Thống đốc Pôn Be chết, Chính phủ Pháp sai ông Bihourd ( Bi-hô) sang Việt Nam làm thống đốc toàn quyền. Đầu năm 1887, Bi-hô tới Hà Nội, lập tức hội kiến với Gia-mông, Gia-me và các sỹ quan Pháp tại Bắc Kỳ. Y tóm lược lại những điều quan trọng vừa nghe được:
- Như thế tại Bắc Kỳ nơi tập trung nhiều quân phản loạn nhất. Nguy hiểm hơn là quân của Nguyễn Quang Bích ở vùng sông Thao và Tây Bắc Việt Nam. Với nỗ lực của quân đội Pháp trong ba năm 1884, 1885, 1886 đã hạ được thành Hưng Hóa, dẹp được căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn đuổi chúng chạy khỏi Tiên Động. Lực lượng chủ yếu của bọn phản loạn này đã rút lên Nghĩa Lộ, Văn Chấn. Vùng ven sông Thao, sông Đà chỉ còn lại thổ hào địa phương với số lượng quân ít ỏi, ta có đủ sức mạnh để đánh bại chúng. Vậy, ta nên điều quân chủ lực Pháp đi đánh dẹp, thực hiện nhanh chóng công cuộc bình định.
Tư lệnh Gia-mông có ý kiến:
- Tôi cho rằng quân Pháp phải tập trung lực lượng quét sạch địch ở đồng bằng Bắc Kỳ. Đánh dẹp ngay quân nổi dậy các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn Tây là quan trọng nhất. Vì ở đây, lực lượng quân phản loạn rất đông, họ có thể đánh lâu dài với ta, đuổi ta ra Biển Đông. Trước hết phải đánh tan lực lượng quân phiến loạn ở Ba Đình, thuộc Nga Sơn, Thanh Hóa do Phạm Bành, Đinh Công Tráng cầm đầu. Đồng thời phải diệt ngay quân của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên, Hải Dương. Tên“vua Bãi Sậy” này đang lôi cuốn được những phần tử chống đối điên cuồng như Nguyễn Cao thường gọi là Tán Cao, Nguyễn Xuân Tiết, quen gọi là Đốc Tít. Đề đốc Tạ Hiện ở Nam Định. Đề Nắm, tức Lương văn Nắm tại Bắc Ninh, Tống Duy Tân, Phan Đình Phùng ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Mu-ni-e viên tướng chỉ huy một cánh quân ở Bắc Kỳ, người trực tiếp tham gia chiến trận đánh Thanh Mai-Thạch Sơn có nhận định:
- Tuy quân Tiên Động đã rút lui lên Nghĩa Lộ, Văn Chấn, nhưng vẫn là lực lượng nguy hiểm hơn. Bởi người chỉ huy cao nhất là Nguyễn Quang Bích, viên quan đại thần này có một ảnh hưởng cực kỳ to lớn trong địa hạt cũ của ông ta bao gồm cả vùng sông Thao và Tây Bắc Việt Nam. Ông ta là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của ta đấy. Họ đang có một âm mưu đưa Hàm Nghi ra Nghĩa Lộ, Văn Chấn lập triều đình kháng chiến, đối trọng với triều đình Đồng Khánh tại Huế, tập hợp lực lượng cả nước Việt Nam chống lại quân đội Pháp quốc. Bây giờ ta phải tiếp tục bao vây, đánh tiêu diệt, khai thông con đường sông Thao và đường bộ Hà Nội-Lào Cai, phong tỏa biên giới Việt Trung, không cho địch quân quan hệ với nhà Thanh, Trung Quốc.
Gia-me đồng ý với Mu-ni-e về đánh giá tính chất nguy hiểm của địch quân tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn. Y đồng ý phương án tăng cường quân bao vây lực lượng quân phiến loạn đáng gờm nhất này đang có những âm mưu cực kỳ nguy hiểm. Nhưng trước mắt phải cho quân tiến công tiêu diệt lực lượng quân phiến loạn tại Ba Đình và Bãi Sậy, phá bằng được các căn cứ của họ, mở thông con đường từ Hà Nội đi thành Huế và Hà Nội đi Hải Ninh, Quảng Yên.
Bi-hô nghe các sỹ quan Pháp thảo luận, tán thành điều quân đánh căn cứ Ba Đình, Bãi Sậy và tiếp tục cho quân bao vây Nghĩa Lộ. Y nhấn mạnh, việc tiến công bình định phải dựa vào vua quan người Việt, biến họ làm tay sai đắc lực cho quân Pháp. Phương châm là “lấy người Việt trị người Việt”, dùng biện pháp “chia để trị”, về chiến thuật vẫn dùng kế “tằm ăn lá dâu”, không nôn nóng tập trung quân dễ bị tiêu hao lực lượng, bình định mau chóng để chúng ta còn khai thác tài nguyên, nhân lực thuộc địa bù vào chi phí chiến tranh và làm giầu cho nhà nước Pháp.
Bi-hô chỉ rõ:
- Phải lợi dụng công cụ là chế độ quân chủ, đã lập vua Đồng Khánh thì bảo vệ thật tốt ngai vàng, bộ máy quan triều, quan địa phương, duy trì các chức danh cũ của triều đình phong kiến. Thực hiện chính sách ngu dân, đầu độc con người ta bằng thuốc phiện rượu cồn, bằng văn hóa ngoại lai, bằng các lý thuyết tôn giáo, thủ tiêu triệt để tư tưởng tự cường dân tộc, ý thức quốc gia độc lập tự trị, tinh thần đấu tranh, để người An Nam không bao giờ dám đứng lên chống lại người Pháp nữa. Lúc đó, chúng ta mới hy vọng duy trì chế độ thuộc địa lâu dài trên đất nước Việt Nam này.
Trong cuộc họp này, Gia-mông trình bày:
- Thưa thống đốc toàn quyền! Chúng tôi đã cho tiến công căn cứ Ba Đình từ trung tuần tháng 12 năm 1886, với số quân 500 binh sỹ. Hướng tây nam do trung tá MetZiuyzer (Met-Zanh-rơ) chỉ huy, hướng đông bắc do trung tá Dodd ( Đốt) chỉ huy, nhưng không thể tiến vào được trung tâm, do chiến lũy của họ làm rất kiên cố, bằng lũy tre dày đặc.
Gia-me báo cáo cụ thể:
- Hiện nay, quân Pháp đã tăng cường lực lượng quân cơ động về Ba Đình là 3530 binh sỹ, đưa toàn bộ số pháo có thể huy động là 36 khẩu, 4 tàu chiến, với cơ số đạn đại bác là 5 vạn quả. Cử đại tá Brit-xô (Brissaud ) người có nhiều kinh nghiệm đánh dẹp làm tổng chỉ huy. Đã huy động một lực lượng khoảng 5000 giáo dân do giáo sỹ Trần Lục cầm đầu hỗ trợ thêm.
Bi-hô nhất trí với kế hoạch tiến công căn cứ Ba Đình. Y còn nhắc riêng đại tá Brit-xô dùng cho hết cơ số đạn đại bác hiện có và có thể dùng ét xăng đốt cháy mọi chiến lũy bằng tre, huy động toàn bộ lực lượng giáo dân các vùng lân cận tham chiến và nên hỗ trợ cho lực lượng này thêm súng đạn. Cho hủy diệt triệt để ba làng: Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê. Quyết tâm đánh xóa sạch căn cứ, giết và bắt sống toàn bộ những kẻ cầm đầu. Về thời gian tiến công càng nhanh càng tốt, không để cho các nhóm quân phản loạn có thể liên kết, có thời gian ngóc đầu dậy tiến công ta.
Bi-hô cũng nhắc nhở các sỹ quan Pháp phải đồng thời cho số quân cơ động tại vùng đồng bằng Bắc Kỳ tham chiến, kiên quyết thực hiện chương trình bình định cấp tốc. Y cho rằng, quân Bãi Sậy tuy đông gồm mấy vạn người nhưng phân tán, vũ khí thô sơ, không thể đánh lại quân đội Pháp có lực lượng cơ động nhanh, có thông tin liên lạc bằng điện tín, vũ khí hiện đại, có sự chỉ huy thống nhất. Hắn cũng có nhận định về sự chỉ huy, chỉ đạo của đối phương cũng không lấy gì phải lo lắng. Phần lớn những kẻ cầm đầu không được đào tạo, không qua trường lớp quân sự nào, thiếu hẳn kinh nghiệm tác chiến hiện đại. Về binh sỹ cũng không được huấn luyện bài bản, thiếu vũ khí, đạn dược, quân lương, quân trang. Những cố gắng của họ chỉ dựa trên yếu tố tinh thần và kinh nghiệm thì chưa đủ sức đánh thắng quân đội Pháp. Cho nên tôi động viên toàn bộ sỹ quan, binh sỹ Pháp quyết tâm thực hiện chương trình bình định cấp tốc. Ngày quân đội viễn chinh Pháp giành thắng lợi hoàn toàn tại Việt Nam đang tới gần, sỹ quan và binh sỹ Pháp hãy cố gắng lên!
Cuộc họp với thống đốc toàn quyền Bi-hô kết thúc, đại tá Brít-xô lệnh cho quân Pháp bắt đầu tiến công vào căn cứ Ba Đình. Hàng vạn quả đại bác bắn vào mục tiêu là ba ngôi đình làng mà quân Pháp coi là đồn Hạ, đồn Trung, đồn Thượng, những chỉ huy sở của đối phương. Phá những thành lũy bằng đất, rào tre, lũy tre bao bọc lấy các hầm hào và chiến lũy mà đối phương làm kiên cố để đi lại, ẩm nấp. Kỳ lạ thay, pháo cối của địch bắn như mưa và hàng nghìn quân Pháp chia làm ba mũi tiến vào căn cứ mà không sao nhích lên được. Hàng trăm lính pháp bị chết nằm lăn lóc, hoặc nổi lập lờ bên cạnh các xác chết của binh sỹ người Việt trên những thửa ruộng nước, những bờ rào, thành lũy. Mưa nắng làm thối rữa, bốc lên mùi hôi tanh đến rợn người.
Đại tá Brít-xô đành phải cho lính phun ét xăng thiêu hủy những xác chết, đồng thời xóa hết những thành lũy, chiến lũy của đối phương. Hơn một tháng trời, từ ngày 18/12/ 1886 đến 21/1/1887, quân Pháp mới chiếm được căn cứ Ba Đình. Đốc binh Đinh Công Tráng, Phạm Bành và hàng trăm chỉ huy, lính tráng đã phải mở đường máu chạy lên đồn Mã Cao. Đại tá Brit-xô liền cho quân đuổi theo, tiếp tục bao vây đồn Mã Cao. Phải đến ngày 2/2 /1887, quân Pháp mới diệt được đồn Mã Cao. Đốc binh Đinh Công Tráng lại lần nữa thoát ra ngoài chạy vào Nghệ An, các chỉ huy Nguyễn Khế, Hoàng Bật tử trận và các ông Phạm Bành, Hà Văn Mao, Lê Toại tuẫn tiết. Số nghĩa quân còn sống sót chạy lên miền tây Thanh Hóa, nhập với các đội quân của Tống Duy Tân, Cao Điền và Cầm Bá Thước.
Cuộc tiến công căn cứ Ba Đình của quân Pháp giành chiến thắng nhưng phải đổi một giá rất đắt, hàng trăm binh sỹ Pháp đã thiệt mạng. Nhưng mối lo về con đường Hà Nội đi thành Nam Định, Thanh Hóa được giải tỏa, không còn sợ bị tập kích. Quân Pháp quay sang tập trung quân đánh phá vùng Bãi Sậy, vùng sông Thao, Hưng Hóa. Bọn chúng thấy các trận địa, phòng tuyến cố thủ không khó giải quyết, chỉ cần tập trung binh lực, gồm hỏa lực và xung lực mạnh là có thể tiến công hiệu quả. Đồng thời chia tách các lực lượng quân đối phương, tiêu diệt dần các cánh quân của các thủ lĩnh cầm quân giỏi là hoàn toàn đánh thắng địch và mục tiêu bình định sẽ được thực hiện.
Gia-mông điều đại tá Brít-xô trở về mặt trận sông Thao, Hưng Hóa cùng với thiếu ta Béc-căng tiêu diệt quân phiến loạn ở Nghĩa Lộ, Văn Chấn. Tập trung quân lực bao vây, chia tách các lực lượng đối phương thành những đơn vị nhỏ lẻ để dễ bề tiêu diệt. Ở vùng Bãi Sậy và vùng đồng bằng, quân khởi nghĩa rất đông nhưng không tập trung, phân tán, thường dùng lối đánh du kích để tiến công. Quân Pháp đã sử dụng bọn quan lại địa phương vừa đánh vừa chiêu hàng binh sỹ đối phương. Thực hiện bao vây chặt, kết hợp đàn áp dã man. Đi đến đâu, chúng thực hiện âm mưu đốt sạch, giết sạch, bao vây làm cạn nguồn tiếp tế lương thực và kiềm chế dân không thể tiếp tế lương thực, làm nội ứng và làm liên lạc cho quân nổi loạn.
Ông Ghi-uyn Ghet-xit-đơ (Jules Guesde) một người theo trường phái xã hội chủ nghĩa Pháp đã lên án bọn thực dân Pháp xâm lược: “Quân Pháp đi đến nơi nào, chúng giết tất cả những gì có thể giết được, đốt tất cả những gì có thể đốt được, cướp tất cả những gì có thể cướp được ở vùng châu thổ của dòng sông Hồng, dòng sông này vốn đã đỏ lại rực đỏ gấp hai lần hơn lên”.
Giặc pháp lợi dụng bộ máy quan lại Nam triều làm tay sai cho chúng. Tại miền Trung chúng sử dụng những tên Việt gian cáo già như Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc, tại miền Bắc chúng dùng Hoàng Cao Khải, Lê Hoàn, Vũ Văn Báo vừa cầm quân An Nam tiến công vừa thực hiện dụ dỗ mua chuộc nghĩa quân quy hàng trở về với triều đình Đồng Khánh.
*
Tại Mường Lò, Nghĩa Lộ Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp nhận được tin từ “Hạ lưu” báo cho biết, quân Pháp tiếp tục cho quân bao vây quân ta tại Văn Chấn. Chúng đang tập trung quân khai thông con đường sông Thao sang Vân Nam, Trung Quốc. Nghĩa quân phải chú ý đánh chặn giặc từ các vị trí Tuần Quán, Âu Lâu, Trái Hút, Vần, Ngòi Lao, Ngòi Rành, ngòi Thia, ngòi Hút vào Nghĩa Lộ. Tại những nơi này, địch đã đóng đồn và sẽ đóng đồn lâu dài. Về đường bộ, quân Pháp sẽ đánh chiếm hạt Sơn La, Lai Châu và sẽ điều quân tiến sang đánh Nghĩa Lộ.
Tin cũng cho biết thêm, căn cứ Ba Đình, Mã Cao của Lãnh binh Phạm Bành và Đốc binh Đinh Công Tráng tại Thanh Hóa đã bị triệt hạ. Quân Pháp đang tập trung quân về đàn áp quân khởi nghĩa tại Bãi Sậy và các cánh quân khác hoạt động chống Pháp tại đồng bằng Bắc Kỳ. Một lực lượng lớn quân Pháp do đại ta Brít-xô chỉ huy đang hướng về vùng Sông Thao, Hưng Hóa và vùng sông Đà, Chợ Bờ. Trên dòng sông Hồng, sông Lô, sông Đà địch kiểm soát rất gắt gao; việc chuyển lương thực theo đường sông lên miền ngược đều không thể thực hiện được.
Những tin tức ấy đến tai Hiệp thống Nguyễn Quang Bích làm vẻ mặt ông đượm buồn. Mùa xuân về, tết đến, hoa đào, hoa ban đã nở như để chào mừng con người. Nhân dân các dân tộc châu Văn Chấn đang chuẩn bị đón Tết rất vui. Các nơi như Thượng Bằng La, Ba Khe, Mường Lò, Tú lệ đã may đủ quần áo cho quan quân. Bộ quần áo xuân phục quan triều mà năm xưa nhân dân Cẩm Khê may tặng ông đã phải bán dọc đường đi sứ để lấy tiền trang trải khi về. Năm nay, nhân dân Mường Lò lại tặng ông bộ xuân phục nhất phẩm làm ông cảm động vô cùng. Phải sống sao cho xứng đáng với tấm lòng của dân đây? Chỉ có nhân dân mến yêu, nuôi dưỡng thì tinh thần, khí phách của người văn thân mới bất diệt!
Ông đã hỏi Tán tương quân vụ Đàm đức Lương về cái chết bất ngờ của Thông sứ Phan Đức Huy. Theo lời kể thì ông Huy không chết bệnh mà bị ám hại rồi. Ngài Tôn Thất Thuyết đã cùng các phụ chính trong triều giết vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc thì viên thông sứ là gì mà không giết. Ông ta đã không chịu nghe lời bàn hay mà lại phạm tội ác giết một nhân tài của đất nước. Hiệp thống nhớ ngày ở Tiên Động đã có lần Thông sứ Huy muốn xin ra ở hẳn với mình. Ngày ấy đã đến nếu như Đại tướng, Nguyên nhung không bỏ đi sang Tàu một lòng một dạ xả thân vì sự nghiệp Cần Vương thì sự xoay chuyển từ bị động sang chủ động, từ yếu sang mạnh, từ thua sang thắng rồi. Triều đình kháng chiến ở Nghĩa Lộ, ngọn cờ “Bình Tây Báo Quốc”, cùng với ngọn cờ Cần Vương tung bay; trên dưới vua tôi đồng lòng thì việc nước khó mấy rồi sẽ thành công. Bây giờ chắc hẳn ngài Tôn Thất Thuyết đã tới Quảng Tây, Trung Quốc? Quan quân nhà Thanh còn giúp gì cho ta nữa mà mong!?
Ông hỏi kỹ về cái chết của Khê Ông. Khi mắc bệnh sốt rét, giữa đường không có thuốc cứu giúp đành phải thiệt mạng. Giá như không vì việc đi sứ âu đã chẳng phải chết. Hồi ở Tiên Động, Khê Ông cũng từng bị sốt rét, nhưng có thấy Lang Vân người làng Hoàng Lương tìm thuốc giỏi nên đã khỏi bệnh. Trước khi chết Khê Ông còn nhắc nhở ông bằng mấy dòng chữ Nôm:“Đưa quân lên Nghĩa Lộ để khuếch trương thanh thế, tập họp lực lượng thì được, còn đóng quân lâu dài thì không được đâu. Tướng quân phải cho lui về vùng sông Thao, sông Đà để phát triển thêm lực lượng. Không nên đóng quân cố thủ nữa, đừng nghe Chu Thiết Nhai “thùy thủ” ( phòng thủ lâu dài) mà nguy hiểm. Phải phát huy cách đánh táo bạo như kiểu Đốc Biêu, Đề Kiều đã làm ở trận Phong vực, như Đốc Ngữ đánh thành Sơn Tây. Quân ít thì nên đánh du kích làm sao “lai vô ảnh, khứ vô hình” là tốt. Vừa đánh vừa xây dựng lực lượng đủ mạnh, có sức cơ động nhanh; khi có lực lượng hơn địch thì bằng một hoặc hai trận là ta có thể quét sạch lũ giặc Tây”.
Hiệp thống đưa ý kiến của Khê Ông ra bàn với Tướng quân Nguyễn Văn Giáp. Hiệp đốc Giáp nói luôn:
- Đó là những lời tâm huyết đấy! Ta đưa quân lên Nghĩa Lộ thực hiện ý đồ chiến lược, nay ý đồ chiến lược đó không thực hiện được thì ta nên chuyển hướng là đúng. Không nên lập trận địa cố thủ như kiểu Thanh Mai, Tiên Động, hoặc chiến tuyến cố định như ở Ba Đình, Mã Cao. Ta thực hiện cách đánh táo bạo bất ngờ thì tốt nhưng quân phải tinh nhuệ, tướng phải giỏi. Nhưng một số tướng, số quân của ta có thể làm việc ấy trong những trận vừa qua đã hy sinh, bị thương mất nhiều. Mà quân lực tìm đâu có dễ, lên vùng Nghĩa Lộ, Văn Chấn phần đa là người dân tộc ít người, làm quân bám trụ thì được, làm quân cơ động tập trung thì khó được. Lên vùng này, quân lương lúc đầu đủ, sau sẽ thiếu, thiếu thì chỉ còn cách ăn củ và rau rừng mà thôi; ta nên chuyển về vùng đất cũ, chỉ để một số ít quân lực bám giữ mà thôi.
Hiệp đốc Giáp ngừng nói, nhìn vào Hiệp thống Bích như chờ nghe ý kiến riêng. Nhưng ông ngồi lặng im không nói gì, lúc sau Hiệp đốc Giáp lại nói:
- Nhưng rút lui và chuyển hướng chiến lược đâu có dễ dàng. Quân Pháp đã động binh rồi, Brít-xô và một số sỹ quan có kinh nghiệm đánh dẹp sẽ không để chúng ta yên. Tầm ngắm của đại bác, của súng trường đã hướng về phía chúng ta rồi đó. Phải giỏi lắm mới giữ được, phải giỏi lắm mới đứng vững, phải giỏi lắm mới rút lui an toàn.
Hiệp thống Bích ngồi chú ý lắng nghe ý kiến của Hiệp đốc Giáp chỉ nói có một câu ngắn:
- Trước những khó khăn này, thì chúng ta phải giỏi thôi!
Hai người chỉ huy nghĩa quân cùng cười vang, làm cho mấy người lính gác dưới nhà sàn phải nhìn lên. Họ đã từng nghe tiếng cười đầm ấm của hai vị tướng quân; nhưng qua những cuộc cười ấy, quan quân và dân sẽ phải có những hành động phi thường để vượt lên phía trước.
Ngày Tết ở Văn Chấn trong hoàn cảnh chiến tranh diễn ra rất nhanh. Binh sỹ đóng tại các bản thì vui Tết cùng đồng bào. Hiệp Thống cùng Hiệp đốc với các Tán tương quân vụ trong Đại bản doanh lần lượt cử nhau đi xuống đơn vị kiểm tra, đôn đốc binh sỹ. Bọn giặc Tây không ăn Tết Âm lịch thường kéo quân đi càn quét, tiến công vào những nơi có quân ta cố thủ hoặc đánh thăm dò. Vùng sông Thao, sông Đà, vùng Đại Lịch, Thượng Bằng la, vùng bắc và nam huyện Trấn Yên tiếng đại bác của quân Pháp lúc nào cũng nổ ì ùng. Phía đông và phía bắc, phía nam Văn Chấn không lúc nào im tiếng súng của giặc thù. Nên tại Mường Lò, Nghĩa Lộ nghĩa quân và nhân dân ăn Tết vui vẻ nhưng không dứt khỏi sự lo âu.
Ngày mồng hai Tết, đốc binh Trần Văn Thành coi giữ phòng tuyến Tuần Quán-Giới Phiên và Yên Bái-Âu Lâu đến Mường Lò báo cáo cho Hiệp thống và Hiệp đốc biết:
- Quan quân trấn giữ phòng tuyến “ Quan Tuần”(1) đã phải rút lui về phía bắc và nam huyện Trấn Yên tự hoạt động. Hiện nay giặc đã chiếm các vị trí quan trọng trên bờ hữu sông Thao là Giới Phiên và Âu Lâu, đồng thời chiếm giữ hai vị trí quan trong bên bờ tả đó là Tuần Quán và Yên Bái. Phòng tuyến chốt chặn địch trên sông Thao được làm từ những năm 1883- 1884 đã không giữ được phải cho rút về phía bắc Cổ Phúc và phía nam Khe Cắt, Khe Đia, vùng núi Nả, núi Muối. Quân số chỉ còn hơn 200 người, phải chia làm các đội nhỏ tự hoạt động đánh địch, cũng đang gặp khó khăn về súng đạn.
Chú thích:
(1). Phòng tuyến sông Thao, do Tuần phủ Nguyễn Quang Bích lập từ năm 1883 nên nó được mang tên “ Phòng tuyến Quan Tuần”
Hiệp đốc Giáp gặp lại Đốc Thành rất vui mừng; vì hơn hai năm nay, đốc Thành cùng quan quân vẫn giữ vững đội ngũ chống giặc Pháp một cách kiên cường. Khi nghe tin đại quân từ Tiên Động rút lên Mường Lò, Đốc Thành vượt sông Thao vào Ba Khe lên Mường Lò gặp Hiệp đốc báo cáo mọi sự việc.
Ông nghe và khen:
- Đốc Thành quả là đốc binh quả cảm, trung thành với dân nước. Gặp lúc giặc Pháp hoành hành mà không hề nao núng, tự mình chống giặc Tây. Tuy rằng được giao giữ phòng tuyến, không giữ nổi đã cho quân rút lui, duy trì lực lượng, tiếp tục chiến đấu lập nhiều chiến công.
Hiệp đốc Giáp giao cho Đốc Thành nhiệm vụ tiếp tục trấn giữ phía bờ tả và hữu sông Thao bảo vệ phía đông Mường lò, Nghĩa Lộ. Ông nói với Đốc Thành:
- Hiện nay, quân của Đốc Thành thiếu vũ khí thì cấp cho 100 khẩu, nhưng nhớ rằng phải chăm đánh địch cướp lấy vũ khí mà đánh. Về quân lương gần ba năm nay, Đốc Thành cùng quân sỹ lao động sản xuất mà có lương thảo. Nay lại tiếp tục truyền thống đó tự cày ruộng phát nương, trồng cấy làm ra lúa gạo, thực phẩm. Quan quân Mường Lò, Nghĩa Lộ cũng phải học cách làm đó thôi, thì mới giải quyết được những khó khăn về quân lương sắp tới.
Nhờ có Đốc Thành truyền cho kinh nghiệp thực tế tự túc lương thực tại chỗ. Đến mồng mười Tết, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích cho một nửa lực lượng quan quân đi cày cuốc chuẩn bị cho vụ chiêm xuân. Còn lại một nửa lực lượng trực chiến tại các trận địa phía đông và phìa nam, phía bắc. Trên cánh đồng Mường Lò người ta thấy quan quân đi lao động với người dân. Không khí sản xuất rất vui, quan quân và nhân dân nô nức thi đua lao động. Quân sỹ đều xuất thân từ thành phần nông dân, nên sản xuất lúa ngô khoai đã thành quen thuộc. Những chỉ huy và binh lính cùng hăng hái tham gia lao động càng làm cho tình cảm quân dân thêm gắn bó. Những người dân thấy các vị quan chỉ huy ra tận ruộng nương chỉ đạo, trực tiếp cầm dao, cầm cuốc thì phấn khởi vô cùng.
Quan Hiệp thống Bích thì cầm dao phát, ông phát rất mạnh. Chỉ một loáng đã được một khoảng đất rộng, to bằng khoảng sân. Hiệp đốc Giáp cũng cầm cuốc làm ruộng. Ông cuốc đất rất khéo binh sỹ cùng làm phải cảm phục. Đề Kiều thì mai trâu vào vậy, cày rất khéo, rất nhanh ai trông cũng phải khen. Những thửa ruộng hoang bên bờ ngòi Thia, bên bờ suối Đôi, ngòi Nhì, suối Giàng chẳng mấy chốc đã được bừa cấy, lúa ngô khoai lên xanh mướt. Những người dân Tày, Thái, Miêu, Mường đi xem cũng phải khen quan quân làm đất giỏi, trồng cấy khéo. Hơn nửa tháng sau, màu xanh đã phủ kín đồng, hứa hẹn một mùa bội thu.
Khắp các nơi trên cánh đồng lớn là Mường Lò, Ba Khe, Tú Lệ, trên những khoảng đất gần bờ ngòi, bờ suối đã được nghĩa quân đưa vào trồng lúa, ngô, khoai, bầu bí, rau xanh. Cuộc sống của nghĩa quân được cải thiện từng ngày, Phó Chỉ huy Đề Kiều báo cáo về dự trữ lương thực cho quan quân Văn Chấn tạm đủ vì được giải quyết bằng sức lao động sản xuất tại chỗ của ba quân. Quan Hiệp thống rất vui vì một phần nỗi lo về lương thực thực phẩm đã được giải quyết bằng chính bàn tay lao động của tướng sỹ và đất đai phì nhiêu của vùng Nghĩa Lộ, Văn Chấn.
Thời gian đó, quân Pháp đang tiếp tục tiến công vào các đơn vị nghĩa quân nhằm khai thông con đường sông Thao từ Việt Trì lên Lào Cai. Giặc Pháp đã cho quân chiếm hạt Sơn La và Lai Châu, bao vây quan quân tại Nghĩa Lộ. Các đơn vị giặc Pháp đã vượt Âu Lâu đang tiến vào Ba Khe; đơn vị tiền tiêu đã vào tới dốc Mỵ, khe Ria, ngã ba vực Tuần. Trên sông Thao địch đã đóng đồn tại Tuần Quán, Yên Bái, Âu Lâu, Giới Phiên, Mậu A, Trái Hút. Nhiều đơn vị Pháp đã tìm đường theo ngòi Thia và ngòi Hút để vào Nghĩa Lộ. Về phía nam giặc Pháp đã cho quân đánh chiếm các vị trí tiền tiêu của quân ta tại ngòi Vần, ngòi Lao, ngòi Rành. Phía Sơn La địch đã cho quân vượt đèo Lũng Lô chiếm một phần đất của làng bản Thượng Bằng La đang tiến vào Ba Khe phía nam Văn Chấn.
Để kịp thời chặn địch, Hiệp đốc Giáp phải thường xuyên có mặt tại các trận địa phía nam Văn Chấn. Nhiều ngày ông cưỡi ngựa cùng đi với Đề Kiều, Lãnh binh Vương Doãn, Tán tương quân vụ Đàm Đức Lương chỉ đạo trực tiếp các trận địa ở Thượng Bằng La, ở Đại Lịch, ở Ba Khe. Nhiều lần ông cùng binh sỹ làm hầm hào trấn giữ địa bàn Đèo Ách, Suối Giàng, Ngòi Nhì. Ông đi bộ vào thị sát vùng núi Sình Hồ, Trạm Tấu, Mù Căng Chải, đi lên thượng nguồn ngòi Thia, đi thuyền ra sông Thao. Nhiều khi chạm địch, ông cùng binh sỹ vừa đánh chặn vừa phải lựa thời cơ rút quân về vùng núi an toàn.
Hiệp đốc Giáp còn vượt sang bên tả sông Thao gặp Đốc binh Trần Văn Thành. Ông yêu cầu Đốc Thành cho quân tập kích đồn Tuần Quán, Âu Lâu, Yên Bái, Giới Phiên. Đốc Thành cho quân tập kích đồn Yên Bái trên bờ sông Thao, chỉ thu được kết quả nhỏ diệt được vài tên lính Pháp phải rút quân về. Tập kích các đồn Tuần Quán, Giới Phiên, Âu Lâu không thu kết quả gì vì địch phòng thủ rất nghiêm ngặt. Các đồn địch được rào chắn rất kỹ càng, hệ thống hầm hào kiên cố, vòng trong, vòng ngoài đều có vọng gác canh giữ. Trước những khó khăn ấy, Hiệp đốc nói với Đốc binh Thành:
- Để có thể đánh phục kích, theo kiểu “điệu hổ ly sơn” phải làm tình báo tốt. Nay giặc đến, giặc đi quân ta chưa nắm được, nên khó đánh phục kích, tập kích. Đốc Thành phải tổ chức lực lượng làm tình báo, nắm địch tiến lui mà tìm cách tiêu diệt, thông báo cho quan quân mà hiệp đồng đánh địch. Bây giờ, quân ta chưa có đủ sức đánh thắng giặc ngay, hướng lâu dài đánh địch phải thủ hiểm, duy trì lực lượng và chờ thời.
Hiệp đốc Giáp cũng truyền dạy kinh nghiệm là cướp súng và pháo địch đánh địch, đốt tàu địch chạy trên sông Thao. Ông nói với Đốc Thành và binh sỹ:
- Chúng ta chưa có công xưởng rèn đúc để chế tạo ra vũ khí hiện đại, ta phải đánh địch giỏi để cướp lấy súng, pháo của giặc Pháp. Phải điều nghiên thật kỹ, đánh tập kích, phục kích, diệt thật gọn là có thể thực hiện được. Về đánh tàu chiến, thuyền chiến trên sông Thao thì cũng phải dựa vào nơi ghềnh thác, nơi bờ bến mà tập kích đốt cháy tàu thuyền của địch. Về vũ khí tiến công có thể về thành Mường Lò lĩnh thêm tạc đạn tự chế để đánh địch.
Ông còn dặn dò Đốc binh Thành:
- Giặc Pháp đang cố sức đánh dẹp, bình định. Quân của Đốc Thành muốn tồn tại phải phát triển sang các vùng phía đông như châu Yên Định, Yên Sơn, Bảo Yên, Bắc Quang và phía bắc như Vân Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn. Giữ vững, mở rộng địa bàn hoạt động là yêu cầu cấp bách, là con đường sống của quân ta hiện nay. Chúng ta không trông chờ vào ngoại viện mà phải tự mình xây dựng lực lượng đánh địch. Ngài Tôn Thất Thuyết đi cầu cầu viện trợ không được thì về cùng tổ chức lực lượng đánh địch. Bây giờ, tôi và binh sỹ trong nước làm trước đi, chuẩn bị thật tốt lực lượng chờ thời để phản công quân Pháp giành lại nước Nam.
Đốc Thành thì luôn mồm hỏi ông về cách đánh, cách giấu quân, cách bố phòng, cách triển khai, cách tập hợp lực lượng. Ông nói với Đốc Thành:
- Ta phải dựa hẳn vào dân và địa hình rừng núi, không cho địch biết ta ở đâu, có bao nhiêu người, vũ khí, làm gì và sẽ làm gì. Ta phải biết địch có bao nhiêu quân, vũ khí trang bị của họ, ý định của họ, sẽ cơ động đi đâu, đánh ta ở đâu. Càng biết cụ thể, chi tiết thì càng dễ phán đoán mưu mô, kế hoạch của chúng, giúp ta dễ bố phòng, tìm ra cách đánh tiêu diệt. Người xưa nói “Biết ta biết địch trăm trận trăm thắng” là thế.
Đốc Thành được Hiệp đốc Giáp chỉ cho chỗ yếu của quan quân:
- Địch đánh mạnh ta tìm cách trốn tránh là nguy. Kéo quân đi, kéo quân lại mà không biết địch thù là làm nhọc quân, dễ bị địch đánh tiêu diệt. Đánh địch không dứt điểm, như kiểu“ đánh rắn không dập đầu” để chúng hoành hành. Quân thiếu mà không biết bổ sung, vũ khí thiếu lại không biết trang bị thì chóng tàn lụi. Dẫn đến quân càng ngày càng ít đi, đội hình ngày càng xơ xác, bệ rạc. Ấy là chưa kể lúc nguy biến, địch mạnh gấp năm, gấp mười thì chẳng khác chi đám lông vũ gặp gió mạnh cuốn sạch đi.
- Muốn thắng giặc ta phải làm gì?- Đốc Thành còn suy nghĩ chưa trả lời thì ông nói luôn: - Ta phải xây dựng lực lượng hùng mạnh, tinh nhuệ để có thể lấy một đánh mười, mười đánh năm mươi, một trăm và hơn nữa.
Đốc Thành muốn giữ Hiệp đốc Giáp ở lại bên bờ tả sông Thao. Ông và các chiến binh mời quan Hiệp đốc đi thăm các chiến tuyến ở phía thượng nguồn sông Thao. Hiệp đốc Giáp mới có dịp thăm Vân Yên, Lục yên, Bảo Yên, Bảo Thắng, Lào Cai. Thông qua Đốc Thành ông nắm được trên sông Thao có bao nhiêu ghềnh thác Trong đầu ông còn nhớ những ghềnh Ba Triệu, ghềnh Ngọc Tháp, ghềnh Bái Thiên, ghềnh Tuần Quán trên sông Thao. Ông biết thêm thác Thủ ở Trấn Yên, thác Rãnh Cầy ở Trái Hút, thác Hòn Hồng mà dân thường gọi là thác Chín Thang ở Bảo Hà. Thuận đường ông đã tới Phố Lu, Bảo Thắng mà ngày xưa Lưu Vĩnh Phúc đóng đồn. Giặc Tây đã cho quân lính mở thông đường lên tới Lào Cai mà cái tên phố Lào Cai phỏng theo nghĩa của tiếng dân tộc bản địa nghĩa là phố cũ.
Đã sang bên tả sông Thao hơn một tháng trời, ông muốn trở lại Mường Lò. Đốc Thành cho thuyền nan bơi xuôi từ Bảo Thắng về Trái Hút và sang bên hữu sông Thao theo ngòi Hút vào tới Phong Dụ; lại theo đường núi đi vào Tú Lệ bắc Văn Chấn. Đến Tú Lệ ông gặp Đốc Khiêm, Phó Đốc binh Hoàng Đình Cương đang có ý định chuyển quân từ Nậm Kíp lên đóng ở đây. Ông nói với Đốc Khiêm:
-Tình hình quân Pháp đã đóng đồn dọc sông Thao, chuyển nhiều quân lên phía thượng nguồn. Mắt tôi đã nhìn thấy hàng trăm quân Pháp chiều chiều ra bờ sông Thao tắm giặt. Có rất nhiều sắc lính Tây, phần lớn là quân thủy đánh bộ, nhiều lính Tây đen loáng thoáng có một vài thằng Tây trắng. Chúng tập trung quân nhiều như vậy, là để chuẩn bị tiến công quân ta. Đốc Khiêm và Phó đốc Cương phải chú ý cảnh giới, canh gác, lập trận địa phục kích giặc Pháp cả khi chúng tiến vào, rút ra.
Nhìn ra phía xa, về phía nam và phía đông, ông lại nói:
- Từ đây ra phía sông Thao, theo đường bộ cũng khoảng gần 100 dặm và về Đèo Ách, Ba Khe khoảng trên 100 dặm. Ngồi một chỗ thì thấy xa, đi bộ hàng ngày thì thấy gần. Quân Pháp đang tìm quân ta để đánh, nên ta phải đề phòng. Binh sỹ không được chủ quan, khinh địch, để địch dạy cho ta bài học thất bại thì không nên. Quân ta trong tính thế bị bao vây, gặp nhiều khó khăn, tướng sỹ không biết xoay chuyển tình thế có lợi thì cái hại sắp tới nơi rồi.
Đốc Khiêm thấy Hiệp đốc Giáp lo lắng cho ba quân, ông lựa lời động viên:
- Tình hình không đến nỗi lo. Sau Tết Đinh Hợi khí thế quân ta đang lên. Người nào cũng có quần áo mới, súng đạn được tăng cường, quân quan được huấn luyện bài bản, lương thực thì đầy đủ thì lo gì nữa.
Thấy Đốc Khiêm và binh sỹ có phần lạc quan quá mức ông phải nói to:
- Các anh chỉ nhìn thấy điểm mà không thấy toàn cục, thấy cây mà không thấy rừng. Thế thì nguy hiểm quá ! Giặc Pháp đang bao vây quân ta, các cánh quân của chúng đang nhằm vào Mường Lò, Nghĩa Lộ. Quan quân ta ở đây cảm thấy như chẳng có chuyện gì, thật là đáng sợ! Các ông chỉ huy đạo Tiền quân phải sửa ngay cái đầu của mình và sửa ngay cái đầu của binh sỹ ngay, không thì chết không kịp ngáp đến nơi rồi.
Thấy Hiệp đốc Giáp to tiếng với các chỉ huy đạo Tiền quân, Tán Lương người đi cùng phải đấu dịu:
- Hiệp đốc hãy bình tĩnh, yên tâm là anh em ta sẽ làm tốt, làm tốt hơn lên.
- Không đâu! Các ông là người giúp chỉ huy mà không nhìn thấy mối nguy hiểm, không đôn đốc quân quan thì cái khốn cùng sẽ đến ngay đấy. Quân lệnh phải nghiêm, kỷ luật phải sắt thì mới có đường sống, đường về. Tôi và Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích dẫn binh sỹ lên đây là để mau tìm đến chiến thắng đưa anh em trở về nhà, chứ không phải đưa quan quân đến chỗ thất bại, đưa đến chỗ chết, nghe chưa!
Một người lính trẻ đứng cạnh Hiệp đốc lại nói:
- Thì chúng ta cùng sống cùng chết lo gì!
Hiệp đốc nghe người lính nói, càng nói to hơn:
- Không phải cùng sống, cùng chết là hay. Ta phải mưu thắng lợi, tin tưởng vào thắng lợi thì mới có đường về. Tôi còn sống, còn cùng anh em chiến đấu sẽ có ngày toàn thắng trở về. Con đường giải phóng đất nước đang ở phía trước, bây giờ thì anh em ta phải bền chí, phải cố gắng lên để đi đến ngày chiến thắng.
Hiệp đốc trở lại vui vẻ, cùng anh em thăm Tú Lệ. Đốc Khiêm dẫn Hiệp đốc thăm nơi định bố phòng trận địa, thăm nơi binh lính làm ruộng, làm rau xanh, nơi làm doanh trại. Thấy con đường theo ngòi Hút có thể vào Tú Lệ và từ Tú Lệ có thể vào Mường Lò, ông nói với Đốc Khiêm:
- Đạo Tiền quân cần lập một trận phục kích ở Phong Dụ Thượng, quân Pháp có thể từ sông Thao theo ngòi Hút mò vào hoặc từ phía Mường Lò, Tú Lệ đi ra. Muốn vậy, thì phải lập các trạm vọng tiêu để quan sát nắm được quân địch từ trong ra, ngoài vào.
Hiệp đốc Giáp còn nói với Đốc Khiêm những vấn đề về công việc vận động nhân dân:
- Đồng bào thiểu số Văn Chấn cũng như đồng bào miền núi các nơi trên đất nước Việt Nam, họ rất yêu nước. Bây giờ Tây đến xâm lược, phải kéo được đồng bào về phía mình cùng đánh giặc. Trong hàng ngũ chúng ta có hàng chục đốc binh, phó đốc binh, lãnh binh và phó lãnh binh và một nửa quân ta là người các dân tộc thiểu số. Phải làm sao cho dân mình yêu quân như con, hết lòng vì quân ta thì quân ta sẽ mạnh lên, việc giải phóng đất nước cũng không khó gì. Còn việc binh bây giờ, quân ta phải mở rộng mặt trận, tập hợp được nhiều lực lượng, quân phải đông, trang bị phải đầy đủ, tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy phải thống nhất thì giặc Pháp có bao nhiêu quân, âm mưu có xảo quyệt đến đâu cũng không làm gì được ta.
Đốc Khiêm chỉ biết vâng dạ, hứa sẽ làm tốt công việc được giao. Biết khó khăn còn nhiều nhưng ông không dám nói vì sợ Hiệp đốc Giáp không yên lòng. Ông Khiêm chỉ nói số binh sỹ trong đạo quân ít quá, không đủ sức gánh vác những nhiệm vụ quan trọng mà Hiệp đốc vừa chỉ ra. Ông mời Hiệp đốc Giáp và mọi người cùng đi vào một đơn vị đóng quân gần đấy ăn cơm và nghỉ ngơi.
Buổi chiều Hiệp đốc Giáp cùng Tán Lương và quân sỹ đi cùng trở về Mường Lò. Trời nắng ấm, mây mờ tan, bầu trời cao vút, núi non xanh ngát xa xăm, ông thả dây cương cho con ngựa chiến đi chậm lại. Lúc đó, người ông như bình thản, không thấy con đường xa xôi mà lại thấy rất gần. Ông cảm thấy chân ngựa bước đều đều như đang về gần đích đến. Chẳng mấy chốc, mọi người đã vượt qua suối Đôi vào thành lớn Mường Lò tới ngôi nhà sàn cao nhất làm Đại bản doanh của nghĩa quân.
Ông vào nhà gặp Đốc Ngữ đang cùng Hiệp thống đại thần và một số người khác lạ đến thăm. Trông thấy ông, Đốc ngữ đứng lên lễ phép chào. Một người khách dáng người cao gầy vẻ quen quen cũng đứng lên chào Hiệp đốc Giáp. Hiệp thống Nguyễn Quang Bích thấy Hiệp đốc Giáp không nhớ người khách quý này vội giới thiệu:
- Hiệp đốc còn nhớ không, đây là Đình nguyên Phan Đình Phùng vừa từ chiến trường Hà Tĩnh ra. Đến Sơn Tây ông móc nối với quân Đốc Ngữ hoạt động ở vùng núi Ba Vì. Quan quân đưa ông lên Thục Luyện, Thanh Sơn gặp Đốc Ngữ; ông Ngữ băng rừng đưa khách quý lên đây với chúng ta đấy.
Hiệp đốc Giáp chấp tay vái chào Tiến sỹ Phùng. Ông Phan Đình Phùng cũng đứng lên cúi chào và nói:
- Tôi đã gặp quan Bố chánh Nguyễn Văn Giáp ngày Tiên Động Hội tướng. Nhưng vì ngày đó rất vội, Bố Giáp phải về Thanh Mai nên chưa có dịp hội kiến. Nay được gặp quan Hiệp đốc đại thần, Phấn trung tướng thế này là mừng rồi. Ông vẫn được mạnh khỏe đấy chứ?
- Vâng, thưa Đình nguyên Phan Đình Phùng tôi mạnh khỏe, nhờ trời vẫn được an lành. Ông và quan quân ở Hà Tĩnh mở mặt trận đánh Tây đã làm được gì rồi? Chúng tôi ở xa không nắm được tin tức gì cả cứ mong hoài.
- Vậy à, mong tôi thì tôi ra tới đây rồi. Chúng tôi đến để bàn hiệp sức với quan quân miền Tây Bắc. Chúng tôi cần học tập thêm để về cùng quân dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa chiến đấu phụng sự Cần Vương.
Hiệp thống đại thần tiếp lời ông Phan Đình Phùng:
- Chúng tôi rất mong tin tức ở các tỉnh miền Trung. Nay ông Phùng ra đây là cơ hội rất tốt. Để chúng ta họp nhau bàn cách xoay chuyển tình thế. Hồi tháng 6 năm ngoái, chúng tôi được tiếp kiến ngài Đại tướng,Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết tại châu Sơn La. Ngài ấy bàn với chúng tôi đi sứ cầu viện, song khi đến Lai Châu thì bị bệnh, ngài bảo là không đi được nữa. Ngài giao cho tôi làm chánh sứ, còn ngài ở lại Sơn La. Tôi bảo ngài ấy về Nghĩa Lộ hợp sức ba quân bốn phương lại, đón Vua Hàm Nghi ra để lập “Triều đình kháng chiến”. Chúng tôi đã thực hiện cuộc chuyển quân chiến lược lên Văn Chấn và cho lập Đại bản doanh đóng tại Mường Lò, Nghĩa Lộ này là để thực hiện ý đồ đó. Nhưng ngài Thuyết đã không về mà từ bỏ chúng tôi đi Quảng Tây, Trung Quốc cầu viện làm cho chúng tôi rất bất ngờ, hẫng hụt. Tôi và Hiệp đốc Giáp cũng chưa định kế hoạch gì mới, đang phải trực tiếp chỉ huy phá âm mưu bao vây của quân Pháp. Ông Phùng xem có kế sách nào hay giúp chúng tôi!
Ông Phùng từ tốn:
- Thưa hai tướng quân! Tôi lặn lội ra Bắc cùng với Tiến sỹ Nguyễn Xuân Ôn và đã tham gia Hội tướng tại Tiên Động vào khoảng tháng 8 năm Giáp Thân (1884). Về Hà Tĩnh tôi đã chiêu mộ quân sỹ đứng lên khởi nghĩa tại vùng rừng núi Hương Khê. Lực lượng của chúng tôi đã phát triển mạnh trong bốn tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Ở Hà Tĩnh chúng tôi đã hạ thành Hà Tĩnh giết giặc và bắt bọn quan lại tay sai, giải phóng tù nhân. Khi Phong trào Cần Vương nổ ra, chúng tôi đã liên hệ được với quan quân của Vua Hàm Nghi, bắt liên lạc được với quân của Nguyễn Xuân Ôn đóng ở Đồng Nhân, Yên Thành, Nghệ An. Cho người ra Thanh Hóa liên hệ với quân của Đốc binh Đinh Công Tráng và quân của Tiến sỹ Tống Duy Tân, Cao Điền, Cầm Bá Thước. Nhưng quân lực của chúng tôi còn mỏng, chưa mạnh, tôi phải tự mình ra Bắc tới gặp Hiệp thống và Hiệp đốc quân vụ, nhân thể cùng qua Hưng Yên, lên Bắc Ninh gặp các ông Tán Thuật, Tán Cao, Đề Nắm bàn xem nên như thế nào để cùng giúp Vua Hàm Nghi thu phục giang sơn gấm vóc. Các ông ở đây là bậc cha chú, nhiều kinh nghiệm hãy truyền dạy cho để chúng tôi những người trẻ tuổi biết cách đánh giặc Pháp phục vụ sự nghiệp Cần Vương.
Đình nguyên Phùng cũng thông báo cho các vị biết khi ra Bắc, ông giao toàn quyền chỉ huy cho viên tướng trẻ tuổi tên là Cao Thắng. Viên tướng này năm nay mới 23 tuổi, rất có tài chỉ huy, đã chế ra súng trường dập khuôn theo kiểu súng của Pháp làm năm 1874. Bọn Pháp cũng phải phục tài về chỉ huy cũng như sự chế tạo súng đạn của tướng quân Cao Thắng.
Hiện nay, quân khởi nghĩa ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa lập nhiều căn cứ. Chia theo các Quân thứ, đã có hơn mười Quân thứ đang hoạt động trên phạm vi bốn tỉnh này. Có lực lượng quân tập trung cơ động có thể hạ thành Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Nghe ông Phùng báo cáo, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích rất vui mừng:
- Quả thực được như vậy thì có nhiều triển vọng, ông Phan Đình Phùng không hổ thẹn là Tiến sỹ Đình nguyên! Nhưng mà sao ngài Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết không tấn phong cho ông nhỉ? Có lẽ ngài ấy còn nhớ chuyện năm xưa, quan Ngự sử Phan Đình Phùng can ngăn việc phế truất vua Hiệp Hòa một cách vô căn cứ, bị các quan phụ chính nổi giận tống giam, cách chức đuổi về quê.
Tiến sỹ Phùng nở nụ cười tươi nói là có nhận chức của ngài Tôn Thất Thuyết tấn phong là Tán lý Sơn phòng Hà Tĩnh. Chuyện khi xưa là chuyện riêng cá nhân của ông Phùng đối với ngài Tôn Thất Thuyết còn bây giờ là chuyện lớn của triều đình, chuyện lớn của nước. Việc nhận thức không đúng đắn của chủ tướng dẫn đến hành động không đúng, bỏ sót một tài năng một cá nhân anh hùng là có tội với Tổ quốc. Bây giờ là lúc khó khăn cần xoay chuyển tình thế có lợi cho quân ta thì vai trò cá nhân là cực kỳ quan trọng quyết định thắng lợi của toàn quân, toàn dân.
Sợ đụng chạm đến nỗi buồn riêng của ông Đình nguyên Phùng, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích không nói nữa. Ông muốn nghe hoàn cảnh thực của quân dân Nghệ Tĩnh, hoàn cảnh của Vua Hàm Nghi hiện nay đang phải sống lẩn lút tại rừng núi Quảng Bình, nhiều khi phải chạy sang Lào và chạy ra vùng rừng núi Hương Khê, Hương Sơn thuộc Hà Tĩnh.
Đình nguyên Phùng thận trọng báo tin:
- Vua Hàm Nghi tuy trẻ tuổi nhưng rất giỏi giang, kiên trì, bền bỉ, nhận thức rất nhanh về vận mệnh quốc gia, dân tộc, ý thức việc chống Pháp là tối cần thiết, biết nghe lời hay lẽ phải, tự mình rèn luyện võ nghệ, tập bắn súng, múa gươm, cưỡi ngựa, làm quen việc xông pha nơi lam chướng. Nhưng hiện nay, các con trai của Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp và Đề đốc Lê Trực quản lý rất chặt không cho ngài tự ý đi về Kinh đô và đi nơi khác. Các ông có ý định vô đón Vua Hàm Nghi ra Bắc cũng không được, chỉ trường hợp có thư riêng của ngài Tôn Thất Thuyết yêu cầu hoặc đích thân Đại tướng, Nguyên nhung trực tiếp vô đón thì Vua sẽ ra đây theo ý đồ chiến lược của các ông. Việc các ông cho quân, cho người vô đón Vua cũng mất công mà thôi, chính tôi đang ở rất gần nhà Vua cũng không thể làm được việc ni.
Hiệp thống đại thần nghe nói cảm thấy rất buồn, ông phải thốt lên:
- Tại sao tôi có yêu cầu rất chính đáng và rất cần thiết mà Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết không nghe lời tôi trở về Mường Lò, Nghĩa Lộ, lại bỏ đi Trung Quốc cầu viện nhà Thanh? Việc ấy đã có tôi và anh em đi rồi, phải chờ kết quả mới quyết đi hay là không nữa chứ. Tôi đã chót sa vào ảo tưởng về sự viện trợ nhà Thanh của ngài Thuyết nên làm tôi mất công đi hai chuyến. Biết bao là gian khổ, vất vả mất người, mất của mà của viện trợ sang chẳng được là bao. Mấy trăm khẩu súng so với số súng hiện đại của tướng Cao Thắng rèn đúc ra thì rõ ràng là kém xa.
Lúc đó Hiệp đốc Giáp hỏi:
- Xin Đình nguyên Phùng cho biết, việc tổ chức các Quân thứ và mỗi Quân thứ quân có bao nhiêu quân?
- Dạ, thưa Tướng quân! Chúng tôi đã xây dựng 15 Quân thứ ở các địa bàn chiến lược. Hiện nay mỗi Quân thứ đang hình thành có chừng 200 quân đến 500 quân.
Hiệp đốc Giáp nói như để so sánh tương quan:
- Nếu phiên chế thành Quân thứ thì quân của chúng tôi ở bốn tỉnh: Hưng Hóa, Sơn Tây, Tuyên Quang, Ninh Bình có khoảng 20 Quân thứ. Việc chia ra các Quân thứ độc lập chỉ huy tác chiến là rất tốt. Hiệp thống ạ, từ bây giờ đến cuối năm, ta cũng phải tổ chức thành các đơn vị kiểu như Quân thứ nhưng cần phải có lực lượng cơ động tập trung nhanh mạnh, đánh hiệp đồng có hiệu lực thì sự nghiệp chống giặc Tây sẽ có chuyển biến tích cực.
Hiệp thống Nguyễn Quang Bích bàn:
- Cái mà chúng ta cần học quân khởi nghĩa Hà Tĩnh là lập ra nhiều căn cứ có sự chỉ đạo chung. Còn phiên chế thành riêng các Quân thứ cũng được, nhưng nay ta đã chia theo đạo quân, mỗi đạo có 1 đốc binh, 2 phó đốc binh trực tiếp chỉ huy. Bên cạnh các đốc binh, phó đốc binh có lãnh binh, phó lãnh binh phụ trách dân binh. Ta đã có sắc phong cho họ rồi. Vùng Hưng Hóa ta đã chuẩn y phong hơn một trăm đốc binh, phó đốc binh, lãnh binh, phó lãnh binh. Có điều sự chỉ huy còn chưa thống nhất, liên lạc chưa thường xuyên, các hoạt động còn chưa đồng bộ, phân tán, lẻ tẻ, chưa tập trung được quân lực. Đó chính là cái yếu của quân ta phải được chấn chỉnh, khắc phục ngay.
Hiệp đốc Giáp lại hỏi:
- Theo Hiệp thống thì quân ta nên lập căn cứ chỉ huy ở những đâu? Có nên tập trung quân về một chỗ như ở Mường Lò, Nghĩa Lộ không?
Quan Hiệp thống sáng suốt trả lời:
- Theo tôi thì bên hữu sông Thao nên lập thêm căn cứ ở Rừng Già, Sơn Hùng-Thục luyện, Khả Cửu, Ba Vì, khôi phục củng cố căn cứ Tiên Động, Xuân Áng. Bên tả sông Thao lập thêm, củng cố thêm căn cứ Đầm Đen, Quảng Nạp, khôi phục căn cứ Thanh Mai-Thạch Sơn. Xây dựng thêm căn cứ mới ở các hạt, các châu Sơn La, Lai Châu, Bắc Tấn, Văn Bàn, Bảo Thắng, Lục yên, Hàm Yên. Chúng ta nên bỏ kiểu phòng tuyến, chiến tuyến phòng thủ kiểu Thạch Sơn-Thanh Mai, Tiên Động; chuyển trung tâm căn cứ chỉ huy một cách bí mật, linh hoạt. Để thông tin tới các nơi được thông suốt kịp thời ta phải làm lại các trạm liên lạc, coi như một lực lượng quân quan trọng. Đạo quân nào, châu huyện nào, tỉnh nào, vùng nào không có trạm liên lạc hoạt động coi như để tê liệt nơi ấy. Khi cơ quan đầu não đứt hết mối liên lạc thì bộ máy vận hành cũng tự triệt tiêu.
- Quân của Đình nguyên Phùng ở Hà Tĩnh có mối quan hệ mật thiết với nhau bằng cách nào? - Hiệp thống hỏi.
- Cũng chỉ bằng người liên lạc đi bộ và đi ngựa. Trong khi đó quân Pháp liên hệ với nhau bằng điện tín, bằng xe. Tôi đi ra ngoài này hơn một tháng nay cũng chưa nắm được quân ở Hương Khê, Hương Sơn hoạt động ra sao. Hiện nay, tôi chưa có nơi ở cố định để quan quân trong nớ biết báo cáo. Đó là mặt hạn chế mà chúng tôi và các ông chưa thể khắc phục được.
- Đình nguyên Phùng nên cử người về báo là ông đang ở với chúng tôi ở Mường Lò, Nghĩa Lộ để cho mọi người được an tâm. Nhân thể chúng tôi cũng cử một tổ thợ rèn đúc vào học tướng Cao Thắng cách đúc chế tạo kiểu súng trường Pháp. Ngoài này, chúng tôi chỉ có thể đúc được súng hỏa mai, chế được các loại tạc đạn đơn giản. Kháng chiến còn lâu dài phải chuẩn bị vũ khí, quân lương thất tốt mới có cơ sở để chiến thắng.
Hiệp đốc Giáp lại nói:
- Đình nguyên Phùng còn trẻ khỏe, năm này vừa tròn bốn mươi gánh vác việc nước còn lâu dài. Đã ra với chúng tôi thì ở với chúng tôi một thời gian, làm quen với văn thân, tướng sỹ vùng Thao Đà, Tây Bắc. Cùng chúng tôi trực tiếp chỉ đạo, đúc rút bài học kinh nghiệm cho quan quân Hương Khê và quan quân cả nước. Nhìn vào hàng ngũ trẻ chỉ còn trông mong vào ông và Tiến sỹ Tống Duy Tân, còn các ông Tiến sỹ Trần Văn Dư, Nguyễn Xuân Ôn, Phó bảng Lê Doãn Nhã, Tiến sỹ Vũ Hữu Lợi, Phó bảng Lã Xuân Oai và ngay cả tôi và quan Hiệp thống đã ngoài 50 tuổi thì khó có thể gánh vác được lâu nữa. Kháng chiến chống Pháp còn lâu dài, phải tính đến lực lượng kế cận là cần thiết. Một khi số văn thân đứng đầu mà nằm xuống là Phong trào Cần Vương có thể chấm dứt.
Mọi người bật cười, Hiệp thống Nguyễn Quang Bích cười to:
- Hiệp đốc tướng quân lo xa quá đấy. Năm nay mới năm mười tuổi mà đã nghĩ đến từ trần sớm thế. Móm nợ non sông đã trả hết đâu mà định trút bỏ đây?
Hiệp đốc Giáp nghiêm nét mặt lại nói:
- Cái số tôi không được trường thọ. Tôi nói thế để Hiệp thống lo cho tôi. Lên đây lam chướng, quân giặc thì hung tàn, nay sống mai chết là chuyện thường anh em ạ. Cái gì lo trước được là hơn, kẻo khi nằm xuống đột ngột, không tìm ra ai kế cận mà gánh vác thì cái nguy còn gấp mười lần đấy.
Hiệp thống đại thần trở về trạng thái nghiêm túc:
- Cái lo trước bây giờ là mặt trận phía nam Văn Chấn. Hiệp đốc Giáp lo cho nghĩa quân trước đi. Nghe tin bọn giặc Tây đã tiến vào gần Ba Khe. Cả ba hướng đều có quân Pháp, họ đang bao vây và sẽ tiến công chúng ta trong năm nay. Phá được thế bao vây của giặc Pháp thì Mường Lò, Nghĩa Lộ có thể yên lâu dài.
Hiệp đốc vui vẻ nhận nhiệm vụ, từ biệt mọi người trở về nơi nghỉ của mình. Nơi Đại bản doanh còn có quan Hiệp thống, Đình nguyên Phùng, Đốc Ngữ, Tán Lương, Đốc Lục. Họ ngồi cùng ăn cơm chiều, trong bầu không khí thân mật. Ông Phùng nói tiếng Thái rất giỏi, nên Đốc Lục rất quý. Ngồi nói chuyện với Đốc Lục, ông biết nhân dân Mường Lò đã từng bị bọn giặc Cờ Vàng Hoàng Dục Anh quấy nhiễu đốt phá, giết hại nhiều người. Nay giặc Cờ Vàng được dẹp yên, bọn giặc Pháp lại rập rình kéo đến tàn phá Mường Lò. Hàng ngày nghe tiếng súng đại bác bắn từ phía sông Thao vọng vào làm cho dân ăn Tết không an, lo lắng vô cùng.
Đốc Ngữ ăn xong thì đi nằm, ngày đi xa mệt nằm xuống là ngủ và ngáy khò khò. Quan Hiệp thống đại thần cùng với Đình nguyên Phùng chưa vội đi nằm ngồi nói chuyện rất lâu. Hai ông đều có chung nhận xét: ngài Tôn Thất Thuyết là người vô thủy vô chung, ảo tưởng vào sự cầu viện của nhà Thanh, kém về trí tuệ và thao lược. Ở ngôi vị Đại tướng, Nguyên nhung không tạo được thanh thế, bỏ sang Trung Quốc là thiếu trách nhiệm đối với quân dân, với Đức Vua Hàm Nghi và Phong trào Cần Vương.
Hai vị văn thân đi đến một nhận định tình hình chung: Năm Đinh Hợi ( 1887) sẽ là năm quân Pháp tập trung đánh phá Phong trào Cần Vương quyết liệt và sẽ có nhiều hy sinh, tổn thất. Quân dân ta phải cùng một quyết tâm chiến đấu đến cùng thì sẽ tồn tại và phát triển lên. Phương hướng chiến lược dài lâu là kiên quyết duy trì lực lượng, tích cực tiến công địch, chờ thời cơ thuận lợi, sẽ có ngày chuyển biến mạnh mẽ và giành chiến thắng.
Tối hôm đó, Đình nguyên Phùng trình bày với Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích chuyến đi ra Bắc của mình là đi đến những vùng có quân khởi nghĩa Cần Vương hoạt động, xem xét tình hình để về chỉ đạo phong trào tại bắc miền Trung. Ông có phàn nàn về tình hình hoạt động của các phong trào các nơi mang tính chất địa phương, riêng rẽ, thiếu thống nhất, không tập hợp được lực lượng của toàn dân. Người chỉ huy cao nhất, có thể tin tưởng nhất lại bỏ đi sang Tàu thiếu sâu sát với phong trào cả nước. Ông có đề nghị Hiệp thống đại thần cử người sang Tàu gặp Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất thuyết bàn định rõ ràng về đường lối chỉ đạo chiến lược cho cả nước. Thời cơ nổi dậy còn rất nhiều, người trong nước cố gắng duy trì lực lượng trường kỳ kháng chiến, nhằm lúc thuận lợi nhất tề đứng lên phất cao cờ Cần Vương khôi phục lại nước Nam.
Hiệp thống đại thần chú ý nghe tất cả những ý, những lời của Đình nguyên Phan Đình Phùng, ông hỏi:
- Theo ông lúc này, trong nước và trong quân ta nên cử ai sang Tàu gặp Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết?
Ông Phùng bình thản tiến cử:
- Tháng trước tôi có ra vùng bắc Thanh Hóa có gặp Tiến sỹ Tống Duy Tân, ông ta đang có ý định ra Bắc gặp Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích. Khi ra đây, ông cử luôn ông Tân đi Quảng Tây, Trung Quốc gặp ngài Tôn Thất Thuyết. Ông xem trình bày, bàn định những gì thì nhắc nhở Tiến sỹ Tân nói cho rõ. Tôi đi về miền xuôi, xong việc tôi lại trở về đây, gặp lại Hiệp thống bàn bạc thấu đáo cách chỉ đạo phong trào Cần Vương trong cả nước.
Hiệp thống nhất trí với ý kiến của Đình nguyên Phan Đình Phùng. Ông sai Tán tương quân vụ Nguyễn Tử Ngôn làm giấy tờ thông hành cấp cho người đi. Buổi sáng hôm sau, ông lệnh cho Đốc Ngữ dẫn đường người văn thân này đi lối Ba Vì, Sơn Tây, theo sông Đáy về Nam Định. Lúc mặt trời lên khỏi đỉnh núi Thẩm Né, Hiệp Thống Nguyễn Quang Bích, Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp thân mật tiễn Đình nguyên Phan Đình Phùng ra tận ngòi Thia và chia tay người văn thân nổi tiếng này đi về miền đồng bằng Bắc Kỳ.