Bằng rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn, Trang Tử cho chúng ta biết : Tầm nhìn của mỗi con người quyết định sự phán đoán của người đó đối với mọi sự vật, và nó cũng có thể hoàn toàn thay đổi số phận của một con người.
Tầm nhìn rộng sẽ thấy rằng "trời sinh ra ta ắt hữu dụng", còn đứng trên tầm nhìn hẹp thì suốt đời chỉ có thể là một kẻ tầm thường.
Vậy thì chúng ta làm thế nào để phân biệt tầm nhìn rộng và hẹp? Làm thế nào để đạt đến tầm nhìn rộng?
Trong thiên Tiêu dao du sách Trang Tử có một mệnh đề hạt nhân, đó là: Thế nào là lớn? Thế nào là nhỏ?
Tiêu dao du đã mở rộng vô hạn không gian tưởng tượng của chúng ta, cho chúng ta biết mức độ rộng lớn của thế gian vượt xa sự tưởng tượng của chúng ta; mức độ nhỏ của thế gian cũng vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta. Bởi lẽ lớn và nhỏ thật sự không chỉ là ở nơi mắt nhìn, mà còn ở tâm trí của con người; nó không đơn thuần là tầm nhìn được chỉ dẫn qua sách vở, mà nhiều khi nó biểu hiện ra ở rất nhiều quy tắc thực dụng trong đời sống. Có nghĩa là trong cuộc đời con người, tầm nhìn lớn nhỏ ứng dụng khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau, cuộc sống khác nhau.
Chúng ta đều biết Huệ Thi và Trang Tử là bạn thân, giữa hai người từng có rất nhiều cuộc đối thoại. Trong Trang Tử có một câu chuyện như sau:
Một hôm Huệ Thi tìm đến Trang Tử, bảo:
- Ngụy vương cho tôi một hạt bầu của giống lớn, tôi bèn trồng nó, đến khi ra hoa kết trái, kết ra một quả bầu rất to, đầy đặn, lớn đến năm thạch(*). Vì quả bầu lớn quá nên chẳng có ích gì. Nếu bổ đôi nó làm gáo múc nước thì vỏ bầu quá mỏng, múc nước vào nhấc lên sẽ vỡ. Dùng nó để đựng thứ gì cũng không được. Nghĩ đi nghĩ lại, quả bầu này tuy to nhưng vô dụng, nên tôi đã đập nát nó.
(*) Thạch: Đơn vị đo thể tích của người Trung Hoa cổ, 1 thạch = 100 lít.
Trang Tử nói:
- Thầy đúng là không biết cách dùng đồ vật lớn!
Có quả bầu to năm thạch, sao không dùng dây buộc lên mình nó làm thuyền, rồi thỏa thích phiêu du khắp sông hồ, mà lại lo nó quá lớn không biết dùng vào đâu?
- Tiêu dao du -
Và ông kể một câu chuyện như sau:
Ở nước Tống, nhà nọ có một phương thuốc bí truyền hiếm có, đó là thuốc chữa nẻ da, mùa đông giá rét mà bôi vào thì tay chân sẽ không bị nứt nẻ. Bởi vậy nhà họ đời đời sống bằng nghề rửa chân tay cho người.
Một hôm có vị khách qua đường tình cờ nghe nói nhà họ có phương thuốc bí truyền bèn đến thương lượng với họ để mua lại với giá một trăm lạng vàng. Cả nhà nghe xong liền họp nhau lại bàn bạc, nói rằng phương thuốc bí truyền này của nhà ta tuy đã có từ lâu đời, nhưng cả nhà cứ sống bằng nghề rửa chân tay cho người cũng chẳng kiếm được bao nhiêu tiền. Nay người ta bỏ ra cả trăm lạng để mua, sao lại không bán? Chúng ta nên bán nó đi!
Người khách qua đường trả tiền xong, đem phương thuốc đi. Ông ta dùng nó làm gì? Khi ấy chư hầu khắp nơi hỗn chiến để giành đất. Ở miền đông nam là cuộc chiến giữa hai nước Ngô và Việt, đất Ngô Việt đa phần là sông nước. Người này đem phương thuốc bí truyền từ nước Tống đến nước Ngô, đồng thời vào du thuyết Ngô vương. Khi ấy đúng vào lúc quân nước Việt đang tấn công nước Ngô. Vua Ngô bèn phái người này dẫn quân, chọn tháng chạp giá rét phát động thủy chiến với quân Việt. Nhờ có phương thuốc bí truyền của người này nên chân tay quân sĩ không bị cóng, không bị nứt nẻ, lở loét, sức chiến đấu dồi dào, còn quân Việt thì không có phương thuốc ấy. Cuộc chiến này nước Ngô đại thắng nên người dâng phương thuốc bí truyền được cấp đất phong hầu, trở nên giàu sang, sống sung sướng vô cùng.
Phương thuốc này đưa cho những người khác nhau sử dụng sẽ mang lại hiệu quả cuộc sống khác nhau. Nếu có tầm nhìn lớn, bạn sẽ thấy nó có thể quyết định vận mệnh của một đất nước, làm thay đổi thân phận của một con người.
Trang Tử bảo Huệ Thi: Quả bầu lớn cũng vậy. Sao thầy lại cho là nó chỉ có thể bổ ra làm gáo? Nếu nó là một quả bầu lớn hoàn chỉnh, sao thầy không dùng dây buộc lên thân nó mà du ngoạn khắp giang hồ? Chẳng lẽ mỗi một đồ vật cứ phải được gia công thành một sản phẩm theo quy định nào đó thì mới là hữu dụng?
Tại sao đồ vật giống nhau vào tay những người khác nhau sẽ có thể sinh ra những giá trị hoàn toàn khác nhau? Câu chuyện ngụ ngôn của Trang Tử cho chúng ta biết: kích thước tầm nhìn của một con người sẽ quyết định phương thức tư duy của người đó. Người ta thường phán đoán giá trị của sự vật một cách bảo thủ bằng con mắt đời thường. Chỉ những người có tầm nhìn rộng lớn mới thấy được giá trị đích thực của sự vật.
Tôi từng đọc một cuốn sách nhan đề là Kho báu ẩn giấu, cuốn sách kể về câu chuyện của một người Mỹ:
Có hai anh em người Đức di cư sang Mỹ, đến New York mưu sinh vào năm 1845. Cuộc sống quá gian nan, họ bèn bàn nhau tìm cách mưu sinh. Hồi còn ở Đức, người anh vốn có nghề làm dưa muối rất ngon. Người em còn quá trẻ, chưa biết làm gì. Người anh bảo: Chúng ta là người quê mùa, ở trong thành phố New York rộng lớn thế này rất khó sinh tồn, để anh đi California trồng cải và tiếp tục làm dưa muối. Người em nghĩ bụng: Dù sao mình cũng chẳng có nghề gì, thôi đành liều ở lại New York, ban ngày làm thuê, tối đi học. Anh học địa chất học và thuật luyện vàng.
Người anh đến một miền quê ở California. Giá đất ở đây rất rẻ nên anh mua một lô đất trồng cải bắp, cải bắp lớn lên dùng làm dưa muối. Anh rất chăm chỉ, hàng ngày trồng rau muối dưa, nuôi được cả gia đình.
Bốn năm sau, người em tốt nghiệp đại học, đến
California thăm anh. Người anh hỏi:
- Giờ trong tay chú đã có gì rồi? Người em đáp:
- Ngoài một mảnh bằng, em chẳng có gì khác. Người anh nói:
- Tôi thấy chú phải nên thực tế một chút, chịu khó làm việc. Để tôi đưa chú đi thăm ruộng rau của tôi.
Người em đến ruộng rau, ngồi xuống xem rau, gạt đất dưới gốc rau và nhìn chăm chú vào đó hồi lâu rồi vào nhà lấy một cái chậu, múc nước, cho từng vốc đất vào rửa.
Anh phát hiện dưới đáy chậu có những mạt vàng lập lánh. Kinh ngạc ngẩng đầu lên nhìn anh trai, anh reo lên:
- Anh ơi, anh biết không? Anh đang trồng cải bắp trên một mỏ vàng đấy!
Chúng ta cũng giống như người anh trong câu chuyện này, thường cứ thản nhiên đón nhận trật tự mà cuộc sống mang lại cho mình. Ngày qua ngày, chúng ta dậy sớm, ngày làm đêm ngủ. Người ta sống thế nào mình cũng sống thế ấy. Chúng ta nuôi gia đình bằng một nghề sở trường trong tay với một cuộc sống rất yên ổn. Chúng ta chưa bao giờ nhảy vọt ra khỏi hệ thống kinh nghiệm mà mình đang có để tự hỏi: Mình còn có thể chuyển sang một lối sống
khác không? Liệu mình có thể phát huy những kỹ năng mà mình đang có lên một tầm mức cao hơn không?
Trong Tiêu dao du, Trang Tử đã đặt ra cho chúng ta một vấn đề muôn thuở: Thế nào là hữu dụng?
Là phụ huynh, có thể chúng ta sẽ nói với con mình rằng: Con chống cằm trên bậu cửa sổ ngắm nhìn bướm cả buổi chiều là một việc làm vô ích; nếu con dùng thời gian đó để luyện dương cầm thì mới là hữu dụng.
Có thể chúng ta nói với con rằng: Cả buổi chiều con nghịch đất, đắp lâu đài là việc làm vô ích; buổi chiều đó con luyện đánh chữ sẽ có ích hơn.
Tôi từng biết một thực nghiệm khoa học như sau: Cho một con bọ nhảy vào trong lọ và đóng nắp lại. Rõ ràng con bọ này biết nhảy cao, nhưng vì nắp lọ đã bị đóng nên vừa nhảy lên, "bốp!", con bọ đụng phải nắp và rơi xuống; lại nhảy lên, lại đụng phải nắp và rơi xuống. Nó vẫn nhảy liên tục, nhưng mỗi lúc một thấp. Lúc ấy, người ta mở nắp ra, thấy con bọ vẫn đang nhảy, nhưng nó đã không bao giờ còn có thể nhảy ra khỏi cái lọ, bởi nó cứ cho rằng trên đỉnh lọ có nắp và nó sẽ không thể vượt qua.
Nền giáo dục của chúng ta ngày nay có một hiện tượng đáng buồn, đó là cha mẹ dùng toàn bộ tình yêu thương của mình để quy định quá nhiều điều cấm kỵ cho con cái, đậy lên đầu con trẻ quá nhiều "cái nắp" hữu dụng.
Chúng ta đã làm cho bọn trẻ nghĩ rằng, đã là một quả bầu thì sau này chỉ có thể trở thành gáo múc nước chứ không thể trở thành một con thuyền lớn đưa con người du ngoạn khắp đầm hồ sông bể. Là một miếng đất thì trên đó chỉ có thể trồng rau, trồng lương thực, chẳng ai cất công tìm hiểu dưới đất có thể ẩn giấu kho báu.
Chúng ta trói buộc tâm trí mình bằng một lối tư duy thường quy. Thái độ sống thường quy của chúng ta đã quy định giới hạn đáng tội nghiệp của chúng ta. Giới hạn đó vốn có thể phá vỡ được. Chỉ có phá vỡ lối tư duy thường quy, chúng ta mới có thể hướng đến cái gọi là tiêu dao du đích thực. Tiêu dao du đích thực chính là không bị bất kỳ sự ngáng trở hay ràng buộc nào.
Hữu dụng và vô dụng có thể chuyển hóa cho nhau. Lẽ nào một con người cứ nhất định phải tuân theo nề nếp, chiểu theo trật tự, làm theo quy tắc để thiết kế cuộc sống của riêng mình?
Có một câu chuyện như sau:
Chỉ có phá vỡ lối tư duy thường quy, chúng ta mới có thể hướng đến cái gọi là tiêu dao du đích thực.
Một công ty lớn tuyển nhân viên truyền tin, những ai thông thạo mã Morse thông dụng trên thế giới đều có thể ứng tuyển. Rất nhiều người hay tin đã đến dự tuyển và được đưa vào đại sảnh của công ty chờ phỏng vấn.
Đại sảnh rất ồn ào. Công ty lớn nên công việc bận rộn, người ra vào đại sảnh tấp nập, người nói chuyện, người gọi điện thoại... rất huyên náo. Mấy chục ứng viên ngồi thành hàng chờ đợi trong không khí ồn ào đó. Cuộc phỏng vấn diễn ra trong một căn phòng nhỏ bí mật ở cuối đại sảnh. Mọi người chờ đợi đến lượt mình được gọi vào.
Lúc ấy có một chàng trai đến muộn. Anh xếp cuối hàng, không có cả chỗ để ngồi. Anh đứng một lát rồi đến thẳng căn phòng bí mật đó, đẩy cửa bước vào. Mọi người đều ngỡ ngàng: Sao anh ta không xếp hàng mà đã đi vào?
Một lát sau, trưởng phòng nhân sự phụ trách việc tuyển dụng dẫn chàng trai ra khỏi phòng và nói với các ứng viên khác đang ngồi chờ:
- Xin lỗi, vị trí nhân viên truyền tin đã có người. Các vị có thể ra về.
Các ứng viên khác đều tức giận bất bình:
- Anh chàng kia đến muộn, còn xông thẳng vào phòng mà lại được tuyển! Chúng tôi đợi ở đây đã lâu, anh chẳng hỏi lấy một câu, không thèm trao cho chúng tôi một cơ hội mà đã kết luận như thế. Tại sao vậy?
Trưởng phòng nhân sự chậm rãi đáp:
- Chúng tôi đã cố tình tạo ra môi trường ồn ào này để tuyển dụng. Lẫn trong các tiếng ồn này, chúng tôi luôn phát ra một âm thanh dưới dạng mã Morse với ý nghĩa: "Ai nghe hiểu được mã này xin mời vào thẳng căn phòng nhỏ ở cuối sảnh".
Chàng trai này tuy đến muộn, nhưng anh ấy nghe được ngôn ngữ mã hóa trong môi trường ồn ào này nên đã thành công. Anh ấy không ngồi chờ theo quy định như những ứng viên khác. Anh ấy thực sự giải được mã này nên hoàn toàn xứng đáng nhận công việc của chúng tôi.
Đây là một câu chuyện trong cuộc sống hiện đại. Bạn thấy đấy, những tình huống như trên luôn có thể xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta đều biết Trang Tử là một bậc đại trí. Bậc đại trí thì không bao giờ dạy chúng ta những điều nhỏ nhặt.
Cái mà ông dạy cho chúng ta là cảnh giới và tầm nhìn. Cảnh giới tiêu dao du là điều mà chúng ta hướng tới.
Thế nhưng chúng ta đã thật sự lĩnh hội được tầm nhìn đủ để đánh giá sự vật một cách hoàn chỉnh hay chưa? Nếu có được tầm nhìn như vậy, chúng ta sẽ nắm bắt được từng cơ hội đến với mình.
Ngày nay chúng ta thường xuyên nhắc đến một từ thời thượng, đó là "sức mạnh nội tại". Thực ra mỗi người chúng ta đều cần tự hỏi chính mình: Sức mạnh nội tại là gì?
Sức mạnh nội tại là thứ không thể bắt chước, đó là cái duy nhất.
Nếu có một quả bầu nhỏ, ta dùng nó làm gáo múc nước là hữu dụng. Nếu có một thân cây nhỏ, ta dùng nó làm bàn làm ghế là hữu dụng. Nhưng với một quả bầu khổng lồ thì ta không nhất thiết phải bổ đôi nó ra làm gáo, mà ta có thể dùng làm thuyền du ngoạn khắp sông hồ thì nó vẫn hữu dụng; một cây đại thụ không cần đốn xuống lấy gỗ mà nó có thể đứng đó, tỏa bóng râm cho người nghỉ chân cũng là hữu dụng.
Con người đừng bao giờ hâm mộ người khác một cách thái quá. Bạn hãy tự hỏi lòng mình: Sức mạnh nội tại của mình là gì? Mình có điểm nào mà người khác không thể thay thế được?
Sức mạnh nội tại của mình là gì? Mình có điểm nào mà người khác không thể thay thế được?
Sách Trang Tử kể rất nhiều chuyện về cây. Trong thiên Nhân gian thế, Trang Tử kể một câu chuyện về cây như sau:
Một người thợ mộc họ Thạch đến nước Tề, trên đường đi nhìn thấy một cây sồi cổ thụ. Cây sồi này được người địa phương thờ làm thần thổ địa.
Cây này lớn đến mức nào? Mô tả của Trang Tử thường rất cường điệu. Ông kể, bóng của cây này có thể che cho mấy nghìn con bò hóng mát dưới gốc cây, đo thân cây được mấy trăm thước, cao tựa núi, cành mọc ở trên cao không biết bao nhiêu trượng.
Cây đại thụ này thu hút rất nhiều người đến ngắm, nhưng bác thợ mộc họ Thạch chẳng thèm liếc nhìn đã bỏ đi. Học trò của bác hỏi:
- Cây gỗ tốt như vậy sao thầy chẳng thèm ngó ngàng đã bỏ đi?
Bác thợ họ Thạch đáp:
- Đây là loại gỗ xấu. Đóng thuyền, thuyền sẽ chìm; đóng quan tài, quan tài sẽ nhanh mục; làm đồ đựng, đồ đựng sẽ nhanh gãy; làm cửa, cửa sẽ nhanh bẩn; dùng nó làm cột, cột sẽ có mối mọt. Bởi vậy đó là "bất tài chi mộc" (cây gỗ bất tài), làm gì cũng không được.
Đến đêm, bác thợ mộc họ Thạch mơ thấy cây sồi đó đến nói chuyện với mình.
Cây sồi nói:
- Ông nói tôi là cây vô dụng, nếu tôi hữu dụng thì chẳng phải đã bị các ông chặt từ lâu rồi sao? Đâu còn sống đến nay để to đến thế này?
Rồi nó nói tiếp:
- Ông xem những loài cây ăn quả, chúng được coi là cây hữu dụng, hàng năm ra quả trĩu cành, được mọi người khen ngợi, kết quả là bị vặt trơ cành, cành con cũng bị cong vẹo. Quả trên cành cứ đến khi chín lại bị người ta tranh nhau đến hái. Bởi vì chúng hữu dụng nên mới hại đến chính mình và đã chết từ lâu. Tôi thì nhờ vô dụng nên mới bảo toàn được mình. Đó chính là chỗ hữu dụng lớn của tôi vậy.
Trong thiên Nhân gian thế, Trang Tử thác lời Nam Bá Tử Quỳ nói: Đất Kinh Thị ở nước Tống thích hợp trồng cây thu, cây bách, cây dâu. Những loại cây này khi to bằng
nắm tay, người muốn có cọc cột khỉ sẽ đến chặt cây về; khi cây mọc to đến ba bốn vòng ôm, người muốn làm xà nhà sẽ đến chặt về; khi lớn hơn nữa, đến bảy tám vòng ôm, người giàu có muốn làm quan tài sẽ đến chặt cây mang về.
Những loài cây ấy từ nhỏ đến lớn, dù ở kích thước nào cũng được đánh giá là hữu dụng để làm một thứ gì đó. Nhưng nếu to đến mức ngoài sức tưởng tượng, trở thành đại thụ hàng trăm vòng ôm, cây sẽ giữ được tính mạng.
Hồi ở vùng Lâm Chi thuộc Tây Tạng, tôi từng gặp một cây đại thụ. Đó là cây to nhất mà tôi từng thấy, khoảng hai mươi người mới ôm hết cây. Cây to đến mức đó sẽ biến thành đối tượng được sùng kính. Ai đến đó cũng phải đến nhìn nó. Người ta ca hát nhảy múa, uống rượu dưới gốc cây. Cảnh tượng ấy cũng giống hệt như Trang Tử mô tả. Khi người ta cư xử với nó bằng thái độ ấy thì còn ai nghĩ đến việc chặt cây về làm rương, làm tủ?
Một cây làm chẳng nên non, nhưng lại có thể lớn thành đại thụ chọc trời và trở thành đối tượng được thờ cúng. Phải chăng câu chuyện ngụ ngôn của Trang Tử là một lời nhắc nhở đối với việc chạy theo danh lợi của chúng ta trong xã hội ngày nay?
Khi quan sát sự vật bằng tầm nhìn nhỏ hẹp đời thường, chúng ta thường phán đoán mọi thứ dưới góc nhìn hữu dụng và vô dụng trước mắt. Khi có một tầm nhìn lớn, người ta mới hiểu được thế nào là "trời sinh ta ắt hữu dụng".
Vậy thì, chúng ta phải làm thế nào để có được tầm nhìn ấy?
Sự hữu dụng mà chúng ta nói ngày nay có thể chỉ là sự hữu dụng cục bộ. Còn hữu dụng thực sự là một cuộc sống lớn được nhìn bằng một tầm nhìn lớn.
Tô Đông Pha có câu thơ: "Tiểu chu tòng thử thệ, giang hải ký dư sinh" (Thuyền con nay gắn kết, sông biển gửi kiếp thừa). Lý Bạch cũng vậy, cả đời phiêu lãng tiếu ngạo, cả đời chẳng lụy quyền quý. Khi Lý Bạch về già, Đỗ Phủ đến thăm, hỏi ông còn có việc gì đáng tiếc không?
Lý Bạch đáp: Tôi cầu tiên vấn đạo, luyện đơn chưa thành, nghĩ đến Cát Hồng tiên nhân thời Tấn, người viết ra Bão Phác tử, tự đáy lòng tôi thấy thẹn với ông ấy.
Đỗ Phủ nghe xong sững người: Một bậc tiên thơ mà lại cảm thấy thẹn với Cát Hồng. Đó là một kiểu quan niệm về nhân sinh ra sao? Bởi thế, Đỗ Phủ đã viết tặng ông một bài tuyệt cú:
Thu lai tương cố thượng phiêu bồng, Vị tựu đan sa quý Cát Hồng.
Thống ẩm cuồng ca không độ nhật, Phi dương bạt hộ vị thùy hùng?
Dịch nghĩa:
Thu về cùng ngắm lại đám cỏ bồng phơ phất, Chưa xong thuốc đan sa, thẹn (với) Cát ông. Uống rượu hát ngông sống qua ngày,
Bay bổng ngông nghênh ai có thể cùng tranh hùng?
Dịch thơ:
Thu về ngắm đám cỏ bông,
Đan sa chưa luyện thẹn cùng Cát ông. Qua ngày uống rượu hát ngông,
Nghênh ngang dữ tợn, tranh hùng với ai.
(Trần Trọng Kim dịch) Lý Bạch cả đời bôn ba, về già vẫn phiêu bạt, "thu về"
(thu lai - chỉ mùa thu của đời người), nhưng dường như ông không để ý đến. Và đây chính là cuộc đời của Lý Bạch: "Thống ẩm cuồng ca không độ nhật, Phi dương bạt hộ vị thùy hùng?".
Ba chữ "vị thùy hùng" (ai có thể cùng tranh hùng?) hỏi rất hay! Trên đời này, Lý Bạch không vì quân chủ, không vì sử xanh, không vì công danh, ông không cần để lại một phong hiệu, ông chỉ vì cái tâm của mình. Bởi vậy, ông là một anh hùng trong trời đất không gì ngáng trở được.
Loại anh hùng trong trời đất này được Lý Hạ, người đời Trung Đường tái hiện trong thơ: "Thế thượng anh hùng bản vô chủ" (anh hùng trên đời vốn không có chủ). Chúng ta đừng cho rằng, cứ loại trung thần tử sĩ trung với vua là anh hùng. Anh hùng đích thực phải là người biết làm chủ trái tim mình. Cuộc đời do chính tâm trí mình quyết định ấy sẽ tạo ra những tầm nhìn khác nhau cho mỗi chúng ta. Đó chính là sự giác ngộ của sự sống.
"Giác ngộ" là một thuật ngữ nhà Phật. Chúng ta có thể nhận thấy cách viết hai chữ "giác ngộ" rất lý thú, phần dưới chữ "giác" ( ) là chữ "kiến" ( – nhìn thấy), phần bên phải của chữ "ngộ" ( ) là chữ "ngô" ( – tôi, ta), "ngộ" có nghĩa là tâm ta. Giác ngộ, nói theo ngôn ngữ của chúng ta ngày nay là "nhìn thấy tâm ta".
Chúng ta hãy tự hỏi xem suốt cả cuộc đời, có mấy người nhìn thấy được tâm của mình? Bạn có thể hiểu được thế giới, có thể hiểu được người khác, nhưng chỉ khi nhìn thấy tâm của mình thì mới là giác ngộ.
Giác là trong khoảnh khắc, ngộ là một quá trình. Kết hợp mọi khoảnh khắc của giác và ngộ trong quá trình sống lâu dài, cái cuối cùng mà bạn nhận được sẽ là nhìn thấy tâm mình. Đó chính là sự đại giác ngộ trong cuộc sống.
Trong sự khai ngộ của Thiền tông thuộc Phật gia, giác ngộ được mô tả thành hai giai đoạn:
Giác là giai đoạn thứ nhất, thí dụ bạn nghe thấy một tri thức nào đó và đột nhiên bạn thấy nhãn giới mình thông thoáng, tầm mắt mình mở rộng, đó chính là giác.
Và trong quá trình tu tập lâu dài trong cuộc đời, gặp bất kỳ sự vật nào bạn cũng phải nhìn lại nội tâm để suy nghĩ, để hiểu rõ, tích lũy từ ngày này qua tháng khác, quá trình tìm tòi lâu dài đó gọi là ngộ.
Giác là trong khoảnh khắc, ngộ là một quá trình. Kết hợp mọi khoảnh khắc của giác và ngộ trong quá trình sống lâu dài, cái cuối cùng mà bạn nhận được sẽ là nhìn thấy tâm mình. Đó chính là sự đại giác ngộ trong cuộc sống.
Sách Tam Tự kinh nói: "Nhân chi sơ, tính bản thiện"(tính của con người sinh ra đã là tốt). Nhưng tại sao từ xưa tới nay thế giới này lại ngập tràn tranh đấu?
Triết học của Trang Tử dạy chúng ta phải nhìn cuộc sống bằng một tầm nhìn lớn, mọi vinh hoa phú quý, thị phi phân tranh đều không có ý nghĩa gì cả, điều quan trọng là bạn có một cuộc sống vui vẻ hay không.
Vậy thì làm thế nào để chúng ta có được một cuộc sống vui vẻ?
Mọi sự tranh đấu trên thế giới này xem ra đều hết sức tàn khốc, nhưng dưới ngòi bút của Trang Tử lại hết sức nực cười.
Trong thiên Tắc dương, Trang Tử kể một câu chuyện như sau:
Có hai nước nọ, một tên là Xúc Thị, một tên là Man Thị, đánh nhau để tranh giành đất đai. Cuộc chiến kéo dài rất lâu, tử vong rất nhiều, máu chảy thành sông, nhân dân khốn đốn.
Cuối cùng Trang Tử cho hay, vùng đất mà hai nước giành nhau lớn đến mức nào? Xúc Thị và Man Thị, một nước ở sừng trái ốc sên, một nước ở sừng phải ốc sên.
Điều đó chẳng nực cười sao?
Chúng ta đọc Tả truyện, đọc sử truyện và tản văn Tiên Tần sẽ nhận thấy một quan điểm gọi là "Xuân Thu vô nghĩa chiến" (chiến tranh vô nghĩa thời Xuân Thu).
Người người đều giương cao ngọn cờ chính nghĩa, nhưng thực ra trong loại tranh đấu này, chẳng ai là tuyệt đối chính nghĩa. Chính nghĩa chỉ là một cái cớ để chém giết lẫn nhau mà thôi. Bởi vậy khi hiểu rằng vùng đất mà họ tranh giành lớn nhất cũng chỉ bằng một cái vỏ ốc, chúng ta sẽ rút ra một kết luận như thế nào?
Cuộc sống của chúng ta trôi qua trong chớp mắt giống như tia lửa điện. Trong cuộc sống hữu hạn này, bất kể bạn nghèo khó hay giàu có, bất kể bạn sống như thế nào thì thứ không đáng vứt bỏ nhất chính là niềm vui.
Nếu ai đó so đo tính toán, ai đó hẹp lòng, không biết mỉm cười với cuộc sống thì người đó còn có quá nhiều si mê mà chưa nhìn thấu triệt.
Có người hỏi Phật tổ:
- Phật là gì? Phật tổ đáp:
- Vô ưu (không lo phiền) là Phật.
Con người một khi muốn thật sự đạt đến cảnh giới của tiêu dao thì cần phải thoát khỏi những ràng buộc thông thường, dùng một thứ tư duy ngược chiều để xem nhẹ tất cả những việc có vẻ lớn lao trong cuộc sống như chiến tranh, chính trị, oán thù giết chóc, ân oán, coi chúng chẳng qua chỉ là sự phân tranh trong vỏ ốc sên, như một việc xảy ra trong khoảnh khắc giống tia lửa điện. Mặt khác, mở rộng tâm hồn tự chủ của mình đến tầm vô hạn.
Tôi nhớ Phong Tử Khải tiên sinh từng nói, cuộc sống của con người có thể có ba loại cảnh giới, tức chủ chân, chủ mỹ, chủ thiện.
Đời sống vật chất của chúng ta là chủ chân. Trong cuộc sống, mỗi người đều có quy tắc, có nghề nghiệp, đồng thời phải tuân theo rất nhiều yêu cầu, tất cả rốt cuộc chỉ để tìm đến sự chân thực mà thôi.
Lớp đời sống thứ hai là đời sống thẩm mỹ. Thẩm mỹ ở đây là hai ba người thân bạn bè cùng nghe hòa nhạc, thưởng thức thi ca nghệ thuật.
Tầm mức cao nhất của cuộc sống là đời sống tâm hồn, đời sống tâm hồn này chủ về thiện.
Tầm mức của cuộc sống có lớn, có nhỏ, mà cuộc sống của chúng ta đại thể cũng tương tự.
Tầm mức cao nhất của cuộc sống là đời sống tâm hồn, đời sống tâm hồn này chủ về thiện.
Điều quan trọng không phải là về khách quan chúng ta có cơ hội như thế nào, mà là về chủ quan chúng ta có tấm lòng như thế nào; không phải là khách quan tạo cho chúng ta những cơ hội nào, mà là tâm trí của chúng ta xác lập giá trị quan như thế nào trong việc phán đoán sự hữu dụng và vô dụng.
Khi quá thiên về lợi ích trước mắt, chúng ta bỏ quên vẻ đẹp của trời đất tự nhiên, lẽ nào không nuối tiếc? Chúng ta đánh mất niềm vui sống hạnh phúc với cha mẹ con cái, lẽ nào không nuối tiếc? Chúng ta đánh mất rất nhiều cơ hội tiêu dao du, khiến cho mình nhanh chóng già đi, nhưng lại tích lũy một đống công trạng vô dụng, lẽ nào không thấy lòng áy náy?
Ngày nay chúng ta nhìn lại Trang Tử, nhìn lại nội tâm bằng thái độ giác ngộ, mục đích là để mỗi người chúng ta giải phóng chính mình, cố gắng đạt đến cõi tiêu dao du.