Mưa rào. Một trận mưa lý tưởng đã quét sạch không khí oi nồng của mùa hạ. Trời mát là thế mà ruột anh Hiếu cứ nóng như lửa đốt. Mắt anh như dán vào ti vi mà không hiểu trên màn hình có những ai? Họ nói gì? Anh lấy sách ra đọc lại càng không vào đầu được chữ nào. Gấp sách để đầu giường, anh tắt đèn đi ngủ.
- Nay thằng bé đi ngủ sớm vậy? Hay là trở trời con lại mệt. Bữa cơm chiều nay tôi thấy con ăn ít lắm bà nó ạ. - Ông Lành lo lắng nói.
Nghe giọng ông phều phào, thương ông quá, bà nhẹ chân đến đầu giường ông nói nhỏ: “Ông không phải lo, công việc đâu khấc vào đó. Ông cứ làm con mình như thợ đấu không bằng. Chiều nay xới cơm cho con, tôi biết. Nó ăn thế là ổn rồi ông ạ! Khuya quá rồi, ông ngủ đi kẻo mệt”. Bà nói vậy để trấn an tinh thần ông thôi. Thực ra bà còn lo gấp bội lần ông. Hiếu không sao chợp mắt được một chút. Chỉ một chút thôi cũng khó quá đi. Lời nói của cha mẹ ngấm vào huyết mạch anh một nỗi niềm thân thương trìu mến. Anh được sinh ra trong mênh mông tình cha, trong bao la tình mẹ. Đó là món quà vô giá trời đất đã ban tặng cho anh. Món quà vô giá ấy đã bao lần là điểm tựa giúp anh vững bước trong cuộc sống. Nhưng hôm nay tình cảm cha mẹ dành cho anh khiến anh ân hận và thương cha mẹ đến se ruột, tím gan. Dòng máu nóng từ tim anh như muốn trào ra. Anh muốn oà khóc. Khóc thật to để ông trời thấu hiểu cho nỗi niềm của thằng con bất hạnh này đã làm khổ cha mẹ như thế nào. Nghe tiếng dép của mẹ tiến về phía phòng. Anh nhắm mắt lại giả vờ như người ngủ say. Đúng! Mẹ đã vào phòng anh như thường ngày. Mọi ngày cũng vậy, chờ anh ngủ, mẹ không bật điện mà soi bằng đèn dầu. Sợ anh tỉnh giấc, mẹ không dùng vợt vợt muỗi. Sẵn ngọn đèn dầu, mẹ ghé vào đốt luôn. Mẹ nhẹ nhàng soi đèn đốt muỗi và yên tâm khi nghe thấy anh thở đều đều. Bà nói một mình qua nụ cười: “May quá, thằng bé ngủ rồi. Nếu con trằn trọc thì mình yên tâm sao được”. Nghĩ vậy rồi bà nhẹ nhàng giắt lại màn cho anh và lặng lẽ ra khỏi phòng.
- Khuya rồi! Bà còn mò mẫm gì mãi thế? - Ông nói rồi ho sặc sụa.
- Suỵt! Con mình đang ngon giấc, ông ho gì mà to thế. Tôi cũng ngủ đây, yên tâm rồi ông ạ!
“Cũng may mẹ tin mình ngủ rồi, nếu không mẹ lại mất ngủ vì lo. Anh là nỗi lo suốt cuộc đời mẹ. Thủa ấu thơ, cha mẹ lo cho con từng manh quần tấm áo, từng giấc ngủ, mong cho con khôn lớn thành người. Việc làm vừa qua của mẹ khiến anh chạnh nhớ tới câu thơ anh đã từng đọc. Anh nhẩm trong màn đêm: “Có những đêm đông, hai con ốm mệt/ Mắt thâm quầng mẹ ngồi thức bên con/ Canh cho con một giấc ngủ ngon/ Giúp cho con hạ lui cơn sốt/ Có những trưa hè trời hun nóng bức/ Muỗi vo ve khỏa leo lét ánh đèn/ Tường gạch mộc in bóng hình hai đứa/ Cùng thiu ngủ nhờ gió từ tay mẹ...”. Khi các con còn nhỏ, mẹ chăm chút là lẽ thường tình và cũng là hạnh phúc của người được làm cha, làm mẹ. Ở đời “Trẻ cậy cha/ Già cậy con. Mình thì nắng nhức đầu, mưa đau bụng thế này cha mẹ cậy vào đâu?”. Bao nhiêu suy nghĩ dồn về cấu xé anh. Tiếng thở dài của mẹ. Tiếng cựa mình của cha trong đêm thanh vắng rõ mồn một. Ngoài ao làng, sau trận mưa rào, những chàng ếch gọi bạn tình kêu “ồm ộp”. Bọn côn trùng được dịp nước đầy ao, càng khuya nó càng dạo nhạc làm vỡ vụn đêm trường tĩnh mịch. Toàn thân anh nhức nhối đau. Anh mệt mỏi vô cùng mà không dám cựa sợ cha mẹ lại phải lo lắng. Anh cố nhắm mắt nhưng không sao ngủ được. Anh tự nhủ: “Ta sẽ sớm khoẻ thôi. Nhất định thân này có thể tàn nhưng không thể phế”. Mẹ nói phải, công việc đâu sẽ vào đó. Đúng vậy, mình sẽ khoẻ, mình sẽ là trụ cột vững chắc cho cha mẹ nương tựa tuổi già. Nhất định không chịu thua. Mình không được chùn bước, phải chiến thắng bệnh tật. Nếu để bệnh tật lấn át, mình mà gục ngã lúc này thì hèn quá ư? Thằng Mỹ tàu to súng lớn thế mà mình còn không hề biết sợ nữa là. Mình sẽ... sẽ gì nữa nhỉ? Lấy vợ, sinh con ư? Ôi nghĩ đến vợ con mà chán. Việc này mình thật sự thua và sợ nữa. Ông trời đùa cợt mình và trao cho mình cuộc gặp gỡ con người sắc sảo ấy”. Anh nằm lặng trên giường mặc cho quá khứ ào về như vừa hôm qua.
*
Sau bao năm chiến đấu xa nhà và gần một năm nằm điều trị ở trạm thương binh, Hiếu khấp khởi khoác ba lô về phép. May sao anh được đi nhờ xe của đơn vị. Xe chở một số anh em thương binh nặng về khu điều dưỡng đặc biệt. Xe chạy cả đêm. “Ơ! Đường rẽ về quê mình đây rồi” - Anh reo lên rồi vội vã cảm ơn mọi người và xuống xe. Nhìn quanh chẳng gặp ai. Đường liên xã làm gì có xe khách qua. “Chỉ sáu, bảy cây số nữa là đến nhà. Đi bộ! Lo gì cơ chứ”. Cái chân cà nhắc này ngày nào cũng gây rắc rối cho anh. Nay được về với mẹ, nó ngoan ngoãn thế cơ chứ. Anh hăng hái bước thấp bước cao nhấp nhểnh vậy mà đã gần ba cây số lùi lại phía sau chứ chả xoàng. Tháng tám, lúa trên cánh đồng quê đã có vài ba ruộng chín. Không gian quê sớm nay sao mà yên tĩnh thế. Nếu không có một vài ụ pháo giữa đồng thì không ai có thể ngờ đất nước đang có chiến tranh. Những con chim ngói nhớ mùa bay về gật gù bên nhau khiến cho không gian thơ mộng làng trở nên xinh đẹp. Xa xa, những vạt sương là là như những tấm khăn voan vắt hờ trên cánh đồng lúa đang độ vào hạt. Ngợp mình giữa cảnh sắc quê hương yêu dấu thật không gì bằng. Anh xúc động vô cùng, anh làm mấy câu thơ và khe khẽ đọc: “Ngẩn ngơ chim ngói sánh đôi/ Lúa hoe hoe ngọn ngang trời sương ngưng/ Đường quen mấy độ chân dừng/ Tiếng chim chiền chiện thổi bừng sắc quê”. Mình hâm thật, cứ xúc động tý chút lại làm thơ. Anh lấy sổ tay ra ghi. Ngồi bên ụ pháo sát lề đường, nhìn về làng, cảm xúc dâng trào, anh làm bài nữa: “Con về bên đất mẹ/ Khoảng trời thân thương/ Đồng nội ngát hương/ Đường quê lộng gió/ Thì thầm to nhỏ/ Ngàn năm mẹ hát ru/ Không một lời than thở/ Mẹ lặn lội năm canh/ Đất nghèo nuôi nòi giống trâm anh/ Lời mẹ ru mát xanh trời đất/ Tay phải mẹ nâng đôi bờ sông Tích/ Tay trái mẹ nâng dòng chảy sông Hồng/ Đầu mẹ gối lên Ba Vì - chót vót giữa tầng không/ Mẹ là con Tiên, cháu Rồng/ Nằm giữa chiếc nôi hữu tình sơn thuỷ”. Anh đọc đi đọc lại bài thơ rồi giật mình: Thôi chết, việc quan trọng giờ là phải về cho nhanh để cho ông bà cha mẹ mừng. Mình đúng là hâm quá độ rồi. Nhưng cảnh quê đẹp vậy, tình quê xao xuyến thế không ghi ngay lại thì chịu sao được. Những kẻ mắc vào thơ thẩn là thế đấy? Trong chiến trường, mấy ông thi sĩ chuyên nghiệp còn đam mê hơn nhiều. Bom xé trời mà các vị vẫn cố ghi lại cảm xúc. Chẳng có thời gian mà nghĩ đến cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Thế cũng hay. Anh nghĩ vậy rồi vội vàng đứng lên khoác ba lô vào vai: “Phải về nhà thôi, Thời gian cho thơ thẩn coi như vậy đã tạm đủ rồi, không cho phép mình nghỉ nữa”. Anh tự nhủ và bước đi nhanh hơn. Từ phía sau anh xuất hiện hội con gái đi tới. Cả hội đang nói cười vui vẻ, một cô chỉ về phía anh nói:
- Ô! Bộ đội về làng hay sao các cậu ơi! Nom anh ta đi có lạ không kìa, giống như con chim tèo nhấp nhẩy bên luống khoai lang ấy.
- Mày thật quá đáng. Nói vậy với thương binh là có tội lớn đấy!
- Kinh! Cậu cứ làm như anh ấy là của cậu không bằng. Thương binh hay thương yêu đây?
- Thương gì cũng phải thử mới biết các cậu ạ. Để tớ gọi: “Anh bộ đội ơi đi đâu đấy? Lên đây em “đ...” nào”.
Anh giật mình quay lại:
Thôi chết, mấy cô gái xóm Đồi Bằng. Con gái ở đó xinh ra trò nhưng tiếng nói nặng như đá đeo. Dấu “huyền” ở các từ các em lại phát thành dấu “sắc”. Đã thế từ “lai” cứ gọi là “đèo” mới tai hại làm sao. Thấy anh quay lại, cả hội rú lên cười tinh quái. Cả đoàn thiếu nữ đi bộ ấy, chỉ có một cô bé dắt chiếc xe đạp Phượng Hoàng cánh trả mới tinh. Anh hỏi chuyện làm quen:
- Các cô đi đâu về mà đông vui thế?
- Eo ôi! Anh ta gọi bọn mình là “cô”, cứ như gọi thay con họ vậy! Quê quá đi!
- Để đấy cho tao điều trị. - Cô bé dắt xe nói rồi đằng hắng và lên tiếng - Này anh bộ đội. Giờ đây cái cày còn đổi đời từ cày năm mốt sang cày cải tiến. Mà cách xưng hô của anh vẫn là một hằng số thế hả?
Biết là các cô nàng bông đùa, anh đi chậm lại chờ họ từ lối rẽ phía sau tới. “Mình đoán quả là chính xác, có mấy cô nàng là người làng Đồi Bằng thật. Các nàng đi làm ở đâu mà tinh nghịch thế. Thú thực từ ngày nhập ngũ tới giờ đã gần tám năm. Tám năm ở rừng Trường Sơn, thi thoảng lắm mới được gặp một vài cô gái Tây Nguyên vào rừng hái măng. Họ chỉ mang trên người một chiếc váy chít từ ngang thắt lưng trở xuống. Phần trên thả lỏng, thỗn thện nom thật kỳ quặc chưa từng. Các ông có gia đình đứng từ xa nhìn chằm chặp. Có ông ngây thộn cả người. Chẳng hiểu họ nghĩ gì? Còn cánh con trai chưa vợ phải làm ngơ như không nhìn thấy gì. Tám năm trong chiến trường - một khoảng thời gian đủ cho các cô bé làng kém anh gần chục chục tuổi trưởng thành. Tự nhiên anh nhớ các bạn cùng lớp quá.
- Anh bộ đội nghĩ gì thế? - Cô áo gụ nói.
- Phải hỏi là: “Chú nghĩ gì vậy?” - Cô dắt xe nói.
- Xin lỗi, các em đi đâu đấy? Được chưa?
- Tạm được rồi. Nom cảnh này chắc anh không phải B quay đâu, tạm tha cho anh đấy. Giờ cả nhóm cử anh lai cô bé này về đi! - Cô bé mặc áo xanh nói.
“Trời ơi! Làm thế nào đây. Mình có biết đi xe đâu cơ chứ”. Anh lúng túng chưa kịp xử lý thế nào thì phía sau có tiếng:
- Hiếu! Có phải cậu Hiếu nhà cụ Lành ở xóm Đình không?
Nghe gọi tên mình, anh sửng sốt, quay lại, mừng rỡ:
- Anh Tiến, anh đi đâu về đấy?
- Lên đây mình lai về! - Anh Tiến nói.
- Vâng, cám ơn anh!
- Không được, anh bộ đội đã nhập vào hội này rồi. Muốn lai anh ấy phải chờ xem mọi người có duyệt không đã! - Hoàn lùn nói.
- Tưởng mình anh mới có xe à? Bọn này còn có cả xe Phượng Hoàng kia đấy! - Sinh chéc đế vào.
- Nếu không muốn hàn huyên đôi chút cho vui thì chúng em đã phái cô nàng xinh nhất hội này lai chàng về từ lâu rồi! - Cô Hoài vênh mặt nói tỉnh bơ như thật.
- Kinh! Phải viết đơn để người đẹp duyệt kia à?
- Xin lỗi các em, anh không biết chữ thì làm sao mà viết được đơn cho các em duyệt đây. Thế này vậy, cho anh ngửa tay xin có được không?
- Không! Không bao giờ có chuyện lạ vậy. Giờ anh phải đối được câu này, nếu không anh cũng khó lòng thoát khỏi đây mà về.
Anh Tiến bị hút vào câu chuyện. Anh liều nói:
- Ừ thì đố đi!
- Mấy chị em ta như mấy con ngựa thờ thần/ Đố chàng quân tử dám vần ra chơi. Nào đối đi! - Cô Hướng cao giọng.
- Anh Tiến không đối được đâu, xin các cô cho chúng tôi khất. - Hiếu khẩn khoản.
- Không được, anh Tiến đã thách cánh này cơ mà. Nếu không đối được các anh liệu mà nộp phạt.
- Nộp bao nhiêu tôi xin chịu.
- Một trôn nồi - Liên cao kều nói.
- Là bao nhiêu tiền?
- Đằng này không biết tiêu tiền người khác. Chỉ biết vẽ hết nhọ đáy nồi vào mặt ai chịu phạt thôi.
“Các cô nàng này oái oăm thật. Ta mà không nghĩ ra thì tiếng để đời rằng con trai làng Đông kém đến nhọ cả mặt?”.
“A! Nhớ ra rồi, có lần mẹ mình kể cho hay: Thuở còn trẻ, bà An xóm Đông cũng đưa ra vế đố này. Ông Chinh xóm Hạ phải nghĩ mãi. Cuối cùng ông phải mượn câu nói của nhân vật Hoàng Triều trong truyện Hoàng Triều mới đối lại được”. Anh mạnh mẽ nói:
- Tưởng cái gì chứ, các em ra câu đối có mà dễ ợt. Anh mà đối, thắng là cái chắc. - Anh Tiến nói rồi nhíu mày suy nghĩ. Nhẩm một lúc, anh lên giọng “giải vây” - “Anh là con vua thượng vị nước người/ Cha cầm quyền chính thay trời trị dân/ Dây cương anh buộc vào chân/ Anh cưỡi chẳng được anh rần vào mông”.
- Ơ! Cũng tài đấy chứ. Tạm tha nhưng tình quân dân như cá với nước. Cánh này nỡ để anh bộ đội về một mình cùng anh ấy sao? - Loan nói.
- Loan nói đúng. Giờ ta cử Hướng và Lanh đi cùng. Anh Tiến lai cái Lanh còn anh bộ đội lai cái Hướng bằng xe của nó cho đẹp đôi.
- Cậu quá đáng vừa thôi. Mình đùa cho vui. Ai lại bắt anh thương binh lai cái bồ kia sao tiện. Theo tớ hai cậu lai nhau.
- Thôi xin phép các em, anh đi nhờ anh Tiến về, hẹn ngày gặp lại.
- Không được! Anh được mấy tháng phép mà đòi gặp lại? - Hằng nói to.
- Đúng! Phải “túm” luôn các cậu ạ! Không theo chàng ngay, ngày mai biết đâu mà tìm. - Linh nói.
Mặc cho mọi người vô tâm nói tếu táo nửa đùa nửa thật. Giờ đây, Hướng không nói câu nào nữa. Nó chỉ nhìn trộm anh. “Chết rồi, mới có vậy mà mình đã phải lòng anh bộ đội rồi. Anh cao lớn, đẹp trai hơn rất nhiều người đã từng có ý với mình. Hơn nữa anh lại hoàn thành nghĩa vụ. Biết đâu mai kia anh lại làm nên ông này ông nọ thì tuyệt. Nhân cơ hội này, mình vờ như đồng tình với ý kiến của mọi người, mình với Loan về xem gia sự nhà anh ta luôn. Nhưng không được. Nếu đi cùng Loan, nó xinh hơn mình thì sẽ bất lợi. Đi với cái Nhắt, tên nó vừa không hay, người nó lại khô đét. Đến nhà con trai chưa vợ, mọi người sẽ chú ý đến bọn con gái như mình nhiều hơn. Trò tương phản rất hiệu nghiệm”. Nghĩ vậy, Hướng nói:
- Mình với Nhắt đi cũng được. Nay đến tổ Loan trực nhật, nó đi về sợ muộn. Xe mình khoẻ hơn, mình sẽ lai anh thương binh.
- Đặt rồi! - Anh Tiến nói rồi cùng Nhắt lên xe.
Hai chiếc xe đạp chuyển bánh để lại phía sau tiếng hò reo vui vẻ: “Ôi! Hai đôi đẹp quá đi!”. “Mẹ đánh không đau bằng ngồi sau con gái”, “Hướng ơi đèo anh bộ đội cho cẩn thận nhé...”. Xe nhẹ lướt trên đường về làng. Gió hiu hiu thổi mang cảm giác khoan khoái, dễ chịu vô cùng. Anh ngợp mình trong cảnh sắc quê hương. Những ruộng lúa rung rinh như chào đón anh. Cánh đồng quê vẫn dịu ngọt như ngày nào đưa anh đi nhập ngũ. Tự dưng cảm giác ùa về. Bà và bố mẹ có khoẻ không. Chị Hiền đã sinh được mấy cháu rồi? Các cô bé cùng tuổi mục đồng với mình đã có chồng cả chưa?... Ồ! Nhanh thật, một loáng đã đến nhà rồi. Anh sung sướng vô cùng. Hàng dâm bụt ngày nào các cô bé hàng xóm bị anh bắt đền vì tội hái hoa, nay vẫn hiện hữu, xanh tốt như lời anh hứa với mẹ hồi trả phép vào chiến trường. Nơi đây, bà nội thường đứng ngóng anh những ngày tan học về muộn. Tay anh run lên vì cảm động. Anh đẩy nhẹ cánh cổng rồi chạy ào vào nhà dồn sức gọi thật to:
- Bà nội ơi! Bố mẹ ơi! Con về rồi!
Anh sà vào lòng bà nội vẫn như hồi nào còn là đứa trẻ đi học về. Bà nội rưng rưng nước mắt. Bố mẹ anh từ ngoài vườn chạy vào. Mẹ đỡ ba lô xuống cho anh. Anh buông bà ra và giới thiệu mọi người với nhau. Vợ chồng chị Hiền, chị Hạnh nghe tin em trai về, tất tả chạy đến. Bà con cô bác, bạn bè hàng xóm hầu như ai cũng có mặt. Hướng và Nhắt xin phép về ngay cho kịp vào lớp. Chị Hiền nhận ra ngay các cô là học sinh lớp Sư phạm Mẫu giáo của huyện vừa mở. Cô bé có chiếc xe Phượng Hoàng là con ông Ty phòng thuế dưới phố huyện. Mẹ cô là bà Chỉ, buôn cá ở chợ huyện. Nghe hai cô bé chào, nhìn hai cô đi ra cổng, bà Hoan nói.
- Con cái nhà ai mà nói năng sắc sảo vậy?
- Cô dắt xe xem chừng khôn khéo và xinh hơn cô kia nhiều. - Anh Thi nói.
- Cô bé đi bên không xinh bằng cô kia nhưng có vẻ hiền hậu. - Anh Tâm nói.
- Mỗi hai cô bé mà ai cũng quan tâm. Đã có ông bà nào hỏi thăm anh bộ đội chưa? - Anh Hoan nói để chuyển câu chuyện về đúng trọng tâm.
Bà Lành vẫn cố níu kéo:
- Mai này thằng bé nhà tôi mà lấy được một trong hai cô thì nhà này có phúc quá đấy.
Ý định của bà bị cắt ngang bởi công việc tiếp khách. Bà chờ mãi đến khuya. Khi cả nhà đã đi ngủ, bà đến gần anh Hiếu nói nhỏ:
- Bạn con từ ngày còn đi học phải không? Cô nào trong hai cô ấy là người của con. Mẹ sẽ xin phép bà cho lo luôn.
Hiếu cười vui, nói liều:
- Trong hai cô ấy, mẹ thích cô nào?
- Cô nào mẹ cũng thích cả. Nhưng theo mẹ, con hợp cô nào thì nói để sang nhà họ xin miếng trầu đi lại. Cô nào tính nết ngoan ngoãn là được. Cái nết đánh chết cái đẹp con ạ.
- Cô Loan nhà bà Lương lấy chồng chưa mẹ?
- Cô ấy đi thanh niên xung phong và hy sinh rồi con không biết ư? Cô Loan mà còn sống thì con chưa về, mẹ cũng sang xin miếng trầu rồi. - Bà Lành nghẹn ngào nói.
- Trời ơi! Con không ngờ cô ấy... - Hiếu cố gắng lắm mà cổ anh như có vật gì chẹn ngang.
- Đi nghỉ kẻo mệt, con. - Bà đánh trống lảng.
Nếu ngồi nói chuyện tiếp là bà khóc vì thương tiếc cô Loan. Cô ấy con nhà gia giáo ngoan ngoãn, xinh đẹp. Hai gia đình đi lại thân thiết như một nhà. Nay thấy con trai bà nhắc tới cô, bà càng xót ruột. Cả đêm, bà trằn trọc không thể nào chợp được mắt. Anh buồn vì thương, ngày ấy anh và Loan mới chỉ bắt đầu có cảm tình về ánh nhìn vụt qua, là lạ, nuối tiếc. Thực ra trong trái tim ở tuổi hai mươi sáu của anh đã có điều kiện ghi hình cô em nào đâu. Nhưng dẫu sao khi anh nằm ôn lại kỷ niệm của thời học sinh phổ thông thì hình ảnh Loan vẫn rõ nét nhất. “Ò! Ó! O...”. Ôi! trời sáng rồi. Anh ngồi dậy ngáp ngắn ngáp dài.
- Anh bộ đội về khoẻ mạnh chứ? Mở cổng tôi với.
- Ai mà đến thăm mình sớm vậy?
Anh vội vàng ra mở cửa:
- Cháu chào bác ạ! Mời bác vào chơi.
Vừa nhìn thấy Hiếu, bà Lương nghẹn ngào:
- Con Loan nhà bác...
Bà chỉ nói có vậy là bà bật khóc. Bà Lành vội vã chạy ra đón bạn.
- Mãi đến mười hai giờ đêm qua tôi mới nghe tin cháu được về. Tôi thức chờ trời sáng. Tôi không thể chờ thêm được mà sang mừng cho ông bà và cháu. - Bà sờ vai anh và quan sát anh như kiểm tra vật báu. - Nhờ trời cháu lành lặn thế này là phúc quá rồi. Phúc nhà lớn quá! Ông bà ăn ở lành hiền nên... - Tiếng bà nghẹn tắc trong cổ.
Bà Lành nói:
- Vâng, mời bà vào nhà xơi nước. Vạn sự do số của các cháu bà ạ!
Bà hiểu tâm trạng bà Lương. Lúc này bà Lương vừa mừng cho con của bạn lại vừa thương tiếc con mình.
- Anh bộ đội ơi!
Nghe tiếng gọi, bà Lành nhanh nhẹn chạy ra mở cửa. Bà không tin vào mắt mình nữa.“Cô gái hôm qua, đúng cô bé ấy rồi. Chắc chắn là các con đã phải lòng nhau. Nom cô bé sõi thế này sẽ giỏi việc nội trợ đây”. Nghĩ vậy, bà nói:
- Cháu vào nhà chơi đã. Đi đâu mà vội.
Cô bé cười mãn nguyện, pha chút tẽn tò:
- Dạ thưa bác, nay cháu bận. Khi nào có điều kiện cháu vào chơi lâu. Xin phép bác cho cháu gặp anh bộ đội có chút việc ạ!
- Được. Được! Cháu chờ em tý.
- Hiếu ơi! Con ra gặp bạn này. - Mẹ líu ríu gọi.
Anh mừng rỡ chạy ra. Lại đến lượt anh đường đột và lúng túng khi nhìn thấy cô bé xinh đẹp sắc sảo hôm qua.
- Cô... A... Em vào nhà chơi đã.
Nhìn bộ dạng anh, cô bé mỉm cười ranh mãnh:
- Xin lỗi, em sợ muộn học, để khi khác có thời gian, em đến chơi lâu. Thưa anh, hôm qua bạn em có bỏ quên cái túi ở đây không ạ?
- Cái túi! Để anh vào tìm xem.
Anh chạy vội vào nhà tìm và mang cái túi màu hồng trả cho cô bé. Cũng từ ngày ấy anh không thoát khỏi ánh nhìn đắm đuối từ đôi mắt sắc sảo cô cố tình trao gửi cho anh. Cứ chợp mắt ngủ, đôi mắt ấy, nụ cười ấy lại hiện về. Tiếp đó là các cuộc hò hẹn. Khi anh chủ động, lúc cô tìm gặp. Những bức thư tâm sự từ trại thương binh gửi về, từ xóm Đồi Bằng gửi tới. Rồi anh được nghỉ phép một tháng. Anh đưa cô về trình gia đình. Khi nghe con trình bày, khỏi cần nói, bà Lành vui như thế nào. Ông Lành gọi con vào nói nhỏ:
- Cô bé này xinh xắn, sắc sảo, con người này thạo việc lắm. Nhưng con ơi, người con gái sắc sảo quá, khéo léo quá như con dâu bà Cam ở xóm trên cũng cần xem xét. Loại người này khéo đưa miệng, ăn ở lấy lòng. Người này hợp ai mà lợi dụng được thì quý hơn vàng. Chơi với ai không lợi cho mình thì người ấy hoá ma ngay. Con nên tìm hiểu kỹ, cô ta xuất thân trong một gia đình như thế nào?
- Thưa bố, chị Sen nhà bà Hoa cũng xinh đẹp và sắc sảo nổi tiếng ở vùng mà chị ăn ở có nhân có đức. Con thấy bà con xóm làng, anh em gần xa ai cũng quý mến chị. Còn chị Tuân nhà ông Toan người gồ ghề thô thiển. Lúc đầu, ai cũng bảo xuề xoà dễ tính, thế mà nói năng cục súc, cư xử sỗ sàng, thô thiển, ai cũng ghét.
- Bố không yên tâm nên mới bảo con cẩn thận. Ở đời “Lấy vợ phải kén tông. Lấy chồng phải kén giống”. Con người sắc sảo sinh ra từ gia đình con ông cháu cha. Từ thủa lọt lòng đã có giáo dục thì tuyệt vời như chị Sen, chị Tùng chẳng hạn. Nhưng con người sắc sảo được sinh ra trong gia đình kém giáo dục thì nguy lắm. - Ông Lành nói.
- Bố con nói phải đấy. Theo bà, con nên tìm cô khác. Có thương con, bà và bố con mới nói. Lấy vợ là chuyện hệ trọng của đời người. Không vội vàng được đâu con. Bà nghĩ, loại con gái mặt mỏng dính là nham hiểm và hỗn láo lắm. Còn cô bé này có nét tài hoa, sắc sảo trên khuôn mặt bầu bĩnh đấy nhưng không có nét phúc hậu. Mặt này gọi là mặt sống trâu. Con gái mà có nét mặt này lại có ria mép thì lật mặt phải biết. Hơn nữa cô ta cười nom tinh quái và độc địa. Loại này miệng Phật, tâm xà. Mới gặp một đôi lần, ai cũng dễ gần bởi cái miệng khéo ăn nói và dáng người đẹp. Nhưng ở đời cái nết đánh chết cái đẹp con ạ! Có người được cả người, được cả nết càng tốt, nhưng nom cô này bà cứ linh cảm thấy điều gì lo lo. Bà nhắc con phải tìm hiểu cho kỹ rồi hãy quyết định.
*
Bà về với tổ tiên đã gần bốn mươi năm. Từng ấy năm qua đi mà lời bà vẫn văng vẳng bên anh. Gương mặt bà buồn buồn trong ngày cưới, làm sao anh quên được. “Bà nội ơi cứu cháu với! Trước kia, thằng cháu đích tôn của bà đã không nghe bà. Giờ đây cháu thấu hiểu lời dạy bảo của bà thì đã quá muộn rồi. Ngày ấy, tuổi trẻ, cháu chỉ ưa lời đường mật. Cháu đã lợi dụng tính xuề xoà của mẹ cháu để áp đảo ý kiến già nua của bà. Giá như ngày ấy cháu nghe bà...”.
Anh giật mình bởi chuông đồng hồ điểm sáu tiếng. Anh dậy đánh răng rửa mặt chuẩn bị đi.
- Dậy rồi hả con? - Bà Lành vục dậy hỏi anh Hiếu.
- Dạ vâng! Con dậy lâu rồi. Xin phép bố mẹ con đi công việc ạ.
- Ăn cơm đã con.
- Con no rồi mẹ. Con đi đây ạ!
Cụ Lành vừa pha xong ấm trà. Cụ rót một chén đưa cho cụ ông rồi lật đật chạy ra sân:
- Trời sắp mưa, mang áo mưa chưa con?
- Không cần đâu mẹ!
- Chờ tí! - Cụ lại lật đật vào buồng lấy ni lông đưa cho con.
- Con xin mẹ! - Anh Hiếu cầm tấm áo mưa từ tay mẹ, lòng anh nặng trĩu nỗi buồn. “Sáu mươi tuổi có lẻ mà vẫn làm phiền lòng cha già, mẹ héo. Mình là kẻ bất hiếu nhất trên cõi đời này...”.
- Con ơi lên đó họ giải quyết thế nào cũng đồng ý cho xong con ạ! Việc chia chác ra sao, xong việc thì thôi. Đừng thắc mắc gì mà phải đi lại mãi ở nơi ấy thì khổ lắm con!
*
Chiếc Cúp 82 lao đi nhưng có lẽ nó chỉ cùng anh mang đi một chút nỗi buồn. Bà Lành nhìn theo con, lòng se lại, xót xa: “Biết là con chưa ăn cơm nhưng lòng dạ nào nuốt nổi. Chẳng biết công việc ra sao mà nom thằng bé già đi quá nhiều. Không biết nó có qua nổi hay lại ngã gục xuống thì khổ quá đấy...”. Bà liếc vội vào nhà rồi gạt nhanh giọt lệ rưng rưng trong khoé mắt lõm sâu tuổi ngoài tám mươi. “Thôi đành chịu, biết làm thế nào. Âu cũng là số của con. Có ngờ đâu ngày đưa con đi bộ đội. Thằng bé mười bảy tuổi mặc manh quần phin xanh ngắn cũn cỡn, tấm áo phin màu gụ cổ sơ mi dài quá gối nom đến buồn cười. Qua ba tháng luyện tập, con được về phép. Nó đã là anh bộ đội, gọn gàng trong bộ quân phục, ve áo gắn quân hàm đỏ tươi. Nom cu cậu rắn rỏi hẳn lên. Ngày đón con từ chiến trường về, cả làng mừng cho là nhà có phúc lớn. Sung sướng nhất là gia đình tất bật vay mượn để lo cưới vợ cho con. Ngày ấy, anh em đến dự cưới đông vui là thế. Tổ chức đám cưới thời chiến dẫu không có mâm cao cỗ đầy nhưng lời ca tiếng hát thật vui vẻ. Ai ngờ...
- Bà làm gì mà đứng mãi ở đó. Chưa đủ lạnh ư?
Bà Lành giật thót tim như bị ông phát hiện ra lỗi lầm gì đó. Bà lại lật đật đi vào nhà lấy đoạn tre trong góc nhà ra chẻ đóm. Bà biết sáng ra ông chỉ thích nhất điếu thuốc lào và ấm nước chè. Điều đó bà không bao giờ quên. Việc này bà đã làm thành thói quen kể từ ngày về làm dâu cụ cố. “Nhà cụ tốt phúc lấy được dâu hiền. Nhà tôi vô duyên lấy phải dâu khó...”. Câu nói này cụ cố thường được nghe từ các ông bạn trong xóm mỗi khi đến chơi nhà. Cụ cố qua đời được chục năm thì ông Lành lại đến tuổi ngồi bàn trà mỗi sáng. Đã nhiều lần ông nói: “Tôi thật tốt phúc được làm bạn đời với bà. Vừa sạch cửa nhà lại ngọt cơm canh”. Khi còn trẻ, bà là dâu hiền nhất họ. Bà chăm sóc các con và hầu hạ bố mẹ chồng đến nơi đến chốn. Đến tuổi già bà lại chăm cái lão móm khó tính này. Biết đến lúc nào bà mới được nghỉ?
Ngày ấy anh Hiếu còn công tác. Anh được đơn vị cấp cho mảnh đất trên phố huyện. Khi các con làm nhà, cụ bà động viên cụ ông bán bớt mảnh đất giúp các con cho bằng chị bằng em. Ông nhìn bà cười xoà nói:
- Bà nói thật đúng ý tôi. Cả nhà có mỗi mụn con. Trời lại cho nảy ra thằng cháu đích tôn, chả vun mọi việc cho con, cho cháu thì vun cho ai. Bà cố gắng dăm bảy năm nữa, cháu Kế lấy vợ. Vợ chồng cháu ở trên đó. Các con nghỉ hưu, vợ chồng con về đây. Khi ấy lưng bà còng, việc bếp núc lại nhường cho con dâu. Hàng ngày con dâu chúng ta lại pha trà cho tôi. Sau khi tôi hai năm mươi, nó lại pha trà cho chồng nó. Nhờ trời nhà ta có cu Tũn rồi. Việc duy trì dòng dõi ông cha, nếp sống gia phong bà cứ yên tâm đi.
Ngày ấy nghe ông nói, lòng bà canh cánh nỗi bất an: “Nom ông ấy vui vậy thật tội nghiệp. Nhưng dẫu sao “Cá của người thả vào ao nhà mình” là của mình rồi. Ai dám vào mà nhận con nhận cháu cơ chứ. Như nhà bà Tâm ngày ấy cũng cho con dâu đi kiếm được thằng cháu Minh mà chả nên cơm, nên cháo là gì. Việc này còn hơn nhà chị Toan ở xóm dưới phải xin con nuôi. Con nuôi, nay nó đòi về với bố mẹ nó, mai nó lại giở trò doạ bỏ đi. Mình im lặng đồng ý cho con dâu đi kiếm cháu âu cũng là chuyện bất đắc dĩ. Giấu ông ấy là có lỗi lớn. Nhưng nói ra ông ấy buồn đau thì mình sung sướng gì đây. Ở với ông từng ấy năm bà hiểu tính ông. Thường ngày ông rất dễ tính. Ngoài điếu thuốc lào và ấm trà, cuộc sống hàng ngày có gì dùng nấy. Ông không hề ca cẩm như một số người. Với ông quan trọng là tình cảm gia đình và người kế tục nền nếp gia phong. Bà không hề làm chuyện gian dối bao giờ nhưng việc này không thể nói được. Chăm bẵm thêm một con người cũng là phúc để đời rồi. Đây lại là con đẻ của con dâu mình, cháu sẽ là người thờ cúng tổ tiên sau này. Cầu mong cho vạn sự bình an. Để được bình an, bà phải chiều chuộng con dâu hết mức. Nay nó dọa nói cho ông hay, mai nó lại dọa sẽ nói toáng cho thiên hạ biết. Bà cố nhịn. Tưởng mọi sự sẽ lắng xuống theo thời gian và nhà bà sẽ hạnh phúc như nhà bà Tâm. Nào ai ngờ việc nhịn đắng, nuốt cay của bà lại là cái cớ cho cô con dâu quý hóa của bà luôn vòi vĩnh tống tiền bà một cách khéo léo để vùi vào các con đề, canh bạc, hụi họ... Cũng được, nếu mọi việc dừng lại ở mức ấy, bà cố gắng chịu đựng. Nhưng bà càng không thể ngờ thời gian gần đây, ông đau đớn như thế nào. Một nỗi đau không còn điểm tựa. Từ ngày ông bị ngất xỉu trước cửa nhà con đến giờ, lời nói của cô con dâu mãi mãi ám ảnh ông:
- Mày làm gì có con! Đã đi chữa cả trăm lần rồi mày mới chịu cho tao đi kiếm để lừa người sống người chết nhà mày đấy thôi. Nhà mày cụt cuối rồi, hiểu chưa?
- Cô nói cái gì? Có im đi không!
- Không im thì sao? Điều này mày hiểu hơn cả tao còn gì? Ông cha mày ăn ở thế nào mới ra nông nỗi ấy. Liệu hồn, đừng có động vào con tao!
Cái ngày chết tiệt ấy sau khi tỉnh dậy, ông cứ tưởng mình mơ. Có mơ ông cũng không thể thấy con dâu mình lăng loàn như vậy và sự thể diễn ra đáng buồn như thế, nhưng đây lại là sự thật. Một sự thật tàn nhẫn đã bóp nát trái tim nhân hậu của ông. “Nói ra ư? Thôi đành ngậm tăm nếu không dân làng cười cho vì mình đã từng mở khao hàng chục mâm ngày đón cháu “đích tôn” ra đời. Cũng chẳng nói với bà ấy kẻo tội nghiệp. Công bà ấy chăm bẵm bấy lâu nay chỉ là: “tò vò nuôi con nhện” mà thôi. Mọi sự đã rồi, chi bằng im lặng và góp ý riêng với hai con thôi. Ở đời mấy nhà tránh được. Tình cảm vợ chồng như đũa bát có khi xô lệch cũng là lẽ thường tình. Mấy ai được vẹn toàn, mong là như vậy. Cố vo cho tròn để ba đứa trẻ vô tội kia được sống trong gia đình hoàn hảo có cha có mẹ. Mai sau hai đứa lớn đi lấy chồng. Cu Kế còn phải lấy vợ. Nói ra tội nghiệp lũ trẻ. Phật đã dạy: “Cứu được một người phúc đẳng hà sa”... Đây lại là ba sinh mạng. Ông nghĩ vậy nhưng tâm đức tốt lành của ông không được đền đáp. Sự việc càng ngày càng căng thẳng. Con trai ông đã chịu đựng quá lâu rồi. Các con ở xa quê. Những ngày có công việc hoặc tết nhất con “cháu” ríu rít về thăm. Ai mà ngờ được ông trời đã trừng phạt dòng họ nhà ông tàn nhẫn đến nước ấy. Nếu không tình cờ nghe được cuộc tranh cãi của hai vợ chồng Hiếu thì không bao giờ ông tin đây là sự thực. Chuyện vừa qua ông chưa kịp thu xếp thì vạn sự vỡ oà ra đến nông nỗi này. Hôm nay ông ngồi bưng chén nước bà đưa cho đã nguội mà quên uống. Ông trầm ngâm. Khuôn mặt vuông chữ điền với bộ râu quai nón dài ngang ngực trắng phau, đẹp lão nhất vùng, nay teo lại nhăn nhúm. “Thằng bé lên toà vì “tội” không có con hay vì “tội” không biết chọn vợ đây. Có lẽ “tội” sau là chính. Thế là hơn ba mươi năm trời con mình trắng tay. Nay thấy bà ấy đứng ở cổng nhìn theo con mà thương đến quặn lòng. Sợ thằng bé không chịu nổi sự đớn đau này mà vết thương tái phát thì khốn...
*
Điều cụ ông lo đã ập đến. Mấy hôm nay, cơn sốt rét lại kéo về, vết thương cùng nhau cựa khiến người anh Hiếu ê ẩm, tê buốt. Ông bà Lành ngồi như hai pho tượng. Nỗi đau hết đè hai thân già xuống, lại dựng họ lên như trời trồng. Việc chào mời bà con đến chơi đã có mấy ông con rể. Nghe tin anh mệt, cụ Lương ở xóm xa cũng đến thăm. Vừa vào đến giường anh, cụ đã khóc tu tu:
- Con ơi sao đời con lại khốn khổ thế này. Giá con Loan nhà mẹ còn sống...
- Thôi mà bà, việc không thể tìm lại được, nhắc đến để chi cho buồn đau. - Cô Nhung nói nhỏ.
Cụ Lương lặng lẽ ra hiên cùng chị Hiền. Cụ nghẹn ngào thanh minh:
- Bác bỏ quá cho tôi nhé. Nhìn thấy bác Hiếu, tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi đã khơi thêm nỗi đau của gia đình.
Chị Hiền gạt nước mắt nói nhỏ:
- Không sao đâu cụ ạ! Cậu nó quen rồi, ông bà cháu cũng vậy. Hơn nữa, cụ cũng vui đâu.
- Dòng họ bên này, truyền đời ăn ở lành mà chẳng gặp hiền. Âu là kiếp trước, kiếp này nợ nhau đấy bác ạ.
- Cám ơn cụ cho lời an ủi gia đình. Mời cụ vào nhà xơi nước, cháu xuống bếp có chút việc vặt.
Nghe con gái nói, cụ Lành cố gắng bò dậy đi ra cổng mời cụ Lương vào nhà. Cụ giật mình quay lại vì bốn chiếc xe máy từ ngoài cổng nối nhau vào sân:
- Con chào bầm!
Cụ giật mình. Không tin vào mắt mình, đứng trước cụ là bảy người đàn ông mặc quân phục đã bạc màu.
- Bầm còn nhận ra chúng con không ạ? - Anh cao lớn nói.
- Anh Y, anh Hùng, anh Quyết chứ còn ai. Mời... Mời các anh vào nhà.
- Bầm ơi! Còn con nữa. Bầm mà không gọi đúng tên là con ứ vào nhà.
Tấm lưng còng của cụ như cố duỗi ra giúp cụ ngẩng cao hơn thường ngày:
- Ôi! Anh Tý, anh Cường, anh Hoan, các con cứ đứng nghiêm, thật nghiêm vào cho bầm coi. Ôi! Tâm còi, cái thằng con rể hụt này. Vừa qua tuổi đánh bi đánh khăng đã khóc đòi đi bộ đội để được đánh Mỹ. Ai lạ gì cái cỡ nhà anh mà phải thách bà lão này cơ chứ. - Cụ nói trong niềm vui như vớ được của, như sợ ai nói tranh phần.
Mọi người trong nhà chạy cả ra đón các quý khách.
- Mời các bác vào nhà xơi nước! - Chị Hiền nhanh nhảu mời.
- Từ lúc các bác đến, căn nhà ấm hẳn lên. Nhà hai cụ với bác Hiếu đây vất quá các bác ạ. Bao nhiêu công sức nuôi bọn trẻ. - Cụ Lương không nói tiếp bởi cái động tay của anh Tuỳ (con trai cụ).
Anh hiểu vì thương gia đình cụ Lành nên mẹ anh mới nói vậy. Không ngăn lại, cụ sẽ nói ra với các vị khách từ xa đến thì bất tiện. Nhiều năm anh Tuỳ công tác ở mạn ngược mới được về phép. Anh chưa rõ đây là bảy anh bạn đồng ngũ của anh Hiếu. Tình cảm của các anh với gia đình cụ Lành như răng với môi. Chào hỏi mọi người xong, cả bảy anh ngồi ngay vào giường anh Hiếu:
- Thế nào đồng chí nguyên Chính trị viên trung đội của tôi. Đánh Mỹ thì hăng vậy mà giờ phải chịu con vi trùng sốt rét ư? - Anh Cường nói vui.
Anh Hiếu cố gắng mãi mà không sao nhấc được người dậy. Bất lực, anh lại nằm xuống. Nhìn mọi người, cố gắng lắm, nụ cười mới hé nở trên đôi môi thâm tím màu sốt rét của anh:
- Chào các anh. Xa khơi vậy, các anh nghe tin ở đâu mà biết em mệt nhanh thế ạ?
- Thời buổi của công nghệ thông tin, dẫu rằng: “Anh ở đầu sông, em cuối sông” phôn cho nhau chỉ sau vài phút là biết tin ngay. - Anh Hoan nói.
- Vấn đề ở chỗ anh em tôi đến trước hết là thăm hai cụ. Sau là hỏi tội cái bệnh sốt rét sao mà cứ bám cậu như đỉa ấy? Phải vùng dậy mà tống cổ nó đi chứ. Chịu thua à? - Anh Tý nói.
- Còn cậu đấy. Cứ nói khoác. - Anh Tâm còi đế thêm.
- Ừ đấy, khoác tý chút thì đã sao? - Tý vênh mặt ra bộ bướng bỉnh, cãi cùn: - Dẫu có khoác đôi chút nhưng dạy vợ đâu ra đấy là... - Biết mình lỡ lời, anh ngần ngại, ân hận.
Thật khốn khổ, giờ đây đến lời nói vui cũng phải dè chừng, phải ân hận hay sao chứ? Nói chuyện vợ con ở đây là chạm đến nỗi đau của mấy anh em. Trong đó có mình. Lời nói đùa của Tý “gây rối” ngày nào ở đơn vị vui là thế mà nay cứ nói là đụng chạm không người này thì hoàn cảnh anh em khác. Ngày ấy, hễ trong nhóm có ai ngồi buồn là nó sấn đến nói đùa cho bằng phì cười mới thôi. Hôm nay anh Tý cũng chỉ vì muốn “gây rối” tạo không gian vui vẻ. Nhưng ai ngờ, lời nói vô tình của Tý “gây rối” lúc này khiến cho không khí nặng nề bao trùm cả căn nhà”. Nghĩ vậy, anh Hiếu nói:
- A này, đã lâu lắm rồi các anh có gặp cậu Vân ỏn ẻn đâu không? Hoàn cảnh nó có ổn không ạ?
Anh Hiếu định xoá nỗi căng thẳng và “gỡ” lỗi vô tình cho cậu Tý “gây rối”. Nhưng càng “gỡ” càng “rối”, bởi lẽ nói đến hoàn cảnh của Vân còn khốn khổ hơn cả hoàn cảnh của anh lúc này.
Anh Hiếu không thể nào quên ngày hôm ấy. Một ngày cuối đông. Trời rét như chích vào da thịt. Gió rít ào ào trên không trung. Những cành cây vật vã, lá trút rào rào về cội. Một tấm lưng còng, đúng hơn là một bà cụ đang lúi húi bên đống lá ở gốc cây gạo đầu làng. Ai mà không tưởng cụ trú mưa. Không phải. Cụ đang vơ lá xếp vào gốc cây. Anh vội dừng xe:
- Cụ ơi! Cụ!
Bà cụ ngẩng lên. Anh nhận ra cụ là mẹ anh Vân. Anh vội vàng quẳng xe bên lề đường chạy đến đỡ thúng lá cho cụ.
- Bầm để con làm cho. Xếp tất cả vào đây, con bê một chuyến là xong.
Bà cụ giật mình rướn tấm lưng còng đứng dậy:
- Cám ơn bác. Bác ở đâu mà tốt với bà lão thế hả?
- Con là Hiếu, bạn với anh Vân nhà ta đấy. Bầm không nhận ra con ạ? - Anh Hiếu nói trong gió.
- Trời ơi, thằng Hiếu, bầm nhớ ra rồi. Lâu quá không gặp, con có khoẻ không? Con được mấy cháu rồi. Các cụ có khoẻ không con? - Cụ hỏi từng ấy câu qua làn nước mắt.
- Dạ! Cám ơn bầm! Bố bầm con khoẻ! Con được hai cháu rồi ạ.
- Thằng nhà này không biết đẻ. Bầm định tính chuyện xin một trong mấy đứa cháu làm con nuôi cho nó con ạ!
- Làm thế cũng được bầm ạ! Ở làng con rất nhiều trường hợp như vậy. Nuôi cháu nhà mình thì cũng như nuôi con mình thôi mà!
- Nhưng vợ em không đồng ý. - Bà cụ nói rồi nhìn trộm xung quanh, như sợ lỡ lời ai đó nghe thấy thì khốn. Cụ vội vàng bê thúng lá lên rồi nói: - Thôi, thôi không nói chuyện này nữa. Về nhà đi con.
- Vâng! Để con xếp tất số lá để lên xe chở về cho bầm.
- Con cứ để vậy. Con vào nhà trước đi, nhớ đừng nói là gặp bầm nhé!
- Nếu anh là người bên ngoại nhà cô ấy thì hãy đến vào lúc này. Tôi nói thật đấy, sắp đến bữa trưa rồi. Còn việc bê lá anh đừng động vào. Chúng tôi là hàng xóm, nhiều khi thương cụ, bê giúp cụ thúng lá hay rổ rau là chuyện nên làm. Không may con dâu quý hóa của cụ mà nhìn thấy thì mình lại ăn phải những lời chửi bóng, chửi gió. Cụ sẽ bị phạt cơm vì tội kể khổ với người khác. Hơn nữa, cụ không dám mang tất cả số lá về đâu. Nay gió to, lá rụng hết rồi. Ngày mai cụ lấy đâu cho đầy thúng. Nếu không đầy thì “không có cơm cho người lười nhác”. Đã bao lần đắng cay, cụ phải rút kinh nghiệm đấy anh ạ. Tôi gần nhà, tôi không lạ gì tính ác nghiệp của cô ta. Người đàn bà mặt mũi như thế thì lấy đâu ra đức độ. Không tin anh cứ hỏi cụ sẽ rõ.
- Thôi, tôi xin bà. Bà thương tôi thì đừng nói. Nói ra mà vợ nó biết thì tôi sống sao đây? Vì con mình tàn tật lại sốt rét liên miên, mình phải chịu. Chắc là tôi bị quả báo từ kiếp trước. Tôi nín lặng cho qua kiếp này để mong kiếp sau thoát nợ. - Cụ nói rồi cố bê thúng lá lắt lay trong gió như con nhện gầy tha bọc trứng.
“Có lẽ bà hàng xóm của cụ nói đúng. Lời nói và ánh nhìn nhân hậu của bà toát lên điều đó”. - Anh Hiếu nghĩ vậy và cũng không dám vào nhà Vân chơi. Mấy năm sau, nghe người làng cho hay anh rể và chị gái Vân bị tai nạn qua đời cùng một lúc. Họ hàng nội ngoại và anh em xếp cho các cháu làm con nuôi cậu Vân. Mợ nó không chịu. Cô ấy bảo: “Tôi không nuôi được loại người khác máu tanh lòng ấy”. Ông cụ nhà Vân nghe con dâu nói cũng phải lắc đầu đau đớn mà cam chịu đến lúc ra đi... Nghĩ có vậy mà Hiếu thấy tức ngực. Anh lấy tay xoa ngực, cố dồn tiếng thở dài xuống mà nó vẫn phì ra thườn thượt. Không khí trong nhà bỗng dưng chùng xuống...
- Nhớ đơn vị quá. Hay là xin phép các cụ, anh em ta hát bài “Chiếc gậy Trường Sơn” đi anh em ơi! - Anh Tý hăng hái.
- Cái cậu này. Đây là nhà các cụ, đâu phải hội trường mà hát với hò - Anh Hoan nói.
- Ô không! Các bác hát đi cho vui! Đã lâu lắm rồi, đàn của em Hiếu để nhện chăng tơ. Sáo nhị của tôi cũng để xó. Mấy khi đón được anh em đến, cứ hát cho vui. Cây nhà lá vườn mới quý chứ. - Cụ ông nói.
- Gần hai chục năm nay, hôm nay nhà tôi mới được vui như thế này. Các bác biết không? Ông trẻ cháu đây là cán bộ đoàn ca nhạc quân đội về hưu đấy. Ông nhà tôi tham gia đoàn văn nghệ của địa phương từ thời trẻ tuổi. - Cụ bà chỉ vào ông cụ ngồi bên kia bàn trà nói trong niềm vui thực sự.
“Thanh niên quê tôi”... - Bài ca quen thuộc vang lên. Tất cả bà con đến chơi cũng vỗ tay góp vui. Được sự động viên khích lệ của hai cụ, hơn nữa tất cả mọi người muốn xua tan không khí nặng nề. Không có cách nào khác là gợi lại kỷ niệm xưa. Còn “cái nay” của tất cả anh em ở đây chẳng ai muốn nhắc đến.
- Các bác sung sướng quá. Chả bõ cho hoàn cảnh bác Hiếu - Bà Lương nói nhỏ với anh Hoan giọng buồn buồn xót xa.
- Bầm ơi! Tụi con cố tạo không khí vui vui để động viên gia đình qua khỏi cơn sốc này thôi ạ. Tất cả tụi con cùng từ vùng bọn Mỹ thả chất độc da cam trở về. Nỗi đau thương tật do những mảnh đạn trong người chẳng thấm vào đâu. Tai hại nhất là cái chất chết tiệt này nó vẫn dai dẳng bám theo chúng con từ chiến trường về, chúng lại tiếp tục tàn phá cuộc đời còn lại của anh em con đấy bầm ạ! Vợ con sinh hai cháu dị dạng cả. Khi sinh các cháu như vậy ai cũng ngạc nhiên và thương xót. Ông nội con đau lòng lắm. Lúc các cháu mới ra đời, có lần cụ nghe thấy họ nhiếc nhau: “Nhà mày ăn ở ra sao mà đẻ ra lũ quái thai thế hả?”. Cụ buồn rầu, bữa ăn, bữa nhịn hàng tháng trời. Về sau dần cũng quen. Lúc đầu cứ tưởng tại trứng của nhà con hỏng. Hai bên gia đình nội ngoại buồn và thương con lắm. Nhất là nhà con. Cô ấy động viên con đi kiếm con ngoài về sau lấy nơi nương tựa. Con tìm hai cô bé lỡ thì kiếm được hai cháu nữa. Nhưng đau đớn thay cả hai cháu đều dị tật như vậy. Mãi sau khoa học phát hiện ra mới rõ là do cơ thể con đã nhiễm chất độc da cam mà giặc Mỹ đã thả xuống chiến trường. May mà vợ con rất chăm chỉ, xót con và vững tâm chăm sóc các cháu. Cô ấy xin nuôi cả hai cháu của hai cô khác đã sinh cho con. Nhà con nói: “Các con là giọt máu của anh. Hoàn cảnh lỡ làng, các cô ấy liều lĩnh xin con mong có người bầu bạn. Con dị tật thế này thì khổ cho đời người con gái quá anh ạ! Anh hãy xin đón các con về đây, em chịu khó chăm một thể. Giải phóng cho họ bước đi bước nữa may ra có tương lai kẻo tội”. Từ đó các cháu ở cả nhà con. Nhà con và hai cô qua lại như chị em.
- Kiếp này hai bác tốt bụng thế mà không gặp may. Chỉ tại thằng giặc Mỹ. Chắc chắn kiếp sau trời đất, phật thánh sẽ độ cho hai bác thôi mà. - Cụ Lương nói.
- Dẫu hoàn cảnh khó khăn đến đâu mà có người vợ đảm đang, đức độ, nỗi đau cũng vơi bớt. Nhưng ở đời, nhiều người khốn khổ vì vợ như cậu em cháu đây. - Chị Hiền nói trong tiếng nấc.
Người tò mò hỏi. Người trả lời khiến cho câu chuyện dài lê thê. Anh Hiếu nghe rõ và nhớ từng lời. Anh nhăn mặt ôm đầu vì mảnh đạn ở trán lại “hỏi nợ”. Anh Hoàn nhìn khuôn mặt co lại của Hiếu mà tưởng chính mình đau. Anh hỏi:
- Cậu lại đau à?
Tất cả im lặng và hối hận vì câu chuyện lỡ lời. Đoán biết tâm trạng của anh em, anh Hiếu nói:
- Thực sự em không sao. Mảnh đạn nó lại về “quấy vày” khát thôi. Khỏi ngay ấy mà.
- Ta lại hát đi cho vui anh em ơi! - Anh Hoan nói.
- Anh cầm càng đi. - Tý hăng hái.
“Đêm Trường Sơn...” - Bài hát lại vang lên xoá tan không khí nặng nề của câu chuyện về những trang đời bất hạnh. Hình ảnh một thời lại hiện về. Ai nấy đều phấn chấn hẳn lên. Niềm vui lan toả căn nhà. Niềm vui ào vào bữa cơm thân mật tình đồng đội, ấm áp cảnh gia đình. Anh Hiếu tỉnh táo hẳn lên. Gần một tuần nay chưa hôm nào anh ăn ngon miệng đến thế. Nhìn con ăn ngon miệng hơn mọi ngày, cụ bà hả hê nói:
- Các anh ở đây chơi với em vài ba ngày là em khỏi bệnh đấy!
- Bà nói đúng ý tôi quá! Tôi cũng muốn xin anh em ở chơi, chỉ một tuần thôi mà! - Cụ ông nói.
- Ông bà em nói phải đấy. Các bác đến nhà, cậu cháu tươi tỉnh hẳn lên. Nếu được các bác ở chơi vài ngày nữa, cậu Hiếu nhà em khỏi bệnh là điều chắc chắn. - Chị Hiền nói.
- Con xin phép hai cụ và gia đình. Anh em con ai cũng bận việc. Hẹn một ngày gần đây chúng con lại đến với gia đình. - Anh Hoan xúc động nói.
*
Kể từ ngày các anh trong hội đồng ngũ gặp nhau đến nay đã hơn một tuần. Tình cảm đồng đội như một liều thuốc đặc trị khiến anh Hiếu vơi bớt nỗi buồn. Anh có thể đi lại và tự lo cho mình những công việc sinh hoạt thường nhật. Hôm nay, anh lại khật khừ bởi tiết trời bập bùng mưa nắng của đợt áp thấp nhiệt đới. Anh lại phải nằm dài trên mặt giường trống rỗng. Nỗi trống trải của cuộc đời bất hạnh mà chỉ có những ai rơi vào hoàn cảnh như anh mới có thể cảm nhận được. Giá mà gượng dậy được, chẻ nan đan lát đỡ bố, hoặc chạy sang nhà cụ Lương chơi cờ với anh Lâm thì hay biết mấy. Giờ đây mình lại phải nằm bẹp thế này. “Trời đất ơi! Thằng con bất hiếu này “lấn sang sân già nua” của cha mẹ rồi. Ông trời trở mặt thế này là hai cụ đau xương, đau người lắm đây. Mình là con mà sõng sượt trên giường thì cha mẹ nào dám nằm nghỉ nữa. Đúng là thằng Hiếu mà lại bất hiếu thế hả trời, hả đất ơi!”. Anh xót xa thấy cụ ông chống gậy sang nhà cụ hàng xóm chơi. Một lúc sau cụ về lại lấy tre ra chẻ nan đan quạt. Cụ bà ra mò mẫm ngoài vườn rau rồi vào bếp thổi cơm cho qua ngày. Cụ lại lật đật bưng bát cháo lên tận giường cho con trai. “Cám ơn mẹ, con xin! Con đỡ nhiều rồi ạ!”. Anh nghiến chặt hai hàm răng, cố gắng ngồi dậy nhận bát cháo từ bàn tay già nua, khô khốc những đường gân đan chéo của mẹ. Lòng anh quặn thắt. Nhớ ngày mới chín tuổi đầu, anh bưng cháo cho bà nội. Cả nhà rất vui. Khuôn mặt phúc hậu của mẹ cười rạng rỡ tuổi đương thì khi được bà nội khen:
- Thật là “Mẹ đỏ con đào/ Mẹ nào con nấy”. Bà nội thường nói: “Tuổi trẻ cậy cha/ Tuổi già cậy con”. Bà già bà cậy bố mẹ con. Mai này con lớn lấy vợ. Bà nội về với các cụ. Bố mẹ con già lại cậy vợ chồng con nuôi dưỡng. Khi ấy mẹ con lại là bà nội. Con trai của con lại bưng cháo cho mẹ con như con giờ vậy”. Ngày ấy, nghe bà nội nói mẹ nở nụ cười viên mãn là thế. Còn hôm nay sự kỳ vọng đã trở nên tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng hằn trên khuôn mặt tái nhợt, nhăn nheo và nụ cười móm mém, gượng gạo, cùng đôi mắt trũng sâu của mẹ. Nhìn mẹ mà tim anh như thắt lại xa xót yêu thương. Lời bà vẫn còn đó. Sự việc lại là đây “Bà nội ơi!” - Anh khẽ gọi bà nội. Môi anh bặm lại cố giữ cho giọt lệ khỏi trào ra.
“Ông trời ơi! Không lẽ ông lại bắt con phải thua một con người thế này ư? Kiếp trước con làm gì nên tội hay kiếp này con mắc tội không nghe lời bà nội. Đúng rồi, vì con không nghe lời bà nội nên mới khốn khổ thế này”.
- Con nghĩ gì vậy? Ăn đi cho chóng khoẻ. Khoẻ là mừng con ạ. Công việc đâu khắc có đó. Nhà mình còn ối anh em, lo gì cơ chứ.
- Dạ vâng! - Anh tỏ vẻ ăn ngon lành, cố gắng ăn hết bát cháo. Thấy con ăn nhiều hơn hôm qua, cụ Lành vui lắm.
- Có thế chứ, con sẽ nhanh khoẻ thôi. Để mẹ lấy nước con uống.
- Đây rồi, tôi sẽ bưng nước sang giường, cha con tôi cùng uống một chút cho vui. - Cụ ông nói.
Tay phải cụ cầm ấm trà, tay trái bê khay chén. Cụ rời bàn trà thì sững lại khi thấy ở giường bên, anh Hiếu ôm bụng. Anh gục xuống nôn thốc nôn tháo. Mặt anh tái dại như con gà bị cắt tiết.
- Cậu Hiếu, cậu làm sao thế? - Chị Hiền vừa vào nhà đã vội kêu lên.
Chồng chị cũng chạy tới: “Chết rồi, phải cho cậu ấy đi viện ngay”. Cả nhà hoảng loạn, bà con hàng xóm chạy tới. Bà Ân vội về nhà lấy chai rượu gừng đánh gió cho anh. Một lúc sau anh mới tỉnh lại. Anh còn mệt lắm. Ban ngày mà những con đom đóm cứ lập loè trước mắt anh. Cám ơn các bà, tuổi trẻ chẳng làm được trò trống gì. Cứ chờ trời nắng kêu nhức đầu. Chờ trời mưa kêu đau bụng để bà con phải lo. Thật ngại quá ạ!
*
Ngoài cổng, chiếc xe con đỗ sát tường. Lái xe là gã đàn ông, mặt bừ bự đỏ như gấc trước vô lăng. Mở cửa xe, gã ngật ngưỡng bước vòng sang mở cửa bên. Từ trên xe bước xuống là một ả đàn bà khoảng năm mươi tuổi dáng cao dong dỏng, ăn mặc diêm dúa, son phấn loè loẹt như diễn viên trong những vở tuồng cổ chuẩn bị lên sân khấu. Mới nhìn ít ai nhận ra đó là mụ Hướng - Vợ cũ của anh Hiếu.
- Anh có vào cùng không? - Gã hỏi.
- Có chứ. Anh cứ đàng hoàng cho nhà nó mở mắt ra. Vào đó anh đừng nói gì cả. Mọi sự cứ để em. - Ả nói.
- Tuân lệnh! - Gã bước theo ả vào sân như một kẻ giúp việc ngoan ngoãn.
- Nhà có đám hiếu hay đám hỉ mà đông vậy? Ơ hay, khách đến không chào. Khách hỏi không nói là sao? Cả nhà câm hết rồi ư? Thật là tội quá đi!
Nghe ả nói, chị Hiền không nhịn nổi. Chị nói:
- Là không ai thèm đếm xỉa đến loại người như mày nghe không? Con mèo mả gà đồng kia. Mày muốn gì?
- Tao muốn nói cho nhà mày hay rằng tao không mèo mả gà đồng thì nhà mày đâu được hí hửng mà con con cháu cháu từng ấy năm trời. Mày nói tao, mày có nghĩ đến người nhà chồng mày không hả?
- Câm ngay! Chị tao vì đi thanh niên xung phong nên lỡ làng. Cả hai gia đình đồng ý cho chị tao làm lẽ để sinh con kế tự cho dòng họ nhà người ta, mày hiểu chưa?
- Cũng như tao thôi. Mẹ mày còn xui tao đi để lấy con tao làm cháu nội, hòng lấp đầy cái giống cụt cuối của nhà mày kia. Giờ thì sao hả? Ăn ở thế nào mà ra nông nỗi bố một giường, con một giường thế kia? Hả?
- Mẹ cô ăn phải nhơ bẩn ở đâu mà sinh ra cô không còn chút lương tâm nào thế hả? Con cái nhà người ta khổ sở cũng vì dân vì nước thôi. - Bà Lương nói.
- Đuổi cổ con đĩ ấy đi! Ai cho nó vào nói lăng loàn ở nhà thương binh thế hả? - Anh Bất nói.
- A! Cái thằng không cha không mẹ sống cầu bơ cầu bất kia!
- Hoàn cảnh tao vậy nhưng tao không nghiện như “tiểu thư” quý hoá của mày đâu.
- Cút ngay đi con điếm kia! - Anh Tiến con rể cụ từ vườn sau nhà chạy ra. Anh định cho ả cái bạt tai cảnh cáo và tống cổ chúng ra khỏi nhà.
Nhanh như chớp, ả né được. Chị Hiền lôi anh lại:
- Đừng dây vào nó.
Đúng lúc ấy chuông điện thoại reo trong túi ả. Ả ưỡn ẹo thò tay vào túi lấy ra chiếc điện thoại. Đôi môi loè loẹt son phấn bĩu ra, đôi mắt tô vẽ xanh đỏ nguýt dài tự đắc. Mấy ngón tay tô đỏ chót cong tớn cầm chiếc điện thoại đưa lên tai, mặt ả đang cong vênh lên cứ như nhân vật hề trên sân khấu phô trương vẻ giàu có một cách tức cười.
- A lố!
…
Mặt ả chuyển sắc tái xanh khi nghe đầu dây bên kia nói: “Con Hằng bị bắt ở quán bia Hàng Thùng khi nó đang bán tép trắng cho tụi Cấn sẹo”. “Thế là hết nghiệp rồi con ơi!”. Ả chỉ kịp nói vậy rồi ngã vật ra sân như cây thị bị đổ.
Từ lúc vào nhà, gã Hùng say đứng ngây như phỗng, đến giờ mới có việc. Gã kêu cứu nhưng chỉ có mình cụ bà chạy ra.
- Cô ấy làm sao vậy? Mọi người đỡ vào đây.
- Cho nó chết! Để cháu lôi xác nó ra đường cho khỏi thối sân nhà mình - Nói xong anh Bất lôi ả ra phía cổng.
Cụ Lành chạy theo ra. Tay cụ cầm chai rượu gừng. Không kịp mang đĩa, cụ đổ rượu ra tay rồi vã vào mặt ả. Một lúc sau, ả tỉnh dậy. Hùng say hớn hở, hắn lấy trong ví ra tờ năm trăm nghìn đồng đưa cho cụ và nói:
- Cám ơn cụ đã cứu giúp.
Cụ Lành không trả lời, quay gót vào nhà.
- Lên xe về thôi, việc gì phải ơn huệ nhà nó. - Ả nói như ra lệnh.
Cả hai vội ra xe. Xe vừa chuyển bánh, Hùng say nhìn ả lo lắng nói trong hơi thở của rượu:
- Đi đâu bây giờ? Nãy ai nói gì trong điện hả em?
- Cứ đi đi! Nói ra anh có giải quyết được không?
- Nhưng là việc gì cơ?
- Không phải hỏi nữa! Con Hằng bị bắt ở quán mụ Cả sẹo!
- Vậy làm sao bây giờ?
- Lái xe đi, chạy trốn chứ đi đâu - Ả nhìn gã chồng say, cổ như muốn ói. “Đồ bị thịt, suốt ngày chỉ biết một chai hai đĩa là tài”.
*
- Đến Phú Thọ rồi đi đâu hả em?
- Để xem sao đã! Đi đâu bây giờ khi cái thị xã miền núi hẹp thế này mà đó đây đều có bóng dáng công an. Hơn nữa biết bao vụ án bị phanh phui cũng từ mảnh đất tinh quái này.
Nhiều lần đỗ xe ở đây mua ngô luộc thật thú vị. Những bắp ngô ngọt dài bằng gang tay nóng hổi, ăn vừa dẻo vừa thơm. Nhất là những quả dứa căng tròn thơm phức hương rừng. Gió từ hồ thổi lên mọi lần mát là thế. Nhưng hôm nay trời nóng như đổ lửa mà Hướng lại ớn lạnh. Ả ra khỏi xe, không mua dứa như mọi ngày mà ả chắp tay ngửa mặt lên trời kêu cứu.
- A! Nghĩ ra rồi! - Ả vội vã đi sắm hoa quả, vàng nhang rồi vờ hỏi mọi người:
- Các bác ơi, đền Ngọc Tháp ở đâu ạ?
- Đi quá rồi, cho xe xuôi xuống vài ba cây số nữa là tới ngôi đền kề sát bên bờ sông, đó là đền Ngọc Tháp.
- Cám ơn! - Ả nhăn mặt nói một cách khó chịu rồi hất hàm quát chồng:
- Cho xe quay lại!
Hùng say nhìn sắc mặt vợ và cho xe lùi vào ngõ rồi quay đầu chạy theo con đường nhựa vừa đi qua. Mấy phút sau, chiếc xe con mấy tỷ đồng vào đến bãi đỗ ở phía sau đền Ngọc Tháp. Hùng say lấy chai rượu ra đánh một hơi, hà một tiếng vẻ khoan khoái.
- Trời cao đất dày ơi! Đến nước này mà còn tu rượu được sao? - Ả nghiến chặt hai hàm răng khiến nó phát ra âm thanh ken két như mài đá.
Hướng không ngờ xe của mụ vừa dừng, chiếc xe con mang biển số xanh cũng trờ tới đỗ sát xe ả. Ba chiến sĩ công an từ trên xe xuống nhanh nhẹn vây cửa xe của vợ chồng ả. Một người đưa thẻ ra, nói:
- Cảnh sát đây! Anh chị đã bị bắt!
Hùng say run lẩy bẩy. Hắn nhìn mặt vợ xanh ngắt như đít con nhái vằn. Vợ hắn nói:
- Các anh có lầm không đấy. Tôi đi lễ thánh chứ có tội gì mà lại bắt tôi chứ?
- Có tội hay không, cứ theo về đồn khắc rõ!
- Xin các anh cho tôi được vào đền dâng lễ cầu thánh cho phải đạo.
- Cứ ăn ở lương thiện đã là vui lòng thánh, đẹp đạo đạo trời rồi. Làm ăn như nhà chị, thánh nào phù hộ mà cũng nghĩ đến đạo với đức. - Người công an nói rồi đưa còng số tám ra, còng tay hai người làm một.
- Không... Các người không được bắt vợ của ta! Hãy bắt ta đây này. Vợ ta vào tù chịu sao nổi?
Mọi người chạy lại đứng vây quanh hai chiếc xe đông như đám chọi gà. “Họ bị bắt vì tội gì? Liệu người nhà của họ có biết không nhỉ?”. “Sẽ có giấy báo về xã ngay!”. Người nói câu này, kẻ bàn lời kia. Cả hai người được dẫn lên xe của công an. Một trong ba người công an lái chiếc xe của ả cùng đi. Hai chiếc xe từ từ lăn bánh ra khỏi khu vực đền để lại phía sau những lời bàn tán thế nào ả không còn nghe thấy. Nhưng những lời họ nói quanh xe lúc nãy ả nghe không sót lời nào. Xe chạy một loáng đã đến đồn công an Hà Nội. “Thì ra công an Hà Nội theo dõi mà mình không biết”. Ả nghĩ vậy khi cả hai được lệnh xuống xe để vào phòng giam riêng biệt.
*
Ngồi trong trại giam, nhìn đôi tay búp măng nõn nà bị đưa vào cùm, mụ Hướng se ruột vì tiếc đời. Mụ bực tức định đưa tay lên đập nát một vật gì đó. “Ái! Đau quá!”. Mụ liền bị còng siết vào tay đau nhói. Mụ ngồi nhìn cổ tay rớm máu mà không làm gì được. Giờ đây đến bàn tay bên phải cũng không xoa nổi bàn tay bên trái. Mụ ca cẩm một mình:
“Nhớ ngày nào còn ở nhà Hiếu, mình chỉ lỡ cắt vào tay mà cả nhà xúm lại, bà lấy bông, thuốc lào, ông lấy băng, băng cho mình xong bà lão lại bắt Hiếu đưa mình ra trạm tiêm phòng nhiễm trùng. Còn hôm nay, một mình mình trong căn phòng tối tăm này chẳng có ai mà chỉ thấy hôi hám mùi gián, hắc nồng mùi ẩm mốc, tanh tưởi mùi cống rãnh từ ngoài lọt vào qua cửa sổ. Gọi là cửa sổ theo nếp nghĩ về mỗi căn nhà. Ở đây, đúng hơn là cái lỗ thông hơi, nó được khoét rộng bằng miệng chén. Muốn nhìn ra ngoài chỉ ghé được một mắt. Cả căn phòng tối tăm như tiền đồ của mình thế này. Phải chăng trời Phật đã nhìn thấy việc mẹ con mình làm. Có lần mình đã nghĩ đến sự trừng phạt của trời Phật. Mình nói với mẹ Hùng. Lập tức bị mẹ mình và mẹ Hùng thuyết cho một trận”. Nhớ đến bộ mặt phừng phừng của chồng, ả khóc không nổi, mếu không xong. Ả rền rĩ trong cổ họng: “Trời ơi! Đây là cái giá mình phải trả cho sự phản bội Hiếu ư? Suy cho cùng ở với Hiếu vẫn hơn. Chỉ tại mẹ mình. Khi còn sống, bà thấy nhà Hùng say giàu nhất vùng. Vợ hắn vừa chết, mẹ mình và mẹ Hùng gặp nhau biếu xén nịnh nhau thế nào mà mẹ mình cứ nay thì: “Nó xấu nhưng cấu ra tiền”. Mai lại: “Con mà lấy nó thì tài sản kếch sù ấy sẽ về tay con. Con đi đâu có xe đưa, xe đón. Cuộc sống mẹ con con sung sướng hơn người, mẹ cũng mát mặt. Ở với cái thằng thương binh ấy, nó đã yếu lại còn hai cái thây ma nữa. Cả nhà trông vào hai suất lương liệt sĩ của anh nó không đủ tiền thuốc cho hai cái thân già. Bảy cái tàu há mồm trông vào hai suất lương thì suốt đời đi xe máy rách thôi con ạ! Hơn nữa các cháu tao cũng có phải giống nòi nhà nó đâu cơ chứ...”. Nghe bà lão phân tích, lại đương đầu với cuộc sống cơ cực hàng ngày. Mấy lần thấy xe của Hùng lướt qua, mình có mơ cũng không được một lần ngồi lên chiếc xe bốn, năm tỷ đồng ấy. Một chiếc xe mà hơn cả tài sản của nhà ông Lợi giàu nhất xóm. Thực sự mình đã ngả lòng chuyển ý từ khi bà lão đẻ ra mình nhờ Hùng say chở cu Kế đi cấp cứu. Cũng từ ngày ấy, mọi việc trong nhà Hiếu nặng trĩu như đá đeo. Chán ghét nhất là nếp sống đạo lý của bố mẹ Hiếu. Cuối cùng mình phải dùng đến chiêu nói rõ việc con cái ra mới làm cho cả nhà Hiếu sái lòng. Hôn nhân tan vỡ. Trích lục cầm tay. Mục đích đã đạt được. Mình vui vẻ lấy Hùng. Ngày đầu ở với tên say đã ngán đến tận cổ. Sống với hắn không khác gì người nông dân cày phải cái cày cùn hay cắt lúa bằng cái liềm không chân chấu. Ngoài việc say xỉn, luôn miệng khen mình và lái xe như một cái máy, hắn không biết một việc gì hết. Thế rồi cuộc sống dần quen. Ả quen cả việc buôn bán mà mẹ Hùng đã dạy: “Việc này rất tế nhị mà chỉ con mới kế tục được sự nghiệp của mẹ. Con vợ trước của thằng Hùng chết trước mẹ cũng là may. Nó mà còn sống, khi mẹ già yếu, làm sao mà trị được thằng chồng say xỉn suốt ngày. Mấy chốc tài sản mẹ để lại bay lên trời. Ai sẽ là người nuôi thằng Hùng. Giờ có con, bà bên nhà lại là bạn thân của mẹ. Đây là tài sản cả đời bố mẹ tích cóp, cả thằng Hùng say nữa, mẹ gửi lại cho con. Tuy nó có say đôi chút nhưng lại nghe con và được cái dễ sai khiến. Con giúp mẹ chung sống hoà thuận với nó. Con hãy tìm mọi cách sinh cho nó đứa con thì mẹ về nơi chín suối cũng an lòng”. Như điềm báo, mẹ Hùng nói được một tuần thì ra đi khi bà vừa hướng dẫn mình các mối quan hệ và cách làm ăn. Bà ta còn đưa cho mình toàn bộ giấy tờ liên quan đến tài sản. Ai cũng bảo bà dại nhưng suy cho cùng bà không còn cách nào khác.
Ông Hào luôn đố kỵ ghét bỏ em. Hơn nữa Hào có máu cờ bạc. Tài sản vào tay gã có khác nào ném xuống biển. Bà tính toán đâu ra đấy và khi chết, bà rất linh. Bà linh đến nỗi biết trước cái chết đang cận kề. Chắc là ở nơi chín suối bà phù hộ nên bao phen mình thoát khỏi vòng truy xét của công an. Lần này là tại con Hằng mải chơi đúng lúc dưới âm bà bận việc không nhắc nhở che chở mới ra nông nỗi ấy. Nếu lúc này về được nhà thì hay biết mấy. Mình sẽ thắp hương cầu bà ta. May ra thì thoát. Nhưng khốn nỗi thằng con say của bà ta lại để cái túi ở giường. Chuyện này là tại mình. Đáng lẽ dù có mệt mấy mình cũng phải tự tay cất giấu cái túi ấy cho cẩn thận. Mình lại quen sai bảo hắn như một cái máy mà quên kiểm tra...”.
Có lần mình đã nghĩ đến sự trừng phạt của trời Phật. Mình nói với mẹ Hùng, lập tức bị mẹ mình và mẹ Hùng thuyết cho một trận: “Sợ gì cơ chứ, cứ có tiền là có tất cả. Khi có tiền mình bỏ ra chút ít trợ cấp cho một vài nơi, ai mà không quý. Còn việc bán cho bọn nghiện là tại bọn nó mua. Bọn nó dại thì bọn nó chết, thương gì loại ấy cơ chứ. Con không bán thì có nhiều người khác bán. Như mẹ đây đã từng làm bao nhiêu năm chỉ thấy có thu, có lãi chứ bắt bớ gì đâu?”. Được cơ hội, mẹ Hướng đế vào: “Mẹ chồng con nói phải đấy. Như mẹ đã nói với con nhiều rồi. Bà không làm thì lấy đâu ô tô mấy tỷ đồng và nhà cửa vốn liếng này. Bà đã đến tuổi nghỉ, mong có người kế tục. Anh Hùng không gánh vác được nhưng nó hiền lành, khoẻ mạnh lại thạo lái xe, đi đâu có vợ có chồng, quá tốt. Nói dại khi làm, nếu mắc mớ gì đã có bà lo chạy. Tiền bà nhiều, qua cửa nào chẳng lọt mà con cứ lo bò trắng răng...”. Nghe hai bà mẹ nói bùi tai. Việc mình linh cảm, lo sợ đã hoàn toàn biến mất. Tiếp đó là việc thu lời. Tiền vào như nước chảy. Thực sự nhiều khi mình đếm không xuể. Mọi chi tiêu không phải dè sẻn tính toán từng xu như ngày ở nhà Hiếu. Thấy lời, làm một mình không xuể, mình định kéo cả các con cùng làm. May cho con ranh Hường, suốt ngày học và bám lấy bà nội hờ của nó. Nó không ưa bố Hùng say. Hơn nữa con Hường giống hệt tính bà nội ruột của nó. Nó chính là con mình xin của Lâm con bà lão Lương. Mụ già hợp gu với mẹ Hiếu. Cả hai suốt ngày mở mồm là nói đạo lý này, tâm đức khác, nghe chối cả tai. Việc làm ăn mình không dám hở ra với con ranh ấy. Những ngày chưa đi đại học, tuy ở với mình nhưng tâm trí nó lại treo ở bên nhà bố Hiếu hờ của nó. Sau đó nó ở hẳn bên ấy mới lộn ruột làm sao. Cu Kế còn trẻ dại, nó cũng chẳng hay việc mình làm. Giờ đây chắc họ đưa nốt cu Kế về ở hẳn bên ấy. Được cái cả nhà nó ai cũng quý người. Đặc biệt là quý bọn trẻ. Khi trước mình ghét cay ghét đắng việc này, nhưng giờ như vậy là may rồi. Dẫu mình có mục xương ở đây thì con mình còn được họ chăm chút. Nhà nó sẽ phanh phui tội lỗi của mình, doạ nạt, dụ dỗ và chiếm lấy bé Hường, cu Kế. Cả nhà Hiếu sẽ không bao giờ dám cho chúng biết bố đẻ nó là ai. Họ sẽ không nói vì vợ chồng anh Lâm không có con. Anh cũng là bộ đội đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường về nhưng đơn vị anh không ở địa bàn giặc Mỹ thả chất độc. Khốn nỗi vợ anh sinh lần đầu được hai cháu một gái, một trai. Ngay lần sinh đầu ấy chị phải mổ cấp cứu và cắt bỏ tử cung. Hai cháu sinh thiếu tháng, cả nhà ra sức chăm sóc mà chẳng được bao lâu thì hỏng cả. Vậy là có đẻ mà không có nuôi. Nom chị ta hiền hậu thế mà khó sinh nở lại khó nuôi con. Ở đời gặp được người dễ sinh nở như mình quả là phúc tổ nhà nó còn gì.
Ngày ấy, anh Lâm vừa chạm vào mình, mình đã có chửa con Hường. Quả thật lần sau mình dối mẹ Hiếu. Mình đi lại với Lâm đã có mang cu Kế rồi mình vẫn bảo là chưa. Hai nhà lại bố trí cho mình được gặp anh thêm năm bảy lần nữa. Lão Lâm giỏi trai như Hiếu nhưng khoẻ mạnh nên... Nếu là vợ anh ta thì việc ấy còn tuyệt vời hơn nhiều. Nhưng lão nợ đời ấy không thích “của lạ” mà thật như đếm. Những giây phút ân ái với mình chỉ là giúp bạn. Cả trong khi ấy gã cũng một niềm chỉ nhớ tới vợ khiến cho mình tủi thân. Còn lão Hào - anh trai Hùng thì thật kinh khủng hết chỗ nói. Là con trai mà chỉ chực con gái hở ra là lừa lọc bòn rút. Thủa đời nhà ai mình xin hắn đứa con, hắn đồng ý. Không hề cho mình đôi chút nuôi con mà hắn giở trò bớp đực. Hắn tìm gặp mẹ Hiếu kể công, kể sức để ăn chặn của bà ta hai trăm bạc. Hắn y tính mẹ hắn, tính toán từng xu. Lúc nào cũng sợ thiệt và luôn nghĩ việc làm ăn cùng mẹ hắn là không thoả đáng trong chia chác. Hơn nữa hắn tìm các bà gái goá buôn bán giàu có ở các cửa tiệm để làm bớp đực “ăn no, bò cưỡi”, không nguy hiểm mà lại đủ thứ lời. Ngược lại Hùng say chỉ xấu trai nhưng cư xử với đàn bà con gái lại rất đàn ông. Công lớn việc nhỏ gì cũng luôn nhận khó khăn về mình. Người đời bảo Hùng giống tính cha. Hùng ngu xuẩn nhưng lại nghe mẹ như cái máy. Mẹ Hùng nghĩ kế cho Hùng học nghề lái xe. Hùng chỉ biết đi theo sự hướng dẫn của mẹ, sau là sự sai khiến của vợ. Hắn không để ý đến sự ra đời ở bất cứ đứa con nào của Hướng. Hắn lại càng không biết con Hằng là con của anh trai ruột mình. Còn gã Hào thấy bé càng lớn càng xinh đẹp, thi thoảng gặp mình lại doạ hỏi con. Nhưng giờ đây, dẫu có biết con Hằng bị bắt thì giống máu lạnh ấy cũng dửng dừng dưng. Còn hai bà mẹ. Mẹ Hùng đã chết, mọi tài năng xoay xở nay chui cả xuống mồ. Mẹ mình nói chắc như đinh đóng cột: “Nói dại, khi làm không may có mắc mớ gì đã có bà đỡ. Tiền bà nhiều như nước, việc gì bà làm chẳng lọt mà phải lo bò trắng răng...”. Lời mẹ nói còn đây. Giờ mẹ đã già yếu, người khô đét, nằm bẹp dí ở góc giường. Đầu óc mẹ không còn tỉnh táo. Mẹ đi ngoài không biết, bôi bẩn đầy đầu giường, cửa sổ. Cho mẹ ăn hay bắt nhịn đói, mẹ cũng không hay... Bao giờ mình được tha để về hầu mẹ một cách chu đáo đây. Đành rằng vợ chồng lão Định, lão Đông, lão Đoài còn sờ sờ ra đấy nhưng đã bao năm mẹ nghe mình, cậy mình có của, mẹ dằn hắt tất cả bọn họ. Giờ đây dẫu các người ấy có đến chăm sóc mẹ cũng chỉ là nghĩa vụ. Giá như ngày ấy mình đừng nghe mẹ mà vẫn ở nghà Hiếu thì giờ đây có nghèo mấy mình vẫn có cơ hội chăm sóc mẹ. Nhà Hiếu khó khăn vậy nhưng còn là người bên ấy, dù có đi cả tháng về chăm mẹ vẫn không sao”.
Mụ ôm đầu kêu: “Trời cao, đất dày ơi! Ai? Ai sẽ hầu mẹ con thật chu đáo. Ai sẽ cứu con và bé Hằng bây giờ! Ai? Ai? Hả trời ơi là trời?”. Mụ gục đầu xuống khóc thảm thiết. Những giọt nước mắt lã chã rơi trong căn phòng lờ nhờ ánh sáng. Cả đời Hướng mải mê tính toán, chạy theo khát vọng cháy bỏng về tiền tài. Nhất là từ ngày gặp mẹ con Hùng. Dẫu Hùng chưa được hoàn hảo nhưng việc nhân tiền đã chiếm hết thời gian và làm mắt ả hoa lên. Chỉ giờ đây, giờ đây trong căn phòng tối như hũ nút này ả mới sáng mắt ra. Ả thiếp đi trên chiếc chiếu trải sẵn ở góc nhà.
Nghe tiếng khoá lạch cạch, Hướng tỉnh dậy. Cánh cửa sắt hé mở, tia nắng ban mai chiếu vào khiến ả bàng hoàng mở to tròng mắt. Tiếng nữ công an nhẹ nhàng mà đanh thép: “Cho phép phạm nhân gặp người nhà”. Ả đứng dậy chạy ra cửa. Ả không tin vào mắt mình khi nhìn thấy sau bé Hường và mẹ Hiếu. Cụ đã già và gầy đi nhiều. Cảm động, hổ thẹn, ân hận, ê chề... khiến ả quỳ sụp xuống. Ả ôm lấy chân bà cụ khóc như mưa. Cụ Lành đỡ ả lên, nhẹ nhàng nói:
- Sự đã rồi. Khóc lóc có ích gì hả con?
Nghe cụ nói mà ả cứ tưởng Bồ Tát hiện về trong mơ. Ả không đứng lên mà siết lấy chân cụ Lành rồi dập đầu lễ ba lễ:
- Con xin được lễ sống mẹ. - Một tấm lòng từ bi hỷ xả. Con đã cư xử tồi tệ như vậy mà mẹ còn nhìn đến con. Đời này kiếp này con không thể báo đáp được mẹ rồi. Để kiếp sau con xin làm thân trâu, chó để đền ơn mẹ. Xin mẹ chăm các cháu giúp con.
- Con cứ yên tâm, cu Kế ngoan và khoẻ lắm. Nay cháu đi học và không biết chuyện gì đã xảy ra. Cháu vẫn tưởng bố mẹ và chị Hằng đi công việc.
Kể từ ngày ấy, tuần hai buổi chỉ có bà cụ Lành và cháu Hường đến thăm ba phạm nhân nhà mụ. Kể từ ngày vợ chồng mụ và con Hằng ra toà lĩnh án rồi được đưa đến trại cải tạo đến nay, đường sá xa xôi. Thi thoảng cụ lại giục anh Hiếu đi thăm bọn họ mặc cho mọi người đàm tiếu, ngăn trở, cụ Lành vẫn nhờ người đi tiếp tế cho Hướng đều đều.
Hướng ở trong trại thầm cảm ơn gia đình Hiếu. Ả cậy mấy đứa trẻ và kỳ vọng rằng khi mãn hạn tù về sẽ ly dị tên Hùng mà xin gia đình Hiếu cho tái hồi. Ả đã lầm.
Có lần thấy cụ vất vả đi lại, chị Hoà nói:
- Cụ còn thăm nom con lăng loàn ấy làm gì? Nó hỗn xược như vậy chưa đủ hả cụ?
- Ông nhà tôi bảo: “Ở đời dùng thiện tâm trị tà tâm”. Những lúc thế này chỉ có tình cảm mới mong nó nhận ra lỗi lầm. Mong sao mẹ các cháu sớm cải tà quy chính. Khi mãn hạn tù nó dứt bỏ nghề vô nhân luân này cho đám trẻ được nhờ. Dẫu sao chị ta cũng là mẹ của chúng.
- Phen này mục xương trong tù. Cụ đi lại thăm vợ chồng nó ở tù mà không sợ liên luỵ ư?
- Pháp luật ta công minh, ai làm nấy chịu, tôi không ngại điều đó.
*
Kể từ ngày được tin mẹ và bố dượng đi làm ăn ở nơi xa, cu Kế theo bà nội sang ở hẳn bên này đã được gần hai năm. Hôm nay trời nắng như phả ra lửa. Kế đi học về, mặt mày cháu đỏ nhừ như uống rượu. Cháu vội vã cho xe đạp vào nhà ngang rồi chạy lên nhà trên. Cháu sững lại khi thấy nhà có khách: “Cháu chào bà, chào bác ạ!”. Em nhìn mọi người e ngại rồi vội vã đến bàn trà pha nước mười khách. Anh Lâm sững sờ khi nhìn thấy thằng bé: “Trời ơi cu Kế. Con đã bằng chừng này rồi ư?”. Đã từ lâu, anh Lâm ngại không muốn sang đây vì sự vồn vã lạ lùng của mẹ các cháu. Từ khi mẹ nó đi lấy chồng khác, thi thoảng anh sang chơi với anh Hiếu thì cu Kế lại theo mẹ. Hai năm trời anh đi làm xa. Bẵng đi mấy năm mà giờ nó đã cao lớn thế chứ. Nhìn đứa trẻ. Suýt nữa không kiềm chế được thì anh đã đến ôm chầm lấy nó. Anh nhìn cháu vẻ âu yếm, hỏi:
- Năm nay cháu học lớp mấy?
- Dạ thưa bác, cháu đang học lớp mười ạ?
Anh Lâm như bị thôi miên trước cu Kế. Bà cụ Lâm cũng bàng hoàng không kém. Một, hai, ba phút qua đi, căn nhà lặng lẽ, không gian như căng ra. Mỗi người vô tình theo đuổi ý nghĩ cho riêng mình. Cu Kế ngồi sát bên ông nội một cách âu yếm như đứa trẻ lên ba. Nó áp lòng bàn tay vào trán ông lo lắng nói:
- Ôi trời! Ông đã khỏi sốt đâu ạ? Ông yếu như vậy mà bố cháu lại đi đâu thế ạ?
- Bố cháu sang làng bên hỏi giúp bác chút việc về ngay cháu ạ! - Anh Lâm nói.
- Cháu đích tôn của ông có khác, thương ông đến thế là cùng. - Bà cụ Lương nói đế vào.
Mặt cụ Lành đỏ au vì sốt. Ngồi tiếp khách mới hơn tiếng mà cụ hoa cả mắt. Mặc dù mệt nhưng cụ vẫn nhận rõ cu Kế và bé Hường giống anh Lâm như đúc. Càng lớn, sống mũi thanh tú càng hệt một khuôn. Nhất là má lúm đồng tiền. Đàn ông mà có má lúm đồng tiền, nụ cười tươi sang trọng giống nhau đến thế. Cụ cảm nhận. Nỗi niềm khát con, thèm cháu của anh Lâm và bà cụ Lương. Ngồi gượng mãi không xong, cụ định xin phép đi nằm. May sao bà cháu bé Hường và anh Hiếu về. Chị em cu Kế xuống bếp lo việc cơm nước. Ba cụ già và hai ông cựu chiến binh nói những chuyện gì hai em không hề hay. Chỉ biết rằng hôm sau đi học về, em giật mình tưởng ông bị làm sao mà trong nhà đông người thế. Các ông bà, các bác nhà bà Lương đến rất nhiều. Cô dì chú bác nhà em cũng đến đầy đủ. Mấy mâm cơm thân thiện được bày ra vui như tiệc hội. Đứng trước mọi người, cụ Lành nói:
- Thưa các cụ, các ông, các bà và anh chị em hai họ. Đã lâu hai gia đình chúng ta rất quý mến tôn trọng nhau. Nhất là bà lão nhà tôi và bà cụ Lương bên ấy. Hai bà đối với nhau nhiều khi hơn cả chị em ruột. Tình cảm của hai bà di truyền cho hai thằng con hiếu thảo. Anh Lâm bên nhà và cháu Hiếu nhà tôi cũng quý trọng nhau như người một nhà. Tóm lại chúng ta ai cũng nghèo nhưng vẫn coi trọng tình cảm hơn cả. Việc các cháu bên này ra đời chắc mọi người biết cả rồi. Vợ chồng tôi cùng cụ Lương bàn mãi mới dám đưa ra việc cho hai cháu biết các cháu đều là con ruột của bố Lâm - bên sinh, còn bố Hiếu - bên dưỡng. Kể từ giờ phút này, hai gia đình chúng ta xin được chung con chung cháu.
Bé Hường hiểu điều này qua sự chửi bới của mẹ nó đã lâu. Em cố lấy lại bình tĩnh trong cuộc sống cam chịu chấp nhận sự éo le của hoàn cảnh gia đình. Vậy mà hôm nay em vẫn sững sờ trước sự quyết định của hai họ. Em không biết nên vui hay nên buồn. Một nỗi niềm mang mác sâu thẳm cõi lòng, lâng lâng khó tả. Còn cu Kế. Cu Kế đứng như trời trồng. Em không hiểu tại sao lại như vậy. Bất thần, Kế chạy đến ôm chầm lấy bố Hiếu nghẹn ngào:
- Bố! Con yêu bố. - Em chìa cánh tay trái choàng lấy cổ bố Lâm nói như hô: - Bố! Cả bố nữa. Con yêu cả hai bố!
Bữa cơm thân mật giữa hai gia đình kéo dài đến nửa buổi chiều mới tan. Ai nấy đều phấn khởi.