Trên đường đời, chúng ta luôn gặp muôn vàn khó khăn, có người sinh ra đã xấu xí, có người thân hình tàn tật.
Trang Tử giỏi vận dụng ngụ ngôn, ông đã mượn những người có bề ngoài xấu xí và hầu như dữ tợn để bày tỏ quan điểm của mình, đó là cho dù thế nào, trên đời cũng luôn có đường để đi.
Các câu chuyện ngụ ngôn trong sách Trang Tử có nhiều nhân vật có hình dạng khác với người thường, thí dụ một số người tàn tật, một số người bị hình phạt. Theo vẻ bề ngoài, hình dáng cơ thể của họ kém xa người bình thường, nhưng những người này hoặc là có hoài bão, hoặc là có lý tưởng, hoặc sống rất vui vẻ, hoặc sống rất thành công. Họ là ai?
Trong thiên Nhân thế gian, Trang Tử có kể về một người tên là Chi Li Sơ. Riêng cái tên đã đủ kỳ quặc, còn hình dáng thì thế nào?
Chi Li Sơ có hai vai cao quá đầu, cái đầu thấp đến dưới rốn, lưng quay lên trời, lục phủ ngũ tạng của anh ta dồn hết lên lưng, đó là một cái lưng gù, rồi hai chân anh ta mọc ngay cạnh xương sườn. Hình dạng không những xấu xí mà còn trông rất dữ tợn, giống như một quái vật.
Chi Li Sơ sống như thế nào? Trang Tử nói, anh ta may quần áo, giặt quần áo cho người ta cũng đủ nuôi sống bản thân, ngoài ra anh ta còn dành thời gian đi sàng gạo, xay thóc cho người khác, số tiền kiếm được đủ nuôi đến mười người.
Cuối cùng Trang Tử rút ra một kết luận, những người giống như Chi Li Sơ, mặc dù trông rất xấu xí dữ tợn, nhưng khi anh ta sống bằng chính sức mình, anh ta đạt được nhiều thứ hơn người khác.
Câu chuyện về Chi Li Sơ khiến tôi nghĩ đến loạt truyện Tứ đại danh bổ của nhà tiểu thuyết võ hiệp Ôn Thụy An. Những người thích tiểu thuyết võ hiệp đều biết rằng người đứng đầu trong "tứ đại danh bổ" chính là Vô Tình.
Vô Tình xuất thân từ một gia đình võ lâm, do cha kết oán với giang hồ nên bị kẻ thù tàn sát cả nhà, cả cha mẹ đều bị giết. Khi bắt được Vô Tình, kẻ thù hết sức ác độc và nham hiểm, không giết chết đứa bé mà phế bỏ công lực của nó từ nhỏ, để nó sống không bằng chết, không thể phục thù cho cha mẹ. Chúng cắt đứt gân chân để Vô Tình bị liệt ngay từ khi chưa biết đi.
Con người đều biết tác dụng của cái hữu dụng chứ không biết tác dụng của cái vô dụng.
- Nhân gian thế -
Lớn lên Vô Tình là một người tàn tật nhưng lại đứng đầu trong tứ đại danh bổ. Tuyệt chiêu của Vô Tình là gì? Là khi mỉm cười có thể phun ra một chiếc châm thép, chiếc châm thép này có thể giết chết kẻ thù. Võ công của Vô Tình đã hóa vào bên trong, do chân bị tàn tật từ nhỏ nên đã luyện cho mình một nội công thâm hậu không ai địch nổi.
Câu chuyện này phải chăng là sự tiếp nối của Chi Li Sơ? Và xã hội ngày nay phải chăng vẫn có những chuyện như thế?
Trong thiên Đức sung phù, Trang Tử còn kể câu chuyện về một người xấu xí tên là Ai Đãi Tha.
Lỗ Ai Công từng nói với Khổng Tử:
- Nước Vệ có một người rất xấu xí tên là Ai Đãi Tha. Người này tuy tướng mạo xấu xí nhưng lại có một sức hấp dẫn thần kỳ. Đàn ông tiếp xúc với anh ta một thời gian sẽ lưu luyến đức hạnh của người này, cảm thấy người này là bạn tốt và không rời xa anh ta. Đàn bà gặp anh ta, biết có một người như thế, khi về nhà sẽ nói với cha mẹ rằng thay vì làm vợ người khác, không bằng làm thiếp người này, dù con làm thiếp cho anh ta còn hơn là làm chính thất của người khác. Số phụ nữ nói như vậy nghe nói có đến mười mấy người, hơn nữa số người ngày một tăng thêm.
Lỗ Ai Công nói tiếp:
- Con người này thật lạ, không có quyền vị, cũng chẳng có tiền tài, ta cũng chẳng thấy y có kiến giải gì hơn người, trái lại thường phụ họa ý kiến của người khác. Ta nghĩ chắc chắn y có chỗ nào đó khác người thường, bèn cho vời y đến. Quả nhiên y xấu xí đến mức kinh hãi. Nhưng tiếp xúc với y thì thấy y rất thoải mái, chưa đầy một tháng ta đã rất tín nhiệm y.
Cuối cùng Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử:
- Thầy nói xem Ai Đãi Tha này là người như thế nào?
Phải, đây là một người như thế nào? Trang Tử chẳng qua muốn cho chúng ta biết rằng, trên đời này có một loại người mà vẻ ngoài tướng mạo bình thường, nhưng trong lòng họ có một sức mạnh, sức hấp dẫn của nhân cách, có thể thu hút mạnh mẽ người khác đến bên mình. Sức mạnh thật sự của một con người không biểu hiện ở một tài hoa trác việt hay kỹ năng tuyệt diệu nào đó, chính sức mạnh nội tâm mới là sự hấp dẫn lâu bền đối với người khác.
Sức mạnh thật sự của một con người không biểu hiện ở một tài hoa trác việt hay kỹ năng tuyệt diệu nào đó, chính sức mạnh nội tâm mới là sự hấp dẫn lâu bền đối với người khác.
Giáo sư Đài Loan nổi tiếng Phó Bội Vinh, khi nghiên cứu về Trang Tử đã rút ra một điều tâm đắc. Ông nói khi đã thật sự hiểu được Trang Tử, sẽ hiểu rõ trên đời luôn có đường để đi.
Câu nói này có vẻ rất giản dị, hơn nữa nó không phải là một kết luận mang tính học thuật, mà là một kết luận về nhân sinh.
Chuyện ngụ ngôn của Trang Tử cho chúng ta biết rằng, một người dù bề ngoài xấu xí, cơ thể tàn tật cũng có thể tự sống bằng chính sức lực của mình, được hưởng tuổi trời, đó là bởi anh ta đã tìm được con đường đi cho riêng mình trong cuộc đời rộng lớn.
Ngày nay cũng có một số người không may trở thành người bị khiếm khuyết về cơ thể, họ lựa chọn con đường nhân sinh của mình như thế nào? Và lựa chọn của họ gợi ý điều gì đối với chúng ta?
Có lẽ trong thực tế không có người nào có ngoại hình giống như Chi Li Sơ, nhưng người tàn tật thì ở đâu cũng có. Họ hoặc tàn tật về cơ thể, hoặc khiếm khuyết về trí lực, những người đó sống như thế nào?
Có một bộ phim tài liệu nổi tiếng là Thế giới của Chu Chu kể về một cậu bé ở Vũ Hán bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, trí lực của cậu chỉ phát triển tối đa bằng một đứa bé ba tuổi, không thể hơn được nữa.
Trong phim, Chu Chu đã 26 tuổi, với trí lực của một trẻ lên ba nhưng anh có một thế giới mà ít người biết đến. Đó là thế giới của âm nhạc.
Chu Chu là một thiên tài chỉ huy âm nhạc. Có cha làm việc ở Viện ca múa kịch Vũ Hán, từ nhỏ anh đã sống trong môi trường này. Đối với anh, đây không phải là nơi học tập tri thức, không phải là nơi bồi dưỡng nghề nghiệp, mà là nơi thầm nhuần tính linh của cuộc sống. Anh lớn lên trong môi trường này, liên tục được âm nhạc bồi đắp.
Mỗi khi có buổi biểu diễn nhạc giao hưởng quy mô lớn, người chỉ huy dàn nhạc làm việc ở tiền đài, anh ở hậu đài, một mình say sưa chỉ huy. Anh chỉ huy dàn nhạc rất tài tình, giữa anh và âm nhạc có một sự kết nối vượt qua mọi tri thức. Dần dần, Chu Chu không chỉ nổi tiếng được cả Trung Quốc biết đến mà còn có thể ra nước ngoài chỉ huy các cuộc thi mang tầm quốc tế.
Hiện tượng này có thể nói là một điều kỳ diệu của cuộc sống. Là bởi trí lực khiếm khuyết đã giữ được cho anh sự ngây thơ trong cuộc đời, và sự ngây thơ này vô hình trung là sợi dây kết nối mật thiết anh với âm nhạc.
Trong chương trình đêm giao thừa được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc năm 2007 có tiết mục Quan Âm nghìn tay gây ấn tượng mạnh vì sự tài hoa và thần thái an lành của các vũ công. Thực ra cả nhóm múa này, từ người múa dẫn đầu Thai Lệ Hoa đến cả người cuối cùng trong đội đều là người khuyết tật. Mọi người bị thu hút vì những vòng tay xinh đẹp rực rỡ mà cũng thật đoan trang, đáng kính. Phải chăng vì họ là những người tàn tật mà tâm thần của họ an định, chuyên chú, nên họ có được vẻ bình thản trên khuôn mặt và sự khoan thai trong những động tác hình thể? Đó là những sắc thái mà người bình thường chúng ta khó mà làm được.
Gọi là tàn tật nghĩa là có một cơ quan nào đấy trong cơ thể bị tổn hại; khi đó, những cơ quan khác sẽ phát triển mạnh hơn để bù trừ cho sự khiếm khuyết ấy. Do đó chúng ta thường nói người mắt kém thì tai rất thính, đó là một sự bù đắp công năng. Thực ra cơ thể con người có những bí ẩn rất lớn mà hiện tại chúng ta chưa giải đáp được.
Trong Trang Tử còn có một câu chuyện:
Có một người tên là Thân Đồ Gia, bị chặt mất một chân. Anh ta cùng đại phu Tử Sản nước Trịnh đều là học trò của Bá Hôn Vô Nhân. Tử Sản thấy mình là một đại phu hiển quý mà có một bạn học như vậy nên trong lòng rất lấy làm khó chịu.
Một hôm ông ta không nhịn được, nói với Thân Đồ Gia:
- Sau này chúng ta nghe giảng xong đi về, nếu anh đi trước thì tôi sẽ chờ một lát mới đi, nếu tôi đi trước thì anh cũng chờ một lát rồi hãy đi.
Thân Đồ Gia chẳng nói chẳng rằng. Ngày hôm sau Tử Sản không nhịn nổi nữa bèn nhắc lại yêu cầu này:
- Ngươi thấy ta là đại phu chấp chính mà không biết tránh đi, lẽ nào ngươi cũng coi mình là chấp chính đại phu?
Thân Đồ Gia nói:
- Có một chấp chính đại phu như ngài sao? Tôi từng nghe nếu một tấm gương thật sự sáng thì không bám bụi, nếu thực sự bám bụi thì gương không thể sáng. Lòng người cũng vậy. Chúng ta ở đây theo thầy tu dưỡng đức hạnh, vậy mà ngài lại nói những lời như vậy, không thấy quá đáng sao?
Tử Sản bực mình, nói:
- Thật chẳng ra làm sao, ngươi cần phải nghiêm túc nhìn lại xem mình là hạng người nào?
Thân Đồ Gia nói:
- Môn hạ của thầy chúng ta sao lại có chấp chính đại phu như ngài? Trước khi theo học thầy, tôi nghe có rất nhiều người chê cười rằng tôi bị cụt chân, khiến lòng tôi đầy oán khí. Nhưng kể từ khi theo học thầy, oán khí của tôi đã tan hết. Tôi đã theo học thầy được 19 năm, chưa bao giờ thầy làm tôi cảm thấy mình là một kẻ cụt chân. Giờ ngài đánh giá tôi theo tiêu chuẩn hình thể chứ không phải tiêu chuẩn đạo đức, vậy mà còn nói mình là chấp chính đại phu, lẽ nào ngài không cảm thấy hổ thẹn?
Tử Sản nghe xong rất thẹn thùng. Đây là nỗi thẹn thùng của một người lành lặn trước một người tàn tật. Nỗi hổ thẹn này bắt nguồn từ sự khiếm khuyết trong lòng ông ta. Ông ta đã hiểu rằng một con người có thành công hay không hoàn toàn không bởi chân tay, thậm chí không bởi quyền vị của mình, mà bởi có thật sự biết được những nỗ lực cũng như vị trí của mình hay không.
Trang Tử còn kể một câu chuyện như sau:
Có một người tên là Thúc Sơn Vô Chỉ, vì thời trẻ phạm tội mà bị chặt mất các ngón chân. Một hôm Thúc Sơn Vô Chỉ đi bằng gót chân đến cửa Khổng Tử xin học. Khổng Tử đang dạy học trò, thấy Thúc Sơn Vô Chỉ đến, bèn bảo:
- Hồi trẻ anh làm người không cẩn thận, để phạm tội, chuốc lấy tai họa nên mới ra nông nỗi ngày hôm nay. Mặc dầu hôm nay anh còn muốn đến chỗ ta để học, nhưng anh thấy có còn kịp không?
Thúc Sơn Vô Chỉ bình tĩnh đáp:
- Chính vì trẻ người non dạ nên tôi mới để cơ thể bị tổn thương. Nhưng giờ tôi đã biết trong cuộc sống còn có thứ quý giá hơn, quan trọng hơn ngón chân, nên mới đến đây xin theo học thầy. "Thiên vô bất phúc, địa vô bất tái"
- trời có thể che mọi thứ, đất có thể chở được mọi thứ. Tôi xem thầy như trời đất, nào biết thầy lại là người như vậy?
Khổng Tử bất giác hổ thẹn:
- Ta thực là nông cạn. Xin mời vào giảng dạy cho học trò ta.
Nhưng Thúc Sơn Vô Chỉ vẫn bỏ đi.
Khổng Tử rất lấy làm tiếc, quay đầu bảo học trò:
- Các trò phải cố gắng lên! Thúc Sơn Vô Chỉ là một người bị cắt hết ngón chân mà còn biết đến xin học, còn biết trên đời có thứ quý hơn, quan trọng hơn thân thể mình, chúng ta đều là những người lành lặn, lẽ nào không biết đường tiến thủ?
Cả Thân Đồ Gia và Thúc Sơn Vô Chỉ đều từng có vết nhơ trong đời và họ đã trả giá bằng chính một phần cơ thể mình. Họ không bị tàn tật bẩm sinh như Chi Li Sơ nên thực ra họ phải gánh hai tầng áp lực, nhưng tại sao họ lại có thể sống thản nhiên trên cõi đời này?
Bởi vì họ có một sức mạnh trong lòng. Họ dám nhìn thẳng vào nhược điểm của mình, dám sửa sai, hướng đến cuộc sống mới, vẫn có thể được mọi người kính trọng.
Thân Đồ Gia hay Thúc Sơn Vô Chỉ tuy đã mắc lỗi và phải chịu hình phạt nghiêm khắc nhưng họ biết sai mà sửa, tìm được con đường đời thuộc về chính mình bằng một sức mạnh bên trong. Trong xã hội hiện đại, áp lực cuộc sống, áp lực công việc của mọi người đều rất lớn, khi tâm lý không vững, sinh ra khiếm khuyết thì sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào?
Con người có khuyết tật về thân thể, lẽ nào không có khuyết tật về tâm hồn?
Trong thời đại ngày nay, truyền thông phát triển, thông tin bùng nổ, khoa học kỹ thuật mang lại cho chúng ta sức mạnh vô cùng lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là nhân cách của chúng ta mỗi ngày lành mạnh hơn, khoáng đạt hơn. Ngược lại, có lẽ khuyết tật trong tâm hồn của chúng ta đã nhiều hơn.
Tháng 4 năm 2006, một sự kiện ngược đãi mèo gây chấn động được phát tán trên mạng. Đoạn phim quay toàn bộ quá trình một con mèo bị giẫm chết bằng một chiếc guốc cao gót được tung lên mạng đã dấy lên làn sóng chỉ trích, phẫn nộ, lên án. Người ta muốn tìm xem hung thủ phía sau sự việc độc ác này là ai?
Trong sự kiện này có ba nhân vật: Thứ nhất, người phụ nữ giẫm chết con mèo là ai? Thứ hai, ai đã quay đoạn phim này và tung nó lên mạng? Thứ ba, nguồn phát tán thông tin này là trang web như thế nào?
Xem xong chuyên mục phóng sự điều tra Cái chết bất thường của một con mèo của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, chúng ta sẽ cảm thấy rúng động khi biết rằng, người phụ nữ giẫm chết con mèo đó là dược sĩ ở một bệnh viện tại Hắc Long Giang. Bình thường chị làm việc rất chăm chỉ, rất ân cần và có trách nhiệm với bệnh nhân, chưa bao giờ để xảy ra sai sót; chị dọn dẹp môi trường làm việc sạch sẽ, hòa nhã với mọi người, thà mình chịu thiệt chứ chưa bao giờ để người khác ấm ức, luôn được đơn vị đánh giá cao.
Nhưng chị có cuộc hôn nhân không hạnh phúc suốt 17 năm; sau khi ly dị, chị không biết thổ lộ với ai, trong lòng đầy ấm ức và phẫn nộ. Trước ống kính truyền hình, chị thẳng thắn cho biết: Khi có người nhờ chị thực hiện sự kiện này, chị nhận lời ngay, hoàn toàn không phải vì tiền mà là để trút giận.
Phóng viên hỏi chị:
- Khi giẫm chết con mèo, nụ cười trên mặt chị là do người ta yêu cầu chị làm như vậy phải không?
Chị đáp:
- Không, chẳng ai yêu cầu, có vẻ như chính tôi muốn vậy.
Đây là một hành vi bất thường do sự méo mó trong tâm hồn con người tạo ra. Còn trang web quay lại toàn bộ quá trình này và tung lên mạng cũng là diễn đàn của một cộng đồng người có vấn đề về tâm lý. Người sáng lập trang web cho biết: "Tôi và nhóm của tôi sống trong một xó xỉnh xã hội tối tăm. Do xu hướng tình dục đặc thù của chúng tôi nên đôi chân được coi là tiêu chuẩn duy nhất của vẻ đẹp. Do đó, chúng tôi mong muốn lực của bàn chân được giải phóng ở mức độ lớn nhất. Dùng giày cao gót để giẫm chính là một biểu hiện của sự giải phóng đó". Trên thế giới cũng có những nhóm người như thế này, họ giẫm lên quần áo, trái cây, những thứ không phải là cơ thể sống, sau đó đến giẫm lên cá, tôm rồi đến chó mèo...
Thực ra, nhóm người đứng sau trang web này là những người có tri thức rất cao. Họ có công việc đáng mơ ước.
Nhưng tâm lý họ chất chứa một khuyết tật không thể gột rửa được.
Khi những nhân vật đứng sau sự kiện giẫm chết mèo này lần lượt xuất hiện trước công luận, chúng ta không chỉ cảm thấy phẫn nộ mà phần nhiều là có thêm sự thương xót đối với họ. Trong một xã hội phát triển cao độ, khoa học và văn minh này, có bao nhiêu người có tâm hồn khuyết tật như thế?
Nếu chúng ta đều giống như Thân Đồ Gia, Thúc Sơn Vô Chỉ thì thật là may mắn, bởi đó là những người có hiểu biết, biết nhận lỗi, biết theo đuổi điều tốt đẹp và có thể cứu rỗi được tâm hồn của chính mình. Vấn đề là quá nhiều người không hiểu, thậm chí không tự nhận biết sự khiếm khuyết của tâm hồn mình.
Tôi nhớ trong một buổi trao đổi về học thuật, một người phụ trách khoa tâm lý đã kể cho chúng tôi nghe về một ca chẩn trị tâm lý của anh:
Một lần, một chàng trai thuộc giới trí thức rất thành đạt, mặc Âu phục, đi giày tây đến văn phòng của anh. Vào đến nơi, anh ta dáo dác nhìn quanh, vừa ngồi xuống là vớ ngay lấy cái gạt tàn thuốc lá, lật nó từ tay trái sang tay phải rồi lại chuyển từ tay phải sang tay trái. Anh ta tráo qua đổ lại như vậy một hồi rồi mới bắt đầu nói:
- Tôi muốn anh tư vấn cho một chuyện. Hiện tại tôi cứ tự kỷ ám thị là có điều gì đó không lành sắp xảy ra. Chẳng hạn khi phải đi qua một con đường, nhìn từ xa thấy chỗ đó đang đào đất, rõ ràng là tôi có thể đi vòng qua, nhưng bất chợt tôi cảm thấy sẽ có chuyện chẳng lành bèn quay đầu xe sang một đường khác, cho dù có thể bị ùn tắc hai giờ trên con đường đó. Tôi thà đến muộn chứ nhất quyết không đi đường kia nữa. Những việc tương tự như vậy liên tục xảy ra, tôi không còn kiểm soát được mình, cứ nhìn thấy những dấu hiệu nhỏ là lại cảm thấy sắp có chuyện tồi tệ xảy ra. – Anh vừa nói, tay vừa liên tục đổ gạt tàn thuốc lá.
Nhà tư vấn tâm lý nhìn anh hồi lâu rồi hỏi:
- Hồi nhỏ anh sống với ai? Anh đáp:
- Tôi sống với bà nội.
Nhà tư vấn bèn bắt đầu hỏi anh về thời thơ ấu xa xăm và cuối cùng vạch ra một bí mật tâm lý. Bí mật đó thật đáng kinh ngạc, bởi hầu như nó đều có mặt trong mỗi chúng ta.
Đứa trẻ không chịu ngủ, bà nội dọa:
- Năm phút nữa cháu mà không ngủ, ông ba mươi sẽ đến đấy!
Đứa bé vẫn không chịu ngủ, bà lại nói:
- Trong vòng ba phút mà cháu vẫn chưa ngủ, gió sẽ cuốn cháu đi!
Đứa trẻ vẫn không chịu ngủ. Bà nói:
- Một phút nữa, yêu tinh sẽ đến!
Vì sợ nên đứa trẻ dù không ngủ được cũng phải nhắm mắt, mà lúc nhắm mắt nó lại luôn nghĩ không biết ông ba mươi và yêu tinh đến sẽ như thế nào?
Nhà tư vấn nói, chính cái cách dọa cho trẻ ngủ mà chúng ta quen áp dụng này có thể khiến những đứa trẻ đặc biệt nhạy cảm mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorder – OCD).
Lúc đó, nhà tư vấn bất chợt hỏi chàng trai:
- Anh liên tục đổ chiếc gạt tàn trong tay, đó là một cách để anh làm giảm sự căng thẳng trong lòng. Vậy anh đang có dự cảm gì?
Nghe hỏi, chàng trai đột ngột dừng lại, nói:
- Đúng thế, anh nói tôi mới hiểu, hiện tôi cảm thấy mẹ tôi có thể đã xảy ra chuyện gì đó, nếu tôi không đổ cái gạt tàn, bà sẽ có chuyện. Nhưng nghe anh nói, tôi liền cảm thấy không có chuyện gì nữa.
Chữa bệnh tâm lý không bao giờ chỉ bằng một câu nói như vậy là xong mà đây luôn là một quá trình rất khó khăn. Đó là bởi vì sự khuyết tật về tâm lý không dễ nhìn thấy như khuyết tật về thân thể. Khuyết tật này có thể là một sai lầm chúng ta phạm phải trong một trường hợp ngẫu nhiên nào đó, cũng có thể là một cú sốc mà bạn đã trải qua từ rất lâu, dần tích tụ lại thành một thứ tật.
Theo một ý nghĩa nào đó, chữa bệnh tâm lý phần nhiều là dựa vào chính mình. Bệnh nhân phải thật sự thấy được khiếm khuyết của mình và trở thành thầy thuốc tâm lý của chính mình.
Trang Tử cho chúng ta biết, nếu một người thật sự tuân theo quy luật của cuộc sống thì trước hết phải biết chấp nhận những nuối tiếc và khuyết tật này, đừng ấm ức, đừng so đo, mà phải tìm cách thay đổi nó, làm cho mình tốt hơn. Mổ xẻ Trang Tử, bắt đầu từ thiên "Tiêu dao du" cho đến những nhân vật mà ông giới thiệu, chúng ta thấy tư tưởng hạt nhân xuyên suốt trong đó là sự khác biệt giữa lớn và nhỏ. Lớn và nhỏ hoàn toàn không phải là khác biệt giữa đẹp và xấu, hình thái bên ngoài và cõi lòng bên trong đôi khi có độ chênh nhau rất lớn.
Trang Tử cho chúng ta biết, nhiều người bề ngoài trông có vẻ cổ quái thậm chí đáng sợ lại có một tâm hồn lớn mà những người lành lặn như chúng ta có khi không sánh kịp. Trong khi đó, có một số người có lẽ lại bị khuyết tật tâm hồn vì chính sự cứng cỏi, cương cường và nhạy cảm của mình.
Đọc văn Trang Tử, đôi khi ta cảm thấy mênh mông vô bờ. Mọi tư tưởng lạ lùng mà ông mô tả đều vượt trên kinh nghiệm sống của chúng ta. Thế nhưng nếu đổi một góc độ khác, nhìn từ nội tâm, chúng ta vẫn có thể hiểu và trải nghiệm với từng hình tượng mà Trang Tử mô tả.
Rốt cuộc chúng ta có những khuyết tật nào ở bên trong? Chúng ta có những trở ngại tâm lý nào, nỗi ám ảnh tuổi thơ nào, hay những thiếu sót nào trong cuộc sống?
Tất cả những điều đó phải chăng ẩn trong hình ảnh những con người khuyết tật xấu xí mà Trang Tử đã mô tả trong sách của mình? Và sự siêu việt về đức hạnh của họ phải chăng sẽ đem đến cho chúng ta không ít gợi ý, lời khuyên và một số hệ tham chiếu?
Có một câu cách ngôn rất hay: Trên đời này không có rác rưởi và đồ phế thải, cái gọi là đồ phế thải chỉ là của cải bị đặt nhầm chỗ. Rất nhiều của cải chẳng qua chỉ bị đặt nhầm chỗ. Lý Bạch nói: "Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng" (trời sinh ra tài năng của ta ắt có chỗ dùng), tài lớn thì ích lớn, tài nhỏ ích nhỏ, giữa có ích và vô ích, chẳng qua chỉ là xem giữa cuộc sống của bạn và môi trường bạn sống có mối liên hệ với nhau như thế nào.
Dù là bị hình phạt hay khuyết tật bẩm sinh, dù là khuyết tật cơ thể hay thiểu năng trí tuệ, những nhân vật của Trang Tử đều là tấm gương cho chúng ta soi chung.
Chúng ta soi thấy sự lành lặn trong hình hài khuyết tật của họ và ngược lại, thấy những khuyết tật thấp thoáng trong sự lành lặn của chúng ta. Sự khiếm khuyết về hình thể thì có thể được bù đắp bằng tâm hồn, có thể hoàn thiện bằng sự dao du giữa tinh thần và trời đất.
Đây có lẽ là gợi ý tốt nhất của Trang Tử đối với chúng ta ngày nay. Từ những gợi ý này, chúng ta có thể vươn tới cõi tiêu dao du cùng với trời đất của ông.