Mọi người đều muốn “sở hữu”, nhưng vấn đề ở đây là lòng tham của con người là vô đáy, như là ăn uống thì cầu những món ăn ngon lạ, cưới được vợ trẻ đẹp rồi lại đòi hỏi phải có thêm nàng thiếp thật xinh nữa, có nhà để ở rồi thì lại muốn đổi sang biệt thự, mới có việc làm thì liền muốn được thăng chức, kiếm được tiền triệu rồi lại muốn có được tiền tỷ, v.v. Làm cho cuộc đời vô cùng quý giá trôi qua trong sự tìm cầu sở hữu một cách đầy khổ đau phiền não.
Sở hữu nhiều ít, có tiêu chuẩn gì? Người giàu có dẫu sở hữu biết bao nhiêu biệt thự, đất đai, vàng bạc, cổ phiếu, nhưng cả ngày phải sống trong lo lắng, đêm đến thì ngủ không yên giấc. Nếu so với một người bình thường luôn biết đủ, tâm luôn được vui vẻ, chọn giúp đỡ mọi người làm trách nhiệm của mình, trong lòng luôn lo nghĩ đến lợi ích của chúng sinh, thì bạn nói xem, ai là người sở hữu nhiều hơn?
Người xưa có câu: “Ruộng đồng vạn mẫu, ngày ăn bao nhiêu? Biệt thự trăm căn, chỗ ngủ mấy thước?”. Thạch Sùng1 lúc sống luôn lo tích góp mọi thứ, thế nên vô cùng giàu có, nhưng đến cuối đời, chết không đất chôn; Nhan Hồi2 sống nơi hẻm nhỏ, chuyên tâm học đạo, tuy cuộc sống khó khăn nhưng rất vui vẻ, bạn nói xem sở hữu điều gì là chân thật đây?
1 Tương truyền Thạch Sùng vốn là ăn mày, sau nhờ giúp đỡ một đạo sĩ nọ, được đạo sĩ tiết lộ cho thiên cơ mà nhanh chóng phất lên. Rồi nhờ tài buôn bán và thói tích của mà Thạch Sùng trở thành người giàu có tiếng. Sau vì đánh cược với người ta bị thua mà mất hết gia sản.
2 Một vị đệ tử nổi tiếng của Khổng Tử, là người thực sự làm được “mưu tính về đạo chứ không mưu tính về cái ăn uống sinh kế, lo nghĩ về đạo chứ không lo nghĩ về nghèo khổ”, nhiều lần được Khổng Tử khen ngợi, được đời sau tôn xưng là “Phục Thánh”.
Nếu sở hữu tài sản mà không dùng đến, thì khác gì “không có” đâu? Còn sở hữu tài sản mà không biết cách dùng, thì có khác gì “không dùng” đâu? Nước sông phải lưu chuyển, dòng chảy mới không dừng. Không khí phải lưu thông, sinh khí mới dồi dào. Tài sản của chúng ta vốn dĩ được có từ công chúng, thế nên phải được sử dụng bởi công chúng, mới hợp với đạo lý của tự nhiên.
Trong tâm luôn muốn “sở hữu”, chi bằng hãy đề xướng “hữu dụng”. Giống như, Phùng Huyên1 phân phát của cải cho dân chúng, làm cho Mạnh Thường Quân chiếm được lòng người, đó chỉ là người bước đầu hiểu được cách sử dụng một cách “hữu dụng” những gì họ có.
1 Phùng Huyên, người nước Tề thời Chiến Quốc, ông là một trong những mưu sĩ môn khách nổi tiếng của Mạnh Thường Quân, được khen là một chiến lược gia có tầm nhìn xa.
Ở mức độ cao hơn sẽ giống như Edison sử dụng những sáng chế và phát minh của mình mang đến hạnh phúc cho tất cả mọi người và Konosuke Matsushita sử dụng tất cả tiền lãi của công ty cho giáo dục và văn hóa, làm cho xã hội được ích lợi. Đây là “sử dụng”, chứ không phải “sở hữu”.
“Sử dụng” thật sự không dễ làm chút nào, bởi một khi đã cho rằng tài sản này là của “tôi”, thì đối tượng được sử dụng sẽ hẹp lại, tâm thái khi sử dụng cũng không còn đúng đắn, cách sử dụng cũng có chỗ sai lầm. Rõ ràng, cuộc đời của chúng ta tay không đến rồi lại tay không mà ra đi, tài sản của chúng ta đủ duyên mà có được, thì cũng nên đủ duyên mà buông ra. Mọi thứ trên đời, chúng ta chớ mong muốn sở hữu mà hãy thật sự sử dụng chúng, vậy không phải tốt hơn sao!
Cho nên nói “tâm bao trùm vũ trụ, rộng biến khắp các cõi”, nếu “sở hữu”, thì hữu là hữu hạn, hữu lượng, còn “trống không”, thì vô là vô cùng, vô tận. Nếu có thể dùng tấm lòng hữu dụng để tiếp nhận chân lý; dùng tài sản hữu dụng để giúp đỡ mọi người; dùng tư tưởng mọi người cùng chia, mọi người cùng hưởng để thay thế tâm ích kỷ hẹp hòi; có tâm tích phúc thiện, có lòng cảm ơn, để loại bỏ tâm chấp trước sai lệch về sự chiếm hữu; khi ấy mới chính là “người sở hữu nhiều tài sản là người giàu có, người biết sử dụng tài sản một cách hữu dụng là người trí tuệ”. Giàu sang lại có trí tuệ, như vậy không phải càng tuyệt vời hơn sao?!