Đúng như lời của Đình nguyên Phan Đình Phùng báo trước, Tiến sỹ Tống Duy Tân ra Bắc, đến Đại bản doanh Mường Lò gặp Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích và các tướng sỹ. Đề Kiều về thăm nhà tại Xuân Lôi gặp Tiến sỹ Tân đang trên đường tới Văn Chấn đã trực tiếp đưa lên. Đường tới Ba Khe bị giặc Pháp chốt chặn nên phải theo đường núi châu Phù Yên, Bắc Yên sang Trạm Tấu vào Nghĩa Lộ.
Tại Đại bản doanh Mường Lò, Hiệp thống Bích và Đề Kiều tiếp Tiến sỹ Tân. Hiệp đốc Giáp và các tán tương quân vụ đi mặt trận nam Văn Chấn. Tin chiến thắng từ phía nam báo về: tại Ba Khe, một trận đánh phục kích của đạo Hậu quân, do Phó Đốc Vi Bá Thưởng chỉ huy đã bắn chết 30 lính Pháp, riêng ông Thưởng bắn chết 3 tên trong đó có một tên chỉ huy người Pháp. Đây coi là một chiến thắng mở đầu của quân dân Văn Chấn chào mừng mùa xuân năm 1887.
Chiến thắng Ba Khe đã làm cho mọi người rất vui mừng. Tiến sỹ Tân nghe tin cũng rất phấn khởi, vì chiến trường Thanh Hóa đang gặp nhiều khó khăn. Sau khi căn cứ Ba Đình, Mã Cao bị giặc Pháp tiến công, chiếm đóng, chúng tập trung quân đàn áp Phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa rất giã man. Hàng trăm binh sỹ bị giết, hàng chục nghìn đồng bào bị địch sát hại, quân Cần Vương phải lui lên căn cứ Hùng Lĩnh ở miền tây Thanh Hóa còn nằm im chưa mở một trận đánh nào về phía quân Pháp. Tiến sỹ Tân phải quyết định đi ra Bắc, lên Văn Chấn, Nghĩa Lộ để gặp quan quân bàn về sự hiệp lực và mong có sự chi viện.
Tin từ Thanh Hóa, Hiệp thống nắm được hàng ngày. Chẳng chờ phải nghe Tiến sỹ Tân báo cáo, đã biết qua tin tức tình báo hoặc nghe Đốc Ngữ và một số người thường xuyên qua Đà Bắc vào vùng tây Thanh Hóa giữ mối liên hệ, hợp đồng chiến đấu với nghĩa quân Cần Vương.
Hiệp thống Bích hỏi Tiến sỹ Tân:
- Tôi ở ngoài này đã trực tiếp nghe tin thất bại ở Ba Đình, ở Mã Cao và một số nơi khác. Các thủ lĩnh ở Thanh Hóa, tôi chưa nắm được người còn, người mất, thiệt hại về người, về vũ khí trang bị, bài học kinh nghiệm cần phải rút ra?
- Thưa Hiệp thống! Các chỉ huy của ta ở Thanh Hóa đã hy sinh trong trận mạc gồm có Đốc binh Nguyễn Khế, Hoàng Bật cùng với hàng trăm người tử vong tại Ba Đình, Mã Cao. Một số chỉ huy chiến đấu đến cùng, nhất quyết không cho địch bắt, đã tuẫn tiết trong đó có Lãnh binh Phạm Bành, Hà Văn Mao, Lê Toại. Riêng Đinh Công Tráng thoát vây đã chạy vào đất Nghệ An, sống chết còn chưa rõ. Những người chỉ huy còn sống là Trần Xuân Soạn, Cao Điền, Hà Văn Nho, Cầm Bá Thước. Chúng tôi đang tập hợp về Phi Lai, Hùng Lĩnh và vùng núi phía tây Thanh Hóa gây dựng lại phong trào Cần Vương chống Pháp.
Hiệp thống Bích nghe báo cáo, bình tĩnh nói:
- Quân dân Thanh Hóa đã nêu một tấm gương yêu nước, kiên cường chống Pháp. Đứng trước những thất bại ở Ba Đình, Mã Cao cần phải tin tưởng và phải tích cực xây dựng thêm lực lượng mới. Thanh Hóa là một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng của nước ta, dân đông tạo nên lực lượng đã lập nhiều công lao lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, cần phải phát huy trong giai đoạn cả nước chống Pháp xâm lược cứu nước, Cần Vương.
Hiệp thống ngừng nói nhìn thẳng vào Tiến sỹ Tân hỏi:
- Khi Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết qua Thanh Hóa gặp gỡ các văn thân, võ tướng không phong cho ai chức sắc gì là thể nào nhỉ?
- Thưa Hiệp thống! Đến Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa ngài ấy có gặp gỡ các tướng lĩnh Cần Vương như Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước và tôi cùng nhiều người khác. Tất cả đều yêu cầu ngài ấy ở lại tập hợp lực lượng Cần Vương cùng quân dân chiến đấu, nhưng ngài ta từ chối. Ngài đi lên Sơn La và sau đó đi sang Quảng Tây, Trung Quốc gọi là đi cầu viện, thật là ảo tưởng, ảo tưởng vô cùng! Tôi có cảm giác như ngài ấy không tin vào một ai. Một người Chủ tướng mà không tin vào tướng sỹ của mình thì còn mong đợi gì. Ngài ta không phong sắc cho chúng tôi nghĩa là còn thiếu tin tưởng và không muốn dựa hẳn vào nhân dân!
Hiệp thống nhớ lại, khi đi sứ cầu viện về nước, không thấy ông Tôn Thất thuyết về Mường Lò, Nghĩa Lộ cũng có ý nhận định như Tiến sỹ Tân nhưng ông không nói ra sợ tướng sỹ nản lòng. Suy nghĩ bâng khuâng một lúc lâu, ông lại nói:
- Cái khó bây giờ là ông Tôn Thất Thuyết vẫn là người cầm cờ của Phong trào Cần Vương, Đức Vua Hàm Nghi đang tại vị. Ta làm khác đi sợ ảnh hưởng đến phong trào chung. Chính vì suy nghĩ đó, tôi muốn cử ông sang Tàu gặp ông Tôn Thất Thuyết xem ngài ấy có kế sách chỉ đạo như thế nào. Sau đó, chúng ta sẽ mở Hội nghị thống nhất lực lượng bàn thấu đáo cách thức chỉ đạo chiến đấu chống giặc Pháp nhằm xoay chuyển tình thế. Hiện nay, tại miền Bắc, miền Trung chúng ta đang gặp những khó khăn không nhỏ, Phong trào Cần Vương có nhiều nguy cơ bị thất bại.
Tiến sỹ Tân tán đồng ý kiến của Hiệp thống Bích, ông không có ý kiến gì thêm và vui vẻ nhận lời đi sang Tàu gặp ngài Tôn Thất Thuyết. Ông đề nghị Hiệp thống cử người vào Thanh Hóa báo cho Cao Điền, Hà Văn Nho, Cầm Bá Thước biết tin là ông được cử đi Trung Quốc gặp và đàm đạo với ngài Tôn Thất thuyết. Ở nhà quan quân Cần Vương tại Thanh Hóa cố gắng xây dựng nhiều căn cứ chống Pháp và duy trì được lực lượng kháng chiến chờ thời cơ mới.
Tiến sỹ Tân vừa dừng lời, thì Đề Kiều, Đốc Lục từ dưới nhà sàn đi lên chào hai vị văn thân rồi ngồi lắng nghe hai người nói chuyện với nhau. Hiệp thống Bích nói:
- Chúng tôi dấy binh chống Pháp là theo ý nguyện của nhân dân Hưng Hóa. Từ đầu năm 1884, chúng tôi đã “ bất thụ kháng chỉ” kiên quyết chống giặc Pháp. Khi có Chiếu Cần Vương chúng tôi đã quyết một lòng theo lệnh của Đức Vua Hàm Nghi, tuân mọi mệnh lệnh của Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết. Ngài bỏ đi Trung Quốc cầu viện làm chúng tôi vô cùng thất vọng. Chúng tôi mong có một “Triều đình kháng chiến” ở ngay Mường Lò, Nghĩa Lộ để phong trào có ngọn cờ chỉ huy thống nhất, tập hợp được lực lượng trong cả nước. Nhờ đó, Phong trào Cần Vương phát triển lên cao, chỉ một vài năm thì cuộc chiến đấu sẽ hoàn thành, giặc Pháp phải rút về, nước Nam thu về một mối, quan hệ với các nước lại bình thường, hữu nghị như xưa.
Đề Kiều có ý kiến:
- Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất thuyết không ở lại Việt Nam kháng chiến thì cứ cho ngài ta đi. Ngài ấy không quay về thì ta cử người thay, đón Vua Hàm Nghi mà Vua không ra thì ta cũng không cần. Ta cứ cử lấy một người làm Đại Nguyên soái, các tướng lĩnh khác là Nguyên soái vào Bộ Chỉ huy chung lãnh đạo Phong trào Cần Vương cả nước. Vũ khí, quân lương thiếu thì ta khắc phục; một là đánh địch cướp lấy vũ khí, quân lương; hai là ta tự làm lấy vũ khí trang bị cho mình; ba là ta quyên tiền bạc vàng, sản vật của nhân dân trong nước mà mua hoặc đổi lấy. Chỉ cần gió thuận là giương buồm lên, con thuyền Cần Vương sẽ cặp bến bờ. Bây giờ, ta không nên vọng trông vào ngài Tôn Thất Thuyết nữa, mặc cho ngài ấy đi đâu thì đi. Ta nên lo lấy cho ta là hơn, đừng nằm há mồm mà chờ sung rụng.
Hiệp thống Bích và Tiến sỹ Tân nghe đều mỉm cười. Hiệp thống cẩn thận hỏi thêm ý kiến của Đốc binh Đào Chính Lục:
- Nghe ý kiến của Đề Kiều là thế, Đốc Lục thấy thế nào?
- Con thì cũng nghĩ như ông Đề Kiều, quan Hiệp thống sẽ là Đại Nguyên soái, Tiến sỹ Đình nguyên Phan Đình Phùng, Tiến sỹ Tống Duy Tân làm Nguyên soái. Ba ông làm nên Bộ Chỉ huy tối cao điều hành công việc Cần Vương trong cả nước. Chỉ một thời gian là sẽ có chuyển biến, Vua Hàm Nghi sẽ tự ra, Phụ chính Tôn Thất Thuyết sẽ tìm đường về. Việc đó là rất cần thiết, quy tụ được dân, quân. Chứ hiện này dân Nghĩa Lộ cũng chỉ coi quan Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích là ông “quan triều”, thế thôi; khó có thể động viên được sức người và của cải.
Hiệp thống Bích gật đầu:
- Các ông nói cũng phải, nhưng tự xưng, tự tôn như thế sẽ mắc vào tội khi quân, phản nghịch. Không như năm Giáp Thân (1884) tướng sỹ tôn tôi là Chủ soái thì tôi nhận, năm nay mà nhận chức vị Đại Nguyên soái thì người ta chê cười. Bây giờ tôi cử Tiến sỹ Tống Duy Tân sang Tàu gặp Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết bàn định, khi về nước sẽ hay. Còn bây giờ ông Đề Kiều chuẩn bị tiền, lương thực cho chuyến đi của Tiến sỹ Tống Duy Tân. Cử người vào Thanh Hóa, Nghệ An mang cho mỗi vùng 50 khẩu súng mà Tổng Đốc Vân Quý là Sầm Dục Anh vừa gửi chi viện cho ta.
Tiến sỹ Tân rất phấn khởi vui vẻ. Ông nói là muốn đi về đồng bằng Bắc Kỳ xem lực lượng Cần Vương hoạt động chiến đấu thế nào để bàn hiệp lực. Nay sang Tàu đàm đạo là việc rất quan trọng không thể từ chối, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ mà Hiệp thống đại Thần Nguyễn Quang Bích giao phó. Việc ở nhà Đề Kiều, Đốc Ngữ liên lạc với Cao Điền, Hà Văn Nho, Cầm Bá Thước tại căn cứ Hùng Lĩnh, bảo các ông ấy tự lo liệu!
Đề Kiều nói:
- Tiến sỹ Tống Duy Tân cứ bình tâm đi sang Tàu. Mọi việc liên hệ về nước thì cứ gửi tin cho quan Tiễu phủ sứ Lương Tuấn Tú ở Cao Bằng. Ông ấy sẽ có trách nhiệm gửi tin tức về, chính ông ta giúp cho Tiến sỹ Tân sang Tàu và về nước. Ngày mai là ngày tốt, tôi sẽ cho quân dẫn đường theo đường thượng đạo lên Cao Bằng. Mọi sự đi lại chúng tôi sẽ lo liệu cho ông Tân đi an toàn tuyết đối.
Tiến sỹ Tống Duy Tân sẽ nghỉ đêm tại Mường Lò. Buổi chiều, Đốc binh Đào Chính Lục và Phó đốc binh Đặng Phúc Thành dẫn ông đi xem phong cảnh quê hương. Mường Lò tập trung đông dân, phần nhiều là các dân tộc Thái, Mường, Tày, Miêu, Dao. Chợ họp suốt ngày, các bản làng sống yên vui, hòa thuận, người người niềm nở, vui tươi. Ông gặp lại mấy con voi, con ngựa thồ đã cùng ông băng rừng, vượt núi từ châu Yên Lập lên Mường Lò. Đây là ông “Ông voi Chúa” đôi ngà cong hướng tới mang tai và hai cô chú “ voi Hoàng tử” và “ voi Công chúa” ngà trắng dài như cặp măng tre đang được cho ăn cỏ xanh. Mấy chục con ngựa chiến, ngựa thồ được năm người lính chăn cho ra cánh đồng ăn cỏ, tha hồ đùa rỡn, phởn phơ. Khi đi qua những thửa ruộng lúa chiêm và nương ngô lên xanh mướt, Đốc binh Lục nói:
- Đây là những ruộng nương của nghĩa quân tăng gia tự túc lương thực. Tháng tư, tháng năm này là thu hoạch. Lúa tốt, được mùa sẽ giải quyết một phần lương thực quan trọng, không phải chuyển lương thực từ miền xuôi lên nữa. Voi ngựa và người khỏi phải vất vả chuyển lương lên đây. Các cụ ngày xưa có nói: “Động vi binh, tĩnh vi nông”; quân lính được lao động, cày cấy chăn nuôi, người khỏe ra, ít thời giờ buồn nhớ vu vơ, lại có lương thực, thực phẩm mà ăn. Thật là tuyệt vời! Nghe nói, người gợi ý cho Hiệp thống và quan quân là Đốc binh Thành người Tày ở Âu Lâu ngay bờ sông Thao. Ngày mai, Tiến sỹ Tân đi sang Tàu vẫn phải qua bên đó để Đốc binh Thành đưa đi. Ông ta sẽ đưa Tiến sỹ Tân qua Tuyên Quang, lên Cao Bằng, gặp quan Lãnh binh Lương Tuấn Tú. Trước đây, ông Tú làm “Tiễu phủ sứ” cả bốn tỉnh Cao-Thái-Tuyên-Lạng có nhiều mối quan hệ với người Tàu.
Mặt trời khuất núi, Đốc Lục còn dẫn Tiến sỹ Tân đi thăm suối nước nóng, tắm táp xong mới về. Mấy người lính đạo Tiền quân còn nhớ ông đã có lần đến thăm Tiên Động đã mời ông về doanh trại ăn cơm. Thấy cần phải trở về ngay, Đốc Lục nói:
- Ngày mai, Tiến sỹ Tống Duy Tân còn làm nhiệm vụ đi sang Tàu. Để hẹn khi về ông nhớ anh em sẽ đến thăm. Các cậu trồng nhiều lúa ngô, rau xanh, chăn nuôi nhiều gà lợn; khi về mà ông đến thăm thì chiêu đãi một bữa no, ôm bụng mà nằm. Còn bây giờ thì chúng tôi phải từ biệt các cậu nhé.
Khi qua ngòi Đôi, Tiến sỹ Tống Duy Tân còn trông thấy rất nhiều binh lính ra tắm cùng với đồng bào người Thái. Ông trông thấy tận mắt những vạt rau cải bắp, rau cần, rau diếp lên xanh. Ông nhớ ra việc viết thư về bảo Đề đốc Cao Điền, Đốc binh Cầm Bá Thước, Lãnh binh Hà Văn Nho cho quân sản xuất tự túc lấy lương thực ngay, nhằm mục đích chuẩn bị kháng chiến chống Pháp lâu dài.
Đêm Mường Lò, Tiến sỹ Tống Duy Tân được Hiệp thống đại thần đọc thơ cho nghe. Những bài thơ ông viết trong hai lần đi sứ. Ông giảng giải cho Tiến sỹ Tân nghe: con đường đi sứ lần thứ nhất, đi từ Tiên Động lên Đại Lịch, Trấn Yên rồi đi ngược sông Thao, lên Bảo Thắng, tới phố cổ Lào Cai sang Tàu đến Khai Hóa, thủ phủ Vân Nam. Lần thứ hai, ông đi từ Tiên Động lên Nghĩa Lộ, qua Mù Căng Chải, sang hạt Lai Châu, gặp ngài Tôn Thất Thuyết tại bản La Hay bên bờ sông Đà. Sau đó, đoàn cùng với ngài Tôn Thất thuyết lên Chiêu Tấn. Tại Chiêu Tấn ngài bị ốm ở lại, cử Hiệp thống Nguyễn Quang Bích làm Chánh sứ cầm Quốc thư của Vua Hàm Nghi trình vua nhà Thanh. Ông có đề nghị Đại tướng Nguyên nhung trở về Mường Lò, nhưng khi khỏi bệnh ngài không ở lại mà lại bỏ đi Trung Quốc cầu viện. Ông đi Vân Nam qua Cao Ngô, Kiến Thủy, qua thượng nguồn sông Thao đến Mông Tự, đi lên phủ Khai Hóa trình Quốc thư. Hai lần đi về, đi đến đâu Hiệp thống đều có ghi lại cảm xúc của mình bằng những vần thơ chan chứa tình người, tình đời sâu nặng. Hiệp thống căn dặn Tiến sỹ Tống Duy Tân:
- Đi quan hệ với nước lân bang mình phải giữ quốc thể; dù khó khăn đến đâu cũng phải giữ gìn nhân cách cá nhân, phải để cho người ta quý mình, trọng mình, không vì tiền bạc, lợi lộc riêng mà hạ thấp mình. Ở đâu, mình cũng phải cảnh giác không để bị hại. Bây giờ, người Tàu hay bị giặc Tây mua chuộc, họ có thể giết mình để tâng công, lấy tiền bạc. Những người như Tiến sỹ Tân cần bảo trọng là tự biết giữ nhân tài cho đất nước. Vì chẳng mấy chốc đào tạo ra những người như Đình nguyên Phan Đình Phùng, Tiến sỹ Tống Duy Tân này đâu.
Ngừng nói một hồi lâu, Hiệp thống nói:
- Nghe tin từ Lãnh binh Lương Tuấn Tú, thì ngài Tôn Thất Thuyết khi sang Quảng Tây vào thủ phủ Nam Ninh trình diện. Tổng Đốc Trương Thụy Thanh đã không ra đón tiếp và các ông Trần Xuân Soạn, Ngụy Khắc Kiệm sang sau, các quan phụ tá của Tàu ở Quảng Tây cũng không thèm ra mời. Người ta sợ Pháp, tránh vi phạm hòa ước Thiên Tân nên từ chối giúp đỡ Việt Nam.
- Ngài Tôn Thất Thuyết sao mà không biết giữ quốc thể! Ở lỳ bên Tàu sống thừa với số trợ cấp 60 lạng bạc mỗi tháng của nhà Thanh cấp cho mà không thấy nhục! Trong nước sỹ phu, văn thân, võ tướng, binh sỹ và nhân dân đang cần sự có mặt của ngài Đại tướng Nguyên nhung biết bao! Vua Hàm Nghi và bố mẹ, vợ con, anh em ngài đằng đẵng mong chờ ngài trở về! Sao ngài nỡ bỏ nhiệm vụ Cần Vương? Sao ngài đang tâm lìa xa những người đồng sự, đồng tâm, quyết chiến đầu chống giặc thù đến cùng?
- Chính vì lẽ đó, tôi cử ông đi sang Tàu gấp! Để có thể trả lời rõ ràng những câu hỏi của chính ông vừa nêu ra đó. Dọc đường sang, Tiến sỹ Tân phải làm tốt việc tạo ra các cơ sở trong dân, quan hệ tốt với văn thân, võ trướng các tỉnh Tuyên Quang, Thái nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn; thiết lập đường dây liên lạc với quan binh và nhân dân Trung Quốc. Không phải vì lợi ích trước mắt còn vì lợi ích lâu dài của hai quốc gia. Ở nhà tôi sẽ cho người vào liên hệ, chỉ đạo, liên kết với các căn cứ kháng chiến Cần Vương ở Nghệ Tĩnh và Thanh Hóa và tôi sẽ sai Đốc Lục, Phó Đốc Thành, Phó Đốc Cương thường xuyên liên lạc với Lãnh binh Lương Tuấn Tú ở Cao Bằng. Mọi việc trong nước dần dần sẽ tốt hơn lên, thuận lợi sẽ nhiều như mưa mùa hạ.
Hai người thức mãi tới khuya còn chưa đi ngủ. Bởi lẽ đã lâu hai vị văn thân đều mong mỏi được gặp nhau, trong cuộc chiến một mất một còn với bao điều muốn nói. Lại bởi một lẽ nữa, ngày mai một người đi sang nước Tàu và một người ở lại đều phải chịu muôn vàn gian nguy. Hai người đều không nỡ ngủ, để cho nỗi bồi hồi, bâng khuâng vơi đi, quan Hiệp thống đại thần lại tiếp tục trò chuyện:
-Trong quân ta có nhiều đốc binh người Tày, rất năng nổ, tài ba. Gặp họ, ta lại nhớ tới Thục Phán; ông ta sinh ra và làm lãnh chúa Tây Âu tại vùng đất Trấn Yên này. Nên đất này từng có Âu Lâu, Bách Lâu, Phú Lâu, Yên Lâu hiện nay còn Âu Lâu, Trúc Lâu. Ông đã xây dựng được đội quân hùng mạnh gây ra cuộc chiến tranh Hùng-Thục. Các hướng quân thủy đều từ sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Đà tiến về ngã ba Bạch Hạc. Các hướng quân bộ từ đất Thập Châu- Tam Mãnh này, nay thuộc Sơn La, Lai châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Thanh Sơn, Yên Lập, Phù Yên, Văn Chấn, Trấn Yên tiến về bao vây thành Phong Châu. Vua Hùng cùng các tướng Nguyễn Tuấn, Ma Khê, Bảo Công, Quý Minh, Đại Hải ra sức chống đỡ. Về sau nghe lời Chủ tướng Nguyễn Tuấn gốc người Mường vùng sông Đà và Phụ quốc, Đại thần, Đại tướng quân Ma Khê là người Tày bàn với Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Phán. Ngài lên làm vua xưng là An Dương Vương, đổi tên nước từ Văn Lang sang Âu Lạc. Lúc đầu đóng đô ở Phong Châu, sau Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư sang đánh chiếm nước Âu Lạc, vua An Dương Vương cũng dựa vào rừng núi hiểm trở, tiến hành cuộc kháng chiến chống nhà Tần. Với kế sách là huy động toàn binh lực, thực hiện vườn không nhà trống, chỉ trong một thời gian ngắn đã giết được tướng giặc Đồ Thư, buộc giặc Tần phải rút quân về nước.
- Sau này, An Đương Vương cho quân xây thành Cổ Loa và cho rời Kinh đô từ Phong Châu về Cổ Loa.- Tiến sỹ Tống Duy Tân tiếp lời.
- Đúng vậy. An Dương Vương là người Tày của vùng Sông Thao nên mới là tác giả của thành ốc Cổ Loa vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thành cổ Loa chỉ cách thành Phong Châu của các vua đời Hùng Vương chừng 150 dặm, cách bờ sông Hồng gần 10 dặm. Nhiều sử gia Tàu bảo vua An Dương Vương là con cháu vua Thục ở nước Tàu là sai. Ông là dân Âu Việt, là con cháu thủ lĩnh quân sự của các đời vua Hùng. Chính ông là người dân tộc Tày, sinh ra và lập nghiệp trên vùng đất này đấy.
Tiến sỹ Tân lại hỏi quan Hiệp thống về người các dân tộc thiểu số trong lịch sử dân tộc:
- Nghe nói, người dân tộc thiểu số vùng này có nhiều đóng góp công lao to lớn vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông?
- Nói đến chiến thắng quân Nguyên Mông của dân Đại Việt phải kể tới chiến công của các anh hùng đã lập nên ở vùng đất này. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông phải kể tới công lao của Hà Khuất, Hà Bổng đã chặn giặc ở trận Thu Vật, châu Yên Bình vào tháng Chạp năm 1257 và tiêu diệt gần hết lũ “giặc Bụt” chạy về nước vào tháng 1 năm 1258. Tháng 1 năm 1285, Hà Bổng và các con của ông là Hà Chương, Hà Đặc đã đánh chặn địch xuất sắc ở trận Cự Đà, Phù Ninh bên bờ sông Lô. Tháng 12 năm 1287 thủ lĩnh Xe Lân Hổ đã thực hiện cuộc truy kích ngoạn mục đuổi quân Nguyên từ Thổ Tang Vĩnh Tường lên Cao Xá, Lâm Thao giết gần hết lũ giặc Nguyên chạy về Vân Nam. Ông Xe Lân Hổ đã anh dũng hy sinh chặn đánh giặc, góp phần công lao to lớn vào chiến thắng của dân tộc ta, là “ Ba lần đánh tan quân Nguyên Mông”.
- Các ông Hà Khuất, Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương, Xe Lân Hổ là người dân tộc nào?
- Các ông ấy họ Hà là người dân tộc Mường. Thời cổ xưa thì Kinh- Mường cùng nguồn gốc. Bây giờ nghe người Mường nói lơ lớ tiếng Kinh đúng không nào? Xe Lân Hổ là người Mường ở Ba Vì thuộc đạo Sơn Hưng Tuyên. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh xâm lược, tại vùng Hưng Hóa còn có danh tướng Đinh công Mộc người Mường góp công quan trọng vào cuộc kháng chiến và làm nên chiến thắng Xa Lộc tại Tứ Xã, Lâm Thao tiêu diệt hơn 1 vạn tên giặc Minh. Ông Đinh Công Mộc đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu đánh kìm chân giặc Minh khi chúng định tiến về Đông Đô cứu viện cho Vương Thông. Ngày tôi làm tri phủ Lâm Thao, có đến những nơi thờ tự ghi công, tưởng nhớ tướng Đinh Cong Mộc ở các làng xã vùng Lâm Thao, Gia Nguyên ( Thanh Thủy, Thanh Sơn ngày nay), Tam Nông và Cẩm Khê. Hiện nay, trong quân của tôi tại Hưng Hóa và trong quân của ông ở Thanh Hóa có rất nhiều tướng sỹ là người Tày, người Mường, người Thái, người Dao, người Miêu và các dân tộc anh em khác. Chúng ta phải có trách nhiện đoàn kết họ lại để cùng chống giặc Pháp cứu nước.
Sáng hôm sau, mặt trời vừa lên trên cánh đồng Mường Lò, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích và các quan chỉ huy tại Đại Bản doanh đưa tiễn Tiến sỹ Tống Duy Tân lên đường sang Tàu. Đền ngòi Thia, Đốc binh Đào Chính Lục và 5 người lính dẫn đường, đưa Tiến sỹ Tân ra sông Thao, vượt sang tả ngạn gặp Đốc binh Trần văn Thành. Đốc Thành sẽ có trách nhiệm cử người đưa Tiến sỹ Tân sang Tuyên Quang lên Cao Bằng và từ Cao Bằng sang Quảng Tây, Quảng Đông nước Tàu.
*
Tại mặt trận phía nam Văn Chấn, Hiệp đốc Giáp phải đưa quân ra chặn giặc. Trên đèo Gỗ quân ta giữ được một thời gian ngắn sau phải cho quân rút về Đại Lịch. Quân Pháp chiếm Đại Lịch và từ Đại lịch giặc Pháp tấn công lên khu vực Ba Khe. Khi giặc lọt vào trận địa phục kích của đạo Hậu quân, Phó đốc binh Vi Bá Thưởng đã ra lệnh nổ súng giết chết 30 tên giặc, thu được 25 khẩu súng. Riêng ông Thưởng có súng trường Pháp đã bắn chết 3 tên giặc được quan Hiệp thống gửi tặng 3 đồng vàng. Sau trận ấy, giặc Pháp cho quân rút về Đại Lịch chốt giữ. Vùng Ba Khe đã được mở nhưng bọn giặc Pháp từ đất Sơn La vượt đèo Lũng Lô sang Thượng Bằng La đang rập rình tiến quân vào Ba Khe và có ý định tấn công vào hệ thống phòng thủ của quân ta trên đèo Ách.
Ở Thượng Bằng La, Hiệp đốc Giáp và Lãnh binh Trương Thẩm cùng mấy trăm quân tích cực cho quân đánh chặn địch. Nhưng đơn vị sơn cước của giặc Pháp tiến công rất mạnh đã đánh bật các đơn vị nghĩa binh của Trương Thẩm mở đường lên Ba Khe. Quân Pháp từ Đại Lịch lại mở cuộc tấn công lên chiểm Ba Khe để kết hợp với đạo quân Pháp từ phía đất Sơn La kéo sang. Hiệp đốc Giáp chỉ đạo cho quân quan thủ hiểm, đánh tiêu hao dần sinh lực địch.
Con đường lên Nghĩa Lộ theo hướng Ba Khe, đèo Ách bị chặn; quân ta phải mở đường núi lên Phù Yên sang Trạm Tấu vào Nghĩa Lộ, Mường Lò. Việc liên lạc, vận chuyển lương thực, vũ khí lên trung tâm Nghĩa Lộ gặp nhiều khó khăn. Trương Thẩm làm theo sự chỉ đạo của Hiệp đốc Giáp cho nhân dân và nghĩa binh sơ tán vào rừng vừa sản xuất lương thực vừa duy trì lực lượng dân binh đánh địch. Ngày nào, đêm nào vùng Thượng Bằng La cũng rền vang tiếng súng của dân binh tiến công giặc Pháp.
Tại châu Yên Lập giặc Pháp đã tràn sang vùng đất tổng Quế Sơn, chúng đánh chiếm và lập nhiều đồn binh ở các làng Sơn Lương, Mỹ Lương, Mỹ Lung, nhằm chặn con đường tiếp tế từ Yên Lập lên Nghĩa Lộ. Các ông Lãnh binh Đinh Công Sành, Đinh Công Sỏi, Đinh Viết Thắng đã cho nghĩa binh của mình ngày đêm chặn địch, đánh địch nhiều trận, tiêu diệt được nhiều giặc Pháp. Viên đội trưởng Hà Đình Lại người làng Xuân An, tổng Mộ Xuân đã chỉ huy nghĩa binh đánh chặn giết nhiều quân Pháp khi chúng từ phía Tiên Động, Cẩm Khê tràn sang. Bị thương, bị giặc bắt Đội trưởng Hà Đình Lại đã không đầu hàng; chúng giết chết, cắt đầu và bêu đầu ông tại bến Cổi nhằm uy hiếp tinh thần chống giặc Pháp của nhân dân châu Yên Lập. Các đội quân vận tải lương là phụ nữ, do các bà đốc binh Hà Thị Khiêm, Lê Thị Lan, Triệu Thị Vân làm việc đắc lực trong cuộc chiến giữ Tiên Động đã không còn hoạt động mạnh mẽ như trước. Hai bà đốc binh Lê Thị Lan, Triệu Thị Vân bị tử trận, chỉ còn bà Hà Thị Khiêm với mấy chục binh sỹ còn ở tổng Mộ Xuân lấy Hang Rơi làm căn cứ, thỉnh thoảng còn vận chuyển được ít hàng lên Thẩm Né cho nghĩa quân.
Chiến trận ngày càng khó khăn, các lãnh binh và dân binh phải chống đỡ hết sức vất vả. Người chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp là Hiệp đốc Giáp phải chịu đựng muôn vàn cực nhọc. Ông phải trèo đèo, lội suối đi khắp các cánh rừng già của các tổng Quế Sơn, Mộ Xuân thuộc châu Yên Lập và vùng Đại lịch, các khu rừng nam huyện Trấn Yên, Thượng Bằng La, Ba Khe châu Văn Chấn. Ông phải thân chinh đến gặp Lãnh binh Trương Thẩm chỉ đạo cho nhân dân sơ tán, lập các trận địa phục kích, đánh địch, giữ dân. Ở Đại Lịch ông cùng Đốc Tế, Lãnh Kim chặn địch trên đèo Gỗ, cho lui binh giữ các vị trí hiểm yếu, duy trì lực lượng đánh du kích nhằm đánh địch lâu dài. Ở Mộ Xuân ông cùng với Lãnh binh Đinh Công Sành, Đinh Công Sỏi cho quân đánh chặn giặc từ phía đông Cẩm Khê tiến sang và từ Xuân Viên, Xuân Thủy nống lên.
Nhiều đêm ông phải thức suốt đêm cùng binh sỹ, nhiều ngày ông phải băng đèo lội suối ròng rã suốt sáng đến chiều, hàng tháng trời. Ở tuổi năm mươi phải sống vất vả trong trận mạc, ăn uống thiếu thốn, nhiều bữa phải ăn toàn măng tre, măng nứa, rau rừng. Sức khỏe của ông bị mài mòn, lại phải chịu đựng lam chướng trong rừng sâu, nước độc, nước lũ, mưa nguồn, muỗi vắt nhiều như chấu. Vào một ngày đầu mùa thu tại Thượng Bằng La, ông bị bệnh sốt rét, người nóng như lửa đốt, không ăn được. Khi ấy, cánh quân Pháp từ trên đèo Lũng Lô đã tiến xuống Thượng Bằng La tiến vào Ba Khe chặn mất con đường lên Nghĩa Lộ. Lãnh binh Trương Thẩm và đồng bào dân tộc tại Thượng Bằng La vừa phải tập trung đánh giặc vừa phải tìm cách chữa bệnh cho Hiệp đốc Giáp.
Hiệp đốc Giáp nói với Lãnh binh Trương Thẩm:
- Nay ta chẳng may bị bệnh nặng, ông và nhân dân hết lòng cứu chữa nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật, không cho địch biết ta đang ốm nặng. Tìm cách đưa ta về Nghĩa Lộ, vì ta còn nhiều chuyện phải bàn với Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích.
Lãnh binh Trương Thẩm đáp:
- Chúng tôi sẽ làm được tất cả công việc của Hiệp đốc dặn. Đường về qua Ba Khe đã bị giặc Pháp chặn, chúng tôi sẽ tìm đường khác đưa Tướng công về Mường Lò. Tuy đường núi cao đi lại vất vả nhưng cố sức sẽ tới nơi, chẳng ngại gì. Mối lo là chúng tôi tìm thấy lang giỏi, đã hết cách cứu chữa mà bệnh của Tướng công không thuyên giảm. Chúng tôi phải chờ bệnh tình hạ bớt thì mới chuyển Hiệp đốc về Đại bản doanh Mường Lò được.
Hiệp đốc Giáp nói như người mơ:
- Bây giờ là tháng mấy rồi?
- Thưa Tướng công đã là trung tuần tháng bảy rồi.
- Trời vẫn đang mưa phải không, Lãnh binh Trương Thẩm?
- Vâng, trời đang mưa rất to ạ.
- Bây giờ, Lãnh binh Trương Thẩm cho người băng rừng lên Mường Lò báo tin cho quan Hiệp thống đại thần rằng, ta bị ốm nặng cử người xuống ngay chỉ huy mặt trận phía nam Văn Chấn. Quân giặc Pháp đang có ý định tràn qua Đèo Ách tiến đánh Mường Lò đến nơi rồi. Quân ta phải dồn sức chuẩn bị chống đỡ kéo không kịp giữ thế trận như hiện nay. Lúc nào ngớt mưa thì đưa ta về!
Vừa lúc đó, Tán tương quân vụ Đàm Đức Lương đội mưa từ mặt trận Quế Sơn về, báo cáo cho quan Hiệp đốc biết giặc Pháp đã cho quân tăng cường lên Trấn Yên. Chúng đang có âm mưu mới tấn công vào Mường Lò, Nghĩa Lộ theo đường ngòi Thia và ngòi Hút. Ở Thượng Long giặc Pháp đã tiến công lên chiếm vùng Hưng Long và cho quân đánh lên tổng Mộ Xuân. Lãnh Khóa, người Tiên Động được cử lên Văn Chấn bị địch bắt tại Mỹ Lung đã hàng địch, được chúng phong làm tri châu Yên Lập. Lãnh Khóa theo lệnh giặc Pháp đã “tích cực chiêu an”, dân Mường theo rất đông trở về làng cũ làm ăn.
Hiệp đốc Giáp nghe rõ lời Tán Lương, ông nói:
- Giặc Pháp tiếp tục bao vây, tiến công quân ta. Việc đó rõ như ban ngày, có điều địch sẽ tập trung quân nhiều hơn, đánh mạnh hơn, theo nhiều hướng vào trung tâm Mường Lò. Chiến thuật của ta lúc này không nên cố thủ trong các phòng tuyến chiến lũy cố định kiểu như nhiều nơi ta đã làm mà phải dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở tự chiến đấu duy trì lực lượng chờ thời. Không nên dốc toàn lực ra chống chọi thì nguy hiểm lắm. Tuy vậy, ta phải chú ý những vị trí như đèo Ách, Phong Dụ Hạ và Phong Dụ Thượng, chặn địch từ ngòi Hút, hoặc từ ngòi Thia vào suối Giàng, suối Cô. Khi giặc đánh, Đại bản doanh phải tạm lánh vào các động người Mán, người Miêu, thực hiện “vườn không nhà trống” giặc rút ta nên tổ chức đánh phục kích, giặc tan ta lại trở về chiếm giữ.
Ông ngừng nói, nhìn vào Tán Lương, thấy người tán tương quân vụ gầy xanh xao quá. Ông khẽ nói:
- Quân ta nhiều người bị ốm lắm phải không? Hình như đều chung một bệnh sốt rét rừng. Quá nửa người bị ốm rồi, quân lực giảm nhanh quá, mất một phần ba rồi. Ở vùng lam chướng không quen thủy thổ, người Nam ta còn bị ốm đau, người Tây cũng không thoát chúng sẽ không dám giữ lâu. Ta cố gắng cho quân lính ăn uống tốt, giữ gìn sức khỏe, phòng bệnh dịch, tìm cách chữa bệnh nhanh, thì ta sẽ duy trì được lực lượng đánh giặc, chờ thời cơ mới.
Tán Lương thấy người Hiệp đốc mệt mỏi, yếu đuối, bụng chướng to, rất lo; nghe ông nói gì thì cứ “vâng, dạ”cho người nói được yên lòng. Lãnh binh Trương Thẩm nghe thì ghi nhớ để về còn nói cho Chủ tướng Nguyễn Quang Bích những điều ông dặn lại. Trương Thẩm còn hỏi thêm về trường hợp Lãnh Khóa về hàng:
- Nay Lãnh Khóa về hàng giặc Pháp được phong tri châu Yên Lập, tướng công có phán quyết gì không?
Hiệp đốc Giáp nhìn Trương Thẩm nói nhỏ, như cố ý không để cho ai nghe:
- Lãnh Khóa vốn là người tốt. Khi quân ta ở Tiên Động, gia đình ông ta và họ hàng đã giúp đỡ nghĩa quân rất nhiều. Ông ta là người duy nhất được chọn đi theo quan quân. Được Đề Kiều phân công về châu Yên Lập cùng dân binh đánh giặc. Ông ta bị bắt trong trường hợp bị thương, nhận lời chiêu an được giặc phong làm tri châu Yên Lập. Ông ấy đang “ chiêu an dân” trở về làm ăn. Ta không nên cho quân quan đến hại ông ta làm gì; phải cho người liên lạc ngầm với ông ấy, tôi tin ông ấy lại là người giúp đỡ quan quân ta rất nhiều. Lúc này đánh địch cũng phải nghiên cứu kỹ tính tình, tâm lý con người mà phòng những hành động làm liều. Giặc Pháp đang dùng âm mưu“chia để trị” hại ta; nên ta phải có chính sách “ đại đoàn kết ”, không phân chia tôn giáo, dân tộc và biết độ lượng, gia ơn cho kẻ lầm đường lạc lối để họ trở về với ta, thì ta sẽ thắng.
Trời chưa tạnh mưa, Lãnh binh Vương Doãn cùng dân binh chặn giặc từ phía đèo Lũng lô đến thăm Hiệp đốc Giáp. Thấy Hiệp đốc Giáp ốm mê mết, ông đề nghị Lãnh binh Trương Thẩm:
- Ta cho người khiêng Hiệp đốc Giáp trở về Đại bản doanh Mường Lò. Nơi đó, có nhiều thầy thuốc tốt cho uống thuốc mán sẽ khỏi. Ở lại vùng rừng Thượng Bằng La, bốn bề giặc vây, nếu có việc hệ trọng xảy ra ai lo liệu nổi.
Trương Thẩm trả lời:
- Việc khiêng không khó, nhưng sợ dính nước mưa, người đang nung bệnh sốt rét càng nặng thêm, không thể chữa khỏi thì nguy lắm.
Đúng là không khó, quãng đường chỉ ngót sáu mươi dặm, đường dốc nhưng vẫn có thể đi. Hàng chục dân binh thay nhau khiêng chỉ hơn một ngày là tới. Nay Hiệp đốc Giáp lúc mê, lúc tỉnh, sợ dọc đường bệnh phát nặng hơn thì lấy ai cấp cứu. Thầy thuốc Trương Thìn thì đã già, không thể đi theo phục dịch. Phương án tốt nhất là cứ để ông ở Thượng Bằng La; khi nào trời tạnh mưa hẳn, người đỡ bệnh thì Trương Thẩm cho quân khiêng ông về Mường Lò dưỡng bệnh.
Từ hướng tây, giặc Pháp kéo từ phía Sơn La sang ngày càng đông. Phía đông, giặc Pháp lại cho quân càn quét lên tới ngã ba Vực Tuần. Chúng đã kéo quân lên Ba Khe bị đạo Hậu quân phục kích đánh cho nhiều trận tơi bời. Nay có quân từ phía tây sang, chúng càng hung hăng muốn tiến hành càn quét, tiêu diệt các đội dân binh để chờ viện binh đến là sẽ tiến công lên Nghĩa Lộ tiêu diệt quân chủ lực của Cần Vương.
Nửa đêm nghe tiếng súng từ phía đèo Lũng Lô, Hiệp đốc Giáp bừng tỉnh. Nhìn thấy Lãnh binh Vương Doãn ngồi bên mình, ông khẽ nói:
- Tình hình giặc Tây từ phía Sơn La sang rất đông, Lãnh binh phải chú ý chỉ huy dân binh đánh cản địch. Không cho quân giặc ở phía tây hợp với lũ giặc ở phía đông. Bọn lính sơn cước của Tây được huấn luyện đánh trên địa bàn rừng núi rất tinh nhuệ nhưng mà “vỏ quít dày có móng tay nhọn”. Lãnh binh nên chọn một địa điểm nào hiểm yếu lừa địch đến mà đánh úp. Chúng kéo từ Phù Yên, Sơn La sang ta chưa đánh vội; khi kéo quân về thì ta phục kích đánh thì thế nào cũng diệt được nhiều địch. Nhất là khi chúng bị thua đau thì phục kích càng hiệu quả. Ông nghe tôi, chủ động chọn địa điểm lừa địch, đánh địch thế nào cũng thu được thắng lợi lớn đó.
- Vâng, chúng tôi sẽ làm theo lời Tướng quân chỉ bảo. Ngày mai trời tạnh, tôi và Tán Lương sẽ đưa Hiệp đốc về Mường Lò.
- Lãnh binh Vương Doãn phải ở lại đây. Tình hình địch ở phía nam Văn Chấn rất căng thẳng, phải có người ở lại chỉ đạo. Lãnh binh Trương Thẩm chưa có kinh nghiệm chỉ huy đánh giặc. Ông về là hỏng việc đấy, cứ nghe lời tôi, thử làm một trận đánh lớn xem nào. Nếu bị thua đau thì địch sẽ rút quân khỏi Văn Chấn cho mà xem.
Mấy ngày hôm sau, tạnh mưa, trời hửng nắng, đường khô ráo. Trương Thẩm cho dân binh đưa Hiệp đốc Giáp về Mường Lò. Đến suối Lăng Cô thì gặp Đề Kiều cùng mấy người lính xuống đón. Ông cho mọi người đi tránh sang Tà Si Lăng vào Phình Hồ sang Cửa Nhì về hang Thẩm Né. Ông cho lính đạo Hậu quân bảo vệ chăm sóc và cho các dân binh Thượng Bằng La trở về. Ông cho người vào bản người Mán lấy thuốc trị bệnh sốt rét.
Đếm đến, ông đốt lửa cho Hiệp đốc Giáp sưởi và ngồi tiếp chuyện. Hiệp đốc người gầy guộc và da xanh như lá. Chiều và đêm thường bị sốt, người nóng như lửa đốt. Đêm hay mơ mấc, ông mơ thấy các cụ tiên tổ về bảo rằng “ Sự thế đã tận phải về nguyên quán Tả Thanh Oai”. Ông hú lên mấy tiếng thật to vẻ phẫn uất lắm, khi vùng ngồi dậy mình đầm đìa mồ hôi. Một lần vào ngày cuối tháng Tám, ông mơ thấy mình cùng ngồi với quan Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích chấm thi. Trong bài thi có câu “Thu phong đắc cửu”, khi mở mắt thì thấy quan Hiệp thống Bích vừa từ Mường Lò ra thăm. Ông mừng quá nói lại giấc mơ ấy cho Hiệp thống nghe. Nghe xong, Hiệp thống nhìn Tướng công mỉm cười:
- Ốm mệt, mơ mấc là chuyện thường chẳng có việc gì đâu. Chịu khó uống thuốc, vui vẻ lạc quan sẽ mau khỏi bệnh. Quan quân đang cần đến ông chỉ huy, chẳng nỡ trời lại hại ta lấy đi người tướng thân hữu tài năng nổi trội của ta! Khê Ông tạ thế ta như mất một cánh tay, còn một cánh tay nữa lại mất nốt ư?
Vừa lúc đó, có người của Trương Thẩm lên báo:
- Quân dân Thượng Bằng La vừa đánh một trận xuất sắc ở khe Thăng giết chết 25 tên lính Pháp và bắn bị thương nhiều tên lính giặc, thu được 20 khẩu súng.
Khi đó, Hiệp đốc Giáp đang nằm, nghe tin bật ngồi dậy nói:
- Có phải Lãnh binh Vương Doãn lừa địch vào nơi đồn trú rồi đánh úp phải không?
- Vâng, đúng vậy. Quan quân ta lừa địch vào nơi đồn trú của mình đóng bên bờ khe Thăng. Chúng tiến vào bị sập chông, hô nhau đến cứu, chờ cho chúng kéo vào thật đông Lãnh binh Vương Doãn hô dân binh Thượng Bằng La xông ra vừa bắn vừa chém giết được rất nhiều giặc. Cướp được súng lại nhanh chóng chạy vô rừng. Các đội quân khác, phục bên sườn núi bắn vào bọn đến ứng cứu. Trưa ngày hôm sau, chúng đến giải vây, kĩu kịt kiêng cáng nhau vượt đèo Lũng Lô trở về Phù Yên, Sơn La. Trên đường về, chúng lại bị dân binh của các động người Miêu, người Mán tập kích. Hàng trăm tên giặc bị giết, quân dân cướp được nhiều súng, quân trang, quân dụng đem nộp cho quan quân.
- Thế là quân ta đã thắng một trận lớn nữa rồi. Hiệp thống đại thần thấy bọn giặc Pháp sẽ phải rút khỏi Văn Chấn cho mà xem!
Thấy Hiệp đốc vui vẻ như khỏe lại, Hiệp thống nói với Đề Kiều:
- Chiến thắng Thượng Bằng La có ý nghĩa lớn, ta cho phép khao thưởng ba quân tướng sỹ. Giết bò, mổ trâu ăn uống no say trong một ngày. Ai giết và chém một đầu Tây đều được thưởng 1 đồng tiền vàng.
Bị thua đau, giặc Pháp cho quân tạm rút khỏi địa bàn Văn Chấn. Cánh quân Pháp ở phía đông nam thu quân về Vô Tranh, Hiền Lương huyện Hà Hòa và Yên Bái, Âu Lâu thuộc huyện Trấn Yên. Cánh quân Pháp phía tây thu quân về Phù Vân, Sơn La. Đường về Ba Khe, qua đèo Ách lại thông như cũ. Quân ta lại cho các đơn vị tiền tiêu chiếm giữ, kiểm soát con đường huyết mạch từ bắc châu Yên Lập lên và từ Đại Lịch, Hưng Thịnh về. Việc tiếp tế lương thực, vũ khí cho quân ta ở Nghĩa Lộ thuận lợi, dễ dàng hơn trước.
Tại Thẩm Né, Tán tương quân vụ Đàm Đức Lương bị bệnh sốt rét ác tính đột ngột qua đời. Anh ta còn quá trẻ, mới 28 tuổi, sức khỏe rất tốt, việc nào được giao cũng hoàn thành xuất sắc. Thế mà chỉ một vài cơn sốt rét đã quật ngã anh ta. Tin về Đại bản doanh Mường Lò đã làm cho quan Hiệp thống đại thần bàng hoàng lo lắng. Ông sai Đề Kiều, Tán Thanh, Đốc Lục tổ chức lễ tang, chôn cất Tán Lương tại vùng núi Thẩm Né. Trước khi đi ông dặn:
- Việc chết trận, chết ốm đau bệnh tật là chuyện thường xảy ra. Nhưng trong tình thế hiện nay cần phải giữ bí mật, chỉ thông tin trong quan quân, còn ngoài dân phải kín tiếng không cho ai biết cả. Quân giặc biết được, chúng sẽ tuyên tuyền và tìm cách đánh ta ráo riết hơn.
Việc làm ma chôn cất Tán Lương cũng không cho quan Hiệp đốc biết. Khi tính dậy Hiệp đốc không thấy Tán lương đâu, liền hỏi Đề Kiều, Đốc Lục:
- Tán Lương đi đâu mà mấy ngày nay không thấy mặt? Các ông Đốc Lục, Đề Kiều hãy cho Tán Lương về Đại bản doanh Mường Lò phụng dưỡng. Anh ta ốm quá rồi đó, cần phải bồi bổ cho anh ta. Những người như anh ta là vốn quý của quân ta đó, chẳng mấy người tận tụy, trung thành, gan dạ như anh ta đâu.
Mấy người ngồi quanh, lúng túng chẳng biết nói gì, Hiệp đốc bỗng bật ngồi dậy nói to:
- Tán Lương, nó chết rồi phải không? Trời ơi, xót xa quá! Quân ta lại mất đi một người tướng trẻ!
Mọi người xúm lại đỡ Hiệp đốc Giáp nằm xuống. Ông vẫn trong tình trạng lúc tỉnh lúc mơ. Các tướng thân cận tiếp tục nhờ các thấy lang Mường Lò, các động Mán ở Nghĩa Lộ chữa chạy nhưng vô hiệu. Đúng đêm ngày 30 tháng 9 năm Đinh Hợi ( 1887), Tuần phủ Sơn Tây, kiêm Hiệp đốc Bắc Kỳ quân vụ đại thần, Phấn trung tướng Nguyễn văn Giáp qua đời thọ 50 tuổi.
Tin quan Hiệp đốc Giáp mất đến Đại bản doanh Mường Lò vào lúc canh hai. Quan Hiệp thống Đại thần nhận tin sét đánh, bàng hoàng run rẩy như người bại chân, bại tay. Phó đốc Thành phải chạy lại đỡ, khuyên ông hãy bình tâm lại. Như nhớ ra một công việc cần phải làm, ông sai tư vụ mang giấy bút ra bình tĩnh ngồi viết bài văn tế bằng chữ Hán và cặm cụi dịch ra thơ tiếng Việt để ngày mai trong buổi tang lễ đọc cho mọi người cùng nghe.
Việc Hiệp đốc Giáp qua đời cần phải giữ bí mật. Nên sáng ra, Hiệp thống đại thần cùng với Phó Đốc binh Đặng Phúc Thành và ba người lính cần vụ lặng lẽ đi ra Thẩm Né. Khi ra tới nơi, ông còn đi tìm đất, cắm hướng, cho quân khai huyệt chu đáo mới ra lệnh phát tang, liệm thi hài vào linh cữu, bấm chọn giờ tốt đưa người tướng tài năng, xấu số của mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Khi mộ phần được binh sỹ đặp cao, hương đăng được thắp, lễ nghi được bày biện đầy đủ, quan quân xếp hàng nghiêm trang, lễ viếng được cử hành.
Trước ba quân tướng sỹ, Hiệp thống Đại Thần Nguyễn Quang Bích xúc động đọc bài: “KHỐC HIỆP ĐỐC QUÂN VỤ NGUYỄN ĐẠI THẦN VĂN :
Ô hô!
Anh hùng an tại,
Ngọc thụ hồ mai.
Ảm ảm đình vân
Niệm cựu tâm thôi.
Truy duy tướng công,
Phi thanh quế tịch
Thiện giá kỳ khôi.
Dân dung lẫm trứ,
Ân sủng trù lai.
Phùng thời chi gian,
Thệ báo quên ai.
Suất lữ Cần Vương,
Lữ tỏa bất tồi.
Cứ hiểm đãi cơ
Tư nghị doàn hài.
Nhất bệnh yêm yêm,
Thời vận chi quai.
Thảng thốt binh phong,
Tị dưỡng sơn ôi.
Tặc phong ký tỏa
Công giá phất hồi.
Thảm thảm âm tiêu,
Ê ế Bồng lai.
Công chi lệnh dận,
Cưỡng bảo do hoài.
Băng công chi quan,
Tam ngũ bằng sài.
Phi cảm bi công
Thế lệ không ai.
Binh đoan thể khải,
Loạn cơ thùy giai?
Thâu sinh tái lộ,
Văn khoảnh ba đồi.
Duy công chi sinh.
Tố bão tướng tài,
Trung hưng Khấu(1), Đặng (2)
Mãnh liệt tinh thai.
Chướng an năng lệ,
Quỷ an năng tai.
Mệnh dã số dã
Cựu mộng an bài.
Công chi đại tiết
Tuấn lĩnh thôi ngôi.
Công chi tinh linh,
Thượng bạc phong lôi.
Quốc thù do tại,
Tê chí vị hôi
Thượng tướng tì hưu
Thần bỉ lang sài.
Thán tức tư công,
Phủ ngưỡng bồi hồi.
Ngất dương sơ phục,
Sở đóa hàn mai.
Bạc trường khấp điện,
Cẩn cáo tuyền đài!...
Chú thích:
(1), (2) . Khấu Tuấn và Đặng Vũ là hai danh tướng đời Đông Hán giúp Hán Quang Vũ khôi phục cơ đồ nên gọi là trung hưng dang tướng
Hiệp thống đọc xong bài, lấy khăn lau nước mắt. Mấy người tướng tâm phúc đứng cạnh khóc òa. Ông bình tĩnh lên giọng trầm hùng đọc bài văn tế đã được dịch ra văn Nôm cho quan quân cùng nghe trọn bài VĂN TẾ HIỆP ĐỐC QUÂN VỤ ĐẠI THẦN HỌ NGUYỄN:
Than ôi!
Anh hùng đâu vắng
Cây ngọc chôn vùi
Mặt trời ảm đạm
Cảm niệm ngậm ngùi.
Nhớ Tướng công xưa:
Thanh danh khoa giáp
Phẩm giá kỳ khôi
Dân chính rực rỡ
Ơn vua lâu dài.
Gặp thời biến loạn
Mong được đền bồi
Đưa quân Cần Vương
Vấp mãi không lùi
Hội nghị bàn bạc
Cứ hiểm đợi thời.
Thời vận chơi vơi
Đương cơn binh hỏa
Dưỡng bệnh một nơi
Quân giặc vừa rút
Tướng tinh đã rời.
Âm u gió bấc
Mịt mù non ngàn.
Con thơ của Ngài
Còn ấp trong nôi.
Linh cứu của Ngài
Đưa đón vai người.
Kẻ còn người mất,
Thương thay sự đời!
Chiến trường ai mở
Thắng giặc ai bày?
Nhiều kẻ hèn nhát,
Nước dạt sóng dồi.
Chỉ duy Tướng công
Sẵn có tướng tài
Trung hưng danh tướng
Khấu, Đặng sánh vai.
Địch khó làm hại
Quỷ khó gây tai,
Ghét thay số mệnh
Giấc mộng yên bài.
Khí tiết của Ngài
Sừng sững núi đồi.
Tinh linh của Ngài
Sáng rực trên trời.
Thù nước còn đó
Chí lớn chưa nguôi,
Xin giúp tướng sỹ
Giết giặc sài lang!
Than thở nhớ Ngài
Trông ngóng bối hồi
Ngày lành, tháng tốt
Vài đóa hoa mai.
Dâng lên bạc lễ
Thấu xuống tuyền đài!
Tướng sỹ nghe đọc hiểu khóc rống lên thương xót người mất khôn cùng. Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đứng lặng như trời trồng. Ông lấy khăn lau nước mắt lần nữa và nói với các tướng sỹ:
- Hiệp đốc Đại thần Nguyễn Văn Giáp đã mất, nhưng anh linh của Ngài sống mãi! Quan quân thương xót Ngài, hãy tỏ ra thông minh, dũng cảm hơn! Noi gương Ngài hãy chiến đấu chống giặc Tây đến cùng, xả thân vì dân tộc, vì đất nước! Sự nghiệp Cần Vương cứu nước sẽ có ngày giành thắng lợi! Cơ đồ nước Nam sẽ có ngày được khôi phục, dân tộc ta sẽ có ngày thoát khỏi vòng nô lệ!
Hiệp thống nói xong vái lạy anh linh Hiệp đốc Giáp lần nữa, chào tạm biệt mọi người, đi xuống núi trở về Đại bản doanh Mường Lò. Theo sau ông là các ông Đề Đốc, Tán tương quân vụ, đốc binh, phó đốc binh đạo Trung quân. Ông quay đầu nhìn sang sườn núi thấy các đốc binh: Trần Tuế, Hoàng Nhân, Trịnh Bá Khiêm, Nguyễn Văn Lệ, cùng một số Lãnh binh: Vương Doãn, Trương Thẩm, Lý Hữu Kim. Họ biết tin sau, nhưng đã kịp thời đến viếng mộ Tướng quân Nguyễn Văn Giáp. Một đoàn binh sỹ đạo Hậu quân đóng trại gần đây đã kết hoa lá rừng thành những vòng hoa tang đem đến trịnh trọng đặt lên mộ, chấp tay, cúi đầu lạy tạ, cầu mong Ngài linh thiêng phù hộ cho mình. Đi một lúc lâu, Hiệp thống lại ngoái đầu nhìn về phía núi Thẩm Né thấy thấp thoáng bóng người thăm viếng mộ Hiệp đốc Giáp mờ mờ trong khói mây.
Ba ngày sau, quân Pháp lại từ phía Đại Lịch kéo lên Văn Chấn. Đại úy Phờ-ray-xi-nê ( Frayssines) chỉ huy 500 quân kéo lên Ba Khe và tiến vào chân đèo Ách. Chúng định vượt qua Đèo Ách tiến vào Mường Lò, nhưng Đề Kiều đã kịp thời chỉ huy binh sỹ đánh chặn giặc ngay dưới chân đèo. Trong một tuần, giặc đánh không nổi các vị trí tiền tiêu lại bị thương vong rất nhiều, giặc Pháp vội vã rút lui về đóng đồn dọc ngòi Lao chuẩn bị lực lượng cho cuộc tiến công mới.
Bước sang mùa xuân năm Mậu Tý ( 1888), quân dân Văn Chấn rất phấn khởi vì đã làm nên các chiến thắng Ba Khe, Thượng Bằng La, đèo Ách. Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đã kiện toàn Ban Chỉ huy nghĩa quân, ông nhận trách nhiệm Tổng Chỉ huy, cử Chánh Đề đốc Hoàng Văn Thúy ( tức Đề Kiều) làm Phó Tổng Chỉ huy kiêm Chánh chỉ huy Hành dinh và Lãnh binh Vương Doãn làm Phó chỉ huy Hành dinh. Các đạo quân, đội quân thì giữ nguyên chỉ huy như cũ, chỉ có điều động một số đơn vị nhỏ lẻ của dân binh Mường Lò và các tổng Ba Khe, Tú Lệ vào một số đạo quân cho tiện chỉ huy. Khí thế toàn quân vẫn được giữ vững, mặc dù có sự mất mát lớn về chỉ huy và quân số giảm sút nhiều do trận chiến và do ở nơi rừng sâu nước độc.