Mỗi chúng ta sinh ra trên đời đều phải gánh vác trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, đất nước. Bản thân sự sống chính là trách nhiệm. Gánh vác trách nhiệm là hành động biết vì người khác, là sự đứng ra đảm nhận trọng trách của những người dũng cảm và là hoài bão của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết.
Khi được người khác giao cho trách nhiệm thì phải nên dũng cảm gánh vác lấy. Người có tinh thần trách nhiệm sẽ không so đo tính toán thiệt hơn mà chỉ xem xét xem việc đó đáng làm hay không đáng làm. Người có tinh thần trách nhiệm cũng sẽ không so đo việc dễ việc khó mà luôn dốc hết sức mình để hoàn thành công việc đã được giao.
Tinh thần trách nhiệm là phẩm chất cao quý nhất trên đời. Người có tinh thần trách nhiệm đều là người tài giỏi và có triển vọng, còn kẻ vô trách nhiệm dù tài hoa đến đâu cuối cùng cũng chỉ là hạng tầm thường. Chúng ta ai ai cũng phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình, chỉ cần biết chịu trách nhiệm và sẵn sàng đảm đương trách nhiệm thì trên đời không có chuyện gì là không giải quyết được.
“Nhận trách nhiệm” có thể mang lại cho con người sức mạnh và tự tin tràn đầy. Chỉ cần biết “nhận trách nhiệm” thì chúng ta sẽ có thể thành công. Con người không những phải có dũng khí nhận trách nhiệm mà còn phải có dũng khí thừa nhận những sai lầm của bản thân. Chỉ cần biết thừa nhận, biết ăn năn sám hối thì cuộc đời chúng ta sẽ tươi đẹp hơn.
Ngược lại, nếu chúng ta phạm lỗi nhưng không dám nhận lỗi, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm cho người khác hoặc lôi kéo đồng minh hùa vào nói đỡ cho mình thì về lâu về dài sao có thể thành công?
Trong quá trình học tập, không có ai xem trọng, không có cơ hội phát huy không đáng sợ, đáng sợ nhất chính là thiếu dũng khí để gánh vác trách nhiệm. Người càng có thể đảm nhận nhiều trách nhiệm thì sự nghiệp mới càng nhiều thành tựu. Người có tinh thần trách nhiệm, tự mình cũng có thể khắc phục khó khăn, tự mình đều có thể mở ra cơ hội. Người sợ trách nhiệm, sợ gánh vác trách nhiệm thì đến cuối cùng chỉ tổ thất bại thảm hại và chẳng làm nên trò trống gì.
Đời người là do tích lũy nhiều kinh nghiệm mà thành, cho nên ngay từ bước đi đầu tiên bạn phải “dám”. Chỉ cần bạn dám chịu trách nhiệm, dám thừa nhận, dám tiếp thu, dám thực hiện thì trên đời không có việc gì là không thể hoàn thành.
Nếu chẳng may bạn gặp phải thất bại, thì cũng không phải sợ hãi hay lo lắng, điều quan trọng nhất lúc này chính là bạn phải có đầy đủ sức mạnh để thừa nhận rằng bản thân đang gặp thất bại, và sức mạnh để thừa nhận ấy đến từ Sinh nhẫn và Pháp nhẫn1. Nhẫn chính là sức mạnh, là sự thừa nhận và cũng chính là trí tuệ. Một người có thể chịu được ấm ức, nhịn được nỗi nhục, thậm chí có thể gánh chịu gian khổ mà mặt không đổi sắc thì mới có thể bao dung trời đất, bao dung mọi người.
1 Pháp nhẫn chính là nhẫn nại theo cầu Phật pháp. Chân lý của Phật pháp đòi hỏi phải theo cầu lâu dài, nếu không tự thân nếm vị Phật pháp, thì không thể thể hội được những chỗ thâm sâu nhiệm màu trong đó. Pháp nhẫn đến từ việc cầu đạo. Sinh nhẫn tức sinh lòng nhẫn nại có thể thôi thúc chúng ta thành tựu đạo nghiệp, là một môn rất quan trọng trong tu hành. Sinh nhẫn có thể hoàn thành công đức phúc điền, Pháp nhẫn tất thành tựu công đức trí tuệ; việc thiện chúng ta phải làm, trí tuệ chúng ta phải tu, đây chính là phúc tuệ song tu.
Khiêm nhường là một đức tính tốt, nhưng cũng cần phải dựa vào lý trí và phải có nguyên tắc. Ví như việc không nên nhường mà lại nhường thì đó hành động thiếu trách nhiệm, còn việc nên nhường mà lại không nhường thì ấy là cố chấp. Trong đối nhân xử thế, trước danh lợi thì nên xem nhẹ còn trước trách nhiệm thì phải nghiêm túc gánh vác.
Muốn trau dồi năng lực gánh vác trách nhiệm, trước hết chúng ta phải hòa nhập với xã hội, hoàn thiện bản thân, dũng cảm đương đầu, không ngại khó khăn, không tính thiệt hơn, đặc biệt phải có dũng khí đối diện với những khuyết điểm của bản thân và cải thiện nó. Đây không những là trách nhiệm mà còn là trọng trách của mỗi người.