Hơn hai mươi ngày vất vả, ngày đi đêm nghỉ, đoàn sứ Việt Nam đã đến thủ phủ Khai Hóa. Tổng đốc Sầm Dục Anh người từng sang Bắc Kỳ đánh Pháp từ năm 1883 đến năm 1884 đón tiếp đoàn. Ông nói lại những điều hứa với Chánh sứ Nguyễn Quang Bích từ năm ngoái:
- Kế hoạch giúp Việt Nam của chúng tôi được vua Quang Tự chuẩn y đành phải gác lại. Vì nhà Thanh đã ký với Pháp Quy ước Thiên Tân năm 1884, Điều ước Thiên Tân 1885 và Hiệp định đình chiến 1885. Chúng tôi không thể không thi hành, bởi sức ép từ phía quân Pháp và triều đình. Nhưng Vua Hàm Nghi và các ngài đang bí, cần đến viện trợ, chúng tôi sẽ nghiên cứu và tìm cách giúp đỡ. Việc bang giao lần này, chúng tôi sẽ chuyến Quốc thư cuả Vua Hàm Nghi lên Hoàng đế Quang Tự ở Yên Kinh. Bây giờ các ngài nghỉ lại tại công quán chờ người đưa quốc thư và sắc chỉ trở về.
Chu Thiết Nhai dịch lời nói của Sầm Dục Anh ra tiếng Việt cho Chánh sứ Nguyễn Quang Bích nghe, ông trả lời:
- Chúng tôi cũng đã biết điều đó, nhưng vì Việt Nam và Trung Quốc đang có chung một kẻ thù xâm lược là đế quốc Pháp. Chúng tôi muốn triều đình Thanh và quân Thanh bất chấp quân Pháp có thể bí mật giúp đỡ chúng tôi về quân lực về vũ khí, quân lương, quân trang.
- Không, không được đâu. Người Pháp theo dõi rất sát sao những hành động của Trung Quốc. Ngay cả kế hoạch mua vũ khí của người phương Tây giúp Việt Nam cũng không thực hiện được, vì chúng tôi không có tiền. Mấy bận đụng độ phải đền bù chiến phí cho người Tây rất nhiều, ngân sách của chúng tôi hầu như cạn kiệt.
- Đó là cái khó của triều đình nhà Thanh và cũng là cái khó của triều đình Việt Nam?
- Đúng vậy! Đúng vậy! Nhưng còn Sầm Dục Anh này, Chu Thiết Nhai này là bạn của Việt Nam. Bạn của Việt Nam là người Trung quốc rất nhiều, rất nhiều có phải thế không Chánh sứ ?
- Vâng, đúng vậy! Tôi mong muốn Trung Quốc có nhiều người là bạn của Việt Nam hơn nữa! Việt Nam không bao giờ quên những người bạn chân chính của mình, nhất là trong lúc vận nước lâm nguy này.
Tổng đốc Sầm Dục Anh vẻ suy tư, ông không nói về tình hình mà kể về những ngày ở Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang:
- Lúc đó quân Thanh và quân Việt vẫn làm chủ những vùng đất: phủ An Bình, châu Lục Yên, châu Chiêm Hóa và tổng Liên Sơn, Đồng Yên, Trung Môn, Yên Lĩnh, ngoại thành Tuyên Quang, cho đến các huyện Châu An, Văn Chấn, Yên Lập, Cẩm Khê, thuộc Hưng Hóa, hai huyện Thanh Ba, Hạ Hòa thuộc Sơn Tây đều được giữ vững, trăm họ cấy cày, chợ búa như thường.
Chánh sứ Nguyễn Quang Bích thưa:
- Tướng quân vẫn nhờ nước chúng tôi quá. Nhưng những châu, huyện, phủ ngài vừa nhắc tới thì nay quân Pháp đã đánh chiếm quá nửa rồi. Chúng tôi từ thành Hưng Hóa đã phải về làng Tiên Động, Cẩm Khê phòng thủ mà cũng chưa yên; quân Pháp đã đánh, có thể chúng tôi phải kéo quân lên vùng núi châu Văn Chấn lập trận địa phòng thủ mới.
- Thế thì khó đấy, quân Pháp đã mạnh lên nhiều, chúng không để các ông được yên!
- Quân Pháp đã tập trung nhiều binh đoàn, với hàng chục ngàn quân, có pháo binh, tàu chiến yểm hộ tiến đánh mà chúng tôi vẫn trụ vững, nhiều lần bọn giặc Pháp phải lui quân.
- Thế thì tướng sỹ các ông quá giỏi! Quân quan triều Thanh chưa đánh thắng một binh đoàn nào của quân đội Pháp.
Tổng đốc Sầm Dục Anh gật đầu nói tiếp:
- Thế thì các ông chỉ cần vũ khí, chứ không cần đến quân lực của chúng tôi. Là một tỉnh giáp với địa phận của nơi các ông đóng quân, chúng tôi có thể giúp vũ khí, quân lương và quân trang.
- Vâng, chỉ cần những thứ thiết yếu đó là đủ. Trung Quốc giúp Việt Nam đánh thắng quân Pháp cũng là giúp Trung Quốc bảo vệ lãnh thổ và nhân dân của mình.
- Đúng là như thế! Tôi là tổng đốc Vân Quý hứa sẽ giúp nhưng còn chờ vua Quang Tự chuẩn y, biết đâu ngài ấy thấy cần thiết phải đánh sẽ cho quân sang giúp cũng nên.
Tổng đốc Sầm Dục Anh đứng dậy chào mọi người ra về. Sứ thần Nguyễn Quang Bích cùng Chu Thiết Nhai, Lãnh binh Nguyễn Quang Hoan tiễn tổng đốc Vân Quý ra về. Ra tới đường, Tổng đốc Sầm Dục Anh vẫy tay có ý bảo đoàn dừng lại, gọi Chu Thiết Nhai ra đường nói chuyện riêng. Ông bảo Chu Thiết Nhai có muốn về thăm quê Hồ Nam thì ông cho quân đưa về. Vì thời gian trình quốc thư, đưa sắc lệnh nhà vua về đây cũng phải mất vài ba tháng, nên tranh thủ về thăm quê còn kịp. Chu Thiết Nhai nhận lời hẹn ngày quan quân Vân Quý đến đón đưa về thăm nhà.
Chánh sứ Nguyễn Quang Bích được tin Chu Thiết Nhai về quê thăm nhà. Mừng cho Chu Lăng Thục, Ngọa Hổ tiên sinh, ông có quà riêng và viết bài thơ tiễn. Người bạn từng là Phiên phó sứ của triều Thanh, sang Việt Nam đã tình nguyện ở lại cùng nhân dân Việt Nam chống Pháp. Bài thơ được viết có nhan đề “TIỄN CHU THIẾT NHAI ”:
“Thần Châu lỗi lạc thục thanh chung,
Đạp phá giang sơn sổ vạn trùng.
Bất nhẫn thâm lâm trường Ngọa Hổ,
Khả năng hồ hải kiến Nguyên Long.
Khổng, Nhan đạo mạch ưng vô cực,
Bĩ thái cơ giam hoặc ngẫu phùng.
Vị thị thiên tâm hà khí Việt,
Thuần dao kỷ độ ẩm cao thung.”
Dịch thơ:
TIỄN ÔNG CHU THIẾT NHAI
“ Khí thiêng hun đúc bậc anh hùng,
Xông xáo non sông mấy vạn trùng.
Nỡ nhốt rừng xanh tài Ngọa Hổ,
Muốn tung biển thẳm khí Nguyên Long.
Chắc rằng đạo thánh sau như trước,
Hoặc lúc cơ trời bĩ lại thông.
Dân Việt lòng trời đâu có bỏ,
Đêm đêm rót rượu uống cùng nhau”.
Dọc đường Chu Thiết Nhai đọc rất cảm động và đã làm bài “HỌA THI NGƯ PHONG” . Binh sỹ Vân Quý đi công cán mang về, Chánh sứ Nguyễn Quang Bích đọc và xúc động trước tình cảm chân thành của Ngọa Hổ tiên sinh:
“ Nam thiên xuất thế vị cứu tinh,
Đức trị nhân tâm Phật hoạt hình.
Lân quốc bang giao thùy hữu nghị,
Võ công trí lược tưởng Khổng Minh.
Trì khu vạn lý lam chướng khí,
Nỗ lực tu kỳ cứu thiên binh.
Hảo bá mưu du tỳ thượng trị,
Cộng hoài xích kiếm hộ sinh linh”.
Dịch thơ:
HỌA THƠ NGƯ PHONG
“ Trời Nam xuất hiện vị cứu tinh,
Đức trị nhân tâm Phật hiện hình.
Đi sứ tạo nên tình hữu nghị,
Trí lược tài cao tựa Khổng Minh.
Chẳng sợ lao vào nơi chướng khí,
Nỗ lực hết mình cứu quân binh.
Mưu tốt hiến dâng cho đất nước,
Cầm ba thước kiếm vệ dân sinh”.
Ngư Phong liền viết bài “ HỌA THI NGỌA HỔ ” :
“ Quốc loạn dân sầu bất tận ai,
Bĩ chung ưng hữu thái hoài lai.
Cao nhân tướng lược ưng thùy thủ,
Khái trị thiên tâm mặc giáng tài.
Thanh Kiếm chính khan xung đẩu diệm,
Bằng dao phiên tác tỷ nam hồi
Quy tinh ẩm chí vô đa viễn
Kỷ Đức đài liên ngưỡng Đức đài”.
Dịch thơ:
HỌA THƠ NGỌA HỔ
“ Nước loạn dân sầu thảm thiết thay
Hết hồi vận bí, thái bình đây.
Tướng tài sức phải đôi vai gánh,
Hào kiệt trời xui xuống giúp tay.
Thanh kiếm Phong Thành tia sáng rọi
Chim bằng Nam Hải cánh đang bay.
Rượu mừng thắng trận không xa mấy
Hai nước đài cao rạng vẻ mày.
Đoàn sứ thần phải ở lại Khai Hóa lâu ngày chờ sắc chỉ vua nhà Thanh. Để khuây khỏa nỗi nhớ nhà, nhớ nước, Chánh sứ Nguyễn Quang Bích lại ngồi nhuận sắc lại những bài thơ đã làm. Ông nhớ tới tướng quân Lưu Vĩnh Phúc, người Quảng Tây, Trung Quốc vốn là quân của “Thái bình Thiên quốc”chống triều đình nhà Thanh, thua trận tràn sang Việt Nam cướp phá được ông thu phục. Sau đã có công chỉ huy quân Cờ Đen giết được hai tên tổng chỉ huy quân Pháp ở Cầu Giấy là Gác-ni-ê và Ri-vi-e. Được Vua Tự Đức phong chức Tam tuyên Phó đề đốc, phong đất cho ở huyện Bảo Thắng. Lần trước đi sứ, ông có qua nơi ở của Lưu ở Bảo Thắng. Nhà cửa doanh trại bề thế trước đây mà nay chỉ còn lại bãi cỏ xanh rì. Khi về nước Lưu đã cho quân đốt hết, đề phòng quân Pháp chiếm dụng. Đó là việc làm của kẻ ít học, thiếu sáng suốt, nhưng mà tài thương kiếm thì ít người sánh kịp. Lưu là người thủy chung trong tình cảm với Việt Nam, có lệnh triệu hồi về nước nhưng vẫn xin ở lại chống giặc Tây. Không được ở lại, về đến Nam Khê còn hẹn có ngày quay lại giết giặc giúp Việt Nam.
Ông viết thêm hai khổ thơ III và IV nữa cho bài “QÚA LƯU QUÂN ĐỆ TRẠCH CẢM TÁC” ( Cảm tác khi qua nhà Lưu quân):
“ Khả lân vô học muội trì thân,
Thương kiếm tài cao thục tỷ luân.
Đáo để hùng tâm chung bất tỏa,
Bắc quy do thệ sát Dương nhân.
Văn đạo Nam Khê khứ bội trì,
Quân tâm bất lạc, ngã tâm bi.
Viêm thiên vũ lộ trường minh khắc
Do hữu lai nhân đính hội kỳ”.
Dịch thơ:
CẢM TÁC KHI QUA NHÀ HỌ LƯU
“ Giữ thân không biết tính đường hay,
Cung kiếm tài cao ít sánh tày.
Đến đấy anh hùng lòng chẳng khuất,
Về rồi còn hẹn giết quân Tây.
Nghe nói Nam Khê chậm vó câu,
Lòng kia buồn bã, dạ nay đau.
Trời Nam mưa móc nên ghi nhớ
Gặp gỡ duyên còn ước hẹn nhau”.
Chánh sứ Nguyễn Quang Bích ngồi nhớ ngày về lần trước, lại qua nhà cũ của tướng Lưu. Ông thấy Việt Nam-Trung Quốc thật gần gũi, gắn bó như môi với răng, một nước hoạn nạn mà không giúp đỡ thực là sai lầm. Ông oán trách những người trong triều Thanh sợ giặc Pháp mà đã gọi Lưu về điều sang Đài Loan một đảo ở trên biển phía đông xa lắc. Để đến nỗi một pháo đài bên sông Thao, gió thu hưu hắt thế này. Ông đã viết bài thơ “HỒI NHẬT TÁI QUA LƯU QUÂN MÔN TRẠCH” để ghi lại sự thực này:
“ Địa quan thần xỉ tiếp phân ai,
Toán thủ thùy nhân diệc mậu tai.
Bá đắc lương cung hà xứ khứ,
Thu phong sắt sắt đọc giang đài”.
Dịch thơ:
NGÀY VỀ LẠI QUA
NHÀ CŨ CỦA LƯU QUÂN
“Môi răng địa thế đấy liền đây,
Lầm lỡ ai xui đến thế này.
Đưa mất lương cung đi chỗ khác,
Pháo đài trơ để gió thu bay”.
Bữa chiều, Đề Hoan đến ngồi bên, Chánh sứ Nguyễn Quang Bích cho Hoan xem thơ. Đọc kỹ bài thơ ông vừa sửa cho hoàn chỉnh, Đề Hoan nói:
- Sang nước Tàu mới hay rất nhiều người yêu quý Việt Nam và hết lòng giúp đỡ chúng ta chống Tây dương. Những người như Chu Thiết Nhai, Lưu Vĩnh Phúc, Lý Phúc và bao người nữa đã hết lòng vì Việt Nam mà chiến đấu. Lý Phúc đã hy sinh để giữ thành Hưng Hóa là một tấm gương, nhưng vẫn bị quan lại nhà Thanh nghi vấn? Lưu Vĩnh Phúc có công giết giặc được Vua Tự Đức ghi nhớ công lao, nhân dân cả nước ta ca ngợi, nhưng đã bị triều Thanh đưa ra đảo Đài Loan. Chu Thiết Nhai như là một cố vấn trung thành của ta, nhưng không biết lần này sang đây về nhà liệu có bảo toàn được không? Sự nghiệp mà ông ta mong muốn liệu có thực hiện hay là có kẻ tỵ hiềm, nghi kỵ, ám hại?
Chánh sứ Bích nghe, nhưng không nói gì, chỉ như đồng ý với những sự việc, con người mà Đề Hoan vừa nói ra.
- Chúng ta còn chưa biết được hết lòng dạ của vua quan nhà Thanh đâu. Năm quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần hai, Vua Tự Đức và triều đình Huế cầu viện quân Thanh sang đánh giúp. Mình đã dâng sớ phản đối, phân tích lợi bất cập hại khi quân Tàu sang Việt Nam. Nhưng nhà vua không nghe, quân họ sang nhưng họ không đánh một trận nào ra trò. Khiến chúng ta luôn bị động phải chạy theo họ. Như thế thì cứ để cho quân Việt Nam chủ động đánh giặc Tây là hơn.
Đề Hoan bỗng quay sang nói chuyện về những giấc mơ. Những giấc mơ ám ảnh buộc ông phải nói ra:
- Đêm qua tôi vừa mơ thấy quan Phó Chỉ huy Khê Ông. Trông thấy ông tiều tụy lắm, bảo rằng:“ Tôi và hai người lính người dân tộc Thổ và Miêu vẫn ở Bắc Tấn chờ đoàn đi sứ trở về. Tôi biết việc đi sứ cầu viện không thành công, quan Hiệp thống và các ông nên mau mau mà trở về. Tình hình trong nước có nhiều vụ việc xảy ra, đang chờ các ông!”.
Chánh sứ Bích bâng khuâng nhìn Lãnh Hoan, nói:
- Tôi mường tượng thấy Khê Ông đã chết, còn việc đi sứ không thành là phải rồi. Chờ cho Tổng đốc Sầm Dục Anh đi Quý Châu về, Chu Thiết Nhai đi Hồ Nam thăm quê đến thì ta lên đường về nước. Tôi cảm thấy sốt ruột lắm! Quân Pháp đánh Tiên Động lần hai, quân ta chống đỡ và thiệt hại thế nào, có kịp rút lên Nghĩa Lộ, Mường Lò không?
Đề Hoan không nói gì, Chánh sứ Bích nói tiếp:
- Riêng tôi thì tôi rất tin vào Hiệp đốc Giáp, ông ấy mà chỉ huy thì yên tâm. Quân ta đã có kinh nghiệm đánh giặc Tây, nên địch không thể tiêu diệt được! Ngài Tôn Thất Thuyết có trở về Tiên Động như lời thỉnh cầu của tôi không nhỉ?
Đề Hoan trả lời như đanh đóng cột:
- Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất thuyết sẽ không bao giờ về Tiên Động hay Nghĩa Lộ! Vì ngài ấy không phải là người tướng có đủ phẩm chất: Nhân, nghĩa, trung, dũng, trí, tín, liêm. Theo ngài ấy mà chỉ huy đánh giặc thì chỉ có phơi xác, phơi xác!
Chánh sứ Bích trần ngâm:
- Ngài ấy đi đâu thì Đề Hoan có đoán được không?
- Tôi không thể đoán được! Ngài ta qua Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa là đất căn bản, dụng võ công của ông cha ta, gặp những con người chí lớn như Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Tống Duy Tân, Phạm Bành, Cầm Bá Thước có quân hùng mạnh mà chẳng ở thì đến chi Tiên Động, Nghĩa Lộ. Ngài ta chỉ muốn đến nơi nào đó yên bình, chỉ tay ra lệnh, kêu gọi quan quân chẳng trực tiếp lăn xả vào trận chiến giết giặc như chúng ta đâu.
- Có thể ngài ấy quay về Quảng Bình? Về với Vua Hàm Nghi cùng quan quân xoay chuyển thế trận.
- Xoay chuyển thế trận được thì ngài ta đã không ra Bắc! Ngài ta ra Bắc đến nay gần một năm rồi có thấy xoay chuyển gì đâu?
Hiệp thống Bích nhìn người tướng thân cận của mình, hỏi:
- Nếu Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết không về Tiên Động hay Nghĩa Lộ thì chúng ta phải làm gì?
- Còn làm gì nữa, là phải tự mình chống giặc Pháp, thế thôi!
- Thì chúng ta đã tự mình chiến đấu gần ba năm rồi nhỉ.
Lãnh Hoan rắn rỏi:
- Thì năm năm, mười năm, hai mươi năm, còn sống còn chiến đấu, bao giờ cho đến thắng lợi mới thôi!
Hiệp thống đại thần tiếp lời:
- Chẳng mà thua, mà chết, thì làm gương cho con cháu ta! Nối chí ta, đời sau sẽ tiếp tục chiến đấu đến ngày toàn thắng.
Hai người nhìn nhau cười vang. Mọi suy tư, nỗi buồn và nhớ nhung tan biến hết. Để tạo niềm vui, đoàn sứ thần Việt Nam thường cùng nhau đi đăng sơn, thăm hang động, viếng đền chùa trên đất Vân Nam.
Hơn hai tháng sau Tổng đốc Sầm Dục Anh mới về, cũng chẳng có tin tức gì từ triều đình nhà Thanh. Chánh sứ Nguyễn Quang Bích đành phải đến dinh Tổng đốc bẩm báo:
- Việc trình Quốc thư chắc là không được việc rồi. Đoàn sứ Việt Nam chúng tôi đành phải xin phép ngài trở về để tự mình chiến đấu chống kẻ thù xâm lược!
Tổng đốc Sầm Dục Anh vẻ băn khoăn:
- Nước chúng tôi đang có nhiều khó khăn, lúc này chưa có thể ra quân giúp được. Các ông về, tự mình khắc phục khó khăn chiến đấu chống Pháp xâm lược. Riêng về phần chúng tôi sẽ lo liệu giúp cho Việt Nam. Chúng tôi luôn coi triều đình Hàm Nghi là chính thể đại diện duy nhất của Việt Nam.
Chánh sứ Bích có lời cảm ơn Tổng đốc Sầm Dục Anh và báo định ngày ra về.
Về tới công quán thì gặp Chu Thiết Nhai đi Hồ Nam thăm nhà trở về. Ông nói quê nhà vẫn bình yên, phường xã, gia quyến vẫn bình thường. Người dân Hồ Nam luôn có cảm tình với cuộc chiến đấu chống Tây dương của Việt Nam. Nhiều người hỏi tôi bao giờ thắng trận trở về. Tôi nói là Việt Nam nhất định thắng. Khi nào toàn thắng thì tôi mới trở về quê hương.
- Cảm ơn tấm lòng son sắt của Chu Thiết Nhai tiên sinh! Công việc bang giao không thành rồi, thời gian có hạn định ta phải trở về Việt Nam gấp! Trong hai ngày tới, ông có việc gì riêng thì giải quyết đi, thăm hỏi ai thì đi ngay, ngày kìa ta lên đường trở về Việt Nam.
Ngày hôm sau, Chu Thiết Nhai đi chào các quan ở thành Khai Hóa, mãi tới đêm mới về. Về nhà ông mắc bệnh thổ tả, miệng nôn chôn tháo, không thuốc nào chữa nổi. Đến 12 giờ trưa hôm sau thì Chu Thiết Nhai qua đời. Chánh sứ Nguyễn Quang Bích phải vào dinh phủ bẩm báo. Quan tri phủ Khai Hóa cho pháp y xét nghiệm bệnh nhân, kết quả bảo là bị bệnh thổ tả nặng, không cứu được. Họ cho phép Đoàn Sứ thần Việt Nam làm tang lễ mai táng thi hài Chu Thiết Nhai.
Đó là tai nạn bất ngờ, Chánh sứ Nguyễn Quang Bích phải nhờ quan lại quen biết, những người dân bản quán làm phúc hộ táng cho Chu Thiết Nhai được mồ yên mả đẹp. Vừa mới hôm xưa Ngọa Hổ còn nói cười hồ hởi, chuyện trò vui vẻ, xướng họa thi thơ, sớm tối cùng nâng chén chúc tụng mà nay đã về trời. Chánh sứ vội viết bài “KHÓC CHU THIẾT NHAI VĂN”:
Ô hô! Thiết Nhai! Mệnh đa! Số đa! Hồ vi chi thử đa! Duy huynh, báo phụ học vấn, tráng chỉ bất phàm, tế tế thủ vân lôi, bất dĩ quan sơn bạt thiệp kiến trở, dữ dư tương tùng, nhất niên vu tư hi! Thử cái thanh khí chi cảm, nhược hoặc sử chi.
Huynh chi tự phụ, cố phi tiểu tiểu, dư diệc bất cảm dĩ, tiểu tiểu thi huynh dã.
Mệnh đa, số đa! Hồ vi nhi cự chi thử đa!
Lữ trung tình huống, phàm sự y nhân, ngôn đoản tình trường, duy huynh kỷ giám.. (1)
Chú thích:
(1). Nguyên văn bắng chữ Hán, sđd, tr 223
Dịch văn:
VĂN TẾ ÔNG
CHU THIẾT NHAI
Than ôi! Anh Chu Thiết Nhai! Vì mệnh hay vì số, làm sao đến thế này! Nhớ anh xưa học vấn dồi dào, tấm lòng khảng khái, gặp lúc nước tôi sấm mây chuyển động, mà anh không lấy việc trèo non lội suối đi lại khó khăn làm ngại, cùng tôi đeo đuổi đã gần một năm nay, đấy là sự cảm thông trong đám thanh khí xui nên thế này.
Lòng tự tin tự phụ của anh không phải là nhỏ, tôi cũng không dám coi anh là bậc tầm thường.
Than ôi! Anh Thiết Nhai! Vì mệnh hay vì số, làm sao đến thế này!
Nay nơi lữ thứ, mọi việc nhờ người, nói vắn tình dài, xin anh chứng giám.
Trong dạt dào buồn thương cảm xúc ông viết tiếp bài thơ “ ĐIẾU THIẾT NHAI”:
Báo phụ kinh luân tự bất phàm,
Tưng quan thanh khí bạc nhai kham.
Thuần dao kỷ độ đàm tâm xứ,
Thệ bá phi miêu tận lục sam.
Thùy tri khứ lộ khước du du,
Nhất lộ hoàn di bách cảm lưu.
Lữ xá tha hương như thử nhật,
Vị quân hàm hận độc thiên thu.
Dịch thơ:
VIẾNG CHU THIẾT NHAI
Ôm ấp kinh luân chí khác đời,
Cảm thông thanh khí ngút cao vời.
Mấy phen nghiêng dốc bầu tâm sự,
Thề diệt cho tan giống hại nòi.
Một đi, đi mãi có ngờ đâu,
Để lại cho nhau vạn cảm sầu.
Quán khách quê người trong mất mát,
Vì ông nuốt hận đến ngàn thâu.
Chánh sứ đọc cả hai bài trước linh cữu và phần mộ của Chu Thiết Nhai. Được người thông ngôn dịch ra tiếng Trung, ai nấy đi dự lễ tang đều chảy nước mắt thương xót người bạn Trung Hoa trung thành, tận tình với sự nghiệp chống Pháp giúp Việt nam, xấu số đã từ trần, nỗi đau thương uất hận bao giờ cho nguôi.
Đêm hôm đó Đoàn Sứ thần bị bọn trộm cắp tại thành phủ Khai Hóa đột nhập, lấy hết tiền bạc, vật dụng. Ngày về, các quan Vân Quý biết đến hoàn cảnh khốn khó của Đoàn Sứ thần Việt Nam. Nhiều quan văn võ đến đưa tiễn và mang tiền bạc tặng nhưng Chánh sứ đều từ chối không nhận. Thấy vậy, anh lính Trần Vàng, người được phân công giữ hành lý, tiền bạc thưa:
- Bẩm Tướng công! Người Trung Hoa tặng là lệ thường, vả lại nay hành lý xác xơ, nếu không nhận thì không có gì để chi phí dọc đường!
Mọi người nhìn Chánh sứ Nguyễn Quang Bích như mong muốn ông thay đổi lập trường, nhưng không:
- Chúng ta đi chuyến này, một thân ta, một đoàn ta tuy nhỏ, nhưng hệ trọng đến việc nước; nếu nhận của biếu, sợ làm mất quốc thể. Bọn mình còn có được chút quần áo mới mua và mang theo khi cần bán đi cũng có thể tạm chi dùng.
Đoàn sứ thần Việt Nam lên đường về nước, nhiều quan văn võ đến đưa tiễn hết sức ngợi ca nhân cách cao đẹp của Chánh sứ. Tổng đốc Sầm Dục Anh nói với các quan:
- Nguyễn tiên sinh, là một vị quan thanh liêm, nhân dân vùng Lâm Thao nơi ông trị nhậm đã ngợi ca ông là Phật hoạt tức Phật sống. Ông ấy đi sứ rơi vào hoàn cảnh cực khổ thế mà vẫn giữ nhân cách và quốc thể. Ông ta là bậc đại nhân quân tử, chúng ta phải học tấm gương sáng ngời này!
Đoàn sứ thần Việt Nam lại theo con đường cũ khi sang. Mấy ngày sau, đoàn lại vào khu nhà anh em họ Long tại Cao Ngô thuộc huyện Kiến Thủy thuộc Vân Nam, Trung Quốc. Anh trưởng là Long Dụ Quang tiếp đoàn. Nhà rộng, trong vườn nhà râm mát, có nhiều hoa lá lạ, chim chóc kêu rinh ran, giếng hồ trong vắt. Quang là anh cả tập ấm được làm quan thổ ty, người trai thứ hai đỗ tú tài, người trai thứ ba đi lính được phong sắc đội trưởng. Cả ba anh em đều hay chữ thích thi ca, ngâm vịnh.
Thấy Đoàn sứ thần đã về, ba anh em họ Long rất mừng đón tiếp. Người mẹ già đã ngoại tám mươi tóc bạc phơ cũng chống gậy ra tận sân đón. Chánh sứ Nguyễn Quang Bích trông thấy mẹ già, lại nhớ tới mẫu thân họ Trần của mình, năm nay mà còn sống đã ngoài tám mươi tuổi rồi. Ông chạy đến cúi chào bà mẹ, nước mắt trào ra. Bà mẹ Quang nhìn vào vị Chánh sứ Việt Nam thì thầm:
- Người nhìn ta, lại nhớ mẹ mình rồi phải không?
Dụ Quang dịch lời mẹ mình ra tiếng Việt cho ông hiểu. Ông cảm động nói:
- Mẹ con chẳng được cái tuổi thượng thọ như cụ đâu, đã mất mấy năm nay rồi. Nhìn cụ con rất nhớ mẹ, chẳng biết phần mộ mẫu thân con có được yên không. Thắng Tây nó độc ác lắm mẹ ạ. Chúng con sang cầu viện mong nhà nước và nhân dân Trung Quốc giúp đỡ để đánh đuổi hết bọn Tây dương xâm lược.
Người mẹ được người con trai nói lại lời của Chánh sứ, nghe hiểu ra bà nói:
- Mẹ có ba người con đó, đứa nào tình nguyện sang Việt Nam thì mẹ cho sang ngay để đánh giặc Tây. Người Việt Nam là anh em với người Trung Quốc, một nước có giặc mà ngồi nhìn không được à?
- Con cảm ơn tấm lòng của mẹ! Nhân dân Việt Nam sẽ chiến đấu đến cùng chống giặc Tây. Nhân dân Trung Quốc có các ông bố, các bà mẹ, những người con hết lòng giúp đỡ, ủng hộ thì Việt Nam sẽ đánh Tây giành được thắng lợi!
Hôm đó, anh em họ Long còn hỏi thăm hoàn cảnh gia đình Chánh sứ. Ông thật thà kể rằng, nhà có năm anh em trai, tất cả đều đỗ đạt. Người anh trai của ông đỗ Cử nhân, người em trai cùng sinh với ông đỗ Tú tài, hai người em thì đỗ Nhất trường và đỗ Nhị trường. Còn ông đã đỗ Đình Nguyên Hoàng giáp đã trải qua nhiều chức vụ cua triều đình Việt Nam giao cho, hiện là Chánh sứ sang Trung Quốc cầu viện, nhưng không thành công đang trở về Việt Nam.
Gia đình anh em nhà họ Long mời Đoàn Sứ thần ở nhà và cho người giết lợn dê, sắm sanh cỗ bàn mời ăn cơm. Không khí vui vẻ như tết, đêm tối anh em họ Long quây quần bên nhau, cùng Chánh sứ và mọi người ngâm vịnh thi thơ. Đêm ấy, Chánh sứ Nguyễn Quang Bích làm bài thơ “TẶNG LONG GIA HUYNH ĐỆ” :
“Bán nghi quan thự bán thần tiên,
Đình ấm y y thảo thụ nghiên.
Tích sủng vương chương vinh tử cáo,
Hàm di kinh phát tụng cao niên.
Thúy lâu nguyệt thướng hòa ngâm sảng,
Tuấn lĩnh vân hồi cộng tháp liên.
Cộng thán thử lai thiên lý khách,
Chỉ kham thê tác ngọa sầu miên”.
Dịch thơ:
TẶNG ANH EM HỌ LONG
“Nửa ngờ tiên cảnh, nửa quan trang,
Cây cỏ đầy sân đẹp lạ thường.
Phong sắc nhờ vua, tờ sắc gấm,
Ngậm đường có mẹ tóc phô sương.
Nhà cao trăng rọi cùng ngâm vịnh,
Núi ngát mây lồng, chung gối thương.
Than thở người xa, ngàn dặm tới,
Đêm nằm mơ mộng mối sầu vương”.
Đêm đó, anh em họ Long còn hỏi về Chu Thiết Nhai, người Trung Quốc cùng đi sang dao nọ sao không thấy về. Chánh sứ thực thà kể lại cho anh em họ cùng nghe tường tận về Chu Thiết Nhai. Nghe xong người anh trưởng Long Dụ Quang đang làm quan thổ ty xứ Cao Ngô than rằng:
- Thế thì Chu Thiết Nhai bị quan lại nhà Mãn Thanh ám hại rồi. Thương ôi, thân với Việt Nam mà không biết giấu mình thì rất nguy rồi! Nhà Mãn Thanh không cho phép những ai làm việc tận tâm vì một quốc gia láng giềng.
- Có thể là như thế? Chu Thiết Nhai mất rất bất ngờ chỉ trong một ngày đêm. Bệnh thổ tả nhiễm ở đâu, thuốc nào cũng không chữa nổi, đành chịu bó tay để Chu Thiết Nhai phải chết.
- Đó là bài học cho người Việt Nam. Các ông phải cảnh giác, đừng quá tin tưởng vào một chính thể quốc gia đã từng có âm mưu, hành động xâm chiếm nước Việt Nam từ trước.
Đêm hôm đó, Chánh sứ Nguyễn Quang Bích nhớ lời của Long Dụ Quang nằm thao thức không ngủ được. Ông nghĩ người Trung Quốc đa phần là tốt, nhưng vẫn còn những phần tử xấu. Họ còn có tư tưởng bánh trướng xâm lược, trong quan hệ bang giao với họ cũng phải dè trừng. Họ không thật thà giúp ta, thì ta tự mình lo liệu lấy là hơn. Xương máu, vũ khí, quân lương của họ có phải là nước lã đâu mà đi cầu viện?
Sáng sớm, chuẩn bị lên đường về nước, Chánh sứ đi chào bà mẹ và từng anh em họ Long. Bà mẹ chống gậy trúc và toàn gia anh em họ Long ra cổng tiễn biệt. Chánh sứ Nguyễn Quang Bích vài chào người mẹ, toàn thể gia quyến. Tất cả giơ tay vẫy chào Đoàn Sứ thần Qua một quãng đường khá xa, ông ngoảnh đầu lại nhìn vẫn thấy ba anh em họ Long đứng trên đường nhìn theo Đoàn Sứ thần Việt Nam trở về.
Về đến Bắc Tấn, đoàn gặp Sùng Mỹ Nô người lính được phân công ở lại chăm sóc Khê Ông. Anh lính này kể lại, đoàn vừa đi sang Trung Quốc thì chúng tôi về hạt Lai Châu cùng với đoàn của Đại tướng, Nguyên nhung. Hai hôm sau thì Nguyễn Khê Ông qua đời. Năm người chúng tôi cùng với dân bản hạt Lai Châu làm ma chôn cất cho Khê Ông trên một quả đồi cao, bên bờ Sông Đà. Sau đó, Phó Đốc binh Đàm Đức Lương theo lệnh của Đại tướng, Nguyên nhung về làm cận vệ. Ông Lương cử chúng tôi ở lại trông coi phần mộ của Khê Ông chờ đoàn đi sứ trở về. Mấy tháng nay, hai chúng tôi rất sốt ruột cử nhau lần lượt lên Sìn Hồ, Bắc Tấn nghe ngóng tin Đoàn Sứ thầnViệt Nam trở về chưa hay có sự cố gì.
Mặc dù linh tính như bảo trước, Tán tương Khê Ông đã qua đời rồi, nhưng nghe tin ông chết, ai cũng bàng hoàng, xót xa vô hạn. Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đau sót vô cùng, không nói lời nào, nước mắt giàn giụa.
- Có biết Đại tướng, Nguyên nhung đi đâu, hay làm gì không?- Đề Hoan hỏi:
- Con nghe người dân nói, Đai tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết đi sang Tàu cầu viện, Phó Đốc binh Đàm Đức Lương thì được về xuôi rồi.
- Có biết tin gì từ Tiên Động không?- Hiệp thống sốt ruột hỏi:
Người lính lắc đầu:
- Con không nghe tin gì về Tiên Động, việc chuyển quân thế nào con không nghe thấy gì hết.
Đoàn đi sứ dừng chân nghỉ qua đêm, dự định trời sáng cả đoàn đi Lai Châu thăm mộ Khê Ông. Đêm hôm đó, trời mưa phùn gió rét. Trên nhà sàn của người trưởng bản Tà Phìn, mọi người đốt lửa sưởi. Binh sỹ ngủ lăn lóc bên bếp lửa bập bùng. Dưới ngọn nến sáng, Hiệp thống nhận được tin Khê Ông mất đã buồn đứt ruột, lại nghe tin ông Tôn Thất Thuyết không về Mường Lò, Nghĩa Lộ mà bỏ đi sang Tàu cầu viện lòng lại rối bời, ngồi lặng thinh không nói câu gì.
Sáng hôm sau, sương núi vừa tan, trời nắng hanh, có tiếng ngựa phi vào bản. Một viên quan võ nhà Thanh được Tổng đốc Sầm Dục Anh cử đi tìm Đoàn Sứ thần Việt Nam đang trên đường trở về nước, thông báo là tổng đốc Vân Quý đã mua được súng đạn và hàng hóa cho Việt Nam. Viên võ quan còn thông báo đã tóm cổ được bọn trộm cắp ở thành phủ Khai Hóa, lấy lại được hành lý tiền bạc của đoàn. Đề nghị Chánh sứ Nguyễn Quang Bích cho người sang Mông Tự để nhận và cử khoảng 200 người lên biên giới Việt-Trung để vận chuyển hàng viện trợ.
Hiệp thồng liền phân công Đề Hoan, thủ kho Trần Vàng và mười người nữa trở lại Mông Tự, Vân Nam đề nhận hàng và hành lý, tiền bạc. Ông còn cử năm người lính trở về báo cho Hiệp đốc Giáp cử người và phương tiện lên Bắc Tấn để nhận vũ khí và hàng hóa mà hai tỉnh Vân Quý viện trợ. Ông cũng giục Sùng Mý Nô trở về hạt Lai Châu chuẩn bị lễ nghi đón đoàn đến thăm viếng mộ Khê Ông. Còn ông ngồi chờ kết quả viện trợ và chờ quân của Hiệp đốc Giáp lên nhận hàng mang về trang bị cho quân quan.
Ngày dài, ông tranh thủ thời gian ngồi viết bài “KHỐC NGUYỄN TÁN TƯƠNG KHÊ ÔNG VĂN” và dự định thời gian vào tháng sau, giữa tháng Chạp năm Bính Tuất mới đến viếng mộ Khê Ông tại Lai Châu. Bài văn dần dần được hình thành:
“ Ô hô! Nhân thùy năng vô tử, tử như huynh giả, hữu bất năng thế khấp nhi hư hy.
Duy huynh, hệ xuất tướng môn, diệu chất anh mai. Tự thiếu dĩ văn danh, trì dữ hương ấp. Đăng đệ vị kỷ binh biến tùy chi.
Thế chi tham thao cốt một, trục trục bôn tẩu y thực y tinh chiên chi hậu, hà khả thắng số. Hựu hoặc ngoại di điềm thoái vi danh, nhi âm dữ tặc thông, dĩ đồ bão tư nang giả, diệc phục bất thiểu. Kỳ hữu nghị thiên bất khuất, bất cam vi kỳ sở mỗi, tắc chỉ vi bất thực thời thế, vi kiểu hãnh hư danh, bất hy hy nhiên tiếu, tắc ngân ngân nhiên quần nhi sỷ mạ chi hỹ.
Ô hô! Ô hô! Dương nhi phi tặc dư! Dương nhi tặc dã! Nhân tâm thế đạo chi nhất ư thử, lương khả thống di.
Huynh độc dĩ nhất giới thư sinh, nhất trật nhàn quan, thượng vị thụ tri ư thiên tử, hạ do kiến tốn ư đồn liệt, nhi dũng ư tự phẫn, xuất mộ tòng quân. Tuy lũ kinh tỏa chiết nhi hào vô thiểu từ. Vị phi gia đình chi tố giảng, học vấn chi bão phụ, thù khắc trăn thử.
Lục nguyệt nhật, huynh ký dư thư, hữu viết: “ Cận kiến khả vi chi cơ, bất thăng cảm phấn”. Hựu viết: “Sỹ vị tri kỷ hiệu dụng, gian lao vạn bất cảm từ”.
Ô hô! Ô hô! Hồ vi nhi cự chí thử da!
Kim chi đồng sự giả kỷ nhân, đồng sự nhi năng đồng tâm giả kỷ nhân, đồng tâm nhi năng thân đổng tam quân, xung mạo thỉ thạch giả hựu hựu kỷ nhân? Huynh chi chí thử, huynh chi bất hạnh, diệc đệ dữ Tham đài (1) chi bất hạnh dã.
Nguyệt tiền, dư hồi chi Lai Hạt, Bắc tấn trại. văn huynh ai phó, ô yết bất năng ngôn. Kim để Lai Hạt, thái phóng huynh mộ, cẩn dĩ sinh tư thứ phẩm, cung trần bạc chước, cửu nguyên hữu tri, duy huynh kỷ giám.
Hạnh nhi giang sơn thùy trợ, sự bình chi hậu, thượng đương tấu chi thiên tử, đạt chi tướng thần, tinh huynh chi phong thụy, lục huynh chi tử tôn kỷ diệc nhi tư nhi dĩ. (2)
Chú thích:
(1). Chỉ Tôn Thất Thuyết;
(2) Nguyên văn bằng chữ Hán, sđd, tr225
Dịch văn:
VĂN TẾ TÁN TƯƠNG
NGUYỄN KHÊ ÔNG
Than ôi! Người ở trên đời, ai là người không chết, chết như anh, khiến người ta ai cũng than khóc mà sụt sùi.
Nhớ anh xưa con dòng vũ tướng, thông thái tính trời, thửa bé theo đòi nghiên bút, văn chương nổi tiếng ở trong làng, trong hạt, đến lúc thi hương đỗ cử nhân, chưa được bao lâu thì cơn binh lửa đã đến.
Hiện nay ở trên đời, biết bao nhiêu người tham lam đắm đuối, chạy vạy luồn cúi dưới lũ hôi tanh để kiếm cơm áo, lại có người ở bên ngoài thì giả cách lùi bước, ẩn mình, mà bên trong thì bí mật cùng quân giặc giao thông để kiếm cho đấy túi. Hạng người ấy không phải là ít. Hễ thấy ai có lòng khảng khái, không chịu phục tùng, không để cho giặc làm dơ bẩn, thì lại cho là không biết thời thế, cho là cầu may lấy tiếng hão huyền, nó không sằng sặc cười chê thời cũng kéo nhau mà chửi rủa lảm nhảm.
Than ôi! Than ôi! Nay thử hỏi xem, lũ giặc Tây Dương có phải là giặc không? Chính lũ ấy là giặc! Vậy sao thói đời lòng người lại đến nỗi như thế? Thật là đáng thương quá!
Anh là một người thư sinh, một chức nhàn tảng, đối với bề trên thời vua chưa biết đến họ tên, đối với bề dưới thì chức vụ còn kém xa những anh em đồng sự, thế mà phấn kích một cách bạo dạn, mộ những người nghĩa dũng ra tòng quân, tuy bị thua nhiều lần mà không hề nản chí, làm việc như thế, nếu bảo là không có gia đình giảng tập, không có học vấn cao siêu, thì làm sao được như thế.
Ngày tháng 6, anh gửi thư cho tôi có nói rằng: “Xem tình thế gần đây đã có cơ hội làm được, thêm phần phấn kích”. Anh lại nói rằng: “Kẻ sỹ vì người tri kỷ của mình mà ra sức đua tài, dẫu gian khổ bao nhiêu cũng không từ chối!”.
Than ôi! Than ôi! Anh làm sao mà đến thế này!
Hiện nay, những người đồng sự với chúng ta được mấy người, đồng sự mà đồng tâm được mấy người, đồng tâm mà đem mình ra chỉ huy quân sỹ, xông pha tên đạn lại được mấy người.
Anh mà đến nỗi này, thật là sự không may cho anh, mà cũng thật sự là không may cho tôi và ông Tham đài nữa.
Tháng trước, tôi đến trại Bắc Tấn thuộc hạt Lai Châu, nghe tin buồn của anh, tôi khóc nghẹn lên không nói được. Nay lại đến Lai Châu tôi thăm viếng phần mộ của anh, nay xin lấy xôi vò và các vật phẩm, rót chén rượu nhạt để tỏ lòng thành. Hồn thiêng dưới suối vàng có hay? Kính xin giám hưởng!
May ra giang sơn phù hộ, sau khi việc nước đã yên, tôi sẽ tâu lên Thiên tử, đề đạt với tướng thần, bao phong phẩm vật cho anh, lục dụng con cháu của anh cho xứng đáng với công lao của anh. Ấy là lòng tôi khẩn khoản như vây!”
Một tuần sau, súng đạn viện trợ, vật dụng, tiền bạc, hành lý bị mất trộm đem về đủ cả. Đốc binh Trịnh Bá Khiêm và Đốc binh Đào Chính Lục dẫn hai trăm người từ Nghĩa Lộ lên Bắc Tấn bao gồm quân các đạo và dân binh Mường Lò, Ba Khe, Tú Lệ khuân súng đạn mang về Nghĩa Lộ.
Đề Hoan từ Mông Tự trở về báo cáo:
- Ngài Sùng Dục Anh đã vận động nhân dân Vân Nam, Quý Châu góp tiền bạc mua súng đạn và sản vật ủng hộ Việt Nam đánh Pháp. Số lượng là 600 khẩu súng trường, 60 hòm đạn khoảng 60 000 viên đạn, sản vật là 2000 cân thuốc phiện. Toàn bộ hành lý, tiền bạc bị mất cắp tại nhà công quán, họ đã lấy lại được và đem trả cho ta. Riêng số thuốc phiện tôi đã bán cho thương nhân Mông Tự lấy tiền mua vải lụa may quân áo cho quân sỹ trong dịp tết đến xuân về.
Hiệp thống Nguyễn Quang Bích vui mừng:
- Thế là cũng bõ công anh em ta lội suối trèo đèo đi cầu viện. Về quan hệ triều chính không thành, không cầu viện được gì. Nhưng vì mối quan hệ riêng với các quan lại và nhân dân hai tỉnh Vân Nam, Quý Châu đã có những giúp đỡ thiết thực. Đề Hoan cho người ghi lại để sau này việc nước thành công ta cảm ơn và hoàn trả cho họ một cách đường hoàng.
Đề Hoan báo cáo thêm:
- Tổng đốc Sầm Dục Anh còn cho hai tướng là Hồ Đàm và Từ Ích có học vấn, võ nghệ tinh thông, mưu lược hay đã từng tham gia đánh Pháp ở Việt Nam tình nguyện sang giúp ta.
- Bao giờ họ sang?
- Đến năm mới, thì họ sang.
- Rất tốt! Những người tình nguyện họ sẽ dễ cộng khổ với quân dân ta.
Ngồi một lúc lâu như nhớ ra một việc cần thiết, hệ trọng, Hiệp thống lại nói:
- Bây giờ còn một việc nữa là về hạt Lai Châu viếng Tán tương quân vụ Khê Ông.
- Việc đó coi nghĩa tử là nghĩa tận mà.- Đề Hoan nhắc nhở- Ngày ta đi qua biên giới, Khê Ông có nhắc Tướng công, nếu bệnh không khỏi mà chết tại cõi biên thùy này, thì làm cho ông ta bài văn tế để sau này con cháu đọc sẽ nhớ tới ông. Hiệp thống làm ngay đi để sớm mai ta tới Lai Châu cho kịp trở về Mường Lò.
- Mình làm rồi, để sẵn trong tráp đựng công văn. Trần Vàng sẽ là người mang đi.
Việc chuyển vũ khí được tiến hành nhanh, số lượng gần hai trăm người có thể khiêng vác một lượt là hết. Đoàn binh đông, khỏe mạnh, phấn khởi vô cùng, từng bó súng, từng hòm đạn khiêng vác trên vai. Họ mải miết đi về theo con đường núi quen thuộc họ đã đi qua. Nay trở về có cái gì thôi thúc, họ bước nhanh cho mau tới Mường Lò, Nghĩa Lộ để chuẩn bị vào cuộc chiến đấu chống giặc thù.
Đoàn đi viếng Khê Ông vội vã hướng về Na Lay, hạt Lai Châu. Trưa hôm sau mới tới, hai chiến binh Ma Đức Phổ và Sùng Mý Nô đã chuẩn bị xôi thịt, vật phẩm, đèn hương và cả lẵng hoa lan rừng đem ra làm lễ. Mộ của Khê Ông được đắp cao, trên một khoảng đất rộng, thoáng mạt, bên dòng sông Đà nước trong xanh. Hiệp thống Bích cùng Đề Hoan và các binh sỹ xếp hang ngang trước mộ. Hiệp thống thắp hương và đọc bài:“ Khốc Nguyễn Tán tương Khê Ông văn”. Mọi người ai nấy đều thương cảm, nước mắt chứa chan. Chắc hẳn Khê Ông linh thiêng đang nghe vị chủ tướng hay chữ của mình đọc lời vĩnh biệt mà mỗi câu chữ đều thể hiện tình cảm quý trọng một nhân cách lớn, vì nước quên thân, một anh hùng mà chính tác giả - Hiệp thống đại thần, luôn lấy làm gương.
Lễ xong, người lính Ma Đức Phổ còn dẫn Hiệp thống đi thắp hương cho những người Cần Vương đã chết chôn tại nghĩa trang. Đứng trước một ngôi mộ mới cỏ xanh đã bắt đầu mọc vẻ tiêu điều, lính Phổ nói:
- Đây là mộ của Thông sứ Phan Đức Huy, ông ta có nhiều lần đến Tiên Động nơi căn cứ của chúng ta và hai ngôi mộ bên cạnh cũng là người đi theo ngài Tôn Thất Thuyết từ Quảng Bình ra đã chết tại hạt Lai Châu này.
Hiệp thống đại thần sững sờ:
- Thì ra Thống sứ Phan Đức Huy đã chết, vì sao ông ta lại chết tại đây? Hai người kia là ai, làm gì trong quân ngũ Cần Vương sao lại cùng chết mà nằm lại nơi này?
Hai người lính Phổ và Nô đều lắc đầu không biết gì để trả lời. Ông vội thắp hương cắm lên từng ngôi mộ và kêu mọi người cùng xếp hàng nghiêm trang vái tạ. Riêng Hiệp thống Nguyễn Quang Bích còn có lời khấn vĩnh biệt những con người đã xả thân vì nghĩa lớn Cần Vương.
Hôm đó, Hiệp thống Nguyễn Quang bích phân công Sùng Mý Nô, Ma Đức Phổ tiếp tục ở lại hạt Lai Châu hoạt động và nhân thể chăm sóc phần mộ của Khê Ông, mộ các chiến sỹ Cần Vương. Ông nói với họ:
- Hạt Lai Châu có vị trí chiến lược quan trọng, bọn giặc Pháp sẽ tới. Hai người ở lại đây nhớ tổ chức lực lượng người dân tộc thiểu số cùng chống Pháp.
Ông phong chức cho hai người lên chức Đội trưởng và cấp thêm súng và gươm, hẹn ngày gặp lại.
Đoàn ra về, vì có ngựa cưỡi nên hai ngày sau, đã về tới Mường Lò. Hiệp đốc Giáp ra tận suối Đôi đón Hiệp thống Bích về Đại bản doanh. Tính thời gian, gần 4 tháng trời gian khổ trèo đèo lội suối, làm việc đêm ngày cùng biết bao sự việc, biến cố, chờ đợi đến mềm lòng, kiên quyết khôn khéo mới trở về tới Mường Lò. Đứng trước Hiệp thống đại thần, Hiệp đốc Giáp báo cáo:
- Chúng tôi ở nhà đã đánh thắng địch tiến công Tiên Động lần thứ hai và đã thực hiện cuộc rút lui chiến lược lên Nghĩa Lộ. Tuy thắng lợi, song tất nhiên có nhiều tổn thất về người không thể làm lại được. Khu vực Mường Lò, Nghĩa Lộ địa hình rộng khi bố trí quân ở các vị trí mới thấy quân ta ít, muốn bổ sung cũng không có nữa.
Hiệp thống Bích nói:
- Chuyến đi sứ này đã không cầu được viện trợ của triều đình Mãn Thanh nhưng đã được nhân dân hai tỉnh Vân Nam, Quý Châu ủng hộ súng đạn và hàng hóa, âu cũng là một thắng lợi. Nhưng thiệt hại về người ta mất một cố vấn là Chu Thiết Nhai, một Chỉ huy phó, Tán tương quân vụ xuất sắc Nguyễn Khê Ông.
Hiệp đốc Giáp buồn dầu:
- Thất bại lớn nhất trong thời gian vừa qua, không phải là chuyện đi sứ không thành. Theo tôi có hai thất bại lớn: một là Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết không về với quân ta mà lại bỏ đi sang Tàu. Như thế là ông ta đã đào nhiệm từ chối vai trò đứng đầu, chủ soái của Phong trào Cần Vương. Hai là không đưa được Vua Hàm Nghi ra Nghĩa Lộ, Văn Chấn không lập được triều đình mới, nơi đây không trở thành “Kinh đô kháng chiến” của toàn quốc. Phong trào chống giặc Pháp lên cao, nhưng không tập họp được lực lượng, không có sự chỉ đạo thống nhất, sẽ đi dẫn tới kết cục không thành. Đó là những thất bại mang tính chiến lược. Từ đây chúng ta khó có thể gượng dậy được, cho dù quân ta thực sự có nhiều cố gắng!
- Sao lại thế, Hiệp đốc tướng quân?
- Nó là thế đấy! Hiệp thống đại thần cứ nghĩ lại mà xem. Thời cơ nó có giới hạn, làm ngay tức khắc thì thắng, làm chậm trễ thì thua.
Hai người chỉ huy im lặng không nói câu gì. Dưới sàn nhà binh sỹ kéo nhau đi ăn cơn trưa, nói cười rinh ran. Xa xa mấy đám mây mù nặng nề kéo qua đỉnh núi Thẩm Né, hình như trời chuẩn bị mưa giông. Mường Lò đã trải qua mấy chục ngày hanh khô gió bắc lại thổi về.
Bữa chiều hôm đó, Phó đốc binh Đặng Phúc Thành cùng với hào lý và dân bản Mường Lò mở tiệc chiêu đãi Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đi sứ thắng lợi trở về. Chiều tối những người lính thuộc đạo Tiền quân do đốc binh Trịnh Bá Khiêm chỉ huy và nghĩa binh Nghĩa Lộ do Đốc binh Đào Chính Lục dẫn đi chuyển vũ khí, hàng hóa viện trợ từ biên giới đã về tới nơi. Quan quân và nhân dân Mường Lò lại có một ngày đêm vui như hội, tưởng thắng lợi đã đến nơi rồi.