Hai chữ danh lợi là sự theo đuổi suốt đời của biết bao người. Thế nhưng muốn thật sự cảm nhận được cõi tiêu dao du của Trang Tử thì nhất định phải vượt qua danh lợi. Mà nền tảng để vượt qua danh lợi chính là cần có một tâm thế đạm bạc.
Vậy làm thế nào có thể đạt đến tâm thế đạm bạc? Làm thế nào để cảm nhận được đạo lý của thế gian qua những câu chuyện của Trang Tử? Làm thế nào để vượt qua chính mình, đạt đến tầm lý tưởng?
"Vượt qua" (siêu việt) là đề tài chúng ta thường xuyên bàn đến trong cuộc sống.
Thế nào là vượt qua thực sự? Vượt qua phải chăng là dựa trên những nhận biết về thế giới hiện thực để phân biệt cái gì là hằng định bất biến trong cuộc sống hiện thực bề bộn? Bản chất của nó là gì?
Trước tiên xin nói một chuyện ngoài lề.
Trong dịp đi Giang Nam, Hoàng đế Càn Long đến chùa Kim Sơn ở Trấn Giang, ông hỏi cao tăng Pháp Bàn:
- Thuyền bè xuôi ngược dòng Trường Giang tấp nập, vậy rốt cuộc một ngày có bao nhiêu chiếc qua lại?
Pháp Bàn đáp:
- Chỉ có hai chiếc thuyền. Càn Long hỏi:
- Sao lại chỉ có hai chiếc? Pháp Bàn đáp:
- Một chiếc là danh, chiếc kia là lợi, ngày đêm ngược xuôi trên dòng Trường Giang thực ra chỉ có hai chiếc thuyền này mà thôi.
Trong Sử ký, Tư Mã Thiên viết: "Thiên hạ hy hy giai vị lợi lai, thiên hạ nhướng nhướng giai vị lợi vãng" (Thiên hạ tấp nập đều vì lợi mà đến, thiên hạ nhộn nhịp đều vì lợi mà lại). Ngoài lợi ra, người đời coi trọng nhất là danh. Bao nhiêu người vất vả bôn ba, danh và lợi chính là điểm cơ bản nhất chi phối cuộc sống của họ.
Vậy thì Trang Tử nhìn nhận về danh và lợi như thế nào? Trong Tiêu dao du, ông kể câu chuyện vua Nghiêu muốn nhường thiên hạ cho Hứa Do.
Chúng ta đều biết, vua Nghiêu được cổ nhân Trung Hoa xếp hàng đầu trong các bậc thánh nhân, cũng là đại từ chỉ các bậc minh quân trong thiên hạ. Còn Hứa Do là một ẩn sĩ trong truyền thuyết.
Vạn vật là thống nhất, cái nào ngắn cái nào dài? Đạo không có khởi đầu cũng không có kết thúc, còn vạn vật có sinh có tử, hoàn toàn không thể dựa vào thành tích vốn có của chính mình.
- Thu thủy -
Do:
Trang Tử kể rằng, vua Nghiêu trịnh trọng nói với Hứa
- Khi mặt trời và mặt trăng chiếu sáng vĩnh hằng xuất hiện, chúng ta còn đốt đuốc để so độ sáng cùng nhật nguyệt, chẳng phải là quá khó hay sao? Mưa đã rơi kịp thời, vạn vật đã tắm trong nước ngọt, chúng ta còn tưới thêm nước, phỏng có ích gì đối với mạ non?
Và thành khẩn nói tiếp:
- Tiên sinh, ta nhìn thấy thầy là biết rằng, ta trị vì thiên hạ chẳng khác nào ngọn đuốc gặp ánh mặt trời, như thể một thùng nước gặp nước mưa ngọt từ trời giáng xuống, ta không xứng đáng, vậy nên xin nhường thiên hạ lại cho thầy.
Chúng ta thấy, địa vị được nhường không phải là một chức quan nhỏ bé, mà là vua Nghiêu nhường cả thiên hạ cho Hứa Do. Vậy Hứa Do nói thế nào?
Hứa Do bình thản đáp:
- Ngài trị vì thiên hạ đã rất tốt, tôi còn cần thiên hạ làm gì? Tôi thay thế ngài lẽ nào chỉ vì cái danh? So giữa danh và thực thì thực là chủ, còn danh là khách, lẽ nào tôi đến chỉ vì vị khách này thôi sao? Vậy thì xin kiếu.
Tiếp đó Hứa Do dùng một thí dụ kinh điển: "Tiêu liêu sào vu thâm lâm, bất quá nhất chi; yển thử ẩm hà, bất quá mãn phục". Nghĩa là: Một con chim hồng tước nhỏ làm tổ trong rừng, dù có cánh rừng bạt ngàn cho nó đậu, thì chỗ nó làm tổ cũng chỉ có một cành cây. Một con chuột uống nước sông, dù có cả dòng sông dạt dào cho nó uống thỏa thích, nhiều lắm nó cũng chỉ uống được đầy cái bụng nhỏ bé của nó mà thôi.
Chúng ta thử nghĩ xem, trong cả cuộc đời, một con người ăn được bao nhiêu cơm? Ở chiếm mất bao nhiêu diện tích? Lên giường nằm, chỗ của bạn cũng chỉ có bấy nhiêu, bất kể bạn ở trong ngôi nhà sang trọng 300 mét vuông, hay trong biệt thự hàng nghìn mét vuông, không gian thực tế bạn cần cũng giống như bao người khác.
Tâm thế đạm bạc, trầm lắng sâu xa này của Hứa Do, ngay cả thiên hạ cũng có thể nhường đi, chính là một tầm vóc và tấm lòng cực kỳ rộng lớn.
Nhà thơ Lebanon nổi tiếng Khalil Gibran từng cảm thán: "Chúng ta đã đi quá xa, xa đến nỗi quên mất tại sao chúng ta phải xuất phát".
Chúng ta đang đi, chúng ta đang bôn ba, chúng ta suốt ngày bận rộn, nhưng lại quên mất lý do tại sao chúng ta sống ở đời.
Rất nhiều khi chúng ta ở vào tình trạng bối rối như vậy. Bởi thế con người cần phải nhìn rõ mục tiêu, nhìn rõ phương hướng của mình cũng như nhìn rõ sự suy tính trước mắt.
Con người cần phải nhìn rõ mục tiêu, nhìn rõ phương hướng của mình cũng như nhìn rõ sự suy tính trước mắt.
Đạo lý lớn của cuộc sống, cảnh giới lớn của cuộc sống lại thường được phát hiện và cảm nhận từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.
Vậy thì làm thế nào để nhìn ra cảnh giới lớn từ những điều nhỏ bé?
Muốn nhìn thấy cảnh giới lớn thì phải xem chúng ta có tâm hồn tĩnh lặng, có đôi mắt trí tuệ hay không. Chỉ cần tĩnh tâm lại, thực sự có một khoảng trống trong tâm hồn để có cái nhìn thấu suốt, chúng ta sẽ thấy ở chỗ không ngờ tới lại có rất nhiều điều chí lý.
Hồi mới bắt đầu nổi tiếng, giọng nam cao lừng danh thế giới Pavarotti từng cảm thấy rất căng thẳng và lo rằng cổ họng mình sẽ không chịu nổi.
Một lần, trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, ông cảm thấy hết sức mệt mỏi. Buổi tối ông trằn trọc trong phòng khách sạn, sợ rằng nếu tiếp tục hát thì cổ họng ông sẽ bị hỏng mất.
Muốn nhìn thấy cảnh giới lớn thì phải xem chúng ta có tâm hồn tĩnh lặng, có đôi mắt trí tuệ hay không.
Lúc ấy ở phòng bên cạnh có một đứa bé đang khóc lóc. Đứa trẻ này hay khóc đêm, khóc mãi không chịu thôi. Pavarotti rất bực bội. Ông càng không ngủ được thì càng bực, càng bực lại càng không ngủ được. Bỗng nhiên Pavarotti nghĩ ra một điều: đứa bé này khóc suốt mấy giờ mà sao giọng vẫn còn lanh lảnh? Ông không buồn ngủ nữa mà lắng nghe, suy nghĩ. Cuối cùng ông phát hiện ra: ở trẻ con mọi thứ đều chưa hoàn thiện, nó không thể chỉ dùng cổ họng, tiếng khóc của trẻ vang khỏe là nhờ dùng khí từ đan điền nên nó không bị khàn giọng.
Pavarotti đã hiểu ra: các bộ phận cơ thể của người lớn thường được sử dụng độc lập, khi hát chỉ sử dụng cổ họng, hát được một lát sẽ bị khàn tiếng. Nếu chúng ta biết cách vận khí đan điền thì sẽ giữ được giọng.
Được gợi mở, Pavarotti bắt đầu luyện cách vận khí đan điền để hát, điều này giúp ông có bước nhảy vọt trong nghệ thuật ca hát. Không chỉ thu được thành công lớn trong chuyến lưu diễn đó, nó còn giúp ông đạt được vị trí đỉnh cao trong nghệ thuật ca kịch thế giới.
Câu chuyện này cho chúng ta biết điều gì? Chúng ta có thể phát hiện những đạo lý lớn từ trong những điều nhỏ bé tinh tế nhất. Mấu chốt là bạn có để tâm hay không, có thực sự lĩnh hội được điều mình cần từ trong những điều nhỏ bé đó hay không.
Chúng ta có đôi mắt như thế nào thì sẽ có cuộc sống thế ấy.
Chúng ta có thể phát hiện những đạo lý lớn từ trong những điều nhỏ bé tinh tế nhất. Mấu chốt là bạn có để tâm hay không, có thực sự lĩnh hội được điều mình cần từ trong những điều nhỏ bé đó hay không.
Chúng ta có đôi mắt như thế nào thì sẽ có cuộc sống thế ấy.
Có rất nhiều người cả cuộc đời theo đuổi thành công, khát khao sự nổi tiếng. Đừng nói là nhường cả thiên hạ, mà ngay một vị trí thấp, thậm chí một cơ hội làm thêm nho nhỏ cũng không chịu bỏ qua. Đó là vì họ cần sự nổi tiếng bên ngoài để chứng minh năng lực của mình.
Có một câu nói thế này: Trong một cuộc đua đích thực, nhà vô địch luôn chạy trước tiếng vỗ tay.
Câu danh ngôn này rất lý thú. Chúng ta thử tưởng tượng, trong một cuộc thi chạy, dù là 100 mét hay marathon, trước khi nhà vô địch chạy đến đích, trên khán đài sẽ không có tiếng vỗ tay; chỉ khi nhà vô địch chạy qua vạch vôi thì tiếng vỗ tay mới vang dậy. Bởi vậy, các vận động viên chạy sau sẽ nghe được nhiều tiếng vỗ tay hơn là nhà vô địch.
Nhà vô địch là người đầu tiên chạy đến đích trong im lặng, mà sự cô quạnh này cuối cùng sẽ mở ra sự huy hoàng của tiếng vỗ tay. Vì thế, nhà vô địch luôn luôn chạy trước tiếng vỗ tay.
Thực ra câu nói này cũng mang giá trị gợi ý đối với mỗi chúng ta.
Sự đạm bạc, cô quạnh, nhường đi của cổ nhân rốt cuộc là tại sao? Họ muốn giữ lại sự tĩnh lặng cho cuộc sống, để cuộc sống của mình cuối cùng có thể trở nên rộng lớn hơn, linh động hơn.
Còn ngày nay, chúng ta lại muốn dùng việc bận rộn để xua đuổi sự yên lặng trong lòng. Yên lặng không phải là một thứ tốt hay sao?
Cô quạnh không có nghĩa là sầu khổ. Thực ra cô quạnh có nghĩa là một khoảng thời gian để tĩnh lặng lại, khi một mình đối mặt với cô quạnh, có thể bạn sẽ nhận thấy những điều mình không ngờ tới.
Một cảnh giới lớn đích thực, nói theo lời Trang Tử, là "bàng bạc vạn vật", ngự trị trên vạn vật, hòa vạn vật làm một.
Trải nghiệm của mỗi người khác nhau, thiên bẩm khác nhau, cuối cùng sẽ quyết định quan điểm của mình, quyết định số mệnh của mình.
Cảnh giới này đã được miêu tả trong Tiêu dao du. Trong thiên này, Trang Tử kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Có hai người tu đạo, một người lên là Kiên Ngô, người kia tên là Liên Thúc. Một hôm, Kiên Ngô nói với Liên Thúc:
- Tôi nghe nói có một vị thần rất phi thường sống trên núi Cô Xạ. Da thịt ông trong suốt, sạch như băng tuyết, chưa bao giờ bị vấy bẩn, thần thái ngây thơ nhu mì như một nàng xử nữ, không hề có chút phiền não ưu tư. Ông không ăn ngũ cốc, chỉ hít gió uống sương. Ông biết cưỡi rồng cưỡi mây dạo chơi khắp bốn biển, ông còn có thể tự do bay lượn trong trời đất. Ông chỉ cần định thần một chút là có thể làm cho ngũ cốc được mùa, làm cho cả năm đó không có bất kỳ tai họa nào. Tôi thì không tin có chuyện như vậy, làm gì có vị thần nào như thế?
Liên Thúc nói:
- Để tôi cho thầy biết, trên đời này, thầy không thể thưởng thức vẻ đẹp rực rỡ cùng với người mù, thầy không thể thưởng thức tiếng nhạc phát ra từ chiêng trống cùng với kẻ điếc. Thầy chỉ biết hình thể con người có kẻ mù, người điếc, bị tàn tật bên ngoài, thầy không biết rằng tâm hồn con người cũng có những khuyết tật như vậy. Ý tôi muốn nói chính là loại người như thầy đấy. Bởi vì thầy không có tầm mắt rộng, không có tấm lòng bác ái, bởi vậy thầy không tin là có những người như vậy. Tôi cho thầy biết, những người như vậy thực sự tồn tại. "Chi nhân dã, chi đức dã, tương bàng bạc vạn vật dĩ vi nhất". Nghĩa là vị thần đó có đạo đức, có thể bao trùm vạn vật, hòa vạn vật vào làm một.
Liên Thúc đã dùng một từ khích động lòng người: "bàng bạc vạn vật" (bao trùm vạn vật), thực ra chính là làm cho mình trở thành bậc chí tôn trong trời đất. Sự "bàng bạc vạn vật" này không nhất thiết phải dựa vào sức thần tiên, mà thường dựa vào nội tâm của chúng ta.
Trên đời này, khi một người có thể ngước nhìn sự to lớn của vũ trụ, cúi nhìn sự hưng thịnh của muôn loài, thu mọi vật vào tầm mắt mình, thì làm sao không có cái tâm bao trùm vạn vật được?
Trong sách của mình, Trang Tử đã nhiều lần nhắc đến cụm từ "tâm du vạn nhẫn" (đưa tâm hồn dao du đến độ cao vạn nhẫn(*)), nhiều lần nhắc đến việc "độc dữ thiên địa tinh thần vãng lai" (cá nhân cùng giao hòa với tinh thần trời đất), đó chẳng phải là bao trùm vạn vật hay sao?
Bởi vậy, Liên Thúc nói: "Chi nhân dã, vật mạc chi thương", nghĩa là ngoại vật không thể làm tổn thương vị thần ấy; hồng thủy ngất trời có thể nuốt trôi mọi thứ, nhưng không dìm chết được ông; đại hạn có thể làm vàng đá tan chảy, đất đai khô cằn, thần cũng không cảm thấy nóng. Tại sao? Vì tâm của vị thần ấy có một sức mạnh, một công lực, một cảnh giới như vậy.
Một vị thần như thế hiển nhiên là nhân vật thần thoại được Trang Tử hư cấu. Mục đích cuối cùng của Trang Tử không phải là kể chuyện thần thoại, mà là nói chuyện đời. Trải nghiệm cuộc đời khác nhau, tố chất thiên tư khác nhau. Trải nghiệm và cảm nhận cuối cùng sẽ quyết định tầm nhìn của bạn.
Ngược lại, cuộc sống của một con người hoàn toàn có thể thay đổi do thái độ. Tính cách bẩm sinh, cơ hội hậu sinh, tầm nhìn của một con người cuối cùng sẽ quyết định số phận của người đó.
Chúng ta thường nói số phận là thứ quá khách quan, hoàn toàn dựa vào cơ hội. Thực ra bạn có quan niệm về giá trị như thế nào thì sẽ quyết định sự lựa chọn như thế ấy.
(*) Nhẫn: Đơn vị đo lường của Trung Quốc thời xưa, một nhẫn bằng bảy hoặc tám thước.
Chúng ta cần một thứ lý tính rõ ràng. Lý tính này là một sức mạnh cứu rỗi cuộc sống chúng ta trong thế giới vật chất hóa rối ren này. Đồng thời, chúng ta cũng cần một thứ cảm tính hân hoan. Phần cảm tính ấy có thể giúp chúng ta luôn tươi trẻ, luôn ngập tràn niềm vui ở mỗi nơi ta đến.
Những người có quan niệm giá trị khác nhau, khi trải qua sự việc giống nhau sẽ có sự cảm nhận cuộc sống hoàn toàn khác nhau. Trang Tử đề xuất: Đạo tuân theo tự nhiên, Đạo có mặt ở khắp mọi nơi. Vậy thì thế nào là "Đạo tuân theo tự nhiên"?
"Du" là một động từ, chữ "du" cho chúng ta biết con người muốn thể nghiệm sự tiêu dao thì phải có một hệ thống động, nghĩa là làm cho cuộc sống linh hoạt hơn, đừng để nó cứng nhắc, phải biết phá vỡ sự tầm thường, bởi trên đời này mọi thứ đều gắn kết trong mối quan hệ biện chứng, những thứ thật sự ổn định đều luôn ở trong trạng thái động.
Chúng ta đều biết đi xe đạp, xe đạp mà dừng lại thì phải có chân chống mới đứng được chứ hai bánh không thể tự đứng vững. Nhưng khi đạp xe đi thì hai bánh lại chạy đựợc, tại sao vậy? Bởi nó giữ được thăng bằng ở trạng thái động, còn ở trạng thái tĩnh thì không.
Trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, có quá nhiều người thấy mất thăng bằng tâm lý khi đứng trước thử thách, đó là bởi thế giới thì vận động, còn bạn lại đứng yên.
Thời đại đang thay đổi, nếu thật sự biết cách lựa chọn, biết cách từ bỏ, xác định chuẩn mực cho mình bằng một tầm nhìn rõ rệt và điều chỉnh trật tự cuộc sống của mình bằng tâm thế "tâm du vạn nhẫn", luôn giữ được thăng bằng trong trạng thái động, thì bạn sẽ không bao giờ ngã, bạn sẽ luôn là chiếc xe đạp đang chạy. Chỉ khi dừng lại, bạn mới thật sự gục ngã. Mà khi gục ngã như thế thì không một ngoại lực nào có thể cứu vãn được.
Thế giới mỗi người nhìn thấy đại thể giống nhau. Nhưng kinh nghiệm và lý lẽ mà mỗi người rút ra lại rất khác nhau. Điều này liên quan đến hai điểm, thứ nhất là trí tuệ, thứ hai là lòng từ bi. Chúng ta có khả năng rút ra bài học từ một cành cây ngọn cỏ không? Có khả năng thể hiện sự quan tâm đối với một bông hoa một chiếc lá bằng tấm lòng lương thiện không?
Đối với một quả bầu, một thân cây, một con hải ly, một chú chim nhỏ, Trang Tử đều có tấm lòng từ bi. Ông biết tôn trọng vật tính trời sinh của chúng một cách tự nhiên, không cố tình đòi hỏi thay đổi theo tiêu chuẩn mà con người đặt ra. Còn chúng ta, cũng bởi những việc vì lợi ích trước mắt, được cho là hữu dụng mà chúng ta nhìn thấy quá nhiều trong xã hội nên nhiều người đã đánh mất tấm lòng xót thương vốn có.
Trang Tử từng kể một câu chuyện như sau:
Một người nước Tống muốn đến nước Việt bán mũ. Theo hiểu biết và suy luận của mình, anh ta cho rằng nước Việt là đất man di, chưa từng nhìn thấy mũ, mình đến đấy bán chắc chắn sẽ ăn nên làm ra. Nhưng đến nơi mới biết, người nước Việt "đoạn phát văn thân", nghĩa là cắt tóc và xăm mình, phong tục tập quán hoàn toàn khác với Trung Nguyên, người ta hoàn toàn không đội mũ.
Câu chuyện này cho chúng ta biết, đừng lấy những quan niệm về giá trị mà mình nghĩ là đương nhiên để đánh giá thế giới.
Rất nhiều khi chúng ta cảm thấy tức giận bất bình, rằng tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia. Đó là bởi vì trong lòng chúng ta có thành kiến.
Chúng ta đã làm không ít việc kiểu như đi bán mũ ở vùng "cắt tóc xăm mình" mà cứ khăng khăng rằng mình đúng, sau đó lại phàn nàn rằng cuộc sống không mang lại cho chúng ta cơ hội tốt. Thực ra đó là thiếu trí tuệ.
Vậy thế nào là cõi tiêu dao của cuộc sống?
Sự tiêu dao này hoàn toàn không phải là cuộc sống của con người bao trùm lên thế giới bên ngoài, trở thành bá chủ tự tôn, đối kháng với vạn vật.
Sự tiêu dao này cần trái tim, cần đôi mắt, cần hơi thở, cần hành động của chúng ta hòa chung với vạn vật trong thế gian.
Sự tiêu dao này cần chúng ta biết thưởng thức hoa nở, lắng nghe nước chảy, biết nhìn thấy chim bay ngang chân trời, mặt trời buổi sáng ló lên trên đỉnh mây. Như thế tâm chúng ta mới trong sạch.
Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt, Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết. Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu,
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết.
Dịch thơ:
Xuân có trăm hoa, thu có trăng Hạ về gió mát, tuyết đông giăng Ví lòng thanh thản không lo nghĩ Ấy buổi êm đềm chốn thế gian.
(Thiền sư Nhất Hạnh dịch)
Hạnh phúc đích thực ở chốn nhân gian là không có việc vướng bận trong lòng. Vậy thì sự vướng bận đó biểu hiện ở cái gì? Biểu hiện ấy chính ở chỗ chúng ta tự dựng chướng ngại cho mình, khiến tầm nhìn của chúng ta không được rộng mở.
Thế thì trong cuộc sống, làm thế nào để tầm nhìn trở nên rộng mở hơn?
Thiền tông có một câu thế này: "Mắt có bụi tam giới cũng hẹp, lòng thanh thản một giường cũng rộng". Trong mắt có bụi, trong lòng có vướng mắc thì người ta thấy "tam giới cũng hẹp". Tam giới là gì? Là kiếp trước, kiếp này, kiếp sau. Chỉ cần việc trong mắt không hóa giải được, trong lòng suốt ngày phiền muộn, bạn sẽ thế chấp cả kiếp này, kiếp trước, kiếp sau của mình. Thế nhưng, nếu bạn mở rộng tấm lòng, sống thanh thản, thì không cần một chỗ quá rộng, mà chỉ cần ngồi trên giường nhà mình bạn cũng có thể cảm thấy trời đất rộng lớn mênh mông.
Vì vậy, muốn thực sự đạt đến tầm tiêu dao cùng trời đất, trước hết cần phải mở rộng tầm nhìn của mình.
Đạo tuân theo tự nhiên, tức là hãy để tâm chúng ta cảm nhận khí của trời đất. Trời đất có ở khắp nơi nên Đạo cũng có ở khắp nơi.
Đạo tuân theo tự nhiên, tức là khích lệ mỗi người đo lịch trình của mình bằng chính bước chân mình, mở mang tâm trí mình bằng chính sự thể nghiệm của mình.
Đạo tuân theo tự nhiên, tức là làm cho chúng ta nhìn thấy mọi chỗ.
Đạo tuân theo tự nhiên, tức là khích lệ mỗi người đo lịch trình của mình bằng chính bước chân mình, mở mang tâm trí mình bằng chính sự thể nghiệm của mình.
Về vấn đề Đạo tuân theo tự nhiên, Trang Tử nói về Đạo như thế nào?
Đông Quách Tử hỏi Trang Tử:
- Đạo ở đâu? Trang Tử đáp:
- Đạo có ở khắp mọi nơi.
Đông Quách Tử không hiểu, bắt bẻ:
- Chí ít thầy cũng phải nói một chỗ chứ? Trang Tử buột miệng nói:
- Ở con sâu cái kiến – Đạo ở trên mình những con côn trùng nhỏ.
Đông Quách Tử rất bất mãn, nói:
- Đạo thấp hèn như vậy sao? Trang Tử lại nói
- Ở trên cây lúa ma, ở trên cây cỏ dại bé nhỏ. Đông Quách Tử càng bất mãn:
- Tại sao Đạo lại càng thấp hèn đến thế? Trang Tử nói nặng giọng hơn:
- Trong gạch ngói.
Đông Quách Tử càng thêm bực bội:
- Sao càng nói càng thấp hèn như vậy? Trang Tử bực mình, bèn nói:
- Trong đống phân.
Lần này thì Đông Quách Tử chẳng biết nói năng sao. Thực ra, nếu thật sự hiểu được đoạn đối thoại này, chúng ta sẽ thấy rằng Đạo tuân theo tự nhiên có nghĩa là trong tự nhiên toàn là đạo lý.
Trời đất có ở khắp nơi nên Đạo cũng có ở khắp nơi.
Có một câu ngạn ngữ nói rằng: Trên sườn núi nở đầy hoa tươi, nhưng trong mắt bò dê thì chúng chỉ là thức ăn.
Đây chính là cuộc sống của chúng ta.
Trời đất có ở khắp nơi nên Đạo cũng có ở khắp nơi.
Chúng ta có thể nhìn thấy hoa tươi, nhưng khi tâm con người bị hai con thuyền danh và lợi che khuất thì thế giới mà chúng ta nhìn thấy có lẽ cũng toàn là thức ăn. Thức ăn là thứ ăn được, là hữu dụng, còn hoa tươi là thứ thần bí, thứ thẩm mỹ, thứ gợi mở tâm trí.
Đừng cho rằng chỉ có bò dê mới nhìn thấy chỉ toàn thức ăn, thực ra trong cuộc sống ngày nay, hàng ngày chúng ta nhìn thức ăn nhiều hơn, thấy hoa tươi ít hơn.
Điều này khiến chúng ta cần thiết phải trở lại với phạm trù Đạo mà Trang Tử nói. Chúng ta cần nhìn trong những thứ thấp hèn nhất, thậm chí bẩn thỉu nhất xem có đạo lý chân chính hay không. Hạ thấp lòng mình xuống để phát hiện, đó là một thái độ. Nói theo lời nhà Phật, chỉ khi cúi đầu, người ta mới nhìn thấu, bạn không cúi đầu sẽ không nhìn thấy.
Cảnh giới tiêu dao du bảo chúng ta phải phóng tầm mắt cho xa, cho chúng ta biết Đạo có mặt ở mọi nơi, thậm chí cho ta biết Đạo ở trong đống phân, tức là muốn chúng ta để tâm suy nghĩ, để tâm hỏi, để tâm nhìn.
Có thể nói trên đời này, đạo lý đích thực vừa cần chúng ta có tầm mắt rộng, vừa cần chúng ta có thực tiễn.
Tương truyền có một hôm Đức Phật không thuyết pháp như mọi ngày mà trước đông đảo tăng thân đại chúng, ngài lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Trong số đệ tử chỉ có Ca Diếp mỉm cười. Khoảnh khắc Ca Diếp mỉm cười gọi là khoảnh khắc tâm hội, tức là tâm lĩnh thần hội, bởi ngài đã hiểu nên mỉm cười(*).
(*) Ở đây tác giả nhắc đến giai thoại thiền "niêm hoa vi tiếu". Chuyện rằng: Hôm nọ, trên núi Linh Thứu, trước mặt đông đảo đại chúng, Đức Phật không thuyết pháp như mọi ngày mà lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Đại chúng ngơ ngác chẳng ai hiểu gì, duy chỉ có đại trưởng lão Ca Diếp mỉm cười. Giai thoại này biểu thị cho pháp môn lấy tâm truyền tâm, một pháp môn siêu ngôn ngữ, siêu văn tự: khi Đức Phật đưa cành hoa lên (niêm hoa) thì ngài Ca Diếp mỉm cười (vi tiếu). Trong pháp môn này chỉ có sự giao cảm, sự rung động giữa hai tâm thức thầy và trò, và hai tâm thức này đã đồng nhất.
Chúng ta thử nghĩ đến hai kết quả, thứ nhất là khi Đức Phật giơ cành hoa lên, tất cả mọi người không ai cười; nếu vậy buổi giảng kinh đã thất bại. Thứ hai là khi Đức Phật niêm hoa, tất cả mọi người có mặt đều cười, thực ra như thế cũng là thất bại bởi đó là điều không tưởng.
Chỉ cần đó là một đạo lý tinh diệu, một đạo lý gần gũi lòng người, thì sự tham ngộ của con người sẽ có nông có sâu, sẽ có xa có gần, sẽ có sự phân biệt cao thấp tùy thuộc vào tâm trí từng người, sự trải nghiệm của từng người, khuynh hướng giá trị của từng người, cảnh giới lý tưởng của từng người.
Thế giới này không bao giờ có cái gì hoàn chỉnh, giúp bạn hiểu đạo lý chính xác giống như một cộng một bằng hai.
Khi Đức Phật giơ cành hoa lên, chỉ có Ca Diếp mỉm cười; khi Trang Tử tiêu dao du, có bao nhiêu tâm hồn thật sự có được không gian rộng lớn để bay bổng, thật sự có được mấy người đạt đến cùng cảnh giới với ông?
Câu hỏi này chúng ta không thể hỏi Trang Tử, nhưng chúng ta có thể truy vấn chính nội tâm của mình.
"Lãnh ngộ trong tâm thái tự do tự tại, chỗ kỳ diệu của nó khó có thể nói cho người hay", đó là một câu trong bài từ của Trương Hiếu Tường thời Tống, thực ra khi chúng ta đọc Trang Tử, mỗi người đều có cảm ngộ giống như khi Đức Phật niêm hoa Ca Diếp mỉm cười; khi chúng ta chậm rãi gập lại một trang sách, cảm thấy tấm lòng lãnh ngộ, thì giá trị của Trang Tử đã được thể hiện ra thật sự. Bởi lẽ Tiêu dao du của ông đã mang lại cho cuộc sống phàm tục của chúng ta một đôi cánh phi phàm.