Trên đời có việc chung, cũng có việc riêng. Việc chung cần phải thông báo cho mọi người được rõ, còn việc riêng thì không cần rêu rao cho người khác biết. Tuy nhiên, dù đó là việc chung ví như chính sách quốc gia, chuyện cơ mật của đất nước, khi chưa tới lúc cần công khai, thì nó cũng cần được giữ kín. Huống hồ là những việc riêng tư của mình, nếu không muốn người khác biết đến thì bạn càng phải cẩn trọng giữ kín nó trong lòng.
Chúng ta giữ bí mật chuyện gì đó không có gì là không đúng, bởi vì chuyện đó tạm thời chưa đến lúc công khai cho mọi người biết. Nếu lúc này không giữ bí mật, để lộ cho quá nhiều người biết, chỉ sợ là không những việc chẳng thành, ngược lại còn làm hỏng chuyện. Ví dụ như các điệp vụ giữa các nước với nhau, những thương vụ bí mật giữa các tập đoàn, v.v. đều cần sử dụng đến tầng tầng lớp lớp các biện pháp bảo mật nghiêm cẩn để giữ kín. Bởi vì thực hiện tốt công tác bảo mật cũng chính là đang bảo vệ những người liên quan.
Giữa các nước với nhau cần giữ bí mật, giữa các tập thể với nhau cũng cần giữ bí mật, giữa bạn bè với nhau cũng sẽ có bí mật. Trong mối quan hệ bạn bè, đôi bên càng biết nhiều bí mật của nhau càng dễ trở thành bạn thân chí cốt. Cho nên, bạn tốt đúng nghĩa là khi đôi bên biết giữ kín chuyện riêng của nhau. Khi một người hiểu được rằng, việc giữ bí mật giúp bản thân họ hạnh phúc hơn là phô bày bí mật riêng tư ra ngoài, thì họ thực sự đã trưởng thành.
Tuy nhiên, trên đời này thực sự có bí mật sao? Chúng ta gặp mặt câu mở đầu thường là: “Tôi có chuyện này kể riêng cho anh, anh đừng nói cho ai đấy nhé!” Người nghe sau đó lại nói với người thứ ba rằng: “Chuyện này tôi chỉ nói cho anh thôi đấy. Anh đừng kể cho ai nữa nhé”. Cứ như vậy, sau vài lượt chúng ta rỉ tai nhau thì cái được gọi là bí mật đó không bao lâu sau cả thiên hạ đều đã biết hết.
Tiết lộ thông tin là một điểm yếu của con người, bởi vì chúng ta thích lấy việc nắm giữ bí mật nội bộ để thể hiện bản thân có địa vị đặc biệt, hay muốn qua đó chứng tỏ bản thân thông thạo tin tức. Nắm giữ bí mật có thể phô ra cho thiên hạ thấy sức ảnh hưởng của bản thân, cho nên việc tiết lộ bí mật đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Ngay như trong Lục Tổ đàn kinh, chúng đệ tử nghe Lục Tổ1 thuyết pháp xong vẫn còn hỏi thêm: “Bạch Tổ, còn có ‘bí mật’ nào nữa không ạ?”. Lục Tổ trả lời: “Bí mật đang ở bên cạnh các ngươi đó”. Như vậy có thể thấy, tò mò với những điều bí mật chính là bản tính của đa số chúng ta.
1 Tức Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông Trung Hoa.
Thái tử Đan của nước Yên cùng nghĩa sĩ Điền Quang bàn mưu hành thích Tần Thủy Hoàng. Điền Quang tiến cử Kinh Kha là người thực hiện, thái tử Đan nói: “Việc này có can hệ đến tồn vong của nước Yên ta, tuyệt đối phải giữ kín!” Điền Quang tuân lời, về đến nhà liền tự sát. Điền Quang dùng việc tự sát để thể hiện chí khí bản thân mình tuyệt đối không bao giờ tiết lộ bí mật kia. Ý thức cao độ về việc giữ gìn bí mật như thế này, có thể nói là cực kỳ công phu vậy.
Có người chuyên thích dò la chuyện bí mật, có người lại hận bản thân không thể tránh khỏi dính líu đến chuyện cơ mật. Bởi vì, đôi khi biết được bí mật của người khác lại là tự rước phiền phức vào người, thậm chí là rước lấy họa sát thân. Vì thế, chúng ta nên cố gắng tránh xa những cuộc trò chuyện bí mật, lời nói bí mật hay những việc làm bí mật của người khác. Phàm là những chuyện bí mật, hạn chế tham gia hết mức có thể. Đây cũng chính là bí quyết bảo vệ bản thân đầy khôn ngoan được đúc kết lại từ ngàn xưa.
Phải giữ bí mật hay là không cần bảo mật nói cách khác chính là có thể nói ra hay là không được tiết lộ. Phàm chuyện có thể nói với người khác mà lại im lặng không nói, thì thuộc hàng “thất nhân”. Phàm chuyện không thể nói với người khác mà lại nói ra, thì thuộc hàng “thất tín”. Chuyện bí mật của người khác, lại mang đi rêu rao khắp nơi, đây gọi là “thất đức”. Không đi khắp nơi nói lộ những chuyện bí mật của bản thân cũng như của bất cứ ai, đó cũng được xem là sự “tu dưỡng” vậy.