Có người nói: “Đời người như khách qua đường” và trong đời này, mỗi người đều sẽ có cho riêng mình con đường phải đi qua. Trong Đại Thừa khởi tín luận có câu: “Nhất tâm khai nhị môn” nghĩa là một tâm mà mở bày ra hai cửa. Một là “cửa Chân như”, hai là “cửa Sinh diệt”. Đây cũng chính là đại biểu cho hai con đường trong cuộc sống: Một là “con đường đúng đắn” và hai là “con đường sai trái”, bạn muốn đi trên con đường nào đây? Chỉ có thể dùng trí tuệ của bạn để lựa chọn!
Đường trên đời này, có đường bằng phẳng rộng rãi, có đường gồ ghề nhỏ hẹp. Khi bạn đi trên đường lớn thênh thang, dễ dàng dũng mãnh tiến về phía trước, hanh thông không chướng ngại, bước chân nhẹ nhàng. Khi bạn đi trên con đường nhỏ hẹp mấp mô, có thể đâu đâu cũng có chướng ngại, đường trường gập ghềnh khó đi, bước chân khó nhọc.
Có người nói đôi chân mới là con đường của chúng ta. Có người lại nói đường ở trên miệng chúng ta. Thậm chí đôi tay cũng có thể mở ra con đường tương lai của chúng ta. Và trái tim là con đường tốt nhất dẫn dắt chúng ta tạo ra một cuộc đời mỹ mãn.
Đường đời có hữu hình, có vô hình. Các loại nghề nghiệp như trí thức, nông dân, công nhân, hay thương nhân đều là con đường của chúng ta. Các loại tín ngưỡng, kĩ năng, tri thức, sở thích, cũng là con đường của chúng ta. Thiên đường, Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh, càng là con đường tương lai của chúng ta. Có người không ngừng phấn đấu, chẳng quản ngại gian khổ, làm việc chăm chỉ để mở ra con đường bằng phẳng cho cuộc đời mình. Có người lại thủ đoạn lọc lừa nên trượt dài trên con đường sai trái không có lối về của cuộc đời. Lại có người tâm thuật bất chính, đánh mất nhân cách đạo đức, cuối cùng rơi vào con đường dài tăm tối không có ngày mai.
Đường đời ư? Con đường của chúng ta ở đâu? Đường đời tuy chỉ là một chặng đường ngắn trong hành trình vĩnh hằng của sự sống, nhưng ai cũng nên đi “đúng đường”. Cái gọi là “đúng đường” chính là con cái phải hiếu thuận với cha mẹ, sống trọn đạo của người con, bởi vì hiếu thuận chính là con đường của con cái; vợ chồng phải tôn trọng, yêu thương lẫn nhau, thực hiện tốt cái đạo của vợ chồng; học sinh phải chăm chỉ học hành, thực hiện tốt cái đạo của người học sinh; bạn bè nên giúp đỡ lẫn nhau và làm tốt cái đạo nghĩa bạn bè v.v. bởi vì đây đều là con đường đúng đắn trong cuộc sống con người.
Thương nhân buôn bán thì phải buôn ngay bán thẳng. Quan chức chính quyền thì phải liêm chính, thương dân. Quân nhân phải ra sức bảo vệ đất nước. Tín đồ tôn giáo phải có hiểu biết, kiến giải đúng đắn. Đây đều là con đường đúng đắn chúng ta cần đi, nhìn vào đó để tránh đi trên con đường sai trái.
Tăng Tử nói rằng: “Thà sống ngay thẳng mà thiếu thốn, còn hơn sống lệch lạc mà dư dả”. Hễ là việc đúng đắn, ắt sẽ đem đến cho người niềm vui và lợi ích và mới có thể thành công. Tuy nhiên, ngày nay, một số chủ thầu xây dựng thiếu đạo đức nghề nghiệp, rút ruột công trình, bớt xén nguyên vật liệu, khiến cho công trình không đảm bảo chất lượng, thậm chí còn có thể gây tổn hại đến mạng người. Một số luật sư mở văn phòng ra chỉ nhằm vét đầy túi tham, không chút đạo đức khi hỗ trợ thân chủ, thậm chí còn ôm tâm tư chỉ sợ thiên hạ không loạn, sống chết mặc bay. Còn một số chủ ngân hàng đưa ra chính sách “gửi tiết kiệm nhận lãi thấp đi vay vốn chịu lãi cao”, bản thân đứng giữa vơ vét, nên nói là “kiếm tiền một cách vô nhân đạo”. Đáng tiếc cho những kẻ đầu cơ trục lợi, không đi đúng đường tốt lành mà lạc vào đường xấu xa, cuối cùng tự nhận lấy quả báo khổ đau.
Kinh Phật có dạy: “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Con đường đúng đắn chắc chắn là con đường đưa đến Thiên đường, và con đường sai trái là con đường nhất định sẽ dẫn đến Địa ngục. Hỡi bạn đọc thông tuệ, rốt cuộc bạn muốn đi trên con đường nào?