Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp dẫn cánh quân đầu tiên đi liền trong 3 hôm đã tới Mường Lò. Dọc đường ông chọn các địa điểm hiểm yếu bố trí các đơn vị đóng quân làm nhiệm vụ đánh chặn địch. Nỗi lo lắng lớn nhất của ông là tổ chức rút quân cho thật sự an toàn, bảo vệ được lực lượng chờ Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đi sứ cầu viện trở về.
Cuộc hành quân lên Nghĩa Lộ căn bản đã hoàn thành. Riêng cánh quân của Lãnh Mai bị địch chặn đánh thiệt hại nặng, đạo Tả quân bị mất gần nửa quân số, Lãnh Mai bị bắt và bị giết tại thành Sơn Tây. Theo tin mật báo từ “Hạ lưu”, bọn tướng sỹ Pháp và bọn quan An Nam rất ca ngợi khí tiết và cái chết anh hùng của một vị tướng Cần Vương: chẳng nghe lời dụ dỗ, hiên ngang bước ra pháp trường chịu bắn chứ không khuất phục. Hiệp đốc Giáp nghe tin Lãnh Mai chết đã khóc thương người tướng thân thiết sát cánh chiến đấu chống giặc Pháp đến cùng và hy sinh anh dũng trên quê hương mình.
Hiệp đốc Giáp cử Đề Kiều, Lãnh binh Vương Doãn đi tìm Phó đốc binh Nguyễn Văn Lệ, Lê Thám và số binh sỹ còn lại của đạo Tả quân phiên chế về đơn vị mới để làm nhiệm vụ. Ông còn lo cho Tán tương quân vụ Trịnh Bá Đanh và hơn 200 binh sỹ được cử ở lại chiến đấu chặn và kìm chân địch không biết đã rút lui theo hướng nào, sống chết ra sao? Ông cử Đề Kiều đi Đại Lịch tìm Tán tương quân vụ Trịnh Bá Đanh và cử Lãnh binh Vương Doãn đi Thượng Bằng La đưa Phó đốc Nguyễn Văn Lệ và Lê Thám về Mường Lò.
Lãnh Doãn là người Văn Chấn rất thuộc đường đi lối lại, ông đến nhà Lãnh binh Trương Thẩm ở vùng núi Thượng Bằng La. Lãnh Thẩm báo cáo lại công việc tham gia đánh chặn và thu nhận được những binh sỹ từ phía Tiên Động, Cẩm Khê và từ châu Yên Lập lên.
- Chúng tôi mới thu dung được 158 binh sỹ từ phía Tiên Động về. Họ đang ém trong một khu rừng già, sẵn sàng tham gia chặn địch và chờ lệnh của Hiệp đốc Giáp phân công việc hay hành quân lên Nghĩa Lộ.
Lãnh Doãn hỏi:
- Tình hình giặc Pháp còn truy kích tiến công quân ta rút lên Văn Chấn nữa không?
- Chúng không đánh nữa và cho quân rút về rồi. Quân ta có thể tiếp tục chuyển người, lương thực và vũ khí lên Mường Lò.
Lãnh Thẩm nói khẳng định và dẫn Vương Doãn ra khu rừng gần đó đón Phó Đốc binh Lệ, Lê Thám và binh sỹ đạo Tả quân.
Anh em đạo Tả quân được Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp cử người về đón thì vui mừng khôn tả xiết. Họ giương cao súng chào đón Lãnh Thẩm:
- Hoan hô Lãnh Thẩm đã cưu mang! Hãy đưa chúng tôi về ngay với Hiệp đốc Giáp !
Đốc binh Vương Doãn ra lệnh cho Phó Đốc Lệ, Lê Thám tập hợp binh sỹ, cho hành quân lên Nghĩa Lộ nhận nhiệm vụ mới. Cử Đội phó Nguyễn Hữu Phú làm trưởng một đoàn 25 binh sỹ đi tìm và mai táng tử sỹ đã chết trong trận đánh tại gò Re, Vô Tranh vừa qua. Mọi hoạt động đi lại, tìm kiếm, ăn uống của đoàn do Lãnh Thẩm chỉ đạo. Bây giờ đề nghị Phó Đốc binh Lệ, Lê Thám chỉ huy quân sỹ của mình hành quân hướng về Mường Lò, Nghĩa Lộ.
Mọi người lại vui vẻ hành quân băng qua núi đồi lên Mường Lò. Phó Đốc Lệ đã thông thạo đường, núi non, làng bản nơi này hướng dẫn hành quân rất nhanh. Dọc đường ông báo tin: tên Cỏn giết ông Tán Vị đã bị dân Sơn Nga giết chết khi hắn đi thành Hưng Hóa lĩnh thưởng vừa trở về làng.
Một người lính trong hàng quân nghe nói tới tên Cỏn vẫn còn phẫn nộ:
- Giết chết cả nhà thằng Cỏn đi, trả thù cho Tán Vị!
Phó Đốc Lệ nghiêm khắc:
- Không được nghĩ bậy thế! Ai có tội thì trị người ấy. Làm lính cầm gươm giáo, sung ống trong tay không được làm bừa!
*
Đề Kiều đến Đại Lịch gặp Đốc Tế và Lãnh Kim. Hai ông đề nghị với Đề Kiều đưa quân ra đèo Gỗ để đón quân Tiên Động và nghĩa quân các làng bên bờ sông Thao ngược Văn Chấn, Trấn Yên. Đề Kiều nghĩ đến các binh sỹ và nghĩa quân có thể bị địch đánh chạy vào đồi rừng sẽ tìm đường qua đèo Vân Hội lên Văn Chấn như đã định.
Bọn giặc Pháp đóng tại đồn Chuế Lưu, Động Lâm được lệnh của thiếu tá Béc-căng truy kích quân Cần Vương qua khu vực đèo Vân Hội. Chúng bắt gặp cánh quân của Tán Khảm đang mải miết hành quân rút lên Nghĩa Lộ. Bị một cánh quân Pháp phục kích trong hẻm núi. Tán Khảm cưỡi ngựa phi lên phía trước để chỉ huy binh sỹ bình tĩnh bắn trả quân Pháp. Một toán lính Pháp xông ra đường nhằm bắn vào quân ta. Tán Khảm phi thẳng đến bọn giặc tay cầm gươm chém vỡ đầu mấy tên lính Pháp nhưng Tán Khảm và ngựa đều bị trúng đạn. Con ngựa bị gẫy chân ngã lăn ra làm Tán Khảm văng mình xuống hồ nước bên vệ đường. Phó đốc binh Trịnh Bá Khiêm là em trai Tán Khảm bình tĩnh chỉ huy binh sỹ phá vòng vây giặc chạy lên đèo Gỗ. Gặp Đề Kiều và quân ta đang lập trận địa, ông Khiêm báo cáo:
- Toàn bộ lực lượng của Tiên Động được phân công ở lại đã chiến đấu đến cùng chặn giặc. Một tuần sau quân Pháp mới chiếm được Tiên Động với đồn lũy trông không. Bọn giặc đóng ở Tiên Động còn bị dân binh của hai làng Tiên Động và Hoàng Lương tiếp tục đánh tiêu hao. Quân Pháp thấy quân ta đã rút, chúng liền bỏ đất Tiên Động rút sang đồn Minh Côi, Phương Xá, Phùng Xá và về thành Hưng Hóa rồi. Chúng tôi những đội quân đánh chặn theo Tán Khảm chạy vào núi Cháy định rút sang Mỹ Lung theo đường ngòi Lao. Nhưng biết cánh quân của Lãnh Mai bị phục kích ở núi Re, đành phải ngoặt đường khác đi Xuân Áng sang làng Hiền Lương vượt qua ngòi Vần lên Vân Hội, tìm lên Văn Chấn với quân ta.
Đề Kiều và Đốc Tế biết quân Pháp đang truy kích liền cho quân giữ yên trận địa mai phục. Cử một số quân đóng giả nghĩa binh thất thểu chạy trên đèo, gọi nhau í ới. Quân Pháp tưởng chỉ có tàn binh không hề chú ý. Tên trung úy Bô-đanh (Bandin) cho lính vượt đèo đuổi theo nghĩa quân ở phía trước. Bất ngờ hàng loạt súng nổ, trung úy Bô-đanh bị trúng đạn nằm lăn ra đường kêu la, hơn ba mươi tên Pháp bị trúng đạn nằm chết trên đường đèo. Quân ta xông ra cướp súng, thì bị quân Pháp dưới đèo xông lên bắn chặn. Đề Kiều thấy địch mạnh phải cho quân rút lên vùng núi Đại Lịch tìm địa thế chặn giặc. Bọn Pháp không dám tiến công nữa, chúng rút quân về làng Hiền Lương.
Trận đèo Gỗ là một thắng lợi có ý nghĩa lớn, chặn đứng được cuộc tiến công của quân Pháp lên Văn Chấn. Tạo thời cơ cho quân Cần Vương rút lui, củng cố trận địa, bảo vệ vững chắc vùng Nghĩa Lộ chờ Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đi sứ trở về, tạo ra cục diện mới trên chiến trường.
Gặp Hiệp đốc Giáp tại Đại bản doanh Mường Lò, Đề Kiều báo cáo:
- Đạo tả quân do Đốc Hoài, Phó Đốc Lệ, Lê Thám chỉ huy đã rút lên Văn Chấn theo đường ngòi Lao, với số quân 228 người. Phó chỉ huy Lãnh Mai cũng rút lui theo đạo Tả quân. Đến núi Re thuộc địa phận làng Vô Tranh bị địch đánh úp, Đốc Hoài hy sinh, Lãnh Mai bị thương và bị bắt. Bọn địch ở đồn Ngòi Lao đã đưa Lãnh Mai về thành Hưng Hóa hỏi cung và sau đó đưa về thành Sơn Tây dụ hàng. Lãnh Mai không đầu hàng, giặc giết chết rồi. Trận gò Re, quân ta giết chết tên Trung úy Tê-tan và 25 tên giặc Pháp, chặn đứng được mũi quân Pháp định đánh vào Mỹ Lung chặn đường quân ta rút lên Thượng Bằng La, châu Văn Chấn.
Hiệp đốc Giáp bình tĩnh hỏi:
- Quân số đạo Tả quân còn lại bao nhiêu?
- Còn lại 158 người.
- Thế là 1 phó tướng, 1 đốc binh, 78 binh sỹ bị hy sinh. Số quân được phân công đánh chặn, rút lui sau cùng thế nào rối?
- Số quân mỗi đạo cử ra 75 người. Ba đạo Tiền quân, Trung quân, Hữu quân gộp lại là 225 người. Hiệp đốc Giáp đã cử Tán tương quân vụ Trịnh Bá Đanh tức Tán Khảm ở lại chỉ huy. Do phải cầm cự với địch dài ngày, lực lượng mỏng, khi kéo quân lên phía ngòi Lao, bị giặc chặn đường đã tìm lên Xuân Áng, rút theo con đường ngòi Vần lên Vân Hội thuộc huyện Trấn Yên. Bị quân giặc chặn đánh, Tán Khảm đã chiến đấu anh dũng và hy sinh. Phó đốc Khiêm đã thay anh mình chỉ huy vượt lên đèo Gỗ thì gặp quân ta tại Đại Lịch. Tôi cũng có mặt ở đó đã lập kế hoạch phục kích, bắn bị thương nặng một sỹ quan Pháp và diệt hơn 30 tên, cướp được 15 khẩu súng. Chặn được quân Pháp tiến lên chiếm Vân Hội và Đại Lịch.
- Số quân ấy còn lại bao nhiêu?
- 123 người đã về và được đưa lên Văn Chấn. Số quân còn lại 102 người có thể là đã hy sinh, cũng có thể là bị thương, bị lạc chưa về được.
- Chúng ta mất một tán tương quân vụ có tài có tâm, thật đáng tiếc!
Hiệp đốc Giáp thốt lên lời thương tiếc ấy rồi lại nói với Đề Kiều:
- Đó là cái giá phải trả cho cuộc rút lui chiến lược. Nếu quân ta ở lại chiến đấu bảo vệ Tiên Động mà không cho quân rút, có thể chúng ta phải mất mát rất lớn, không thể lường tính được nữa. Tôi và Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đã bàn rất kỹ. Ông ấy nhất trí với tôi phương án rút lui, nhưng rút lui trong khi bị địch tiến công như thế này là việc khó khăn, phải chịu tổn thất là lẽ đương nhiên.
Hiệp đốc Giáp nhìn Đế Kiều như muốn gửi niềm tin:
- Đề Kiều, Vương Doãn, Hoàng Kim, Hà Đức Thành và các chỉ huy các đạo quân còn trẻ tuổi, đang ở tuổi tam thập nhi lập phải linh hoạt trong chỉ huy, có nhiều mưu cao, kế hay, phải làm cho địch càng ngày càng sợ cái uy của người tướng cầm quân thì quân ta tất mạnh. Nhiều tướng quân có tài chỉ huy bách chiến bách thắng mới có hy vọng giành thắng lợi.
Đề Kiều phát biểu:
- Trong hai cuộc tiến công của giặc Pháp, tôi thấy lần trước giặc huy động binh sỹ nhiều hơn, chia thành nhiều hướng tiến công, dùng lối đánh áp đảo. Lần này số quân ít hơn, dùng hỏa lực mạnh, tập trung lực lượng lập các mũi đột kích, bí mật bất ngờ, bao vây kín, đánh chỗ nào chiếm chắc chỗ ấy!
- Nhưng mà ta thắng, giặc Pháp đã thất bại! Thống đốc Pôn Be và tướng sỹ của họ sẽ đau đớn lắm đấy! Bây giờ Đề Kiều nắm kỹ quân ta còn bao nhiêu người? Các đạo quân lên đây nên bố trí ở chỗ nào? Về quân lương, vũ khí, trang bị phải chuẩn bị ra sao để cho ta trụ vững được lâu dài và phát triển lên?
Trong phiên họp toàn quân vào ngày 15 tháng 12 năm 1886, Hiệp đốc Nguyễn văn Giáp đã thông báo quân số chính thức hiện nay tại Nghĩa Lộ-Văn Chấn của ta có gần 2000 người. Ông phân công nhiệm vụ chốt giữ:
- Đạo Trung quân với 350 người đóng ở thành lớn Mường Lò, ông Hoàng Kim làm đốc binh, các ông Hà Đức, Hà Thanh Bằng, Nguyễn Dũng làm phó đốc binh. Làm nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ cơ quan đầu não của quân ta. Cộng tác với các ông đốc binh, phó đốc binh Đào Chính Lục, Đặng Phúc Thành cùng nhân dân Mường Lò củng cố thành lũy, nhà ở, bảo vệ chắc chắn Đại bản doanh của ta.
Đốc binh Hoàng Kim đứng lên, nói:
- Tôi từ Thanh Mai lên Tiên Động được giao nhiệm vụ chỉ huy đạo Trung quân. Trải qua 2 đợt tiến công của địch vào Tiên Động, đạo Trung quân đã tịch cực tham gia chiến đấu. Đợt thứ nhất, chúng tôi cùng quân ta giữ vững phòng tuyến Ngòi Rành, suốt mấy tháng trời. Đợt thứ hai, chúng tôi chỉ được tham gia một ngày, chịu pháo của Pháp đấm lưng rất dữ dội. Sau đó được lệnh rút quân, mấy ngày hành quân liên tục chúng tôi đã về tới Mường Lò. Chúng tôi rất mừng vì thấy trời đất ở đây bao la, dân cư đông, đồng ruộng rộng, núi đồi mênh mông, suối ngòi bao bọc. Quân ta có thể giữ vững và phát triển. Chúng tôi xin cùng với nhân dân Mường Lò, Nghĩa Lộ làm tốt công việc mà tướng quân giao!
Hiệp đốc Giáp phân công tiếp:
- Đạo Tiền quân được phiên chế với số quân là 312 người. Trong cuộc tiến công đợt một, Đốc Tiến và 60 binh sỹ bị hy sinh. Ban chỉ huy đề bạt Phó đốc binh Trịnh Bá Khiêm làm đốc binh, ông Hoàng Đình Cương chỉ huy dân binh Tú Lệ làm phó đốc binh. Đề bạt Lê Văn Tấn, đội trưởng đội pháo làm phó đốc binh. Đội pháo của đạo Tiền quân do Lê Văn Tấn chỉ huy gồm 30 binh sỹ đã chiến đấu dẻo dai, dùng pháo và súng thần công bắn rất tài giỏi, diệt được nhiều địch, phá được nhiều công sự, doanh trại của địch, bắn cháy tàu chiến. Hiện nay, pháo đã bắn hết đạn, không thể kéo lên đây được. Anh em phá hủy và đã đẩy nó xuống ngòi Rành, còn súng thần công được chuyển sang Sơn Lương cất giấu, đạn đã bắn hết. Chúng tôi muốn giữ lại đội quân pháo, còn mong có ngày quân ta cướp được pháo của giặc thì sẵn người sử dụng. Đội quân này chuyển về đạo Trung quân ở tại Mường Lò tham gia xây dựng trận địa và bảo vệ cơ quan chỉ huy, cử Đội phó Nguyễn Văn Đạm lên làm đội trưởng. Như vậy, đạo Tiền quân còn có số quân là 231 người, đóng quân tại Bản Bon và các vị trí tây bắc Văn Chấn không cho địch từ Lai Châu và từ ngòi Hút phía bắc đánh vào trung tâm Mường Lò, Nghĩa Lộ.
Đốc binh Trịnh Bá Khiêm đứng lên nhận nhiệm vụ, ông nói:
- Trận chiến tại Tiên Động rất ác liệt. Lần thứ nhất chúng tôi mất Đốc binh Tiến hy sinh vì đạn pháo và 60 binh sỹ đã hy sinh trên chiến tuyến ngòi Rành. Lần hai, chúng tôi mất 32 người trong đó có Đốc Quýnh người vừa lên thay Đốc Tiến, ông cũng bị hy sinh vì đạn pháo trên đường rút quân. Bộ phận ở lại bị giặc Pháp tập kích bất ngờ. Bọn giặc bắc cầu từ hòn đá Hang Hùm sang gò Hàm Rồng bí mật tiến công đồn, 6 người giữ đồn hy sinh tại trận. Địch tiến vào thôn Chằm Vần, lúc đó ta có 23 binh sỹ chặn đánh nhưng không giữ nổi đã anh dũng hy sinh. Đội Tiền quân đã đánh địch bằng pháo và súng thần công, diệt được rất nhiều địch, góp phần quan trọng bảo vệ Tiên Động và tham gia đánh chặn địch cho quân ta rút lên Nghĩa Lộ, Văn Chấn. Chúng tôi đã nhận lệnh đưa quân về bản Bon, triển khai làm nhiệm vụ bảo vệ mặt tây bắc Đại bản doanh Mường lò. Nay được giao nhiệm vụ này, chúng tôi xin hứa hoàn thành. Chỉ lưu ý với quan Hiệp đốc rằng trận địa phía tây bắc rất rộng, quân ít, liên lạc kém có thể khó chốt giữ.
Hiệp đốc Giáp gật đầu đồng ý, ông nhìn về phía Đốc binh TrầnTuề, người vừa được đề bạt chức đốc binh thay Đốc Nhì đã hy sinh. Ông nói:
- Đạo Hữu quân, trong trận đánh lần thứ nhất có Đốc Nhì và 53 chiến sỹ hy sinh. Đốc Nhì hy sinh tại Ngô Xá, khi cùng quân lính chặn giặc Pháp tiến vào làng. Còn chiến binh ta hy sinh nhiều là do phải giữ trận địa và chặn địch từ phía nam tiến sang Tiên Động. Cánh quân Pháp phía này tiến đánh rất mạnh, quân ta đã anh dũng chiến đấu chặn được địch ở Phương Xá, ngòi Muối, Ngô Xá, ngòi Rành. Địch đã tổ chức hàng chục cuộc tiến công rất dữ dội, quân ta sử dụng 3 khẩu thần công bắn chặn được, diệt được hơn trăm tên địch, đó là kỳ tích. Trong trận địch tiến công lần hai, đội quân được cử đánh chặn gồm 75 người do Đội trưởng Trần Nghĩa chỉ huy đã đánh chặn rất tốt. Khi có lệnh của Tán Khảm cho rút quân, họ mới chịu rút lui. Số quân hiện tại còn lại của đạo là 313 người, cử Đốc binh Trần Tuế và Phó đốc binh Trịnh Viễn chỉ huy. Đạo quân này bảo vệ phía đông Mường Lò, từ bản Chao, bản Khinh đến suối Giàng, lập phòng tuyến Ngòi Thia không cho giặc Pháp theo bờ ngòi Thia từ hướng sông Thao đánh vào.
Phó đốc binh Trần Tuế là người ít nói, ông chỉ có ý kiến ngắn:
- Đạo Hữu quân xin thực hiện nhiệm vụ! Chỉ xin báo cáo lại là trận địa thì rộng khó có thể bao quát, kiểm soát được.
- Đúng là như vây, nhưng chúng ta phải tìm cách khắc phục. Mấy ngày nữa, tôi sẽ xuống tận nơi cùng với quan quân bố trí trận địa.
Hiệp đốc Giáp nói tiếp:
- Đạo Tả quân của Đốc binh Nguyễn Văn Lệ và Phó đốc binh Lê Thám còn lại số quân 158 người, có nhiệm vụ bảo vệ phía tây Mường Lò. Đạo quân này trong các trận đánh bảo vệ Tiên Động bị thiết hại nhiều nhất, Đốc Học và 70 chiến sỹ bảo vệ phòng tuyến Gò Dọc đã hy sinh anh dũng. Khi rút quân lại bị pháo bắn chặn đường, Đốc Hoài hy sinh nhưng quân sỹ vẫn bình tĩnh rút quân. Lãnh Mai là Phó Chỉ huy Tiên Động bị thương và bị bắt, giặc dụ dỗ không hề khuất phục, đã bị giặc giết. Bây giờ kéo quân về đây, đạo Tả quân về giữ thành Viềng Công, phải được bổ sung thêm quân số, nhưng chưa tìm ra, nên vẫn giữ số quân còn lại. Giữ hướng tây Mường Lò, cảnh giới phía thượng nguồn ngòi Thia. Giữ an ninh cho vùng này phòng khi địch đánh cơ quan đầu não của ta còn có đường tránh vào núi.
Đốc Lệ đứng lên trước hội nghị, ông nói:
- Đạo Tả quân phải chịu đựng hy sinh nhiều nhất. Nhưng tất cả mọi người đều rất tin tưởng vào tài chỉ huy của Hiệp thống Đại thần và Hiệp đốc Giáp. Chúng tôi được biết, thượng cấp sẽ đón Đức Vua Hàm Nghi ra đây lập “Triều đình kháng chiến”; chúng tôi cảm thấy rất vẻ vang được chiến đấu dười ngọn cờ Cần Vương chính nghĩa dù chết cũng không sờn lòng! Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng không nản chí, xin thực hiện xuất sắc nhiệm vụ!
Hiệp đốc Giáp khen:
- Đạo Tả quân rất xứng đáng là đạo quân anh hùng! Ngay cả đối phương cũng đã ca ngợi Lãnh Mai là anh hùng, binh sỹ của chúng ta là anh hùng.
Cả hội trường đều vỗ tay hoan nghênh. Tất cả như quên đi gian khổ, hy sinh cùng hân hoan với niềm vinh quang của người chiến thắng.
Hiệp đốc Giáp lại nhìn vào Đề Kiều và Đốc binh Hoàng Nhân, Phó đốc binh Vi Văn Thưởng nói:
- Đạo hậu quân của ta phục vụ và trực tiếp tham gia chiến đấu và đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang. Cung cấp đủ quân lương, vũ khí, trang bị cho quan quân. Trong cuộc rút quân này, đội Hậu quân đã lên đây hơn 300 người. Còn một lực lượng hơn 400 quân ở vùng đồi núi Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn ngày đêm thu lương, vận chuyển lương thực, rèn đúc vũ khí, làm quân trang, chữa thương và bệnh cho binh sỹ, làm việc không quản ngày đêm phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng vào hai lần đánh thắng quân Pháp tiến công Tiên Động. Trong tình tình hiện nay, đạo Hậu quân tìm mọi cách để đảm báo quân lương, vũ khí, quân trang làm sao quân ta không đói, không rét, đủ sức chiến đấu đến cùng. Các đội quân hoạt động dưới hình thức dân binh, gồm toàn con gái do các cô Đốc binh Hà Thị Khiêm, Triệu Thị Vân, Lê Thị Lan chỉ huy, nên chuyển đến những vùng núi an toàn hơn và ông Đề Kiều phó chỉ huy nghĩa quân phải có kế hoạch cụ thể bảo vệ họ, không để quân địch biết bao vây, đánh phá gây thiệt hại về người và của cải.
Hiệp đốc Giáp dừng lời, Đốc binh Hoàng Nhân đứng lên nói:
- Đạo hậu quân đã tham gia chiến đấu gần ba năm nay. Chúng tôi vừa chiến đấu vừa lo hậu cần cho toàn thể nghĩa quân ở Tiên Động và ở một số nơi khác. Hồi trước có ông Đề Kiều và Đốc Biêu chỉ huy trực tiếp, chúng tôi đã đánh những trận nổi danh ở Trúc Phê, Dốc Giát, Tình Cương, đồn Phong vực. Đầu tháng 6, Đốc Biêu ham đánh một trận để cướp pháo địch theo chủ trương của ta nhưng đã thất bại, Đốc Biêu bị thương nặng phải giải ngũ. Trong những tháng vừa qua, Tiên Động phải chống trả các cuộc tiến công của giặc Pháp, đạo Hậu quân đã ra quân chặn đứng quân Pháp đánh vào Phục Cổ và Thượng Long chặn địch nống lên Mộ Xuân và Quế Sơn bảo vệ quân ta rút lên Thượng Bằng La, Văn Chấn. Còn về việc hậu cần, chúng tôi tiếp tục làm tốt cung cấp đủ quân lương, vũ khí, trang bị. Tôi cũng rất mong được Lãnh binh Cầm Tám ngày trước đã có kinh nghiệm đánh giặc Cờ Vàng, Đốc binh Đào Chính Lục, Phó đốc binh Đặng Phúc Thành và nhân dân các dân tộc thiểu số như dân Mường, Thái, Miêu, Thổ, Dao hết lòng giúp đỡ. Việc cung cấp quân lương, quân trang nên làm tại chỗ là tốt nhất. Vũ khí cũng vậy, các dân tộc thiểu số là ông tổ chế tạo súng kíp, súng hỏa mai, các loại dao, kiếm, gươm đao. Chúng ta phải huy động được toàn dân tham gia làm vũ khí, mua bán, vận chuyển vũ khí thì quân ta sẽ không thiếu một thứ gì.
Hiệp đốc Giáp vỗ tay hoan hô ý kiến của Đốc binh Hoàng Nhân, cả hội trường vỗ tay hưởng ứng. Ông nói tiếp:
- Đạo Hậu quân trực tiếp trấn giữ hướng đông Mường Lò, trực tiếp bảo vệ từ vị trí hang Thẳm Né đến Khe Hu ( tên chữ là Khê Vu), ngoài là đèo Ách tới Ba Khe, độ dài trên 50 dặm. Hoàng Nhân và Vi Ba Thưởng cho quân chốt chặn, không cho giặc vượt qua đèo Ách tiến lên Nghĩa Lộ. Vùng này có nhiều hang đá làm kho giấu vũ khí, đôi khi làm nơi trú quân rất tốt. Tôi đã nhắc Đề Kiều, Đốc Nhân chú ý vươn dài con đường hậu cần tới Tuyên Quang, Bảo Thắng, Sơn La, Lai Châu và về phía Chợ Bờ, Sơn Tây, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Khi Hiệp đốc Giáp ngừng lời, Đề Kiều trịnh trọng nói:
- Tôi thấy Hiệp đốc Giáp đã phân công nhiệm vụ rất rõ ràng, cụ thể. Các đạo quân về tiếp tục nghiên cứu, triển khai đến các đội, tổ, đội viên. Chúng ta đã đánh thắng địch, nhưng tổn thất cũng rất lớn chưa lại sức đâu. Quân Pháp, hiện nay rất khỏe đủ mạnh đánh lại chúng ta. Nên chúng ta không được chủ quan, khinh địch phải hết sức tỉnh táo đề phòng. Quan Pháp có thể kéo quân lên đây đánh ta trong thời gian tới, nên phải làm trận địa phòng thủ ngay. Trận địa, phòng tuyến chặn địch ở trên này rất rộng, rất lớn, rất dài nên phải chú ý bao quát, kiếm soát, tính toán mọi tình huống xảy ra mà chuẩn bị đối phó, không để sơ suất nào. Để phát huy sức mạnh của toàn dân, tôi đề nghị triệu tập các hào lý, phìa tạo ở các tổng, làng, bản, mường trên Văn Chấn, Nghĩa Lộ và các châu huyện khác. Đoàn kết được dân, giác ngộ được dân theo ta thì không thiếu lương thực, tiền bạc, vũ khí, quân trang. Nhất là khi đón được Đức Vua Hàm Nghi ra đây thì cục diện sẽ thay đổi, dân sẽ tin theo, quân ta tự khắc sẽ mạnh lên, đánh đâu thắng đấy.
- Đó là mục tiêu cuộc rút quân của chúng ta - Hiệp đốc Giáp tiếp lời Đề Kiều- Lên đây chúng ta có địa thế tốt, nhân dân các dân tộc thiểu số có truyền thống anh hùng cứu nước, một lòng, một dạ theo Cần Vương. Hôm nay, tôi xin giới thiệu với các chỉ huy các cấp, dự họp với chúng ta có Lãnh binh Lê Thẩm, Lãnh binh Vương Doãn, Lãnh binh Cầm Tám, Đốc binh Đào Chính Lục, Phó đốc binh Đặng Phúc Thành và nhiều các đại biểu các bản các mường, các làng về dự. Nhân dân Nghĩa Lộ, Văn Chấn và các huyện châu vùng Thập Châu,Tam Mãnh thuộc Tây Bắc nước ta đã có sự ủng hộ và sát cánh với chúng ta đánh giặc Pháp xâm lược. Trong những năm qua, đặc biệt là mấy tháng nay, nhân dân Văn Chấn đã chiến đấu cùng ta, giúp đỡ ta rất nhiều. Thắng lợi của nghĩa quân cũng là thắng lợi của nhân dân Tây Bắc, trực tiếp nhất là của nhân dân Nghĩa Lộ, Văn Chấn.
Cả hội trường tán thưởng vỗ tay hoan hô vang dội, Hiệp đốc Giáp còn giới thiệu từng người để tất cả chỉ huy các cấp biết mặt. Ông giới thiệu Đốc binh Đào Chính Lục, người Thái Mường Lò lên phát biểu ý kiến:
Đốc binh Lục bước lên nói:
- Trước hết cũng xin nói về tôi vốn là Chánh tổng trấn Mường Lò, nơi mà mọi người đang về họp đây. Người Phó tổng là Đặng Phúc Thành người dân tộc Thổ ( Tày) cùng tôi sống ở Mường Lò đã lâu. Tháng trước đây, Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích qua đây, phong cho chúng tôi chức vụ, giao công việc giúp đỡ quan quân và cùng chống giặc Pháp xâm lược. Mường Lò có đội quân 254 người, Đại Lịch, Thượng Bằng La cũng có hơn 150 người, Tú Lê có hơn 100 người. Như vậy, Văn Chấn-Nghĩa Lộ có hơn 500 người tham gia đánh giặc. Chúng tôi đã thề sống chết với đất Văn Chấn, Nghĩa Lộ này, mong quan quân hết mình giúp chúng tôi chống giặc, không cho chúng đè đầu bóp cổ, bắt dân tộc mình phải làm nô lệ.
Hiệp đốc Giáp vỗ tay, cả hội trường vỗ tay theo nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần chiến đấu của đồng bào Nghĩa Lộ, Văn Chấn. Đợt vỗ tay vừa dứt, Hiệp đốc nói:
- Có nhân dân Văn Chấn, Nghĩa Lộ quân ta đã mạnh lên, vững vàng rất nhiều. Nhưng kháng chiến chống Pháp còn lâu dài và rất gian khổ, quân dân ta còn phải trải qua muôn vàn hiểm nguy và hy sinh thì mới có ngày toàn thắng. Tôi mong quân dân ta đoàn kết, gắn bó muôn người như một, tính thần chiến đấu lúc nào cũng cao như núi Hoàng Liên, lòng yêu nước nhiều như nước sông Thao thì chúng ta chắc thắng. Nhưng tôi yêu cầu quân dân ta phải nghiêm trị những ai làm sai quân lệnh, tha hóa, biến chất, đầu hàng giặc Pháp, phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Giặc Pháp rất tàn ác, nhân dân phải cảnh giác cao độ trước những âm mưu thâm độc, không dẫn đường, không cung cấp lương thực, không đi lính, không làm tay sai cho chúng!
Tất cả lại vỗ tay như cùng đồng tâm nhất trí, thực hiện lời Hiệp đốc Giáp. Kết thúc cuộc họp, Đốc Lục đứng lên có lời mời:
-Thưa Hiệp đốc quân vụ đại thần và toàn thể tướng sỹ! Nhân ngày quan quân ta về đây dự họp, tôi thay mặt tổng lý, hào lý mời tất cả quan quân ăn bữa cơm thân mật với quân dân Mường Lò và dự hội xòe với toàn quân dân chúng tôi!
Các quan quân được Lãnh Tám, Đốc Lục và Phó Đốc Thành dẫn ra ngôi nhà sàn cao rộng cùng các bô lão, trưởng bản, các chánh tổng, phó tổng, chức dịch của Mường Lò ăn cỗ mừng. Các mâm đều có bình rượu cần, cổ buộc những dây vải đỏ, cắm các cần trúc đã thông ruột. Cỗ bày nhiều thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thịt trâu sấy, cá sình nướng, rêu đá được chế biến tinh xảo, lại có xôi ngũ sắc tỏa mùi hương thơm phức, được bày lên trên những đĩa có in hoa văn đẹp. Những chị phụ nữ, những cô gái Thái xinh đẹp cùng ăn cơm với quan quân. Nhà của họ không xa lắm, chỉ quanh Mường Lò. Người thì ở bản Căng Nà, bản Chao, người ở bản Pá Kết, người xa thì bản Khinh, bản Đêu, bản Pú Chạng.
Hiệp đốc Giáp được mời ngồi cùng với Lãnh binh Cầm Tám, Chánh tổng Lò Văn Muôn, Tiên chỉ Lò Văn Kiến, cùng ngồi có Đốc Lục, Tán tương quân vụ Lê Thanh. Đứng trên nhà sàn Đốc Lục, ông có lời mời các cụ, các quan lãnh binh, đốc binh, binh sỹ, đồng bào cùng uống một hơi rượu cần để tỏ lòng đồng tâm nhất trí, cùng quyết tâm chống giặc Pháp, phụng sự Cần Vương. Không khí trong lễ ăn mừng càng náo nức, càng vui. Các quan, binh sỹ đã được Hiệp đốc Giáp chỉ bảo, không ai uống qua say, trông họ hiền lành, khiêm nhường, tử tế, người dân nào nhìn thấy cũng quý mến.
Ăn uống xong, những người ở xa phải ra về trực chiến. Nhiều chỉ huy ao ước được ờ lại xem dân Mường Lò diễn xòe, nhẩy sạp nhưng Chỉ huy quân các đạo và Chỉ huy Đại bản doanh không cho phép. Đề Kiều nói để yên lòng quan quân:
- Bây giờ là thời chiến tranh, là tướng sỹ phải nghiêm quân lệnh, phải bám địch để đánh địch. Các dịp tết chúng ta ở đâu thì tổ chức vui tết mừng xuân ở đó, cùng đồng bào các bản, các mường tổ chức xòe, nháy sạp, ca hát. Khi nào giặc yên, hòa bình trở lại thì tha hồ mà đi xem. Đêm nay Mường Lò tổ chức hội xòe mừng quan quân chiến thắng trở về bản làng của họ. Họ hát, họ xòe thì chúng ta phải đám bảo yên bình cho họ, đó là trách nhiệm tối thượng của quan quân.
Vừa lúc đó, dân Mường Lò nổi trống, nổi chiêng lên. Đống lửa trước sân nhà chung thành Mường Lò bốc cao, tỏa hơi ấm nóng ra xung quanh. Hàng trăm người dân các dân tộc, người trẻ, người già trong những bộ quần áo mới, nắm tay nhau đi quanh đống lửa. Có tiếng nói: “khắm khen”, nhiều người ùa ra cùng nắm tay nhau. Quan Hiệp đốc Giáp cất tiếng gọi:
- Đề Kiều đâu, cho quan quân cùng đồng bào“Khắm khen” đi nào! Nhanh lên nào!
Nhiều lãnh binh, đốc binh, đội binh nghe Đề Kiều thuyết lý đã định về, nhưng nghe Hiệp đốc Giáp gọi họ đều quay trở lại chạy ra nắm tay người xòe cùng nhau đi vòng tròn, tay vung cao. Khi nghe tiếng người điều hành hô : “ỏm lọp tốp mư” thì muôn người cùng vỗ tay, cùng đi vòng quanh đống lửa. Lại nghe thấy tiếng “đổn hổn”, muôn người cùng bước lên lại cùng bước lùi, trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng tầng pằng, mắc hính nghe rầm rập làm rân ran cả người.
Hiệp đốc Giáp ngồi trên nhà sàn nhìn ra thấy những người phụ nữ Thái xinh đẹp đang múa điệu xòe cổ “nhôm khăn”, muôn khăn được tung lên trông như sóng hoa tươi trong gió. Những điệu xoe cổ “phá xí”, “khằm khăn mơi lảu” của những tốp thanh nữ duyên dáng, đằm thắm tình cảm làm say long người. Hiệp đốc Giáp lại nhớ đến những ngày còn trẻ, ở quê nhà, cùng đám thanh niên làng đi hát hội. Hồi đó, ông là một trong những thanh niên say hát chèo, hát trống quân và say hát cô đầu ( còn gọi là hát ả đào hay ca trù) nữa.
Bây giờ tuổi đã già, Hiệp đốc Giáp còn thích đi xem hát. Nhìn những người trẻ tuổi như Đề Kiều, Tán Thanh, Đốc Lệ, Đốc Khiêm, Phó Đốc Thám đang nhảy sạp cùng các cô gái Thái xinh tươi như quên đi những tháng năm gian khổ, đầy hy sinh, mất mát thương đau. Ông nhìn và thấy rất tin tưởng vào họ, những con người này đã phát huy truyền thống đánh giặc của ông cha quên mình chống Pháp từ những ngày thành Sơn Tây, Hưng Hóa thất thủ. Sau khi có Chiếu Cần Vương họ tiếp tục xả thân vì nghĩa lớn. Họ cũng có gia đình vợ con, nhưng vì nước, vì dân mà hiến dâng thân mình. Họ chính là những con người đáng quý nhất, xuất hiện trên đời cùng ông chiến đấu làm nên những chiến công. Hiệp đốc Giáp cảm thấy yêu quý họ biết bao nhiêu, chẳng khác chi lòng mẹ, ông thầm mong những người này không phải chết trong cuộc chiến.
Ông nhìn những cô gái Mường Lò, áo cẩm bó sát thân, váy nhung đen mền mại, xá tích đeo ngang hông, cổ quàng chiếc khăn xòe dài sát đất thắm sắc màu, vừa đi vừa hát những lời ca giao hòa cuộc sống cộng đồng. Lời ca ấy do chính họ sáng tạo nên ca ngợi giá trị của điệu xòe: “ Ai ơi, không xòe không tốt lúa/ Không xòe, thóc cạn bồ/ Không xòe, trai gái không thành đôi!”. Một anh con trai vẻ thư sinh, đó là người lính Thanh Mai, Hiệp đốc nhìn thấy quen quen. Đúng rồi, anh ta là Nguyễn Hữu Phú mới được phong chức đội trưởng vừa đi tìm kiếm những Liệt sỹ hy sinh trên đường từ Vô Tranh sang Quế Sơn về. Anh cầm tay các cô gái hát lên: “Không xòe, không làm lính Cần Vương”, “Không xòe, người xa không quen biết nhau”, “Không xòe, anh với em không thành đôi”, “ Không xòe, là hết thương nhau”. Ông nhìn thấy một cô gái Thái nhìn người đội trưởng trắng trẻo ấy cười khúc khích. Họ phải lòng nhau, thương nhau thật rồi, đẹp đôi, xinh tươi quá!
Hiệp đốc Giáp lại thấy đống lửa giữa sân bùng lên sáng cả đất trời. Màn xòe như đã đến hồi kết thúc, mọi người lại nắm tay nhau lần nữa, cùng vỗ tay, nghiêng đầu sang trái, sang phải một thôi dài rồi đi ra cổng tiễn biệt nhau. Bầu trời đêm nay không có trăng nhưng ánh lửa hội xòe soi tỏ con đường về bản, về mường. Đề Kiều, Tán tương quân vụ Lê Thanh cũng đốt đuốc đưa ông về nhà sàn cao trong trung tâm thành Mường Lò. Tướng sỹ của năm đạo quân ta đang trở về đồn trại, tay giơ cao ngọn đuốc mang lửa từ hội xòe làm rực sáng cả đất trời Mường Lò, Nghĩa Lộ.
*
Ngày hôm sau, Hiệp đốc Giáp cùng Lê Thanh, Hà Đức Thành tán tương quân vụ cưỡi ngựa đi đến đạo Tiền quân. Đoàn phải dắt ngựa qua suối Đôi về bản Bon. Dọc đường ông nói với hai người:
- Đốc Khiêm nó nói đúng đấy. Địa bàn thì rộng, quân thì ít, vũ khí thì thô sơ không thể bao quát được, chỉ huy sẽ rất lúng túng khi địch kéo quân đến vây đánh.
Lê Thanh cùng đồng ý kiến:
- Thưa Hiệp đốc! Không phải chỉ có đạo Tiền quân mà ngay cả đạo Trung quân cũng vậy, các đạo quân khác cũng thế. Ngay đạo Trung quân bảo vệ Đại bản doanh Mường Lò cũng chỉ có hơn ba trăm người, khó bày trận. Ta không có súng, có pháo, có xe cộ gì, điện đài liên lạc cũng không có. Ta chỉ có lưu linh đi bằng chân, không thể thông báo tin tức nhanh. Quân địch đến ứng phó không kịp thời, quân quan sẽ rối loạn mà đã rối loạn thì chỉ có thua.
Hà ĐứcThành bối dối:
- Thế thì ta phải làm gì để thắng?
- Còn làm gì được!
- Chịu thua à.
- Không chịu thua thì chỉ có đánh đến cùng!
Hiệp đốc Giáp nghe hai người tán tương quân vụ nói chuyện với nhau, thấu hiểu nỗi băn khăn của họ. Ông muốn giải bài toán thắng thua này cảm thấy rất khó. Trong chiến tranh muốn thắng đối phương, người chỉ huy chiến lược, chiến thuật đều phải tính toán thật giỏi. Ai biết giải ra đáp số thì người đó chủ động hơn. Thắng hay bại là đáp số cuối cùng. Ai tìm thấy đáp số nhanh thì tránh được những tổn thất, đau thương, cả trong khi thắng, khi bại. Hai người tán tương quân vụ cùng đi nói với nhau đã mong manh chỉ ra đáp số cho cuộc chiến này rồi.
Ông nhìn núi non trùng điệp, xa mờ phía trước. Ngòi Đôi đây rồi, nó chảy nhập vào ngòi Thia và chảy qua châu Vân Yên tới sông Thao. Theo dòng nước này có đường ra suối Cô, nơi đó cũng cần phải có quân đóng đồn, phòng khi giặc theo ngòi Thia đi vào. Phía trên là Tú Lệ đã có nghĩa binh địa phương, phải tìm và giao nhiệm vụ cho họ chặn địch theo ngòi Hút vào. Ngòi Hút cũng chảy ra sông Thao, đoạn Trái Hút, giặc Pháp đã chiếm rồi. Hồi tháng 6, giặc Pháp đánh Tiên Động lần thứ nhất, chúng đã cho quân đánh chiếm và phá phòng tuyến Tuần Quán- Giới Phiên chiếm làng Yên Bái và Âu Lâu và chiếm luôn Trái Hút. Đốc Thành, người dân tộc Tày đã phải cho binh lính rút vào vùng rừng núi phía Tây và phía bắc Trấn Yên, Vân Yên.
Đến khu bản Bon, Hiệp đốc Giáp gặp đốc binh Trịnh Bá Khiêm vừa đi tắm ở ngoài suối về. Anh hồ hởi khoe với Hiệp đốc Giáp:
- Thưa Hiệp đốc! Ở bản Bon có suối nước nóng, nóng lắm ạ. Tắm rất thích! Tôi lên đây, ngày nào cũng tắm nước nóng, người khỏe ra, anh em binh sỹ cũng vậy. Tôi xin dẫn Hiệp đốc và hai tán tường quân vụ đi tắm ngay bây giờ. Trời rét mà tắm, sướng ơi là sướng!
- Thôi, để khi khác, bây giờ cậu cho mình đi thăm binh sỹ ở các đồn binh.
- Báo cáo Hiệp đốc, chúng tôi chia số quân hơn hai trăm ba mươi người ra làm năm đội. Đội 1 ở ngay bản Bon, đội 2 ở bên phải bản Bon, đội 3 ở trên bản Bon năm dặm, đội 4 đóng ở phía đông Bản Bon cách sáu dặm phía cuối ngòi Đôi, gặp ngòi Thia, đội 5 là đội tiền tiêu đóng ở Nậm Kíp, cách hơn 20 dặm trên đường lên Tú Lệ và Mù Căng Chải.
Đốc Khiêm dẫn Hiệp đốc ra thăm Đội 1, tất cả binh sỹ đều có mặt đông đủ, gồm 50 người. Đội trưởng Vũ Thế làm đôi trưởng vẫn vui khỏe như ngày ở đồn tiền tiêu ở ngoài bờ sông Thao. Anh ta nói:
- Lên trên Văn Chấn không phải chịu pháo đấm lưng như ngoài bờ sông Thao nữa. Hiệp đốc cứ yên tâm là chúng tôi sẽ bảo vệ tốt mặt bắc Mường Lò. Bọn giặc Pháp không thể làm đường kéo pháo vào đây đâu. Đồi núi, rừng đồi sẽ che chắn cho ta, đồng bào các dân tộc sẽ che chở cho quân ta. Nếu giặc Pháp kéo đến chúng ta sẽ giáng trả quân Pháp một cách dễ dàng.
- Có chủ quan không đấy, chú Vũ Thế! Tôi vẫn lo là quân ta sẽ không trụ vững được, phải tìm cách khác. Tôi đề nghị quan quân đã trải qua những trận đánh ở thành Sơn Tây, Hưng Hóa, ở làngThanh Mai, Thạch Sơn, Tiên Động, ở Đồi Re, Đèo Gỗ suy nghĩ tìm ra cách đánh mới thì hơn. Tôi thấy quan quân ta vẫn có phần chủ quan, coi thường địch như vây sẽ không tốt đâu.
- Vâng, chúng tôi sẽ suy nghĩ ạ!
- Bây giờ, mỗi ngày quan quân các đội sẽ họp một lần, chỉ huy các đạo họp một lần rút kinh nghiệm tìm ra cách đánh mới, có ghi chép lại. Tán Thanh, Tán Thành đi thu thập tài liệu hàng ngày và Chỉ huy Đại bản doanh sẽ nghiên cứu trên cơ sở những kinh nghiệm và những đề xuất mới được rút ra và đề nghị.
Vâng ạ, chúng tôi sẽ làm như Hiệp đốc nói!
Hiệp đốc Giáp nhìn Đốc Khiêm:
- Bây giờ, Đốc Khiêm lấy ngựa cùng chúng tôi đi lên Đội 5, đội tiền tiêu, còn các đội khác gần đây tôi và Chỉ huy Đại bản doanh sẽ xuống kiểm tra sau.
Đốc binh Khiêm giao công việc cho Phó đốc binh Lê văn Tấn lấy con ngựa của dân bản Bon vừa ban tặng. Ngựa tuy nhỏ nhưng chạy rất nhanh, chẳng kém mấy con ngựa của Đại bản doanh mà các quan chỉ huy đang cưỡi. Đường xa, trời nắng ráo, cảnh trời đất Văn Chấn thật đẹp. Người dân tộc thiểu số ở đây đã bao nhiêu đời rồi, họ bới đất lật cỏ làm nên những thửa ruộng bậc thang, đẵn gỗ rừng làm nên những căn nhà sàn ven suối xinh xắn. Cuộc sống trong yên bình, con người lao động sáng tạo làm chủ thiên nhiên vun đắp hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Nhìn thấy những người dân hiền lành sống trong những căn nhà dọc đường, Hiệp đốc hỏi Đốc Khiêm:
- Đốc Khiêm này, cậu có tin gì về gia đình vợ con không?
Đốc Khiêm lắc đầu:
- Từ khi giặc Pháp kéo về làng, chúng đốt nhà tôi, vợ con tôi chạy đi ở làng khác, không biết sống chết ra sao nữa. Lúc ở Tiên Động chỉ cách có hơn mười dặm mà bận việc quân không về được. Giờ thì đã xa hàng trăm dặm chẳng có hy vọng về thăm.
- Thế là hoàn cảnh của cậu cũng giống hoàn cảnh mình và hoàn cảnh của nhiều quan quân ta hiện nay. Nhà mình ở Xuân Húc, Vĩnh Tường vừa bị giặc Pháp và bọn tay sai trả thù đốt hết rồi. Vợ con tớ thì sang quê ngoại bên kia sông Hồng sống nhờ anh em họ hàng, cũng không biết có được yên bình như những người dân kia không?
Nhớ ra Đốc Khiêm là em trai Tán Khảm ông lại nói:
- Mình quên mất, Đốc Khiêm là em trai Tán Khảm phải không? Tán Khảm bị giặc Pháp phục kích bắn chết trên đường lên Vân Hội. Thật tiếc! Tán Khảm là người chỉ huy dũng cảm có tài bị hy sinh là một tổn thất lớn lao, không bao giờ bù đắp được. Khi nào Đốc Khiêm về Phùng Xá cho mình gửi lời chia buồn với phụ mẫu và họ hàng.
- Thưa Hiệp đốc Giáp, cha mẹ của anh em tôi đã qua đời cả rồi. Tôi và anh em nghĩa binh Phùng Xá theo quân Cần Vương, trước ở Tiên Động nay chuyển lên đất Nghĩa Lộ xa xôi, biết bao giờ chiến thắng mà trở về nhà?
Hiệp đốc Giáp nghe Đốc Khiêm nói, biết và hiểu sâu sắc thêm hoàn cảnh riêng của từng người. Ông không nói gì nhìn về phía trước thấy núi non xanh thẳm, lòng man mác buồn.
Các quan chỉ huy đi ngựa đến trưa mới đến nơi đóng quân của đội 5 ở Nậm Kíp. Doanh trại làm ngay bên bờ suối nước chảy ào ào. Đội trưởng Lê Tượng đang cho binh sỹ nghỉ ngơi trong nhà và chuẩn bị ăn cơm trưa. Thấy đoàn đến, Lê Tượng bày cơm mời các quan chỉ huy đến thăm. Anh nói với Hiệp đốc Giáp:
- Chúng tôi đóng quân ở xa, Hiệp đốc và các quan đã không quản ngại đến thăm, nhân bữa trưa thì ăn cơm với chúng tôi. Bữa cơm hôm nay, chúng tôi có thịt lợn rừng, cá sình câu được.
- Cảm ơn Đội Tượng! Chúng tôi có mang cơm nắm theo, cùng ăn chung với anh em vậy.
- Thế thì tốt lắm rồi! Anh em đâu, mang rượu sán lùng ra uống mau lên!
Tán tương quân vụ Lê Thanh mang cơm nắm bày ra bàn. Mọi người cùng ngồi trên những chiếc ghế bằng tre mà anh em binh lính tự làm, ăn uống rất tự nhiên, nói chuyện rôm rả. Anh lính Nguyễn Văn Hỷ thưa với Hiệp đốc Giáp:
- Chuyển quân lên Nghĩa Lộ, chúng tôi thấy sung sướng lắm! Đường đất thì rộng mênh mông, người dân thì thật thà, yêu quý nghĩa binh. Chỉ tội quần áo rách rưới quá, chẳng xứng với danh nghĩa là lính Cần Vương. Người dân trên tổng Tú Lệ thương tình đang đi mua vải về may quần áo cho quân sỹ trong dịp tết đến xuân về.
Hiệp đốc nghe nói cười vui:
- Chúng ta tham gia chống Pháp đã ba năm rồi. Tướng quân như tôi mới chỉ có một bộ quần áo mới do dân may, được cấp từ hôm lên dự lễ tế cờ, Hội tướng ở Tiên Động. Tôi biết anh em thiếu thốn, quần áo rách rưới lắm, nhưng chưa lo được hết. Lên đây anh em sống tốt để nhân dân thương yêu, lo cho. Ừ, tháng nay là tháng Một, tháng sau là thánh Chạp, hết tháng Chạp là Tết Nguyên đán. Binh sỹ đóng đồn ở đâu thì quan hệ tốt với mọi người, dân thương yêu sẽ lo cho quân sỹ nhiều thứ đấy.
Anh lính Hỷ phấn khởi lại thưa:
- Chúng tôi ở đây, bọn Tây không tới được. Hiệp đốc cho phép chúng tôi vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa sản xuất như làm ruộng, làm nương, nuôi trâu, bò, ngựa, dê. Triều đình và dân không thể lo cho quân lính mãi được. Tự túc là hơn, lo cho mình thì không đói, chờ đợi trên cấp có khi chết rũ xương đấy!
Đội Tượng chống chế:
- Mọi người đừng nghe lính Hỷ nói. Làm ruộng, làm nương thì hóa ra là làm dân Văn Chấn à? Chúng tôi muốn đánh nhanh, thắng nhanh để còn về với vợ con. Cho cậu Hỷ ở lại mà chăn trâu bò ngựa, lấy vợ người Thái, người Miêu.
Mọi người cười vang, Hiệp đốc khen:
- Lính Hỷ nói rất đúng, thực túc thì binh cường, ta cho phép làm đi! Sản xuất làm ra nhiều lúa gạo, ngô khoai, thịt rau cá mà ăn là rất tốt. Còn như nói Tây không thể tới đây là sai. Chúng sẽ tìm quân ta để đánh, có thể chúng còn làm đường, kéo pháo lên tới Mường Lò để phá quân ta. Quân quan không phòng bị, không chặn được chúng thì nguy to đấy.
Ăn cơm xong, Hiệp đốc Giáp và các chỉ huy đi thăm các vị trí đóng quân chốt chặn. Mọi người trông thấy hầm hào đơn giản, không cắm ngụy trang, ai đi qua cũng nhìn thấy trận địa. Hiệp đốc lắc đầu:
- Từ đội trưởng đến anh em chiến sỹ còn rất chủ quan, coi thường địch. Sai lầm là mọi người vẫn suy nghĩ giặc Tây còn xa, nên chẳng cần chuẩn bị. Tôi đã nói địch sẽ đi tìm ta để đánh. Ta không chú ý, khi địch đánh không chống trả được, rút lui cũng không biết rút như thế nào thì dễ bị tiêu diệt. Tôi khuyên anh em binh sỹ phải cảnh giác, chuẩn bị đánh địch trong mọi tình huống. Bây giờ ở Nậm Kíp phải tính vươn tới Tú Lệ, Mù Căng Chải, Vân Yên, Văn Bàn và xa hơn nữa. Địch có thể theo ngòi Hút, ngòi Thia từ phía sông Thao đánh vào. Ở mặt trận phía đông bắc địch đóng ở ven sông Thao có thể theo ngòi Rành, ngòi Lao, ngòi Vần đánh lên Đại Lịch, Thượng Bằng La và Ba Khe. Cũng có thể giặc Pháp từ Sơn La, Lai Châu đánh sang Trạm Tấu và Văn Chấn.
Ông nhìn mọi người nói động viên:
- Đất nước ta còn hy vọng trông vào quân Cần Vương tại mặt trận Tây Bắc. Ta không thắng thì sự nghiệp Cần Vương có thể bị thất bại. Tôi rất lo, anh em phải biết lo, cùng nhau lo thì còn hy vọng chiến thắng. Anh em lên Nghĩa Lộ, Văn Chấn là theo tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Hiệp thống đại thần, Nguyễn Quang Bích. Bây giờ mới là giai đoạn đầu thực hiện đã thấy nhiều khó khăn, anh em phải tin tưởng phải cố gắng phấn đấu lập công. Từ Chỉ huy Đại bản doanh đến người lính phải thực sự yên tâm, phải vượt lên gian khổ hy sinh, phải cùng suy nghĩ tìm ra cách đánh tốt nhất, hiệu quả nhất. Để một ngày không xa, chúng ta đánh đuổi hết quân Pháp ra khỏi bờ cõi, giành thắng lợi hoàn toàn.
Hiệp đốc Giáp nhìn Đội trưởng Lê Tượng:
- Bây giờ tôi phải về Đại bản doanh Mường Lò lo công việc chung, tôi giao công việc nữa cho đội 5, đạo Tiền quân phải chú ý tin tức từ biên giới Việt -Trung, có việc phải lên Bắc Tấn đón Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích đi sứ trở về. Tôi cũng rất sốt ruột, Hiệp thống đại thần và đoàn đi đã lâu rồi mà chưa nhận được một tin tức gì, không biết việc gì đã xảy ra? Lành hay dữ không ai có thể đoán định được?
Khi mọi lên ngựa chuẩn bị về Mường Lò thì thấy Phó Đốc binh Đàm Đức Lương và lính Quàng Văn Long từ Bắc Tấn tìm về. Binh lính gác đường ra chặn lại thì gặp và nhận ra Phó Đốc Lương là quân của Tiên Động. Binh lính gác bảo rằng có Hiệp đốc Giáp đang thăm trại lính tại đây. Phó Đốc Lương mừng quá vội vàng cho ngựa quay vào đồn binh Nậm Kíp.
Gặp Hiệp đốc Giáp, Phó Đốc Lương báo lại:
- Hiệp thống đại thần lĩnh nhiệm vụ đi sứ, đến nay chưa có tin tức gì. Khê Ông phụng chỉ đi sứ, đến Bắc Tấn thì ốm nặng không đi được, ở lại Huồi Luông. Đại tướng, Nguyên nhung Tôn Thất thuyết đến châu Bắc Tấn cũng bị ốm, không đi được đành trao Quốc thư của Vua Hàm Nghi cho Hiệp thống đại Thần toàn quyền đi cầu viện. Ngài Tôn Thất Thuyết cùng Tri phủ Đàm Văn Thìn quay về Lai Châu chữa bệnh. Ông ấy bảo tôi và Khê Ông với 4 người lính cùng về Sơn La. Về hạt Sơn La, Khê Ông phát bệnh nặng từ trần. Chôn cất xong chúng tôi cử Ma Đức Phổ và Sùng Mý Nô ở lại chăm nom phần mộ, chờ Hiệp thống đại thần đi sứ trở về.
Hiệp đốc Giáp bàng hoàng khi nghe tin Phó Chỉ huy Khê Ông đã qua đời. Nhưng ông cắn răng không tỏ thái độ, không nói câu gì, sợ quan quân nao lòng. Để kịp tới Mường Lò trước khi trời tối, Hiệp đốc chào binh sỹ đội 5 và giục mọi người quay về ngay. Tất cả lên ngựa phi nước đại nhằm hướng thành Mường Lò, nơi đó đã là Đại bản doanh của nghĩa quân. Khi đoàn trở về tới nơi thì trời vừa sẩm tối.
Ông bảo Phó Đốc binh Đàm Đức Lương ở lại Ban Chỉ huy Đại bản doanh giữ chức Tán tương quân vụ, anh lính Quàng Văn Long người Thái Đen ở lại làm lính cần vụ cho các chỉ huy.
Lúc 8 giờ tối, bên ngọn đèn nhựa trám, ánh sáng trắng tỏa mùi hương thơm ngát. Ông mới bình tâm ngồi cùng Tán Lương hỏi chuyện:
- Anh kể lại cho tôi nghe mọi việc xảy ra dọc đường, để tôi còn hoạch định công việc mới.
Tán Lương kể:
- Lên tới Lai Châu đoàn còn thấy Đại tướng, Nguyên Nhung Tôn Thất Thuyết đi xem dân Lai Châu diễn xòe, nhảy sạp. Ông thấy đoàn Tiên Động lên cũng không mặn mà gì, chỉ kêu Tri phủ Đàm Văn Thìn cho người xếp chỗ ăn ngủ. Mấy hôm sau lên tới Bắc Tấn, sắp vượt biên thì ông ta kêu sốt ốm, bảo không thể đi được nữa. Ông gọi Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đến, trao quốc thư của Vua Hàm Nghi và bảo lĩnh trách nhiệm toàn quyền đi sứ nhà Thanh.
Hiệp thống đại thần lên đường cùng 25 người sang Mông Tự còn chúng tôi 5 người ở lại chăm sóc, bảo vệ Khê Ông. Lúc đó, chúng tôi có ý định đưa ông quay về Tiên Động. Nhưng ngài Tôn Thất Thuyết lệnh cho mọi người phải về hạt Lai Châu. Chẳng may đến Lai Châu thì Khê Ông qua đời. Chúng tôi chôn cất tử tế và sau đó có cắt cử người trông nom phần mộ chờ Hiệp thống đại thần đi sứ thắng lợi trở về. Chúng tôi định về báo cho Hiệp đốc biết nhưng Đại tướng Nguyên nhung bảo chúng tôi phải ở lại. Thế là chúng tôi không thể nào về Tiên Động được nữa.
- Bây giờ Đại tướng Nguyên nhung đi đâu, làm gì?
- Chúng tôi được biết Hiệp thống Đại thần có nói với ngài Tôn Thất Thuyết, khi khỏi ốm sốt thì về ngay Tiên Động cùng quan quân chiến đấu và cho rút quân lên Nghĩa Lộ, xây dựng“ Kinh đô kháng chiến”, cử người vào Quảng Bình đón Vua Hàm Nghi ra đây, để giương cao ngọn cờ Cần Vương chống Pháp. Ngài Tôn Thất Thuyết phải đứng ra cầm quân, lập Triều đình mới và Bộ Chỉ huy tối cao, kêu gọi các lực lượng kháng chiến trong cả nước quy tụ về, thống nhất chỉ huy, đưa ra sách lược, chiến lược cụ thể để chỉ đạo cả nước. Tập họp người tài, người có nhân phẩm có bản lĩnh phụng sự Vua Hàm Nghi thì thế nào cũng lấy lại được nước.
- Có thể nào Đại tướng, Nguyên nhung lại không giữ lời, không nghe Hiệp thống đại thần?
- Thưa Hiệp đốc, tôi về đó mới biết, ngài Tôn Thất Thuyết chỉ coi quan quân Tiên Động như một“đám cô quân” như lời thơ tặng Hiệp thống đại thần. Ngài không tin vào quan quân ta, nên mới không về Tiên Động. Nếu là một vị đại tướng quên mình, xả thân, ham đánh giặc thì lại khác. Ngài ấy là kẻ hèn nhát, bất tài, mê muội vào sự cầu viện nhà Thanh. Nhưng nhà Thanh đã ký với quân Pháp nhiều hòa ước, điều ước rồi, không thể giúp nước ta được nữa, thì đến với họ làm gì cho mất thì giờ.
- Ở với ngài Đại tướng Nguyên nhung Tôn Thất Thuyết một thời gian, Tán Lương thấy thế nào?
- Một con người đáng sợ, không thể tin được. Tôi nhiều lần định chạy trốn về Tiên Động nhưng không được. Hiệp đốc là người từng trải, biết tính cách con người ấy, vô thủy vô chung, hiếu sát, không thương dân, có chí chống giặc Pháp nhưng bất tài, nên chỉ làm khổ dân, khổ quân. Ngài Tôn Thất Thuyết không là người cộng khổ, mà cũng chẳng là người đồng cam! Ngài Tôn Thất Thuyết đã bỏ sang Tàu rồi, đi đường thượng đạo sang Tuyên Quang, lên Lạng Sơn rồi chuồn sang Quảng Tây, Trung Quốc. Ngài ấy bảo đi cầu viện nhà Thanh nhưng mà làm được gì kia chứ?
Ngồi thừ ra một lúc như nhớ ra việc gì hệ trọng, Tán Lương hỏi:
- Hiệp đốc Giáp còn nhớ Thông sứ Phan Đức Huy?
- Sao lại không nhớ ông ta! Ông ta sao rồi?
- Ông ta chết rồi!
- Vì sao chết, chết vì sao?
- Ông ta có lẽ bị giết chết!?
- Nghi án à? Kẻ giết là ai?
- Tôi nghi là chính ngài Tôn Thất Thuyết đã sai người giết ông ta? Vì ông ta phản đối việc Đại tướng, Nguyên nhung không chịu về Tiên Động để cùng quân dân ta đánh giặc. Phản đối ý đồ đi Trung quốc cầu viện nhà Thanh, khi mà việc đi cầu viện đã có Hiệp thống đại thần Nguyễn Quang Bích cầm Quốc thư đi rồi. Hiệp thống đã khuyên Đại tướng, Nguyên nhung ở lại chiến đấu sống mái với giặc Pháp, dù chết cũng cam lòng. Ông Phan Đức Huy còn nói, đại quân ta ở Tiên Động sẽ chuyển lên Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Quan quân ta sẽ đón vua Hàm Nghi ra Bắc đến ở đất Nghĩa Lộ, Văn Chấn. Nơi đây sẽ là “Kinh đô kháng chiến” để ta giương cao ngọn cờ Cần Vương. Quân dân cả nước sẽ một lòng, triều đình sẽ thống nhất, sức dân, sức quân sẽ lên như thác vỡ bờ, khó gì mà không thắng nổi quân Pháp.
Ngài Tôn Thất Thuyết hỏi lại:
- Thế vũ khí, trang bị quân ta sẽ lấy từ đâu?
Ông Phan Đức Huy dõng dạc trả lời:
- Dân ta sẽ làm ra vũ khí! Đánh giặc tranh cướp lấy vũ khí! Thiếu thì bỏ tiền, bỏ vàng ra mua, ở Trung Quốc, ở Ai Lao, ở Xiêm La, ở Miến Điện, thậm trí mua trên tàu buôn phương Tây ở trên biển Đông.
- Nhưng quân Tiên Động của Hiệp thống Nguyễn Quang Bích chỉ là “ đám cô quân”!
- Không phải là “ đám cô quân” mà là đại quân! Ngài Tôn Thất Thuyết kính mến! Ngài mà nghĩ như thế, thì ngài không xứng đáng là Đại tướng, Nguyên nhung! Ngài mà bỏ đi Trung Quốc lúc này thì không xứng đáng là thống soái của phong trào Cần Vương, mà là kẻ đào tẩu!
Ngài Tôn Thất thuyết nghe tức quá, rút gươm ra định chém Thông sứ Phan Đức Huy. Ông Huy không sợ chết chìa ngay cổ mình ra cho chém, khiến ngài Tôn Thất Thuyết phải chùn tay. Bữa tối, ông Huy không ăn cơm; sáng mai người ta thấy ông Huy đã chết. Ông Thuyết còn sai tôi và binh sỹ đem xác Thông sứ Huy đi chôn tại nghĩa địa hạt Lai Châu gần bờ sông Đà.
Hiệp đốc nghe lặng đi một hồi lâu như là để tưởng nhớ Phan Đức Huy con người đẹp đẽ, kháng khái. Ông nói:
-Thông sứ Phan Đức Huy xứng đáng là “chân đệ nhất nhân”! Tôn Thất Thuyết sẽ chết khốn khổ ở bên Tàu! Đồ mạt kiếp!
Hiệp đốc Giáp rủa ngài Tôn Thất Thuyết mấy câu rồi bình tâm nói:
- Tán Lương à, thôi ta biết vậy. Không nên nói với ai nữa, sợ tướng sỹ ta nghe thấy sẽ nản lòng! Về sau lịch sử nước nhà sẽ phán xét. Cuộc chiến chống giặc Pháp của ta vừa rồi xảy ra rất ác liệt, quân ta đã rút lên Văn Chấn, lấy thành Mường Lò làm Đại bản doanh, lấy Nghĩa Lộ làm trung tâm kháng chiến chống Pháp xâm lược. Tán tương quân vụ Đàm Đức Lương về đây sẽ góp một phần công lao cho chiến thắng ngày mai!
Hôm sau và mấy ngày sau đó, Hiệp đốc Giáp cùng các tán tương quân vụ đi đến thăm các đạo: Hậu quân, Hữu quân, Tả quân và bố trí lại đạo Trung quân. Đến đâu ông cũng nói: cuộc chuyển quân từ Tiên Động lên Văn Chấn, Nghĩa Lộ là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. Khi được tin thống đốc toàn quyền Pôn Be chết, vì lo nghĩ trước thất bại của quân Pháp tại Tiên Động. Hiệp đốc Giáp làm việc càng say sưa quên mình, tính tình vui vẻ hơn. Khi Tết đến xuân về, người dân Mường Lò may cho ông bộ xuân phục quan triều hàm Tòng nhất phẩm rất đẹp mặc chào mừng năm mới. Đón xuân mới năm 1887, Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp nhớ ra tuổi mình vừa tròn năm mươi.