Mỗi người là một cá thể độc lập nhưng đồng thời cũng là một thành viên trong xã hội. Trang Tử cho rằng con người cần giữ được bẩm tính của mình chứ đừng buông trôi theo thế sự.
Tuy nhiên, muốn đối mặt với thế giới thì phải hiểu biết và thuận theo ngoại cảnh. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể vừa kiên trì giữ mình vừa thuận theo ngoại cảnh?
Trang Tử đã thác lời Khổng Tử trong thiên Tri bắc du:
"Trọng Ni viết: cổ chi nhân ngoại hóa nhi nội bất hóa, kim chi nhân nội hóa nhi ngoại bất hóa".
Câu nói này nên được hiểu như thế nào?
"Ngoại hóa nhi nội bất hóa" nghĩa là: bề ngoài biến đổi theo sự vật, còn trong lòng thì có sự kiên trì, không thay đổi.
Con người sống trong xã hội thì cần phải biết thuận theo quy tắc, tuân thủ pháp luật, giao tiếp uyển chuyển với người khác, tất cả những điều đó chúng ta gọi là "ngoại hóa". Thế nhưng con người ta sở dĩ là chính mình, có giá trị riêng, phong cách riêng, tư tưởng suy nghĩ riêng, là bởi trong lòng còn có sự "bất hóa" (không thay đổi) của riêng mình.
Chúng ta đã thật sự làm được điều này chưa? Vấn đề này ngày càng trở nên quan trọng đối với chúng ta.
Bước vào thời đại thông tin, thế giới bao la bên ngoài chúng ta thay đổi hàng ngày hàng giờ. Tình huống mới xuất hiện, quy tắc mới đặt ra mỗi ngày đều là một thước đo mới, tọa độ mới đối với mỗi người. Vậy chúng ta nên hoài cổ, thủ cựu hay là điều chỉnh bản thân theo thời đại?
Chí nhân không có chính mình, thần nhân không có công tích, thánh nhân không có danh tiếng.
- Tiêu dao du -
"Ngoại hóa nhi nội bất hóa" có nghĩa là trước thế giới bên ngoài thì phải hiểu và thuận theo; còn trong lòng thì phải giữ vững bẩm tính của mình chứ không được tùy tiện thay đổi, để trôi theo sóng.
Tại sao chúng ta phải hiểu và thuận theo thế giới bên ngoài?
Trong muôn vàn chúng sinh và thế giới bao la, có quá nhiều điều bất đắc dĩ mà chúng ta không thể chi phối. Ai cũng có thể gặp nguy hiểm trong thế giới này, ai cũng có thể phải đối mặt với khó khăn, ai cũng có thể gặp một thử thách nội tâm trong một biến cố đột ngột.
Chúng ta có thể đạt đến tầm không sợ hãi bất chấp mọi thứ biến đổi không?
Trong thiên Thu thủy, Trang Tử kể một câu chuyện như sau:
Nhân vật chính của câu chuyện này vẫn được gán cho Khổng Tử. Khổng Tử có lần đang chu du đất Khuông thuộc nước Vệ, bất chợt bị người nước Vệ bao vây, người vòng trong vòng ngoài vây kín ông. Khổng Tử ngồi đó, ca hát, khảy đàn mà không nói gì.
Lúc ấy, học trò ông là Tử Lộ hớt hải chạy đến, thấy thầy như vậy vội hỏi:
- Sao thầy còn vui như vậy được? Bên ngoài người ta đã đánh đến, tính mạng sắp lâm nguy, sao thầy còn có tâm tư vui vẻ?
Khổng Tử bình thản đáp:
- Con lại đây, ta sẽ cho con biết ta nghĩ như thế nào. Ngài nói:
- Này Tử Lộ, con hãy nhìn ta đây, đạo hạnh của ta rơi vào cảnh khốn cùng đã từ rất lâu. Tại sao lại như vậy? Đó là mệnh của ta. Từ lâu ta muốn đạo hạnh của ta thông đạt, nhưng chưa được. Tại sao vậy? Là bởi thời vận không tốt. Vào thời Nghiêu Thuấn, chính trị thanh bình, thiên hạ không có người bất đắc chí, không phải là vì trí tuệ họ cao siêu; trong thời Kiệt Trụ, hôn quân vô đạo, thiên hạ không có người đắc chí, cũng không phải là bởi tài năng họ thấp kém. Tất cả đều là do thời thế tạo nên vậy!
Trên đời có rất nhiều sự dũng cảm khác nhau, một người đi dưới nước không tránh giao long (cá sấu), ấy là sự dũng cảm của ngư phủ; một người đi trên đất liền không tránh tê ngưu mãnh hổ, ấy là lòng dũng cảm của thợ săn; một người không sợ chết trong ánh thép giao chiến, ấy là lòng dũng cảm của liệt sĩ. Biết đạo cùng thông là do thiên mệnh thời vận, gặp nạn lớn mà không sợ hãi, ấy là cái dũng của bậc thánh nhân.
Cuối cùng, ông an ủi Tử Lộ:
- Con hãy bớt lo lắng nóng vội, ta biết mệnh ta có số mà.
Một lát sau, quả nhiên có một vị tướng mang binh khí đến, nói với Khổng Tử: Xin lỗi ngài, chúng tôi đã nhầm người, người chúng tôi muốn bao vây là một người tên là Dương Hổ. (Sách Luận ngữ chép chuyện này, nói rằng Dương Hổ có tướng mạo giống hệt Khổng Tử). Nay biết ngài không phải là Dương Hổ, chúng tôi xin ngài thứ lỗi. Sau đó bèn lui binh.
Trong thiên Thu thủy, tại sao Trang Tử lại dẫn ra câu chuyện này? Ông muốn cho mọi người biết rằng, chỉ khi cái tâm yên tĩnh thì khí chất dũng cảm mới thể hiện ra ngoài, vẫn có thể không sợ hãi dù mọi thứ xung quanh không ngừng biến đổi.
Chỉ khi cái tâm yên tĩnh, dũng cảm thì khí chất dũng cảm mới thể hiện ra ngoài, vẫn có thể không sợ hãi dù mọi thứ xung quanh không ngừng biến đổi.
Đó chính là sự kiên định trong lòng, tức là "nội bất hóa". Ngày nay chúng ta quá dễ bị chi phối bởi những lời bàn tán bên ngoài. Trong một thời đại phong phú vật chất như thế này, chỉ cần có bảy tám người cùng bán tán thì sẽ rất dễ dàng thay đổi suy nghĩ của một người.
Tôi từng đọc được một câu chuyện nhỏ như sau: Hai người bạn trò chuyện, một người nói:
- Hôm nay anh treo một cái lồng chim không trong nhà, vài ngày sau thì anh sẽ buộc phải nuôi chim.
Người kia trả lời:
- Không thể nào. Treo lồng chim và nuôi chim là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Người bạn nói:
- Vậy chúng ta đánh cuộc, anh treo lồng chim không trong nhà thử xem.
Và người bạn nọ quyết định thử treo một cái lồng chim trong nhà. Từ khi treo lồng chim, khách đến nhà anh đều bất giác ngó lồng chim một cái rồi hỏi: Chim của anh bị chết hay là sổ lồng bay mất? Lúc đầu anh nuôi chim gì? Hay là để tôi biếu anh một con!
Người này đành phải giải thích. Ngày hôm sau, lại có khách đến nói:
- Sao anh lại để cái lồng không thế này, chắc là anh đau lòng lắm phải không? Con chim của anh đã chết bao lâu rồi? Phải chăng anh không biết nuôi chim? Để tôi mua tặng anh một cuốn sách nuôi chim nhé.
Đến ngày thứ ba, có người bắt đầu mang chim đến, nói:
- Tôi thấy lồng trống, chắc là chim đã chết, tiếc quá. Tôi biếu anh một con vậy, ngoài ra còn có thức ăn cho chim, để tôi chỉ anh cách nuôi.
Người mang chim, người mang thức ăn, người mang sách đến tặng khiến chủ nhân vô cùng bực bội.
Chưa được một tuần, anh ta tặc lưỡi: Thôi đành, mình nuôi lấy một con kẻo suốt ngày bị người ta hỏi. Bởi vậy chiếc lồng đó thực sự đã có chim.
Đó có phải là một câu chuyện ngụ ngôn không? Nó rất giống cuộc sống của chúng ta.
Khi còn trẻ, trong lòng chúng ta vẫn còn sự kiên định. Nhưng cuộc sống thường nhật luôn thử thách chúng ta, thế giới bên ngoài luôn tìm mọi cách để thay đổi chúng ta. Nhiều người trong chúng ta cuối cùng cũng giống như anh chàng trong câu chuyện trên, phải nuôi một con chim trong lồng trống dù lòng mình không muốn. Đó là bởi khả năng "nội bất hóa" của chúng ta quá yếu.
"Nội bất hóa" mà Trang Tử nói ở đây nghĩa là bất kể thế giới bên ngoài thay đổi như thế nào, nội tâm một con người cũng không chịu tác động mà nhất định phải có một sự kiên trì.
"Ngoại hóa" mà Trang Tử nói nghĩa là khi ứng xử với ngoại giới phải biết thông đạt, phải làm cho hành vi của mình thuận ứng với xã hội.
Nhưng một người luôn siêu thoát như Trang Tử tại sao lại đề xướng thái độ sống thuận theo thế giới bên ngoài?
Trong thiên Nhân gian thế, Trang Tử mượn lời Khổng Tử nói: Muôn sự trong nhân gian có rất nhiều quy tắc, có hai thứ mà con người phải tuân thủ, một là mệnh, hai là nghĩa, đó là "thiên hạ đại giới". Thế nào gọi là giới? Giới là lề luật lớn nhất. Con cái kính trọng, tận hiếu với cha mẹ, đó là mệnh; mệnh đã định phải làm như vậy. Bề tôi trung với vua, tận trung với nước, đó gọi là nghĩa, là việc phải làm mà không phép tắc nào tránh được.
Trang Tử luôn đề xướng sự độc lập, ngao du trời đất, tâm du khắp nơi. Ở đây, ông lại đề xướng tuân thủ "thiên hạ đại giới" là mệnh và nghĩa, có đôi chút khác biệt so với tưởng tượng của chúng ta.
Thực ra trong thế giới ngày nay, có ai trong chúng ta có thể sống mà không có mối quan hệ với người khác? Có ai trong chúng ta chỉ dựa vào sự kiêu ngạo trong lòng, chỉ dựa vào sự kiên trì mà có thể an thân lập mệnh?
Có một câu chuyện như sau:
Có một sứ giả đi khảo sát thiên đường và địa ngục. Ông xuống đến địa ngục thì thấy những người bị phạt, ai cũng bị đói đến nỗi mặt mày vàng vọt ốm yếu, trông như quỷ đói, ngày nào cũng rất đau đớn, khổ sở. Phải chăng địa ngục không cho họ thức ăn? Không phải, họ có thức ăn, nhưng vấn đề là cái muỗng trong tay họ dài đến hơn một mét, mặc dù thức ăn ê hề nhưng họ vẫn đói vì không thể nào cho được thức ăn vào miệng của mình.
Mọi người dìu dắt nhau thì
mới thực sự vui vẻ hòa đồng.
Sứ giả lại đến thiên đường. Ông thấy mọi người ở thiên đường đều hồng hào béo tốt, tinh thần phấn khởi. Ông nhận thấy cuộc sống trên thiên đường thật tuyệt diệu. Nhưng ông nhìn thấy một hiện tượng và rất lấy làm kinh ngạc. Người ở đây ăn thức ăn không khác gì ở địa ngục, trong tay mỗi người cũng là cái muỗng dài một mét.
Thế thì tại sao người trên thiên đường lại hòa thuận vui vẻ? Chỉ có một bí mật, họ dùng muỗng đút cho nhau ăn, người này đút cho người kia. Còn ở địa ngục thì người người chỉ muốn tự lấy thức ăn cho mình, bởi thế mà họ mãi mãi chịu đói.
Thực ra đó chính là hình ảnh của chúng ta trong xã hội. Trong tay chúng ta có thể đều cầm một cái muỗng dài, đó là phép tắc của xã hội, là nề nếp mà xã hội áp đặt cho chúng ta và chúng ta buộc phải chấp nhận. Nếu chúng ta biết thuận theo đó mà làm điều tốt cho nhau thì ai cũng được hạnh phúc.
Trang Tử đề xướng thuận theo thế giới bên ngoài. Đồng thời ông cho rằng, khi xử thế, con người có một việc khó khăn hơn: giao tiếp ngôn ngữ.
Nói chuyện là công cụ cơ bản nhất trong giao tiếp xã hội của con người. Vậy khi nói chuyện, chúng ta cần chú ý điều gì? Cái gì nên nói? Cái gì không nên nói?
Nói chuyện là một việc rất khó, nói nhiều sẽ thành nói dại. Trang Tử vẫn mượn lời Khổng Tử, nói: Việc ngoại giao giữa hai nước, nơi xa phải có sứ giả truyền lời, nơi gần phải giao lưu bằng thư tín. Giữa hai nước, bất kể là trao đổi bằng thư tín hay bằng lời nói cũng đều phải đáng tin cậy, đều phải trung tín.
Những lời nào khó truyền nhất? Trang Tử nói: Lời khó truyền nhất là lời nói hỉ nộ của vua hai nước. Những lời nói vui mừng của vua hai nước, người truyền lời thường phải thêm vào những câu tốt đẹp; những lời nói tức giận của vua hai nước, người truyền lời thường thêm thắt những câu không hay. Ngôn từ thất thiệt không ai tin, người truyền lời sẽ tự chuốc lấy họa sát thân.
Vậy thì người truyền lời phải làm thế nào để lời nói không trở nên thất thiệt? Phải truyền lời trung thực, đừng bao giờ thêm thắt. Bởi vậy ngôn ngữ nhất định phải thật thận trọng.
Có một truyền thuyết như sau:
Tù trưởng một bộ lạc ở châu Phi muốn tìm một chàng trai trẻ giàu trí tuệ để truyền lại chức vị. Ông hỏi một chàng trai mà ông ưng ý:
- Anh hãy làm cho ta hai bữa ăn. Bữa thứ nhất, anh tìm thức ngon nhất trên đời về nấu cho ta.
Chàng trai nấu xong, bưng lên, mở nắp, tù trưởng thấy món ăn được làm bằng lưỡi động vật. Ông hỏi:
- Sao anh lại chọn lưỡi động vật? Chàng trai đáp:
- Vì những lời nói hay nhất trên đời đều được nói ra, không còn thứ gì đẹp hơn cái lưỡi.
Tù trưởng nói:
- Nói đúng lắm – rồi ăn cái lưỡi. Sau đó Tù trưởng nói tiếp:
- Bữa thứ hai, anh phải tìm thức khó ăn nhất trên đời, đem về đây nấu cho ta ăn.
Chàng trai lại đi nấu. Tù trưởng mở vung ra, thấy vẫn là cái lưỡi.
Ông hỏi:
- Sao anh vẫn cho ta ăn lưỡi? Chàng trai đáp:
- Mọi tai họa trên đời đều do cái lưỡi gây ra, thứ xấu nhất trên đời chính là cái lưỡi.
Tù trưởng nói:
- Hay lắm, anh đã hiểu rõ lẽ phải trên đời, bởi thế chức vị tù trưởng ta sẽ truyền lại cho anh.
Nỗi bối rối lớn nhất của người hiện đại là làm thế nào để đối mặt với thế giới bên ngoài thiên biến vạn hóa mà trong lòng không hề thay đổi.
Nếu chúng ta không có một sức mạnh nội tâm thì sẽ buông xuôi, đánh mất chính mình; nhưng nếu tự làm theo ý thích, bất chấp tất cả thì sẽ không được xã hội dung chứa.
Vậy thì làm thế nào để đạt được sự yên định trong lòng? Làm thế nào để đạt đến cảnh giới kiên trì trong lòng và thuận theo bên ngoài như Trang Tử đề xướng?
Trong thiên Đại tông sư, Trang Tử kể lại kinh nghiệm của một ông lão:
Ông lão nói: Ta hiểu về đạo. Muốn thấm nhuần đạo của thánh nhân thì phải biết giữ vững. Sự giữ vững này có bảy giai đoạn: "Ngô do cáo nhi thủ chi, tam nhật nhi hậu năng ngoại thiên hạ; dĩ ngoại thiên hạ hĩ, ngô hựu thủ chi, thất nhật nhi hậu năng ngoại vật; dĩ ngoại vật hĩ, ngô hựu thủ chi, cửu nhật nhi hậu năng ngoại sinh; dĩ ngoại sinh hĩ, nhi hậu năng triêu triệt; triêu triệt nhi hậu năng kiến độc; kiến độc nhi hậu năng vô cổ kim; vô cổ kim nhi hậu năng nhân vu bất tử bất sinh".
Bước thứ nhất là phải "ngoại thiên hạ", có nghĩa là quên đi mọi chuyện quấy rối bạn trong thiên hạ. Thí dụ, sống trong nhà bạn có thấy thoải mái không, ăn sơn hào hải vị có thấy ngon miệng không, tất cả những thứ đó đều là việc ngoại thân, đừng để lòng vấn vương quá mức. Nếu bạn loại bỏ hết mọi thứ bên ngoài, bao gồm quy tắc xã hội, quan hệ giao tế, v.v. ra khỏi lòng mình, bạn sẽ xa rời thế sự, xa rời rất nhiều nề nếp phép tắc đã trói buộc bạn, đó là bước thứ nhất.
Bước thứ hai gọi là "ngoại vật", tức là cố gắng tránh xa mọi thứ trong thế giới vật chất. Thực ra "ngoại vật" không hề dễ dàng. Thí dụ, ham muốn ăn uống của con người, muốn thật sự quên đi thì rất khó. Hiện nay rất nhiều người bị ngộ độc vì ăn cá nóc, vì hương vị thơm ngon của thịt cá nóc mà họ bất chấp sinh mạng mình. Những người mạo hiểm này có nghĩ đến nỗi lo của người thân hay không? Có từng nghĩ đến giá trị cuộc sống của mình không? Có nghĩ đến ngày mai mình còn những việc gì để làm hay không? Họ như vậy nghĩa là chưa đạt đến tầm "ngoại vật". Bởi vậy Trang Tử nói, ngoại vật là bước thứ hai, lấy hết mọi thứ thuộc về vật chất ra khỏi tâm hồn bạn.
Bước thứ ba, hơi khó một chút, gọi là "ngoại sinh", tức là vượt qua sinh tử. Vượt qua sinh tử không phải là không coi trọng sự sống, mà là thuận theo quy luật tự nhiên, ung dung tự tại, chất phác hoan hỉ, sống trong hiện tại, hưởng thụ từng thời khắc trong cuộc sống, an lành đi hết quãng đời.
Bước thứ tư, con người sắp triệt ngộ thì gọi là "triêu triệt", cõi lòng trong sáng như gương. Khi bạn quét sạch mọi thứ bên ngoài, tâm hồn bạn sẽ bắt đầu có một khoảng trống. Chúng ta biết rằng chỉ có ngôi nhà trống mới chứa được ánh sáng, chỉ có căn phòng thực sự sạch sẽ thì mới đạt đến mức "hư thất sinh bạch" (phòng trống thì sáng trắng), và khi ánh mặt trời chiếu vào, đó là một không gian ấm áp hân hoan.
Bước thứ năm gọi là "kiến độc". Độc nghĩa là gì? Nghĩa là duy nhất. "Kiến độc" nghĩa là con người có thể đạt đến thế giới tinh thần mà trong đó có thể nhìn thấu đạo lý của vạn vật trong trời đất. Vạn sự vạn vật rối rắm trong thiên hạ không còn thần bí trong mắt bạn nữa. Tư tưởng của bạn sẽ ngày càng trở nên sáng tỏ.
Bước thứ sáu gọi là "vô cổ kim", bạn có thể xuyên suốt dòng sông cổ kim mà không có hạn chế và cách trở về thời gian. Ngày nay nói về Trang Tử, về Khổng Tử, về chư tử thời Tiên Tần, chúng ta đều có một cảm giác ấm áp, nhận thấy "đạo bất viễn nhân" (đạo không xa con người), đạo lý của họ thật sự rất gần gũi với hiện tại, vẫn khiến chúng ta rung động. Chúng ta ngày nay nhìn các văn nhân mặc khách thời xưa, thi ca từ phú của họ vẫn khiến ta bồi hồi. Đó chính là "vô cổ kim".
Khi những cảm nhận gần gũi và lời than thở về trời đất này của cổ nhân đi vào cuộc sống của chúng ta, chúng ta mới đạt đến tầm thứ bảy mà Trang Tử nói, đó là "bất tử bất sinh", theo đuổi được sự vĩnh hằng của cuộc sống.
Cuộc sống không hề tịch diệt vì sự mất đi của sự sống vật chất, cũng không xem nhẹ bản chân của sự sống, đây hẳn là sự bất sinh bất tử mà Trang Tử nói.
Đừng cho rằng Đạo gia mãi mãi chỉ đề xướng tự do về tinh thần mà không có sự thuận theo quy tắc. Đạo gia không phải chỉ biết hít gió uống sương, không ăn ngũ cốc, ngao du thiên hạ, họ cũng giống như chúng ta.
"Ngoại hóa nhi nội bất hóa" mà Trang Tử đề ra là muốn chúng ta dần loại bỏ mọi tạp niệm trong lòng, để cho căn cứ nội hóa thực sự trong đáy lòng chúng ta được giữ gìn. Còn ở bên ngoài, dựa vào sự khoan dung trong lòng và sự sáng suốt trong quan sát, "tùy ngộ nhi an" (gặp sao yên vậy), không tranh với đời, như thế chúng ta sẽ có thể sống tốt hơn trong từng khoảnh khắc, an lành bước qua toàn bộ đời sống bằng một tư thế ung dung tự tại, bớt đi rất nhiều phân tranh, bớt đi rất nhiều mâu thuẫn, cuối cùng chúng ta sẽ đạt được một cuộc sống riêng hợp với Đạo, hợp với trời đất tự nhiên.