Trên đời này sở hữu điều gì mới là tuyệt vời nhất?
Có người mong muốn có nhà cao cửa rộng, có người mong muốn có xe sang, có người mong muốn có vợ đẹp, con khôn và cũng có người mong muốn có nhiều ruộng đất, tài sản, cổ phiếu, châu báu v.v. Nhưng hầu hết những cái ấy đều chẳng phải là tài sản đáng quý nhất, mà tài sản quý giá nhất của đời người chính là trí tuệ.
Trí tuệ như là người dẫn đường cho cuộc đời bạn. Khi gặp phải nghịch cảnh mà bạn biết vận dụng trí tuệ thì liền có thể mở ra một chân trời mới.
Trí tuệ là gì? Trí tuệ bắt nguồn từ tri thức, bởi khi tiếp thu tri thức thì sẽ mở ra trí tuệ. Nhưng mà, tri thức là qua học tập mà có được còn trí tuệ là nhờ giác ngộ mà đạt được, để có thể “mỗi ngày đều tiếp thu, tăng thêm kiến thức mới” đồng thời đem kiến thức ấy ứng dụng vào cuộc sống thì đây mới là trí tuệ chân chính. Mỗi ngày đều lắng nghe, suy ngẫm và thực hành theo những lời Đức Phật đã dạy cũng có thể giúp chúng ta khai mở trí tuệ.
Sở dĩ nền văn minh của nhân loại ngày càng phát triển như vũ bão, không phải do tiền bạc tạo ra mà chính là từ sự kết tinh trí tuệ của con người. Vô minh1 chính là chuyện đáng sợ nhất trên đời, chỉ khi nào trí tuệ trong bạn được hiển bày thì khi đó gốc rễ của khổ đau mới có thể đoạn diệt. Người có trí tuệ luôn có thể nhận thức và lý giải chính xác sự vật khách quan, cho nên sẽ không đi sai đường.
1 Vô minh chỉ nhận thức sai lầm về bản ngã và thế giới xung quanh.
Sức người là có hạn nhưng có một nguồn năng lượng thật sự vô hạn bên trong, đó chính là trí tuệ, cho nên trí tuệ được xem là tài nguyên vô giá. Và chỉ khi khai phá được nguồn năng lượng bên trong đó thì cuộc sống của bạn mới đủ đầy và hạnh phúc.
“Người khác chú trọng bề ngoài, tôi chú trọng bên trong; người khác nhìn hình tướng, tôi nhìn được chân lý; người khác chỉ biết một điểm, tôi biết tổng quan” đây chính là trí tuệ. Và “biết cảm ơn nhân duyên”, chính là người có trí tuệ Bát Nhã. Trong Lục tổ đàn kinh có câu: “Biết hối cải tất sinh trí tuệ, giấu lỗi lầm đâu phải hiền nhân”. Có thể “biết lỗi và sửa lỗi” đấy mới thật là bậc đại trí tuệ.
Người có trí tuệ, sẽ biết cách tìm ra ngọn nguồn của sinh mệnh và biết cách trả lời câu hỏi “ta từ đâu sinh đến, chết sẽ đi về đâu”. Người có trí tuệ, đối với bất cứ việc gì đều sẽ suy nghĩ đến kết quả của nó, luôn có cái nhìn khách quan nhất và cũng không vì chút lợi ích cá nhân mà tính toán so bì với người, như vậy tự nhiên sẽ được mọi người kính trọng.
Người có trí tuệ, việc càng cam go thì càng phải bình tĩnh. Bởi chỉ có bình tĩnh mới có thể nghĩ ra cách ứng phó hiệu quả. Còn nếu nổi giận thì chẳng khác nào đem đá ném vào mặt hồ phẳng lặng. Như vậy trí tuệ sẽ không còn sáng suốt nữa dẫn tới phân tích sai đi, cuối cùng tự mình hại mình. Cho nên nói “cả giận mất khôn” là vậy.
Lão Tử có dạy: “Người vô cùng chính trực bề ngoài nhiều khi lại có vẻ như không được ngay thẳng lắm, người vô cùng khéo léo thông minh bề ngoài có khi lại có vẻ như rất vụng về, ngốc nghếch”, người thật sự có trí tuệ tất nhiên sẽ ẩn giấu tài năng, nên gọi là “đại trí nhược ngu”1.
1 “Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp”, tức kẻ tài trí giả như ngu dốt, kẻ dũng mãnh giả như khiếp sợ.
Trí tuệ có được là dựa vào tư chất và sự cố gắng ở đời hiện tại. Đem so ra thì sức mạnh của sự cố gắng lớn hơn nhiều so với bẩm sinh. Vì vậy, không cần phải đố kị với sự thông tuệ của người khác, bởi vì nhân thế nào thì quả sẽ như vậy, nếu bạn không gieo nhân, mà chỉ mù quáng ước ao có được quả thì cũng chỉ là việc làm vô ích mà thôi.
Quan trọng nhất là bạn phải quyết tâm lập chí và nhất định phải kiên trì phấn đấu. Chỉ có như vậy bạn mới có thể sống một đời sống đầy trí tuệ và chắc chắn sẽ là người thành công trong tương lai.
Đức Phật đã dạy: “Trí tuệ chính là Bát Nhã”. Khi đạt được trí tuệ Bát Nhã thì có thể tự độ cho mình và độ cho người khác để cùng đạt đến sự giải thoát rốt ráo!