Trang Tử là một nhân vật tiêu biểu trong bách gia chư tử. Văn chương ông khí thế hào hùng, tung hoành phóng khoáng; tư tưởng ông sâu sắc rộng mở, bao trùm cổ kim; những câu chuyện ngụ ngôn của ông có sức tưởng tượng độc đáo, ngụ ý sâu xa; phong cách ông lúc cười cợt khi bi phẫn, không chút câu nệ.
Ông nhìn thấu công danh, không màng lợi lộc, thậm chí với cái chết ông cũng có kiến giải độc đáo của riêng mình. Vậy rốt cuộc Trang Tử là người như thế nào?
Mọi người đều biết, Trang Tử là người "thừa vật dĩ du tâm" (biết giũ bỏ mọi vật tục, tạp niệm để cho tâm hồn mình tiêu du ngoài vũ trụ, không nhuốm hồng trần, không lụy thế tục, tự do tự tại), có thể một mình giao hòa cùng tinh thần trời đất. Trên đến tận trời xanh, dưới đến tận suối vàng, khi vui thì ông cười, khi giận thì ông mắng, bàn khắp anh hùng trong thiên hạ, nhưng thực ra nội tâm ông không hề dữ dội.
Sách Trang Tử, theo cách nói của ông, thảy đều là những "mậu du chi thuyết, hoang đường chi ngôn, vô đoan nhai chi từ" (thuyết sai lầm, lời hoang đường, từ ngữ vô cớ), thoạt xem có vẻ lan man vô nghĩa, nhưng thực ra trong đó chứa đựng trí tuệ rất lớn.
Chúng ta biết rất ít về cuộc đời Trang Tử, ghi chép chính xác về cuộc đời ông nằm trong sách Sử ký của Tư Mã Thiên. Trang Tử là người đất Mông thuộc nước Tống thời Chiến Quốc (nay thuộc huyện Thương Khâu, tỉnh Hà Nam). Ông từng giữ chức Tất Viên tiểu lại, tương đương với chức thủ kho ngày nay. Cả đời ông sống trong thời Chiến Quốc phân tranh, chiến loạn liên miên, khắp nơi cầu hiền như khát nước. Nhưng ông ẩn cư đến già, không chịu ra làm quan, không có bất kỳ một danh phận xã hội nào.
Theo suy đoán, Trang Tử sống vào khoảng từ năm 369 trước công nguyên đến năm 286 trước công nguyên, cũng có thuyết cho rằng ông sống đến năm 275 trước công nguyên. Về ngày tháng năm sinh, năm mất cụ thể của ông thì cho đến nay vẫn chưa có một khảo cứu nào chính xác.
Sách Trang Tử xưa nay được liệt vào hàng kinh điển. Thế nhưng trong số tất cả các kinh điển đời Tiên Tần, có lẽ nó mang ít chất kinh điển nhất. Giá trị của nó chính là ở tư tưởng vô biên vô cùng, kỳ dị mà độc đáo.
Theo Nghệ văn chí sách Hán thư, Trang Tử vốn có hơn 50 thiên, nhưng đến nay chỉ còn 33 thiên. Đây chính là bản Trang Tử do Quách Tượng đời Tấn chỉnh lý và lưu truyền cho đến tận ngày nay. Trong đó 7 thiên thuộc Nội thiên, 15 thiên thuộc Ngoại thiên, ngoài ra còn 11 thiên khác, được quy vào phần Tạp thiên.
Hiện nay có thể xác định rằng 7 thiên thuộc Nội thiên là do chính Trang Tử viết, còn Ngoại thiên và Tạp thiên có nhiều khả năng do học trò, bạn bè và người đời sau, những người được chân truyền tư tưởng của Trang Tử biên soạn.
Có câu "Thiên hạ hy hy, giai vị lợi lai; thiên hạ nhướng nhướng, giai vị lợi vãng"(Thiên hạ tấp nập đều là vì lợi mà đến; thiên hạ nhộn nhịp đều vì lợi mà lại). Con người ta sống trên đời, từ xưa đến nay, thứ khó nhìn thấu nhất chính là hai chữ danh và lợi. Phải nói rằng, thứ mà con người phải đối mặt trước nhất chính là sự quấy nhiễu và cám dỗ của lợi ích, bởi lẽ trên đời này ai cũng đều phải đối mặt với vấn đề kinh tế và sự khốn cùng của sinh tồn.
Trang Tử cũng không ngoại lệ.
Cuộc sống của Trang Tử như thế nào? Qua những câu chuyện trong sách Trang Tử, chúng ta có thể biết ông luôn sống trong nghèo khó.
Trong Ngoại thiên có một câu chuyện như sau:
Nhà Trang Tử rất nghèo. Một hôm trong nhà không còn gì bỏ vào nồi. Ông bèn đến nhà Giám Hà Hầu vay gạo. Giám Hà Hầu là một viên quan nhỏ đương thời chuyên trông coi việc thủy lợi, sông suối, cuộc sống có phần khá hơn Trang Tử.
Trời đất sinh cùng với ta, còn vạn vật hòa làm một cùng ta.
- Tề vật luận -
Giám Hà Hầu rất nhiệt tình, bảo Trang Tử:
- Được thôi, để tôi đi thu tô, ông cứ đợi đấy, thu được tô tôi sẽ cho ông vay 300 lạng vàng.
Lời này đúng là quá tuyệt, ba trăm lạng vàng, đây đích thực là một khoản tiền lớn. Trang Tử nghe xong nổi giận, mặt biến sắc, nhưng ông lại kể cho Giám Hà Hầu nghe một câu chuyện:
Hôm qua tôi cũng đi ngang qua đây, trên đường đi chợt nghe có tiếng người réo gọi tên mình. Tôi nhìn quanh quất thì thấy một con cá diếc nhỏ đang giãy giụa trong một vết bánh xe.
Tôi hỏi nó làm gì ở đó. Nó bảo:
- Tôi là thủy quan ở Đông Hải, nay nếu thầy có một thăng, một đấu nước, thì có thể cứu được mạng tôi.
Tôi đáp:
- Được thôi, để ta đến đất Ngô Việt, dẫn nước Tây
Giang về cứu ngươi nhé!
Cá diếc bảo:
- Nếu vậy chẳng bằng thầy mau ra chợ cá khô mà tìm tôi. Thế đấy, Trang Tử tuy hóm hỉnh và sâu sắc, thế nhưng ông hoàn toàn không phải kẻ no cơm lành áo, sống một đời sung túc. Ông vẫn phải luôn đi nhờ vả người khác để có gạo bỏ vào nồi.
Bạn đọc có thể lấy làm lạ: Một con người như vậy thì lấy tư cách gì để tiêu dao du? Một con người không no cơm ấm áo thì sao còn có thể có ước mơ cao xa?
Trang Tử nhìn nhận về sự nghèo khó của mình như thế nào? Trong thiên Sơn mộc có một câu chuyện như sau:
Một hôm Trang Tử đi gặp Ngụy Vương, ông mặc quần áo rách nát vá víu chằng chịt, giầy cũng không có dây buộc mà thắt bằng một cọng rơm, trông rất nhếch nhác.
Ngụy Vương hỏi:
- Sao thầy lại khốn đốn đến nông nỗi này? Trang Tử đáp:
- Đây là bần cùng chứ đâu phải khốn đốn? Kẻ đọc sách có đạo đức lý tưởng mà không được thực hành mới thực là khốn đốn. Đại vương chắc chưa từng nhìn thấy vượn nhảy nhót? Chúng leo trèo nhảy nhót trên những cây lớn như trinh nam, cây thị và cây nhãn, đùa nghịch thoải mái, ngay cả những tay thiện xạ như Bàng Mông, Hậu Nghệ cũng phải bó tay trước chúng; nhưng nếu cho chúng trong bụi gai thì chúng buộc phải cẩn thận, không dám nhảy nhót lung tung. Đấy chẳng phải là vì chúng không nhanh nhẹn, mà là khi ở vào tình thế bất lợi thì rất khó trổ tài năng. Giờ tôi sinh ra không gặp thời, muốn không bần cùng cũng không được.
Như vậy, Trang Tử nhận biết rõ về hoàn cảnh của mình. Kẻ sĩ đích thực thì không sợ nỗi khó khăn về cuộc sống, mà chỉ sợ sự khốn đốn về tinh thần.
Kẻ sĩ đích thực thì không sợ nỗi khó khăn về cuộc sống, mà chỉ sợ sự khốn đốn về tinh thần.
Một con người có thể khốn quẫn do nghèo khó, nhưng việc trong lòng có thực sự để tâm đến sự nghèo khó ấy hay không và coi trọng chữ "lợi" đến mức nào sẽ quyết định thái độ của người đó trước nghèo khó.
Trang Tử có xem trọng chữ "lợi" không khi mà xung quanh ông toàn là những kẻ giàu có? Trong thiên Liệt ngự khấu, ông kể một câu chuyện như sau:
Ở nước Tống có một người tên là Tào Thương. Một hôm y rất vinh hạnh được vua Tống sai đi sứ nước Tần. Khi ấy Tần là nước lớn mạnh nhất ở phía Tây.
Khi ông ta xuất phát, nước Tống chỉ trang bị cho y mấy cỗ xe ngựa. Tào Thương đến nước Tần, không làm nhục sứ mệnh, rất được lòng Tần vương; khi trở về, Tần vương ban thêm cho y hàng trăm cỗ xe ngựa.
Sau khi về nước, Tào Thương rất phấn khích, nói với
Trang Tử:
- Nếu bắt tôi ở trong nhà rách nát tồi tàn, suốt ngày đan giày cỏ, đói rét vàng vọt thì tôi không có khả năng đó. Khả năng của tôi là gì? Gặp quân vương nước lớn, lấy lòng ngài, đổi lấy hàng trăm cỗ xe ngựa, ấy là sở trường của tôi!
Nghe y khoe khoang xong, Trang Tử có thái độ như thế nào? Ông lạnh nhạt bảo Tào Thương:
- Tôi nghe nói vua Tần có bệnh, đã chạy chữa danh y khắp thiên hạ. Ai chữa khỏi vết loét mưng mủ của vua sẽ được thưởng một cỗ xe ngựa; ai liếm trĩ cho vua sẽ được thưởng năm cỗ xe ngựa. Chữa bệnh vua càng thấp hèn thì được thưởng càng nhiều. Này Tào Thương, hẳn là ông đã chữa bệnh trĩ cho vua Tần phải không? Không thì sao ông có thể mang nhiều xe ngựa về đến thế?
Lời nói của Trang Tử có thể là châm biếm rất sâu cay, nhưng nó đã nói rõ một điều: chữ "lợi" không thể cột được trái tim Trang Tử. Ước mơ của Trang Tử đã vượt xa khỏi "lợi", mặc dầu ông rất nghèo khó.
Nói đến chúng ta ngày nay, một người chỉ có 10 đồng (nhân dân tệ), niềm sung sướng của người đó chưa chắc đã không bằng một người có hàng tỷ đồng. Việc trong tay có bao nhiêu tiền không thể quyết định hạnh phúc của bạn.
Trong xã hội chúng ta, người sung sướng nhất không phải là người khố rách áo ôm, cũng không phải là người giàu nứt đố đổ vách, mà thường là những người ấm no đến mức đầy đủ. Bởi vì cuộc sống của họ không đến nỗi quá quẫn bách, đồng thời họ cũng không bị của cải trói buộc, suốt ngày lo giữ của. Những người đó chiếm đại đa số trong xã hội, là những người có tư cách được hưởng hạnh phúc. Thế nhưng hạnh phúc hay không còn nằm ở suy nghĩ của bạn.
Tôi có một người bạn, xuất thân từ giới truyền thông, sau chuyển sang kinh doanh bất động sản, tài sản ngày một nhiều, sự nghiệp ngày một thành công. Anh rất buồn khi rời khỏi ngành truyền thông, vì truyền thông chính là nghề anh ta thích nhất. Nhưng tại sao anh lại đi kinh doanh bất động sản? Anh cho biết: Vì tôi phải có trách nhiệm với gia đình và con cái sau này của mình, phải mang lại cuộc sống hạnh phúc cho họ. Bởi vậy tôi phụ lòng chính mình, tôi phải có nhiều tiền hơn.
Anh đã lập gia đình, có một đứa con trai rất đáng yêu, kiếm được rất nhiều tiền, cuộc sống chắc chắn cũng rất hạnh phúc. Bất chợt anh cho tôi hay anh sắp di cư, đến một đất nước rất xa xôi, hơn nữa anh để vợ con đi trước, còn anh ở lại trong nước kiếm thêm tiền. Tôi hỏi anh:
- Anh đã yêu vợ con như vậy, sao còn để vợ con xa lìa? Câu trả lời của anh có thể khiến bạn bất ngờ. Anh nói:
- Với gia sản hiện nay của tôi thì nếu đứa con học ở trong nước, tôi sẽ suốt ngày lo nó bị bắt cóc. Bởi vậy tôi phải để họ đi.
Đó chính là chuyện xảy ra xung quanh chúng ta. "Lợi", có thực càng nhiều càng tốt hay không?
Vất vả vì "lợi", bôn ba vì "lợi" sẽ đánh mất rất nhiều tự do, rất nhiều niềm vui của chính mình.
Trang Tử rất coi nhẹ những thứ này. "Lợi" không trói buộc được ông. Vất vả vì "lợi", bôn ba vì "lợi" sẽ đánh mất rất nhiều tự do, rất nhiều niềm vui của chính mình. Tâm hồn bị thể xác nô dịch, theo ông là thực sự không đáng.
Tục ngữ có câu: Cọp chết để da, người chết để tiếng. Nhìn thấu chữ lợi không hề dễ dàng, nhìn thấu chữ "danh" lại càng khó, rất nhiều người có thể không bị cám dỗ vì lợi, nhưng lại bị lụy vì danh. Ngay cả một kẻ sĩ cao khiết cũng mong muốn được lưu danh sử sách.
Vậy thì Trang Tử có coi trọng danh phận không? Trước quan cao và danh tiếng, Trang Tử có thái độ như thế nào?
Giữa danh và lợi thì nhìn thấu danh khó hơn nhìn thấu lợi. Rất nhiều người có thể không rung động trước tiền tài nhưng lại khó vượt qua được ải danh vọng.
Xưa nay có biết bao văn thần võ tướng đã dành cả cuộc đời chỉ để theo đuổi một tên thuỵ sẽ được truy phong sau khi chết, được quân vương phong cho là trung, là hiếu, là văn, là võ, v.v. và v.v. Tên thụy đó được khắc trên bia mộ, chắc hẳn mọi ấm ức lúc sinh thời đều được bù đắp qua tấm bia mộ vĩnh hằng này.
Tân Khí Tật nói: "… Chấm dứt mọi chuyện quân vương thiên hạ, đổi được cái danh lúc còn sống cũng như sau khi chết. Đáng thương cho kẻ bạc đầu!". Và một đời cứ thế trôi qua.
Trang Tử có trọng danh không? Chúng ta biết rằng Trang Tử hiếu học và suy nghĩ rất sâu sắc, giàu chí lớn và đại lược, thế nhưng ông không thích nói.
Trang Tử nói: "Trời đất có vẻ đẹp lớn mà không nói ra, bốn mùa có phép sáng suốt mà không bàn tới, vạn vật có lẽ hình thành mà không nói ra". Bởi vậy, ông không thích nói bất kỳ điều gì.
Thiên Thu thủy chép một câu chuyện như sau:
Trang Tử có một người bạn thân tên là Huệ Thi, người đời gọi là Huệ tử. Khi ấy Huệ Thi là nhà hùng biện lừng danh trong thiên hạ.
Huệ Thi làm Tể tướng nước Lương, Trang Tử bèn đến nước Lương thăm ông. Khi đó có người đến bảo Huệ Thi: Trang Tử đến đây là muốn thay ngài làm Tể tướng nước Lương.
Huệ Thi nghe vậy trong lòng kinh hãi, bèn sai người đi khắp nước tìm Trang Tử suốt ba ngày ba đêm. Ông nhất định phải tìm cho được Trang Tử, không thể để Trang Tử trực tiếp gặp vua Lương. Ông sợ nếu lỡ vua Lương thật sự ban chức Tể tướng cho Trang Tử thì ông chẳng biết phải làm sao.
Trang Tử hay chuyện, bèn tự đến tìm Huệ Thi, nói:
- Phương nam có một con chim tên là uyên sồ bay từ Nam Hải đến Bắc Hải, nếu không gặp cây ngô đồng thì dứt khoát không chịu đậu xuống nghỉ ngơi, không gặp quả cây tre thì không chịu ăn, không gặp nước suối trong ngọt thì không uống. Nó là một con chim trong sạch. Một con cú mèo kiếm được một con chuột thối rữa, ngẩng đầu lên thấy uyên sồ vừa bay tới, bèn ngước nhìn, hét lên: "Biến đi!".
Này Huệ tử, giờ ngài cho người đi lùng sục tôi như vậy, có phải là dùng nước Lương của ngài để hù dọa tôi không?
Thực ra đây chính là "danh" trong mắt Trang Tử. Chức Tể tướng nước Lương với ông chỉ là một thây chuột thối rữa mà thôi.
Có thể có người nói rằng chức Tể tướng của một nước nhỏ như Lương quốc có thể Trang Tử không thèm màng đến. Thật ra còn có chức tước lớn hơn từng được dâng đến cho ông.
Trong thiên Thu thủy có một câu chuyện như sau:
Vào thời Chiến Quốc, Sở là một nước lớn. Hôm ấy Trang Tử đang tiêu dao câu cá trên dòng Hán Thủy. Sở vương bèn phái hai viên quan đại phu đến gặp Trang Tử, họ cung kính nói:
- Xin phiền đến tiên sinh về chuyện của nước chúng tôi. – Giọng nói rất khách khí, tức là muốn mời ông xuất sơn ra làm Tể tướng, mong muốn ban chức Tể tướng nước Sở cho ông.
Trang Tử tay cầm cần câu, đầu không quay lại, đáp:
- Tôi nghe nói nước Sở có một con rùa thần, đã chết ba nghìn năm mà vua Sở vẫn giữ nó cất trong hộp, đặt trong miếu thờ. Theo các vị thì con rùa ấy muốn chết và để xương lại cho người ta thờ cúng hay là muốn sống để lê đuôi bò trong bùn?
Hai viên đại phu đáp:
- Đương nhiên là muốn sống để bò trong bùn rồi! Trang Tử bảo:
- Thế thì xin mời hai vị tự nhiên, để tôi lê đuôi sống trong bùn vậy!
Đó chính là thái độ của Trang Tử trước cái "danh" được dâng đến tận cửa.
Bởi đâu lòng người được tự do? Là bởi con người có thể không tham hám. Cuộc đời con người chỉ có thể bị trói buộc bởi chính việc mà mình tham hám. Nếu không tham hám thì còn có gì trói buộc được bạn?
Rất nhiều khi sự vất vả của nhân sinh cần thiết phải được đặt câu hỏi là nhằm mục đích gì? Có thể có một câu trả lời rất cao thượng, đó là vì hạnh phúc của người nhà, vì thành công của đơn vị, đóng góp cho xã hội, v.v. Thế nhưng động cơ tiềm ẩn sau đó là gì? Mỗi người chúng ta hãy tự vấn lòng mình: Phải chăng chúng ta đang tìm kiếm một cái cớ đường hoàng cho danh và lợi? Rất nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta vì danh lợi, từng bước bị danh lợi dụ dỗ mà rơi vào vòng luẩn quẩn, không dứt ra được.
Chúng ta biết rằng trong con người có thể tồn tại một ngọn lửa vô danh (vô danh hỏa). Trong lòng bạn thấy rất không thoải mái nhưng lại không thể thổ lộ với người khác, thế nên đôi khi chỉ vì một sự việc vụn vặt, bé nhỏ là có thể làm bùng cháy ngọn lửa vô danh đó.
Thí dụ trong một công ty, người có địa vị cao nhất là ông chủ. Ông chủ vì một chuyện không thuận lợi nào đó mà trách mắng thuộc cấp: Tại sao có việc đó mà cậu làm không nổi? Sao khả năng của cậu kém thế? Về tự kiểm điểm đi! Viết ngay một bản kiểm điểm! Mai cậu phải tăng ca, phải hoàn thành cho tốt việc đó.
Thuộc cấp chẳng biết nói sao, đành líu ríu gật đầu nghe lệnh. Về đến nhà, ngọn lửa vô danh đó phải xử lý thế nào đây? Bèn bắt đầu quát vợ:
- Tôi vất vả kiếm tiền để lo cho cái nhà này, để cô có cuộc sống sung túc! Thế còn cô? Nhà cửa thì bề bộn, con cái cũng chẳng chăm sóc đến nơi đến chốn. Cô để tôi phải sống như vậy sao?
Người vợ bị một trận mắng tối tăm mặt mũi, chẳng biết trả lời sao. Cô đành phải gật đầu nhận lỗi, vì mỗi tháng đều phải cầm tiền từ tay chồng. Thế nhưng trong lòng lại ấm ức, mất cân bằng, nỗi bực tức không biết xả đi đâu; nhìn thấy con bước vào cửa, bèn răn con:
- Mẹ vì mày mà vất vả, cả đời mẹ chỉ biết cho đi, chỉ biết lo lắng cho con cái, thế mà mày không biết cố gắng học hành! Kết quả học tập mà mày đạt được liệu có xứng đáng với công sức của mẹ không?
Đứa con vô cớ bị mắng, bực bội trong lòng, nhưng lại không dám cãi mẹ, đành quay lại bắt nạt con cún trong nhà, đá cho nó một cái.
Chó phải nghe lời chủ, nó cũng có cơn giận không tên, ra khỏi cửa, cơn giận không tên đó được trút lên đầu con mèo hoang, nó xông lên đuổi con mèo hoang để cắn.
Mèo biết đánh không lại chó, cũng đành nén giận im tiếng, ra sức đi khắp nơi bắt chuột. Chỉ có khi vồ được con chuột, cơn giận của mèo mới được xả.
Giữa cơn giận của một ông chủ và nỗi khốn khổ của một con chuột rốt cuộc có bao nhiêu khâu? Phẫn nộ đã gắn cả hai lại với nhau.
Biết được sự tồn tại của ngọn lửa vô danh đó, chúng ta thật sự muốn mình có được sự bình tĩnh không?
Người khác mang lại cho chúng ta nhiều nỗi ấm ức, hay là chính chúng ta không nhìn thấu danh và lợi?
Người đời vì danh và lợi mà tất bật, qua lại, thực ra ấy đều bởi trong lòng có sự ràng buộc. Chỉ khi phá vỡ được lằn ranh này, chúng ta mới có khả năng đạt đến một sự tự do và tiêu dao.
Trang Tử sống trong nghèo khó nhưng ông không hám lợi; Trang Tử giàu tư tưởng và tài năng nhưng ông không màng danh. Vậy thì trước sinh tử, ông có thái độ ra sao?
Rất nhiều người khi còn sống coi trọng nhất là hai chữ danh và lợi. Đến cuối cùng khi đi đến cực hạn thì danh và lợi không còn quan trọng nữa, vẫn có thể nhìn thấu, thế nhưng sinh tử thì thực khó có thể nhìn thấu.
Lúc sinh thời, Trang Tử từng nói: Thà sống mà lê đuôi trong bùn còn tốt hơn là chết. Vậy thì Trang Tử có thể nhìn thấu sinh tử không?
Trong thiên Chí lạc có một câu chuyện nổi tiếng như sau: Người vợ kết tóc se tơ của Trang Tử ra đi trước ông, bạn thân của ông là Huệ Thi đến phúng điếu. Đến nhà thì thấy Trang Tử đang ngồi dưới đất gõ chậu ca hát.
Huệ Thi chất vấn Trang Tử:
- Vợ thầy sinh con đẻ cái cho thầy, giờ có tuổi mà từ trần, thầy không khóc thì thôi, lại còn gõ chậu ca hát, thầy thật quá lắm!
Trang Tử bình thản đáp lời Huệ Thi:
- Không phải thế! Bà ấy mới mất, sao tôi lại không thấy đau lòng? Nhưng tôi suy đến tận cội gốc, lúc mới đầu chẳng phải con người đều không có sinh mệnh hay sao? Không có sinh mệnh thì không có hình thể, không có hình thể thì không có hơi thở. Sinh mệnh được hình thành như thế nào? Trong trời đất, ở chỗ mông lung như có như không, một hơi thở được tích tụ, hơi thở dần hình thành hình thể, hình thể lại thai nghén ra sinh mệnh và con người từ đó xuất hiện, bây giờ sinh mệnh lại đi đến tử vong. Sự sinh lão bệnh tử đó chẳng phải biến đổi theo bốn mùa xuân hạ thu đông đó sao? Giờ bà nhà tôi lại trở về theo con đường đó, lúc này bà ấy đang ngủ yên lành giữa trời đất, mà tôi lại ngồi đây khóc lóc, chẳng phải là không hiểu chân đế của sự sống hay sao?
Sở dĩ Trang Tử có thái độ thản nhiên như vậy chính là bởi ông đã nhìn thấu chân đế của sự sống.
Thái độ thản nhiên ấy cũng có thể thấy trong dân gian Trung Quốc. Chẳng hạn, dân gian coi trọng tổ chức hai loại "hỷ sự" (việc mừng), gọi là "hồng bạch hỷ sự" (việc hỷ đỏ và hỷ trắng). Cưới hỏi và sinh con là việc hỷ đỏ, đó là sự khởi đầu thể hiện lẽ sinh sôi của sự sống, điều này tất nhiên là việc mừng; việc người già sống hết tuổi trời, tiễn người già ra đi, ấy là việc hỷ trắng, cũng là việc đáng mừng.
Đỏ và trắng chỉ là hai cực của sự sống, đỏ là sự đón tiếp trước khi sự sống đến, trắng là sự đưa tiễn sau khi sự sống tịch diệt. Giữa sinh và tử chẳng qua chỉ là sự chuyển hóa hình thái sự sống.
Nếu thực sự có tâm thế như Trang Tử thì có lẽ chúng ta sẽ bớt đi rất nhiều nỗi lo và khổ sở. Thế nhưng sinh lão bệnh tử, cuộc đời có rất nhiều nỗi lo khổ và trắc trở, một khi đứng trước sinh tử, chúng ta có thể thản nhiên đối mặt không?
Còn Trang Tử thì nhìn nhận sự tử vong của mình như thế nào? Trong thiên Liệt ngự khấu, Trang Tử kể một câu chuyện như sau:
Lúc Trang Tử sắp qua đời, học trò của ông bàn nhau phải hậu táng sau khi thầy từ trần, tức là phải an táng long trọng, đồ dùng lễ nghi nhất định phải sang trọng.
Trang Tử nghe vậy bèn bảo học trò: Sau khi ta chết, phải "lấy trời đất làm quan tài, nhật nguyệt làm ngọc quý, tinh tú làm châu báu, vạn vật làm vật phẩm chôn theo".
Thế mới là một tang lễ long trọng. Đó quả thực là một khí phách hào sảng.
Trên thực tế, ý Trang Tử là, các trò chẳng cần phải làm hậu táng: Ta chẳng cần quan tài, chẳng cần vật phẩm chôn theo, chẳng cần lễ vật, các trò cứ quăng xác ta ra đồng, giao trả cho trời đất tự nhiên là được.
Đám học trò hẳn nhiên rất lấy làm khó xử. Họ tưởng thầy sắp chết nên nói bừa. Ngẫm nghĩ một hồi, thấy cứ nên khuyên giải thầy, bèn bẩm:
- Thưa thầy, nếu vậy thì chúng con e diều quạ sẽ rỉa xác thầy. Thôi cứ nên cho vào quan tài chôn xuống đất.
Trang Tử nói:
- Đặt ta ngoài đồng, diều quạ sẽ rỉa; chôn ta dưới đất, kiến cũng sẽ ăn ta. Các con cướp miếng ăn của diều quạ để nuôi kiến dưới đất, sao lại thiên vị như thế?
Câu trả lời thực khoáng đạt và hóm hỉnh. Hình thể trả về cho trời đất, sinh tử trở về với tự nhiên. Đó chính là quan điểm của Trang Tử về hình thể và sự sinh tử của chính mình.
Trong xã hội chúng ta hiện nay, có rất nhiều câu lạc bộ chống ung thư, rất nhiều người nổi tiếng về chống ung thư. Trước kia cứ nghe nói mắc bệnh ung thư là đồng nghĩa với án tử hình. Nhưng hiện nay rất nhiều người bệnh ung thư sống được rất nhiều năm. Tại sao vậy? Chính là bởi nội tâm họ lạc quan khoáng đạt, không sợ chết, vì vậy mới có thể chiến thắng cái chết.
Thực ra trước nay Trang Tử là một người không sợ chết. Đó là do ông có quan niệm "lạc sinh" (vui sống), tức là sống tốt còn hơn là sợ chết.
Quan điểm này trùng hợp với tư tưởng của Nho gia. Khi trả lời học trò về vấn đề sinh tử, Khổng Tử đã nói sáu chữ: "Vị tri sinh, yên tri tử?". Con người còn chưa hiểu rõ cuộc sống, việc gì phải nghĩ đến chuyện chết? Về điểm này Nho Đạo tương thông.
Trang Tử cho chúng ta thấy một tấm lòng ấm áp và một giá trị chất phác, tức là "sống ở hiện tại". Sống trong hiện tại, nhìn thấu danh lợi, không sợ sinh tử, như thế tâm hồn chúng ta sẽ có một không gian và một cảnh giới vô cùng rộng lớn.
Trang Tử cho chúng ta thấy một tấm lòng ấm áp và một giá trị chất phác, tức là "sống ở hiện tại". Sống trong hiện tại, nhìn thấu danh lợi, không sợ sinh tử, như thế tâm hồn chúng ta sẽ có một không gian và một cảnh giới vô cùng rộng lớn.
Có thể nói, Trang Tử đã để lại rất nhiều bóng dáng cuộc sống thấp thoáng trong sách của mình. Rất nhiều phán đoán trong đó tương tự như Nho gia. Có điều Nho gia mãi mãi coi trọng đạo đức của bậc thánh hiền trên đời, mãi mãi coi trọng niềm tin của con người về kiến công lập nghiệp trong cuộc sống; còn Đạo gia thì luôn luôn coi trọng sự tự do tinh thần trong bầu trời xanh bao la rộng lớn, luôn luôn coi trọng sự vượt qua đằng sau sự tác thành cuối cùng.
Về thước đo xã hội, tư tưởng Nho gia yêu cầu con người phải gánh vác; còn về bình diện sự sống, tư tưởng Đạo gia đòi hỏi con người phải vượt qua. Gánh vác là trách nhiệm xã hội của chúng ta, vượt qua là một cảnh giới sự sống của chúng ta. Bởi vậy, xét theo ý nghĩa này, sau khi đọc xong rất nhiều câu chuyện trong Trang Tử, ta sẽ hiểu được triết lý nhân sinh của ông, đó không phải là sự tích cực hay tiêu cực một cách đơn giản, mà là một hệ thống tham chiếu xây dựng cho chúng ta trên những hệ thống khác nhau của sự sống.
Nói theo lời Trang Tử, cảnh giới cao nhất của cuộc sống chính là hoàn thành một chuyến tiêu dao du giữa trời đất, có nghĩa là nhìn thấu những chướng ngại rào cản trong lòng, tìm thấy vị trí của cuộc sống trong vũ trụ trời đất bao la.
Trên một hệ tọa độ mênh mông như vậy, hãy để con người trở thành con người đích thực, hãy để nội tâm chúng ta không bị ràng buộc; chúng ta hãy phấn đấu trở thành chính mình trong lý tưởng.
Cảnh giới cao nhất của cuộc sống chính là nhìn thấu những chướng ngại rào cản trong lòng, tìm thấy vị trí của cuộc sống trong vũ trụ trời đất bao la.
Hãy để mọi khó khăn trong hiện thực chỉ ở hiện tại, có thể nhìn thấu được, còn trên sự dẫn dắt của cuộc sống vĩnh hằng, có một cảnh giới tiêu dao du như vậy, đáng để mỗi người chúng ta vĩnh viễn theo đuổi và tìm kiếm.