Mạnh Tử nói rằng: “Không biết cảm thông thương xót chẳng phải người; không biết xấu hổ chẳng phải người; không biết khiêm nhường chẳng phải người; không biết phải trái chẳng phải người”1. Những lời nói và việc làm của một người nếu vượt qua khuôn phép của con người thì bị xem là “không bằng loài cầm thú”.
1 Âm Hán Việt: “Vô trắc ẩn chi tâm, phi nhân dã; vô tu ác chi tâm, phi nhân dã; vô từ nhượng chi tâm, phi nhân dã; vô thị phi chi tâm, phi nhân dã;”, trích trong Trung dung yếu chỉ.
Vậy thì, giữa con người và con vật có gì khác biệt? Trong Lễ ký có câu: “Con người sở dĩ được gọi là con người, bởi vì có lễ, có nghĩa”1, Tả truyện cũng viết: “Sở dĩ được coi là con người là bởi có tín, có trí, có dũng!”2. Đức Khổng Tử nói: “Phàm làm gì cũng phải giữ lòng hổ thẹn”3.
1 Âm Hán Việt: “Phàm nhân chi sở dĩ vi nhân giả lễ nghĩa dã”.
2 Âm Hán Việt: “Nhân sở dĩ lập tín trí dũng dã”.
3 Âm Hán Việt: “Hành kỷ hữu sỉ”.
Tất cả những điều này cho thấy sự khác biệt lớn nhất giữa con người với con vật đó là: Con người có lòng nhân từ, coi trọng đạo đức, sống có khuôn phép và biết liêm sỉ. Bởi vì, tôn trọng lễ nghĩa nên gọi là con người; có tâm tri ân báo ân, có lòng hổ thẹn nên gọi là con người; có tình có nghĩa nên gọi là con người; biết thương yêu và cảm thông nên gọi là con người.
Sự khác biệt giữa con người với con vật, ngoài nhân cách đạo đức ra thì còn có hai điều rất quan trọng, đó là: Con người có lý tưởng và có hoài bão, còn con vật chỉ cầu ngày ngày no bụng nên nó chẳng hề biết đến lý tưởng là thứ gì.
Ví như các loài động vật ăn cỏ như bò, ngựa, dê, nai v.v. ngoài muốn có cỏ ăn ra thì nó chẳng còn cầu cái gì khác nữa; còn các loài động vật ăn thịt như hổ, báo, sư tử, chó sói v.v. một khi đã ăn no bụng rồi thì dù có bò, dê đi ngang trước mặt nó cũng sẽ chẳng buồn đoái hoài đến.
Mặc dù con người tự xưng mình là loài thông minh nhất trong tất cả các loài và có tính tự giác cao hơn loài vật, nhưng trong số các loài vật cũng có không ít loài có những hành động nhận được sự ca ngợi từ con người như: Tinh thần đoàn kết của loài kiến, đức tính cần cù của loài ong, hành động bảo vệ con non của loài sư tử và hổ, hành động nuôi dưỡng con côi khác loài của chó sói v.v. cho đến hành động giúp chủ trông nhà của loài chó, gáy báo trời sáng của loài gà, bay xa vạn dặm để đưa thư của loài bồ câu v.v.
Thậm chí các loài động vật cũng biết báo đáp ân tình, ví dụ: Cừu con quỳ gối bú sữa cừu mẹ, quạ con lớn lên sẽ nuôi dưỡng bố mẹ già yếu, loài chó hy sinh thân mình để bảo vệ chủ nhân, trâu, ngựa báo ơn chủ v.v. Ngược lại, có những khi con người lại không bằng loài cầm thú. Cho nên thế gian mới có những câu “không bằng con vật”, “lòng người dạ thú”, “lòng lang dạ sói” v.v. để hình dung về những kẻ xảo quyệt, lật lọng, không có tính người.
Vốn dĩ, con người có nhân tính và con vật có thú tính, thế nhưng một khi con người đã mất đi nhân tính thì lúc đó con người có khác gì cầm thú.
Tại sao con người lại quên mất bản thân là con người? Có lẽ là vì con người cũng có khuyết điểm của con người! Có thể thấy rõ nhất chính là khi đứng trước danh vọng và quyền lực thì con người thường có xu hướng đánh mất bản thân; khi đối diện với sắc đẹp và tiền tài con người cũng sẽ quên đi bản chất của chính mình; hay khi oán hận và đố kỵ nổi lên thì con người cũng mất đi lý trí.
Cho nên, chỉ vì tranh đoạt quyền lực mà từ xưa đến nay đã có biết bao nhiêu câu chuyện huynh đệ tương tàn nơi hoàng thất như Tùy Dạng Đế giết cha và anh trai, Võ Tắc Thiên sát hại các phi tần khác và cả con ruột v.v.
Không chỉ hoàng cung mới tranh quyền đoạt lợi, ngay trong số dân thường cũng chẳng hiếm chuyện vì chút lợi lộc mà anh em từ mặt nhau, cha con lừa gạt nhau. Đây chính là chỗ đáng sợ của danh lợi, tiền tài cho nên tục ngữ có câu “hám lợi mất trí”.
Con người nhờ vào lý trí mà có thể phân biệt được đâu là đúng đâu là sai, đâu là tốt đâu là xấu. Nhưng khi đã đặt chữ lợi lên trên, không thể dùng đạo đức để chiến thắng lòng tham của bản thân thì có khác gì con vật?
Trái lại, nếu nói: “Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính”. Vậy thì loài vật cũng có nhân tính? Cho nên, khác biệt giữa con người với con vật chính là có giữ được chân tâm ấy hay không? Nếu con người có thể không để cho chân tâm bị mê mờ bởi sắc đẹp, âm thanh, danh lợi, tiền tài; nếu con người có thể ngẩng đầu mà không hổ với trời, cúi xuống mà không thẹn với người, thì mới xứng đáng làm người!