Chúng ta thường than thở cuộc sống khổ cực và ngắn ngủi, làm thế nào để phát huy được tài năng của mình đến trạng thái tốt nhất trong cuộc sống ngắn ngủi?
Trang Tử cho ta biết: tâm thái (trạng thái tâm lý) của một người quyết định trạng thái cuộc sống của người đó. Làm thế nào để có một tâm thái tốt? Làm thế nào để sống ở trạng thái tốt nhất?
Người sinh mãi kiếp nào cho biết, Nhìn trăng sông năm hệt không sai. Trăng sông chẳng biết soi ai,
Dưới trăng chỉ thấy sông dài nước trôi.
(Trích bài "Xuân giang hoa nguyệt dạ" của Trương Nhược Hư, Bản dịch của Tản Đà)
Đời người trăm năm. Chúng ta thật nhỏ bé so với toàn bộ dòng thời gian!
Theo cách nói ví von của Trang Tử: "Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích, hốt nhiên nhi dĩ", nghĩa là con người sống trong trời đất giống như bóng câu qua khe cửa, chỉ trong chốc lát mà thôi.
Vậy thì trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, chúng ta làm thế nào để thực sự biết sống? Sống cuộc đời như thế nào là hiệu quả nhất?
Trang Tử cho chúng ta một thái độ, đó là: đạt sinh - sống khoáng đạt, thấu hiểu cuộc sống.
Đối với cuộc sống, trước hết chúng ta phải có một thái độ khoáng đạt. Thái độ này sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta. Tâm thái quyết định trạng thái của con người.
Đối với cuộc sống, trước hết chúng ta phải có một thái độ khoáng đạt. Thái độ này sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta. Tâm thái quyết định trạng thái của con người.
Thế nào là khoáng đạt thực sự?
Trang Tử nói: "Người thực sự hiểu thấu cuộc sống thì không chạy theo những thứ không cần thiết trong cuộc sống. Người thông đạt, thấu hiểu chân tướng của vận mệnh thì không theo đuổi những thứ bất đắc dĩ, những mục tiêu không thể đạt được trong cuộc sống".
Hẳn bạn sẽ hỏi lại, điều chúng ta đã coi là "không cần thiết" thì ta còn theo đuổi làm gì? Đó là vì đôi khi chúng ta bị lụy bởi thanh danh, chạy theo xu hướng chung của xã hội, cho dù trong thâm tâm biết rõ rằng điều đó không thật sự có giá trị với mình.
Ví dụ: một thí sinh nộp đơn thi vào một trường đại học danh tiếng, cho dù cậu ta chẳng thích ngành học nào ở trường đó cả. Tất cả chỉ vì danh tiếng của ngôi trường ấy. Khi cậu thi đậu, phụ huynh hãnh diện nói: "Con trai tôi đậu vào trường có tiếng đấy!". Cậu cũng thích chí: "Tôi là sinh viên của trường X!". Tuy vậy, có lẽ trong lòng cậu đã cảm thấy một nỗi đau âm ỉ bởi ngành mà cậu thực sự muốn học không phải ở trường ấy. Cũng tương tự như có người đã giũ bỏ tình yêu đích thực của mình để lấy một cô gái "xuất sắc", cũng có thể để lấy một "đại gia", chỉ bởi ánh mắt của mọi người và cảm giác hư vinh trong lòng. Sống như vậy nghĩa là họ đã sai lầm trong cuộc đời này.
Người thông đạt, thấu hiểu chân tướng của vận mệnh thì không theo đuổi những thứ bất đắc dĩ, những mục tiêu không thể đạt được trong cuộc sống.
- Đạt sinh
Ở vùng Alger, khỉ trên núi thường xuống đồng phá hoa màu. Do đó người dân vùng này đã phát minh ra một cách bắt khỉ, họ đặt một ít gạo ở cửa nhà dụ khỉ đến. Bí mật là dùng cái gì để đựng phần gạo này.
Đó là một cái lọ miệng lớn nhưng cổ lọ lại rất nhỏ, chỉ vừa tay một con khỉ thò vào, còn khi khỉ nắm tay lại là không rút ra được.
Lúc này nếu biết "đạt sinh", con khỉ biết buông nắm gạo thì nó sẽ rút được tay ra. Nhưng không con khỉ nào chịu làm như vậy.
Trong lọ tất nhiên là có nhiều gạo trắng rất cám dỗ, lũ khỉ đêm đến ăn trộm, thò tay vào theo cổ lọ. Đến sáng, bạn sẽ thấy những con khỉ ở đó đọ sức với những cái lọ, tay nắm chặt gạo, nhưng không rút ra được.
Đây không chỉ là bức tranh về lũ khỉ, mà còn là một bức tranh về đời sống con người. Bạn thử nghĩ xem, có bao nhiêu người trong chúng ta, tay nắm một "vốc gạo" lợi danh mà không chịu bỏ xuống, từ đó liên lụy đến cả cuộc đời?
Trang Tử nói: "Sinh chi lai bất năng khước, kỳ khứ bất năng chỉ. Bi phù!" (Sự sống bắt đầu thì ta không thể từ khước, khi sự sống mất đi thì ta không thể ngăn nó lại. Buồn thay!).
Sinh mệnh của chúng ta là do cha mẹ mang đến, không cần hỏi ý kiến chúng ta, và chúng ta không thể khước từ. Rồi thời gian mang năm tháng của chúng ta đi, nó cũng không đợi sự đồng ý của chúng ta mà tự nhiên ra đi, chúng ta không ngăn cản được.
Đến – đi đều bất đắc dĩ, thực sự là một điều đáng buồn! Nhưng điều mấu chốt là trong lòng bạn nhìn nhận cuộc sống như thế nào?
Người ta thường than thở cuộc đời ngắn ngủi, mong muốn đạt được sự nghiệp thành công trong quỹ thời gian hạn hẹp của mình.
Vậy thì khi xác định mục tiêu cuộc sống, chúng ta làm sao phán đoán được việc nào làm được, việc nào không làm được?
Bằng những câu chuyện ngụ ngôn của mình, Trang Tử cho chúng ta biết: Kiến thức và trải nghiệm quyết định năng lực và lòng can đảm của con người.
Trang Tử từng thác lời Khổng Tử kể một câu chuyện như sau:
Người học trò yêu của Khổng Tử là Nhan Uyên có lần hỏi thầy:
- Con từng vượt qua một cái vực sâu tên là Thương Thâm, thấy người lái đò có tài chèo đò giỏi như thần. Con rất ngưỡng mộ ông ta và hỏi: Chèo đò có học được không? Ông ấy đáp: Được. Nhưng ông lại cho biết một bí mật: Nếu anh biết bơi thì học chèo đò sẽ rất dễ; nếu anh biết lặn thì dù chưa bao giờ nhìn thấy đò, anh cũng biết chèo. Con bèn hỏi tại sao. Ông ta chẳng nói gì. Con xin hỏi thầy, thế nghĩa là thế nào?
Khổng Tử nghe xong, đáp: "Thiện du giả số năng, vong thủy dã". Một người giỏi bơi thực sự thì không sợ nước, thậm chí còn quên là có nước. Vì vậy khi chèo đò, anh ta sẽ không sợ, bởi dù đò lật, sinh mệnh anh ta cũng được đảm bảo. Tại sao người biết lặn chưa nhìn thấy đò cũng dám chèo? Là bởi người biết lặn có thể coi sóng như đồi gò trên đất liền, coi vực sâu như một ngọn núi cao phía trước, dù đò có lật cũng coi như xe lùi. Ngay cả đáy nước anh ta còn lặn xuống được thì còn sợ lật đò hay sao?
Khổng Tử cho học trò biết đạo lý ở đời chính là như vậy. Nếu con người có kiến thức lớn thì học thêm một kỹ năng khác sẽ rất dễ dàng; nếu không có trải nghiệm thì trong lòng sẽ thấy phập phồng lo sợ.
Khổng Tử thậm chí còn lấy một thí dụ cho Nhan Uyên: Con hãy xem việc đánh bạc, đánh bạc có đặt to, đặt nhỏ. Người đặt bạc bằng một viên ngói sẽ thấy rất nhẹ nhõm, bởi dù sao anh ta cũng chỉ đặt một viên ngói; nhưng người đặt một cái nhẫn quý thì có thể sẽ thấp thỏm không yên; người đánh bạc bằng vàng chắc chắn sẽ thấy rối trí.
Tại sao? Bởi anh ta quá coi trọng vật chất, phàm ai coi trọng ngoại vật chắc chắn đều vụng về dại dột.
Thực tế trong cuộc sống của chúng ta, rất nhiều người càng đối mặt với những quyết định trọng đại thì càng thất thủ. Anh ta không thua bởi đối thủ, mà thua vì chính mình.
Thất bại của rất nhiều người thực ra là thua bởi hai chữ "tại hồ" (để tâm), sự "để tâm" này khiến chúng ta thấp thỏm lo âu, gò bó tay chân, lo lắng sợ sệt khi đứng trước việc lớn. Bởi chúng ta quá đặt nặng cái "được" nên mới sợ "mất".
Vì thế Trang Tử cho chúng ta biết: Trên đời này, trong cuộc sống hữu hạn này, chúng ta có thể học tập rất nhiều, chúng ta có thể trải nghiệm rất nhiều, nhưng sự "để tâm" hay "không để tâm" là do lòng bạn. Hệ thống kinh nghiệm của cá nhân bạn sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn.
Sự "để tâm" hay "không để tâm" là do lòng bạn, hệ thống kinh nghiệm của cá nhân bạn sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của bạn.
Chúng ta nhận thấy trong cuộc sống, điều quyết định sự thành bại không hẳn là trình độ kỹ thuật, mà là tâm thái.
Khi chúng ta đặt nặng vấn đề được mất, khi trong lòng chúng ta có điều lo lắng, mọi kinh nghiệm và kỹ xảo của bạn sẽ đều không được phát huy ở mức độ tốt nhất.
Trong Điền Tử Phương, Trang Tử kể một câu chuyện như sau:
Liệt Ngự Khấu, tức Liệt tử, biểu diễn bắn cung cho Bá Hôn Vô Nhân xem. Khi bắn tên, ông tỏ ra hừng hực khí thế, kéo căng dây cung, giá có đặt một ly nước đầy lên khuỷu tay cầm cung thì nước cũng không sóng sánh khi bắn tên. Mũi tên thứ nhất vừa bay ra thì mũi thứ hai đã lập tức bắn theo, trong khi mũi thứ ba đã lắp sẵn trên dây cung chờ đợi, và Liệt Ngự Khấu cũng đứng im như hình nộm.
Tài bắn cung của Liệt Ngự Khấu không thể nói là tầm thường, nhưng người như vậy đã thực sự đạt đến tầm cao chưa?
Bá Hôn Vô Nhân không đánh giá cao, ông nói:
- Ấy là cách bắn của người quá lo cho việc bắn cung, chưa phải là cách bắn của người thản nhiên mà bắn. Bây giờ mời ông lên núi cao kia, bước trên đá lởm chởm, đứng bên mép vực sâu trăm trượng, chừng ấy sẽ biết ông còn giữ được cái vẻ điềm tĩnh ấy nữa không.
Bá Hôn Vô Nhân bèn đi lên núi cao, chân giẫm đá lởm chởm, đến nơi vực sâu trăm trượng, sau đó quay người lại, bước lùi về phía vực sâu cho đến khi một phần bàn chân đã ở ngoài vách đá. Đứng ở chỗ này, Bá Hôn Vô Nhân mời Liệt Ngự Khấu lên bắn tên.
Khi đó Liệt Ngự Khấu chỉ có thể bò sấp dưới đất, mồ hôi chảy đến tận gót.
Lúc này, Bá Hôn Vô Nhân nói:
- Người thực sự cao minh trên đời, mắt nhướng lên có thể ngó tận mây xanh, cúi nhìn xuống có thể thấu tận đáy đất, vạn vật và hiện tượng trên thế giới đều thấu tỏ mà lòng vẫn an định. Có như thế mới bắn được cái bắn thản nhiên.
Ông nói với Liệt Ngự Khấu:
- Bây giờ ông đang run lòng hoa mắt, nếu để ông bắn tiếp thì khả năng bắn trúng sẽ là rất nhỏ.
Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quá tin vào kỹ xảo của mình, và một điều nữa là không ai có thể tách khỏi môi trường mà sinh tồn được.
Khi chúng ta đối mặt với môi trường khắc nghiệt thì phải xem tâm trạng mình như thế nào. Khi tâm trạng không bị ảnh hưởng vì nỗi sợ hãi bên ngoài thì mới thực sự là kẻ dũng, kỹ xảo mới có chỗ phát huy. Nếu tâm trạng đã bị môi trường đánh bại thì làm bất kỳ việc gì cũng không thành công.
Một nhà khoa học và mười người tình nguyện tham gia một cuộc thực nghiệm. Trong một ngôi nhà tối om, người ta bắc một cây cầu độc mộc. Nhà khoa học bảo những người tình nguyện:
Trên đời này, chúng ta đừng bao giờ tin tưởng quá mức vào kỹ xảo.
- Ngôi nhà này rất tối, phía trước là một cây cầu độc mộc. Bây giờ tôi sẽ dẫn các bạn qua cầu. Các bạn chỉ cần đi theo tôi là được.
Mười người theo giáo sư nhẹ nhàng đi qua cây cầu độc mộc đến đầu bên kia của ngôi nhà như đi trên đất bằng. Lúc này giáo sư bật một ngọn đèn. Những người này định thần nhìn lại thì vô cùng sợ hãi, thì ra chỗ họ vừa đi qua không chỉ là một cây cầu độc mộc, mà phía dưới cầu là một bể nước lớn, dưới bể có mười mấy con cá sấu đang bơi.
Lúc này giáo sư nói:
- Nào, đây chính là cây cầu các bạn vừa đi qua. Bây giờ tôi sẽ quay lại, mấy người trong số các bạn muốn trở lại cùng tôi?
Không ai cả! Họ đều đứng im. Giáo sư nói:
- Tôi yêu cầu các bạn phải đứng dậy. Ai thực sự can đảm thì đi theo tôi.
Cuối cùng cũng có ba người đứng ra. Trong đó có một người đi được nửa đường thì run rẩy, đành phải lết qua cầu; một người khác thì sấp người xuống bò đi, chỉ có một người đường hoàng bước đi. Giáo sư lại động viên bảy người còn lại, kết quả nói thế nào họ cũng không chịu đi.
Lúc này giáo sư lại bật thêm mấy cái đèn, mọi người lại nhìn thấy một sự thực: Giữa cầu và cá sấu còn có một lớp lưới bảo vệ. Giáo sư nói:
- Giờ có ai muốn theo tôi đi qua cây cầu này không? Lần này lại có năm người đứng ra. Vì biết đã có lưới phòng hộ nên họ yên tâm theo giáo sư qua cầu.
Giáo sư hỏi hai người cuối cùng:
- Lúc nãy các anh chẳng phải đều đi trên đó sao? Tại sao bây giờ lại không chịu theo tôi đi?
Hai người đó run rẩy đáp:
- Chúng tôi cứ nghĩ, nếu lỡ cái lưới đó không chắc chắn thì sao?
Câu chuyện này có thể xem như một ẩn dụ về cuộc sống mà chúng ta đang đối mặt. Nhiều lúc vì không thấy rõ sự gập ghềnh của cuộc sống, bạn sẽ cứ thế xông qua. Đến khi nhìn thấy một số hiện tượng bề ngoài, bạn sẽ sợ hãi. Còn khi đã thấy rõ sự an - nguy, lợi - hại trong đời, có thể chúng ta sẽ phấn chấn, dù lòng lo sợ nhưng vẫn có thể chiến thắng bản thân để dấn bước.
Lúc này, kỹ năng của bước chân không còn quan trọng, mà sự phán đoán trong lòng chúng ta mới là điều quan trọng nhất.
Cho nên ta có thể kết luận: Tâm thái của một con người quyết định trạng thái cuộc sống của người đó.
Vậy thì tâm thái của một con người phải đạt đến trạng thái nào mới tốt nhất? Làm thế nào để đạt đến trạng thái đó?
Trang Tử lại kể một câu chuyện về chọi gà.
Kỷ Tỉnh tử nuôi gà chọi cho vua. Vua rất thích chọi gà nên muốn Kỷ Tỉnh tử huấn luyện một con gà chọi mạnh nhất thiên hạ, có thể nhanh chóng xuất chiến.
Mười ngày sau, nhà vua hỏi Kỷ Tỉnh tử:
- Con gà của ta đã đem chọi được chưa?
Kỷ Tỉnh tử đáp:
- Chưa được, vì con gà này ỷ thế lớn hiếp người, lông xù lên, ánh mắt xớn xác, rất kiêu ngạo.
Chúng ta thường cho rằng lúc này đem gà đi chọi là thích hợp nhất. Nhưng người biết luyện gà thì nói lúc này không thể được.
Mười ngày sau, nhà vua lại hỏi câu hỏi tương tự. Kỷ
Tỉnh tử đáp:
- Vẫn chưa được. Mặc dù tính khí nó đã bắt đầu dịu bớt, nhưng con gà khác vừa cất tiếng là nó phản ứng lại ngay, còn muốn tranh đấu, nên chưa đem chọi được.
Lại mười ngày trôi qua, nhà vua lần thứ ba đến hỏi. Kỷ Tỉnh tử nói:
- Vẫn chưa được. Tuy hiện nay nó đã điềm đạm hơn nhiều, nhưng trong ánh mắt nó vẫn còn nộ khí, không được, chờ thêm một thời gian nữa.
Mười ngày trôi qua, nhà vua đến hỏi. Kỷ Tỉnh tử nói:
- Lần này thì được rồi. Những con gà khác dù có kêu nó cũng không thèm đáp.
Vậy con gà ấy thế nào? Người Trung Quốc có câu thành ngữ "Đãi nhược mộc kê" (trơ như gà gỗ). Kỷ Tỉnh tử nói:
- Con gà này giờ đã luyện đến mức như gà gỗ, tức là tinh thần bình thản, đức tính nó giờ đã hoàn toàn nội hóa, trầm lắng. Bởi vậy con gà này mà đem chọi thì bất cứ con gà nào nhìn thấy nó cũng lập tức cúp đuôi chạy. Lúc này có thể đem gà đi chọi.
Trong Trang Tử có rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn giúp chúng ta nhìn lại mình một cách sâu sắc, vì nó cung cấp một hệ giá trị khác hẳn với cách nhìn của chúng ta.
Chúng ta cho rằng một con gà chọi thì giống như một người lính ra trận, cần phải hăng hái, quyết chiến, cần phải có tinh thần quyết thắng thể hiện ra bên ngoài. Trong khi Trang Tử đưa ra yêu cầu là nó phải giũ bỏ hết sự sắc nhọn bên ngoài, nạp hết nhuệ khí vào bên trong. Nội tâm đó thực ra là một sự hàm súc, có nghĩa là không phải nó thật sự không có chí chiến đấu, mà là chí chiến đấu đã thu vào bên trong, và lúc này mới có thể coi là toàn đức.
Sự tranh đấu thật sự không ở sự dũng mãnh, không ở kỹ xảo, mà là ở đức tính.
Trong thiên Đạt sinh, Trang Tử kể câu chuyện về một người thợ mộc như sau.
Có người thợ mộc nước Lỗ tên là Tử Khánh. Anh ta chuyên nghề đẽo gỗ làm xảo, mà là ở đức tính.
Sự tranh đấu thật sự không ở sự dũng mãnh, không ở kỹ liêm. Liêm là cây cột hai bên giá treo chuông hoặc trống, có chạm hình mãnh thú. Liêm còn có một cách giải thích khác, nó là một loại nhạc khí, trên chạm hình hổ.
Người thợ mộc này làm liêm giỏi đến mức "kiến giả kinh vi quỷ thần", người người nhìn thấy đều vô cùng kinh ngạc tưởng là do quỷ thần làm ra, bởi người thường làm sao có thể khéo đến nhường ấy? Riêng con mãnh thú chạm trên đó trông sống động như thật.
Danh tiếng của Tử Khánh vang xa, đến tai vua Lỗ. Vua
Lỗ cho vời Tử Khánh đến để hỏi bí quyết.
Tử Khánh rất khiêm tốn, nói rằng mình chỉ là một thợ mộc bình thường, không có bí quyết nào cả. Tuy nhiên, ông nói tiếp: "Lúc chuẩn bị làm cái liêm này, tôi không dám hao phí một chút sức lực, mà phải dụng công trai giới. Mục đích trai giới là để "tịnh tâm", làm cho tâm mình tĩnh lại.
Trong quá trình trai giới, đến ngày thứ ba thì tôi đã có thể giũ bỏ mọi sự phong công, ban thưởng, chúc mừng sau khi hoàn thành công việc. Điều này có nghĩa là trai giới đến ngày thứ ba thì tôi đã có thể quên lợi.
Trai giới đến ngày thứ năm thì tôi đã không còn để ý tới những lời khen chê hay thị phi đối với mình. Người ta nói tôi làm tốt cũng được, làm không tốt cũng được, tôi đều không để ý đến nữa, đây cũng chính là quên danh.
Sau đó còn phải tiếp tục trai giới. Đến ngày thứ bảy, tôi đã có thể quên đi "tứ chi hình thể" của cá nhân, tức là quên cả bản thân mình. Vào lúc này, tôi có thể quên rằng tôi đang làm việc cho triều đình. Mọi người đều biết là làm việc cho triều đình thì lòng luôn thấp thỏm, một khi có những suy nghĩ vẩn vơ là không thể làm tốt được.
Đến lúc này tôi lên núi. Sau khi lên núi, tĩnh tâm lại, tìm kiếm cây mình cần, quan sát chất gỗ, tìm cây nào có hình thù phù hợp, giống như cái liêm đã thành hình hiện ra trước mắt thì đốn cây mang về, thuận tay gia công là nó trở thành hình dạng như bây giờ".
Cuối cùng Tử Khánh nói: "Việc tôi làm chẳng qua là "dĩ thiên hợp thiên" (lấy trời hợp với trời), đó chính là bí quyết của tôi".
Câu chuyện của người thợ mộc cho chúng ta thấy rằng: có một tâm thái tốt, thản nhiên là có thể đạt đến trạng thái tốt nhất, có khả năng"dĩ thiên hợp thiên" mới có thể làm công việc trở nên tốt nhất.
Vậy thì thế nào là "dĩ thiên hợp thiên"? Làm thế nào để làm được "dĩ thiên hợp thiên"? Trai giới có ý nghĩa như thế nào?
Bốn chữ này rất đáng để chúng ta ghi nhớ: "dĩ thiên hợp thiên".
Con người cần phải dùng những sự việc mà bản thân nó hợp với quy luật để đối ứng với quy luật, có nghĩa là đừng bao giờ đối địch với quy luật, đừng đi ngược lại quy luật, mà nên dùng cái tâm trong sáng của mình, dùng trí tuệ của mình để nhìn xem những việc nào có thể "dĩ thiên hợp thiên".
Người thợ mộc trai giới bảy ngày, thực ra là vượt qua ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là quên lợi ích, không còn nghĩ đến việc dùng sự việc của mình để đổi lấy đại lợi của thế gian; giai đoạn thứ hai là quên danh, không còn nghĩ đến việc khen chê thị phi của người khác quan trọng như thế nào đối với mình; giai đoạn thứ ba là quên mình, thực ra chỉ khi đạt đến tầm quên mình, con người mới đạt được kết quả tốt nhất.
Trong thời đại thông tin ngày nay, những tin tức thực sự lay động lòng người thường đến từ những nơi tuyến đầu nguy hiểm. Ở đó có những phóng viên bất chấp cái chết, họ đã quên đi sự tồn tại của mình, chỉ quan tâm đến thiên chức truyền thông của mình. Những bài báo họ gửi về là những bài viết hay nhất.
Nếu một phóng viên ở hiện trường mà còn nghĩ: Mình trang điểm có đẹp hay không? Chụp hình ở góc độ nào thì đẹp nhất? Mình nên đặt câu hỏi như thế nào?... Thì chắc chắn phóng viên ấy sẽ không thể có được một bản tin hay, bởi trạng thái nghề nghiệp thực sự tốt là phải đạt đến mức quên mình.
Người thợ mộc trong sách Trang Tử cho ta biết một đạo lý chất phác mà huyền diệu, đó là làm việc phải làm cho tốt, nhưng muốn làm tốt ắt phải trải qua ba giai đoạn: quên lợi, quên danh, quên mình. Nếu làm được ba điều này thì bạn sẽ biết quy tắc của đại đạo trên đời, đạt đến mức "dĩ thiên hợp thiên".
Hãy thử nghĩ, đạo lý này có thật khó không? Không hề khó! Chỉ cần nhặt lại rất nhiều thứ chất phác trong lòng chúng ta, đồng thời phá vỡ một số quy tắc của thế gian, là chúng ta sẽ có thể thưởng thức hương vị ban sơ của cuộc sống.
Có một câu chuyện rất hay:
Có một người làm vườn bình thường, anh say mê chăm bón cho khu vườn trồng rất nhiều loại cây ăn quả.
Một mùa hè nọ, anh thu hoạch được một vụ nho rất sai quả; nho vừa to vừa ngọt. Đây là thành quả bấy lâu anh vun xới nên anh vui lắm, muốn mọi người cùng chia sẻ với mình nên ôm từng rổ nho đứng trước cổng, gặp ai qua đường cũng đều đem nho đến mời nếm thử.
Một phú thương đi qua. Anh làm vườn ôm nho đến mời:
- Mời ông thưởng thức nho của tôi. Người phú thương ăn xong, nói:
- Nho này ngon quá, anh muốn bao nhiêu tiền? Tôi nhất định phải trả anh tiền.
Người làm vườn đáp:
- Tôi không cần tiền, tôi chỉ muốn ông nếm thử hương vị của nó thôi.
Phú thương nói:
- Sao anh lại cho không tôi? Anh cho tôi nho ắt là muốn lấy tiền! Anh đừng ngại, nào, để tôi trả anh tiền, chỗ nho này tôi mua về thưởng thức tiếp.
Phú thương nằng nặc nhét cho anh một khoản tiền rồi mang rổ nho đi.
Người làm vườn rất buồn bã. Lúc này một viên quan đi tới, anh lại bưng nho đến mời:
- Mời ngài nếm nho xem hương vị thế nào?
Viên quan cho nho vào miệng ăn thử, thấy ngon quá, nói:
- Anh có việc gì cần nhờ ta? Anh thấy ta mặc quan phục chứ? Có chuyện gì anh cứ nói, ta không thể ăn không nho của anh. Anh nói mau, có chuyện gì nào?
Người làm vườn đáp:
- Tôi chẳng cần gì cả, tôi chỉ muốn ngài nếm thử hương vị của nho thôi!
Viên quan nói:
- Anh cứ để ta giúp anh việc gì đó, nếu không ta ăn không nho của anh cũng không thích hợp. Không thì ta trả lại anh.
Nói xong viên quan để nho xuống, bỏ đi.
Người làm vườn càng buồn bã. Tiếp đó anh nhìn thấy một đôi vợ chồng trẻ đang âu yếm cùng nhau đi tới. Anh nghĩ, cô gái trẻ này chắc chắn là thích ăn quả tươi. Anh bèn ân cần nói với người thiếu phụ:
- Mời cô nếm thử nho của tôi xem thế nào?
Thiếu phụ nhận lấy nho ăn, mỉm cười rạng rỡ. Chồng cô trừng mắt nhìn người làm vườn, hỏi:
- Anh có ý gì?
Người làm vườn thấy vậy quay người bỏ chạy mà không kịp hỏi hương vị thế nào.
Anh quá buồn bã. Một hôm, anh trông thấy một ông lão ăn mặc rách rưới đi tới. Anh cũng bưng một rổ nho lớn đến mời:
- Cụ có muốn nếm thử nho của tôi không?
Ông lão nhận lấy, ăn từng quả, vừa ăn vừa khen:
- Đây quả là hương vị tuyệt nhất trần gian. Nho này nhiều nước lại ngọt thơm, hương vị này khác hẳn mọi loại nho khác.
Ông vui vẻ ăn nho xong, lững thững bỏ đi.
Anh làm vườn vô cùng vui vẻ, cảm thấy ngày hôm nay chỉ có ông lão cuối cùng này là thật sự hiểu được hương vị của nho.
Con người làm việc muốn làm tốt thì phải vượt qua ba giai đoạn: quên lợi, quên danh, quên mình.
Trong cuộc sống cũng có rất nhiều "rổ nho" bày ra trước mắt, nhưng nhiều khi ta đã đánh mất tâm nguyện nếm thử nó. Chúng ta cho rằng đằng sau những trái nho này chắc chắn có một ngụ ý nào đó, hoặc là vì lợi, hoặc là vì danh, hoặc là vì sắc, làm sao con người có thể không có một chút mục đích nào ẩn giấu trong đó? Và khi tính toán trong lòng, chúng ta sẽ không thưởng thức được vị ngọt của nho.
Câu chuyện ngụ ngôn này chẳng phải cũng có tác dụng gợi mở giống như của Trang Tử sao?
Từ cái nhìn của hơn hai nghìn năm trước, Trang Tử muốn cho chúng ta biết điều gì? Đó là chỉ khi phá vỡ mọi cái tâm thế tục, dùng mong muốn bản sơ của mình để hòa hợp với thế giới này, khi đó bạn mới có thể cảm nhận được chân ý của thế giới.
Trên cõi đời này, cơ hội và vị ngon bày ra trước mắt chúng ta là như nhau, chỉ có điều đòi hỏi chúng ta phải giải mã nó trong trạng thái như thế nào.
Cuộc sống chỉ là một khoảng thời gian. Thời gian nằm trong tay chúng ta, nhưng thời gian của mỗi người là hữu hạn. Mỗi người chúng ta dù có giỏi dưỡng sinh đến mấy cũng chỉ có thể sống không quá trăm tuổi.
Tuy vậy, chất lượng thời gian lại tùy thuộc vào mỗi người.
Chất lượng này không hẳn giống như tri thức càng nhiều, của cải càng đầy, chức vị càng cao thì nhất định phẩm chất càng cao như ta tưởng. Trái lại, rất nhiều khi trở lại với bản nguyên, làm cho sự sống của chúng ta trở lại với trạng thái chân chất ban đầu, tâm hồn chúng ta mới cởi mở, cái tâm chúng ta mới thật sự giống như được trải qua trai giới, có thể nhìn thấu danh lợi, đạt đến tầm quên mình, mà tầm quên mình được coi là tự nhiên sẵn có.
Khi sự sống hòa hợp với đại đạo tự nhiên, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui thuần chân mà cuộc sống vốn có.