Từ ngày anh Đức mở lại cửa hiệu, bà Lài vui vẻ hẳn lên, nom bà trẻ ra mấy tuổi. Hôm nay, niềm vui của bà càng được nhân lên trong ngày cưới anh Đức. Không những bà Lài vui mà bà con trong xóm đều mừng cho tấm lòng nhân hậu của bà đã được ông trời đền đáp. Niềm vui lan tỏa đến mẹ con bà giáo Hà. Bà Hà xuống nhà con gái từ sáng hôm qua. Nay mẹ con bà cùng vợ chồng chị Tâm Long sang nhà bà Lài từ mờ đất để giúp bà Lài chuẩn bị công việc ngày mai cho chu toàn. Cánh cổng vừa mở, bà Lài cầm tay bà Hà rưng rưng nước mắt:
- Mời bà và hai bác vào nhà, mẹ con tôi được hồi sinh rồi.
- Trời có mắt mà. Trời không bao giờ hẹp lòng với người có lương tâm đâu. Bà ăn ở phúc đức vậy chẳng lẽ lại khổ mãi ư? - Bà Hà nói.
Ngoài ngõ, mụ Cậy cong những ngón tay múp míp như nải chuối mắn, phe phẩy cái quạt giấy, người mụ ưỡn ẹo, tay mụ chắp kích, mụ chõ mồm vào nhà bà Lài nói oang oang:
- Ối chao ơi, cưới với cheo! Không hiểu ở với nhau được mấy ngày đây? Là cô giáo hẳn hoi, ăn học tốn bao nhiêu công sức cha mẹ nuôi nấng, dẫu có ế thì để cho chó nó nhai còn hơn rây vào lấy thằng nghiện.
Nghe tiếng nói, mấy cậu thanh niên làm giúp đang căng phông bạt ở sân định chạy ra cho mụ một trận. Bà Lài ngăn lại:
- Thôi cháu, tính họ xưa nay vẫn thế, chấp gì.
Nói vậy nhưng bà Lài đứng lặng người đi. Đêm đã khuya, lời nói độc địa của mụ Cậy cứ văng vẳng bên tai. Ngày bận công việc là thế mà đêm nay bà không sao ngủ được. Bao chuyện xưa cũ hiện về. Nhất là ngày ấy - Một ngày mà nỗi đau khắc vào lòng bà tưởng chừng bà không vượt qua nếu không có sự động viên của anh em nội ngoại, bè bạn và bà con lối xóm.
*
Hình ảnh một ngày trời mưa phùn gió bấc, đường làng trơn như đổ mỡ. Rét như chích vào da thịt. Chỉ riêng cửa hàng đồ điện, ống nước như ấm lại vì quá đông người. Chị Tâm con gái bà giáo Hà là chủ cửa hàng. Chị luôn tay thu tiền, trả lại tiền cho khách theo sự báo giá của sáu cậu thanh niên giúp việc. Mấy tháng cuối năm này là thời vụ làm nhà, hơn nữa dân trong vùng nhiều gia đình bán được đất, họ cất nhà tầng cho các con, thành ra cửa hàng của chị thường ngày đã đông khách, nay càng đông khách hơn. Nay biết bà giáo Hà xuống với con, chị em hàng xóm đến chơi đang cùng bà nói chuyện trong nhà. “Không hiểu ông cha nhà họ ăn ở phúc đức thế nào mà con cái nhà họ làm ăn hậu lộc vậy”. Đó là câu nói ông khách mua hàng vọng vào nhà rõ mồn một. Bà Chanh nói theo:
- Ai đó nói đúng đấy, bà con xóm Tân Dân nhiều người nói vậy. Giờ đây bà Hà sướng quá, thật là con hơn cha là nhà có phúc.
- Rõ là trời bù cho bà những lúc vất vả ngày nào bà nhỉ? - Bà Nhàn vui vẻ nói.
- Tôi luôn cho rằng con gái đã gả bán cho nhà người ta, nó phải lo việc nhà chồng, giàu ăn khó chịu. Nó ăn nên làm ra là nhờ nhà họ đa phúc đa lộc chứ từ ngàn xưa đến nay có ai mang được hồng phúc nhà mình về nhà chồng đâu hả chị em? Cháu nó không thể san sẻ kinh tế cho tôi nhưng được trời cho thế này là nó đã cho mình những thứ còn quý hơn cả vàng bạc, đó là sự an tâm. Đời tôi nào có suôn sẻ gì, mới hai mươi mốt tuổi đã đứt gánh giữa đường, khi ấy tôi đang mang con Tâm trong bụng. Ngày ấy chưa có siêu âm như bây giờ nên ai sinh con trai hay gái đều nhờ vào sự phán đoán qua kinh nghiệm của các cụ. Muốn rõ phải chờ đến ngày sinh. Ngày sinh cháu, sau mấy tiếng đồng hồ vượt cạn, tôi nghe tiếng cô hộ sinh reo lên: “Trời ơi! Bé gái xinh quá đi!” cùng tiếng con khóc, tôi lo lắng, bật ngay ra mấy vần thơ: “Mẹ giật mình biết con là con gái/ Con gái rồi mai sợ chữ tình”. Tôi lo suốt thời gian nuôi con. Mong từng ngày con lớn, cho con ăn học bằng người. Điều đó dễ ợt, nhưng còn gả con vào nhà ai, số kiếp con có gặp người biết điều hay không quả là quá khó. Việc này chỉ có trời mới xếp được. Nghĩ vậy hàng ngày tôi tụng kinh, niệm Phật cầu mong trời Phật thấu đến mà độ cho con đừng gặp phải cảnh đời bất hạnh như mẹ nó... Giờ đây, con được như thế này, ai cũng mừng cho tôi chị em ạ. Nhưng ở đời trời cho đến đâu biết đến đó. Sông có khúc, người có lúc, chẳng ai dám nói trước điều gì...
Câu chuyện chị em hàng xóm cũ đang vui vẻ, bỗng tiếng cười xoang xoảng, nói lanh lảnh ngoài cửa hàng: “Mẹ nó bán cho bà cái đèn ngủ bóng mờ”. Các bà nhận ra ngay là tiếng mụ Cậy.
- Trời ơi bà già máu thế? Xấp xỉ đầu bảy rồi mà còn bóng tỏ, bóng mờ... -Thằng đầu trọc nói.
- Kệ xác tao! - Mụ Cậy nói với mấy cậu thanh niên đáng tuổi cháu mình mà mụ vẫn không quên cái nguýt dài õng ẹo, tao mày vung ra như nhà nông gieo mạ.
- Bà còn nhiều trò chống nhỉ? - Thằng Tũn móm nói.
- Còn chứ! Sao lại không? - Mụ Cậy vênh mặt trả lời.
- Trò thì còn nhiều. Như cái trò: Lìa bỏ con trai/ Chê bai con gái/ Vụng dại con dâu/ Hơi đâu mà bồng bế cháu.
- Nhưng chống thì chắc đêm nào cơn hen suyễn tuổi thất thập kéo về, một thân một mình thở không được phải dậy ngồi hai tay chống ra đằng sau là cái chắc. - Thằng đen nhẻm nói.
- Thằng ôn con này, mày dám nói bà thế ư? Bà mày còn ối sinh lực. - Mụ Cậy nói một cách thích thú như đã lâu mụ chưa được nói.
- Phế phì phối phay phở phửa phanh phến phé! - Ông cụ lưng còng, tóc bạc, hai hàm răng bằng những lợi, cụ móm mém cười, phều phào nói và giơ bàn tay như mấy mẩu xương vuốt má mụ một cách lẳng lơ.
- Cũng tốt nhưng nom bộ dạng cụ cố thế kia được mấy hơi hay lại thở hắt ra từ cổng... hí... hí...! - Mụ Cậy uốn éo, vẫn cái điệu bộ nguýt dài cố hữu nhưng ánh mắt không lấp nổi những vết rịa chân chim lằng nhằng trên khuôn mặt nung núc những thịt của mụ. Ánh mắt dao cau một thời làm khuynh gia bại sản bao nhiêu người hám của lạ.
- Ôi bà nội ơi! Bà nội có bao nhiêu cháu chắt rồi? Không sợ bọn con cháu nó cười cho ư? - Thằng cao kều nói.
- Sợ gì ai cười, ở đời chơi cho thỏa, già khỏi hận. Người đời đã nói: “Lẳng lơ đeo một bị b.../ Không chửa, không đẻ vẫn là nòi chính duyên”. - Mụ vênh vênh cái mặt nom thật kịch cỡm.
- Bà nội già rồi mà còn máu thế! - Thằng Mùi còi nói đế vào.
- Trời ơi, chúng bay cứ lão hóa tao mãi thế hả? Tao đã già như chúng bay tưởng đâu. Người xưa có câu: “Cụ già đã tám mươi tư/ Ngồi bên cửa sổ viết thư cho bồ” và “Cụ già đã chín mươi hai/ Nằm trong quan tài hát ghẹo thợ sơn”. Thấy chưa bọn nhãi này. Bà mày đây mới chớm đầu bảy, còn trẻ chán các con ạ!
Tất cả phá lên cười. Mấy ông khách đang đếm tiền thanh toán cho cô Tâm nhíu mày khó chịu. Thằng cháu giúp việc đếm đi đếm lại số cút nước vẫn nhầm. Chị Tâm khéo léo nói:
- Hùng ơi, cháu để việc đấy, lấy đèn cho bà về kẻo muộn. Mai bà lại chê cửa hàng mình phục vụ kém, làm mất thời gian của bà.
- Không sao, tao là tỷ phú thời gian. Tiền của thằng con khốn nạn phá hết nhưng còn tiền tuất liệt sĩ, hàng tháng, tiền cho vay lãi tháng nào chẳng đủ ăn, tội quái gì mà chả đi tán phét cho vui, cho trẻ khỏe.
- Trời ơi, các cháu bế nhau như con mèo tha con chuột, mũi dãi dài hơn người mà bà thì dỗi hơi thế? - Phong đế vào.
- Thằng chồng ngu xuẩn/ Con vợ quẩn quanh/ Lành không hẳn lành/ Còn tranh đức độ... lại còn cong môi bênh vợ cãi tao, tao lìa bỏ lâu rồi. - Mụ Cậy cho một thôi một hồi.
- Bà cũng có ngoan gì đâu. Chín anh chị em ruột nhà bà, trừ bà ra còn tám. Một người chết còn bảy người, bà lìa tất cả bảy. Mẹ đẻ ra bà phải thắt cổ tự tử chỉ vì mấy miếng đậu rán của bà - Thằng Huy Trọ nghe từ nãy chối tai quá. Nó liều lĩnh nói:
- Đứa nào nhiếc tao đấy, liệu hồn - Mụ Cậy gằn mặt nói rồi quay phắt lại định sinh sự nhưng trước mặt mụ là thằng Huy Trọ. Mụ đành nín lặng trước khuôn mặt khó coi của nó. Mụ đánh lảng nói: - Lấy hàng cho bà chưa?
- Rồi ạ! Của bà hết ba mươi nghìn - Thằng Hùng nói.
- Cho bà chịu nhé, nay hết cả tiền lẻ.
- Vâng! - Chị Tâm miễn cưỡng.
Nghe chuyện từ nãy đến giờ, bà giáo Hà chép miệng: “Già rồi mà vẫn chứng nào tật ấy”. Bao nhiêu lời mụ chê bai mẹ con bà và bà con hàng xóm, nào là ngu xuẩn, gà hàng xóm tự đến bằng trời cho của mà không biết hưởng lại còn gọi tướng xem của ai trả cho họ. Nào là quân khố rách áo ôm còn sĩ, mở mồm là dạy con ăn ở phải biết chọn bạn mà chơi, chơi với loại nghèo khó ấy để chi... tất cả vẫn còn rõ như mới hôm qua. Sẵn có mấy bà hàng xóm cũ cũng chờ lấy hàng không lạ gì mụ, bà Hà nghĩ: “Đời phải biết lấy ơn trả oán”. Bà đứng bật dậy nói:
- Con ơi, bà cao tuổi rồi, hơn nữa chỗ hàng xóm cũ, con biếu bà luôn, đừng ghi sổ làm gì.
- Vâng ạ. - Chị Tâm hiểu ý mẹ.
- Cháu không lấy tiền thật ư? Chào bà ạ! Tôi gặp may rồi... hí!... hí...
Vừa nói, mụ Cậy vừa te tởn chạy ra cửa suýt nữa mụ va vào bà giáo Lài. Bà Lài đến từ lâu, biết bà Hà xuống nhưng bà không tiện lên tiếng. Chỉ vì tính tự ti mà bà sợ gặp lại bạn cũ. Người bà gày khô, bà bế cháu đứng nép sau cánh cửa chờ vắng khách. Mụ Cậy nhìn bà Lài một cách khinh bỉ, nói:
- Quẳng cha nó đi. Bế làm gì cho khó nhọc.
Con bé trên tay bà khóc thét lên. Bà ôm cháu chặt hơn và dỗ dành:
- Ngoan nào, bà thương con, bà Cậy nói đùa đấy con ạ!
- Đùa gì, tôi là tôi bảo quẳng cha nó đi thật đấy. Khiếp quá, mũi dãi đến là tanh tưởi. Lũ trẻ bẩn thỉu nhà tôi có mà còn lâu con này mới bế, chối xác nó. Nó đẻ ra chứ có phải mình đẻ đâu. Dây bầu phải chịu trái bầu chứ việc đâu đến mình. Nhân đức lắm chỉ cực thân.
“Người đâu mà nói, hễ mở mồm là tuôn ra một tràng những lời độc địa”. Nghĩ vậy nhưng bà Lài không nói gì. Chờ mụ ra khỏi cửa hàng, mọi người cũng mua xong, họ ra về hết. Bà đảo mắt quanh xem có ai vào sau không. May rồi, bà bế cháu đi thẳng vào góc treo các dây xích. Thôi thì đủ cỡ, từ những chiếc xích mèo nhỏ nhắn, đến những chiếc xích to đùng. Bàn tay gân guốc của bà lần đám xích to chọn ra một chiếc to nhất rồi hỏi:
- Bao nhiêu tiền cái xích này hả cháu?
Cô Tâm mải tính tiền không chú ý. Lúc này nghe bà hỏi, cô mới ngẩng lên:
- Con chào bà, chào bé Chíp! Bé ngoan quá! Cô cho con bánh quy này.
- Cháu ơi bao nhiêu tiền cho cô trả, cô về kẻo muộn? - Bà sốt ruột nhưng không dám nói là mình đến từ lâu chờ và tranh thủ lúc này cửa hàng vắng khách.
- Năm mươi ngàn bà ạ. Dạo này anh Bích nuôi béc to thế kia ạ? Các đại gia thời thượng thường mua xích này. Con mừng cho bà.
Nghe lời tử tế của chị Tâm từ đáy lòng mà mặt bà giáo sắt lại chịu đựng. Chưa đầy sáu mươi tuổi mà những nếp nhăn trên khuôn mặt phúc hậu của bà đan chéo, nhì nhằng như mặt cụ già ngoài tám mươi ấy. Bà thở dài vì trong túi chỉ còn ba mươi bảy nghìn năm trăm. Bàn tay run run, lời nói nghẹn tắc trong cổ họng, những giọt lệ ứa ra từ đôi mắt trũng sâu già nua:
- Cô chỉ còn cả thảy ba mươi bảy nghìn năm trăm thôi. Còn thiếu mười hai nghìn năm trăm cho cô chịu nhé. Ngày mai bán rau về cô trả nốt, cháu để vào cái túi đen cho cô.
Chị Tâm sững sờ và ái ngại: “Có lẽ mình lỡ lời. Tại sao? Tại sao mắt bà lại ướt thế kia? Hay là...”. Chị Tâm đã đoán đúng.
Ra khỏi cửa hàng, bà Lài đặt cháu vào ghế xe, vội vã lên xe. Chiếc xe đạp vừa lăn được mấy vòng đã rung lên nhong nhóc. Xe bà run, tay bà run, xe và người vật vã trên đường.
Mưa phùn gió bấc đưa hai bà cháu về nhà. Căn nhà mái bằng nhất xóm hồi nào, nay rộng hoác vì đồ đạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Trong nhà chỉ còn lại những gì không ai chứa nó, nó mới ngoan ngoãn ở lại với bà. Cả gia tài chỉ còn cái bàn thờ chạm trổ lưỡng long chầu nguyệt, phượng múa, rùa bơi kê ở giữa nhà là có giá nhưng không ai dùng lại của ấy bao giờ. Phía dưới là bộ bàn ghế cũ rích xin của ông bà Toàn. Gian bên này là chiếc phản gồm bảy tấm gỗ nhỏ cong vênh như ván ghép cốt pha của ông thợ xây, chúng vừa được xẻ từ cây bạch đàn non ở góc vườn. Trên phản là tấm chăn cuộn tròn trên chiếc chiếu rách. Tất cả như sơn đen vì lâu ngày bị ám khói bởi đống củi sưởi. Đống lửa ở gian bên suốt ngày nghi ngút khói đã mấy tuần nay. Chủ nhân của đống lửa là anh Đức con trai bà giáo Lài. Mới ngày nào, anh to cao lồng lộng như thế. Anh - ông chủ cửa hiệu sửa chữa ô tô xe máy tầm cỡ. Trong tay anh hàng mấy chục công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao. Giờ đây, bên đống lửa kia, anh ngồi đầu gối quá tai nom giống như bộ xương được bọc bởi lớp vải màu cháo lòng, khuôn mặt anh xanh lét, nhợt nhạt những đường gân. Hai hố mắt trũng xuống thâm quầng dưới đôi mày đen, dài như hai con sâu róm. Đôi môi anh thâm đen như hai miếng thịt trâu khô run bần bật.
Mới ngoài ba mươi mà nom anh già hơn cả ông Bật (chú ruột anh). Năm nay ông đã ngoài sáu mươi. Người ông to cao vạm vỡ, nước da hồng hào ánh lên khuôn mặt vuông vức, nhân hậu. Ông lặng lẽ nhìn chị dâu và hai bố con thằng cháu mà ruột gan đứt ra từng khúc. Ngồi kề bên ông là cô giáo Thơm. Cháu Thơm từng là học sinh của ông. Mới nhỏ xíu hồi nào, ngày ngày cắp sách tung tăng tới trường, hai bím tóc bay bay trước gió. Giờ đây, cháu đã là cô giáo. Cô giáo cấp hai chứ chả xoàng.
Hôm nay chủ nhật được nghỉ, nó cũng đến đây từ sớm. Thời gian gần đây, ông nghe loáng thoáng tin bé Thơm yêu cháu trai ông. Ông không tin. Cô giáo trẻ, đẹp lại tân, gái thế đời nào chấp nhận thằng cháu lỡ lầm của ông. Đành rằng bà chị dâu ông là người nhân hậu, giống nòi nhà ông ăn ở bề thế nhất làng. Nhưng giờ tuổi trẻ nó cần gì đến việc lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống như xưa nữa. Tiêu chuẩn con gái chọn người yêu bây giờ là tiền tài và địa vị. Nhớ lúc thằng Đức ăn nên làm ra, nó đã từng đưa vợ con, bố mẹ vợ đi du lịch khắp nơi hàng tháng trời... Con vợ nó cong cớn, khinh người này, chê bai người khác, lúc nào cũng sợ anh em nhà chồng và bạn bè đến vay mượn. Nhiều lúc ả cậy của lúc nào cũng bảo người này thấy giàu có thì ghen, người kia đố kỵ. Từ ngày nghe tin thằng Đức chớm nghiện, nó chồm lên như một con thú hoang, mày tao chi tớ, giống này giống nọ... Thôi thì đủ thứ ngôn từ lăng loàn vung ra tua túa. Không biết nó nhặt được ở đâu hay là mẹ nó chết không dạy nó mà trước khi đi lấy chồng, lão bố máu lạnh của nó tích cóp những ngôn từ ấy cho nó làm của hồi môn mang về nhà chồng để xử sự khi cần thiết. Cái lão bố nó thì được khu dân cư của nhà máy tặng cho lời đánh giá là: “Thằng cha ấy ngu hết cái ngu của xã hội”. Thằng Đức chớm nghiện, gã chưa biết, nó trót vay của gã năm trăm triệu đồng có ký kết hẳn hoi. Nó hứa sẽ bán nhà trả cho gã. Trong khi đó thằng Đức đã thí cho gã số tiền làm đủ tầng hai tầng ba, nó lại sắm cho nhà gã đầy đủ tiện nghi, nó có kể gì đâu. Năm trăm triệu to quá thật nhưng thử hỏi đã bằng số tiền thằng Đức thí cho nhà gã chưa? Tất nhiên việc đã vay là phải trả, việc cho không ai thèm đòi lại, nhất là Đức. Ấy thế mà chỉ vì mấy trăm triệu bạc chưa kịp bán nhà trả mà vợ chồng hắn vác bằng liệt sĩ của ông bố đi khắp nơi đòi kiện cho thằng con rể đi tù. “Tù thế nào được nó? Nó có cãi nợ hay lừa đảo ai đâu. Vậy thì gã khuyển dương ấy không còn lương tâm nghĩ đến các cháu ngoại của gã ư? Khổ thân thằng cháu ông, khi làm ăn được thì lúc nào cũng ông ngoại thằng cu, mẹ thằng cu... Ông giáo thấy cháu mình chăm nom đến gia đình nhà vợ thế thì ông mừng lắm. Mừng rằng như vậy cháu ông sẽ có gia đình hạnh phúc. Thương yêu vợ con là nòi giống nhà ông mà. Ai ngờ cháu bị bạn phản bội bởi làm ăn lên nhanh, có đồng ăn, bát để, con vợ nó cong vênh, mặt lúc nào cũng như nồi đồng cháy dở ấy. Nó luôn miệng uốn éo nói: “Bao giờ rừng hết lá, hết cây, sông hết nước, nhà tao mới hết của. Đứa nào ghen với tao thì đấm ngực mà chết...”. Đức lâm nạn thật, cửa hàng, cửa hiệu ra đi trước. Con vợ mồm năm miệng mười bỏ lại đứa con tội nghiệp ra đi sau cứ như người lánh nạn. Nó đã lấy chồng khác, sinh con khác. Tiếp đó là đồ đạc sức khỏe từ từ ra đi nốt.
Ông ngồi đã lâu bên đống lửa gần thằng cháu, càng nghĩ, càng thương cháu và căm thù gã Khuyên. Dân phố gắn cho tên gã dấu hỏi thật chẳng quá chút nào... Ngồi gần đống lửa chỉ tổ rát mặt. Từ lúc ông ra mở cho bé Thơm, gió ngoài ngõ lùa vào lạnh cóng nhưng lòng ông ấm lại vì lời nói nhỏ nhẹ: “Em chào thầy ạ!”. Nó nắm chặt tay ông nói nhỏ: “Thầy trò mình và cô giáo cùng chung sức cứu anh Đức ra khỏi vũng bùn nhơ này thầy nhé!”.
- Khó lắm em ạ! - Ông Bật thất vọng.
- Không! Em có cách! Chỉ mong thầy và cô giáo nhiệt tình ủng hộ.
Từng ngày, từng giờ ông chờ đợi sự hoàn lương của thằng cháu ruột. Nay lại nhận được lời nói thánh thiện của cô học trò nết na này. Vừa lúc ấy, bà chị dâu của ông về. Bà nhấc cu cháu ra khỏi xe rồi lấy một túi ni lông đen dễ chừng ba cân xi măng, một túi đựng dây xích to đùng. Bà xuống bếp xách lên chiếc xà beng, một đầu đã nhờ lò rèn uốn tròn. Bà nhìn con xót xa. Giọng bà run bắn lên: “Chịu khó con nhé! Có làm vậy mới mong con qua cơn nghiện quái ác này”. Có vậy mà bà khóc, khóc không thành tiếng. Nước mắt, nước mũi bà giàn giụa. Bà không nói nên lời. Bà run rẩy đưa cho ông em chồng cả hai cái túi và chiếc xà beng. Ông Bật bẩy viên gạch hoa ở góc phản lên, đào một lỗ nhỏ sâu khoảng 60 phân, đổ ít nước xuống cho mềm đất hơn. Ông đóng xà beng xuống hết cỡ rồi hòa xi đổ vào cho chắc. Ông lấy hai chiếc khóa Việt - Tiệp khóa vào hai đầu xích. Một đầu vòng vào chân anh, đầu kia khóa chặt vào vòng tròn đã chôn. Từ đó đồng lương hưu của bà và mấy thước ruộng trồng rau cũng đủ nuôi sống hai mẹ con nhà bà và cháu bé.
*
Anh không thể ngồi mãi thế này. Số sách truyện cô giáo Thơm mang đến anh đã đọc hết. Ti vi xem mãi cũng chán. Nhiều khi cơn nghiện vẫn mò về, nó khiến anh như kẻ điên dại, anh vò đầu, chân tay anh giãy giụa, trán thì co quắp lại, dãi rỏ ra từng cục... nom thật kinh khủng. Những lúc ấy anh gắng chịu. Rồi cũng quen và cơn nghiện về thưa dần và tắt hẳn sau hơn tám tháng tự nguyện giam mình. Cô mang đến cho anh một giàn vi tính, kéo mạng về để anh đọc báo, chát với bạn bè gần xa, nhất là với cô. Ban đầu cô hướng dẫn anh, sau anh mày mò tự học, không mấy chốc anh Đức đã giỏi hơn cả “cô giáo” của anh. Anh đã làm ra tiền bởi cô giáo nhận việc đánh công văn, đánh bản thảo những tập thơ của các ông trong câu lạc bộ thơ về cho anh làm. Ở xóm cô mới xuất hiện biết bao người làm thơ. Ai cũng muốn ra trình làng tập thơ gọi là của nhà lá vườn. Gặp bản thảo về các bài thơ đường, ái chà chà thể thất ngôn bát cú chỉ tám dòng một bài, mỗi bài một trang. Mỗi trang năm nghìn đồng. Mười trang năm mươi nghìn. “Đã mang kiếp nghệ sĩ này/ Càng mơ thơ phú, càng say bạn tình”.
Ngày tháng qua đi anh Đức lại là “bạn tình”, nơi tìm đến của những nhà thơ của làng, của vùng. Nhà bà giáo Lài nhộn nhịp khách vào ra. Đa số các nhà thơ ca vát, com lê, dép tông, dép lê nghe oai đáo để. Anh Đức đã thực sự đổi đời. Các đồ đạc trong nhà bà giáo cũng đổi đời một cách hãnh diện. Căn nhà rộn rã tiếng nói, tiếng cười, tiếng thơ. Các ông các bà làm được bài thơ nào lại đến đọc cho nhau nghe. Xem chừng thơ ông nào cũng nhất, chưa tìm được ông nhì. Ngoài ngõ, mấy chú thợ xây nghêu ngao đọc: “Thơ khênh cả cái lơ mơ/ Mang đi khắp nẻo đợi chờ tiếng khen”. Chú thì: “Bố cháu in tập thơ ra/ Mất toi cả một đàn gà trăm con/ Nhìn đàn lợn bột lon ton /Mẹ cháu lo lắng, vẫn còn tập hai...”. Bà Giáo ái ngại nói với mấy ông khách:
- Thưa các ông, cháu nó sống lại nhờ vần thơ các ông mang đến.
Anh Đức đế vào:
- Thưa mẹ, con xin lỗi cắt ngang lời mẹ rằng quý nhất là có bạn thơ. Con cũng làm được gần trăm bài thơ rồi đó.
Bà giáo Lài nhìn con âu yếm:
- Mai rồi mẹ cóp tiền nhờ các ông in giúp cho tập thơ như của các ông ấy để làm kỷ niệm.
- Các ông ạ, suy cho cùng tiền in tập thơ hết năm ba triệu đáng gì so với tiền ngồi góc chiếu thâm canh. Càng chả đáng gì so với sự mất mát của cảnh... - Bà ngừng lại ngay vì biết mình lỡ lời. Bà lảng nhanh:
- Giá tất cả các người say cờ bạc lạc cả vào thơ thì tốt biết mấy.
Anh Đức đỡ lời mẹ:
- Thưa mẹ, con đã lạc vào thơ và lạc khỏi vũng bùn nhơ rồi mẹ ạ! Ngày mai, em Thơm mang chìa khóa đến, mẹ mở cho con. Em sẽ cùng con đi sắm cưới. Số tiền này mẹ lo trầu cau và công việc cho chúng con.
Bà giáo không tin vào tai mình. Bà ôm con vào lòng khóc tu tu như đứa trẻ chưa từng được khóc. Những giọt nước mắt bấy lâu nay, bà nuốt vào tận đáy lòng, nay nó bị bật tung trong niềm vui vô hạn của tuổi già.