Đã bao giờ bạn từng cố ý gây khó dễ cho người khác chưa? Bạn có cách gì để tháo gỡ khúc mắc của đôi bên? Và khi hợp tác làm việc cùng người khác, hai phía đều chấp nhặt ý kiến trái chiều, vậy bạn phải làm sao để cởi bỏ những khúc mắc đó?
Có người sinh ra đã rất giỏi việc khai thông tư tưởng bế tắc, xóa bỏ khúc mắc bủa vây. Cho nên bất kể gặp phải việc gì, họ cũng có thể bình thản mỉm cười nhẹ nhàng bỏ qua mọi oán thù1, do đó với họ không có tranh chấp nào không thể hòa giải.
1 Âm Hán Việt: “Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu” (Lỗ Tấn), tạm dịch “Gặp nhau cười lên một tiếng xóa hết ân oán hận thù”.
Bên cạnh đó lại có người bản tính chấp nhặt vô cùng, chuyện bé thường hay xé ra to khiến cho cục diện càng ngày càng rối rắm, đến cuối cùng là bung bét đến không thể hàn gắn. Giả sử bạn thường xuyên phải chạm mặt với người có khúc mắc với mình, tôi xin được gửi tới bạn một vài phương pháp đả thông tâm ý và nhẹ nhàng tháo gỡ những mâu thuẫn như sau:
Thứ nhất là khi nảy sinh khúc mắc, chúng ta nên hạ cái tôi của mình xuống để hóa giải mối bất hòa này. Tuyệt đối đừng nên coi mình là trung tâm vũ trụ, ỷ thế bắt chẹt đối phương. Nếu không sẽ khiến cho cục diện càng cố gỡ lại càng thêm rối, càng muốn cởi lại càng buộc chặt.
Thứ hai là khi đối diện với khúc mắc, thì trước hết chúng ta hãy tự nhận sai về mình, xin lỗi trước không hề làm bạn mất đi danh dự vốn có. Người sẵn sàng nhận lỗi và xin lỗi không đồng nghĩa với việc họ là bên thua cuộc, mà ngược lại cố chấp ý mình, lấn át lẽ phải, ỷ thế bắt chẹt đối phương mới khiến người khác xem thường bạn.
Thứ ba, khúc mắc phát sinh bởi vì hai bên bất đồng ý kiến. Vậy bạn có thể thử nhìn vào một điểm tốt nào đó để khen ngợi đối phương, khiến cho họ phần nào cảm nhận được thiện chí của bạn. Nhờ vậy, khúc mắc cũng sẽ không còn khó hóa giải nữa.
Thứ tư là việc nảy sinh khúc mắc đa số đều vì hơn thua được mất, tính toán chi li. Nếu bạn có thể nhường nhịn đối phương một chút, thì ắt có thể tạo bước chuyển biến giúp cho khúc mắc có thể tự hóa giải một cách êm đẹp.
Thứ năm, nếu đối phương sớm có thành kiến với bạn và không muốn làm thân. Vậy bạn thử làm lành trước với họ, ví như có thể mời họ ngồi, pha cho họ tách trà ấm, dùng đôi lời quan tâm hỏi han tình hình của họ thế nào, như vậy chắc chắn có thể hàn gắn được mối quan hệ giữa đôi bên.
Thứ sáu, tươi cười, thân thiết, lịch sự và lễ phép đều là “bất nhị pháp môn” để cởi bỏ khúc mắc. Cho nên người xưa mới có câu rằng, “Giơ tay không đánh người đang mỉm cười. Miệng ngoa không mắng người biết khen ngợi”. Gió xuân đã về, lẽ nào khí đông lạnh lẽo còn có thể không lánh đi hay sao?
Thứ bảy, nếu biết đối phương không ưa gì mình, thì bạn có thể thử gọi điện làm hòa trước hoặc mời những người bạn có uy tín đứng ra hòa giải giúp, nhằm xóa bỏ khoảng cách.
Thứ tám, cố ý nói những điều tốt đẹp về đối phương với những người xung quanh. Một khi tiếng tốt truyền đến tai đối phương, nó cũng có tác dụng không hề nhỏ giúp tháo gỡ những khúc mắc còn vướng bận giữa đôi bên.
Người với người qua lại với nhau khó tránh khỏi sự hiểu lầm, từ đó dẫn tới khúc mắc. Ngay như vợ chồng với nhau còn có lúc xảy ra chiến tranh lạnh. Nhưng nếu như chỉ cần một bên tươi cười xuống nước trước, nói một câu làm hòa như: “Vợ ơi! Anh biết sai rồi!” thì tất cả khúc mắc liền có thể tan biến như chưa từng có.
Trong Phật giáo, đệ tử tam quy ngũ giới1 hứa nhận bản thân là Phật. Phật là như thế, tôi đã là Phật, tôi còn cần so đo tính toán, bày thế bày trận với người khác làm chi nữa? Tôi nói thêm mấy câu bày tỏ thiện chí, tôi chấp nhận chịu thiệt về mình, thì còn có khúc mắc nào không thể cởi bỏ nữa đây?
1 Tam quy, tức là quy y Tam bảo. Ngũ giới, tức là năm giới gồm có: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Đối với một người thợ khóa lành nghề, dù gặp phải chiếc khóa khó mở đến đâu anh ta cũng đều có thể tìm cách mở được. Một người thợ ngọc tài ba, dẫu gặp phải ngọc thô cỡ nào anh ta cũng có thể mài dũa nó tinh khôi không tỳ vết. Một người thông thái thực sự, thì gặp khúc mắc khó tháo gỡ đến đâu anh ta đều có thể nhẹ nhàng hóa giải được. Ví như “tâm hiền hòa” có thể giúp gạt bỏ khúc mắc, “tâm từ bi” có thể giúp xóa bỏ hận thù, một cái gật đầu chào hỏi đối phương có thể phần nào xóa nhòa khoảng cách, một câu nói thiện chí có thể giải tỏa bất hòa. Cho nên chỉ cần giữ được tâm ý thiện lành, tự nhiên chúng ta đều có thể hóa giải tình thế bế tắc, bất an.
Có thể xóa bỏ khúc mắc hay không còn phụ thuộc vào việc bạn có thể chịu phần thiệt về mình hay không? Nếu bản thân bạn có thể chịu thiệt, vậy thì bạn chính là bậc thầy trong việc gỡ bỏ khúc mắc.