Trong quan hệ giữa người với người, bất an nhất là sợ hãi và hoảng loạn, cho nên Bồ tát Quán Thế Âm không chỉ cứu khổ cứu nạn mà còn ban cho con người sự “vô úy”1. Việc này cũng giống như những người có điều kiện đứng ra bảo vệ kẻ yếu thế, trấn an họ: “Đừng sợ, tôi sẽ giúp bạn!” Tinh thần bố thí này là vô cùng quan trọng.
1 Không sợ hãi, lo lắng.
Bồ tát Quán Thế Âm quán sát tiếng kêu để cứu khổ và ban cho chúng sinh sự “vô úy”. Do đó ngài còn có danh hiệu là “Thí vô úy giả”1. Vậy mà, trên đời này lại có những người chẳng những không cho người khác sự “không sợ hãi”, mà còn cố tình gieo rắc nỗi bất an. Nếu có thể dọa người, họ liền ra sức dọa người; nếu có thể khiến người sợ liền tận lực làm người khác sợ chết khiếp. Điều này không những không “thí vô úy” mà ngược lại còn làm cho xã hội đầy rẫy chướng ngại, thậm chí là khiến mây đen chiến tranh bao phủ dày đặc, khiến cho người ta cảm thấy nguy cơ tứ phía, phấp phỏng bất an.
1 Vị Bồ tát bố thí sự không sợ hãi.
“Biết người biết mặt khó biết lòng”. Cho nên khi kết giao bạn bè phải đề phòng những biến cố trong tương lai. Hay như tuyển nhân viên cũng phải tìm hiểu kỹ về thân thế ứng viên, tránh bất trắc xảy ra.
Người lớn trong nhà thường dặn con cháu: “Không được có bụng hại người nhưng phải có tâm phòng người”. Người trong một nhà, dù là cốt nhục tình thân, có lúc vẫn phải có ý đề phòng, tránh liên lụy lẫn nhau. Trong cơ quan đoàn thể luôn phải có kế hoạch phòng trước những phần tử phá hoại việc chung. Cho đến phạm vi rộng như trong một quốc gia, mỗi cơ quan cũng đều có các cơ chế phòng vệ khác nhau, ví dụ bảo mật chống gián điệp, chống tham nhũng, chống trộm, chống tiết lộ, chống phá hoại, v.v. Vậy nên Cục điều tra, Cục an ninh, cho tới Tổng cục cảnh sát, v.v. mới được lập ra nhằm mục đích ngăn chặn kẻ xấu, phòng tránh việc nguy hại, hóa giải nhân duyên bất thiện, v.v.
Sống trên đời, chúng ta nên tỏ lòng từ bi, dũng cảm bảo vệ tất cả chúng sinh. Chúng ta hãy là chiếc ô che chở cho chúng sinh khỏi bị ướt mưa. Chúng ta hãy là chiếc đèn pin chiếu soi để tất cả chúng sinh không bị hoảng loạn bởi bóng tối. Chúng ta hãy là ngôi nhà che gió che mưa để chúng sinh không còn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Chúng ta hãy là chiếc thuyền chuyên chở hết thảy chúng sinh vượt qua biển khổ. Điều này cũng giống như hạnh bố thí sự “không sợ hãi” của Bồ tát Quán Thế Âm.
Trên đời này, tuy đâu đâu cũng có người tốt nhưng cũng chẳng thiếu kẻ ác, người xấu. Bởi vậy trong việc đối nhân xử thế, chúng ta cũng rất cần sự tỉnh táo.
Cổ nhân dạy rằng: “Người biết nhẫn nhịn thì không phải lo sợ”; “Người nhân từ thì không có kẻ thù”. Quan trọng nhất là, “Bình thường không làm việc xấu thì nửa đêm có người gõ cửa cũng chẳng phải sợ”, và dũng khí “Đứng vững trước mũi tàu, chẳng sợ sóng phủ đầu”. Chỉ cần bản thân luôn tuân thủ pháp luật, đối nhân xử thế bằng đức từ bi chính trực, làm một con người quang minh lỗi lạc, thì tự nhiên có thể sống an nhiên tự tại giữa cuộc đời vậy.