Mỗi người đều mong muốn sống một đời hạnh phúc, thành công.
Chỉ khi nhận thức đúng đắn và tỉnh táo về mình thì mới có thể có được cuộc sống như thế. Mà nhận thức về chính mình lại là một việc vô cùng khó. Tại sao vậy? Và chúng ta phải làm thế nào để thực sự nhận thức được chính mình?
Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến một chủ đề lớn: nhận thức chính mình.
Đây là mệnh đề khó nhất từ xưa đến nay. Trong tư tưởng phương Tây, điều này được biểu hiện thông qua câu đố nổi tiếng của con nhân sư trong thần thoại Hy Lạp.
Nhân sư mình người đầu sư tử, hàng ngày nó đều hỏi người qua đường một câu hỏi: "Loài vật nào sáng sớm đi bằng bốn chân, trưa đi bằng hai chân, chiều đi bằng ba chân, và khi càng có nhiều chân thì nó càng yếu?". Người qua đường không trả lời được đều bị nhân sư xé xác ăn thịt. Sau đó có người anh hùng Oedip trẻ tuổi đi qua và giải được câu đố. Chàng nói loài động vật đó chính là con người. Nhân sư nghe xong, rống lên một tiếng rồi chạy lên vách đá và nhảy xuống chết.
Câu chuyện này cho thấy cái gần chúng ta nhất là cái chúng ta khó nhận thức nhất.
Trong quá trình trưởng thành, chúng ta có thể gia tăng sự nhận biết vạn vật trong trời đất, gia tăng kinh nghiệm, nhưng lại rất khó nhận thức rõ về chính mình.
Bởi vì sự biến đổi trong cuộc sống trải qua quá nhiều giai đoạn. Hình ảnh ẩn dụ trong câu đố trên là một thí dụ điển hình: Một đứa trẻ đầu tiên là biết bò tức là di chuyển bằng bốn chân, đây là giai đoạn trước khi trưởng thành, đến một giai đoạn nhất định con người có thể tự đứng dậy, bắt đầu có rất nhiều thứ cần tích lũy, cần xây dựng trên thế giới này, cũng có rất nhiều sự ngại ngùng lo sợ trong lòng, đến khi về già, những của cải, danh tiếng, tình cảm mà chúng ta tích lũy được, tất cả đều là gánh nặng cho sinh mệnh già nua, khiến chúng ta ngày một mệt mỏi, cần phải dựa vào cây gậy, nên trở thành sinh vật đi bằng ba chân.
Trong hành trình này, giai đoạn nào khiến chúng ta vui vẻ nhất? Giai đoạn nào chúng ta nhận thức rõ về mình nhất? Giai đoạn nào trong lòng chúng ta không chút hối tiếc mà tràn đầy sự ấm áp? Về điều này, hệ thống văn hóa Đông Tây không ngừng truy vấn bằng những đề tài khác nhau.
Toàn bộ cuốn sách Trang Tử, vừa ảo vừa thực, đầy những sự truy vấn này. Trang Tử đôi khi nói nằm mơ thấy mình chỉ là một con bướm, nhưng rốt cuộc là bướm mơ thấy mình, hay là mình biến thành bướm?
Loài người chúng ta thường suy đoán các sự vật theo tiêu chuẩn của mình nên có rất nhiều quy tắc mà chúng ta không biết.
Trang Tử nói nếu con người ngủ ở chỗ ẩm thấp giá lạnh thì khi tỉnh dậy, nhẹ sẽ bị đau lưng, nặng thì bán thân bất toại, sau đó ông hỏi bạn cho rằng con cá chạch cũng như vậy sao?
Trang Tử tiếp tục truy vấn, loài người ăn thịt, loài hươu ăn cỏ, cú mèo thích ăn chuột, bốn loại thức ăn này bạn có thể nói loại nào phù hợp với tiêu chuẩn? Loại nào ngon hơn hoặc không ngon hơn? Rất khó nói rõ.
Thậm chí Trang Tử nói những người như Lệ Cơ, Mao Tường vốn được xem là tuyệt sắc nhân gian, thường được hình dung qua thành ngữ "nhan sắc chim sa cá lặn", nhưng những con chim đó sợ quá bay mất, cá cũng thất kinh, chúng thật sự cảm thấy mỹ nữ đó thật sự là đẹp ư? Có thể chúng cho rằng họ xấu kinh hồn nên chạy mất.
Đây chính là quan điểm mà Trang Tử đề ra trong Tề vật luận, mọi thứ trên đời nếu quan sát bằng góc độ của mình thì mãi mãi đều có mật mã của riêng mình, mật mã ấy không thể nhìn thấu được.
Cho nên xét theo ý nghĩa này, Trang Tử cho chúng ta biết thứ mà loài người chúng ta khó nhận biết nhất chính là lòng mình. Câu hỏi khó giải đáp nhất chính là ta là ai, cuộc sống mà ta muốn là gì?
Chỉ khi hiểu rõ lòng mình ta mới có thể tìm được xuất phát điểm cơ bản nhất trên cõi đời này, mới có thể đối xử tốt với người khác.
Chỉ khi hiểu rõ lòng mình ta mới có thể tìm được xuất phát điểm cơ bản nhất trên cõi đời này, mới có thể đối xử tốt với người khác.
Vạn vật trên thế gian muôn hình vạn trạng. Đứng ở những góc độ khác nhau, sự vật nhìn thấy sẽ hoàn toàn khác nhau.
Nếu chúng ta chỉ đứng ở góc độ của mình, đánh giá mọi sự vật theo phương thức của mình thì sẽ có sự lệch lạc rất lớn. Đây là trở ngại đầu tiên khiến chúng ta khó nhận thức đúng về mình.
Ngụ ngôn của Trang Tử cho chúng ta biết: Mọi sự vật trên thế gian đều cần thuận theo tự nhiên chứ không được áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác.
Tôi nghĩ một người không nhận thức rõ về mình thì cũng không thể thật sự nhận thức rõ về người khác. Đôi khi ý tốt của bạn còn bị ác báo, bởi lẽ bạn áp đặt người khác theo phương thức của mình.
Nhìn thấu lẽ được mất nên "được" mà không cho là điều mừng, "mất" mà không cho là điều đáng buồn, bởi biết rõ được mất là điều không thể quy định được.
- Thu thủy -
Trong thiên Chí lạc, Trang Tử thác lời Khổng Tử để kể một câu chuyện như sau:
Có một con chim biển rất to đột nhiên bay đến nước Lỗ, vua Lỗ rất thích, bèn cung kính rước chim vào thái miếu, tấu những bản nhạc trang nghiêm cho chim nghe, chuẩn bị rượu ngon cho nó uống, giết bò mổ dê cho nó ăn, hàng ngày đều cung phụng nó theo lễ nghi như vậy.
Thế còn con chim biển thì sao? Mắt nó đờ đẫn, thần sắc ủ rũ, không ăn một miếng thịt, không uống một ngụm rượu, suốt ngày ủ dột và ba ngày sau thì chết.
Trang Tử mượn lời Khổng Tử để tổng kết, gọi đó là "dĩ kỷ dưỡng dưỡng điểu, phi dĩ điểu dưỡng dưỡng điểu dã", nghĩa là dùng cách nuôi người để nuôi chim chứ không phải nuôi chim theo cách nuôi chim. Đây cũng là kiểu cư xử với chim theo nghi lễ của con người chứ không phải cư xử với chim theo tâm tư của chim.
Việc như vậy có không ít trong cuộc sống của chúng ta. Đừng nói là với bạn bè hoặc với người khác, mà ngay đối với đứa con yêu quý của mình, rất nhiều người phải chăng cũng từng cư xử theo lối như thế?
Khi đứa trẻ mới ra đời, người Trung Quốc xưa thường dùng chăn bọc chặt nó lại, họ cho rằng như thế chân đứa trẻ sẽ rất thẳng, hơn nữa có thể tránh cho đứa bé tự cào trầy mặt hay cho tay vào miệng ngậm.
Nhưng theo những nghiên cứu của khoa học ngày nay về giáo dục trẻ thì tay là bộ não thứ hai của trẻ, nếu bó buộc tay, tất nhiên trẻ sẽ không thể tự làm trầy xước mặt, cũng không thể mút ngón tay, nhưng thần kinh nhận biết của trẻ ngay từ đầu đã bị hạn chế, bất lợi cho sự phát triển về sau. Bởi vậy các bệnh viện hiện đại khuyên nên chú ý trông coi trẻ, cắt ngắn móng tay để tránh trầy xước cho trẻ nhưng nhất định không được bó buộc chân tay trẻ.
Cách thức truyền thống nêu trên đã được cởi bỏ. Nhưng chúng ta thử nghĩ xem, có bao nhiêu phụ huynh đã bó buộc tinh thần trẻ trong suốt quá trình trưởng thành của con?
Chúng ta thường yêu cầu trẻ theo tiêu chuẩn của thế giới người lớn. Bạn muốn sau này con mình thành danh trong xã hội, nên từ khi ba tuổi đã ép con học dương cầm, bốn tuổi học mỹ thuật, năm tuổi phải học múa ba-lê. Nếu không lúc con sáu tuổi đi học, bạn có gì để so với người khác? Mà ngay khi con mới vào lớp một, bạn đã dự tính đăng ký cho con tham gia một lớp toán Olympic, v.v. và v.v. Theo bạn, chỉ có như thế thì con mình mới có thể đứng vững trong một xã hội đầy cạnh tranh giống như cha mẹ chúng, mới có thể thi đậu vào đại học.
Chúng ta cư xử với đứa con yêu quý nhất của mình bằng quy tắc và cách thức của thế giới người lớn, không cho chúng thời gian vui vẻ đáng có của tuổi thơ mà tước đoạt tuổi thơ của con bằng những tiêu chuẩn của người lớn, như thế khác nào việc bày rượu thịt trước mặt chim biển?
Thiện ý này đôi khi có thể dẫn đến hậu quả xấu khôn lường. Hậu quả đó không khác kết cục của một câu chuyện ngụ ngôn được Trang Tử viết trong thiên Ứng đế vương. Chuyện kể rằng:
Vua Nam Hải tên là Thốc, vua Bắc Hải tên là Hốt. Nam Hải và Bắc Hải cách xa nhau nên nếu muốn gặp nhau, họ thường hội kiến ở giữa hai nơi đó. Vua của vùng đất chính giữa này tên là Hỗn Độn.
Tương truyền Hỗn Độn là một khối thịt lớn mông muội chưa khai mở. Ông là người rất nhiệt tình hiếu khách, lần nào cũng tiếp đãi họ rất chu đáo. Thốc và Hốt nhìn Hỗn Độn, rất lấy làm áy náy vì thấy ông không có mắt tai miệng mũi, không được hưởng thụ lạc thú nhân gian. Thế nên để đền đáp thịnh tình của Hỗn Độn, hai người bàn nhau: "Ai cũng có thất khiếu, có thất khiếu sẽ ăn uống được, nghe nhìn được, mọi mừng giận bi hoan, vẻ đẹp thanh sắc chốn nhân gian đều có thể thu vào tầm mắt. Còn Hỗn Độn thì không có, nên làm thế nào? Chúng ta hãy khoét cho ông ấy".
Thế là hai người mỗi ngày khoét một lỗ, tổng cộng bảy ngày. Kết quả là gì? Bảy ngày sau thất khiếu đã thành nhưng Hỗn Độn thì chết.
Hỗn Độn được khoét thất khiếu là đã đánh mất đi bản thân ông ấy. Sở dĩ ông ấy sống được chính là nhờ qua trạng thái hỗn độn đó, ông ấy có thể nhìn khắp trời đất; đến khi khoét thất khiếu, ông ấy đã xa rời bản thể sống của mình.
Đây đâu chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn?
Cái gọi là xã hội hóa của con người thực chất là chúng ta bị xã hội nhào nặn, chạm khắc trong quá trình chúng ta trưởng thành. Đến cuối cùng, chúng ta biến thành một người lớn theo tiêu chuẩn của xã hội, nhưng khi ấy chúng ta cách tấm lòng son - trạng thái hỗn độn vốn có của chúng ta - bao xa?
Câu chuyện ngụ ngôn mà Trang Tử kể cách chúng ta rất xa chăng? Điều chúng ta được nghe chỉ là những câu chuyện thôi sao? Thực ra, chúng có thể rất gần chúng ta. Tôi từng đọc được một câu chuyện như sau:
Có một con chim ưng nhỏ, từ nhỏ nó lớn lên cùng với đàn gà và nó cứ tưởng mình cũng là một con gà con. Vì thế khi chủ nhân thật sự muốn thả chim ưng đi, nhưng dụ dỗ, đánh mắng thế nào nó cũng không bay được, vì nó nghĩ mình là một con gà con không biết bay.
Cuối cùng chủ nhân thất vọng, nói:
- Ta đã uổng công nuôi một con chim ưng chẳng được tích sự gì. Thôi quăng nó đi.
Rồi ông mang con chim ưng lên vách núi, ném nó xuống như ném một con gà chết. Chim ưng rơi xuống từ trên vách núi, trong khi rơi xuống với tốc độ chóng mặt, nó vỗ đôi cánh và bỗng nhiên bay lên trước khi rơi xuống đất.
Tại sao vậy? Vì trong khi rơi từ trên cao xuống, thiên tính của chim ưng đã được khơi dậy, khôi phục, nó đã biết đôi cánh của mình hữu dụng.
Thực ra trong quá trình trưởng thành, chúng ta có một tiềm năng nào đó mà chưa được khơi dậy.
Thí dụ, bạn chưa gặp được một nghề thực sự yêu thích để có thể khiến bạn dồn sức cho nó. Bạn chưa cảm nhận được niềm vui trong nghề nghiệp đó, chưa được nếm trải niềm vui được thăng tiến, nên một số kỹ năng vĩnh viễn bị che khuất.
Thí dụ trên cõi đời này, nếu bạn chưa gặp được người yêu đích thực thì sức mạnh tình yêu của bạn có thể bị che lấp. Mặc dù bạn có gia đình, có con cái, có cuộc sống bình thường trong mắt người bình thường, nhưng ngọn đuốc rực rỡ trong lòng bạn chưa từng được thắp lên, chỉ vì bạn chưa gặp được người ấy.
Chúng ta cần suy nghĩ một cách nghiêm túc, cần không ngừng tự hỏi: Trong cuộc đời đã bao nhiêu lần mình bỏ qua chính mình? Chúng ta đã thật sự tìm được cơ hội khai phá chưa? Làm thế nào để tìm được cơ hội ấy?
Trong thiên Nhân gian thế, Trang Tử đã dạy cho chúng ta khả năng nhận thức chính mình, tổng kết thành hai chữ là "tâm trai", tức là dùng trai giới trong tâm để thật sự tự kiểm, tự xét mình.
Câu nói này Trang Tử gán cho Khổng Tử. Học trò
Khổng Tử là Nhan Hồi hỏi thầy:
- Con muốn ra ngoài làm việc, con định đến nước Vệ ngăn chặn những tội ác của bạo chúa.
Khổng Tử không vui, nói:
- Con đừng đi. Sau khi con đi, gặp một bạo chúa như vậy, con khuyên can không được, ngược lại sẽ bị ông ta giết mất. Bây giờ con còn đang nông nổi, chưa thấy rõ chính mình, con đi làm việc gì cũng sẽ thất bại. Trước hết hãy đi trai giới đã.
Nhan Hồi bèn hỏi thầy:
- Nhà con rất nghèo, không được uống rượu ăn thịt đã mấy tháng nay. Con luôn sống khổ cực, đó có được coi là trai giới không?
Khổng Tử đáp:
- Điều con nói đó là trai giới trong cúng tế chứ không phải trai giới trong tâm.
Nhan Hồi hỏi:
- Thế nào là trai giới trong tâm? Khổng Tử đáp:
- Trên đời này, con người ta không chỉ nghe bằng tai, mà còn nghe bằng tâm, càng phải nghe bằng khí. Dùng hơi thở để thực hiện mọi sự cảm nhận, trở về với tâm, được chính mình xác nhận, đó gọi là tâm trai.
Câu nói này mặc dù gán cho Khổng Tử nói, nhưng lại bắt nguồn từ Trang Tử. Ông viết đoạn văn này là muốn cho chúng ta biết một phương thức để nhận thức chính mình.
Thực ra đôi mắt của mỗi người đều có hai khả năng là phát hiện bên ngoài và tự nhìn bên trong. Nhìn ra ngoài có thể phát hiện một thế giới vô cùng rộng lớn, nhìn vào trong có thể phát hiện một thế giới nội tâm sâu vô cùng tận.
Có thể nói, thế giới bên ngoài rộng lớn bao nhiêu thì chiều sâu trong lòng cũng bằng chừng ấy, cả hai hoàn toàn tỷ lệ thuận với nhau.
Đáng tiếc là chúng ta dùng cả cuộc đời cho việc phát hiện bên ngoài mà chưa bao giờ nhìn xem trong lòng mình rốt cuộc có ý nguyện gì.
Có thể là trong quá trình trưởng thành của chúng ta có quá nhiều sự vật được sắp đặt sẵn, thí dụ việc học tập lúc nhỏ, nghề nghiệp khi trưởng thành, gia đình sau này, như thể mọi việc đều được sắp đặt sẵn, không có sự theo đuổi, không có sự thưởng thức của chính mình, thậm chí cũng không gặp chút khó khăn nào, bởi thế chúng ta không thể thật sự xác định được nguyện vọng của chính mình.
Có một câu chuyện như sau:
Có một người được gọi là Ngư vương (vua đánh cá), đánh cá rất tài, thậm chí còn được phong là Ngư thần (thần đánh cá). Ông có ba người con trai. Ba người con này từ nhỏ theo cha ra biển, nhưng kỹ năng đánh cá chỉ ở mức bình thường chứ đừng nói là sánh được với cha. Vì vậy, Ngư vương rất buồn bực.
Sau đó một triết gia đi đến, hỏi Ngư vương:
- Ba người con của ông bắt đầu theo ông đánh cá từ khi nào?
Ngư vương đáp:
- Từ nhỏ chúng đã lớn lên trên thuyền, chưa bao giờ rời khỏi thuyền đánh cá.
Triết gia hỏi:
- Bọn trẻ học kỹ năng đánh cá của ông phải không? Ngư vương đáp:
- Từ lúc chúng còn nhỏ tôi đã tận tay chỉ dạy cho chúng, không bỏ qua một điều gì. Tôi dạy tận tâm cho từng đứa, không giấu bí quyết nào.
Triết gia hỏi:
- Bọn trẻ thường tự đánh cá ở đâu? Ngư vương đáp:
- Đương nhiên là trên thuyền tôi. Để tôi kiểm tra chúng, chúng sẽ không thể có sai sót. Tôi luôn cho chúng biết dấu hiệu nào là có cá lớn, cất lưới thế nào sẽ có thu hoạch tốt nhất.
Hỏi xong ba câu hỏi, triết gia bảo Ngư vương:
- Bi kịch của ba đứa con của ông là mọi thứ đều đã được ông sắp đặt sẵn. Chúng nhận được kinh nghiệm của ông, nhưng chúng thiếu rèn luyện cách bắt cá. Chúng chưa từng rời xa ông để tự thực hành, chúng không biết sự trắc trở và khó khăn nên hầu như không nhận được bất cứ bài học nào. Kinh nghiệm cả đời ông tổng kết được, đối với chúng chỉ là những giáo điều tầm thường.
Ý nghĩa câu chuyện này cũng có thể áp vào mỗi chúng ta. Những kinh nghiệm gián tiếp mà ta có được là hữu dụng, nhưng chỉ kinh nghiệm gián tiếp thôi thì có đủ không?
Ngày nay chúng ta thường nói, sống phải bớt đi đường vòng. Thực ra xét theo một ý nghĩa nào đó, cuộc sống không có đường vòng. Nếu bạn không đi trên đoạn đường đó thì sao có thể đi đến hiện tại? Nếu không đứng ở hiện tại, làm sao có thể quay đầu nhìn lại để nói đó là đường vòng?
Mỗi con đường đời đều buộc bạn phải đo bằng chính bước chân của mình. Mà trong quá trình đó, chúng ta phát hiện ra chính mình và được xác nhận.
Mỗi con đường đời đều buộc bạn phải đo bằng chính bước chân của mình. Mà trong quá trình đó, chúng ta phát hiện chính mình và được xác nhận.
Mỗi người đều cần liên tục nhìn lại chính mình, đây là một điều kiện quan trọng trong việc tự nhận thức.
Điều quan trọng nhất trong việc nhận thức đúng đắn về chính mình là cần phải tự biết mình. Làm thế nào để tự biết mình? Làm thế nào để không bị ảnh hưởng bởi cách đánh giá bên ngoài mà nhận biết đúng năng lực của mình?
Trang Tử luôn có cái nhìn tỉnh táo về mình. Từ trạng thái cuộc sống theo ý nghĩa vật lý đến cảnh giới cuộc sống theo ý nghĩa tinh thần, Trang Tử luôn giữ một cái nhìn tỉnh táo.
Chúng ta phải giữ một đôi mắt tâm hồn bên ngoài hình hài của mình.
Việc này không ai khác có thể làm được thay ta. Mặc dù đôi mắt ấy luôn nhắc nhở về điều được và mất, đúng và sai, nhưng chúng ta thường mù quáng nghe theo quá nhiều lời bàn tán của người khác mà để lạc mất cái tâm của mình.
Chúng ta phải giữ một đôi mắt tâm hồn bên ngoài hình hài của mình.
Có được một đôi mắt tâm hồn luôn luôn nhìn nhận lại mình, chúng ta mới đạt đến mức vinh nhục không dao động, hiểu rõ mong muốn đích thực trong lòng mình.
Trong thiên Dưỡng sinh chủ, có một câu chuyện rất quen thuộc là Bào Đinh mổ bò. Chúng ta thử coi cuộc sống của mình là con bò trong tay Bào Đinh, xem thử đến nay chúng ta đã thật sự mổ xẻ được mình chưa?
Bào Đinh mổ bò ra sao? Cánh tay ông vung lên, vai tì vào, chân giẫm xuống, đầu gối ghì lấy, toàn bộ động tác trông như vũ đạo, tiết tấu âm thanh phát ra khi mổ bò như tiết tấu của nhạc. Chỗ nào dao tới là con bò tức khắc bị phanh ra, như một đống bùn rơi xuống đất, xương cốt rõ ràng, toàn bộ thịt bò bị cắt rời ra hết.
Thực sự là một cuộc biểu diễn điêu luyện, nghệ thuật tuyệt vời! Những người chứng kiến trầm trồ kinh ngạc, hỏi:
Có được một đôi mắt tâm hồn luôn luôn nhìn nhận lại mình, chúng ta mới đạt đến mức vinh nhục không dao động, hiểu rõ mong muốn đích thực trong lòng mình.
- Làm sao bác làm được như vậy? Bào Đinh giải thích:
- Lúc bắt đầu mổ bò, những gì tôi nhìn thấy là cả con bò, tức là hỗn độn, không nhìn rõ cái gì. Thứ tôi để ý đến là "đạo", không còn để ý đến kỹ xảo nữa. Tôi có thể suy luận ra từ đạo, chứ không chỉ dựa vào kỹ xảo. Sau ba năm tôi không còn nhìn thấy cả con bò nữa, trong mắt tôi khi ấy chỉ còn xương của nó mà thôi, tức là qua lớp lông và lớp da dày của nó, tôi có thể nhìn thấy hướng đi của xương da. Khi đó tôi có thể dùng dao lách vào khe xương của nó một cách chính xác mà không còn bị vấp, như thế tôi sẽ đạt được hiệu suất tối đa, sẽ thuận lợi hơn trong lúc mổ.
Bào Đinh nói tiếp: Không phải đầu bếp nào cũng như nhau. Cùng là thợ mổ, nhưng người đầu bếp giỏi một năm mới thay dao, vì họ chuyên dùng dao để cắt; người đầu bếp bình thường hàng tháng phải thay dao, vì họ chuyên dùng dao để chặt. Tôi đã dùng con dao này 19 năm mà chưa hề thay, dao vẫn như mới.
Người đầu bếp này đã nói một câu rất sâu sắc, đó là "dĩ vô hậu nhập hữu gian" (lấy cái bề mỏng của con dao mà đưa vào chỗ kẽ). Dao sắc thì thường rất mỏng, mà giữa xương thì có kẽ, dùng dao mỏng đưa vào kẽ xương một cách chính xác, thì làm sao có thể hỏng được? Cho nên suốt 19 năm dùng một con dao mà nó vẫn y như mới.
Chúng ta đưa câu chuyện này vào cuộc sống ngày nay, nếu ai cũng có thể làm được giống như người đầu bếp nọ, làm cho tâm hồn chúng ta có một con dao sắc vĩnh viễn, làm cho chúng ta luôn nhìn thấy những kẽ hở giữa các xương bò để có thể mổ nó một cách chuẩn xác mà không cần chặt xương, mọi người không cần hàng ngày làm ra vẻ bi tráng trong tiếng thở dài não nuột, khiến cuộc sống trở nên có giá trị hơn, thì thứ chúng ta nhận được chính là hiệu suất của cuộc đời.
Trang Tử cho chúng ta biết, trong lòng bạn có cảnh giới lớn, bạn mới nhìn rõ cái chất thật sự trong lòng vượt qua hành vi, có nghĩa là đại đạo, đại khí, đại nhân, đại liêm, đại dũng thật sự trong lòng, tất cả đều ẩn trong lòng chứ không phô trương.
Sự ẩn giấu trong lòng này được Trang Tử gọi là "thiên phủ" - tấm lòng một người phải chứa đựng vạn vật trời đất giống như thiên phủ, tức là kho của vạn vật trong trời đất.
Trong thiên phủ có chứa gì? Có hai chữ "bảo quang" (giữ gìn ánh sáng). Bảo quang là gì? Là bảo toàn một sự quang minh lớn trong lòng bạn, sự quang minh này biến đổi trong vạn vật trời đất, giống như một biển nước mà khi triều lên thì mực nước cũng không dâng cao, còn khi mọi người đều múc nước ở đó thì mực nước cũng không vơi cạn; bạn không biết đầu nguồn của nó ở đâu, nhưng nó là vô tận, lấy không hết, dùng không kiệt, chiếu khắp vạn vật, đây là một thứ ánh sáng ở trong lòng.
Từ nhận thức chính mình cho đến lắng nghe chính mình, đến hàm dưỡng thai nghén chính mình, đó là cả một quá trình sống tốt đẹp. Mỗi người đều có một "kho trời", có thể có năng lực tự giữ lấy ánh sáng. Được như thế, con người sẽ không dùng sự vật bên ngoài để luận về năng lực của mình nữa.
Mọi người đều biết tiếng của danh y Biển Thước, tên ông quen thuộc đến mức trở thành tên gọi chung cho các danh y Trung Quốc.
Từ nhận thức chính mình cho đến lắng nghe chính mình, đến hàm dưỡng thai nghén chính mình, đó là cả một quá trình.
Có lần Ngụy vương hỏi Biển Thước:
- Ta nghe nói ba anh em nhà thầy đều giỏi y thuật, thầy thử nói cho ta xem trong ba người, y thuật của ai cao minh nhất?
Biển Thước thành thực đáp:
- Anh cả của thần y thuật cao nhất, anh hai của thần thứ hai, còn thần y thuật kém nhất trong ba anh em.
Ngụy vương ngạc nhiên hỏi:
- Thế tại sao thầy lại nổi tiếng trong thiên hạ, còn hai người anh lại chẳng ai biết đến?
Biển Thước đáp:
- Vì anh cả thần chữa bệnh cho người thường là phòng bệnh khi nó chưa xảy ra, người bệnh này hầu như đã được chữa khỏi từ khi chưa có triệu chứng gì bộc lộ ra ngoài, người đó trông như không có bệnh gì cả, cho nên người ta không biết anh ấy đã trừ bỏ trước bệnh cho người. Còn người anh thứ hai của thần thì trị được bệnh khi bệnh mới có dấu hiệu triệu chứng, ngay từ đầu anh ấy chữa trị dùng thuốc, đuổi được bệnh, nên người ta cho rằng anh ấy chỉ chữa được bệnh vặt, mà không biết rằng nếu để bệnh phát triển tiếp thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng, cho nên danh tiếng anh chữa được các bệnh vặt lan truyền nơi thôn quê. Còn thần, tại sao lại nói y thuật của thần kém nhất? Là bởi thần chỉ có thể ra tay khi tính mạng người ta đã nguy cấp. Điều thần có thể làm được là phá huyết mủ, phẫu thuật, đắp thuốc cho người ta, những việc dính dáng đến máu me đều do thần làm, kết quả vừa ra tay là có thể cải tử hoàn sinh, cho nên thanh danh của thần vang khắp thiên hạ. Nhưng bệ hạ hãy xem, ba anh em thần, người có thể phòng bệnh khi nó chưa xảy ra là giỏi nhất thì lại không được thiên hạ biết đến; người ra tay chữa khỏi khi bệnh mới phát thì bị người ta coi là chỉ biết chữa bệnh vặt, danh chỉ truyền nơi thôn quê; còn đến khi sinh mạng sắp mất mới ra tay cứu người, cứu thế nào thì vẫn để lại di chứng, người bệnh đều bị tổn hại, nhưng thần lại lừng danh thiên hạ.
Câu chuyện này cho chúng ta biết điều gì? Đó là tiêu chuẩn đánh giá của thế tục không hẳn là đánh giá đúng giá trị của một con người, sự đánh giá của chúng ta đối với chính mình chỉ có chính lòng mình mới đưa ra được đáp án đúng đắn.
Có một câu chuyện dân gian kể rằng một chủ nhà nọ sống cùng với một con khỉ và một con lừa. Con khỉ rất tinh khôn, luôn nhảy nhót trong nhà, người chủ thấy vậy liền khen rằng con khỉ thông minh.
Con lừa thấy khỉ được khen nên cũng bắt chước theo khỉ. Một hôm nó bước lên đống củi để trèo lên nóc nhà, kết quả vừa lên đến nóc nhà thì giẫm vỡ hết ngói của chủ nhân và bị chủ nhân lôi xuống đánh cho một trận.
Lừa ta nghĩ mình cuối cùng đã làm được việc giống như khỉ, sao lại không được khen ngợi, mà lại bị đòn. Tại sao vậy?
Thực ra cảnh ngộ này xảy ra ở rất nhiều người, tức là chúng ta bắt chước quá đáng hành vi của người khác, chúng ta quá chú ý đến tiêu chuẩn chung của xã hội.
Cái gọi là thời thượng, cái gọi là thịnh hành là một xu thế trào lưu, khiến chúng ta đánh mất lòng mình mà xu theo một tiêu chuẩn thống nhất. Sự việc này xảy ra ở mọi nơi.
Trang Tử luôn nhắc nhở chúng ta: làm thế nào để không chảy vào dòng chảy thế tục? Trước hết phải nhận thức rõ nguyện vọng trong lòng mình, bạn có thật sự đang đối xử tốt với mình theo phương thức của mình không?
Trong thời đại mà truyền thông bùng nổ như ngày nay, những tiêu chuẩn thịnh hành là rất đáng sợ, đã trở thành một thế lực. Giống như mỗi người đều bị sự quấy rối của quảng cáo, dẫn dắt các quyết định mua hàng. Những tiêu chuẩn thịnh hành tác động dần vào bạn như một sự tẩy não. Bạn biết nó không hẳn là tốt, nhưng bạn buộc phải tuân theo.
Chúng ta thường có sự đánh đồng khái niệm, cho rằng thịnh hành tức là thời thượng, nhưng thực ra thời thượng có khi là một sự thú vị của một thiểu số người, còn thịnh hành giống như dịch cúm, nó chỉ đánh dấu một số lượng chứ không đại diện cho sự cao cấp về chất lượng.
Thời đại ngày nay có lẽ cần những đôi mắt "lửa thử vàng" hơn, cần tự soi tự kiểm hơn, cần thoát khỏi tiêu chuẩn bên ngoài hơn cả thời đại của Trang Tử, để đánh giá năng lực của mình và đánh giá năng lực của người khác.
Chỉ có dùng lý tính sáng suốt của mình xác lập tất cả những điều đó, rồi đối xử tốt với người khác, đối xử tốt với bạn bè, đối xử tốt với con cái mới có thể thật sự tôn trọng chính mình và người khác, nhận rõ xu hướng giá trị của một con người, hiểu được lối sống của mỗi giai đoạn, phát huy khả năng của người đó đến mức tốt nhất theo đúng vẻ vốn có của người đó.
Nếu chúng ta tổng hợp lại, đứng ở hiện tại để giải mã bí ẩn trong đó, thì sẽ có một đôi mắt của tâm hồn, đều sẽ có một con dao sắc của Bào Đinh. Nhờ đó, chúng ta có thể nhìn thấu mọi sự thị phi của thế gian, cuối cùng đạt được một lý tính rõ ràng và hoàn thành cuộc sống quý giá có một không hai của mình.