Học sinh tới trường, ngoài bài tập mà giáo viên giao cho trên lớp ra thì về nhà còn có bài học thuộc lòng buổi sáng, cũng như bài tập nâng cao buổi tối. Đây chính là bài tập sáng tối của học sinh đi học.
Buổi sáng của một chính trị gia hay một doanh nhân thường phải tiếp khách, gọi điện, chỉ đạo thư ký hồi âm thư tín, chủ trì cuộc họp giao ban. Đó là hoàn thành tốt “bài tập buổi sáng”. Đến tối về, phê chuẩn công văn, mở cuộc họp, mời khách đi ăn tiện bàn công chuyện, v.v. Đây xem như là “bài tập buổi tối” của chính trị gia và doanh nhân.
Dù là người Phật tử tại gia cũng nên dậy sớm, lấy niềm tin thuần tịnh và sự thành tâm để tụng kinh lễ Phật, xem đây là “bài tập buổi sáng”. Cho đến buổi tối trước khi đi ngủ, quý Phật tử cũng cần yên tĩnh ngồi thiền quán tưởng và cầu nguyện, coi đó là “bài tập buổi tối” dành cho mỗi ngày.
Trong chùa, chuông sáng mõ chiều quanh năm không ngừng, Tăng chúng luôn nghiêm cẩn làm “bài tập buổi sáng” và “bài tập buổi tối” của mình. Chính từ trong những “bài tập” đều đặn sáng sáng chiều chiều này mà đức hạnh của họ dần được bồi đắp và thăng hoa mỗi ngày. Cuối cùng, sẽ tạo dựng nền tảng vững chắc nâng phần tâm thức họ lên một cảnh giới cao thượng hơn.
Một đời người, mất rất nhiều thời gian bận giúp người khác, bận làm việc, bận kiếm tiền, nhưng cho đến cuối cùng những điều khiến mình bận rộn cả ngày lại chẳng phải là bản thân mình. Cho nên trong nhà Phật có câu: “Muôn thứ mang chẳng nổi, chỉ có nghiệp theo thân”1. Những công đức mình tạo được ở kiếp này, không chỉ dùng ở kiếp này mà còn được tiếp nối cũng như trở thành nguồn lực để mình có được cuộc sống ấm no hạnh phúc ở kiếp sau. Vậy thì, tại sao chúng ta lại không dành ra chút ít thời gian cho bản thân mỗi ngày?
1 Âm Hán Việt: “Vạn ban đới bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân”.
Lịch trình của con người hiện đại ngày nào cũng dày đặc, thậm chí lịch trình ngày mai, tháng sau, năm sau cũng đã được sắp xếp đâu vào đấy, đây chính là lập kế hoạch cuộc đời. Phàm là cuộc sống có kế hoạch, ngoại trừ thời gian làm việc thường nhật, chúng ta đều nên dành ra một khoảng thời gian để bản thân làm “bài tập buổi sáng” và “bài tập buổi tối”. Vì thế, chúng tôi hy vọng mỗi người đều sắp xếp cho mình những “bài tập buổi sáng và buổi tối”. Buổi sáng ngủ nướng, nằm ườn trên giường lướt web, chơi điện thoại, v.v. đều không phải là “bài tập buổi sáng” có ích. Buổi tối khiêu vũ, hát hò, dự tiệc, ăn chơi, v.v lại càng không phải là “bài tập buổi tối” hay.
Chúng ta ngày nay nên học theo thói quen “ngô nhật tam tỉnh ngô thân”1 của Tăng Tử, hay nếp sống “mỗi nhật công quá cách”2 của Viên Liễu Phàm. Ngay như một số học giả nổi tiếng, họ đều duy trì thói quen dậy sớm đọc sách, tối muộn ngồi viết lách, hoặc sáng sớm học ngoại ngữ, chiều tối luyện viết chữ, hoặc là sáng sớm đọc lời hay ý đẹp, tối nhẩm lại khẩu hiệu, coi đó thành “bài tập buổi sáng” và “bài tập buổi tối” cho chính mình.
1 Điển tích “Tam tỉnh của Tăng Sâm”. Đại ý Tăng Sâm nói: “Mỗi ngày tôi tự xét ba việc: Làm việc gì cho ai, tôi có hết lòng không? Giao thiệp với bạn bè, tôi có chân thành không? Thầy dạy cho điều gì, tôi học tập có đủ không?”
2 Công quá cách: Là một dạng bảng tự kiểm hàng ngày.
Mỗi ngày vào buổi sáng sớm, khi mà đầu óc chúng ta còn minh mẫn, thân tâm chúng ta còn khoan khoái thì nên dành thời gian đọc sách tụng kinh, học hỏi kiến thức và lên kế hoạch tổng quan. Buổi tối về, dành thời gian để suy ngẫm, đánh giá và ghi lại những việc đã làm, đồng thời lập kế hoạch mở mang sự nghiệp trong tương lai. Một buổi tối như vậy có tác dụng củng cố và dần hoàn thiện những điểm còn thiếu sót cần bổ sung của chúng ta.
Cho nên, mọi người trong xã hội cần tự đặt ra cho bản thân mình những “bài tập” hai thời sáng tối. Bởi lẽ, “bài tập sáng tối” không nhất định chỉ dành cho học sinh, học giả, hay Phật tử, mà nó cần thiết cho tất cả mọi người.