Có người nói rằng con người chết đi cũng giống như ngọn đèn đã tắt, chết là hết, làm gì có kiếp sau? Nhà Phật gọi cách nhìn nhận sai lầm này là “đoạn kiến”1.
1 Đoạn kiến: Là sự hiểu biết một cách cực đoan, cho mọi vật là không có (tức chấp không).
Lại có người lại nói rằng con người sẽ có đời sau, bởi giống như hạt giống được gieo vào trong đất đều sẽ ra hoa kết quả và sinh ra hạt giống mới. Tương tự như vậy, con người sau khi chết tất nhiên cũng sẽ quay trở lại làm người. Nhận định sai lầm này nhà Phật gọi là “thường kiến”1.
1 Thường kiến: Cũng là một sự hiểu biết theo lối cực đoan, cho mọi vật là có (tức chấp có).
Người chấp vào đoạn kiến cho rằng con người sau khi chết là hết, không có kiếp sau, còn người chấp vào thường kiến lại cho rằng con người sau khi chết chắc chắn sẽ quay trở lại làm người, cả hai nhận định này đều chẳng phải là chân lý cuộc đời, bởi người chết đi không thể giống như ngọn đèn tắt nhưng cũng không nhất định là sẽ sinh lại làm người, tùy vào nhân duyên nghiệp báo của người đó làm trong đời hiện tại, mà phải luân hồi sáu cõi2, lên xuống năm đường1. Nếu làm điều thiện lành thì sẽ được sinh vào cõi Trời và Người, còn làm điều xấu ác thì đọa vào Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh; đây mới thật là chân lý ở đời.
2 Sáu cõi chính là sáu đường mà chúng sinh đi tới để thụ sinh tùy theo nghiệp đã tạo. Sáu đường ấy là: 1/Địa ngục, 2/Ngã quỷ, 3/Súc sinh, 4/ A-tu-la, 5/Người, 6/Trời. Trong sáu đường này, ba đường trước gọi là Ba đường ác, ba đường sau gọi là Ba đường thiện.
1 Năm đường: Nghĩa là năm cõi mà các loài hữu tình, tùy theo nghiệp đã tạo sẽ sinh đến sau khi chết. Đó là: Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh, Người, Trời.
Một hạt giống khi gieo vào trong đất, cần có đầy đủ các nhân duyên như ánh sáng, không khí, nước, v.v. thì mới có thể mọc ra, lớn lên, ra hoa và kết quả. Thế nên, sao có thể nói con người sau khi chết đi là hết được? Nhưng từ “nhân” mà đến “quả” lại không thể thiếu phần của “duyên” trong đó, cho nên nếu chỉ nói về nhân mà gạt bỏ đi phần rất quan trọng đó là duyên thì quả là vô cùng sai lầm vậy.
Có người vốn là quan chức cấp cao nhưng vì làm loạn kỉ cương phép nước mà trở thành tù nhân, bị giam vào lao ngục, chịu kiếp tù đày. Như vậy ngay từ quả báo đời hiện tại ta sẽ thấy cuộc đời sẽ có người thành giàu, có kẻ thành nghèo, có người được sống thọ, có kẻ phải chết yểu. Do đó thiên đường và địa ngục xuất hiện ngay giữa đời thường. Mỗi việc chúng ta làm đều sẽ tác động đến họa phúc, đều có thể thay đổi cục diện phía sau, huống chi là kiếp sau?
Thời gian thì có xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa luân chuyển; thế giới thì có thành, trụ, hoại, không1; tư duy thì có sinh, trụ, dị, diệt; con người thì có sinh, lão, bệnh, tử. Vũ trụ và nhân sinh cho đến tất cả vạn vật đều luôn không ngừng xoay chuyển vòng tròn, không có điểm đầu không có điểm cuối, cũng giống như chiếc kim đồng hồ, nó cứ chạy mãi, nhưng trong mặt số chỉ cho mười hai giờ, nó sẽ quay mãi không hết.
1 Thành, trụ, hoại, không là chỉ quá trình mọi thứ sinh ra (thành), tồn tại (trụ), hư hỏng (hoại) và mất đi (không).
Đời người cũng tựa như thế, lúc mới sinh ra không phải là lúc bắt đầu và lúc mất đi cũng không phải là lúc kết thúc, cứ đi về phía trước rồi ắt cũng phải quay trở về, bởi vì đời người không phải là một đường thẳng. Cho nên nói: “Nước của dòng sông xuân cứ cuồn cuộn chảy về biển đông”, mặt trời mọc rồi lại lặn, có đi rồi thì sẽ quay trở lại, những điều này đều là để chứng minh rằng con người có đời sau.
Con người có kiếp sau thì mới có hy vọng, nhưng ở ngay đời này phải tạo duyên lành (thiện duyên), thì sau mới được quả tốt (thiện quả), và đây chính là thế giới của người giác ngộ.
Mọi người đều muốn biết về tương lai, nhưng thật ra:
Muốn biết nhân đời trước,
Xem phúc báo đời này;
Muốn biết quả đời sau,
Xem việc làm hiện tại
Vậy nên muốn biết con người có kiếp sau hay không? Bởi nhân quả là tuần hoàn, thế nên bạn có thể soi ngày xưa để biết ngày nay và cũng có thể từ hiện tại mà suy đoán về tương lai, ngay khi ngộ đạo liền có thể biết được ba đời1 là cùng một thể, ba ngàn thế giới cũng chỉ trong một niệm2!
1 Chỉ đời quá khứ, đời hiện tại, và đời tương lai.
2 Âm Hán Việt: “Tam thế nhất thể, tam thiên nhất niệm”.
Con người có kiếp sau không? “Nghiệp” chính là sợi dây vô hình liên kết trói buộc ba đời của một sinh mệnh. Bởi thế “đừng nghĩ làm ác, đời sau sẽ không chịu báo ứng, đừng nghĩ làm thiện, kiếp sau không được đáp đền” và thật ra “làm điều thiện sẽ được hưởng quả thiện, làm điều ác sẽ chịu quả ác, không phải không có báo ứng, mà là chưa đến lúc mà thôi”.
Điều ngu muội nhất của con người chính là cho rằng không có kiếp sau. Nguyên nhân là bởi vì con người bị mê mờ ngay lúc chuyển sinh mà quên hết các việc trong quá khứ, lại không thể tận mắt nhìn thấy tương lai, thế nên không tin có kiếp sau. Thật ra, không khí bạn cũng đâu có nhìn thấy, sóng điện từ bạn cũng đâu có nhìn thấy, thậm chí tâm yêu thương bạn cũng đâu nhìn ra, nhưng bạn dám nói chúng không tồn tại sao?
Gen có thể làm thay đổi đặc tính của giống loài và nhân duyên thiện ác có thể thay đổi tương lai của một sinh mệnh, thế nên không thể không thận trọng với sự mê ngộ nơi thế gian này.