Hết thảy mọi sự vật, sự việc trên đời này, phàm là có giá trị thẩm mỹ thì đều được gọi chung là nghệ thuật. Không phải chỉ có một bức tranh, một bức phù điêu mới gọi là nghệ thuật, mà ngay cả một bài hát, một chữ viết, một tòa nhà, một buổi diễn thuyết v.v. chỉ cần nó mang đến cho mọi người cảm nhận về cái đẹp, có thể hấp dẫn, lôi cuốn, gây được tiếng vang với người thưởng thức và có thể làm cho tâm linh của họ được thăng hoa, rộng mở thì đấy chính là nghệ thuật và cũng là giá trị đích thực của nghệ thuật.
Nhà văn Lâm Ngữ Đường - bậc thầy hài hước từng đề xướng “sống đời nghệ thuật”, tức là khi mặc quần áo hay lúc ăn cơm, khi đi đứng hay nằm ngồi thì đều phải có tính nghệ thuật trong đó! Mọi người thường uống trà, nhưng có người biết thưởng trà; nhiều người thích đọc sách nhưng có người lại tiếp thu được trí tuệ ở trong sách. Đây chính là nghệ thuật.
Đời người không thể tách rời việc thưởng thức cái đẹp, có thể trải nghiệm và lĩnh hội được cái đẹp từ trong đời sống thường nhật thì bạn mới có thể tận hưởng một cuộc sống nghệ thuật. Trong xã hội, có một số người thô tục, đây là bởi vì họ sống không có nghệ thuật, một số người tao nhã, đây là người sống có nghệ thuật. Một số người chỉ chú ý đến vẻ bề ngoài mà không có nội hàm, không có nội hàm thì ngay cả một bức tranh hay một bài thơ cũng không phải là nghệ thuật.
Nghệ thuật chính là nhấn mạnh đến “cái đẹp”. Một bông hoa lặng lẽ hé nở chưa hẳn đã đẹp, nhưng khi nó đung đưa theo gió, phất phơ đủ dáng vẻ thì bông hoa đó mới thêm thướt tha yêu kiều, thêm phần mỹ cảm. Một bức tranh cho dù cảnh vật thâm trầm hay tươi sáng, nhưng phải có sự uyển chuyển và ẩn ý bên trong thì mới khiến mọi người chú tâm thưởng thức, mới là nghệ thuật, mới là một tác phẩm đẹp.
Nghệ thuật là sự kết tinh của tình cảm và trí tuệ con người, thông qua các cách thức khác nhau mà thể hiện ra thành các loại hình nghệ thuật khác nhau, như: âm nhạc, vũ đạo, hội họa, điêu khắc, ngôn ngữ, văn học, hí kịch, điện ảnh v.v. Chúng ta có thể thông qua sự thưởng thức của đôi mắt, sự lắng nghe bằng đôi tai mà cảm nhận được sự tuyệt diệu của nghệ thuật. Và đặc biệt, phải lĩnh hội cái đẹp của nghệ thuật bằng cả trái tim thì cuộc sống mới thêm phong phú.
Trong cuộc sống, biết hài hước là một nghệ thuật. Thời cận đại, Trung Quốc có nhà thơ, nhà văn nổi tiếng là Trịnh Mạt Nhã, ông là người dí dỏm và hài hước. Một lần, Trịnh Mạt Nhã được mời tham gia buổi triển lãm của họa sĩ tranh biếm họa Liêu Băng Huynh, trong lúc chào hỏi, Trịnh Mạt Nhã mới hỏi Liêu Băng Huynh vì sao lại lấy nghệ danh kỳ lạ như vậy, tự xưng là huynh (tức “anh”) sao?
Lúc này, họa sĩ Vương Kỳ Thương đang đứng đó liền trả lời thay: “Tại vì em gái của anh ấy tên Băng, nên anh ấy được gọi là Băng Huynh1”.
1 Vì “huynh” có nghĩa là “anh”, nên Băng Huynh cũng đồng âm với anh trai của cô Băng.
Trịnh Mạt Nhã nghe vậy liền nói: “Ồ! Tôi hiểu rồi, vậy vợ của Úc Đạt Phu1 có vẻ sẽ tên là Úc Đạt và bố của Thiệu Lực Tử2 hẳn phải tên là Thiệu Lực”. Câu nói ấy đã làm những vị khách trong phòng triển lãm phải phì cười.
1 Vì “phu” có nghĩa là “chồng”, nên Úc Đạt Phu đồng âm với chồng của cô Úc Đạt.
2 Vì “tử” có nghĩa là “con”, nên Thiệu Lực Tử đồng âm với con của ông Thiệu Lực.
Đời nhà Tống có vị học sĩ Thạch Diên Niên, một lần, trên đường đi lễ chùa Báo Ninh, người hầu của ông bất cẩn làm cho con ngựa hoảng sợ hất ông ngã xuống. Những người đi theo đều trách cứ người hầu đó, nhưng Thạch Diên Niên chỉ từ tốn cầm cái roi ngựa lên rồi nói: “Cũng may ta là học sĩ đá3 chứ nếu là học sĩ ngói, thì há chẳng phải là đã bị rơi vỡ rồi sao”.
3 Họ của ông là Thạch, có nghĩa là đá.
Một câu nói hài hước, một vài lời thiện chí sẽ giúp hoá giải tình cảnh khó xử giữa mọi người, đây chính là nghệ thuật sống. Cho nên, con người chúng ta không nhất định phải có quá nhiều tiền của, cũng không nhất định phải có khách quý đầy nhà, nhưng nhất định phải xây dựng cho bản thân một cuộc sống đầy tính nghệ thuật và khiến cho tâm hồn lúc nào cũng được thấm nhuần trong cảnh giới của chân - thiện - mỹ. Cuộc đời như thế, thật là cao nhã và phong phú biết bao!