Từ đầu năm Đinh Hợi ( 1887), Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đã có nhận định rằng, quân Pháp sẽ tập trung quân đàn áp khốc liệt Phong trào Cần Vương. Sau khi Hiệp đốc Giáp qua đời, ông mới có dịp điểm lại bao nhiêu văn thân, võ tướng lần lượt hy sinh, bị bắt tù đày, bị chém giết hay bị ốm chết, hoặc chạy sang Tàu. Tin tức do Tán Chi từ Kinh đô Huế, do Đốc binh Cao Nữu từ An Tĩnh, do Đốc binh Cao Điền từ Thanh Hóa báo ra. Tin tức từ đồng bằng Bắc Kỳ và Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Yên do Cử nhân Trần Ngọc Dư và Đốc binh Nguyễn Thiện Kế báo lên. Nhờ đó Hiệp thống biết được tình hình Phong trào Cần Vương và nắm được hoàn cảnh của từng người.
Người trẻ nhất đã mất phải nói đến Chủ tướng Mai Xuân Thưởng, đỗ cử nhân, lãnh đạo phong trào Cần Vương tại Bình Định. Bị bắt bị giết ngày 7 tháng 6 năm 1887, khi đó mới 27 tuổi. Di sản tinh thần của ông còn có hai bài thơ truyền miệng trong dân gian. Bài thơ “ Không sợ chết” làm khi bị bắt. Giặc Pháp dụ ông đầu hàng, ông kiên quyết từ chối và thản nhiên nhận lấy cái chết về mình.
Chết nào có sợ, chết như chơi,
Chết bởi vì dân, chết bởi thời.
Chết hiếu chi nài xương thịt nát,
Chết trung bao quản cổ đầu rơi.
Chết nhân tiếng để vang nghìn thuở,
Chết nghĩa danh thơm vọng mấy đời.
Thà chịu chết vinh hơn sống nhục,
Chết nào có sợ, chết như chơi.
Lúc bị giặc đưa ra pháp trường, người tướng Cần Vương Mai Xuân Thưởng còn ngâm vang lời thơ thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất:
Không tính làm chi việc mất còn,
Nợ trai lo trả ấy là khôn.
Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước,
Đá tạc lòng trung quý mấy hòn.
Tái ngắt mật gan xương tựa giá,
Đỏ lòe bia sách máu là son.
Rồi đây thoi ngọc đưa xuân tới,
Một nhánh mai già nẩy rậm non.
Cùng hy sinh với tướng Mai Xuân Thưởng có Bùi Điền một tướng trẻ tài năng, trước khi chết còn lớn tiếng mắng lũ giặc cướp nước và bè lũ tay sai bán nước đê hèn, tỏ ra là một anh hùng chí khí kiên trung lẫm liệt.
Người trung nghĩa, bất khuất vô song là Nguyễn Cao, đỗ Giải nguyên khoa thi hương năm Đinh Mão (1867), từng làm Tán lý quân vụ Thái Nguyên, tham gia lãnh đạo phong trào “Tam tỉnh nghĩa đoàn”; chiến đấu tại chiến trường trung tâm, quanh thành Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn Tây. Ông bị thương, bị giặc bắt, chúng mua chuộc dụ dỗ, mắng ông là kẻ bất trung. Ông tự mổ bụng lôi ruột của mình ra cho lũ giặc xem và hỏi chúng lòng ông bất trung ở đoạn nào. Lũ giặc kinh sợ trước hành động anh hùng và hèn nhát đem chém ông tại khu vườn dừa gần Hồ Gươm, Hà Nội. Khoảng cuối năm Đinh Hợi, Hiệp thống có nhận được thơ của Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết gửi về ca ngợi khí phách của anh hùng Nguyễn Cao:
“ Nhất thế khoa danh, bách thế hùng,
Điện cơ nguy sự tự thung dung.
Thệ tâm thiên địa phi trường bạch,
Khiển sỉ giang tâm mãn thiệt hồng”.
Dịch thơ:
“ Nhất mực tài hoa, rất mực hùng,
Liều mình vì nước tự thung dung.
Tấc thề trời đất lòng phô trắng,
Răng nghiến lòng son lưỡi nhộm hồng”.
Hiệp thống nhớ tới Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam nổi lên như nấm, hịch truyền như gió bay. Tiến sỹ Trần Văn Dư bị giặc tử hình từ ngày đầu Cần Vương. Hội chủ mới là Trần Duy Hiệu đã lãnh đạo nghĩa binh tiến công địch nhiều nơi, tiêu diệt nhiều giặc Pháp. Tháng 12 năm 1887 ông bị giặc bắt và bị giết. Các căn cứ kháng chiến tại vùng Quế Sơn, Điện Bàn, Trà My hầu như tan giã. Cử nhân Phan Bá Phiến, Phó hội bất lực phải uống thuốc độc tự sát. Chủ tướng Lê Thanh Phương hoạt động tại Phú Yên nay cũng bị giặc Pháp bắt giết hại. Như vậy, Phong trào Cần Vương ở các tỉnh phía nam Kinh đô Huế đã vào thời kỳ cáo chung.
Vừa qua, Tán Chi từ Quảng Bình ra cho biết, Thượng tướng Nguyễn Phạm Tuân, người được Đại tướng Nguyên nhung cử ở lại Quảng Bình phò giá Vua Hàm Nghi đã dốc lực lượng lớn quân của mình tiến công thành Quảng Bình bị trúng đạn hy sinh. Công việc phò Đức Vua Hàm Nghi chỉ còn có Đề đốc Lê Trực và hai người con trai của ngài Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp đảm nhận, thật khó được bảo toàn.
Ông nhớ lời kể của Đình nguyên Phan Đình Phùng về phong trào tại An Tĩnh, cũng đang gặp nhiều mất mát, hy sinh. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn, người đứng đầu cuộc khởi nghĩa tại Nghệ An được vua Hàm Nghi phong chức An Tĩnh Hiệp thống quân vụ đại Thần. Ở tuổi sáu mươi vẫn cùng mọi người xông trận, trong thế cùng ông định tự sát, nhưng chưa kịp hành động đã bị địch bắt. Chúng đầy đọa ông khắp các nhà giam ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Ông có bài thơ “Thuật hoài” (Tả nỗi lòng) thể hiện tinh thần bất khuất của người văn thân nổi tiếng, có hai câu kết thật hay:
“ Thử nhân vinh nhục hà tu quải,
Địch khái đan thầm tử bất suy”.
Dịch thơ:
“ Thân này vinh nhục không đáng sợ,
Lòng đây ghét giặc chết không sờn”.
Khởi nghĩa Đồng Thành, Yên Thành, Nghệ An thất bại, Tiến sỹ Nguyễn Nguyên Thành, Phó Chỉ huy của Chủ tướng Nguyễn Xuân Ôn đã bị giặc bắt, bị giam ở thành Nghệ An đã chết trong tù. Tán tương quân vụ, Phó bảng Lê Doãn Nhã và Tán tương quân vụ, Cử nhân Trần Quang Diệm không biết sống chết thế nào.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đạt, nhà giáo nhà văn nổi tiếng đã cùng dân Nam Đàn, Thanh Chương nổi lên hưởng ứng Phong trào Cần Vương, được Vua Hàm Nghi phong chức Lại bộ Thượng thư kiêm An Tĩnh Tổng đốc bị ốm mất ở tuổi 63. Cùng quê Nghệ An, có Hoàng giáp Nguyễn Đức Quý, ngày trước làm Hàn lâm biên tu tại triều, tham gia nghĩa quân Cần Vương sung làm Tán tương quân vụ đã bị bọn địch phục kích bắn chết trên đường đi tìm lương thực cho nghĩa quân.
Hoàng giáp Nguyễn Hữu Chính, người được Đình nguyên Phan Đình Phùng yêu quý cũng vừa bị ốm chết trong căn cứ Hương Khê. Tin này vừa được truyền từ Hương Khê, Hà tĩnh ra.
Tại tỉnh Thanh Hóa, nhiều văn thân, võ tướng đã hy sinh tại căn cứ Ba Đình, Mã Cao. Đốc binh Đinh Công Tráng chạy vào Nghệ An vừa bị giặc Pháp giết hại tại Trung Yên, Đô Lương, Nghệ An. Lại có tin Cử nhân Hoàng Bật Đạt đã bị giặc Pháp giết bêu đầu tại quê nhà Hậu Lộc, Thanh Hóa. Một cử nhân trẻ 28 tuổi, tên là Lê Khắc Thảo không ra làm quan mà quyết chí theo Cần Vương chiến đấu chống giặc Pháp đã hy sinh tại miền tây Thanh Hóa. Ông có bài thơ “Quân trung ký hữu” ( Trong quân gửi bạn) được lưu truyền:
“ Thử sinh can đảm vô kình ngạc,
Đáo sứ giang tâm hữu quỷ thần.
Đối nguyệt dục cùng Hoàng Thạch lược
Lâm phong trường ức Bạch y nhân”.
Dịch thơ:
Đừng đem kình ngạc dọa gan già,
Sông núi linh thiêng giúp đỡ ta.
Hoàng Thạch dưới trăng đem sách đọc,
Bạch y trước gió tưởng người qua.
Một văn thân nổi tiếng là Phó bảng, Tri phủ Nguyễn Đôn Tiết quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa bị địch bắt đầy đi Côn Lôn đã mất tại nhà tù nơi cuối trời Nam.
Nghĩ về vùng quê hương Sơn Nam, ông không khỏi bùi ngùi thương sót Đề đốc quân vụ Bắc Kỳ Tạ Quang Hiện người bạn kiên trung vừa mới mất tai quê nhà. Tiến sỹ Vũ Hữu Lợi, Đốc học Nam Định người bạn học chí lớn đang cùng với Cử nhân Đỗ Huy Liệu chuẩn bị lực lượng nổi dậy. Bị tên Vũ Văn Báo, tổng đốc Nam Định báo cho giặc Pháp bắt và chúng chém ông tại chợ Nam Định vào đêm Trừ tịch, Tết Đinh Hợi (1887) vừa qua. Tiến sỹ Lợi có cấu đối, đọc vang trước khi bị chém:
“ Vạn tử quyền khi sinh, sinh tại tặc sào sinh bất ngẫu;
Nhất sinh đãi nhi tử, tử ư quốc sự tử vi sinh.
Dịch là:
Trong muôn chết gượng sống chờ, ở hạng quân thù sao sống đặng;
Dù một sống bên chết đợi, chết vì việc nước chết là vinh.
Vào thời điếm cuối tháng 2 năm 1888, Cử nhân Trần Ngọc Dư lên thăm đã thông báo tình hình căn cứ Bãi Sậy, nghĩa quân Cần Vương cũng đang gặp những khó khăn lớn, Chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật đã trao quyền cho Đốc Tít và Nguyễn Thiện Kế chỉ huy, tìm đường sang Trung Quốc gặp Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết bàn định công việc cứu nước.
Cử nhân Trần Ngọc Dư báo cáo lại công việc đặc biệt được giao đón Vua Hàm Nghi ra Bắc đã không thành. Lần thứ nhất Cử Dư và Đốc binh Tạ Lĩnh đi thuyền vượt biển vào Tuyên Hóa đón, nhưng Vua Hàm Nghi vừa chuyển sang đất Ai Lao và sau đó chuyển về hạt Kỳ Anh, Hà Tĩnh nên không gặp được. Lần thứ hai cử Đốc binh Tạ Lĩnh và Cử nhân Nguyễn Đức Huy đi vào gặp được Đề đốc Lê Trực và hai vị quan phò tá Vua là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp tại Tuyên Hóa, Quảng Bình nhưng các ông ấy không cho đi vì không có lệnh của ngài Tôn Thất Thuyết. Đoàn Đi đón vua đánh phải quay về Nam Định, dọc đường bị giặc phát hiện đuổi bắt bắn chìm thuyền. Đốc Lĩnh hy sinh, còn Cử nhân Nguyễn Đức Huy và số người đi cùng đều bị giặc bắt giam.
Như thế, chỉ trong vòng hơn một năm, lực lượng Cần Vương ở các nơi đã mất đi gần hai mươi văn thân, võ tướng và hơn một vạn quân sỹ. Trong quân thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của ông đã có những văn thân, võ tướng tâm huyết dũng cảm tài năng như Nguyễn văn Như ( tức Lãnh Mai), Tán tương Nguyễn Văn Vị, Trịnh Bá Đanh, Đốc Tiến, Đốc Nhì, Đốc Học, Đốc Hoài, Đốc Quýnh hy sinh, Tán tương quân vụ Đàm Đức Lương vì bệnh nặng mà mất. Hai ông Phó tướng chỉ huy là Nguyễn Khê Ông, Nguyễn Văn Giáp do phải làm việc đêm ngày, sống kham khổ trong lam chướng, ốm đau không có thuốc men, không có thấy thuốc giỏi cứu chữa kịp thời đã từ trần, bỏ lại công việc Cần Vương cứu nước cho ông và quan quân.
Hiệp thống Đại thần Nguyễn Quang Bích nghĩ đến các văn thân, võ tướng, binh sỹ nước nhà trong niềm xúc động triền miên. Ông không nói nhưng hiểu sâu sắc tình thế của Phong trào Cần Vương ngày thêm nguy biến. Hiện giờ còn lại trong nước ba trụ cốt quan trọng là ông và Đình nguyên Phan Đình Phùng, Tiến sỹ Tống Duy Tân nhưng quân sỹ đang ở thế yếu, khó có thể trụ vững được lâu dài. Ông da diết mong tin từ Tiến sỹ Tống Duy Tân ở Trung quốc về và tin từ Đình nguyên Phan Đình Phùng đi phía đồng bằng Bắc Kỳ lên nhưng chưa hề nắm được điều gì.
Lúc ấy, Đề Kiều cùng các ông Lãnh binh Nguyễn Quang Hoan, Vương Doãn, Đốc Lục, Phó đốc Thành bước vào. Các ông báo cho cho Chủ tướng biết tin giặc Pháp đang dồn quân lại từ hai hướng tiến vào Mường Lò, Nghĩa Lộ. Hướng thứ nhất, từ ngòi Lao do Thiếu tá Béc-giê (Berger) tiến lên đèo Ách, cánh quân thứ hai do Thiếu tá Bô-xê ( Bosse ) hành quân từ Trái Hút sang theo đường ngòi Hút vào Nghĩa lộ. Mục đích của chúng là chiếm đóng lâu dài, tiêu diệt các lực lượng kháng chiến chống quân đội Pháp, trả thù các trận đánh đã bị thất bại tại Văn Chấn.
Hiệp thống Nguyễn Quang Bích có ý kiến chỉ đạo:
- Chúng ta đưa quân lên đây, giặc Pháp đuổi đánh liên tục, ta chặn đánh và đã đánh thắng. Lần này, giặc Pháp tăng viện binh cố ý đánh tiêu diệt quân ta. Chúng sẽ tiến vào Mường Lò, ta phải kiên quyết chặn đánh. Chỉ huy Đại Bản doanh tại Mường Lò phải sơ tán triệt để vào các bản các động phía tây, theo thượng nguồn ngòi Thia. Đề đốc Hoan và Đốc Lục sẽ cùng ta lo việc tại quân doanh, sơ tán nhân dân, thực hiện “vườn không nhà trống”, bảo vệ an toàn cho chỉ huy. Đề Kiều phụ trách cánh quân hướng nam, ra lệnh điều động phần lớn đạo Hậu quân, Trung quân, Tả quân ra chặn giặc, không cho chúng vượt qua đèo Ách tiến vào đây. Lãnh binh Vương Doãn và Phó Đốc Thành chỉ huy đạo Tiền quân và đạo Hữu quân chặn địch theo ngòi Hút vào Tú Lệ và từ Tú Lệ vào Mường Lò.
Chánh Đề đốc Kiều nói:
- Với số quân địch không lớn, ta hoàn toàn có khả năng chống đỡ. Giặc Pháp đã thua ta nhiều trận chúng có thể dùng mưu kế lợi hại mà ta chưa đoán định được. Với số quân Pháp được huấn luyện cách đánh vùng núi rất tinh nhuệ, ta phải ra sức đề phòng. Cánh quân phía bắc phải theo cách bài binh bố trận của Hiệp đốc Giáp khi sống đã bàn “lập trận địa mai phục đánh địch cả khi chúng kéo vào và rút ra”. Trận này có thể phải kéo dài, nên tướng sỹ ta phải nêu cao quyết tâm đánh địch đến cùng.
Đề Hoan thì khẩn khoản xin:
- Mấy năm qua, tôi phải làm nhiệm vụ hộ tống Hiệp thống đi sứ; khi về Mường Lò lại về quê thăm nhà chưa có dịp ra trận. Nay quân Pháp kéo đến đánh, cho tôi được ra phía trước trận tiền lập công.
Đề Kiều phán rằng:
- Đề Hoan nên tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho quan Hiệp thống. Quân Pháp đang tìm mọi cách ám hại ông, chúng đánh Mường Lò, Nghĩa Lộ cũng nhằm vào mực đích ấy. Nên việc bảo vệ Chủ tướng là quan trọng nhất, Đề Hoan cần yên tâm làm tốt việc này. Nếu ông thấy việc thư thả thì ra giúp tôi và Lãnh Doãn chặn giặc.
Việc bàn cách đánh địch tiến công diễn ra nhanh gọn. Khi mọi người ra trận, Đề Hoan nói với Hiệp thống:
- Việc trận mạc năm nay và về sau sẽ khó khăn hơn. Số chỉ huy có kinh nghiệm đã hy sinh và ốm đau mất đi nhiều quá, quân số cũng vì lam chướng mà giảm sút nhanh. Các đạo quân chỉ còn bằng một nửa khi ở Tiên Động mà lực lượng mới thì không có mà bổ sung.
Hiệp thống nhìn Đề Hoan bình tĩnh nói:
- Đây là vấn đề lớn cần phải giải quyết trong dịp này. Số quân bổ sung ít, nhưng số quân ốm đau phải cho giải ngũ về quê điều trị thì nhiều, số chết vì bệnh tật cũng lắm. Đó là vấn đề lớn khó khăn chồng chất trước mắt. Nhưng lần này ta phải đánh thắng giặc bảo vệ được Mường Lò, Nghĩa Lộ. Nếu mà thua, chúng ta phải lui vào rừng sâu, quan quân sẽ chia đàn sẻ nghé. Việc thu binh, hiệp sức càng khó hơn nhiều. Những thất bại của các cuộc nổi dậy trong nước, nhất là ở vùng Bắc Kỳ và Trung Kỳ đang ảnh hưởng xấu đến nơi ta. Tôi đang có dự kiến, nếu giặc Pháp đánh vào Mường Lò thì quân ta sẽ rút về Mộ Xuân, giữ lấy châu Yên Lập, Thanh Sơn làm địa bàn chiến lược. Nơi đó, có thể phát triển sang Chợ Bờ, Ninh Bình, vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đồng thời hướng về đồng bằng Bắc Kỳ và lên vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn.
- Còn vùng Thập châu, Tam Mãnh?
- Ta đã chia thành các vùng, cử các ông Đèo Văn Trì, Cầm Văn Hoan, Cầm Văn Thanh, Trương Thẩm, Lý Hữu Kim, Phạm Đình Tế, Trần Văn Thành chỉ huy và cử nhiều các đội binh hoạt động độc lập tại nhiều vùng như Bảo thắng, Lai Châu, Sơn La, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn yên, Bắc Tấn. Lại thêm lực lượng của các ông Hồ Đà, Từ Ích và một số quân lính nhà Thanh tự nguyện sang giúp ta, nay đang đóng quân tại Pú Thấp sau đèo Ách. Trước mắt, quan quân ta phải đánh mạnh, đánh thắng được giặc càn quét, thì các nơi khác sẽ được giữ vững.
- Nếu Hiệp thống có ý định rút lui khỏi Mường Lò, Nghĩa Lộ thì nên thực hiện luôn.
Hiệp thống nói để cho Đề Hoan hiểu:
- Không phải là ta rút hết, quân ta vẫn phải làm chủ vùng này, chỉ rút các đạo quân chủ lực và Chỉ huy Hành dinh về vùng tổng Mộ Xuân, châu Yên Lập. Các ông Đào Chính Lục, Đặng Phúc Thành tiếp tục chỉ huy quân dân Mường Lò, Nghĩa Lộ và các ông lãnh binh, đốc binh khác cũng ở lại giữ lấy vùng đất này. Ta cố gắng duy trì được lực lượng kháng chiến ở vùng núi non hiểm trở, đợi thời thì mới có cơ hội lấy lại nước Nam.
Đề Hoan dần dần hiểu ý định của Hiệp thống Đại thần Nguyễn Quang Bích và không hỏi nữa. Không gian về đêm vùng Mường Lò trở nên tĩnh mịch. Mọi người đều nghĩ, chỉ vài ngày nữa thôi, vùng Nghĩa Lộ sẽ rền vang tiếng súng. Một cuộc tiến công quy mô của giặc Pháp sẽ gây ra nhiều đau thương, chết chóc cho cả vùng Nghĩa Lộ, Văn Chấn. Phải hạn chế ở mức thấp nhất sự hy sinh của quân ta và đồng bào các dân tộc. Đề Hoan là một người chỉ huy đã thấy trách nhiệm của mình, đang đêm ông đi tìm gặp các ông chánh tổng, lý trưởng Mường Lò chuẩn bị sơ tán triết để thực hiện “vườn không nhà trống” làm cạn nguồn lương thực, thực phẩm của địch, buộc quân địch có chiếm được cũng phải mau chóng rút lui.
Trên đèo Ách, binh sỹ chốt giữ đã phát hiện được hơn ba mươi tên giặc Pháp dưới chân đèo. Chúng dò dẫm tiến, men theo đường chân đồi vòng vèo. Chúng bắn vào những bụi rậm, những cây to dọc đường nghi có nghĩa quân ẩn núp. Không thấy ai nổ súng đánh trả, chúng không cho lính tiến lên mà lại cẩn thận rút quân. Đến chiều, chúng lại đốc quân tiến lên. Quân sỹ đến báo, Chánh Đề đốc Kiều nói:
- Lần trước chúng kéo hàng trăm quân lên đánh, bị ta chặn đánh buộc chúng phải rút. Lần này chúng có vài ba chục quân tiến thế kia thì ta lo gì. Cứ để chúng đến gần thì ta nổ súng tiêu diệt.
Vừa lúc đó, tiếng súng Tây nổ rộ lên từ đồn Hậu tại Pú Thấp sau lưng đèo Ách. Thì ra tên Thiều tá Béc-giê đã dùng binh lối “dương đông kích tây”. Bọn giặc cho quân luồn rừng lên Lảo Khê đánh vào đồn Hậu phía sau cùng, do hai tướng nhà Thanh là Hồ Đàm và Từ Ích chỉ huy với số quân Thanh năm chục người vừa sang độ đầu năm. Thấy bị đánh tập hậu, Đề Kiều sai Đốc binh Hoàng Nhân, Đội trưởng Đỗ Kỷ quay về sau bảo vệ đồn Trung tại Pú Cao, còn ông và Phó đốc binh Vi Bá Thưởng chặn địch trên đèo Ách. Ông dặn hai người:
- Phải cố cứu lấy đồn Trung và đồn Hậu, nếu không cứu được thì phải cho quân lui về khe Hu. Sau đó, chuyển quân về chặn địch ở cầu Cửa Nhì, núi Thẩm Né.
Khi quân của Đốc binh Hoàng Nhân vừa kéo đi làm nhiệm vụ ứng cứu, thì hàng trăm quân Pháp đã xuất hiện trên lưng đèo Ách. Tiếng súng giặc Pháp bốn bề nổ ran, tiếng hô xung phong Mông-tê a-lát-xô!( Monter à lássaut) ầm vang. Quân Pháp nhất loạt xông lên, vừa bắn vừa tiến lên đỉnh đèo. Khi ấy tại đồn Trung cũng rền vang tiếng súng của quân Pháp. Quân ta ở các đồn chống đỡ không nổi đã phải cho quân rút về khe Hu. Nguy cơ quân ta trên đèo Ách bị đánh từ hai phía, phía trong ra và từ ngoài vào, Đề Kiều thấy nguy phải cho quân rút lui, lẩn vào rừng tìm đường sang khe Hu.
Quân Pháp đã chiếm đèo Ách, Thiếu tá Béc-giê cho quân tấn công thẳng vào Mường Lò. Nhưng từ đèo Ách vào Mường Lò khoảng mấy chục dặm, bọn Pháp phải vượt qua được những đồn binh chốt chặn dọc đường, mới tiến được. Được tin quân Pháp đã chiếm được đèo Ách đang tiến vào Mường Lò. Đại tá Brít-xô liền cho cánh quân thứ hai xuất phát từ sông Thao tiến theo ngòi Hút qua Phong Dụ vào Năm Bung, đánh chiếm Mường Lò.
Đội 5 của đạo Tiền quân do Đốc binh Trịnh Bá Khiêm và Phó Đốc Cương chỉ huy đã rút quân lên Tú Lệ bỏ trống đường vào Gia Hội. Vì thế quân Pháp đã nhanh chóng tiến quân nhanh về Mường Lò, Nghĩa Lộ. Chỉ khi đến ngòi Đôi, quân Pháp mới bị đạo Tiền quân đánh chặn lại.
Cuộc đánh chặn của đạo Tiền quân tại cửa ngõ phía tây bắc cũng không kết quả, bởi hàng trăm quân Pháp do thiều ta Bô-xê chỉ huy ào ào tràn qua ngòi Đôi tiến vào thành Mường Lò. Dọc đường, chúng chỉ bị một lực lượng nhỏ lẻ của đạo Trung quân đánh chặn, gây sát thương không đáng kể. Bô-xê ra lệnh đốt tất cả các bản ngườiThái để trả thù và uy hiếp tinh thần đối phương.
Lúc ấy, cánh quân của Béc-giê chỉ huy đã tiến đến núi Thẳm Né. Hắn cho quân tràn xuống ngòi Thia và vượt sang đánh chiếm thành Mường Lò. Đại bản doanh nghĩa quân tại Mường Lò bị đánh từ hai phía, đạo Trung quân do Đốc binh Hoàng Kim đã nhanh chóng chia đạo quân ra làm hai cánh. Một cánh tạm rút về phía tây và một cánh rút về phía đông Mường Lò vừa bám địch vừa đánh tiêu hao quân địch.
Giặc Pháp chiếm được thành Mường Lò, chúng thực hiện dã tâm “đốt sạch, giết sạch”. Nhưng chúng đã bị nghĩa quân bao vây bốn mặt, chặn đánh nhiều toán quân Pháp, gây cho chúng thiệt hại đáng kể. Hai viên chỉ huy Pháp là Béc giê và Bô-xê gặp nhau điện báo cho Brít-xô rằng đã chiếm được thành Mường Lò nhưng đã bị bao vây tứ phía, có nguy cơ bị đánh tiêu diệt. Brít-xô nghe tin liền ra lệnh rút quân, nhưng đường rút của cánh quân Béc-giê về ngòi Lao thực sự không an toàn vì nghĩa quân ở khu vực phía đông nam Văn Chấn rất dày đặc, thường tập kích quân Pháp. Brít-xô đành đồng ý với phương án cho cả hai cánh quân rút theo đường phía bắc Nghĩa Lộ qua Phong Dụ ra ngòi Hút sang đồn Trái Hút bên tả sông Thao.
Khi ấy, Hành dinh của nghĩa quân đã rút vào Pá Hu thuộc châu Phù Yên. Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đã được báo cáo rằng, quân Pháp đã chiếm được Mường Lò. Những trận chiến trên khu vực đèo Ách đã diễn ra không theo ý muốn. Quân Pháp đã bất ngờ cho quân vào đường Lảo Khê, tập kích đồn Hậu, đồn Trung, sau tập trung đánh lên đèo Ách từ hai phía. Chánh Đề đốc Kiều tạm cho quân lui về khe Hu, phối hợp với đạo Hữu quân chặn đánh địch ở Cửa Nhì, Thẩm Né nhưng không cản được giặc Pháp tràn xuống thành Mường Lò. Một cánh quân Pháp khác đi từ ngòi Hút đến Nậm Bung vào Gia Hội tiến xuống Mường Lò. Cánh quân này đã vào được Mường Lò trước, đốt phá cướp bóc rất man rợ. Rất may là dân Mường Lò đã sơ tán từ trước nên không có thiệt hại về người.
Hiệp thống nghe tin bảo Tán Thanh:
- Vẫn biết giặc Pháp sẽ chiếm thành Mường Lò, ta phòng bị sơ tán dân trước, đỡ thiệt hại thế là tốt. Tán Thanh hãy tìm cách liên lạc với Đề Kiều, Đốc Khiêm, Đốc Kim, Đốc Tuế, Đốc Lệ, Lãnh Hoan, Lãnh Doãn, Lãnh Thẩm, Lãnh Kim cố gắng chỉ huy quân bao vây lại đánh tiêu hao địch. Nó sẽ rút, ta cho quân tập kích phục kích mà tiêu diêt. Chú ý những nơi địch không ngờ mà lập trận địa phục kích tiêu diệt thật nhiều, thì chúng sẽ sợ, không dám vào Mường Lò, Nghĩa Lộ nữa.
Tại Tú Lệ, Phó Đề đốc Vương Doãn đã đến gặp Đốc binh Trịnh Bá Khiêm. Đốc binh Khiêm đã nhận tội để cho quân Pháp dễ dàng chiếm Mường Lò, nhưng Lãnh Doãn gạt đi:
- Chỉ huy không giữ được, biết tội là được. Nhưng quân vẫn còn trong tay phải biết tương kế tựu kế, tổ chức đánh phục kích vào cánh quân địch rút qua Phong Dụ theo đường ngòi Hút ra sông Thao.
Đốc Khiêm và Phó Đốc Cương nghe lời, dốc toàn binh lực có trong tay khoảng trên ba trăm người lập trận địa phục kích ở Phong Dụ. Quân Pháp rút từ Mường Lò ra theo đường cũ. Anh lính Hỷ lần trước bỏ trực ở vọng tiêu để cho quân Pháp tiến công vào Mường Lò báo cáo:
- Hàng trăm quân Pháp hành quân từ Mường Lò ra Nậm Bung đang rẽ sang đường Phong Dụ, đề nghị cho quân ta vào vị trí phục kích!
Phó Đốc binh Cương cho lệnh cho quân vào trận địa, nằm phục trong các bụi rậm chỉ cách mặt đường chừng một vài thước ta. Chờ cho toàn bộ quân Pháp lọt gọn vào trận địa, Hoàng Đình Cương ném một quả pháo lệnh, pháo nổ vang, quân quan nhất loạt xông ra, dùng gươm giáo đâm và kiếm sắc chặt phăng đầu giặc. Toàn bộ cánh quân đi đầu của giặc Pháp bị đội quân của Hoàng Đình Cương tiêu diệt. Hàng chục tên Pháp bị chặt đứt đầu, hàng trăm tên bị đâm chết ngay tại chỗ. Nghĩa quân và dân Phong Dụ vội thu vũ khí và rút vào rừng.
Cánh quân địch đi sau nghe tiếng súng nổ biết đồng bọn bị đánh ở hướng Phong Dụ vội vàng chạy đến Nậm Mươi sang Nà Hàu theo ngòi Thia ra sông Thao. Bị đội 4 của đạo Tiền quân chặn đánh, giết được một số ít quân địch lội qua suối Ngo. Tin chiến thắng Phong Dụ và tin chiến thắng ở Đồn Vàng, Thanh Sơn ( Ô Diến Vượng, Gia Nguyên) cùng đến với Hiệp thống và chỉ huy Hành Dinh. Hiệp thống Bích phấn khởi, cảm xúc viết bài thơ: “ VĂN DỤ PHONG (1) BÁO TIỆP” :
Chú thích:
(1). Tức Phong Dụ, Văn Yên, tỉnh Yên Bái ngày nay
Thoái xá sơn đồn tọa tịch huy,
Tự lân điều độ thất tiên ky. ( cơ)
Gia nguyên tiệp hỷ liên thời đáo,
Thập giải phiên đầu mã tự phi.
Dịch thơ:
NGHE TIN THẮNG TRẬN
Ở DỤ PHONG
Lui đóng sơn đồn bóng xế tây,
Trách mình điều động lỡ cơ hay.
Gia Nguyên thắng trận tin đồn đến
Mười giải đầu thù, phong ngựa bay.
Mấy ngày sau, Đề Kiều mới tìm về Hành dinh Pá Hu, báo cáo lại tình hình, trình bày với Hiệp thống Bích:
- Quân giặc tràn qua được đèo Ách là do bị đánh bất ngờ về phía sau. Ở hướng Lảo Khê tôi đã bàn với Hồ Đà, Từ Ích canh giữ cẩn thận. Nhưng hai ông tướng ấy và số quân lính Thanh vừa sang giúp ta không nắm được địa hình bảo địch còn xa, chủ quan không cho người cảnh giới. Bị đội quân sơn cước của Pháp đánh bất ngờ, nên chúng chiếm ngay được đồn Hậu tại Pú Thấp.
Tôi cho quân từ Đèo Ách ứng cứu nhưng tới đồn Trung tại Pú Cao thì giặc Pháp đã tới chiếm rồi. Quan Pháp đánh mạnh từ hai hướng, trong ra ngoài vào nên tôi phải cho bính lính rút sang khe Hu.
- Hai ông Hồ Đà và Từ Ích vẫn được an toàn chứ?
- Vâng, thưa Hiệp thống, hai ông tướng ấy đã kịp thời chạy vào rừng, thoát chết. Còn binh sỹ có hơn mười người bị thiệt mạng. Số còn lại, hơn ba mươi người tôi đã bố trí về với đạo Hữu quân.
- Không thế được. Ông bảo với hai tướng nhà Thanh rằng, bây giờ quân Nam đang ở trong tình thế gây go, quân Pháp đang đánh mạnh, các ông tạm đưa quân sang tả sông Thao. Họ sẽ cùng với Đốc binh Trần Văn Thành gây cơ sở, liên hệ với người Tàu giúp đỡ ta về vật chất như lương thực, vũ khí, quân trang. Có hậu thuẫn như thế, ta mới có thể kháng chiến lâu dài, còn dùng cho họ trực tiếp đánh nhau với Tây thì họ thiệt mạng mà ta cũng mất người theo.
Không thấy Hiệp thống nói về việc chuyển quân, Đề Kiều hỏi:
- Tình hình quân ta ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ không ổn nữa, Hiệp thống định thế nào?
- Không phải là không ổn. Hơn một năm nay ta vẫn giữ được vùng đất này. Bây giờ, quân Pháp dồn sức đánh, ta vẫn chống trả được đó thôi. Chúng ta tuy có bị bất ngờ nhưng đã tiêu diệt ba phần tư lực lượng địch há chẳng phải là ta đã thắng ư. Có điều nơi này giặc pháp đã biết hết đường đi lối lại, ở mãi cũng khó giữ lắm đấy. Chi bằng nhân dịp này, ta cho Hành dinh chuyển về Mộ Xuân, Yên Lập để tiện chỉ huy và chủ yếu để phát triển sang Ninh Bình, Chợ Bờ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và hướng về đồng bắng Bắc Kỳ, sang Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên. Một số đơn vị quân ta vẫn phải chiếm giữ ở đây và phát triển sang hạt Sơn La, Lai Châu, lên Chiêu Tấn, Bảo Thắng, Lào Cai.
- Bao giờ thì ta có thể chuyển quân?- Đề Kiểu hỏi Hiệp thống.
- Việc chuyển Hành dinh và chuyển quân phải giữ bí mật tuyệt đối. Không cho địch phát hiện, biết được, chúng sẽ cho quân đuổi đánh. Ta không giữ được thì sẽ thất bại ngay. Địch đang nắm trong tay quyền chủ động chiến lược, nên mọi hoạt động của ta phải im hơi, lặng tiếng. Từ đây, đến nơi địch đóng quân rất gần, chỉ một hai ngày là chúng sẽ đuổi kịp ta, đánh ta. Ta cũng phải lập phương án đánh trả quân giặc, chủ động đánh địch trước mới là tốt.
Đề Kiều nghe còn lấn cấn:
- Tiếc nhất là Mường Lò, Nghĩa Lộ không trở thành “Kinh đô kháng chiến”, vua Hàm Nghi không ra, Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết không về. Chúng ta thực sự không có triều đình, rất khó điều hành chính sự. Giá mà ngài Tôn Thất Thuyết về đây yên vị, thì quân quan sẽ được tăng cường, giặc Pháp không đủ sức chiếm Mường Lò, Nghĩa Lộ. Quân ta đã chắc chắn về đồng bằng, miền Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình được giải phóng thì vùng rừng núi Việt Bắc, Tây Bắc ta giữ lại khó gì. Lỡ nước cờ, có khi ta phải đổi một giá đắt là thất bại.
Thấy Đề Kiều lo lắng, Hiệp thống động viên:
- Chánh Đề đốc Kiều cứ yên tâm! Thời cơ lấy lại nước Nam còn nhiều. Chúng ta hợp sức lại cố gắng một chút nữa là thành công. Vùng sông Thao-Hưng Hóa phải gắng sức đánh mạnh lên. Đánh lớn thắng lớn thì những nơi khác sẽ theo về, ta sẽ tập hợp lại lực lượng, sức ta sẽ mạnh lên, đánh vài trận lớn thì địch sẽ quỵ . Ta sẽ thu về các thành trì lớn và Kinh đô, bắt giặc Pháp phải ngồi bàn, chấp nhận rút quân về nước.
Chánh Đề đốc Kiều nhìn Hiệp thống Bích thở dài:
- Tôi vẫn thấy kho khó, mọi việc đâu có suôn sẻ nữa. Điều quân, khiển tướng bây giờ khó hơn trước nhiều lần. Chính tôi đương lo, Hành dinh rút về tổng Mộ xuân sẽ gặp rất nhiều khó khăn về quân lương và về trang bị. Tướng sỹ sẽ không giữ vững đội ngũ, đội hình, không cẩn thận sẽ tự tan như lá rụng mùa thu. Tôi nói trước điều đó để Tướng công nghĩ xem tôi nói có đúng không?
- Anh là người trong cuộc, anh nói đúng. Biết được thế thì ta phải tìm cách hạn chế thất bại. Biết được địch mạnh, ta biết kìm chúng lại. Trong chiến tranh đứng một chỗ thì chết, vận động lên thì ta không chết mà lại cầm chắc cái thắng trong tay. Đề đốc Kiều cùng anh em hãy cố gắng lên!
Hành dinh lui về thành Viềng Công, Nghĩa Lộ. Trong thời gian này, để kích lệ tinh thần binh sỹ, Hiệp thống cho quan quân và nhân dân ăn mừng chiến thắng Thượng Bằng La và Phong Dụ. Phát phần thưởng cho những người chỉ huy và binh sỹ giết được nhiều giặc và chém được đầu giặc Tây. Giữa mùa hè nắng lửa, mưa tuôn mọi người tuy vui nhưng không khỏi lo lắng khi nghe tin quân Pháp lại tiếp tục cho quân tấn công vào Văn Chấn, Nghĩa Lộ.
Trong tình thế bị quân địch đánh từ nhiều phía, Hiệp thống quyết định chuyển Hành dinh về tổng Quế Sơn, châu Yên Lập. Từ thành Viềng Công về Quế Sơn, nếu đi theo đường đèo Ách ra Ba Khe thì gần, nhưng sợ giặc Pháp cho quân đánh chặn và phục kích, quân quan bàn nhau đi đường rừng theo đường Lảo Khê, sang Thượng Bằng La. Đề Kiều cho quân cắt rừng đi trước, bản thân ông cưỡi ngựa theo sau, ông yêu cầu Hiệp thống cưỡi“Ông voi Chúa” đi giữa và quân hộ tống đi sau. Mọi việc chỉ đạo quân ở Văn Chấn, ông giao cho Phó Đề đốc Vương Doãn chỉ huy cùng với số lãnh binh, đốc binh người Văn Chấn. Vùng Mường Lò, Nghĩa Lộ, ông giao cho Lãnh Tám, Đốc Lục, phó đốc Thành lãnh đạo quân dân.
Đến giữa tháng 7, việc chuyển Hành dinh về Quế Sơn được hoàn thành. Về địa điểm mới, đóng tạm tại trang trại nhà ông Đốc Bài. Quan quân được nghỉ ngơi, ăn uống, được một tuần thì bọn địch nghe tin Hành dinh của nghĩa quân đã rút về làng Sơn Lương chúng lại kéo quân lên đánh. Đồng thời Brít-xô lại cho quân tấn công vào Mường Lò, Nghĩa Lộ; lần này không chỉ đến càn quét mà cho quân lính đóng đồn chiếm giữ lâu dài. Đại úy Sa-pơ-le (Sarpaller) chỉ huy 500 quân từ Âu Lâu vào Ba Khe lên chiếm lại đèo Ách và Mường Lò. Những đơn vị của nghĩa quân Cần Vương còn ở lại Văn Chấn, Nghĩa Lộ dưới sự chỉ huy của Vương Doãn và Đốc Lục, Phó Đốc Thành tiếp tục đánh chặn quân Pháp gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Nghĩa quân bao vây quân địch tại Mường Lò. Lũ giặc bị tiến công suốt ngày đêm khốn đốn phải kêu cứu viện. Brít-xô phải tăng viện quân cho Đại úy Sa-pơ-le tại Mường Lò. Chúng điều hai đội binh do đại úy Buy-kê (Buykes) và trung úy Noóc-ke ( Norkes) đến giải cứu cho Mường Lò. Hai đội binh này đều bị quân dân Mường Lò chặn đánh, hàng chục tên lính Pháp bị thương vong.
Quân Pháp cố kết chiếm giữ Mường Lò, Nghĩa Lộ, chúng lại điều thêm một tiểu đoàn tăng cường từ Hà Nội lên do Đại úy Grô-đa (Grasda) chỉ huy, hành quân từ Âu Lâu vào Ba Khe. Tại quãng đường từ Ba Khe vào đèo Ách quân Pháp liên tục bị chặn đánh. Quân Cần Vương, dưới sự chỉ huy của Phó Đề đốc Vương Doãn và dân binh Mường Lò do Đốc Lục và Phó Đốc Thành lãnh đạo lại đánh một trận phục kích trên đường qua núi Thẩm Né tiêu diệt hơn 120 tên địch.
Tại Sơn Lương, Yên Lập, Hành dinh của Hiệp thống Nguyễn Quang Bích bị giặc Pháp phát hiện liền cho quân vây đánh. Hiệp thống phải điều quân từ Nghĩa Lộ về giải vây và cử các ông Lãnh binh Đinh Công Sành và Đốc binh Đinh Công Sỏi, Đốc binh Phùng Văn Thịnh, Đốc binh Hà Văn Bài điều toàn bộ dân binh ra đánh chặn. Quân giặc Pháp bị thương vong nhiều phải cho quân rút theo đường ngòi Rành và ngòi Lao về. Vùng Sơn Lương, Mỹ Lương thuộc Quế Sơn, Yên Lập lại được trở về bình yên.
Những ngày đầu ở Sơn Lương, nghĩa quân gặp không ít khó khăn. Hết gạo, thiếu muối, quân quan bị đói, bản thân Hiệp thống Đại thần cũng phải đi vào bản nghèo quyên góp gạo muối nuôi binh sỹ. Ông có ghi lại việc này trong bài thơ “QUÂN TRUNG SÁCH MỄ” :
“Sách mễ tầm dương nhật nhật mưu,
Hà năng ly tửu nhật nhật ngưu.
Thử tình nan hướng giang sơn bạch,
Mang đắc tướng quân bất tận sầu”.
Dịch thơ:
KIẾM GẠO CHO QUÂN
“Kiềm muối tìm lương đã bấy lâu,
Nói gì ủ rượu với mổ trâu.
Tình này khôn tỏ cùng non nước,
Luống để lòng tôi chẳng ngớt sầu”.
Hết gạo thiếu muối, quan quân phải thay nhau vào rừng hái rau đào củ mài, rau rừng hết củ mài cũng tận, nghĩa quân phải mang về cả củ nâu, đem ra suối ngâm rồi đồ xôi lên cùng nhau ăn cho đỡ đói. Nhiều bữa, gạo chỉ đủ nấu cháo cho người ốm, người khỏe phải cố ăn củ nâu. Quan Hiệp thống ngồi ăn một cách tự nhiên, cố nuốt cho binh sỹ an tâm cùng ăn để sống mà chiến đấu chống giặc Pháp. Tình cảnh thiếu lương thảo kéo dài mấy tháng trời, mãi đến giữa tháng mười năm Mậu Tý mới chấm dứt.
Một hôm, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích bàn với Đề đốc Kiều và Phó Đề đốc Vương Doãn:
- Để thuận lợi cho việc tác chiến lâu dài, ta nên lập Đại bản doanh tại làng Xuân An, tổng Mộ Xuân. Ở đây đồng bào các dân tộc có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Địa thế ba làng của tổng Mộ Xuân là Xuân An, Xuân Viên, Xuân Thủy có thể trấn giữ được lâu dài. Nhiều núi non hiểm trở có nhiều hang động, khe sâu có thể chứa quân, lập xưởng chế tạo súng đạn và làm kho vũ khí. Từ đây, điều quân lên vùng núi phía Tây Bắc rất nhanh và về miền trung du, đồng bằng cũng rất tiện. Hiện nay các hào lý làng tổng trong châu và tri châu đều là người của ta nên ta dễ bề kiểm soát và sai khiến.
Đốc Bài dẫn Hiệp thống về Mộ Xuân, lập Hành dinh tại gò Cao ở xóm Dần. Trong hoàn cảnh bị vây, những hoạt động chỉ huy quân sỹ cũng được chuyển vào bí mật. Mọi sự liên lạc, tiếp tế, do binh sỹ và người dân ăn mặc theo kiểu dân tộc Mường đảm nhận. Các hoạt động của quan quân phải chuyển về ban đêm. Ban ngày thì chỉ thấy người dân Mường xóm Dần ra đồng lên nương cầy cuốc, quân địch không hề biết được chỉ huy nghĩa quân đang ở đâu.
Từ hướng thượng nguồn ngòi Rành, qua một đường đèo vào núi Cháu, (tên chữ Tôn Sơn). Đốc Bài đưa quan Hiệp thống và Đề Hoan, Đề Kiều, Tán tương quân vụ Lê Thanh, Phó Đề Đốc Doãn theo khe Cháu vào nghiên cứu địa hình lập Đại bản doanh mới. Ở đây có đường núi lên Văn Chấn, ngược Trung Sơn, xuống Thượng Long. Nước suối và thác chảy quanh năm, rừng ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Trong rừng có nhiều cây dâu da, sung vả và nhiều cây dược liệu quý như thạch xương bồ, quế chi, sâm nam. Nhiều cây gỗ quý như trắc, sến, lim, gụ cùng tre, trúc, nứa, mai, vầu xanh ngát. Trong thác suối sâu có nhiều loại cá quý, thịt rất thơm ngon. Trong rừng già vẫn thường gặp các ngài “Chúa sơn lâm”. Đoạn đường từ Tôn Sơn lên Văn Chấn đi qua một ngọn núi thường gặp từng bầy hổ dữ, nên mọi người đặt tên núi ấy là núi “Chúa Sơn Lâm”.
Hiệp thống Nguyễn Quang Bích và các chỉ huy nhất trí lập Đại bản doanh tại đây. Ông cho làm doanh trại ngay bên sườn núi Tôn Sơn, bên khe Cháu. Người ra người vào phải theo khe núi mà đi, lúc lội khe, lúc đi ven bờ. Bên trên đỉnh núi và bên kia núi đặt vọng tiêu, cắt cử một đội quân canh gác kiểm soát ngày đêm các đường hẻm ra vào. Ban ngày trời trong có thể đốt lửa khói làm ám hiệu báo cho quan quân đóng ở đình Đạng, gò Cao xóm Dần. Ngược lại quan quân ở đình Đạng, gò Cao xòm Đần cũng có thể dùng lửa khói làm ám hiệu thông báo tin tức quân địch cho Đại bản doanh.
Việc quan quân chuyển vào ở Đại bản doanh Tôn Sơn được thực hiện vào ban đêm. Ông Chương đầu bếp và ông Vàng thủ kho cũng được đưa vào ở Đại bản doanh cùng với Hiệp thống Nguyễn Quang Bích, Đề Hoan, Đề Kiều, Lãnh Sành, Lý Sỏi. Các ông Nguyễn Tử Ngôn, Trần Ngọc Dư, Lãnh Gáo, Lãnh Nhưỡng hoạt động tại vùng Ninh Bình, Nam Định vừa lên cùng chuyển vào ở trong Đại bản doanh.
Tại Đại bản doanh Tôn Sơn, Hiệp thống sai Đề Kiều, Phó đề đốc Vương Doãn thường xuyên trở về vùng Nghĩa Lộ, Mường Lò, lệnh cho các đơn vị nghĩa quân chuyển dần về vùng núi Vòng Kiềng và dãy núi Năm Tầng vùng nam huyện Cẩm Khê, châu Yên Lập, và bắc huyện Tam Nông và châu Thanh Sơn, Thanh Thủy. Đại đa số quân lính của Đốc Ngữ và của Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đã từng biết nhau, cùng hiệp lực trong trận tuyến kéo dài từ Hưng Hóa vào tận Thanh Hóa và về vùng Ninh Bình, Nam Định.
Vào đầu tháng Một năm Mậu Tý, Tiến sỹ Tống Duy Tân từ Quảng Tây, Trung Quốc về. Ông báo cáo với Hiệp thống Nguyễn Quang Bích:
- Ngài Tôn Thất Thuyết sang Tàu cầu viện nhà Thanh không thành. Các quan nhà Thanh thậm chí không thèm tiếp quan Phụ chính và các ông quan nhà ta sang sau đó như Trần Xuân Soạn, Ngụy Khắc Kiệm, Nguyễn Thiện Thuật. Tôi có ngồi đàm đạo với Đại tướng Nguyên nhung nhưng cũng chẳng thấy ngài ấy nói gì đến việc đem quân, vũ khí trở về nước. Ông có nhờ tôi đem sắc phong cho ông Đình nguyên Phan Đình Phùng cấp “Bình trung tướng”. Nay Hiệp thống có biết ông Phùng ở đâu?
- Nghe tin Đốc Ngữ đã đưa ông Đình nguyên Phan Đình Phùng về Hà Tĩnh lãnh đạo phong trào đánh Tây cứu nước. Ông ta định lên Nghĩa Lộ với tôi, nhưng vì khi ấy Tây đánh rát quá, ông phải nhanh chóng trở về Hương Sơn, Hà Tĩnh cùng quân dân chiến đấu.
Một thắng lợi chuyến đi sang Tàu của Tiến sỹ Tống Duy Tân là gặp và đàm đạo với quan Tiễu phủ sứ Lương Hữu Tú. Ông Tú rất nhiệt thành chống Pháp đã sang Quảng Tây mua gửi về cho nghĩa quân trong nước 1000 khẩu súng và mấy trăm hòm đạn. Số súng đạn ấy đã được chuyển theo đường thượng đạo về Tuyên Quang. Nghĩa quân của Hiệp thống Nguyễn Quang Bích có trách nhiệm mang về sử dụng và chuyển cho nghĩa quân Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đánh giặc lập công.
Buổi tối, hai vị văn thân ngồi đàm đạo rất lâu. Trăng lên soi sáng cả vùng núi mênh mông. Khe nước chảy rì rầm bên nhà, gió thổi rì rào, bóng cây rung rinh, trăng luồn trong mây trắng. Ánh trăng soi dọi trong muôn ngàn cây rừng, lấp lánh trong làn nước dười khe sâu. Chuyện về thế sự đượm buồn, Phong trào Cần Vương đang lao xuống dốc, khó có thể vực lên được. Đại tướng Nguyên nhung thỉnh thoảng có gửi thư về với những lời hứa chẳng mấy khi là thực. Tình riêng quê hương, gia đình của hai vị văn thân đang trong muôn nghìn trắc trở, rình rập nhiều tai họa không ngờ, nên chẳng ai nhắc đến. Mưu chước hay để xoay chuyển tình hình thì chưa có gì đáng tin cậy. Lòng Vua Hàm Nghi đang cuộn lên trăm nghìn mối lo cho dư đồ non sông chìm đắm mà bày tôi trung thành chưa làm nên, đang mất dần.
Hiệp thống Nguyễn Quang Bích nhìn Tiến sỹ Tống Duy Tân dặn dò:
- Về Thanh Hóa, ông cố tạo dựng lên một Hùng Lĩnh như Chí Linh xưa. Đất nước lại bùng lên biển lửa ngút trời thiêu cháy quân Tây cướp nước để giang sơn ta lại một mối thu về.
Tiến sỹ Tống Duy Tân đáp lời:
- Lòng ai cũng đều muốn thế cả, nhưng thời vận cực khó thay! Chẳng lẽ là một văn thân như ta lại buông tay à?
Ngày hôm sau, Tiến sỹ Tống Duy Tân từ Đại bản doanh Tôn Sơn trở về miền tây Thanh Hóa tiếp tục lãnh đạo Phong trào Cần Vương kháng chiến chống Pháp xâm lược. Hiệp thống Đại thần lại nuôi hy vọng mới, sẽ có ngày quân dân Thanh Hóa và An Tĩnh sẽ xoay chuyển tình hình, tạo ra cục diện mới có lợi cho ta.
Nhưng chỉ một vài hôm sau, tin từ “hạ lưu” báo lên: Vua Hàm Nghi đã bị giặc Pháp bắt tại miền tây Quảng Bình. Chúng đưa về Huế, dụ dỗ đầu hàng, nhưng ngài quyết tâm từ chối. Ngài bị giặc Pháp áp giải xuống tàu biển đưa sang An-giê-ri (Algérie) giam cầm chẳng mong đợi gì ngày về.
Mấy ngày sau khi nghe tin, Hiệp thống Bích vô cùng buồn đau, nằm mề mệt trong nhà, chẳng nói, chẳng cười, chẳng thèm ngồi dậy đi lại như mọi khi. Tướng sỹ tưởng ông ốm mệt, không ai nghĩ đến một tai họa đang giáng xuống đầu nghĩa quân Cần Vương. Trước đây, mọi người vẫn vọng trông vào Đức Vua Hàm Nghi nhưng chẳng thấy vua ra, trông vào Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết nhưng chẳng thấy ngài trở về. Đã thất vọng, nay tin dữ đến sẽ càng thất vọng hơn, không khéo thuyết phục quan quân và dân chúng thì Phong trào Cần Vương sẽ tự nhiên tan rã. Quan quân phải làm gì để giữ lại cái hồn cốt của phong trào chờ thời vận mới. Ngài Hiệp đốc Giáp khi còn sống luôn dặn dò binh sỹ ta phải thủ hiểm đợi thời, há chẳng phải là ông ấy đã nghĩ trước mọi người ư. Làm theo lời ông ta, nghĩa quân Cần Vương cần phải duy trì được lực lượng, thủ hiểm nơi núi non chiến đấu chống giặc Pháp đến cùng, không hạ vũ khí, không can tâm làm nô lệ. Lời thề thiêng liêng tại Tiên Động năm xưa lại âm vang thôi thúc ông cùng binh sỹ chiến đấu đến cùng chống giặc Pháp xâm lược.
Mấy ngày sau tại Đại Bản doanh Tôn Sơn, người ta lại thấy quan Hiệp thống đại thần mặt tươi như hoa, đi lại nói cười như thường, vẻ rắn giỏi hơn trước. Tướng sỹ nhìn vào ông ai cũng thấy vững tâm, quả cảm hơn trong nhiệm vụ chiến đấu giết giặc Tây diễn ra thường xuyên hàng ngày.