Đi đâu đấy? Không đi tham quan à?
Thành đang vội vã, nghe tiếng gọi, cô xuống xe tắt máy, nói oang oang:
- Chào chị em phụ nữ nhà ta. Nay em bận, chúc cả nhà du xuân vui vẻ nhé!
- Bận gì khai ra? - Thụy hỏi.
- Bận đi chơi rõ chưa? Tinh vi vừa thôi!
- Chơi với anh nào? Khai nhanh - Thuỳ đùa.
- Anh nào ư? Ối anh! Kể làm sao hết được cơ chứ.
- Thóc mách vừa thôi không cho ăn đòn đấy. - Thành vừa nói vừa cười. Một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt ngời ngợi nét xuân.
- Có nhiều vậy nhường bớt cho người khác đi!
- Chả dại. Đây bao nhiêu cũng ít. - Nói rồi Thành lên xe phóng đi.
Xe của đoàn tham quan cũng chuyển bánh, mang theo cả chuyện cô ả Thành. Những lời bàn tán về cô ả ngày càng sôi nổi.
*
- Khiếp, đàn bà con gái mà suồng sã thế - Lụa nói.
- Thật rõ trơ, nói không biết thẹn mồm. - Leng bĩu môi đế vào.
- Các chị ở xóm xa không hiểu nó thôi. Em ở gần nhà nó, em biết. Tính nó toang toác hay nói kiểu mập mờ, tinh nghịch từ thời con gái. Mới gặp một đôi lần các chàng trai si tình tưởng bở mò đến. Vị nào vị ấy ăn tát như chơi - Tình phân tích.
- Chả thế mấy gã vô công rồi nghề ở dưới phố huyện lại gọi nó là tổ ong vò vẽ - Thu nói.
Chị Nguyệt ngồi ở đầu xe oang oang góp chuyện:
- Con này tếu táo thế nhưng lại có đức. Họ hàng, dân xóm có công có việc là nàng nhiệt tình lắm. Với người nghèo khó cơ nhỡ, chị em gặp chuyện chẳng lành là nàng tìm cách ra tay cứu giúp. Có lần đi làm đã muộn, ra ngõ gặp mẹ con người hành khất, nàng quay về mở khóa lấy cho họ ca gạo rồi mới khóa cửa đi. Với người nghèo là như vậy nhưng nó ghét cay ghét đắng kẻ gian tham. Căm cực độ các gã đàn ông lăng nhăng, nói xấu vợ con. Tôi xin kể cho cả nhà nghe.
*
Một hôm, đi chợ bán rau về, trời nắng như thiêu như đốt, Thành vừa đưa chiếc xe cùng đôi sọt sắt vào sân, đã nhìn thấy trên giường, thằng bé nằm gọn trong lòng một người đàn ông, tay ông ta cầm chiếc quạt nan phe phẩy. Lạ nhỉ? Chú nó về chơi mà sao không báo trước như mọi lần, chắc có việc đột xuất cơ quan cử đi công tác, tiện thể chú ấy đến thăm cháu cũng nên. Nhưng sao người chú ấy lại to lớn thế kia? Không phải! Ai thế nhỉ? Bao nhiêu câu hỏi qua nhanh chưa kịp đoán. Thành còn đứng ở hiên nhà thì một khuôn mặt nhăn nhở ngóc lên, hấp háy đôi mắt gián nhấm đưa tình, khì khè giọng thuốc lá:
- Em yêu về muộn thế? Vất vả quá! Anh và con chờ mãi!
Thằng bé tỉnh giấc, nó sung sướng reo lên:
- A! Mẹ đã về. Nay bác cho con nhiều thứ quà bánh, lại cả đồ chơi nữa cơ.
Thành không trả lời mà nghiêm nét mặt:
- Con bảo bác mặc quần dài và áo vào đi!
- Mất điện nóng lắm mẹ ạ!
- Con có cãi mẹ bao giờ đâu nhỉ? - Nói xong Thành ghê tởm đi xuống nhà ngang.
Nhìn nét mặt nghiêm khắc của mẹ, cu Tuân nhắc nhở khách. Gã vừa mặc áo vừa đi ra hè nói:
- Người nhà cả, làm gì mà cẩn thận quá thế em? Anh tuân lệnh và mặc áo quần dài rồi đây. Mất điện nóng bỏ xừ. Em đi rửa chân tay đi để anh xếp cơm.
Người khách nhăn nhở nói cười, liếc dọc ngang đến là khó coi. Cô ả Thành cố nuốt bực tức: “Thằng cha nào mà suồng sã thế nhỉ? Em... Em... Anh... Anh... Con... Con... Lại còn dám mặc trần trẫn có cái quần đùi mới tởm chứ. Thật là dở hơi không còn chỗ nào để chứa nữa”. Khi hắn mặc áo và quần dài xong, cô chủ nhà mới dám để ý đến “vị khách quý hóa” này. “Ái cha cha, gã Keng toét ở xóm Hạ. Được, lão chuẩn bị mà nhận “quà”. Nghĩ vậy, cô nàng cố gắng nở nụ cười tinh quái:
- Quý hóa quá đi. - Nói xong, Thành lồng bỏ đôi sọt xuống góc sân và dắt xe ra cổng.
- Em ơi! Anh đã mua đủ rồi. Không phải mua gì nữa đâu. Trời nắng thế này. Em còn định mua gì cho anh? Chả bõ cho con vợ lười biếng của anh. Tối nay anh ở lại nhà mình, chúng mình cùng ăn, cùng ngủ cho vui em yêu nhé.
Thành phải cố gắng lắm mới đủ bình tĩnh khi nghe lão Keng nhả ra một lô một lốc những lời nịnh nót không phải lối, nói cứ như sợ ai nói hết lời hay ý đẹp, lại còn nói xấu vợ nữa chứ. Cô lại tươi cười nói:
- Quý hóa quá! Em đi gọi vợ bác đến cùng ăn uống, tối nay cùng ngủ một giường cho vui!
- Hử? Em nói gì đấy hử?
Vẫn điệu bộ làm duyên với đôi mắt viền đỏ đưa ngang:
- Ối trời đất ơi! Nom bộ dạng “Anh yêu” thế kia đã toét chưa đủ lại còn điếc lòi cả sụn tai ra ngoài cho thêm phần “long trọng” trời ạ! Đã thế ta đi gọi thật cho mà chừa thói đời. - Cố nhịn cười, Thành ghé sát tai gã nói: - Anh yêu chờ em đưa cháu đi học đã.
Thành vội vã giục con sắp sách đi học. Thằng bé phụng phịu:
- Mẹ ơi con chưa ăn cơm, con thích ăn bún, thịt chó bác mua.
Thành không trả lời con. Mặc dù phải đi ra phố huyện, cách nhà gần ba cây số, trời nắng, bất chấp thời tiết, cô cố đạp xe đưa con vào cửa hàng “cầy tơ bảy món” mua cho con ăn một bữa no nê, thỏa thích rồi đưa con đến trường học luôn. Gã Keng ở nhà nằm khểnh ra chiếc phản, bắt chân chữ ngũ, thấp thỏm chờ, i ỉ hát, hi hí cười, lẩm bẩm nói: “Nay ta liều lĩnh một phen mới rõ em là tuyệt vời, lại còn đưa con đi học để tạo điều kiện nữa chứ. Thằng bé chết đói nhưng mặc nó, ta cần là cần mẹ nó thôi. Thiên hạ mù, thiên hạ bố bậy, cứ đồn rằng em khó tính với lại tổ ong gì gì đó... làm cho từ bấy lâu nay ta chỉ dám nhìn trộm em mà nuốt nước bọt, không dám đến. Hôm nay thì hi... hi...”.
- Lão Keng đâu rồi? Trời đất ơi! Còn cãi nữa hay không? Tang chứng rành rành ra nhé!
Gã Keng toét hoảng hồn khi nghe tiếng mụ vợ thần sét. Mụ gào to đến mức tai điếc đặc của lão cũng nghe rõ mồn một. Gã vội vã vục dậy. Nhân cơ hội mụ vợ quay sang cảm ơn Thành rối rít, gã vội vã phóng xe ra cổng biến mất. Tất nhiên gói quà còn treo trên ghi đông cũng theo gã đi luôn.
*
- Trời ơi là trời, chuyện ơi là chuyện, kỳ cục quá đi! - Loan nói, tất cả chị em trên xe cười ầm.
- Cười cho thỏa đi. Chị em thấy không, ở đời mà cứ cả như cô ả Thành thì đâu có sự chim chuột. Mà vấn đề chim chuột lại là vấn nạn từ ngàn xưa. Mình đã chứng kiến rất nhiều chuyện cô ả này trả đũa các chàng đĩ bợm. Buồn cười nhất ngày bọn mình cùng nàng về Hà Nội thăm các con. Đứa nào việc ấy xong xuôi, bọn mình định đến nhà thăm chị Liên, cô ả Thành điện cho chị ấy không được. Anh Đoàn cho nó số điện thoại của chồng chị ấy. Nó bật máy gọi:
- A lô! Ai đấy? Có phải Thúy không?
- Dạ! Vâng ạ!
- Anh đây. Anh rất cần gặp em. Ta gặp nhau đi em! Nhé cưng!
- Thật không anh? Hẹn mãi rồi.
- Ừ ừ! Anh xin lỗi, hôm xưa vì anh bận đột xuất. Nay em đang ở đâu? Anh đến ngay, đến ngay. Anh bù. Anh bù.
- Dạ! Em đang ở trường Đại học Bách khoa ạ!
- Em mặc áo gì? - Trung hăng hái.
- Dạ, em mặc bộ đồ đen, xách túi trắng, che ô kẻ xanh ạ! Em sẽ ra cổng trường đón anh - Nói xong, nàng tắt máy, chạy đi mua cái ô kẻ xanh rồi rũ ra nói trong tiếng cười:
- Xin các vị để yên. Tôi sẽ cho anh chàng thích “chê cơm ngắn lại tham phở dài” này một mẻ mới được.
- Cô định làm gì đấy? Anh Trung là bạn tôi! - Anh Đoàn nói.
- Nhất cử lưỡng tiện. Một là cho vui, hai là cho chừa.
Tính tò mò khiến bọn mình lảng vào quán nước xem cô nàng diễn tiếp. Một lúc sau ông Trung mò ra thật. Cô ả nhìn thấy xe chàng Trung đang ngơ ngác phía cổng trường. Nó bật ô che rồi xoay nghiêng vờ như đứng ngóng. Chàng Trung hồi hộp dựng xe, hồi hộp cầm bông hồng đỏ để trong túi bóng kính, hồi hộp đến bên cô nàng che ô kẻ xanh. Chàng khẽ động vành ô định mở đầu cuộc hội ngộ.
- Thằng nào đấy? - Cô nàng giả vờ giật mình rồi làm điệu bộ như sắp rơi chiếc ô xuống đất.
Anh Trung đứng như trời trồng, miệng lắp bắp, nói không ra hơi:
- Ơ... Ơ... Cô Thành à?
- Ôi! Anh Trung mà em cứ tưởng thằng phải gió nào. Anh đi đâu đấy?
- Anh... đi... đón... đón... À! Đón cô giáo cho cháu nội anh.
- Đón cô giáo cho cháu hay đi mò bà trẻ Thuý nào?
- Thôi chết! Em vừa gọi cho anh à? - Anh Trung đang lúng túng thì bị giật mình bởi giọng nói quen thuộc:
- Chết nhé! Bắt quả tang rồi. - Lão Bình trong quán nước chạy ra vỗ vai lão Trung nói tếu táo…
Xét cho cùng thì lòng vả cũng như lòng sung thôi! Không ngại các lão đàn ông nhưng ông Trung ngượng với mình và Thành chín nhừ cả mặt. Có lẽ chuyện này ông ấy phải nhớ đến lúc mang xuống mồ.
*
- Người đâu mà nghịch quái đản vậy? - Bà Châu nói.
- Tính hay đùa vậy, nhưng nó thường sống cho lẽ phải nên rất nhiều người quý trọng nó. Hai gã lẳng lơ ở xóm mình tán tỉnh nó bị ăn tát nên tìm cách nói xấu. Nghe người cùng xóm nói đến tai, cô ả cười như chợ vỡ: “Tốt chứ sao?”.
- Họ nói xấu mình mà còn cười được ư?
- Kệ xác, chấp chi cho rác rưởi tinh thần! Phải luôn luôn vệ sinh tư duy để đầu óc thoải mái, tâm hồn trong sáng còn làm việc có ích cho đời...
Tính cô ả Thành là vậy. Nói đúng ra là nàng có nhiều điểm tốt nhưng nhiều lúc cũng rất quyết đoán, xử sự rất hóm và có phần thái quá. Đấy là những việc cô ả xử sự với những đấng nam nhân tham của lạ. Còn việc phụ nữ mình mà gian tham, cô nàng cũng cho những bài học đáng đời. Tôi kể cho cả nhà nghe câu chuyện này mới kỳ chứ - Chị Nguyệt tiếp tục kể.
*
Ngày ấy nhà Thành cách nhà mụ Toàn lùn có một bức rào thưa. Mụ Toàn lùn suốt ngày đỏng đảnh. Gặp ai cũng tìm cách chê bai. Nhiều lần gà, chó hàng xóm vào nhà Thành. Thành bắt con đi hỏi cả xóm xem gà nhà ai, trả cho họ. Những lần như thế mẹ con Thành đều bị mụ Toàn dè bỉu là: “Đồ ngu, của đến nhà không biết đường hưởng. Đã nghèo còn sĩ... ”. Khi ấy nhà Thành có con gà mái. Nó quen dạ, cứ bốn giờ chiều vào đống rơm ở đầu bếp đẻ trứng. Đã mấy ngày không thấy gà đẻ. “Có lẽ chuyển đống rơm đến chỗ lạ chăng? Ra góc vườn xem sao?”. Thành nghĩ vậy và ra chưa đến nơi, cô đã nhìn thấy mụ Toàn lùn thò tay qua bờ rào trộm quả trứng rồi te tởn chạy vào bếp. Thành lẳng lặng quay vào nhà. Ngày hôm sau cũng vậy, mụ Toàn lùn lại ra thò tay qua rào lượm ngay quả trứng, te tởn chạy vào nhà. Bỗng mụ kêu toáng lên:
- Tổ sư cha nhà nó, mất toi nồi mỳ của bà nó rồi. Toàn cát thế này ăn sao được!
Chả là hôm qua nhìn thấy mụ lấy trứng. Thành nghĩ: “Dẫu có bắt quả tang mụ vẫn lu loa lên sẽ gây mất đoàn kết thôn xóm. Thực ra mình rất nghèo, nghèo hơn cả nhà bà ta. Nhưng mình có thể cho nếu bà ta cần. Nhà bà ta còn khấm khá là thế. Nhưng khốn nỗi tính tham lam đã khiến bà ta không vượt qua được sự cám dỗ vật chất. Phải dạy cho bà ta bài học nhớ đời mới được”. Hôm nay thằng con đi học chưa về. Một mình ở nhà, Thành quyết định nhốt gà cho nó đẻ trong chuồng. Nhanh nhẹn Thành lấy đinh chọc một lỗ nhỏ ở vỏ rồi hút hết lòng trứng. Quả trứng chỉ còn vỏ rỗng. Thành rang cát cho vào đó một ít vừa độ nặng của quả trứng rồi lấy vôi bít khéo vào miệng lỗ. Cô nhẹ nhàng đặt trứng vào vị trí mọi ngày. “Nồi mỳ vừa chín tới mà có quả trứng đánh vào như hôm qua thì ngon lắm đây”. Mụ Toàn nghĩ vậy và mò ra bờ rào. Mụ liếc ngang, liếc dọc. Kia rồi, mắt mụ sáng lên. Mụ nhoẻn cười, khẽ luồn tay sang tóm gọn quả trứng rồi te tởn chạy vào bếp. Mụ đâu ngờ ở đời lại có chuyện lạ thế. Mụ cũng không ngờ chính lúc ấy cô ả Thành đang bưng miệng cười một mình. Phải quả đắng, mụ đành ngậm tăm. Thành không nói với con chuyện vừa xảy ra. Cô hiểu điều đó không có lợi cho tư duy con trẻ. Bữa cơm chiều hôm ấy, Thành bưng sang cho mụ Toàn một tô canh cua đặc sánh:
- Em biếu bác bát canh cua. Bác ăn cho mát ruột. Trưa nay mẹ con em ăn cơm chả có thức ăn, thằng bé cứ phụng phịu. Thương con đến ngót cả ruột bác ạ. Bữa ăn chỉ cần có quả trứng chưng hay bát canh cua là cu cậu cười tít. Mấy hôm nay, con gà hư quá. Nó đẻ cách nhật nên chẳng có trứng cho cháu bác ăn. Cơm trưa xong, mẹ con em xuống đồng một lúc đã đầy giỏ cua. Em nấu có nửa mà đặc quá. Có miếng ngon, em lại nghĩ tới bác. Em biếu bác cùng ăn cho vui.
- Quý quá, tôi xin cô. Thật là ngại quá. Có gì cô cũng đem cho. Chả bõ cho nhà tôi. Cái lũ em ruột chết tiệt của tôi có mà...
- Không có gì. Gọi là chỗ hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau mà bác. Bác ăn đi kẻo nguội mất ngon. Em cũng về cho cháu ăn cơm kẻo muộn học.
“Có lẽ quả trứng cát do đứa chết tiệt nó nhìn thấy mình lấy trứng nhà cô Thành rồi làm quả trứng cát bỏ vào để lừa mình. Đúng là vậy. Nếu cô Thành mà nhìn thấy mình đời nào cô ấy để yên. Hơn nữa cô ta lại còn cho mình bát canh cua đáng tiền này nữa. Ta sang trả bát nên thể tạo điều kiện đi lại cho gần. Hơn nữa mình có nhặt nhạnh được cái gì bên ấy cô ta cũng không hay. Một công hai việc nên đi”. Nghĩ vậy, ăn cơm xong mụ mò sang chơi nhà Thành. Vừa đến cổng, mụ đã xuýt xoa:
- Canh cua ngon quá chừng, tôi ăn mà mát đến tận lục phủ ngũ tạng, thật đã quá cô ạ! Cô vừa có tài nấu nướng lại thảo miếng ăn. Một lần nữa xin cám ơn cô.
Hôm ấy, mụ lại xoáy luôn chiếc bật lửa của nhà Thành. Tuần sau Thành lại cho mụ một hộp mười bao diêm. Mụ hí hửng nhận như phần thưởng trời ban vì trời thương mình mà bịt mắt con Thành lại. Ngựa quen lối cũ, mụ lân la đến nhà bà Ly chơi, tiện tay lấy ngay cái kéo của con bà đang dùng. Bà Ly bắt tận tay, rêu rao khắp xóm.
- Cho nên người xưa chả có truyện rằng: Một đứa trẻ tinh nghịch thấy ông quan thường ngày đi làm qua gốc đa làng. Nó tinh nghịch trèo lên ngồi sẵn trên cành ngang. Vị quan khăn áo trùng phùng đi qua, nó tè luôn một chỗ làm ướt hết áo quần ông. Mọi người ai cũng lo ngại cho sự tinh nghịch vô lễ của đứa trẻ và ngạc nhiên khi ông quan gọi đứa bé xuống không khiển trách mà còn gật đầu khen ngợi rồi cho nó gói kẹo nữa chứ. Cứ tưởng thế là tốt, lần sau ông quan khác đi qua, đứa bé lại tè vào đầu ông ấy rồi tụt từ trên cây xuống mong nhận lời khen và quà như lần trước. Nhưng than ôi! Lần này cậu ta gặp ông quan võ rất khó tính, ông nện có một nện chú bé gãy cả chân, cả tay mà gia đình phải chịu. Tôi không nhớ rõ từng chi tiết nhưng câu chuyện về chú bé đại khái như vậy. Ở đây cô ả Thành dùng lối thâm thúy của ông quan văn đấy chị em ạ! - Cô Nhung nói...
Mỗi người mỗi lời làm cho câu chuyện về cô Thành nổ như pháo rang suốt dọc đường. Bà Chiu ngồi co mình trong ghế cuối xe không nói lời nào.
- Bà Chiu ngủ à? Mọi ngày hăng hái lắm mà nay im hơi lặng tiếng vậy? - Chị Hoà gọi.
Thực ra bà Chiu không ngủ mà đầu bà đang rối tung lên bởi nghe chuyện mụ Toan. “Thôi chết rồi, ngày ấy cùng ở khu tập thể với cô Thành. Mình có lấy của cô ấy hai tấm áo mang về bán ở chợ quê. Thời buổi bao cấp, hàng hoá khan hiếm như thế, biết mất mà cô ấy không nói gì. Mấy ngày sau cô ta còn cho mình mảnh vải giống như vải áo vừa mất. Khi ấy mình cứ tưởng cô ta không phát hiện ra, do quý mình hơn mọi người mà cho. Giờ nghe chuyện mới biết quả là mình ngu hết chỗ nói...”. Chỉ nghĩ vậy mà mồ hôi bà Chiu vã ra như tắm. Bà cố nín thở hít thật sâu mong cho những việc chết tiệt hồi ấy chui hết xuống ruột mà ra ngoài. Nhưng nó bướng quá không chịu đi. Bà phải giả vờ ngủ mà vẫn không xong. Mọi sự cứ hiện về rõ mồn một. Giờ đây, con cái lớn lên. Cô con dâu tài giỏi nhà bà dìu dắt chồng nó qua khỏi canh bạc. Được số tiền đền bù đất, có vốn liếng mở cửa hàng. Nhà bà trở nên giàu có nhất vùng. Ngồi đâu bà cũng khoe con khoe của. Nhiều lần cô Thành vỗ vai khen ngợi. Bà Chiu vênh vênh tự đắc. Trước kia nghèo khó, bà thường chạy đến em trai, em gái để nhờ vả, vay mượn. Giờ có bát ăn, bát để, bà tìm mọi cách bịa chuyện này, vu tội nọ để từ hết em lớn, giận em bé để khỏi phải phiền hà. Cũng từ ngày trở nên giàu có, bà chỉ chơi với nhà giàu. Bà dành thời gian đi thăm các bạn bè anh em có máu mặt. Bà muốn tạo nhiều cơ hội để mời thật nhiều người đến nhà mình. Cũng từ đó những nhà nghèo khó bà ít đến. Kể cả nhà cụ Chắt - mẹ đẻ ra bà, bà cũng tìm cách khước từ: “Nhà mẹ nghèo vậy đưa bạn đến thật xấu hổ”. Bà nghĩ vậy. Bà không cần biết người mẹ bạc mệnh của bà không nói ra nhưng cụ đau đớn, mất ngủ bao đêm và tủi thân như thế nào...
Xe cứ đi. Chuyện cứ tiếp tục.
- Chuyến du xuân năm nay thế mà vui bà con nhỉ? - Cô Biền nói.
- Không những vui mà lại phát hiện ra một người phụ nữ nhà ta thật đạo đức và hóm hỉnh. Đặc biệt cách giáo dục kẻ cắp của cô ấy có một không hai thật đáng học tập. - Bà Thuyên nói.
- Cả việc anh chàng “ham của nếp” nữa chứ?
- Đó là việc ăn trộm tai hại nhất! Còn việc quả trứng cát. Tôi muốn nói lên cái tính tinh nghịch của cô Thành chứ không định nói xấu ai đâu. - Tình phân bua.
- Có ai biết bà Toàn lùn nào mà cô lo. Vấn đề là câu chuyện nhắc nhở chúng ta sau này có “ăn trộm” trứng phải nhớ đánh ra bát. Đừng dại mà đánh ngay vào nồi. Đó chẳng là một góc nội trợ đáng nhớ đời sao? - Cô Thảo nói vui.
- Tôi có biết bà Toàn nhưng bà ấy mất lâu rồi - Bà Huyền nói.
- Chết để lại nết cho đời đấy bà con ạ - Bà Đức lên tiếng.
- Nết tử nết tiệt. Phải nói là “Chết để lại vết cho đời” mới đúng - Bà Hạnh nói.
Trời ơi! Bà Chiu ôm đầu định kêu lên thật to xin mọi người im lặng. Nhưng bà đành nghiến răng chịu đựng. Chịu đựng mọi lời bàn tán về người đàn bà tinh nghịch. Những pha tinh nghịch chết người. Cụ thể là đối với những ai đắc tội với cô nàng. Nghe mọi người kể về mụ Toàn mà cứ như họ nói chính mình ấy. Chuyện mình chắc chắn cô Thành cũng kể với không ít người. Có mặt mình đây, họ không tiện nói ra thôi. Dẫu không nêu việc cô ta mất áo, chỉ nghe vậy cũng đủ nhục lắm rồi. Đúng là “Chết để lại vết cho đời”. Giờ đây mình có cam tâm bán đi suất đất hàng tỷ đồng để xoá đi tội lỗi đáng xấu hổ trước kia thì cũng không gỡ nổi nữa rồi. Người xưa nói: “Mua danh ba vạn quả là chẳng sai”. Còn cô Thành, cô ấy nghèo nhưng không hèn. Cô được mọi người quý và gọi đùa là: “Người đàn bà tinh nghịch”. Nếu có kiếp sau, mình mong được thông minh như cô Thành. Dù nghèo khó hay giàu có, mình sẽ cố gắng sống thật thà, thoải mái như cô ấy. Sống như vậy mới đáng sống. Chẳng bao giờ phải ân hận với việc mình đã làm.