba Tết thì để một mình Ấm Đoan lên đường. Chuyện cha mất, mẹ và Ấm Đoan phải giữ bí mật không cho ai biết kể cả người nhà anh em.
Chú thích:
(1) . Gọi tên người vợ theo học vị của chồng đỗ Tiến sỹ, Hoàng giáp,
Ấm Đoan đi thuyền theo đường sông từ bến Tân Đệ lên bến Tăng Xá tổng Áo Lộc bên bờ hữu sông Thao. Mấy người đưa đường đều là nghĩa quân đưa Ấm Đoan vào làng Xuân An, tổng Mộ Xuân bằng con đường ngòi Rành. Nơi cậu Ấm Đoan đã có lần đến thăm cha, cảnh vẫn đẹp như xưa mà cha không còn, nghĩ đến cha, cậu Ấm Đoan không cầm nổi nước mắt.
Cậu Ấm Đoan theo người đưa từ bến Cổi men theo bờ ngòi Rành vào làng Xuân An, đi ngược mãi lên thượng nguồn, ven theo khe Cháu vào Đại Bản doanh Tôn Sơn. Bữa đó, Đề Kiều từ chiến khu Rừng Già vừa lên, nhiều vị quan chức châu Yên Lập cùng đến. Đề Hoan phụ trách căn cứ tiếp đón khách khứa. Đề Kiều nhận ra cậu Ấm Đoan vừa lên kể lại tỷ mỷ về cái chết của Hiệp thống đại thần cho nghe rồi nói:
- Bây giờ, quan Hiệp thống đại thần đã mất. Cậu Ấm Đoan là con trai trưởng phải đứng ra cùng chúng tôi gánh vác việc nước. Chúng tôi bá quan văn võ cử cậu Ấm làm chủ soái thay cha, cậu Ấm cố gắng nhận lấy trách nhiệm!
Cậu Ấm Đoan trả lời:
- Cha tôi vừa mất, không nên cử tôi làm việc gì. Khi nào mãn tang thì tôi sẽ lên cùng mọi người đi đánh giặc. Tôi còn nhỏ tuổi không thể làm chủ soái được, bao giờ có kinh nghiệm, được mọi người tín nhiệm cử lên thì tôi sẽ làm. Tôi ngược lên đây mấy hôm chịu tang xong tôi lại xuôi về nhà, lúc nào rảnh rỗi thì tôi lại lên.
Ông Đề Kiều tính thẳng thắn, cởi mở không nài ép ai bao giờ. Ông nhìn vào cậu Ấm rất lâu rồi nói:
- Thôi thế cũng được. Bây giờ quan quân phải dồn sức đánh giặc, bao giờ cậu tình nguyện đi, cố gắng làm việc thì sẽ liệu vậy.
Buổi gần trưa, mọi người nghiêm trang làm lễ cúng đầu năm mới cho Hiệp thống đại thần. Cỗ bàn tinh tươm, quân lính kiếm nhiều hoa rừng kết thành những vòng hoa rất đẹp dâng lên. Các quan chức châu Yên Lập, hào lý Mộ Xuân, Quế Sơn, Thượng Long, Đông Lỗ về đông đủ. Đề Kiều làm chủ lễ, ông có lời kính cáo rất hay và sau đó có giới thiệu viên quan tri châu Yên Lập là Nguyễn Gia Hè đọc bài văn tế trong đó có đoạn:
“ Hữu hưu hưu chi lượng nhi nhi mục giám hành. Vô hanh hách chi danh nhi can trường thiết thạch.
Bỉ toàn khu bao thê tử chi thân, quán niên phụ ngô quán nhi sự cừu lỗ. Công nhất thân hệ cương thường chi trọng, nghị nhiên cổ sỹ khí nhi kích nhân tâm.”.
Đoạn bài ấy có nghĩa là:
“ Cụ có lượng rộng mệnh mông, gương cán tai mắt, không tiếng tăm rực rỡ mà sắt đá can trường. Bọn kia, một bầy tôi tham sống để giữ gìn thê tử, nỡ phụng thờ bọn giặc mà phụ nghĩa vua ta. Còn Cụ đem gánh nặng, một thân quan hệ tới cương thường, để kích động lòng người và nâng cao sỹ khí”.
Xong việc làm lễ cúng đầu năm cho Hiệp thống đại thần, buổi chiều có đông đủ văn võ bá quan cho mở niên phong tài sản. Lúc đó, ông Vàng thủ kho bị cảm bệnh đã chết, Đề Hoan và đông đủ mọi người chứng kiến. Tài sản riêng của quan Hiệp thống còn một thanh kiếm có chuôi nạm vàng mà cụ tướng Doãn Khuê ở làng Ngoại Lãng tặng cho Người để hộ thân, hơn một trăm quan và một bản thảo tập thơ có tên là Ngư Phong thi tập. Tài sản chung gồm có hai trăm khẩu súng Tàu và súng Tây, vài nghìn viên đạn, 300 tấm vải trắng, 200 tấm nhuộm xanh để may quần áo cho binh sỹ và 100 bộ đã được may. Nghe Lãnh Hoan nói, đây là sự chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch tiến công sắp tới. Mấy hôm trước khi cụ ốm còn sai người đi mua vải. Trong một hòm sắt, còn 150 đồng vàng, đây là số tiền vàng để thưởng cho binh sỹ lập công xuất sắc.
Mọi người bàn giao cho cậu Ấm Đoan thanh kiếm báu, tập thi ca, và trao lại túi tiền của riêng về trao cho phu nhân. Buổi tối, người tư vụ riêng của cha là Nguyễn Gia Thiều xin chép lại toàn bộ tập thơ mà cha đã dành thời gian sáng tác trong suốt những năm ở chiến trường vùng sông Thao và Tây Bắc. Còn bản chính thì Ấm Đoan mang về nhà đọc và cất giữ.
Mọi người lại lục tục ra về nơi trận tuyến. Đề Kiều cùng về căn cứ Rừng Già chỉ đạo quân sỹ, trước khi về ông gặp lại Ấm Đoan dặn dò đủ điều. Ông bảo ở lại đây ít ngày rồi về kẻo nhà mong và có lời gửi chia buồn sâu sắc đến Phu nhân Phan Thị Nhã. Đề Kiều còn dặn:
- Tháng sau anh Đoan lên viếng mộ cụ thì nhớ về chiến khu Đọi Đèn, Rừng Già với tôi, rất nhiều việc cần làm, đang cần đến sự đóng góp của anh đấy!
Ấm Đoan về đến nhà, đi sang báo tin cho cụ Nguyễn Sơn Viễn, người bạn học thân thiết của cha. Ông Viễn vô cùng đau đớn, than thở cùng cậu Ấm Đoan:
- Đình nguyên Hoàng Giáp Nguyễn Quang Bích là nhân vật lịch sử vĩ đại của Việt Nam đã từ trần. Ông mất đi, quân quan ta sẽ gặp khó khăn lớn, không ai có thể kéo lại thế nước được nữa.
Ông Viễn viết nhanh một câu đối viếng bạn:
“ Công danh đức nghiệp hữu dư, dạ mang Phạm Lão,
Thành bại lợi độn bất nghịch, cung tụy Vũ Hầu”.
Nghĩa là:
“ Công danh sự nghiệp có thừa, dạ mang Phạm Lão,(1)
Thành bại hơn thua không trái, thân hệt Vũ Hầu”. (2)
Chú thích:
(1) .Phạm Lão tức Phạm Trọng Yên danh tướng đời Tống;
(2). Chỉ Khổng Minh danh tướng nhà Thục Hán
Ấm Đoan cảm ơn cụ và đi đến nhà ông Cảnh Tinh là con trai của văn thân, nhà yêu nước, tướng quân Doãn Khuê, người thầy vô cùng kính yêu của cha, đã có công dạy bảo và tiến cử lên Vua Tự Đức. Chính vì cái ơn sâu ấy mà người học trò Nguyễn Quang Bích đã làm nên công danh ngang tầm lịch sử dân tộc. Nghe cái tin sét đánh, ông Cảnh Tinh viết nhanh câu đối viếng:
“ Lệ dục thành băng, hồi thủ Quế Sơn đầu, chỉ kiến bạch vân phù chính khí;
Hận do vị tuyết, thống tâm Trà Hải, đồ vân hồng lãng khiếu anh phong!”.
Nghĩa là:
“ Nước mắt muốn thành băng, ngó lại Quế Sơn, mấy trắng chơi vơi bầu chính khí;
Hận thù chưa rửa được, trông vời Trà Hải, sóng hồng gào thét trận anh phong!”.
Từ biệt ông Cảnh Tinh, Ấm Đoan đến nhà thấy Phó bảng Trần Xuân Sắc. Đỗ cao mà không ra làm quan về nhà mở trường dậy học, mong đào tạo nhân tài cho lớp người sau.Thầy Sắc là học trò của thầy Nguyễn Quang Bích khi xưa, nghe tin thầy bị bệnh mất, rất đỗi bàng hoàng, buồn đau. Ông viết nhanh câu đối viếng:
“ Thống tâm thời sự dị thường, sỹ quân tử hữu quốc chi thù, vô thân chi oán;
Hồ thủ giang sơn y cựu, đại trượng phu tuy tử chi nhật, do sinh chi niên.
Dịch nghĩa:
“ Đau lòng thay thời sự khác thường, người quân tử chỉ biết thù chung, không mang tư oán;
Quay đầu lại non sông như cũ, kẻ trượng phu tuy rằng thân đã chết, mà như lúc sinh thời.”.
Hôm ấy, Ấm Đoan có lời chào thầy Trần Xuân Sắc để đi lên chiến khu. Lần này thì Ấm Đoan tình nguyện đi làm người lính cứu nguy đất nước chứ không chờ mãn tang. Thấy Sắc có lời động viên:
- Ở nhà học, con có thể đỗ đạt như cha như thầy. Nhưng đất nước đang cần người chí khí đấu tranh trên trận tuyến. Noi gương trí đức, võ công oanh liệt của cha mình mà xả thân vì nghĩa lớn, quyết thu lại giang sơn gấm vóc của dân tộc. Nhưng hiện nay đang vào thời buổi khó khăn, cần phải hết sức bảo trọng, thầy tin tưởng con sẽ làm nên nghiệp lớn!
Được lời cổ vũ của thầy Sắc, Ấm Đoan từ biệt mẹ và quê hương lên đường đi chiến đấu, lúc ra đi mẹ tiễn một đoạn đường và dặn:
- Con đang có tang cha, cần phải cẩn thận. Tướng lĩnh, quan viên có bảo thay cha thì chưa nên nhận làm, vì còn nhỏ tuổi chưa dày dạn kinh nghiệm, nhỡ ra hỏng việc của quan quân. Lên chiến khu chiến đấu nhớ phải làm tốt công việc được giao. Khi nào đến kỳ sang cát thì con phải chuyển ngọc cốt cha về quê nhà.
Mừng là mẹ không giữ ở nhà mà lại vui vẻ cho đi, Ấm Đoan cảm thấy vô cùng sung sướng, hanh phúc. Con thuyền đưa Ấm Đoan lên ngã ba Hạc Trì. Từ Hạc Trì ngược dòng sông Thao, qua Hưng Hóa lên Cẩm Khê đã thành quen thuộc. Đêm đó là rằm tháng hai trời rất đẹp, trăng rất sáng dòng sông Thao đẹp như chốn thần tiên. Mây trời lãng đãng bay, nước sông Thao vào mùa xuân trong veo, núi non trong đêm mờ ảo, xóm làng bình yên lặng im tiếng súng. Ấm Đoan muốn cầm bút làm thơ vịnh nhưng lòng chẳng tĩnh, đầu vẫn nghĩ ngợi không ngơi. Đành hẹn với dòng sông Thao với cảnh vật và con người ở đây để khi khác ghi vào thơ vậy.
Đến đại bản doanh Tôn Sơn, Đề Hoan lại đem bài thơ “ KHỐC HOÀNG GIÁP NGUYỄN QUANG BÍCH” của Tiến sỹ Tống Duy Tân bằng chữ Hán cho Ấm Đoan xem, lời thơ như sau:
Thập tải Thao Đà thiên vạn gian,
Phong lưu hổ trướng diệc nhung khoan.
Thanh huyên hạp địa bề tam diện,
Vọng trọng kình thiên trụ nhất cam.
Kiến diện tẫn giao tâm sự túy,
Văn phong ưng hữu cốt tiên hàn.
Phó âm thôi xuất tân thi lệ,
Hồi thủ Kinh Châu trọng tích Hàn (1).
Chú thích:
(1) . Chỉ Hàn Tín một vị tướng tài giúp Hán Cao Tổ.
Dịch thơ:
KHÓC HOÀNG GIÁP
NGUYỄN QUANG BÍCH
Mười năm Tây Bắc cực muôn vàn,
Trướng hổ phong lưu nổi tiếng khoan.
Một trụ chống trời danh vọng lớn
Bốn bề dậy đất tiếng quân ran.
Nghe tin có kẻ đà lạnh gáy,
Thấy mặt ai người chẳng vững tin.
Tin dữ kiến dòng thơ đẫm lệ,
Kinh Châu tưởng nhớ lại ông Hàn.
Ấm Đoan rất thích bài thơ, phản ánh đúng hiện thực sinh động lại hào sảng, khắc họa nổi bật nhân cách của một văn thân Cần Vương nối tiếng, quên mình vì nước vì dân. Ấm Đoan ghi vào quyển riêng và học thuộc để ghi nhớ suốt đời bài thơ hay viết về người cha thân yêu của mình.
Một hôm Đốc Ngữ về đại bản doanh họp bàn việc với Đề Hoan. Ông cho quân mang về một số chiến lợi phẩm thu được trong trận tập kích vào thị xã Chợ Bờ. Khi ra về, ông trân trọng tặng Ấm Đoan một khẩu sùng trường Pháp rất đẹp và 100 viên đạn vàng chóe vừa đoạt được, ông nói to:
- Tặng cho Ấm Đoan! À không phải, tặng cho người chiến binh Ngô Quang Đoan! Ở quân doanh không có ai là cậu Ấm nhé, nghe rõ chưa nào?
Ông lên ngựa, nhìn vào người lính mới trong tay cầm một khẩu súng trường, giơ tay chào theo kiểu nhà binh phương Tây. Anh lính mới Ngô Quang Đoan vẫy vẫy tay chào tạm biệt Đốc Ngữ, vị tướng được các sỹ quan Pháp gọi là một vị cứu tinh, anh hùng dân tộc. Trên mặt trận sông Đà, chúng luôn sợ uy danh của Đốc Ngữ tìm cách đề phòng. Người lính Ngô Quang Đoan nhìn theo bóng dáng Đốc Ngữ, nguyện sẽ học tập, noi gương ông và khấu súng trong tay anh sẽ nhằm thẳng vào đầu thù mà bắn!