Trang Tử cho rằng, tầm cao nhất của cuộc sống là tiêu dao du.
Bản tính của con người là không bị trói buộc, chỉ khi giải phóng bản tính thì con người mới đạt đến tầm tiêu dao du.
Bản tính của con người không nên bị ngoại vật nô dịch, chi phối. Thuận theo tự nhiên sẽ có thể nhận được niềm vui hạnh phúc của cuộc sống.
Đọc Trang Tử, chúng ta đều biết có một tầm cao nhất được gọi là Tiêu dao du.
Chữ "du" này được Trang Tử sử dụng rất nhiều lần. Thí dụ, ông nói trong trời đất phải đạt đến tầm "thừa vạn vật dĩ du tâm" (cưỡi vạn vật để du tâm). Vậy thì "du" là gì? Mỗi người chúng ta có thể đạt đến tầm "du" hay không?
Trong Trang Tử có một thiên tên là Tại hựu. Trong thiên này, Trang Tử kể một câu chuyện như sau:
Vân Tương đến phương Đông du lịch, gặp một người tên là Hồng Mông. Hồng Mông là một ông lão được tích tụ từ nguyên khí thiên thiên, vẫn còn hỗn độn, chưa được khai khiếu, lúc ấy ông đang dùng tay vỗ đùi, nhảy nhót chơi đùa giống như một con chim, trông rất vui vẻ.
Vân Tương hỏi:
- Cụ là ai? Cụ đang làm gì?
Hồng Mông không dừng lại, vẫn lấy tay vỗ đùi, nhảy nhót chơi đùa, đáp một tiếng: "Du!", nghĩa là ta đang ngao du.
Vân Tương nói:
- Tôi có một vấn đề muốn được hỏi cụ.
Ông lão ngây thơ như một đứa trẻ, ngước mặt nhìn
Vân Tương rồi lại đáp một tiếng: "À!".
Vân Tương nói:
- Tôi muốn hợp mọi khí tinh hoa của trời đất lại để dưỡng dục chúng sinh, để cuộc sống của bá tánh mưa thuận gió hòa. Lý tưởng ấy làm sao để thực hiện được?
Chẳng ngờ Hồng Mông tiếp tục vỗ đùi nhảy nhót, miệng đáp:
- Ta không biết! Ta không biết!
Vân Tương không nhận được câu trả lời cho câu hỏi của mình.
Ba năm sau, Vân Tương lại Đông du, lại gặp Hồng Mông ở đất Hữu Tống. Lần này Vân Tương rất nghiêm chỉnh, bước nhanh đến, tôn xưng Hồng Mông là "Thiên" (trời), nói:
- Cụ còn nhận ra tôi không? Cuối cùng cũng được gặp lại cụ. Lần này nhất định cụ phải trả lời câu hỏi của tôi.
Hồng Mông đáp:
- Ta trôi nổi trong trời đất, chưa bao giờ biết theo đuổi là gì; ta muốn gì làm nấy, tự do tự tại, chẳng biết sẽ đi về đâu. Ta chỉ biết chu du trong thế gian phức tạp, quan sát vạn vật trong trời đất. Ta nào biết thế nào là đạo lý?
Cuối cùng do sự kiên trì của Vân Tương, Hồng Mông đã lột bỏ vẻ ngoài của một lão ngoan đồng, nói ra chân lý chất phác trong lòng mình:
- Phải dưỡng tâm như vầy: cứ vô vi rồi vạn vật tự nhiên cải hóa. Quên hình hài của ngươi đi, bỏ cái thông minh của ngươi đi, quên cả nội tâm lẫn ngoại vật, rồi thì vạn vật sẽ hợp nhất với bản căn. Ai bất giác thấy lại được bản căn của mình, cứ hồn nhiên theo tự nhiên thì suốt đời sẽ không rời bản căn. Đừng tìm biết tên các vật, đừng tìm hiểu chúng ra sao, như vậy vạn vật tự nhiên sanh sản.
Ông đã nói đến hai chữ "tâm dưỡng". "Tâm dưỡng" thực ra nghĩa là "dưỡng tâm", tức là tu dưỡng tâm hồn.
Ngày nay chúng ta thường nói đến "dưỡng sinh", nhưng rất ít khi nhắc đến "dưỡng tâm". Thực ra, từ điều nhỏ là sinh mệnh của một con người đến sự lớn lao của vạn vật trong xã hội tự nhiên, tất cả đều là ở tâm dưỡng.
Hồng Mông bảo Vân Tương hãy quên đi hình hài của mình, hãy vứt bỏ trí thông minh của mình, hãy quên hết mọi thứ bên ngoài để đạt đến tầm "luân dữ vật vong" (quên hết mọi vật). Hãy đi vào thiên nhiên, cảm nhận mọi thứ thiên nhiên ban cho mình với nhiều tâm trí hơn. Khi thực sự biết thuận theo tự nhiên, làm cho tâm hồn thực sự tung cánh bay, được giải phóng, con người sẽ đạt đến sự giải thoát tinh thần.
Làm sao chúng ta có thể vỗ đùi nhảy nhót, vui chơi ngây thơ như một đứa trẻ, tiêu dao tự tại giống như Hồng Mông? Trang Tử cho rằng chỉ khi giải phóng bản tính thì con người mới đạt đến tầm tiêu dao du.
Thế nhưng đối với người hiện đại, khi sống dưới áp lực cuộc sống, đóng những vai trò mà xã hội đã giao cho, chúng ta có nghĩ đến cảm nhận đích thực trong lòng mình không? Phải chăng chúng ta đã trói buộc bản tính của mình mà hoàn toàn không hay biết?
Khi chúng ta thực sự bước vào xã hội, khi chúng ta bị đóng khung vào một vai trò nào đó của xã hội, khi chúng ta theo đuổi lợi ích, chúng ta đã bị bó buộc.
Trong quá trình này, không một ai khác có thể giúp đỡ chúng ta, chỉ có bản thân mỗi người mới có thể giải phóng được tâm hồn mình, giải thoát được hồn phách mình. Thế thì đến lúc này, vạn vật chúng sinh trong thiên hạ đều sẽ trở về với cội rễ của mình, con người không còn bị trói buộc nữa. Một khi giũ bỏ mọi sự cưỡng chế, thế giới này sẽ là một màu xanh ngát.
Ngày lễ tết đi chơi công viên, có lẽ chúng ta đều thấy rất nhiều cây cối bị cắt tỉa thành hình những động vật khác nhau. Mỗi khi nhìn thấy cảnh này, tôi đều thấy rất buồn. Bản thân thực vật không phải là động vật, chúng ta không cần phải ép động vật thành thực vật, vậy hà tất chúng ta phải ép thực vật thành động vật?
Thực ra thế giới vật chất phồn hoa của chúng ta ngày nay không đủ tốt đẹp, mà lại có quá nhiều dấu tích nhân tạo và tiêu chuẩn xã hội hóa. Những nơi chúng ta có thể gần gũi thiên nhiên ngày một ít đi, bởi thế chúng ta không còn niềm vui vỗ đùi nhảy nhót như chim nữa.
Cuộc sống như thế nào được coi là cuộc sống tuyệt đỉnh?
Hồng Mông bảo Vân Tương: "Vạn vật trong trời đất vô số, cần phải trở về với bản tính của mình. Hoàn toàn không dùng cơ mưu trù tính thì bản tính của nó mới không xa rời. Nếu sử dụng cơ mưu trù tính thì sẽ đánh mất bản tính. Đừng truy vấn tên gọi của chúng, bất tất tìm hiểu đạo lý trong đó, hãy để mọi thứ trên thế giới sinh trưởng tự nhiên, hãy để mọi sinh mệnh tự nhiên phát triển, như thế mới làm cho trời đất hài hòa".
Chân vịt tuy ngắn nhưng nếu nối cho dài ra thì sẽ rất phiền; chân hạc tuy dài, nhưng chặt ngắn lại nó sẽ rất bi thương.
- Biền mẫu -
Ngày nay chúng ta đã cách quá xa cảnh giới này, chúng ta đã có quá nhiều khi quen với việc truy vấn, quen với việc khám phá mà quên đi bản tính của chính mình.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng con ếch thấy con rết đang đi, nó rất tò mò, bèn hỏi rết:
- Anh thấy đấy, tôi có bốn chân, phân công trước sau rõ ràng mỗi lần nhảy. Anh được xưng là loài trăm chân, tôi không hiểu là khi đi, chân nào cất bước trước?
Rết đáp:
- Anh đừng nên hỏi tôi câu này, và hy vọng sau này anh cũng đừng hỏi bất kỳ con rết nào khác như vậy. Tôi không biết bước chân nào trước. Tôi mà suy nghĩ về điều đó thì chân tôi không cất lên được nữa, tôi sẽ chẳng biết nên đi như thế nào.
Điều này thật giống với cuộc sống của chúng ta.
Thử nghĩ mà xem, các vấn đề trong cuộc sống của chúng ta cũng nhiều không thua gì chân rết. Cuộc sống của bạn, công việc của bạn, bạn bè của bạn, từ già đến trẻ, từ lãnh đạo đến đồng nghiệp, khi tất cả đều trở thành một phần cuộc sống thì chúng ta không thể suy nghĩ quá nhiều.
Có câu nói rằng: Nhân loại vừa suy nghĩ, Thượng đế đã bật cười. Có lẽ Thượng đế cười vì chúng ta đã đi ngược lại một lẽ tự nhiên.
Bởi vậy Trang Tử có quan điểm đừng để bị ngoại vật sai khiến, chi phối. Đừng câu nệ, đừng quá để ý mà hãy thuận theo tự nhiên. Đây luôn là quan điểm căn bản xuyên suốt của Trang Tử.
Trang Tử đề xướng thuận theo tự nhiên, nhưng trong đời sống hiện thực có rất nhiều tiêu chuẩn xã hội quy định lời nói và hành động của chúng ta, có rất nhiều danh lợi cám dỗ đặt ra trước mắt chúng ta.
Vậy thì chúng ta nên đối mặt với cám dỗ, giảm thiểu mê hoặc như thế nào để giữ được sự chân thực và trong sáng của bản tính?
Trang Tử nói: Tiểu nhân bỏ mạng vì lợi, kẻ sĩ chết vì danh, đại phu bỏ thân vì gia đình, thánh nhân hy sinh mạng sống vì thiên hạ.
Cùng là giũ bỏ sinh mệnh, nhưng nghe có vẻ rất không giống nhau: tiểu nhân bỏ mạng vì một chút lợi ích, người ta sẽ không nhắc đến; kẻ sĩ chết vì danh dự, người ta sẽ cho là đáng; kẻ sĩ phu hy sinh tính mạng của mình vì lợi ích của gia đình, người ta sẽ cho là rất tốt; còn thánh nhân từ bỏ mạng sống của mình vì sự yên định của thiên hạ, đó là một sự cao thượng.
Nhưng với Trang Tử, tất cả những điều đó đều như nhau, chẳng qua là "sự nghiệp khác nhau, thanh danh cũng khác". Trang Tử cho rằng trên đời này có rất nhiều cám dỗ và mê hoặc, "tiểu hoặc dịch kỳ phương, đại hoặc dịch kỳ tính". Mê hoặc nhỏ thì thay đổi phương hướng của con người, mê hoặc lớn thì thay đổi bản tính của con người.
Hai câu nói này đáng để chúng ta ngày nay suy ngẫm.
Thế giới ngày nay còn ít cám dỗ hay sao? Mê hoặc còn ít hay sao? Nghi hoặc còn ít hay sao?
Trong cái "hoặc" này, "tiểu hoặc" có thể thay đổi phương hướng cuộc sống của con người. Thí dụ trẻ thi đại học, chọn nguyện vọng cho nghề nghiệp mai sau. Một đứa nói: Tôi muốn học vật lý, tôi rất thích thú với bí ẩn của vũ trụ, với hố đen vũ trụ. Nhưng phụ huynh bảo: Học khoa học lý thuyết có làm nên trò trống gì không? Thôi học tài chính tiền tệ đi, sau này còn kiếm tiền. Một đứa thi ngành khoa học xã hội nói: Tôi muốn làm nhà thơ, nguyện vọng của tôi là học khoa Ngữ văn. Phụ huynh bảo: Làm nhà thơ sau này có kiếm cơm được không? Thôi học luật đi, sau này làm luật sư, thu nhập cao. Đó gọi là "dịch kỳ phương", tức thay đổi lý tưởng trong lòng vì một mục đích lợi ích thực tế nào đấy.
Ấy là "tiểu hoặc", còn cái "đại hoặc" thì sẽ "dịch kỳ tính", nghĩa là khiến cho một người làm ra những việc trái với bản tính của mình. Thí dụ, sự bất trung, bất hiếu, bất nghĩa trên đời này. Tất cả những điều đó đều bởi đâu mà ra? Có câu "lợi lệnh trí hôn" (cái lợi làm cho tâm trí mờ tối), khi cái lợi có thể làm cho tâm trí mờ tối thì trong lòng sẽ không còn trí tuệ minh mẫn nữa, sự mê hoặc đó sẽ làm cho chúng ta thay đổi bản tính của mình.
Có một câu chuyện như sau:
Một người nọ có một cây cung thiên hạ vô song, được làm bằng gỗ tử đàn lâu năm, cầm rất chắc tay, sử dụng rất dễ dàng.
Người này rất quý cây cung, nhưng lại cảm thấy nó không được đẹp, thô mộc quá. Thế nên anh ta nhờ một người thợ khéo nhất thiên hạ khắc một bức tranh đi săn trên cây cung.
Người thợ này chuyên tâm trổ hết tài nghệ hoàn thành bức tranh đi săn trên cây cung, quả nhiên bức tranh trông rất sống động, có ngựa chạy, có con mồi đang bị đuổi, có dũng sĩ đang giương cung, có mặt trời trên cao và đất dưới chân, còn có những hoa văn rất đẹp chạm khắp cây cung. Cây cung trông rất đẹp mắt, nhưng vì đẹp nên mất đi khả năng của một cây cung tốt.
Biết bao lần chúng ta vì sự trang trí bề ngoài này mà đánh mất những giá trị căn bản nhất trong cuộc sống của mình? Đó gọi là "bỏ gốc để theo ngọn".
Bản thân chúng ta có khác nào cây cung ấy? Chúng ta vốn có thể tốt hơn hiện tại, nhưng do không nhìn thấy bản mệnh đích thực của mình nên chúng ta không nhận rõ diện mạo nguyên thủy chưa từng được chạm khắc và nguyện vọng mộc mạc trong lòng, chúng ta thường làm những việc tổn thương đến bản tính và sinh mệnh.
Tham dục thường làm hại đến bản tính của con người, khiến con người trở thành nô lệ của vật chất.
Ham muốn của con người là vô tận. Nếu con người đánh mất bản tính của mình, thì song song với việc theo đuổi lợi ích vật chất, tai họa cũng sẽ đến theo.
Lòng người cần thuận theo tự nhiên, bớt đi sự vấn vương cố tình và những hào nhoáng bên ngoài. Chỉ có như vậy mới không đánh mất chính mình.
Có một câu chuyện ngụ ngôn được lưu truyền rộng rãi như sau:
Một chú chó con hỏi chó mẹ:
- Một đứa bạn đánh cuộc với con rằng chỉ cần làm được một việc là có thể nhận được hạnh phúc lớn nhất, niềm vui lớn nhất, đó là túm lấy cái đuôi của mình. Hôm nay con nhảy vồ cái đuôi của con mãi mà không sao túm được. Mẹ ơi, có phải cả cuộc đời này con sẽ không được hạnh phúc và vui vẻ không? Tại sao ngay cả thứ trên người mình mà con cũng không nắm bắt được?
Chó mẹ cười đáp:
- Hạnh phúc và vui vẻ cũng giống như cái đuôi của con, khi con không muốn túm lấy nó, con đi phía trước, nó sẽ mãi mãi theo con. Tại sao con cứ nhất định phải túm lấy nó? Hãy quên nó đi!
Con người đừng bao giờ có thái độ so đo với những gì mình đã nhận được trong đời.
Bản thân hạnh phúc và vui vẻ trong cuộc đời thực ra đã là một phần của cuộc sống, cố tình theo đuổi sẽ không bao giờ có được. Nhưng nếu biết sống nghiêm túc thì hạnh phúc và vui vẻ sẽ luôn đi theo bạn. Kỳ thực đó gọi là "vô tâm đắc" (cái được do vô tâm, không cưỡng cầu).
Trang Tử không bao giờ coi trọng sự cố tình của con người, không bao giờ đánh giá cao sự khác thường.
Ông mong muốn mọi sinh mệnh thật sự có thể xuất hiện với trạng thái
Con người đừng bao giờ có thái độ so đo với những gì mình đã nhận được trong đời. chất phác nguyên bản trên đời này, giống như thực vật xanh tươi và động vật vui vẻ trong trời đất.
Trang Tử có một quan điểm là tâm của mỗi người chúng ta phải giống như một mặt gương.
"Thủy tịnh do minh, nhi huống tinh thần! Thánh nhân chi tâm tịnh hồ!". (Nước tĩnh lặng còn soi sáng được huống hồ tinh thần. Tâm của thánh nhân tĩnh lặng chăng?) Khi nào thì nước soi được vạn vật trong trời đất? Chỉ trong một trường hợp, ấy là khi nước tĩnh.
Chúng ta thử nghĩ, trong sóng lớn chảy xiết, nước có soi được bóng mình không? Khi tâm chúng ta cũng dập dềnh như con sóng, vạn vật thế gian có soi được vào tâm ta hay không?
Chúng ta nên làm như thế nào để nhìn thấu những lý lẽ hết sức chí lý trên đời? Tâm ta cần tịnh giống như một mặt gương, trở thành "thiên địa chi giám dã, vạn vật chi kính dã" (cái gương của trời đất, gương soi của vạn vật).
Cái tâm như vậy đối với vạn vật, không săn đón cũng không cự tuyệt, mà bình tĩnh thản nhiên đón nhận, phản xạ, soi rọi.
Khi tâm hồn giữ được trạng thái như vậy, chúng ta sẽ nhìn thấy thế giới bằng lý tính rõ ràng nhất và cũng nhìn thấy chính mình.
Mặt gương là gì? Xét từ bề ngoài mặt gương thì nó chỉ là một lớp thủy tinh. Khác biệt giữa gương và thủy tinh là gì? Chính là lớp tráng bạc mỏng trên bề mặt nó.
Thủy tinh không được tráng bạc thì bạn chỉ có thể nhìn thấy thế giới bên ngoài xuyên thấu qua nó; khi có một lớp tráng bạc, bạn sẽ nhìn thấy chính mình thông qua nó, đồng thời cũng có thể nhìn thấy thế giới.
Trong lòng chúng ta cần có một lớp tráng bạc như vậy để tấm thủy tinh trước mắt chúng ta biến thành một mặt gương, không chỉ nhìn thế giới bên ngoài, mà còn quan sát thấy nội tâm, làm cho mặt gương đó soi thấy bản chân sinh mệnh của mình.
Trang Tử luôn đề xướng lòng người nhất định phải tự nhiên, không được có nhiều sự vương vấn cố tình và hào nhoáng bên ngoài.
Trong Trang Tử có một thiên lấy tên Mã đề (vó ngựa), viết: "Vó ngựa có thể đạp sương tuyết để phi, da lông ngựa có thể chế ngự gió rét. Nó gặm cỏ uống nước, tự do phi chạy, sung sướng vui vẻ, đó chính là bản tính của ngựa". Bạn cho ngựa ở trong nhà cao cửa rộng nó sẽ không vui.
Nhưng thật không may, Bá Nhạc đã xuất hiện. Bá Nhạc nói: "Ta giỏi trị ngựa". Ông trị ngựa như thế nào? Ông cắt tỉa bờm ngựa, cắt móng ngựa, đóng dấu lên mình ngựa, đóng yên cương, nhốt ngựa vào chuồng. Khi Bá Nhạc làm xong những việc này thì ngựa của ông đã chết đến hai ba phần mười.
Bá Nhạc còn muốn huấn luyện ngựa. Ông để ngựa đói, khát mà chạy, đi theo hàng chỉnh tề, trước có cương ghìm, sau có roi quất, đến lúc này, ngựa đã chết đến quá nửa.
Trang Tử đã cung cấp cho chúng ta một sự phán đoán giá trị khác thường qua câu chuyện này.
Đứng ở góc độ nhu cầu xã hội, Bá Nhạc sẽ được đánh giá là một nhân tài xuất chúng trong việc phát hiện và thuần dưỡng tuấn mã. Nhưng Trang Tử cho rằng, Bá Nhạc chính là hung thủ lớn nhất xâm hại đến bản tính của ngựa. Bởi ông đã đi ngược lại bẩm tính của ngựa, bóp chết niềm vui của ngựa.
Theo Trang Tử, tất cả những sự chạm khắc, trị lý bên ngoài này trên thực tế đều đi ngược lại lẽ bản sơ tự nhiên. Cái lẽ đó là mỗi sinh mệnh đều phải được tôn trọng và đáng được tôn trọng. Bản sơ của mỗi sinh mệnh như thế nào thì phải để cho nó như thế ấy.
Bởi vậy Trang Tử nói: "Sự sáng tai mà ta nói không phải là nghe được mọi âm thanh trên thế gian, mà là nghe được tôn trọng.
Mỗi sinh mệnh đều phải được tôn trọng và đáng được âm thanh của chính mình; sự sáng mắt mà ta nói không phải là nhìn thấy được mọi sự vật trên thế gian, mà là thấy được chính mình".
Sự thông minh đích thực của con người không phải nằm ở sự tác động lên thế giới bên ngoài, mà là ở chỗ tĩnh tâm lại để phát hiện ra nguyện vọng bản sơ nhất trong cuộc sống của mình.
Sự thông minh đích thực của con người không phải nằm ở sự tác động lên thế giới bên ngoài, mà là ở chỗ tĩnh tâm lại để phát hiện ra nguyện vọng bản sơ nhất trong cuộc sống của mình.
Tôi từng thấy một cảnh tượng thế này: Một đứa bé sáu bảy tháng tuổi, xung quanh nó chất đầy đồ chơi, nào là gỗ xếp cao cấp, nào là gấu bông xinh đẹp, nào là xe lửa chạy tự động. Nhưng nó chẳng lấy làm vui, mà tay cầm một cái lọ rỗng, chơi say mê.
Theo phán đoán của mình, phụ huynh dỗ dành con:
- Con thấy con búp bê tự động này đẹp không? Con xem này, chiếc tàu hỏa này đắt lắm đấy! Bộ đồ chơi thông minh này được thiết kế khéo không? Cái lọ này là đồ bỏ, con vứt đi, chúng ta không chơi cái này.
Cái lọ rỗng đó có thật là đồ bỏ đi không? Khi chơi với cái lọ, đứa trẻ có thể phát triển trí lực và tìm thấy niềm vui. Còn những cái gọi là đồ chơi đắt tiền, đẹp đẽ, thông minh kia chỉ là một đống bỏ đi trong mắt nó.
Là cha mẹ, mấy người trong chúng ta từng tôn trọng con mình? Chúng ta cứ cho rằng trẻ phải nghe lời dạy bảo của người lớn mà không biết rằng trong lòng mỗi đứa trẻ đều có niềm vui riêng của nó.
Đối với trẻ, tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ cần an toàn và vệ sinh thì không gì không phải là đồ chơi của nó. Tất cả những gì nó thích thì đều là niềm vui của nó.
Trên thế gian ồn ào, làm thế nào để nhận rõ tâm hồn mình, phát hiện bản tính của mình?
Trang Tử cho rằng, chỉ cần giữ được sự đạm bạc thanh tịnh trong tâm hồn, đối diện với mọi thứ bằng một thái độ bình thản, bạn sẽ giữ được một tâm hồn lành mạnh, vĩnh hằng.
Thực ra đối với con người, đối với ngựa, đối với thực vật, thậm chí đối với chính mình, cái chúng ta thiếu chính là một cái tâm tĩnh tại để tôn trọng bản tính thực thụ của vạn vật.
Có một câu chuyện như sau:
Một người thợ mộc đang làm việc, vừa giơ tay lên thì chiếc đồng hồ trên cổ tay văng đi. Ông tìm mãi trong đống mạt cưa mà không thấy. Các học trò cũng tìm giúp, lục tung mọi chỗ cũng không thấy. Đến tối, mọi người bảo nhau đợi mai trời sáng rồi tìm tiếp.
Đứa con trai của người thợ mộc chơi một mình trong nhà mộc, tối về nói với cha:
- Cha ơi, con tìm được cái đồng hồ của cha rồi! Người thợ mộc ngạc nhiên lắm, hỏi:
- Trời tối thế sao con tìm được? Đứa trẻ đáp:
- Mọi người đi rồi, con chơi một mình trong đó, con nghe thấy tiếng tích tắc, lần theo âm thanh, con bới đống mạt cưa lên và tìm thấy.
Đây là một việc nhỏ xảy ra trong cuộc sống, nhưng lại cho thấy một đạo lý lớn: Khi chúng ta ở trong sự ồn ào của thế gian, bận rộn theo đuổi tìm kiếm khắp nơi thì thường không nhận được thứ gì.
Một tấm lòng con trẻ, lắng nghe một cách yên lặng ngây thơ sẽ có thể nghe được âm thanh nhỏ nhất. Đó chính là căn cứ để chúng ta tìm thấy.
Một tảng đá lớn xù xì nằm đó, nhà điêu khắc bắt đầu công việc. Ông định chạm một bức tượng đầu mỹ nữ.
Một đứa trẻ ngồi bên cạnh. Nó ngạc nhiên nhìn cái đục trong tay nhà điêu khắc làm cho từng miếng đá nhỏ rơi xuống, một mỹ nhân trong sáng hiện ra từng chút một trong đá.
Hiện ra đôi mắt nàng, đôi mắt trông rất có thần; hiện ra cái miệng nàng, cái miệng như thể biết nói; hiện ra khuôn mặt nàng, khuông mặt tỏa ánh rạng ngời.
Đứa trẻ rất lấy làm lạ, hỏi nhà điêu khắc:
- Sao bác biết chị ấy ẩn ở trong đó? Bác đã tìm được chị ấy bằng cách nào?
Nhà điêu khắc đáp:
- Ta không biết cô ấy ẩn ở trong đó, thực ra cô ấy ẩn trong lòng ta. Ta chỉ đưa mỹ nhân trong lòng ta vào trong đá mà thôi.
Còn chúng ta? Nhiều người thường chỉ coi công việc hàng ngày là một nghề nghiệp, chỉ hoàn thành công việc như một công cụ chứ không hề đưa nguyện vọng và ước mơ của mình vào công việc.
Chúng ta không biết biến công việc thành một phương cách để thực hiện sứ mệnh của đời mình. Điều này hoàn toàn không dựa vào kỹ xảo, mà dựa vào nguyện vọng và mơ ước trong lòng chúng ta.
Nó đòi hỏi lòng dũng cảm và sự tự kiểm, nó cần mỗi người chúng ta thực sự biết dưỡng tâm, làm cho tâm ta hợp với tự nhiên. Nói theo lời Trang Tử là: "Nhữ du tâm vu đạm, hợp khí vu mạc, thuận vật tự nhiên nhi vô dung tư yên, nhi thiên hạ trị hĩ".
Ngày nay chúng ta thường hiểu "đạm mạc" (lạnh nhạt) theo một nghĩa không tốt. "Lạnh nhạt" theo cách nói của Trang Tử nghĩa là có cái tâm điềm đạm, hành vi thanh tịnh. Khi thế giới này ồn ào, chúng ta cần một chút điềm đạm thanh tịnh. Khi cái tâm chúng ta biết điềm đạm trước vạn vật trên thế giới thì rất nhiều sự việc có thể duy trì lâu dài.
Có một câu chuyện nhỏ rất thú vị:
Một vị vua nọ nhận được vật tiến cống là ba bức tượng vàng. Ba bức tượng này có bề ngoài giống hệt nhau, trọng lượng không mảy may hơn kém. Nhà vua hỏi:
- Trong ba bức tượng này, bức nào tốt hơn, quý hơn? Một viên đại thần túc trí tâu:
- Lấy một cây rơm, xỏ vào từ lỗ tai, xem nó ra đường nào là biết.
Ở bức tượng thứ nhất, cọng rơm vào từ tai trái và ra ở tai phải. Bức thứ hai, cọng rơm đi từ tai trái nhưng lại chui ra miệng. Ở bức thứ ba, cọng rơm cũng vào từ tai trái rồi rơi vào bụng, không ra.
Nhà vua vỡ lẽ, nói:
- Ta hiểu rồi, bức tượng thứ ba quý nhất.
Tại sao vậy? Thực ra điều này rất giống cuộc sống của chúng ta.
Trong thế giới ồn ào quá mức ngày nay, quá nhiều ngôn từ, thông tin, câu chuyện, đạo lý mà chúng ta nghe thấy vào tai trái, ra tai phải, đó là tình hình của tuyệt đại đa số người, hầu như chẳng ai đưa chúng vào đầu.
Loại người thứ hai, đi vào tai thì lại ra từ miệng, nghe thấy bất cứ thông tin nào cũng loan đi, bất kể là mình có tin hay không.
Còn loại người thứ ba, vào từ tai rồi rơi xuống bụng, không bao giờ nói ra. Đây là một người trầm lặng, nhưng là người biết phân biệt. Anh ta hiểu được mong muốn của mình, biết phân rõ thật giả trên đời, rất nhiều thứ không săn đón, không nhiệt tình, mà làm cho mình "du tâm vu đạm, hợp khí vu mạc" bằng thái độ trầm lặng.
Tôi tin rằng một thế giới tinh thần thực sự sáng sủa, lành mạnh cần dựa vào đôi chân và đôi tay tự nhiên, mộc mạc, khỏe khoắn, giàu sức sống của chúng ta.
Chúng ta hãy giũ bỏ mọi so đo tính toán, giũ bỏ mọi sự ồn ào, giũ bỏ mọi cái lợi trước mắt để nhìn thấy tương lai xa hơn, giữ lấy cái tâm vĩnh hằng của mình bằng thái độ "lạnh nhạt" (đạm mạc) như Trang Tử nói.
Sự "lạnh nhạt" này không hề tiêu trừ lòng nhiệt thành của chúng ta đối với cuộc sống mà nó có thể biến tình cảm của chúng ta thành một sức sống vĩnh hằng. Nó sẽ giúp chúng ta giữ được bản tính của mình trong suốt cuộc đời.
Bản tính của con người chính là không chịu sự đẽo gọt của xã hội, không đi ngược lại bản chân của nội tâm, nhìn thấu nguyện vọng trong lòng, bước đi một cách chân chính trên con đường đời của mình. Trong sự "lạnh nhạt" này, trong việc không đi ngược lại sự chân thực này, ta hợp với đại đạo, thực hiện được sự trui rèn bản thân và cuối cùng đạt được thành công.