Trần Huy kéo ghế ngồi sát Lê An và nói bằng giọng bình tĩnh hơn:
- Thưa bác, đáng lẽ vụ án ở lều hai tầng đã kết thúc từ lâu rồi mới phải.
- Theo cháu thì thủ phạm là ai?
- Là anh thương binh thưa bác!
- Chứng cứ gì mà cháu quả quyết?
- Dạ thưa! Dựa vào thực tế. Hai nạn nhân đã chết, một bị thương bởi hai viên đạn. Hai viên đạn được bắn ra từ một khẩu súng lục. Khẩu súng trong tay Thanh. Ngoài ra không còn vết vân tay nào khác. Vậy thì còn ai vào đó nữa ạ? Hơn nữa qua thời gian phạm nhân trong nhà tạm giam cứ giả khùng giả điên. Nhưng giả dối mãi không chịu nổi lại làm thơ, ca hát. Phải chăng những lúc ấy hắn đã quên khuấy đi cái “nhiệm vụ” giả điên của mình.
- Nếu có kẻ khác núp sau anh ta thì sao?
- Thưa bác. Nếu vậy, phải có dấu vết hoặc tối thiểu phải có người nào đó ở trong lều với anh ta trước và khi có tiếng súng nổ. Đây rõ ràng không có một ai. Trên khẩu súng chỉ duy nhất dấu tay anh ta.
- Nhưng cháu cần hiểu anh ta là thương binh nặng, sống vô tư, rất thân với nạn nhân.
- Thưa bác, ở đời chẳng biết thế nào được. Biết đâu hai người đó có hiềm khích, anh ta cố tình giết người đàn ông kia. Không may đạn lạc vào người đàn bà - khách qua đường. Anh ta giả điên để hướng sự việc thành việc làm tự phát của kẻ mất trí. Theo cháu, kể cả anh ta điên thật thì vụ án cũng chỉ có đến thế. Nhưng...
- Nhưng gì? Cháu nói tiếp xem nào.
- Nhưng từ khi bác rút cháu về, cậu Hùng lại điều tra theo hướng khác. Lại còn đề nghị anh Phan Quang thả phạm nhân ra. Phải chăng cậu Hùng muốn kéo dài vụ án chờ thời cơ lập chứng cứ giả để tháo tội cho phạm nhân?
Nghe vậy, Lê An có phần nghi ngờ việc làm của Hùng. Ông nói:
- Công nhận vụ án tưởng như đơn giản mà kéo dài lâu thật. Mọi chi tiết cứ khập khễnh xa rời nhau.
Được thể đôi mắt lươn của Trần Huy lại hấp háy một tia lành lạnh. Cái mũi tẹt của cậu ta hít hít. Rồi cậu nhún vai và lập tức co ngay người lại khiến cho thân hình lùn tẹt lại núng nính đến tức cả mắt. Nhìn Trần Huy, Lê An không vui vì Trần Quốc, bạn anh ta cao lớn đĩnh đạc mà sao cái thằng cháu này từ điệu bộ cho đến gương mặt lạ đời thế. Chiều cao vừa đủ vì cái lưng dài. Phần lưng thì dài hơn phần chân. Cái tên Huy lùn được sinh ra từ đôi chân cũn cỡn và tấm lưng dài thượt, to bè bè về bề ngang của nó. Được cái bẻm mép và cũng quý mến đồng nghiệp, biết kính trọng người trên. Không phụ trách thụ lý vụ án nữa nhưng nó cũng biết lo và sợ vụ án kéo dài. Vậy cũng có ý tốt. Nghĩ vậy Lê An nói:
- Dạo này cậu Hùng có lui tới phòng tạm giam không?
Trần Huy giả bộ thở dài:
- Thưa bác, mấy hôm nay không thấy cậu ta đâu ạ. Chỉ có một ngày cậu ta xuống. Thật lạ, cậu ta mặc bộ quân phục nhàu nhĩ, có lần còn đội mũ tai bèo nữa. Ra khỏi nhà tạm giam cậu ta còn quay lại bắt tay và chào tạm biệt phạm nhân cứ như là bạn thân.
- Bác hỏi về cậu Hùng đến mấy lần?
- Dạ! Chỉ có một lần thôi ạ. Hiện nay vợ cậu ta sinh công tử. Công tử không chịu chui ra nên phải mổ. Đợt này cậu ta lấy cớ đi điều tra để ở nhà hầu vợ. Ít nhất phải là một tháng trời. Thì giờ nào mà làm việc cơ chứ.
Lê An thở dài. Trần Huy phấn chấn hẳn lên, nhìn Lê An và nghĩ: “Mưa lâu, đất cứng đến đâu cũng phải mềm. Phen này thằng Hùng còn muốn trèo lên đầu anh mày nữa không? Sách lược của ta thế mà hay”. Nhân cơ hội Huy nói:
- Cháu đã có lỗi vì không hiểu Hùng có quan hệ gì với nhà phạm nhân mà nó bênh vực đến thế. Không những vậy cậu ta còn kéo cả anh Phan Quang vào việc. Anh Quang vốn là người hiền lành, dễ động lòng trắc ẩn, hay tin lời siểm nịnh nên thời gian này mỗi lần đến gặp phạm nhân cứ chép miệng thương hại và nói: “Anh ta sống trong hoài niệm nhiều hơn thực tại”. Ý nghĩ cứ y như luận điệu của Hùng.
Có tiếng gõ cửa. Trần Huy lạch bạch chạy ra mở cửa. Bỗng Huy sững lại khi nhìn thấy Phan Quang. Phan Quang mỉm cười vỗ vai Huy nói nửa đùa nửa thật:
- Người anh em! Sao mà hồi hộp quá vậy?
Trần Huy lúng túng xin phép ra về. Phan Quang nhìn theo cười chua chát rồi quay lại chào Lê An.
Đại tá Lê An nhìn Phan Quang gượng cười rồi chìa tay:
- Mời ngồi.
Phan Quang ngồi xuống ghế đối diện với Lê An. Năm, bảy… rồi mười phút trôi qua, hai người vẫn im lặng. Phan Quang mạnh dạn nói:
- Dạ thưa anh! Em định đến trình...
Lê An giật mình như bị câu nói cắt ngang luồng suy nghĩ. Ông hất hàm:
- Về việc gì? Cậu định nói về vụ án ở lều hai tầng?
- Dạ vâng! - Phan Quang dè dặt.
- Các anh làm đến đâu rồi. Không phải là bắt đầu đấy chứ? Hiện nay anh Hùng đang làm gì? Ở đâu? - Lê An hỏi giọng bực bội.
Phan Quang điềm tĩnh trả lời:
- Báo cáo thủ trưởng, hiện giờ đồng chí Hùng đang theo dõi ở bệnh viện gần phòng bệnh nhân điều trị ở khoa Nội ạ!
Lê An quắc mắt:
- Lại còn thế nữa. Ở khoa Nội hay khoa Sản? Điều tra hay đến hầu vợ đẻ đây? Thật là dềnh dang. Thầy trò nhà cậu làm cứ như sên bò ấy. Sên bò đúng đường đã chậm, lại còn đi lạc lối.
- Dạ thưa! Xin anh cho ít thời gian nữa thôi ạ!
- Khỏi cần! Cậu biết thời gian là mấy tháng rồi không? Đành rằng có những vụ vài ba năm mới rõ. Nhưng vụ này chứng cứ rành rành ra rồi. Cậu còn xin đổi người thụ lý. Cậu chắc Hùng tài giỏi hơn Huy hay là Hùng hợp cậu hơn Huy?
- Thưa anh! Theo em có thể Hùng nghĩ đúng.
Lê An nói dằn giọng:
- Đúng cái con khỉ! Có điều thầy trò anh xin cho người gác nạn nhân tôi cũng đành lòng chấp nhận. Xin kéo dài vụ án đành đồng ý. Nhưng còn kéo dài đến bao giờ nữa? Xong vụ án này có lẽ vợ cậu Hùng sinh thêm thằng con nữa để chăm sóc một thể chắc.
Phan Quang thương Hùng quá, anh định thanh minh cho Hùng nhưng không phải lúc này. Anh cũng rất hiểu Đại tá Lê An. Lê An là người cương trực. Cả đời anh đã từng phá nhiều vụ án hiểm hóc, mang lại niềm tin yêu cho quần chúng đối với ngành An ninh. Anh cũng là thầy của bao nhiêu người trong ngành. Anh rất ghét những ai vì tình cảm riêng mà ảnh hưởng đến việc điều tra phá án. Nhất là lợi dụng thời gian điều tra để làm việc riêng. Quang không hề dám trách Lê An nhưng anh cũng phật ý. Anh nghĩ: “Chắc thằng Huy lùn đến chọc thóc đây”. Nó lách đúng khe hở trong tim Lê An. Thật đáng “khen”. Cứ để xong vụ án này đã. Kể ra cũng lo nếu như kéo dài thời gian nữa mà Hùng không tìm ra thủ phạm thì sao? Vẫn là kết luận ban đầu của Huy? Như vậy mấy tháng trời lặn lội của Hùng không bằng một tuần của Huy thì quả là oan. Oan nhất nếu anh Thanh thương binh là người ngoại phạm. Mà kẻ phạm tội lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì nguy hiểm khôn lường... Anh chưa kịp xử lý ra sao thì Lê An đã đưa cho anh tờ đơn và bực tức nói to:
- Cậu xem đi, gia đình nạn nhân đòi đưa thủ phạm Nguyễn Văn Thanh ra ánh sáng và đòi bồi thường đấy. Cậu nghĩ thế nào?
Phan Quang cẩn trọng đọc từng chữ. Lê An lại nói tiếp:
- Nếu không làm nhanh vụ này, gia đình nạn nhân và công luận cho rằng vì động cơ nào đó mà mình cố gắng dìm đi.
Phan Quang nhíu mày, phần vì nóng lòng cho Hùng, phần vì thấy Lê An không cảm thông cho Hùng. Anh không muốn ngồi lâu. Cầm tờ đơn rồi từ tốn xin phép ra về.
Lê An đường đột nói:
- Cậu về vào lúc này. Đã tìm thấy điều gì trong lối rẽ của Nguyễn Hùng chưa? Hãy trả lời tôi đi!
Phan Quang đành ở lại. Anh ngồi im lặng. Thực ra anh chỉ nghe Hùng báo cáo, phân tích và xin thêm thời gian thụ án. Anh đâu phải là Hùng mà hiểu rõ tường tận hoàn cảnh và việc làm của cậu ta. Chỉ có Hùng mới hiểu rằng anh được phân công thụ lý vụ án lúc chín rưỡi sáng thì hai rưỡi chiều cùng ngày vợ anh trở dạ. Chị em giáo viên cùng trường phải đưa ngay đi viện. Còn Hùng làm những gì? Hùng theo mẹ mang quần áo và đồ dùng cần thiết cho vợ. Đợi khá lâu mà vợ anh vẫn chưa sinh. Mọi sự Hùng nhờ cả vào hai mẹ và các em. Anh lại về nhà, lại ngồi vào bàn làm việc. Mở tập hồ sơ ra. Những tờ giấy viết gạch gạch, xoá xoá bằng mấy thứ mực. Rồi biên bản khám nghiệm tử thi, biên bản khám nghiệm hiện trường, lại còn tập ảnh… Anh dừng lại hồi lâu ở tập ảnh người đàn bà vai phải và tay trái bị thương…
Buông tập hồ sơ xuống bàn, anh ngồi lặng hàng giờ, lưng tựa vào ghế, mặt ngửa lên trần nhà. Hình ảnh hai nạn nhân lại hiện lên trong tâm trí anh rõ mồn một. Lại còn lời nói và điệu bộ của Thanh trong nhà tạm giam thật kỳ quặc. Hùng lẩm bẩm: “Không hiểu anh ta điên thật hay giả điên”. Đây còn phải là một thách thức. Hùng nghĩ lại lúc gặp Thanh. Nhất là khi anh lấy tay phải bắt vào tay trái. Rồi hai ngón tay giơ ra như họng súng lục. Anh nói: “A! Nó bịt mặt, nó định làm gì mà không tìm thấy súng. Nó đã đánh rơi súng…”.
Nó là ai? Hùng tự hỏi và vực dậy ghi chữ “Nó?” thật to vào trang giấy viết dở. Nó là kẻ nào? Đây còn là một điều nan giải đang đặt ra phía trước thử thách tính kiên trì và lòng quả cảm của Hùng. Tư duy Hùng đang trôi nổi ngoài hiện trường của vụ án bỗng có chuông điện thoại. Hùng vội vàng nhấc máy:
- A lô. Anh à!... Dạ, em đến ngay đây!
Hùng mặc quần áo. Chải nhanh mái tóc bết mồ hôi bởi nắng tháng năm oi ả. Anh lẩm bẩm: “Chết chửa, quên cả bật quạt”.
Thiếu tá Phan Quang ngồi trước bàn làm việc của cơ quan. Anh vội vàng bỏ kính xuống chạy ra bắt tay Hùng rồi kéo ghế:
- Mời ngồi!
Phan Quang lại đeo kính vào, từ tốn nói:
- Xin lỗi, tớ bị đau mắt.
- Không sao đâu ạ! Thủ trưởng cứ việc.
Phan Quang vui vẻ nói đùa:
- Muốn làm ông thầy bói xem xét thủ phạm là kẻ nào nhưng nghe chừng khó quá, cậu làm đến đâu rồi?
Phan Quang chờ đợi khiến Nguyễn Hùng lúng túng. Hùng bóp trán trầm tư hồi lâu rồi nói:
- Em không biết nên bắt đầu từ đâu để báo cáo cho rõ. Nhưng tình hình thế này anh ạ! - Hùng ngập ngừng.
Phan Quang cười hiền:
- Vậy là cậu có bắt đầu rồi đấy! Hãy đi tiếp xem nào.
Hùng điềm tĩnh:
- Thưa anh! Em đến trại giam gặp bị cáo. Em nhận ra một điều lạ khi anh ấy lấy tay phải bắt vào tay trái. Rồi hai ngón tay giơ ra như họng súng lục và nói: “A! Nó bịt mặt, nó định làm gì mà không tìm thấy súng. Nó đã đánh rơi súng…”. Từ tình tiết ấy khiến em nghĩ sát thủ rất có thể là kẻ khác. Chúng đeo găng tay, bắn xong quẳng bỏ súng và găng tay. Sau đó anh thương binh nhặt được súng.
- Tôi hỏi cậu, viên đạn ấy là của súng lục anh Thanh cầm đúng không?
- Dạ vâng!
- Và cự ly viên đạn là bao nhiêu và bắn từ đâu tới, phía nào lại?
- Dạ, theo biên bản khám nghiệm hiện trường thì viên đạn được bắn từ trong lều anh Thanh ra. Nhưng ai bắn? Sau đó anh Thanh lấy súng ở đâu ra là một vấn đề.
- Theo tôi đây rất có thể là anh Thanh tình cờ nhặt được súng. Anh ta bắn tự phát trong khi thần kinh không ổn định. Đây hoàn toàn không phải là giết người có mục đích - Phan Quang nhận định.
- Dạ vâng! Không phải là giết người, cướp của ạ! Vì tư trang của nạn nhân còn nguyên. Kể cả ba trăm nghìn đồng chị ta để trong người cho đến đồ dùng áo mưa… trong túi xách vẫn vậy.
- Theo cậu, viên đạn này định bắn ai hay bắn cả hai?
- Dạ thưa anh: Viên đạn thứ nhất trượt qua tay trái của nạn nhân nữ rồi văng vào đầu nạn nhân nam. Tiếp đó viên thứ hai lại bắn vào vai phải nạn nhân nữ. Điều đó chứng tỏ hung thủ muốn giết người đàn bà. Khi viên đạn thứ nhất bắn ra trượt qua vai người đàn bà và trúng vào đầu nạn nhân là đàn ông. Nạn nhân nam chết trước khi viên đạn thứ hai bắn ra. Lúc này người đàn bà bị thương vào tay trái. Lấy tay phải ôm tay trái và vì đau nên nghiêng người về phía trái. Chưa kịp ngã thì bị bắn vào vai phải. Khi ấy vai phải đúng vị trí ngực của họ khi họ còn đứng thẳng.
Vậy hai viên đạn bắn nối tiếp nhau: “Pằng! Pằng!” chứ không phải: “Pằng!... Pằng!”.
Phan Quang chăm chú nghe. Anh đã hiểu và thấy Hùng là người cẩn trọng, có năng lực chuyên môn. Anh nhíu mày hỏi tiếp:
- Nếu cả hai là đối tượng thì sao?
- Dạ không ạ! Vì chị ta có hành lý: túi vải, nón áo… của một người từ xa đến thăm ai đó. Đặc biệt trong túi chị ta có bộ quân phục bằng vải thô. Một gương nhỏ. Hai chiếc lược hình máy bay bằng Đuy-ra. Đó có thể là quà cho các cháu trong nhà hoặc là một kỷ vật nào đó của bạn bè trong chiến tranh. Còn anh kia là người địa phương đi bắt ếch. Ngoài cái giỏ và móc ếch ra không mang theo gì hết.
- Nhưng tại sao cả hai nạn nhân tiến vào một hướng là cửa lều?
- Dạ thưa! Có thể cả hai là bạn của anh Thanh thương binh. Họ đến ngẫu nhiên. Hoặc có thể chị ta hỏi thăm đường vừa đúng lúc anh chàng bắt ếch đi tới.
Phan Quang gật gù:
- Có lý! Nhưng vấn đề là sát thủ. Cậu phải cố tìm cho ra quan hệ của anh thương binh tâm thần với người đàn bà này nhé.
- Dạ, em đang cho điều tra nhưng chưa rõ. Người đàn ông tên Thạch có nói: “Người đàn bà này hao hao giống cô gái năm nào đã từng đến thăm anh Thanh”.
Tiếng chuông điện thoại cắt ngang lời Hùng. Phan Quang đứng lên: “Xin lỗi”.
Anh nhấc ống nghe:
- A lô! Phan Quang đây! Có việc gì đấy?
Ở đầu dây bên kia tiếng người quản giáo: “Thưa anh! Phạm nhân đập phá khùng điên khi khóc, lúc cười, xin anh cho ý kiến xử lý”.
- Bằng mọi cách phải cho anh ta ở trong phòng tạm giam. Hỏi ý kiến bác sĩ xem có thể cho anh ấy uống thuốc ngủ.
Tiếng “Vâng!” từ đầu máy bên kia thật nặng nề làm Phan Quang ngao ngán. Anh đặt ống nghe xuống rồi đi về phía Hùng:
- Phức tạp thế là cùng. Cậu thấy thế có khó không?
- Dạ khó!
Phan Quang nhìn Hùng:
- Cậu trả lời ngay vậy là chưa cẩn trọng đâu. Cậu biết tôi hỏi về vấn đề gì không?
Nguyễn Hùng lạnh toát cả người. Anh lấy lại bình tĩnh trong giây lát rồi nói:
- Dạ, em xin lỗi! Em đang mải nghĩ.
Phan Quang vỗ vai Hùng, cười hiền:
- Nhiệt tình là tốt nhưng chưa đủ, cần phải tỉnh táo, cẩn trọng. Đây là một thử thách lớn. Tất nhiên, không khó thì không phải là công việc. Nhất là công việc của ngành ta. Ở đây cái khó là làm thế nào để giữ lại anh thương binh. Anh ta không chịu ở trong phòng tạm giam. Anh ta phá phách kêu gào, hát, hò, khóc, cười… Theo cậu nên giải quyết ra sao đây?
- Dạ, theo em cứ thả anh ta ra.
Phan Quang nhìn thẳng vào mặt Hùng, giọng rít lại:
- Thả anh ta? Cậu có điên không đấy?
Nguyễn Hùng quả quyết:
- Dạ vâng!
Bỗng điện thoại trong túi Hùng đổ chuông, anh chau mày nhấc máy rồi nói: “Xin lỗi”.
- A lô! Mẹ à! Có việc gì ạ?
Tiếng mẹ Hùng ở đầu dây bên kia nói to đến nỗi Phan Quang nghe rõ mồn một: “Lại còn có việc gì à? Vợ con ngôi cao quá, bác sĩ hội chẩn phải mổ. Ai là người ký giấy đây? Chả lẽ con còn sống mà các thân già này phải ký thay? Biết cơ cảnh này mẹ không cho con vào cái ngành công an với công cán ấy làm gì?”.
Hùng vẫn nằn nì:
- Con sẽ thưa chuyện với mẹ sau.
Tiếng đầu dây bên kia: “Còn sau vào lúc nào nữa đây? Con ơi là con! Đến cấp tướng, cấp tá cũng dành thời gian chăm sóc gia đình. Còn con, con cứ vin vào công việc mà đi nhà hát, nhà hò, nhà nghỉ”.
- Không đâu mẹ! Con xin lỗi!
“Tao đẻ mày ra nuôi mày lớn không phải để nghe: Con xin lỗi! Con xin lỗi!. Tao không cần mày nữa, tao ký” - Tiếng trong máy tắt phụt.
- Mẹ ơi... Mẹ... Mẹ... A lô... A lô!
Hùng buồn bã để máy vào túi.
Phan Quang vẫn chăm chú theo dõi từng cử chỉ của Hùng. Nhìn Hùng bằng ánh mắt cảm thông, Quang nói:
- Vợ đẻ hả? Vợ đẻ mà giờ này còn ngồi đây thì oan nỗi gì mà buồn cơ chứ!
- Nhưng “nghiệp chướng” vợ em phải mổ. Cần em về ký giấy, mẹ em lo nên làm ầm tí thôi.
- Chết thật. Vậy cậu phải tranh thủ về xem sao. “Gái chửa cửa mả” lại còn phải mổ là nguy hiểm lắm đấy.
- Vâng! Nhưng xin anh cho quay lại câu chuyện về anh thương binh.
Phan Quang hy vọng rất nhiều ở Hùng. Anh châm thuốc, rít một hơi cho đã rồi nói vui:
- Quyết bỏ việc nhà, ba hoa việc chùa vậy à? Muốn gì cậu phải về qua nhà một lát đi.
- Dạ thưa còn anh Thanh. Xin anh cứ cho thả anh ấy ra. Biết đâu anh ấy lại tỉnh táo và giúp chúng ta được điều gì. Tất nhiên phải cho người theo sát từng giây.
Phan Quang bình tĩnh nói:
- Được rồi, việc ấy tính sau.
Anh nhìn Hùng đang giở sổ như muốn tìm lục điều gì cần nói. Điếu thuốc trên tay anh cháy gần hết. Phan Quang rít một hơi dài rồi nhẹ nhàng đặt mẩu thuốc vào cái gạt tàn bằng thuỷ tinh. Nhìn sợi khói manh mún từ trong gạt tàn bay vào không khí đặc sệt của căn phòng làm việc chiều nay, Phan Quang giật mình: “Còn chút lửa thôi vẫn còn khói”. Anh rời bàn đến nhấc máy điện thoại bàn bấm số:
- A lô! Quý đấy à? Tình hình diễn biến tâm lý của anh thương binh ra sao rồi?
- Dạ thưa. Anh ta ngủ gáy o o! Khi tỉnh không đập phá nữa và nói liên thiên rồi đọc thơ, làm thơ. Gọi tên em Đáp, em Đông và anh Nhân - Quý trả lời.
Như bắt được vàng, Phan Quang vội ngắt lời Quý:
- Em Đông! Em Đông nào? Cậu có hỏi anh ta không?
- Dạ có nhưng anh ta không trả lời.
- Sao lại không trả lời, ở đối tượng này đừng hỏi cung. Phải nhẹ nhàng lựa thời cơ, cậu phải nhớ rằng anh ta là thương binh tâm thần.
- Nhiều khi anh ta tỏ ra rất tỉnh táo và nói: “Ta là đặc công nước, ta đánh thằng Mỹ. Thằng Mỹ phải thua bọn ta. Nó phải rút vì cầu Cam Ranh bị sập. Tàu của chúng bị phá huỷ. Những con cá sấu to bằng những con bò phải chết vì thuỷ lôi của chúng ta. Vậy mà ta về quê thăm mẹ lại bị bọn nhãi các ngươi bắt ta. Thả ta ra. Ta còn đi tìm mộ em Đông. Em hy sinh ở Trường Sơn bao la hùng vĩ. Các ngươi biết gì về nỗi đau của người lính đâu? Hãy thả ta ra. Lũ trẻ ranh kia. Thằng Đáp em ta mà biết nó kiện các ngươi lên toà án binh. Toà án binh”.
Phan Quang ngắt lời:
- Hiểu rồi. Tôi sẽ đến đó!
Phan Quang nói lại cuộc điện thoại cho Hùng nghe. Hùng mừng rỡ nói trong tia hy vọng:
- Xin anh để em đi đến trại giam gặp anh Thanh.
Cánh cửa phòng tạm giam khẽ mở. Nguyễn Hùng trong bộ đồ lính cũ kỹ nhàu nhĩ. Anh đội mũ tai bèo, đeo ba lô. Nom anh như người lính của những năm bảy mươi thế kỷ trước từ chiến trường trở về. Anh từ từ bước vào phòng. Thanh nằm khoanh tròn trên chiếc chiếu một. Nghe tiếng cửa mở, anh giật thót mình ngồi dậy. Hai ngón tay giơ lên giả làm họng súng, miệng Thanh định phát ra tiếng hô bỗng dừng ngay lại. Anh sung sướng đứng bật dậy chạy đến ôm chầm lấy Nguyễn Hùng:
- A! Người anh em! Người đồng đội!
Nguyễn Hùng ôm chặt Thanh và nói:
- Xin chào, có khoẻ không anh Thanh?
Cái mùi tanh nồng hôi hám của Thanh làm lòng anh se lại. Hình như anh đã chạm vào nỗi đau nào đó thì đúng hơn là đi điều tra can phạm… Anh sững sờ dán mắt vào những chữ ghi bằng mẩu ngói non đỏ hồng trên góc tường:
“Mấy hôm nay tôi tạm xa chòi gác
Như cánh chim bay lạc đến phòng này
Để nỗi nhớ nhung vá vào chiều nay
Nhớ em, nhớ những ngày bên em”.
Thanh kéo Hùng ngồi xuống đất:
- Ngồi đây người anh em. Cảnh lính thế này là tốt rồi phải không?
Nguyễn Hùng ngồi xuống đất. Thanh cười tươi lắm. Anh lại cầm tay Nguyễn Hùng:
- Người anh em ở đơn vị nào? Ờ chúng ta cùng đơn vị đúng không? Đơn vị đặc công nước mà. Tôi đi công tác không mang theo giấy tờ tuỳ thân thành ra bọn này bắt giam tôi ở đây. Cánh mình là lính hiểu nhau rồi. Còn lũ học trò này mới ra trường. Biết cái chó gì đâu. Tôi không thèm nói chuyện với chúng. Cả cái thằng thầy nó tôi cũng mặc.
Nguyễn Hùng hỏi:
- Nhiệm vụ của đồng chí hiện giờ là gì?
- Lộ bí mật quân sự. Giữ nghiêm quân luật.
- Đồng chí đã xây dựng gia đình chưa?
- Chưa!
- À thì ra bài thơ này viết dành cho người yêu đúng không? Chết nhá?
Thanh tít mắt cười. Khuôn mặt nhọ nhem của anh rạng rỡ hẳn lên. Anh vỗ vào vai Nguyễn Hùng:
- Đã lâu lắm mới được gặp người anh em. Đúng! Chỉ có những thằng lính chiến mới thực sự hiểu nhau. Nói thật, tớ không thể yêu ai ngoài em ra.
Nguyễn Hùng tranh thủ:
- Hiện giờ em ở đâu? Em tên gì?
Thanh nói buồn. Ánh mắt anh vời vợi xa:
- Em là một cô gái vùng chiêm trũng. Nước da em trắng ngần, mái tóc đen óng mượt, tết hai dải sam làm cho dáng em mềm mại nhưng khoẻ mạnh và nhanh như sóc ấy.
- Tên em là gì? - Hùng nóng lòng gạn hỏi.
- Một cái tên thật quê mà dễ thương “Đông”, em Đông. Đôi mắt em thật tuyệt, đôi mắt ấy chỉ gặp lần đầu đã làm nhiều chàng trai mê say. Nhưng đôi mắt ấy chỉ dành cho Nguyễn Thanh này thôi. Tôi đã từng làm thơ về em, nhiều lắm.
- Anh thử đọc một bài xem nào.
- Đọc thật chứ lại thử à?
Thanh say sưa đọc:
“Nhìn dòng Bến Hải mênh mang
Mà tôi cứ tưởng mắt nàng nhìn tôi
Một đời dòng nước chảy xuôi
Hỏi con đò ngược vẫn ngồi đợi ai
Tháng Giêng cứ tưởng còn dài
Đò chưa rời bến tháng Hai đã rồi!”.
- Hay! Hay lắm! - Nguyễn Hùng tán thưởng và chú ý theo dõi từng hành vi, lời nói của Thanh. Anh đưa ảnh của nạn nhân cho Thanh xem.
Thanh cầm tấm ảnh ngắm qua rồi nói:
- Ôi chao! Người này già nua, kém xa em Đông. Hoạ may có mái tóc quăn là còn giống tí chút.
Hùng mừng thầm nghĩ: “Có tia hy vọng rồi”. Anh hỏi Thanh:
- Anh không đi tìm cô ấy?
- Có tìm nhiều rồi nhưng có lẽ em đã hy sinh. Ngày mình chuẩn bị nhận nhiệm vụ ở Cam Ranh, mình có gặp và đưa cho em giữ giùm một số giấy tờ. Nếu còn sống em đã ra gặp mình. Nhưng bặt vô âm tín.
- Giấy tờ? Tài liệu quân sự mà anh dám đưa cho một cô gái?
Thanh quắc mắt quát:
- Láo! Cậu chẳng hiểu gì hết, đó là các bản nháp văn chương, nhật ký, thơ, hồi ký, bút ký tớ viết trên dọc đường Trường Sơn ấy mà.
Hùng chăm chú nghe. Anh nhập tâm từng lời Thanh nói. Anh nghe đang mê mải phiêu lưu trên “con đường” mình định đi.
Hùng hỏi tiếp:
- Sao anh không nhờ ai đi về quê cô ấy xem sao?
Thanh hồ hởi:
- Có, mình có thằng em nuôi giỏi lắm, nó giỏi văn thơ, nhiều sách báo. Làm cấp gì to lắm trên hội. Nó hứa sẽ đi tìm em Đông cho mình.
Như vớ được vàng, Hùng vội hỏi:
- Anh ấy tên gì?
- Cậu ấy tên Đáp - Thanh trả lời.
- Anh phải đưa cho họ địa chỉ chứ?
- Có mà, mình ghi địa chỉ rõ ràng, còn cho cả ảnh của em mang theo.
- Anh còn tấm ảnh nào của cô ấy không?
- Không! Có mỗi tấm đưa cho thằng Đáp rồi. Thằng em Lý Văn Đáp của mình ấy.
- Anh ấy là em ruột của anh?
- Không! Nó là em thằng Lành. Thằng Lành cùng đơn vị đặc công với mình. Thằng Lành giỏi lắm. Nó lặn qua cả lưỡi của máy chém nước, vượt qua cả quãng sông nhung nhúc cá sấu ở vịnh Cam Ranh để đặt thuỷ lôi phá tàu địch đấy. Giờ Lành đã hy sinh, em nó là Đáp tự tìm đến mình nhận làm em kết nghĩa. Nó quý mình lắm, nó lấy xe máy cho mình đi chơi khắp mọi nơi. Mình và nó cùng thi làm thơ.
- Từ ngày anh ở đây, anh Đáp có đến thăm anh không?
- Chưa, nó chưa biết đấy thôi. Nếu biết nó chả đến hàng trăm lần ấy chứ. Nó mà biết thì bọn bắt tớ ra bã hết. Nó thương tớ thực lòng mà.
- Thôi nhé! Để khi khác chúng ta lại gặp nhau. Chào anh, tôi về đây.
Hùng cắt ngang câu nói của Thanh. Thanh lôi tay Hùng:
- Ở đây chốc nữa, vội gì?
- Đơn vị hành quân qua đây. Việc nhà binh. Ngồi với người anh em thế là lâu rồi.
Như nhớ ra điều gì, Thanh buông tay Hùng ra:
- Cậu nói đúng. Khi nào hành quân qua đây lại vào với mình nhé. Đời lính nó thế. Quân lệnh như sơn mà.
Ra khỏi nhà tạm giam, Hùng không lên phòng Phan Quang. Xem đồng hồ đã 11 giờ 15 phút. Anh nói nhỏ: “Còn sớm chán, từ đây đến Hà Đông khoảng 40 cây số. Từ Hà Đông qua Văn Điển rẽ sang Quốc lộ một tít thẳng chỉ hai tiếng đồng hồ là cùng”. Bỗng dưng hoa nắng muôn màu nhảy múa trước mặt anh. Bụng anh cồn cào, cái dạ dày lép kẹp nhắc nhở anh: “Từ trưa hôm qua đến giờ mới gặm chưa hết chiếc bánh mỳ và mấy viên kẹo dồi chó ở bàn làm việc lúc nửa đêm”. Anh rẽ ngay vào quán phở gọi một tô. Chủ quán là một cô gái chừng ngoài hai mươi, mặc bộ áo choàng của người mang thai. Vừa đứng lên: “Vâng ạ!”. Mặt cô bỗng tái nhợt đi. Hai tay chống vào thắt lưng “Ôi! Đau quá”. Cô khẽ kêu rồi rên, cô đã chuyển dạ, lập tức mọi người chạy cả ra, hàng xóm chạy đến xích lô được mời lại. Không ngần ngại gì, Hùng bế xốc cô gái lên xe. Lái xích lô là một người đàn ông có khuôn mặt vuông vức sạm nắng gió, anh cười hiền hoà:
- Nhà thơ Trần Đài đâu rồi. Xe máy có, sức khoẻ có, ô tô con có mà để đến nỗi vợ đẻ phải nhờ thượng đế bế ra xích lô thế này à?
Người đàn bà đứng lên thở dài nói:
- Ôi chao! Nhà thơ, nhà thẩn. Nó là loài chim tu hú thì có. Chỉ sẵn về ăn rồi uống, rồi ba hoa chích choè rồi lại đi, tích sự gì? Từ khi biết vợ có mang đến giờ thì lại bận đi nơi này nơi khác bốn năm tháng nay có về chi đâu…
Xích lô chuyển bánh, bà mẹ tất tả đạp xe theo. Đám đông tản ra. Nguyễn Hùng đứng lại ghi nhanh vào cuốn sổ tay: “Trần Đài, nhà thơ, xe con, tu hú đẻ nhờ, bốn tháng chưa về”. Những ý thâu tóm ấy như động lực đẩy Hùng đi đến nơi cần đến.
Xe tiếp tục lăn bánh trên đường. Hình ảnh người sản phụ ở quán phở cứ hiện về như nhắc nhở Hùng: “Vợ cậu cũng vậy. Khi chuyển dạ có thấy bóng dáng cậu đâu. Hùng mỉm cười một mình. Vợ mình đẻ thì không đỡ lại tình cờ bế vợ người ta ra xích lô”. Cái đói lại về hoành hành anh. Hùng lại lẩm bẩm: “Con mình ra đời, mình bị mẹ mắng. Con người ra đời, mình bị đói lây”. Thật là: “Tất cả vì con em chúng ta”. Thật là hài hước hết chỗ nói.
Hùng không đến nhà Đông. Thêm một chi tiết: “Trần Đáp, nhà thơ,…” khiến Hùng đến ủy ban xã quê Đông theo địa chỉ Thanh cho biết. Tiếp anh là một thanh niên trạc ngoài ba mươi, là anh Bùi Hưởng - Trưởng công an xã.
Hùng đi ngay vào việc. Anh trình giấy tờ và nói:
- Báo cáo anh, ở khu vực huyện Ba vừa xảy ra một vụ án mạng. Nạn nhân là một người đàn ông khoảng 45 tuổi quê ở đó. Và một người đàn bà khó đoán tuổi. Hiện giờ chị ta đã được đưa vào viện. Đã ba tháng trôi qua vẫn chưa tỉnh hẳn vì vết thương gần tim, mất máu nhiều, lại phải mổ tới ba lần. Tôi là người trực tiếp thụ lý vụ án. Qua điều tra cho thấy chị là người quê ta. Ảnh đây, nhờ anh xác minh giúp.
Nhận tấm ảnh từ tay Hùng, Hưởng thốt lên:
- Thôi chết rồi chị Đông, chị Đông con bà cụ Nam. Chị ta có qua được không anh?
- Như tôi đã nói, chị còn yếu, chưa tỉnh hẳn. Hiện nay vẫn ở phòng cấp cứu của bệnh viện. Xin anh cho biết về hoàn cảnh và các mối quan hệ của chị?
- Báo cáo anh, chị Đông là một cựu thanh niên xung phong. Hiện giờ là một đảng viên gương mẫu. Chị tham gia làm cán bộ văn hoá của xã, đồng thời kiêm chức chủ nhiệm câu lạc bộ văn học nghệ thuật của xã. Chị thật đảm đang, duyên dáng, đa tài và tốt nết. Ấy mà hồng nhan bạc phận. Giờ vẫn giữ chức cán bộ phòng không. Chị nặng lòng yêu một người lính từ chiến trường. Nghe tin anh ấy hy sinh. Bọn tôi dẫn mấy người đến “mai mối, nối tình” nhưng chị đều lắc. Vừa qua lại nghe tin anh ấy còn sống. Chị có xin phép nghỉ họp đi thăm người thân. Cứ tưởng anh ấy đau ốm, chị ở lại hầu hạ. Ai ngờ…
- Thật là sơ suất - Hùng nói. - Khi chúng tôi đưa tin trên đài truyền hình mọi người chỉ chú ý đến nạn nhân đã chết. Hình của chị Đông quay nghiêng và vội đi cấp cứu nên không rõ lắm. Với lại lúc ấy máu của anh kia phọt ra dính vào tóc chị ấy thành ra khi cấp cứu mọi người tưởng chị bị thương vào đầu liền cuốn băng gần kín mặt. Khó nhận dạng.
- Anh nạn nhân là người yêu chị ấy? Hai người bị ai sát hại vậy? Tôi sẽ báo cho người nhà chị Đông ngay để lên chăm sóc chị ấy kẻo tội - Bùi Hưởng thảng thốt.
- Hiện nay vụ án còn chưa có hồi kết. Không hiểu mối quan hệ giữa hai nạn nhân. Càng chưa xác định được hung thủ anh ạ.
Hùng hỏi tiếp:
- Xin anh cho biết gần đây chị Đông có quan hệ với ai là nam giới ở nơi khác đến không?
Hưởng cười vui vẻ:
- Trước kia thì có, giờ thì ít bởi vì cánh đàn ông “ngây ngây” chút thơ thường hay tập trung họp ở nhà chị vịnh thơ, liên hoan, khao sách… Nhưng nghe chừng chị em mất ăn mất ngủ. Nghi ngờ ghen tuông ầm ĩ. Chị Đông đề nghị thôi. Từ đó chúng tôi cũng ít đến nhà chị. Nghe đâu thời gian này có ông Trần Đáp nhà thơ cấp tỉnh gì đó hay về chơi. Vừa qua cũng đang giúp chị tìm những kỷ vật trong chiến trường không hiểu đã thấy chưa.
- Kỷ vật trong chiến trường là gì vậy anh?
- Gọi là kỷ vật cho to nhưng thực ra chỉ là mấy tập giấy nháp những bài thơ, truyện, ký gì đó… đại khái về văn chương của anh bạn tình cũ nhờ chị ấy cầm trước khi anh ra trận ấy mà.
- Có thể là quý thì sao anh?
Hưởng cười:
- Với anh em mình khi có thời gian mang ra đọc cũng thấy hay hay. Chứ với kẻ trộm có cho nó, nó cũng không thèm cầm. Với chị Đông lại là vật thiêng liêng. Chị ấy để thờ ngay trên ban thờ trước tấm ảnh của anh ấy. Vậy mà đã bị cháu bé hoặc người vô tâm nào đó lấy mất. Họ lấy đọc vui đã là tiếc, chỉ sợ họ làm bậy thì uổng quá.
Nguyễn Hùng quyết định về ngay. Không đến nhà Đông nữa. Sau hơn hai tiếng ngồi với Hưởng, anh đã nắm được khá rõ về chị Đông. Một đầu mối quan trọng trong đường đi nước bước của anh là nhà thơ Trần Đáp. Nhưng ở đây và quán phở lại là nhà thơ Trần Đài. Ai là kẻ đã đánh cắp tập bản thảo để trên bàn thờ nhà chị Đông? Ai, Đài hay Đáp đây? Biết đâu Đáp và Đài là tên của một người. Nhưng người ấy là ai? Hiện họ đang ở đâu? Hai cái tên ấy có liên quan gì đến vụ án không? Nhưng qua thu thập tin tức cho hay, dù người ấy là ai thì việc này cũng rõ ràng là kẻ biết đến giá trị của những con chữ trong tập bản thảo ấy. Biết đâu kẻ ấy đang cần cái chết của chị Đông.
Hùng về ngay bệnh viện. Anh nghĩ: Nếu xin rút người gác nạn nhân cũng không ổn. Ai sẽ thông cảm cho anh đây. Kể từ khi chị Đông vào viện đến nay đã gần bốn tháng, lúc nào cũng có người gác nên kẻ gian không thể làm gì được. Nhưng tuần này đến ca của Hải em trai anh. Anh nói nhỏ với nó hãy ra quán ngồi hoặc đi lăng quăng đâu đó. Tội đâu anh chịu, anh sẽ có cách…
*
Thời tiết vào một ngày cuối đông thật khó chịu. Nắng hanh mà bỏng rát khiến cho không khí trong phòng làm việc của Lê An đặc quánh ngột ngạt. Lê An và Phan Quang ngồi như hai pho tượng đối diện nhau. Quang nghĩ thương và lo cho việc làm của Hùng bao nhiêu lại ghét thằng Huy lùn bấy nhiêu. Cứ để xong vụ án này đã. Kể ra thì cũng lo nếu như kéo dài thời gian mà Hùng không tìm ra được thủ phạm thì sao? Vẫn là kết luận ban đầu của Huy? Mấy tháng trời của Hùng không bằng một tuần của Huy thì quả là khó đây. Anh chưa biết nên xử lý thế nào. Kéo ấm lại tự tay rót nước đưa cho Lê An rồi rót cho mình một chén. Chưa kịp uống thì máy di động trong túi có tín hiệu. Phan Quang vội vàng mở máy:
- A lô! Hùng đấy à?
- Dạ vâng! Anh ơi! Bắt được thủ phạm rồi! - Hùng mừng rỡ reo to.
Phan Quang bình tĩnh hơn nhưng anh cũng hồi hộp thở gấp:
- Nói rõ xem nào?
Hùng nói giọng run run làm cho tiếng thở phào phào trong máy:
- Sáng nay tên Đáp (nhà thơ, nhà văn ấy) cắp cặp đen, tay xách túi hoa quả đường sữa đến phòng nạn nhân. Hắn đưa quà cho người nhà chị Đông. Thăm hỏi đàng hoàng, y ngồi khoảng mươi phút thì ra về. Y vờ bỏ quên kính. Nửa giờ sau y quay lại cứ lượn lờ trước cửa phòng. Chờ khi mọi người ở trong phòng ngủ hết. Cô em gác nạn nhân giả vờ ra ngoài. Y dùng một xi-lanh thuốc định tiêm vào người nạn nhân. Lập tức em nhảy qua cửa sổ từ phía tường hậu vào, em đá vào tay hắn. Xi-lanh thuốc bật ra rơi xuống đất. Hắn loạng choạng ôm tay, mặt tái mét, ngoan ngoãn nhận chiếc còng số 8. Em hỏi bác sĩ cho biết đó là thuốc độc bảng A.
Phan Quang cuống quýt:
- Tốt! Tốt lắm! Quả là không uổng công! Đưa hắn về phòng tạm giam ngay đi!
Phan Quang tắt máy, anh mừng rỡ nói với Lê An:
- Dạ thưa anh, đối tượng khả nghi đã bị bắt tại phòng số 3 Khoa Ngoại ở bệnh viện tỉnh khi y chuẩn bị tiêm thuốc độc vào người nạn nhân.
Lê An nghe mà không tin vào tai mình nữa. Lúc này quả là khó xử. Công việc thì nhiều, nào là anh em ruột trông chờ, bạn bè níu kéo xin xỏ, chưa kể đến vợ con cháu nội ngoại khoán việc này mong việc nọ. Càng chưa kể đến việc cơ quan. Chao ôi trong cơ quan nay vụ án này chưa thụ lý xong đã đến vụ án khác. Rồi việc xếp việc, bầu bán, phân công phân nhiệm cho đội ngũ sĩ quan mới vào nghề. Tuổi thì đã cập kề nhận sổ hưu. Sức thì mới ở viện về. Nhiều lúc Lê An thấy mệt mỏi vô cùng. Nhưng trách nhiệm không cho phép ông nghỉ. Ông làm việc nhưng thực tình sau hai tháng nằm viện vì căn bệnh tiểu đường, bệnh gút, ông chưa có thời gian theo dõi, chỉ đạo tiếp vụ án này. Vậy mà ông không thể nào hiểu tường tận nỗi niềm của Nguyễn Hùng, hoàn cảnh khó khăn và việc làm của cậu ta. Đầu óc ông căng ra như muốn nổ tung. Mở ngăn kéo lấy viên thuốc an thần, Lê An sững lại. Mồ hôi ông vã ra khi thấy chiếc phong bì dày cộp những đồng đô-la. Ông lẩm bẩm: “Thằng đốn mạt, đã bắt nó mang về nó còn cố để lại làm gì cơ chứ, bây giờ nó cứ chỉ nghĩ đến tiền. Ai đã dạy nó. Công việc cứ ì ra, ai nhắc đến không nghĩ ngợi để sửa chữa khuyết điểm mà chỉ dùng tiền để xóa lấp khiếm khuyết của mình. Nó kém chuyên môn nhưng ngoan ngoãn học tập thì vực dần cũng được. Nhưng nó là đứa đã kém lại lười nhác và bẻm mép, tắc trách. Trách nó một phần nhưng đám trẻ bây giờ nó hư là do một số người lớn bị tha hóa. Nạn tham nhũng vẫn hoành hành. Cầu mới có cung chứ...”. Nghĩ vậy, ông chạy ngay xuống phòng Huy. Vừa vào đến cửa phòng, ông gọi lớn:
- Huy đâu? Giỏi thật! Ra đây mau!
Không có tiếng trả lời. Nóng ran vì bực tức. Ông nói rít qua kẽ răng: “Thằng này lại đi đâu rồi. Sáng dối cha, chiều dối chú, sắp giờ ngủ lại dối mẹ. Nói thế nào cũng không sửa”.
Ở nhà dưới kia. Nơi giam những phạm nhân chờ án. Tại phòng số 5. Tiếng Thanh gào thét, rồi tiếng đập cửa thoàng thoàng. Nhất là từ khi nhìn thấy Đáp bị còng tay vào phòng số 8. Thanh càng gào to hơn: “Trời ơi! Các người ác thế là cùng. Bắt nhốt ta không xong lại còn bắt cả thằng Đáp em ta nữa. Nó đi làm thơ ca, in sách chứ làm gì nên tội...”.
Lê An vòng xuống phòng số 8. Qua tấm song sắt. Khuôn mặt sống trâu bóng nhẫy của Đáp dài ra lì lợm. Bộ râu quai nón mà tạo hoá xếp nhầm vào khuôn mặt ấy đẹp là thế, nay nó bơ phờ. Chỉ có đôi mắt rắn ti hí vẫn loé lên ánh nhìn sắc lạnh. Cái cằm nhọn hoắt, đôi môi dày cộp đen thâm như hai cục tiết đang mấp máy. Một âm thanh nhi nhí chỉ đủ cho hắn nghe:
“Thằng Thanh khùng điên ơi! Tao mới là kẻ đáng gào thét. Trời sắp trả lại em Đông cho mày rồi. Chúng mày thả sức mà thi ca. Còn tao, bấy nay nhọc công chở mày đi đây đó để mong nhặt những vần thơ của mày chép thành tập. Rồi lại đi ngược đi xuôi nắng lửa, mưa gió bão bùng. Nào là nịnh bợ, nào là chờ có đến toát cả mồ hôi mới lấy được tập bản thảo cũ rích của mày trên bàn thờ nhà con Đông. Đáng lẽ là của tao. Công tao khó nhọc đêm hôm chép lại gửi dự thi trường ca. Ngỡ tưởng tao được giải nhất trong cuộc thi về đề tài, nào ngờ con Đông của mày phát hiện ra. Mọi sự vỡ lở và công lao của tao đổ xuống sông xuống biển. Nếu tao giết được con Đông mọi sự đã cứ thế mà tiến. Nhưng giờ tao mất tất. May ra chỉ còn lại thằng Huy lùn - một thằng ăn cánh cùng tao. Ở đây tao lại phải dựa vào cái quyền của nó…”.
Đi qua nơi phòng tạm giam một lượt, Đại tá Lê An về phòng. Ông ngồi trầm ngâm trước tập hồ sơ trên bàn, cẩn trọng mở từng trang đọc đi đọc lại. Cuối cùng là tờ quyết định kỷ luật đang chờ chữ ký của ông. Lê An dừng lại hồi lâu. Ông lẩm bẩm một mình: “Anh Quốc! Tôi thực sự xin lỗi anh. Ở nơi chín suối chắc anh hiểu tâm trạng tôi lúc này. Tôi đau lắm chứ anh. Đau vì vẫn sống, vẫn làm việc mà không giúp gì cho chị và cho cháu Huy. Một thằng cháu từng được tôi nuông chiều hơn là giáo dục. Thành ra nó có tư tưởng và việc làm đổ đốn trên con đường chúng ta đã từng xả thân. Đó là lỗi lầm lớn của tôi. Xin anh cho tôi được sửa chữa và vui lòng thông cảm cho tôi. Nếu là anh, chắc anh cũng sẽ làm như tôi là ký. Ký quyết định kỷ luật hạ cấp, đổi việc cho con là cứu nó. Chả thà để nó đi chậm lại còn hơn là trượt ngã…”.
Căn phòng hôm nay khác hẳn mọi ngày. Nó như rộng ra. Trong không gian tĩnh lặng của buổi chiều cuối đông. Ngoài sân là tiếng lá xao xác rơi. Tiếng chân vội vã từ những phòng làm việc đi đến nhà xe của giờ tan tầm. Trong phòng chỉ còn lại Lê An với tiếng thì thầm và sau đó là nét bút do tay ông ký vào tờ quyết định kỷ luật thật dứt khoát. Lê An đặt bút xuống, tựa vào ghế. Ông có cảm giác như vừa nắn và bóp bỏ cái mụn trong tim ông. Nó đau, rát. Nhưng chắc chắn là không thể tiếp tục gây bệnh. Thật nguy hiểm. Mầm mống của căn bệnh này cần phải chữa trị ngay không thể để nó phát sinh ở thế hệ trẻ ở các cháu như thằng Huy (con của bạn ông). Nhưng còn chữa trị như thế nào là một thử thách lớn đối với ông. Ở đời “Dao sắc không gọt được chuôi” vẫn thường xảy ra đấy thôi. Nhưng “việc khó mà làm được mới là việc đáng kể”. Ông thường nói với đồng đội như vậy. Lê An lấy hai tay vuốt ngược mái tóc. Nhìn hình mình trong gương. Tóc đã từ màu muối tiêu ngả dần sang màu tuyết. “Bạc đầu mà còn dại, suýt nữa cả đời giữ trọn, một giờ thì không”. Tự dưng ông cảm thấy lòng mình nhẹ hơn mấy ngày qua. Mặc dầu vậy, cái ngày ấy vẫn hiện về thật quái đản. Ông thấy ngượng với chính mình, lẩm bẩm: “Suýt nữa con mọt đục thủng gỗ lim. May mà chất lim trong gỗ còn chưa mục”. Ông cố xua đi hình ảnh của Trần Huy của cái ngày ấy và cả chiếc phong bì dày cộp tiền đô-la nữa. Tất cả vẫn hiện rõ mồn một. Ông tự động viên mình. Bác đã dạy: “Không sợ khuyết điểm, chỉ sợ không nhận ra khuyết điểm của mình”. Mình đã nhận ra khuyết điểm và xin vong linh Trần Quốc cho sửa chữa đấy thôi.
Ông lẩm bẩm nói với lòng mình như vậy. Tự dưng ông cảm thấy thanh thản, một chút thanh thản sau những ngày ngượng ngùng và cân não. Tuy tuổi cao, sức không còn cường tráng như hồi trai trẻ, nhưng ông vẫn còn công tác, vẫn còn đủ sức vượt qua những cám dỗ của vật chất tầm thường. Nhất là vượt qua rào cản của sự nể nang trong tình bạn, tình nhà.
Điều làm Lê An vui nhất lúc này là sau ông còn có những người như Phan Quang, Nguyễn Hùng… Họ sẽ thay ông gánh vác trọng trách người sĩ quan an ninh, góp phần mình trong công việc “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Cho hôm nay và cho mai sau.