Sách Trang Tử kể rất nhiều câu chuyện, và mọi đạo lý trong đó đều rất chất phác và hợp với tự nhiên. Bí mật trong đó chỉ có một, đó là: đạo lớn hợp với tự nhiên.
Vậy thì chúng ta nên hiểu "đạo lớn hợp với tự nhiên" của Trang Tử như thế nào?
Xét toàn bộ Trang Tử, mọi lý luận, mọi câu chuyện ngụ ngôn, thực ra chỉ có một bí mật, đó chính là: đạo lớn hợp với tự nhiên.
Trong lý luận của Đạo gia, con người lấy mặt đất làm phép tắc, đất lấy trời xanh làm phép tắc, trời lấy Đạo làm phép tắc, mà Đạo thì bắt chước tự nhiên. Có thể nói, giữa từng người, giữa từng sự vật, không có sự phân biệt cao thấp về kỹ xảo đơn thuần, chỉ có sự phân biệt về tầm vóc. Vậy thì tầm vóc phụ thuộc vào điều gì? Chỉ có một tiêu chuẩn: Đạo lớn hợp với tự nhiên.
Trong thiên Tri bắc du, Trang Tử đã gán cho một người tên là Tri đi hỏi thế nào là Đạo của nhân gian. Tri ở đây được hiểu là Trí, là người có trí tuệ lớn.
Tri du lịch lên phía Bắc đến Huyền Thủy, gặp một cao nhân tên là Vô Vi Vị, hỏi người này:
- Con người suy nghĩ như thế nào mới biết được đạo lớn? Ứng xử như thế nào mới có thể ở yên với đạo lớn? Đi đâu về đâu mới có thể đắc đạo?
Vô Vi Vị chẳng nói chẳng rằng.
Thế là Tri rời khỏi Huyền Thủy, trở về bờ nam Bạch Thủy, leo lên đồi Hồ Khuyết, gặp Cuồng Khuất, một vị cao nhân khác, bèn hỏi lại câu hỏi nêu trên.
Cuồng Khuất đáp:
- Ta biết, đang định nói với ngươi, nhưng ta quên mất là phải nói cái gì.
Tri không nhận được câu trả lời, bèn đến hỏi Hoàng
Đế. Câu trả lời của Hoàng Đế là:
- Đừng suy nghĩ mới hiểu được đạo lớn. Đừng nghĩ cách an thân xử thế mới yên với đạo lớn. Không nghĩ đường đi, không hỏi phương pháp mới thật sự có được đạo lớn.
Câu trả lời ấy có nghĩa là khi chúng ta quên đi mọi sự tham chiếu trong tọa độ cuộc sống, thật sự nhìn thấu nội tâm mình, chúng ta sẽ hiểu được chính mình, mới là đạt đạo.
Trên đời này, chúng ta đã dành quá nhiều thời gian để ngưỡng mộ người khác. Bởi vậy trong thiên Thu thủy, Trang Tử kể một câu chuyện như sau:
Có loài thú thần một chân tên là Quỳ, con Quỳ này rất mực ngưỡng mộ con Huyền (loài côn trùng có nhiều chân), bởi vì Huyền đi được bằng nhiều chân; Huyền lại ngưỡng mộ rắn, vì rắn đi được mà không cần chân, không những thế đi còn nhanh hơn nó; nhưng rắn lại ngưỡng mộ gió, vì gió ngay cả hình dạng cũng không có, nhưng bay còn nhanh hơn rắn nhiều. Còn gió thì ngưỡng mộ ai? Gió ngưỡng mộ ánh mắt của con người, vì ánh mắt đi đến đâu, gió chưa tới mà ánh mắt đã tới rồi. Ánh mắt có phải là nhanh nhất không? Ánh mắt ngưỡng mộ duy nhất một thứ, đó là lòng người, khi ánh mắt chưa đến nơi thì lòng người đã đến nơi.
Trang Tử nói Quỳ ngưỡng mộ Huyền, Huyền ngưỡng mộ rắn, rắn ngưỡng mộ gió, gió ngưỡng mộ ánh mắt, ánh mắt ngưỡng mộ lòng người, sự ngưỡng mộ này có nghĩa là yêu thích, cảm thấy tầm vóc của người khác cao hơn mình.
Mỗi người chúng ta có thể đều đã từng được truyền thêm sức mạnh từ tấm gương của những người mà mình ngưỡng mộ. Trong đời luôn có những người hoàn hảo hơn chúng ta, khiến ta xem như thần tượng để phấn đấu trở thành mẫu người giống như họ.
Nhưng chúng ta thật sự có thể trở thành người khác không? Có một câu chuyện ngụ ngôn thế này: Con chuột thấy mình nhỏ bé quá, nên luôn muốn tìm được thứ to lớn nhất. Nó ngước đầu lên nhìn, cái gì lớn nhỉ? Chẳng gì lớn bằng trời, nên chuột nghĩ rằng lý tưởng của cuộc đời mình là phải tìm cho được chân đế của trời, bởi trời không sợ ai cả, trời quá rộng lớn, bao trùm khắp nơi. Nó bèn hỏi trời:
- Có phải ông không sợ gì cả không, tôi bé nhỏ thế này, ông cho tôi một chút dũng khí được không?
Trời nói với nó:
- Ta cũng có cái để sợ, ta sợ mây, vì mây có thể che trời, che mặt trời, mặt trời và trời đều có thể bị mây mù che phủ.
Chuột thấy mây giỏi hơn, bèn đi tìm mây, nói:
- Anh che được cả bầu trời lẫn mặt trời, hẳn là anh có sức mạnh lớn nhất trong trời đất.
Mây nói:
- Không phải, tôi sợ gió, tôi khó khăn lắm mới che khuất được bầu trời, ấy thế mà gió thổi một cái là mây tan mất, gió thổi thì mây bay, cho nên tôi cũng có cái để sợ.
Chuột bèn chạy đi tìm gió, nói:
- Sức mạnh của anh lớn quá, vạn vật trong trời đất đều có thể bị anh thổi bay vèo, anh chẳng có gì để sợ phải không?
Gió nói:
- Tôi cũng có cái để sợ, tôi sợ bờ tường, mây trên trời tôi thổi được, nhưng bờ tường trên mặt đất thì tôi chỉ có thể vòng qua, nên tường giỏi hơn tôi.
Chuột bèn chạy đi tìm bờ tường, nói:
- Anh chắn được cả gió, hẳn là anh mạnh nhất! Tường nói một câu khiến chuột kinh ngạc:
- Tôi sợ nhất là loài chuột các anh đấy, vì chuột có thể khoét rất nhiều hang dưới chân của tôi, đến một ngày nào đó tôi sẽ bị đổ kềnh ra đất.
Đến lúc này chuột mới vỡ lẽ, thì ra người giỏi nhất trên đời này chính là nó. Thực ra một vòng tìm kiếm như vậy, không phải là một quá trình chúng ta từ nhỏ sùng bái thần tượng, sùng bái người khác, cả đời mới phát hiện ra nội tâm của chính mình đó sao?
Mỗi cá thể sống tuy bề ngoài khác nhau, nhưng bản chất lại giống nhau.
Cuộc đời của mỗi người đều độc đáo riêng biệt, sùng bái thần tượng không bằng hiểu rõ chính mình, bởi lẽ bản thân chúng ta không bao giờ có thể trở thành người khác.
Mặc dù trên đường đời của chúng ta sẽ có gập ghềnh trắc trở, nhưng dù là vinh quang hay khốn khổ, mọi thứ đều sẽ trở thành quá khứ.
Trên thế giới này, con người gặp quá nhiều sự việc, mọi cơ hội sẽ đến, mọi phong ba đều sẽ hết. Nhưng làm chủ được mình trong từng cơ hội, đó chính là hợp với đạo lớn của trời đất mà Đạo gia nói.
Điều Trang Tử muốn nhắc nhở chúng ta là: nếu con người đánh mất mình trong thế giới vật chất, biến đổi tính tình vì thế tục, thì người đó gọi là "đảo trí chi dân", tức là đảo lộn gốc ngọn.
Cho nên, điều chúng ta cần nhận thức rõ là hai chướng ngại bên ngoài, một là vật chất, hai là thế tục. Vật chất thường là một thứ lợi ích, có thể làm mất rất nhiều sự suy xét của chúng ta, còn thế tục là một thứ ngôn luận, là một ánh mắt, có thể làm nhiễu loạn những giá trị thuần phác của chúng ta. Nếu một người đánh mất chính mình, thì người đó sẽ không thể tìm được giá trị và sức mạnh thật sự trong lòng mình.
Con người làm thế nào để không đánh mất mình, làm thế nào để không bị mê hoặc? Muốn vậy chúng ta phải hiểu rằng: Mỗi sự việc trước mắt cuối cùng rồi sẽ trôi qua. Nhiều thứ tốt đẹp ta hưởng thụ trong hiện tại cũng sẽ đi mất. Rất nhiều sự việc khổ nạn mà chúng ta phải chịu đựng rồi cũng sẽ qua đi.
Có câu chuyện như sau:
Một nhà vua nằm mơ thấy mình được tặng câu châm ngôn có thể sử dụng cả đời kèm theo lời dặn dò: Chỉ cần bệ hạ ghi nhớ câu nói này thì cả đời bệ hạ sẽ quên hết được mất, có thể an nhiên vượt qua mọi vinh nhục.
Khi tỉnh lại, nhà vua chỉ nhớ lời dặn đó mà quên mất câu châm ngôn kia. Chỉ một câu châm ngôn mà giúp ích cho cả đời, câu nói quan trọng đó là gì? Nhà vua nghĩ mãi không ra, bèn cho chế tác một chiếc nhẫn vàng khổng lồ rồi bảo các đại thần:
- Các khanh hãy đi tìm câu nói này cho trẫm. Ai tìm được câu nói đó, trẫm sẽ thưởng chiếc nhẫn này.
Một hôm một vị lão thần thông minh nhất tâu:
- Bệ hạ hãy đưa chiếc nhẫn cho thần trước. Nhà vua hỏi:
- Khanh đã tìm được rồi ư?
Vị lão thần không nói gì, cầm lấy chiếc nhẫn, khắc một câu trên chiếc nhẫn rồi trả lại cho vua và nhẹ nhàng rời khỏi cung.
Nhà vua xem xong chợt nhớ ra trong mơ chính là câu nói này, một câu nói bình thường: "Tất cả đều sẽ qua đi".
Tất cả chúng ta cũng đều nên ghi nhớ câu nói này. Vinh quang rồi sẽ qua đi, sỉ nhục rồi sẽ qua đi, huy hoàng rồi sẽ qua đi, khổ nạn rồi sẽ qua đi. Mọi thứ xung quanh chúng ta chỉ là dĩ vãng. Chỉ duy nhất hiện tại là thật sự có giá trị, cho nên chúng ta cần phải truy xét chất lượng của mỗi thứ mà chúng ta đang có trong hiện tại.
Trang Tử nói: "Đạo lớn hợp với tự nhiên". Vậy thì thế nào là đạo lớn thật sự trong trời đất? Đạo lớn chẳng qua là một quy tắc.
Mỗi con người mỗi độ tuổi khác nhau, cảnh ngộ khác nhau, học vấn khác nhau, xuất thân khác nhau. Bạn có thể học tập kinh nghiệm của người khác, nhưng bạn phải thật sự hiểu được lòng mình.
Trang Tử nói: Trong trời đất, người nào thật sự hiểu được lòng mình thì được gọi là người giỏi dưỡng sinh. Vậy "người thật sự hiểu được lòng mình" là người như thế nào?
Ông nói người thật sự giỏi dưỡng sinh giống như người chăn cừu. Người chăn cừu tuy giơ roi lên, nhưng anh ta rất tốt đối với cả bầy cừu. Cái roi của anh ta sẽ quất xuống con cừu nào? Con cừu đi cuối cùng. Những con cừu đi trước thì không cần đánh; làm cho con đi sau cùng bước nhanh lên, cả bầy cừu đi trước sẽ đi nhanh.
Điều này tương tự một lý thuyết trong quản trị học hiện đại, đó là lý thuyết cái thùng gỗ. Chiếc thùng gỗ được ghép từ rất nhiều mảnh ván, các mảnh ván có cái dài cái ngắn. Chiếc thùng này chứa được bao nhiêu nước hoàn toàn không phụ thuộc vào miếng ván dài nhất, mà phụ thuộc vào miếng ván ngắn nhất.
Chăn cừu cũng vậy, thùng gỗ cũng vậy, luôn có con cừu đi cuối cùng, luôn có mảnh ván ngắn nhất. Chỉ có chính chúng ta mới nhìn thấy rõ con đi sau cùng trong bầy cừu là con nào, mảnh ván ngắn nhất trên cái thùng của mình là chỗ nào.
Còn khi con mắt của chúng ta luôn chỉ nhìn thấy mảnh ván dài nhất, luôn chỉ thấy con cừu đi đầu đàn, ta luôn có căn cứ để khoe khoang, rằng phần cao nhất của cuộc đời tôi là ở đó. Con cừu đầu đàn tuy oai phong biết bao, nhưng cả bầy cừu đi sau không biết đã tan tác nơi nào trên sườn núi; đã mất mát không biết bao nhiêu, vậy mà còn nhìn con cừu đi đầu để đắc ý vui mừng. Khi đắc chí vì mảnh ván cao nhất của mình, nhiều người không biết rằng nước trong thùng của mình đã chảy hết bởi mảnh ván thấp nhất trên thùng.
Cho nên chúng ta cần thường xuyên tự hỏi mình: con cừu đi cuối cùng trong cuộc đời mình là cái gì, mảnh ván ngắn nhất của mình là ở đâu?
Sống ở đời cần có trí tuệ lớn là "tuyết trung tống thán" (tuyết đến tặng than) cho chính mình, chứ đừng luôn "cẩm thượng thiêm hoa" (thêu hoa trên gấm). "Thêu hoa trên gấm" là để người khác xem, còn "tuyết đến tặng than" là cho chính mình.
"Thêu hoa trên gấm" là để người khác xem, còn "tuyết đến tặng than" là cho chính mình.
Từ đạo lý này nhìn rộng ra thế giới, Trang Tử nói "đạo đức bất phế, an thủ nhân nghĩa, tính tình bất ly, an dụng lễ nhạc" (đạo đức không bỏ, cần gì phải dùng đến nhân nghĩa, tính tình không ly tán, hà tất phải dùng đến lễ nhạc). Trên thế giới này, nếu bên trong mỗi người luôn giữ đạo đức thì cần gì đến quy phạm lễ nghi bên ngoài nữa? Tính tình của mỗi con người nếu không ly tán, không đi ngược lại với bản chân của con người, thì cần gì đến lễ nhạc bên ngoài?
Hãy xem chúng ta hiện nay, rất nhiều quan niệm đạo đức được rao giảng trên các phương tiện truyền thông, rất nhiều sự khen thưởng thực ra là thấp hơn lằn ranh của đạo đức. Thí dụ, rất nhiều nơi bầu chọn người con hiếu thảo, khen ngợi rằng người con đó hiếu thảo phụng dưỡng bên giường bệnh của cha mẹ, hiếu thuận với cha mẹ. Điều này có cần đến phương tiện truyền thông biểu dương không? Hiếu kính cha mẹ là điều tối thiểu trong việc làm người.
Trang Tử cho rằng, thứ chất phác nhất trên đời chính là bản chân trong lòng người, chứ không nên cố tình đề xướng, cố tình rao giảng một thứ tiếng lòng ầm ĩ bên ngoài.
Trang Tử cho rằng, mọi đạo lý pháp quy chẳng qua là cái bản chân tự nhiên nhất trong lòng người, việc gì phải dùng bất kỳ hình thức bên ngoài nào cố ý thực hiện cho bằng được.
Nhưng Khổng Tử lại cho rằng, lễ nghi rất quan trọng; quan trọng đối với một con người cho đến một đất nước.
Trang Tử và Khổng Tử rốt cuộc ai đúng ai sai? Chúng ta nên hiểu sự khác nhau của Nho gia và Đạo gia như thế nào?
Ở đây chúng ta có thể thấy được sự khác nhau thật sự giữa Đạo gia và Nho gia.
Nho gia thì đề xướng lễ nghi, yêu cầu mỗi người phải dựa vào quy phạm hành vi bên ngoài, dùng lễ nghi để ứng xử với người khác và thích ứng với xã hội, dùng chuẩn mực quy củ bên ngoài để tạo nên sự hài hòa của thế giới. Còn Đạo gia thì đề xướng mỗi người tuân theo đạo đức trong lòng, nghe theo tiếng lòng tự tại, chứ không cần có bất kỳ sự gượng ép bên ngoài nào.
Có thể nói Nho và Đạo bổ sung cho nhau, thai nghén nên nhân cách Trung Hoa.
Nhưng Nho gia dạy cho chúng ta cách đi vào thế giới (nhập thế), thực hiện giá trị cá nhân của mình, phải bén rễ trong mảnh đất này; Đạo gia thì dạy chúng ta đi ra khỏi thế gian (xuất thế), thực hiện sự siêu việt của nhân cách, giúp chúng ta có đôi cánh tung bay trên bầu trời.
Như vậy Nho gia dạy chúng ta năng lực đi trên mặt đất, cho nên giữa người với người phải có lễ nghi. Còn Đạo gia cho chúng ta lý tưởng bay trên bầu trời, cho nên mỗi người phải tuân thủ đạo đức trong lòng.
Thực ra cả Nho và Đạo, xét theo quan điểm của chúng ta ngày nay, đều không thể thiên vị. Mặc dù giữa Nho và Đạo có một số xung đột, có một số quan điểm có vẻ mâu thuẫn, nhưng khi ứng dụng vào mỗi con người sẽ có sự bổ sung.
Trên đời này, thứ thật sự quan trọng chẳng gì ngoài nhận biết chính mình, làm cho sự sống của mình hợp với đạo lớn, điều đó sẽ giúp chúng ta bớt đi rất nhiều đường vòng.
Rất nhiều khi chúng ta không thua về tốc độ chảy của mình, mà thua về chỉ số thông minh của mình.
Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Linh dương là một trong những loài động vật chạy nhanh nhất, khéo léo nhất. Nó bắt nạt rùa, buộc rùa chạy thi với mình. Bạn nghĩ xem, thắng thua của cuộc đua chẳng phải rất rõ ràng rồi sao? Linh dương phải thắng một cuộc thi đấu mà chắc chắn sẽ thắng. Vậy mà rùa lại đồng ý, nói rằng sáng sớm hôm sau cả hai bắt đầu cuộc đua.
Sáng sớm hôm sau, linh dương và rùa cùng đứng trên một đường chạy. Cuộc đua bắt đầu, linh dương chạy vụt như tên bắn, không thèm nhìn rùa. Nó hối hả chạy được một đoạn rồi dừng lại, đắc ý kêu lên: "Rùa con, mi đâu rồi?". Bất chợt nó nghe thấy tiếng rùa từ tốn nói trong một đám cỏ cách nó không xa: "Tôi ở đây này, chạy tiếp đi".
Linh dương giật mình, sao rùa lại ở trước được nhỉ! Linh dương lại bắt đầu sải chân chạy. Chạy được một đoạn, nó nói: "Rùa con, mi chạy kịp ta không?". Bất chợt nó lại nghe thấy tiếng rùa con thong thả đáp trong một lùm cỏ cách nó mấy bước: "Tôi đã vượt anh rồi, anh cứ chạy tiếp đi".
Lần này thì linh dương bắt đầu hoảng, nó chạy một đoạn, lại hỏi, rùa lại đáp, còn đến trước nó vài bước. Cuối cùng linh dương chạy về đích trong sự buồn bã tột độ, nó phát hiện rùa vẫn ở trước nó. Linh dương thừa nhận nó đã thất bại, tốc độ của mình chẳng có ích gì.
Sự thật có phải như vậy không? Thực ra, tối ngày hôm trước, sau khi thỏa thuận với linh dương xong, rùa bèn triệu tập toàn bộ gia tộc rồi sắp xếp trên mỗi đoạn đường cần chạy một con rùa trú sẵn, tức là mười mấy con rùa rải đều ở giữa chặng đường chạy thi. Vậy nên linh dương chạy đến đâu hỏi là có một con rùa phía trước trả lời ngay. Cuối cùng linh dương đã thua bởi mưu kế này, nó thật lòng thừa nhận mình đã thất bại.
Câu chuyện ngụ ngôn này cho chúng ta thấy trí lực quan trọng hơn tốc độ, khả năng phán đoán có giá trị cao hơn kỹ xảo.
Trên thế giới này, trí lực quan trọng hơn tốc độ, khả năng phán đoán có giá trị cao hơn kỹ xảo.
Trang Tử cho rằng nếu thế giới này trở lại nguyên bản, nghĩa là bớt đi rất nhiều đạo đức đề xướng bên ngoài. Đừng tin tưởng quá mức vào kỹ xảo huyền diệu, chúng ta hãy trở về với thế giới chất phác nhất, bản sơ nhất.
Xã hội hiện đại cạnh tranh khốc liệt, thậm chí có người không từ bất kỳ thủ đoạn nào để đoạt lấy lợi danh. Trang Tử khuyên con người hiện đại chúng ta có thêm một sự đạm bạc chất phác tự nhiên trong lòng, bớt một phần hành vi gượng ép đầu cơ trục lợi; nếu không chúng ta sẽ có thể đánh mất chính mình trong thế giới bao la này.
Thế nhưng chúng ta làm thế nào mới có thể giúp mình thật sự bước vào đạo lớn tự nhiên trong cuộc đời hữu hạn này?
Trang Tử nói: "Hư vô điềm đạm là hợp với đức trời". Hành vi của một con người đạt đến mức hư vô điềm đạm, làm trong lòng tĩnh lại, không hoảng loạn, đó là hợp với đức trời.
Rất nhiều khi cuộc sống chúng ta rơi vào cảnh tuyệt vọng, chỉ có dựa vào phán đoán sáng suốt và sự tỉnh táo trong lòng mới có thể giúp ta vượt qua. Khi đó, rốt cuộc là ai dẫn dắt lòng ta?
Có một câu chuyện có thực như sau:
Một nhóm sinh viên Khoa địa chất học khảo cổ theo giáo sư của họ khám phá một cái hang cổ nghìn năm. Tương truyền trong hang cổ này có sự sinh thành của đá thủy tinh, do đó rất nhiều người muốn đến xem. Hang cổ rất sâu, rất nhiều người từng vào mà không ra được, cho nên người ta coi nơi đây là tử địa.
Những sinh viên này mang theo rất nhiều trang thiết bị, đèn chiếu sáng, đuốc, kể cả la bàn. Theo chỉ dẫn của giáo sư, họ đi vào hang. Cái hang này quả nhiên đường đi vòng vèo, một lớp hang là một lớp trời. Họ vượt qua từng tầng một, cuối cùng đi đến chỗ sâu nhất của hang, nhìn thấy đá thủy tinh như trong giấc mơ của họ. Họ kinh ngạc trước kỳ quan, cảm thấy chuyến đi thật không uổng công, sau đó họ lấy mẫu, nhìn ngắm... Đến khi bình tĩnh trở lại, họ chợt nhận thấy hầu như mỗi ngách hang đều có thể thông với một con đường khác nhau. Họ đã lạc đường.
Lúc đó giáo sư nói với họ: "Ở đây còn có ký hiệu người đi trước để lại, trên mỗi giao lộ có đá vôi vẽ dấu tích, chúng ta đi ra theo đó". Mọi người theo đó bước đi, giáo sư cầm một cây đèn đi trước, chốc chốc ông lại kinh ngạc kêu lên: "Ở đây còn có dấu tích nữa này!". Ông luôn là người đầu tiên phát hiện ra dấu tích.
Mọi người theo ông bước lần theo từng dấu tích, cuối cùng cả nhóm cũng thoát ra khỏi hang, nhìn thấy ánh mặt trời. Các sinh viên ngồi bệt xuống đất, có người khóc nói: "Đúng là gặp sự sống nơi đường cùng! Nếu không có sự chỉ dẫn của người đi trước, chắc chắn chúng ta sẽ không ra được".
Lúc đó vị giáo sư lặng lẽ rút trong túi áo mình ra một cục đá vôi nhỏ. Thực ra mọi ký hiệu trên vách hang đều là do giáo sư vạch ra chứ chẳng có người đi trước nào chỉ dẫn.
Nơi họ bước vào vốn là đường cùng, là nơi nguy hiểm không thoát ra được, nhưng nhờ sự dụng công của mình, đi theo con đường của mình, họ đã thoát ra khỏi tử địa.
Điều này cũng giống như diễn tiến trong cuộc sống của chúng ta. Khi chúng ta vì mục tiêu huy hoàng của mình, hoặc vì lợi ích vật chất cám dỗ, chúng ta đều có thể quên đi nguy hiểm, không đánh ký hiệu trên đường đi, chỉ cắm đầu lao tới. Đến cuối cùng, chúng ta nhận thấy đã hết đường thì ôi thôi, "hồi cố sở lai kinh, thương thương hoành thúy vi" (quay trở lại nhìn thì mênh mông bát ngát, không biết đâu là con đường mình đã đi).
Chúng ta đã không nhận rõ con đường lúc đến thì làm sao có năng lực để trở về - trở về với bản sơ, trở về để thấy lại mặt trời? Khi đó, chúng ta mới tự trách mình tại sao khi đến chỉ dựa vào cảm xúc, chỉ dựa vào sự hấp dẫn của mục tiêu mà quên mất phải đánh dấu cho con đường trở lại của mình thì cũng đã muộn. Thực ra đó chính là sự đánh mất mình trong thế giới bao la.
Trong Thiên đạo thiên, Trang Tử kể một câu chuyện: Vua Nghiêu và vua Thuấn bàn luận về việc trị vì thiên hạ, hai người đại diện cho hai thái độ khác nhau.
Thuấn hỏi Nghiêu:
- Xin hỏi ngài dùng tấm lòng như thế nào để ứng xử với thế giới và trị vì thiên hạ?
Nghiêu đáp:
- Những người không nơi nương tựa, ta không bao giờ khinh thường họ, những người lao khổ cô đơn, ta không bao giờ bỏ rơi họ; ta có lòng xót thương con trẻ, ta luôn thương cảm phụ nữ, những kẻ yếu ớt, đó chính là cái tâm của ta.
Câu trả lời của Nghiêu thực ra là quan điểm của Nho gia, tức là khoan hòa, thương xót cả thế giới, nhất là thông cảm với những người yếu ớt.
Thuấn đánh giá về Nghiêu rằng: "Mỹ tắc mỹ hĩ, nhi vị đại dã", tức là tấm lòng của bệ hạ như vậy là lương thiện là tốt đẹp đối với cả thế giới, nhưng mà tầm chưa đủ rộng lớn. Nghiêu bèn hỏi: "Cái lớn mà ngươi nói nó như thế nào?".
Thuấn đáp: "Thiên đức nhi xuất ninh, nhật nguyệt chiếu nhi tứ thời hành", tức là trời thì sinh thành ở đó, mặt đất thì phẳng lặng, mặt trời, mặt trăng luân phiên nhau chiếu rọi thế gian, bốn mùa vận hành không nghỉ, cả thế giới luôn luôn vận chuyển như vậy. "Nhược trú dạ nhi hữu kinh, vân hành nhi vũ thi hĩ", thế giới này giống như ban ngày, ban đêm có giới hạn luân chuyển rõ rệt của nó, trên trời có mây, mặt đất sẽ có mưa, có nghĩa là mọi thứ trên thế giới đều là tự nhiên, đó chính là cái "lớn" mà kẻ hạ thần muốn nói.
Nghe xong lời Thuấn nói, Nghiêu bảo: Ta hiểu rồi, tấm lòng đó của ta chỉ hợp với đạo thế gian, còn tấm lòng mà ngươi nói thì hợp với đạo trời, vậy đạo trời mới là đạo lớn.
Có thể nói, toàn bộ thế giới bên ngoài đều là người thầy tốt nhất cho cuộc sống của chúng ta. Chỉ khi ta đắm mình trong đó, thật sự cảm nhận được cái gọi là một bông hoa một thế giới, một cái lá một lòng bồ đề, có sự triệt ngộ trên từng bông hoa từng ngọn cỏ, thì chúng ta sẽ hiểu được cái lẽ của vạn vật.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, một tù trưởng nói với trai tráng trong bộ lạc của mình:
- Các ngươi hãy đi xa, dấn thân vào cuộc đời. Chỉ cần các ngươi có sáu chữ của ta là đủ sống cho cả cuộc đời. Trước hết ta cho mỗi người các ngươi một tờ giấy, viết ba chữ trước, các ngươi ra đi, đến khắp thế giới, sau khi các người trở về ta cho ba chữ nữa.
Cánh trai tráng nhận lấy một tờ giấy nhỏ, tỏa ra khắp đất trời bốn biển. Họ đã trải qua vinh nhục gian lao, mỗi thời khắc họ đều nhìn thấy ba chữ được viết một cách đơn giản: "Đừng sợ hãi". Con người không được sợ hãi, bất kỳ khó khăn nào cũng có thể vượt qua.
Khi đến tuổi trung niên thì tất cả bọn họ, hoặc đã thành công hoặc còn nghèo khó, hoặc đã nắm bắt hoặc bỏ qua rất nhiều cơ hội, mỗi người mang theo tất cả phong sương hoặc niềm vinh dự trở về tìm gặp vị Tù trưởng để xin ba chữ nữa. Ba chữ mà họ nhìn thấy chính là: "Đừng hối hận".
Thế đấy! Nửa đời trước đừng sợ hãi, nửa đời sau đừng hối hận; trên đời này chúng ta không sợ hãi điều gì, cũng không có gì phải hối hận, thực ra cuộc đời chẳng qua là tận tâm tận lực, như thế mà thôi. Triết lý phương Tây, trí tuệ phương Đông, đạo lớn trời đất đều hợp với lẽ đó.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, có một chàng trai trẻ đánh cược với ông lão khôn ngoan, anh cầm một con chim non trong tay và nói: - Thưa bậc trí giả, cụ đã có thể đoán được mọi thứ, vậy xin cụ cho biết, con chim non yếu ớt trong tay cháu đã chết hay còn sống?
Cả thế giới bên ngoài chính là người thầy tốt nhất của con người.
Chàng trai trẻ chắc mẩm mình đã nắm phần thắng. Anh nghĩ nếu ông lão nói là sống, thì anh chỉ cần bóp nhẹ ngón trỏ, con chim non sẽ chết; nếu ông lão nói con chim đã chết, anh thả lòng bàn tay ra và con chim sẽ bay lên; ông lão nhất định sẽ thua.
Ông lão thủng thẳng nói với anh một câu, đó là:
- Sự sống chính ở trong tay anh.
Sự sống của mỗi người cũng chẳng khác nào con chim non này, mỗi người phải đối diện với con chim này, có thể sống có thể chết, tất cả đều được quyết định bởi tấm lòng của chúng ta. Cuộc sống hữu hạn, thời gian ngắn ngủi, cuối cùng sự thành toàn của mỗi cuộc đời gói gọn trong một câu nói: Cuộc đời mỗi con người nằm trong tay chính chúng ta.