Xã hội hiện nay, mọi ngành nghề mọi công việc đều coi trọng bằng cấp, dù là cơ quan nhà nước tuyển chọn nhân sự hay công ty tư nhân tuyển dụng nhân viên thì trình độ học vấn cũng vẫn là tiêu chí quan trọng để xét tuyển. Nhưng với các bậc vĩ nhân như Đức Phật Thích Ca, Đức Khổng Tử và Đức Chúa Giê-su thì không biết là trình độ học vấn của các ngài sẽ được tính như thế nào?
Đức Khổng Tử dạy rằng: “Con người không phải sinh ra đã biết mà nhờ trải qua học tập mới biết”. Trong suốt quá trình học tập, ngoài sự giáo dục của trường học ra thì sự tự giáo dục của bản thân mỗi người, sự giáo dục của gia đình và giáo dục trong xã hội cũng quan trọng không kém.
Có người cho rằng xã hội là một thùng thuốc nhuộm lớn, nó sẽ nhúng chàm chúng ta, kì thực xã hội chính là môi trường tuyệt vời để chúng ta học tập. Xã hội giống như một trường đại học, nó chú trọng đến năng lực chứ không phải bằng cấp.
Từ sau thời nhà Tần và Hán, tuy triều đình phong kiến Trung Quốc đã bắt đầu thiết lập chế độ thi cử để tuyển chọn quan lại, nhưng trải qua các triều đại, có biết bao vị quan tài, tướng giỏi, văn nhân, học sĩ tài hoa như Khương Tử Nha, Chu Công, Khổng Minh, Bá Di, Thúc Tề, v.v. vốn chẳng thi qua khóa thi nào, tất cả đều là tự học mà thành, nhờ đức hạnh và danh tiếng nên được các bậc minh chủ kính trọng, nể phục. Có thể thấy, năng lực của một người quan trọng hơn bằng cấp.
Cuộc đời chỉ ngắn ngủi trong mấy mươi năm, thế nên chúng ta phải biết tự định hướng, tự khích lệ, tự luyện rèn. Ở Trung Quốc, thời nhà Minh có Vương Miện tự học mà vẽ hoa sen không khác gì hoa thật và thời nay có Tề Bạch Thạch cũng nhờ tự trau dồi mà có thể vẽ cá tôm sống động như thể đang còn sống. Hay như thời cận đại, có vị học giả rất nổi tiếng là Vương Vân Ngũ, ông là người tự học từ trường đời mà đạt được thành tựu hết sức đáng nể.
Lại như những vị cao tăng đại đức trong Phật giáo, các vị đa phần được tôi luyện trong đời sống thường nhật, đối với chân lý có sự thể nghiệm mà thành bậc tài năng kiệt xuất. Có thể kể tới như Lục Tổ Huệ Năng tám tháng giã gạo, ngài Bách Trượng cày cấy, ngài Tuyết Phong nấu cơm, ngài Dương Kỳ trông coi bếp núc, ngài Đạo Nguyên trồng rau, ngài Lâm Tế trồng tùng, ngài Quy Sơn sơn tường v.v.
Trong xã hội hiện nay, có người lính chỉ bắt đầu từ lính quèn, nhưng sau lại được thăng cấp đến hàng tướng; có vị công chức bắt đầu từ một nhân viên bình thường mà sau làm đến chức bộ trưởng. Có thể thấy, trong quá trình học tập, chỉ nên dựa vào người thầy hướng dẫn một thời gian nhất định, bởi quan trọng nhất chính là bản thân tự nỗ lực lấy.
“Tiếp thu” là thái độ học tập tốt nhất, có thể tiếp thu được bao nhiêu thì tương lai sẽ có được thành tựu bấy nhiêu. Một người nếu có điều kiện theo học bài bản tại hệ thống trường học đương nhiên là rất tốt, còn như không có điều kiện thì “trời đất cho ta nguồn cảm hứng văn chương bất tận”, vũ trụ nhân sinh nào có việc gì không thể học tập?
Cho nên nói “Trúc biếc tre xanh đều là Diệu Đế, hoa vàng tươi tốt khác nào Bát Nhã”. Trong đời sống xã hội, hàng ngày thiện ác nhân quả nghiệp báo xảy ra quanh chúng ta, chẳng phải đều là “sách giáo khoa” của chúng ta đó sao?
Từ xưa đến nay có biết bao câu chuyện về các bậc thánh hiền nhờ phấn đấu vượt khó học hành mà thành tựu, chẳng phải đều là những truyện ký danh nhân khích lệ cho chúng ta vươn lên đó sao?
Mỗi ngày tin tức trên các phương tiện truyền thông chẳng phải đều là những kinh nghiệm thực tế sống động cho chúng ta học tập hay sao?
Chỉ cần có lòng hiếu học thì không chỗ nào không phải là môi trường để chúng ta học tập. Thế nên, xã hội chính là trường học của chúng ta, học hay không học phải xem người đó có chí tự học hay không mà thôi!