Vận động viên thi chạy cần có vạch đích, xạ thủ thi bắn cần có bảng hồng tâm. Trên hành trình cuộc đời, con người chúng ta cũng cần có đích đến rõ ràng mới có thể biết đường phấn đấu.
Lập chí phát nguyện chính là thiết lập mục tiêu. Từ nhỏ, dù ít dù nhiều, chúng ta ai chẳng từng mơ ước sau này trở thành nhà khoa học, giáo viên, kĩ sư, phi công, bác sĩ v.v. đây chính là lập chí. Tuy nhiên sau khi trưởng thành, có mấy ai có thể thực sự đạt được ước mơ? Dĩ nhiên, trong số này có một số người vì đã có kế hoạch mới cho cuộc đời mình nên chuyển hướng ước mơ, nhưng hầu hết mọi người đều là vì không đủ ý chí, vì không có động lực, vì không thể kiên trì lý tưởng cho nên mới bỏ cuộc giữa chừng, khiến cho ước mơ tự thui chột.
Lập chí phát nguyện giống như đổ đầy xăng cho ô tô, cũng giống như vặn căng dây cót cho đồng hồ báo thức, tạo ra động lực để chúng vận hành. Ngược lại, nếu một người không có hoài bão, không có chí hướng thì cũng giống như con tàu lênh đênh giữa biển mà thiếu đi la bàn, như vậy sao tàu có thể dễ dàng cập cảng?
Cũng giống như có người ngày ngày đều nói muốn đi chiêm bái Ngũ Đài Sơn1, thế nhưng hai năm, rồi ba năm vẫn không chịu xuất phát thì sao có thể lễ Phật trở về được?
1 Ngũ Đài Sơn, còn gọi là Thanh Lương Sơn, nằm trong địa phận huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, là một trong “tứ đại danh sơn Phật giáo” của Trung Quốc. Núi này là nơi có nhiều chùa chiền, tự viện quan trọng bậc nhất Trung Quốc.
Lập chí phát nguyện là động lực thúc đẩy chúng ta trở thành bậc thánh hiền. Trong Phật giáo, chư Phật và chư Bồ tát trong các kiếp tu hành để đạt đến quả vị Phật, không ai không lập đại nguyện to lớn, ví dụ như 48 lời đại nguyện của Đức Phật A Di Đà, 12 lời nguyện của Đức Phật Dược Sư, 10 đại nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ tát, 12 bi nguyện của ngài Quán Âm Bồ tát v.v.
Chư Phật, Bồ tát phát nguyện cũng giống như học sinh đặt ra thời gian biểu, có mục tiêu, có động lực rồi mới có thể tuần tự từng bước thực hiện lý tưởng của mình.
Từ xưa đến nay, rất nhiều bậc hiền nhân và anh hùng cũng là nhờ vào sự lập chí phát nguyện của mình mà thành công, ví như Đại sư Huyền Trang1 phát nguyện làm rạng rỡ Phật giáo, nữ tướng Lương Hồng Ngọc2 lập chí cầm quân không chịu thua kém đấng mày râu v.v. Vì vậy, làm người nhất định phải lập chí phát nguyện, lập chí mới có mục tiêu, phát nguyện mới có động lực.
1 Đại sư Huyền Trang (602 - 664), ngài cũng được gọi là Đường Tam Tạng, ngài thực hiện chuyến đi thỉnh kinh qua 128 quốc gia lớn nhỏ, kéo dài suốt 17 năm, gồm: 2 năm đi, 2 năm về và 13 năm ở lại du học tại Ấn Độ. Cống hiến cho Phật giáo Trung Hoa của ngài có thể dùng câu nói của Lương Khải Siêu để tóm tắt: “Huyền Trang là bậc công thần số một của Phật giáo Trung Hoa”.
2 Lương Hồng Ngọc (1102 - 1135), bà là nữ tướng thời Nam Tống, cũng là phu nhân của đại danh tướng Hàn Thế Trung.
Xã hội ngày nay, đặc biệt cần chúng ta lập chí phát nguyện, ví dụ như thân là cảnh sát, phải phát nguyện làm tròn chức trách, trừ bạo an dân, truy quét tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội; thân là dâu hiền vợ đảm, phải nguyện làm tròn đạo hiếu với ông bà cha mẹ, chăm sóc chồng, giáo dục con, để gia đình hòa thuận, sum vầy; thân là học sinh, phải phát nguyện chăm chỉ học tập, hiếu kính cha mẹ, tôn trọng thầy cô, chan hòa với bạn bè, làm con ngoan trò giỏi.
Thậm chí mọi người đều có thể phát nguyện mỗi ngày đều đem niềm vui trao tặng cho người khác, đem hạnh phúc chia sẻ cho mọi người, làm cho xã hội trở nên đầy ắp yêu thương và sẻ chia.
Phát nguyện giống như khai thác một nguồn năng lượng vậy! Mà năng lượng trong tâm chính là nguồn năng lượng dồi dào nhất, bởi chúng ta lấy không thể cạn và dùng không thể hết nó. Chỉ những người thường xuyên lập chí phát nguyện mới có thể vì bản thân mà để lại tiếng thơm, vì gia đình mà để lại sự cống hiến, vì xã hội mà để lại lòng từ bi, vì thế giới mà để lại ánh sáng!
Thế còn bạn, xin hỏi bạn đã lập chí phát nguyện gì vậy?