Giữa cái có được và cái mất đi, sẽ là vui vẻ hay là buồn phiền? Mọi người đã từng trải qua chưa?
Gần đây truyền thông có đưa tin về một bà nội trợ ở Nhật Bản, khi con gái không được nhận vào lớp tài năng của trường Mẫu giáo, bà ta đã ra tay giết hại bé gái gần nhà, chỉ vì cô bé này được nhận vào lớp tài năng kia; Hay một công nhân ở Cao Hùng, chỉ vì bị ông chủ nghi ngờ bớt xén vật liệu, liền sinh lòng oán hận mà ra tay sát hại người chủ;
Còn có một cô gái ở tỉnh Chiết Giang, chỉ vì bị bạn trai bỏ rơi, thế là hạ độc tất cả bạn nữ mà người bạn trai thường chơi chung. Ở San Francisco, bang California, nước Mỹ có một học sinh vì phải học quá nhiều, nên đã giết chết mẹ ruột, bởi vì bà mẹ là người ép cậu ta đi học.
Xem xét kĩ càng, chúng ta sẽ thấy mầm mống của những bi kịch này đều là vì trong lòng những người kia quá đặt nặng chuyện được mất mà ra.
Thật ra, trong suốt cuộc đời của mỗi một người, có được sẽ có mất, mà được và mất luôn song hành với nhau. Như kinh doanh sẽ có lỗ có lãi, sự nghiệp thì có thăng có trầm, kế hoạch sẽ có thành có bại, thi đấu thì có thắng có thua, cổ phiếu thì có tăng có giảm, thành tích sẽ có cao có thấp, địa vị sẽ có trên có dưới, gặp gỡ sẽ có tốt có xấu.
Cây tùng, cây bách, cây trúc, cây mai cần phải trải qua gió sương lạnh buốt, mới có thể phát triển mạnh mẽ; cây cối còn như thế, sao con người chúng ta lại có thể luôn thuận buồm xuôi gió, một bước lên mây?
Câu chuyện Tái ông thất mã1 đã cho thấy mọi chuyện được mất chỉ mang tính tương đối, mất chưa chắc đã là họa mà được chưa hẳn đã là phúc, thế nên sống thì đừng nên quá so đo được mất.
1 Ngày xưa, có một ông lão nọ sống ở nơi biên ải, nhà ông có con ngựa giống tốt bỗng đi lạc mất, bà con làng xóm kéo đến chia buồn, ông lão nói: “Biết đâu nó lại là chuyện tốt”. Mấy tháng sau con ngựa kia trở về còn dẫn theo một con ngựa tốt khác, láng giềng đến chúc mừng, ông lão đáp lời: “Biết đâu lại không phải chuyện tốt”. Ít ngày sau, con trai ông lão cưỡi ngựa rồi bị ngã gãy chân, hàng xóm tới an ủi, ông lão trả lời: “Biết đâu cũng không phải chuyện xui”. Không ngờ, sau đó có nạn binh đao, trai tráng trong làng đi lính đều không thể trở về, chỉ có con trai ông lão vì tàn tật được miễn lính mà còn mạng.
Như Thomas Edison lúc nhỏ bị người khác đánh cho một bạt tai, dẫn tới bị lãng tai, thế nhưng nhờ đó mà ông có thể tập trung cao độ vào công việc phát minh và việc ông phát minh ra bóng đèn sợi đốt chính là đã tạo ra một thành tựu tuyệt vời cho thế giới. Bạn nói xem, vậy việc Edison bị nặng tai ở đây là phúc hay là họa, là được hay là mất?
Phật giáo có câu kệ rằng “Hươu xạ1 chết vì hương, tằm chết vì tơ” đấy là giống vật, còn nếu là người, ví như cấp dưới mà chuyện gì cũng như “đi guốc trong bụng” cấp trên, liền sẽ bị phòng bị và mưu hại. Bạn xem, tài năng này của cấp dưới đó phải được tính là tốt hay là xấu, mang đến phúc hay họa cho anh ta?
1 Một giống thú giống như hươu mà nhỏ hơn, không có sừng, lông đen, bụng có một cái bọng da to bằng trái trứng gà chứa xạ hương, tục gọi là hươu xạ.
Trụ Vương vì có được người đẹp Đát Kỷ2 mà mất nước, bạn ngẫm xem thế là được hay là mất? Tần Thủy Hoàng1 thống nhất chư hầu, nhưng sau đó lại bị các nước chư hầu dẫn binh đánh lại, cuối cùng mất nước, bạn nói xem đó là được hay mất?
2 Tương truyền kể từ ngày có được nàng Đát Kỷ, Trụ Vương càng đam mê tửu sắc. Vì chiều lòng mỹ nhân, Trụ Vương đã làm ra vô số việc thất đức, hại người dân, hại trung thần, dẫn đến sự sụp đổ của nhà Thương.
1 Cuối thời Chiến Quốc, các nước chư hầu nhà Chu đánh diệt lẫn nhau, cuối cùng còn lại bảy nước lớn, trong đó nước Tần là lớn mạnh nhất. Từ năm 230 TCN vua Tần lần lượt chinh phạt sáu nước còn lại, đến năm 221 TCN, nước Tần đã thôn tính được cả sáu nước còn lại, thống nhất toàn Trung Hoa, vua Tần xưng là Tần Thủy Hoàng. Năm 211 TCN, Tần Thủy Hoàng mất vì bệnh, Tần Nhị Thế lên nối ngôi, các cuộc khởi nghĩa bắt đầu nổ ra, đến năm 206 TCN, nhà Tần diệt vong.
Được mất! Được mất! Chúng ta luôn bôn ba tìm kiếm danh lợi, mà dù có được cả thế giới, nhưng lại không được lòng dân, thì có ý nghĩa gì? Được mất! Được mất! Nếu mỗi người chúng ta biết tự kiểm điểm bản thân, tự khích lệ bản thân rằng tương lai chắc chắn sẽ có được mà không có mất, đó sẽ là điều tuyệt vời biết bao!
Trong Kim Cương kinh có câu: “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” nghĩa là “nên không có chỗ trụ, mà sinh tâm kia”, và bởi vì không trụ vào một vật gì, mà không có nơi nào là không trụ cả.
Mặt trời nằm ở giữa hư không, nhưng sức mạnh của nó chẳng phải là rất lớn đó ư? Thế nên, tâm của chúng ta cũng vậy, chớ có trụ vào một nơi nào, đặc biệt là đừng trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; như thế tâm chúng ta mới có thể trụ ở hư không và tâm lượng thì biến khắp các cõi pháp giới.
Cho nên, chúng ta phải tự suy ngẫm về mối tương quan nhân quả giữa được và mất, hết thảy đều không nên giữ lòng so đo được mất nữa!