Sinh và tử là hai cực khởi đầu của cuộc sống.
Cuộc sống là một con đường không thể quay đầu trở lại. Chỉ khi đi đến tận cùng, bạn mới nhớ đến những điều đáng tiếc trên đường.
Chỉ khi thực sự hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, ta mới có thể đối mặt với sinh tử một cách đúng đắn.
Trong Trang Tử có một mệnh đề vĩnh hằng: sinh tử. Đời người trăm năm ắt sẽ có ngày chết. Đối với sinh tử, Trang Tử có rất nhiều câu chuyện, thí dụ ông gõ chậu ca hát khi vợ qua đời, là những chuyện ai cũng quen thuộc.
Trang Tử nói: "Cổ chi chân nhân, bất tri duyệt sinh, bất tri ố tử" (Những người thực sự hiểu được bí ẩn cuộc sống ngày xưa đều không cảm thấy có sự sống là điều đáng mừng, cũng không thấy cái chết đến là đáng sợ).
Ngay sinh tử cũng không ảnh hưởng, huống hồ là đầu mối của lợi hại?
- Tề vật luận -
Thái độ đối với việc sinh tử của người quân tử chân chính là không quá quan tâm, không truy hỏi mình từ đâu đến, cũng không lo mình sẽ đi về đâu. Bởi lẽ sinh và tử chẳng qua chỉ là sự biến đổi hình thái của sinh mệnh.
Thái độ này nghe có vẻ rất thanh thản, nhưng áp dụng vào cuộc sống thì không phải là điều dễ dàng.
Cuộc sống của con người trôi qua trong bận rộn, khẩn trương. Trong quá trình hối hả ấy, mỗi người đều có một nỗi sợ đối với thời gian ngày một ngắn lại của đời mình.
Có một câu chuyện ngụ ngôn rất hay: Hai anh em nhà nọ nhà ở tầng thứ 80 của một tòa nhà chọc trời. Hôm ấy hai người về nhà khuya, lại quên đọc thông báo là thang máy đã hỏng.
Hai anh em khoác ba lô nặng trĩu trên vai, đứng ở tầng trệt bàn bạc một lúc rồi quyết định leo cầu thang về nhà. Hai người khích lệ tinh thần lẫn nhau, bắt đầu leo cầu thang. Leo đến tầng thứ 20 thì bắt đầu thấy ba lô trên lưng rất nặng. Hai người bàn nhau quyết định gửi ba lô ở tầng 20, sẽ quay lại lấy sau. Bỏ ba lô xuống, hai người cảm thấy rất nhẹ nhõm, nói cười vui vẻ tiếp tục leo cầu thang.
Khi leo đến tầng thứ 40, hai người đã rất mệt và bắt đầu oán thán chỉ trích nhau. Người anh nói:
- Sao chú không đọc thông báo? Người em nói:
- Em quên mất, sao anh không nhắc em?
Cứ thế hai người cãi nhau cho đến tầng thứ 60.
Đến lúc này, hai người đã rất mệt nên chẳng buồn cãi nhau nữa, cho rằng nên yên lặng mà leo cầu thang. Khi hoàn thành nốt 20 tầng cuối cùng và đến cửa nhà mình, hai người nhìn nhau, cùng nhớ ra một việc: họ đã để quên chìa khóa ở tầng 20, trong ba lô.
Thực ra ý nghĩa mà câu chuyện muốn đề cập chính là cuộc đời con người.
Chúng ta giả thiết đời người là 80 năm. Ban đầu ai cũng căng đầy nhựa sống, chúng ta khoác hành trang rất nặng, trong hành trang là lý tưởng, là hoài bão, là rất nhiều nguyện vọng.
Chúng ta không sợ gian nan hiểm trở, cất bước lên đường từ nấc thang đầu tiên. Đến 20 tuổi, đây là lúc bước vào xã hội, bắt đầu thừa nhận các quy tắc, cảm thấy xã hội trao cho chúng ta quá nhiều gánh nặng, chúng ta tự phấn đấu đã đủ mệt, hơi đâu mà gánh nhiều lý tưởng đến vậy? Hãy gác nó sang một bên, đến khi không còn lo chuyện cơm áo, có danh phận địa vị trong xã hội rồi quay lại thực hiện lý tưởng cũng không muộn. Sau khi trút bỏ, bỗng chốc ta thấy rất nhẹ nhõm và lại tiếp tục tiến lên.
Khi ngày càng trưởng thành, tích lũy được ngày càng nhiều kinh nghiệm, đấu tranh ngày càng gay gắt, trong lòng ngày càng lo lắng thì người ta không khỏi oán thán. Đây chính là lúc hai anh em chỉ trích nhau, đều cảm thấy xã hội phụ lòng mình, đều cảm thấy mình đã cho đi quá nhiều mà nhận lại quá ít, trở nên do dự và bắt đầu vừa đi vừa cãi cọ nhau.
Đến 40 tuổi, tức là lúc "niên cận bất hoặc" (đến tuổi gần như không còn gì nghi hoặc), mọi thứ sôi nổi đều đã qua đi, người ta bắt đầu trở nên mệt mỏi, phải dìu nhau mà đi.
Đi đến 60 tuổi, cảm thấy tuổi già đẹp đẽ, cần phải trân trọng, chúng ta cần phải bình tĩnh lại, đừng oán thán nhau nữa. Lúc này nói như Khổng Tử là lúc "nhi nhĩ thuận", tức lòng đã thuận theo, bớt đi rất nhiều chỉ trích, cuối cùng bước đến 80 tuổi.
Đứng ở điểm cuối cùng này, bất chợt ta cảm thấy mất mát một điều gì, nhớ ra những thứ trong hành trang tuổi đôi mươi, đó chính là mơ ước mà mình vẫn chưa có dịp mở ra, chưa bao giờ thực hiện, chưa bao giờ đi theo mình, vậy mà trong chớp mắt đã đi hết cuộc đời. Thế nhưng tuổi đôi mươi không bao giờ trở lại, đó là một con đường không thể quay đầu.
Đó chính là một câu chuyện ngụ ngôn rất có ý nghĩa về cuộc đời.
Cuộc đời con người có thể nhắc nhở chúng ta: nên đối mặt với sự sinh tử bằng thái độ như thế nào?
Trang Tử sở dĩ có thể cười nói bàn về sinh tử là bởi ông đã ngộ ra được chân đế của sinh tử. Giữa sinh và tử chẳng qua chỉ là một sự chuyển biến hình thái.
Trang Tử sở dĩ khoáng đạt với sinh tử là bởi ông xuôi thuận theo cuộc sống. Cuộc sống xưa nay ai không phải chết, vậy thì chết có gì đáng sợ, có gì đáng buồn?
Trong thiên Đại tông sư, Trang Tử kể một câu chuyện như sau:
Tử Tang Hộ, Mạnh Tử Phản, Tử Cầm Trương đều là những nhà Nho ở ẩn. Ba người rất hiểu ý nhau, quên sinh tử, chơi với nhau, trở thành bạn rất thân.
Sau đó thì sao? Tử Tang Hộ chết trước. Khổng Tử nghe nói, bèn sai học trò Tử Cống đến giúp lo việc ma chay. Lúc đến nơi, Tử Cống thấy Tử Cầm Trương và Mạnh Tử Phản người đang soạn bài hát điếu, người đang khảy đàn, hát trước thi thể Tử Tang Hộ. Họ hát rằng: Tử Tang Hộ ơi Tử Tang Hộ, giờ ông đã về với bản chân, còn chúng tôi vẫn gửi mình chốn nhân gian.
Tử Cống rất lấy làm lạ, hỏi:
- Ba người như anh em thủ túc, một người đi trước, vậy mà hai thầy lại hát trước thi thể người ấy, thế có hợp với lễ không?
Tử Cầm Trương và Mạnh Tử Phản nhìn nhau cười đáp:
- Hắn làm sao hiểu được chân ý của lễ? Tử Cống trở về, hỏi Khổng Tử:
- Rốt cuộc họ là người như thế nào? Họ có ý gì? Khổng Tử đáp:
- Họ đều là những người tâm du ngoài thế giới, còn ta là một người câu nệ thế tục. Sao ta lại còn sai con đi giúp họ lo tang sự nữa chứ? Đó là sơ suất của ta. Những người này trong quan niệm của họ đã không còn biên giới giữa sinh và tử, họ đã cùng hoàn thành một chuyến tiêu dao giữa tinh thần và trời đất. Có hình hài cơ thể hay không đã không còn quan trọng đối với họ. Bởi vậy một người bạn ra đi, hai người còn lại bình thản như tiễn người đó đi xa vậy.
Câu chuyện này cho thấy một điều, trong cuộc sống, mỗi người đều có thể sống với những hình thái khác nhau.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có thể sống với những hình thái khác nhau.
Trong thiên Đại tông sư, Trang Tử còn kể một câu chuyện như sau:
Tử Lai mắc bệnh, có vẻ không còn sống được bao lâu nữa. Tử Lê đến thăm, thấy vợ con Tử Lai vây quanh khóc lóc. Tử Lê vội bảo họ:
- Các người tránh ra, đừng làm phiền một người sắp có biến đổi lớn như vậy.
Tử Lê tựa vào cửa, bảo Tử Lai:
- Tạo vật vĩ đại sau này còn biến ông thành cái gì nữa? Biến ông thành gan chuột hay là cánh tay của côn trùng?
Tử Lai thở dài một tiếng, đáp:
- Trời đất cho ta hình hài, cho ta sống để lao nhọc, cho ta già để an nhàn, cho ta chết để an nghỉ.
Câu nói này đã cho thấy lịch trình của cuộc sống: Trời đất tạo hóa đã tạo ra sinh mệnh ta, ban cho ta một hình thể. Lúc ta mới đến thế giới, có sinh mệnh này là ta phải hoàn thành sự xã hội hóa của sinh mệnh, phải đi xuyên suốt cuộc sống. Do đó cuộc sống của con người không ai không phải chịu khổ, cả cuộc đời phải trải qua rất nhiều gian nan. Về già, cuối cùng ta đã có thể an hưởng tuổi già. Thế nhưng, sự nghỉ ngơi lúc tuổi già này cũng chỉ có hạn, sự sắp xếp cuối cùng dành cho ta là cái chết, dùng cái chết để dành cho ta sự nghỉ ngơi lớn nhất. Đó chính là cuộc đời của ta. Do đó, Tử Lai nói:
- Ta tin rằng trời đất đối xử tốt với sự sống của ta thì chắc chắn cũng sẽ đối xử tốt với cái chết của ta, ta được sắp xếp đến thế gian này như thế nào thì cũng sẽ thanh thản ra đi như thế ấy.
Nói xong, Tử Lai bình thản nhắm mắt ngủ. Ngủ được một giấc, tỉnh lại thì thấy bệnh trong người đã khỏi hẳn, Tử Lai đã sống lại.
Đây là một câu chuyện ngụ ngôn. Thực ra khi nội tâm con người đã thấu suốt về sự sống thì có lẽ cái chết chỉ là một sự kéo dài của sự sống. Cái chết đã bị vượt qua từ lâu.
Trong thiên Dưỡng sinh chủ, Trang Tử có câu: "Chỉ cùng vu vi tân, vi truyền dã, bất tri kỳ tận dã" (Dầu mỡ cháy trên củi, dầu mỡ cháy hết, củi đã cháy hết, nhưng ngọn lửa có thể lan truyền mãi, không bao giờ tắt).
Cơ thể của con người, sinh mệnh của con người có thể tiêu hao hết, nhưng tư tưởng của con người vẫn có thể lưu truyền. Đối với Trang Tử, sự lưu truyền của tư tưởng quan trọng hơn sinh mệnh rất nhiều.
Cơ thể của con người, sinh mệnh của con người có thể tiêu hao hết, nhưng tư tưởng của con người vẫn có thể lưu truyền.
Ngày nay, tuổi thọ con người được kéo dài hơn hẳn người xưa. Nhưng nỗi sợ trước cái chết, nỗi lưu luyến với sự sống cũng hơn hẳn người xưa. Phải nói rằng cuộc sống ngày nay có quá nhiều sự riêng tư, có quá nhiều sự dính líu, có quá nhiều việc khiến ta không thể làm ngơ.
Và Trang Tử đã kể những câu chuyện về sự sinh tử của chính mình, của người thân, của bạn bè, quan niệm về sinh tử của ông hoàn toàn khác với người nay. Trong sự sống mà ông đã xuyên suốt này, điều ông coi trọng là ánh lửa chứ không phải là độ dài của ngọn lửa.
Khổng Tử từng nói: Tri sinh, yên tri tử. Có nghĩa là muốn biết chết thì trước hết phải biết sống. Mỗi người hiểu về cuộc sống mỗi khác, quan điểm về sự vật cũng hoàn toàn khác nhau. Chúng ta từng nhận thấy, dù trong cùng một môi trường xã hội, trong cùng một sự việc, những người khác nhau có khi sẽ có quan điểm hoàn toàn khác nhau. Tại sao lại như vậy?
Có một câu chuyện như sau:
Ba người đi qua một góc tường, nhìn thấy cùng một cảnh tượng: Một con nhện đang bò trên tường, đang bò thì thấy phía trước có một vệt nước mưa. Con nhện vừa bò đến chỗ ướt là bị rơi xuống, sau đó nó lại bắt đầu bò lên từ góc tường, lại bò đến chỗ ướt mưa đó và lại rơi xuống. Cứ thế bò lên rồi rơi xuống.
Ba người thấy cảnh tượng này đều liên tưởng đến cuộc đời mình.
Người thứ nhất nghĩ: Mình thấy con nhện này giống như nhìn thấy chính mình. Mình cũng giống hệt nó, cả đời cứ bò lên lại rơi xuống. Cuộc đời con người bận rộn hối hả, làm đi làm lại những việc vô ích.
Người thứ hai nghĩ: Mình nhìn con nhện này bò như vậy mới biết cuộc đời thật ra có rất nhiều sai lầm. Chúng ta chỉ nhìn thấy trước mắt, tưởng là chỉ có một con đường, thực ra chỗ ẩm ướt không lớn. Nếu con nhện biết vòng ngang qua chỗ ẩm ướt đó thì nó sẽ nhanh chóng bò lên cao theo chỗ tường khô. Do đó, đôi khi đi đường vòng lại là thông minh.
Người thứ ba nhìn thấy con nhện thì rất cảm động: Một con nhện mà còn biết kiên cường bất khuất như thế, vậy thì một con người cả đời có bao nhiêu năng lượng chưa được khơi dậy? Có bao nhiêu điều kỳ diệu có thể xuất hiện? Tất cả những điều đó đều ẩn chứa trong cuộc sống của mình.
Một cảnh tượng nhỏ nhưng mỗi người lại rút ra một kết luận khác nhau, cảm nhận cuộc sống khác nhau.
Tôi từng đọc được một câu chuyện như sau:
Một tú tài đi thi. Đi thi là một việc hệ trọng trong đời đối với bất kỳ thư sinh nào. Viên tú tài này lòng rất thấp thỏm, luôn lo lắng không biết mình sẽ thi như thế nào, sẽ có kết quả ra sao.
Trước hôm thi một ngày, anh có ba giấc mơ rất kỳ dị: Giấc mơ thứ nhất, anh mơ thấy mình trồng cải trắng (cải bắp thảo) trên đầu tường. Giấc mơ thứ hai, anh mơ thấy mình đi ra ngoài lúc trời mưa, mang theo một chiếc áo mưa và một cây dù. Giấc mơ thứ ba, anh mơ thấy mình nằm cùng giường nhưng quay lưng lại với người con gái mình yêu.
Chàng tú tài tỉnh dậy, cảm thấy ba giấc mơ đều rất khác thường. Ngày hôm sau là thi rồi, thế là trong ngày hôm đó anh đi tìm một người giỏi đoán mộng. Người này nghe kể xong, nói:
- Cuộc đời của anh rất ảm đạm. Anh trồng cải trắng trên đầu tường, như vậy chẳng phải là cố gắng uổng công sao? Anh đã có áo mưa còn mang theo dù, đó chẳng phải là dư thừa vẽ vời sao? Anh nằm cùng giường với người con gái mình yêu nhưng lại quay lưng lại, đó chẳng phải là vô duyên với nhau sao? Anh đừng nên đi thi nữa, hãy thu dọn hành lý và về đi.
Tú tài nghe xong quay về thu dọn hành lý, chuẩn bị về nhà.
Lúc ấy ông chủ quán trọ hỏi:
- Sao cậu chưa thi đã bỏ về?
Chàng tú tài kể lại sự tình cho ông nghe. Ông chủ nói: Ấy, tôi cũng biết đoán mộng đấy. Tôi thấy ba giấc mơ của cậu rất tốt. Cậu trồng cải trắng trên đầu tường đó là đậu cao. Cậu đã mang áo mưa, lại còn mang theo dù, đó gọi là có sự chuẩn bị chu đáo. Cậu đã nằm chung một giường với người mình yêu, điều đó có nghĩa là cậu chỉ cần xoay người lại là đạt được ước nguyện.
Nghe giải thích của ông chủ quán trọ, chàng tú tài thêm phần tự tin, ngày hôm sau đi thi, kết quả là đậu cao.
Đây cũng là một cách giải mã cuộc sống.
Có thể trong rất nhiều lựa chọn, không có ai đoán mộng cho chúng ta. Chúng ta chỉ còn cách hỏi chính mình: Mình đang ở giai đoạn nào? Lúc này mình cần phải quyết đoán như thế nào?
Nho gia và Đạo gia hoàn toàn khác nhau về quan niệm sinh tử. Nho gia theo đuổi "sát sinh nhi thủ nghĩa" (có thể lấy cái chết của mình để bảo vệ nghĩa lớn), còn Đạo gia thì nhấn mạnh "bất tri thuyết sinh, bất tri ố tử" (không thích sự sống cũng không sợ cái chết). Nhưng điểm chung của hai quan niệm chính là làm cho cuộc sống trở nên có giá trị.
Vậy cuộc sống như thế nào là có giá trị?
Trong thiên Đại tông sư, Trang Tử ca ngợi con người chân chính. Người chân chính mà ông mô tả là người như thế nào?
Trang Tử nói: "Bậc chân nhân thuở xưa không ham sống, cũng không biết sợ cái chết. Ra đời cũng không thấy mừng, chết đi cũng không từ chối. Tự do tự tại đến với cõi đời, ra đi cũng tự do tự tại. Họ không hề quên mình từ đâu đến, cũng không cố tìm hiểu nơi mình sẽ đến. Có việc thì vui vẻ đón nhận, quên cả sống chết, trở về với tự nhiên. Họ hoàn toàn không vì ham muốn trong lòng mà phá hoại đạo trời, cũng không có ý làm điều gì để phụ cho đạo trời".
Trang Tử lại nói: "Những con người chân chính này đều là những người có dung mạo điềm tĩnh thản nhiên, trong lòng có thể quên hết tất cả. Sự mừng giận buồn vui tương thông với bốn mùa, có thể thản nhiên ứng phó với bất kỳ sự việc nào trong cuộc sống".
Trang Tử mượn những con người chân chính để bày tỏ một thái độ đối với cái chết, đó là không sợ chết và cũng không bao giờ đi tìm cái chết.
Thái độ của Trang Tử đối với sinh mệnh là không sợ chết và cũng không bao giờ đi tìm cái chết.
Quan điểm này có khác biệt đôi chút với tư tưởng Nho gia. Nho gia nói rằng kẻ sĩ có thể "sát sinh nhi thủ nghĩa", tức là có thể lấy cái chết của mình để bảo vệ nghĩa lớn.
Trong dòng chảy cuộc sống, Nho gia và Đạo gia biểu hiện hai thái độ khác nhau. Tư thế của Nho gia là liệt sĩ, tư thế của Đạo gia là ẩn sĩ; tư thế của Nho gia là tranh đấu với thời gian nhằm giành giật thời gian hữu hạn để xây dựng, còn thái độ của Đạo gia là thuận theo dòng chảy thời gian để nắm lấy từng giây phút, để vui sống.
Điểm chung của hai nhân sinh quan này là gì? Đó chính là làm cho cuộc sống trở nên có giá trị.
Nhưng sự phán đoán về giá trị cuộc sống lại không bao giờ giống nhau.
Có người chỉ mong được lưu danh sử sách, coi trọng sự thành đạt trong xã hội, dù phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình cũng quyết phải lập nên công trạng. Cũng có người chỉ coi trọng sự hoàn thiện, yên ổn trong lòng mình cũng như sự hoàn thiện về đạo đức của chính mình.
Nếu là trường hợp thứ nhất, con người sẽ có nhiều tâm lý tranh đấu trước cuộc sống, còn trường hợp sau thì tâm lý thanh thản hơn. Thực ra đó chính là thái độ khác nhau thể hiện sự tác động của Nho và Đạo đến nội tâm chúng ta.
Kỳ thực, khi đối diện sinh tử, người Trung Quốc thường thể hiện hai thái độ khác nhau, một thái độ với đại diện là Khuất Nguyên, một thái độ với đại diện là Tư Mã Thiên.
Khuất Nguyên nhảy xuống sông tự tận, ông lựa chọn một phương thức hết sức quyết liệt. Tại sao?
Khuất Nguyên sinh trong thời loạn Chiến Quốc, là quý tộc cùng họ với vua Sở, là một bậc sĩ phu. Khi kinh đô nước Sở là Dĩnh Đô bị tấn công, trước họa mất nước mà thân mình lại bị vua đày ra lưu lạc bên ngoài, cho dù có thể đến sống ở rất nhiều nước khác nhưng ông biết rằng tông miếu và đất nước của mình không bao giờ còn khôi phục lại như trước được nữa. Kết cục tốt nhất dành cho ông là trở về với tất cả những gì cao đẹp bằng chính cái chết của mình.
Cái chết của Khuất Nguyên vừa là vì nước, nhưng cũng là một sự bất đắc dĩ. Nói theo lời Quách Mạt Nhược thì ông bị giằng xé giữa lý tưởng tốt đẹp của mình và hiện thực không thể thực hiện được lý tưởng đó. Bởi vậy con người ấy buộc phải xử lý sự sống của mình theo một cách bi thảm và quyết liệt như vậy.
Nhưng trước sinh tử, Tư Mã Thiên lại chọn một phương cách khác, ông đã nhìn thấy sự việc còn quan trọng hơn cả sinh tử lẫn danh tiết.
Tư Mã Thiên có một bức thư nổi tiếng viết cho người bạn thân Nhậm An gọi là Báo Nhậm An thư (Thư gửi Nhậm An), bức thư đã thể hiện toàn bộ thái độ của ông đối với sinh tử.
Trong thư, Tư Mã Thiên đã kể lại toàn bộ quá trình vào ngục và thọ hình của mình. Ông nói rằng mình rất oan ức, bị vu hãm vào tội danh "mạc tu hữu" (không nên có), văn võ trong triều không ai bênh vực ông. Trước tình hình này, đương nhiên ông có thể chọn cái chết để bảo vệ lòng tự trọng của mình.
Nhưng ông không làm như vậy. Ông đã chấp nhận nỗi sỉ nhục khó chấp nhận nhất đối với một người đàn ông: cung hình, tức là hình phạt cắt đi bộ phận sinh dục.
Tại sao ông lại nhẫn nhục để được sống như vậy? Bởi ông còn một việc lớn hơn phải hoàn thành, đó là nghiên cứu ranh giới giữa trời và người, thông hiểu sự biến đổi cổ kim, từ đó hình thành nên bộ Sử ký lừng danh.
Khi giao trọng trách của một nhà sử học cho con, cha ông là Tư Mã Đàm từng nói, sau khi Chu Công qua đời 500 năm thì có Khổng Tử, Khổng Tử qua đời đã 500 năm đến nay vẫn chưa có ai có thể "thiệu minh thế", "tục Xuân Thu", ghi chép lại các việc xảy ra ở thời đại này để lưu truyền sử sách. Bởi vậy trước khi qua đời, Tư Mã Đàm đã giao trọng trách biên soạn Sử ký cho Tư Mã Thiên. Vì thế Tư Mã Thiên nói, thái độ của ông là "con trẻ nào dám lơ là". "Thiên giáng đại nhiệm vu tư nhân" (trời giao trọng trách cho con người ấy), có một trách nhiệm lớn như vậy thì thà chịu nhục chứ quyết không thể chết, đó chính là thái độ của Tư Mã Thiên.
Thực ra thái độ đó phản chiếu một thái độ sống mà
Trang Tử đã nói với chúng ta.
Thái độ của Trang Tử đối với sự sống là, thứ nhất không sợ chết, thứ hai không bao giờ tự tìm cái chết.
Nhưng trong đời sống thực tế, có nhiều người gặp trắc trở hoặc chịu áp lực lớn nên chọn cách quyên sinh.
Nguyên nhân nào đã khiến họ sợ thách thức trong cuộc sống đến như vậy?
Hiện nay sinh viên đại học chịu một sức ép rất lớn, tâm tình rất nặng nề, trong thời đại con một này, số trẻ tự vẫn ngày một gia tăng. Trong một số trường đại học, thống kê theo độ tuổi, tỷ lệ tự sát của sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ không hề thấp.
Có một vài nguyên nhân, trong đó nổi bật nhất là vấn đề tình cảm, tình yêu không xử lý tốt, cảm thấy cuộc sống vô vọng nên chết vì tình. Nguyên nhân thứ hai là không tìm được công việc tốt, cho rằng từ nhỏ mình đã giỏi giang, được học trường tốt, vậy mà xã hội vẫn không chấp nhận mình nên phẫn uất tự tử. Nguyên nhân thứ ba, cảm thấy áp lực học hành quá lớn, quá khó chịu nên cuộc sống không còn niềm vui.
Theo câu chuyện ngụ ngôn đã đề cập ở trên thì khi bước đến tầng thứ 20 của cao ốc cuộc đời, những đứa trẻ xem nhẹ cái chết này lao xuống dưới lầu cùng với toàn bộ hành lý trên lưng. Lý tưởng của chúng chưa mở ra, thậm chí cũng chưa kịp đặt xuống thì đã bị quăng xuống đất vỡ vụn.
Phần lớn trong số chúng là con một, từ nhỏ đã sống trong môi trường của một ông vua con; ông bà nội ngoại, cha mẹ đều chăm chăm lo cho nó. Gia đình đó là một kim tự tháp, đứa trẻ luôn ở trên đỉnh. Đứa trẻ lớn lên như vậy thì trách sao nó không coi mình là nhất?
Thế nhưng xã hội cũng là một kim tự tháp, mỗi công dân vừa bước vào xã hội thì phải ở vị trí bệ móng của kim tự tháp.
Vấn đề là những đứa trẻ con một bước ra từ đỉnh kim tự tháp gia đình lại không chịu làm bệ móng cho kim tự tháp xã hội. Khi không chấp nhận điều đó thì chúng không chỉ đơn giản là đối mặt với sự mất cân bằng tâm lý, mà còn đến mức cực đoan là dễ dàng lựa chọn cái chết. Đây là cách xử lý vô cùng hời hợt đối với sự sống, bắt nguồn từ sự mất cân bằng tâm lý dưới muôn vàn áp lực của con người ngày nay.
Hình thức tự tử ngày nay có hai dạng, một là lối tự tử rõ ràng, tức là dứt khoát quăng mình xuống từ lầu cao giống như quăng một chiếc áo rách.
Cách thứ hai là tự tử ngầm, nghĩa là buông thả bản thân. Họ không thiết tha tiến thủ trong công việc, không dành hết tình cảm đối với người thân trong gia đình, vô cùng hời hợt trong quan hệ bạn bè. Họ trở thành những cái xác biết đi. Sự sống trong cơ thể họ chưa mất nhưng tâm hồn họ thì đã chết từ lâu.
Bàn luận về đề tài sinh tử nghe có vẻ xa xôi, nhưng kỳ thực nó là một vấn đề sát sườn của chúng ta.
Trong cơ thể của chúng ta thực sự có bao nhiêu sợi cơ đang sống? Trong tâm hồn chúng ta còn có bao nhiêu ước mơ đang ấp ủ? Tương lai của chúng ta có bao nhiêu hy vọng? Câu trả lời ở mỗi người mỗi khác.
Bởi vậy, mang theo ước mơ ban đầu trong lòng để vượt qua giới hạn sinh tử bằng sự khoáng đạt của Trang Tử, ngày nay có lẽ điều đó bức thiết hơn thời Trang Tử còn sống. Thời Trang Tử vật chất còn nghèo, con người ta có quá ít sự lựa chọn nên sống là một nguyện vọng đơn thuần.
Sự lựa chọn nhiều quá khiến con người càng thêm mệt mỏi.
Còn ngày nay con người có thể quá giàu có, nhưng không biết chịu đựng trong sự mê hoặc của sự lựa chọn. Có nghĩa là sự lựa chọn nhiều quá khiến con người càng thêm mệt mỏi.
Vì thế hiện nay lựa chọn giữa sinh và tử không chỉ là sự lựa chọn từ bên ngoài, mà quan trọng hơn là giữ cho những "sinh mệnh" có giá trị trong tâm hồn mình sống thực sự.
Sách Trang Tử thoạt xem có vẻ giống như những "mậu du chi thuyết, hoang đường chi ngôn, vô đoan nhai chi từ" (thuyết sai lầm, lời hoang đường, từ ngữ vô cớ), nhưng nếu thực sự liên hệ tư tưởng của ông với trạng thái của chính chúng ta, bạn sẽ nhận thấy mỗi câu chuyện của ông đều rất gần gũi với lòng người.
Thực ra chúng ta có thể sống vui với hiện tại, biết thuận theo và sống tốt từng giây từng phút trong đời mình, để khi thực sự đến giới hạn của sinh tử, chúng ta có thể thản nhiên mỉm cười và nói: Ta không có gì ân hận ở cuộc đời này.
Đây là cảnh giới mà mỗi người bình thường chúng ta đều có thể đạt đến, cũng là thông điệp mà Trang Tử gửi đến cho chúng ta ngày nay.