Thành ngữ Trung Quốc có câu “cần cù bù ngốc nghếch”, “cần cù không lo đói” chính là muốn nhấn mạnh rằng thói quen làm việc chăm chỉ có thể bù đắp cho những thiếu sót về năng lực của bạn.
Còn câu thành ngữ “tiết kiệm có thể giàu”, “tiết kiệm sẽ không tham” lại nhắc nhở rằng khi chúng ta biết sống tiết kiệm thì sẽ nuôi dưỡng được đức liêm khiết.
Chỉ là trong cuộc sống để luôn sống cần cù và tiết kiệm cũng không phải chuyện dễ dàng gì.
Tỷ phú người Mỹ, Rockerfeller1, mỗi khi đi bàn chuyện làm ăn ở xa, ông chỉ đặt phòng hạng hai của khách sạn. Một lần, có người phục vụ tò mò mới hỏi ông: “Con ngài mỗi lần đến đều ở phòng hạng nhất, tại sao ngài chỉ ở phòng hạng hai?”. Rockefeller liền trả lời lại bằng một câu rất dí dỏm: “Bởi vì nó có một ông bố tỷ phú còn tôi thì không”.
1 John Davison Rockefeller Sr. (1839 - 1937), khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, trải qua quá trình thành lập và phát triển hãng Standard Oil mà trở thành tỷ phú giàu có bậc nhất nước Mỹ.
Tuy đây chỉ là một giai thoại vui, nhưng nó cũng cho thấy một chân lý: Sống cần kiệm là cánh cửa mở ra cuộc sống giàu có. Giống như câu người xưa hay nói: “Ăn không nghèo, mặc không nghèo, không biết thu vén mới nghèo một đời”.
Trong suốt cả cuộc đời của mỗi chúng ta, thứ phải tiết kiệm không chỉ là vật chất hay tiền bạc mà ngay cả tình cảm và thời gian cũng cần phải tiết kiệm nữa. Bởi thời gian đời người có hạn nên không thể tuỳ tiện lãng phí cuộc sống này. Chỉ những người biết sống tiết kiệm mới là những người giàu có nhất, còn những kẻ lãng phí, xa xỉ luôn là những kẻ bần cùng nhất.
Như ở nước tôi, cũng bởi vì nền kinh tế đã sớm phát triển, đời sống vật chất trở nên quá đầy đủ dẫn tới xã hội có xu hướng chạy theo lối sống xa hoa. Nhiều bạn trẻ ngày nay do đã quen sống trong nhung lụa từ bé, lại thêm luôn dễ dàng được thỏa mãn mọi ước muốn vật chất, cho nên không những không biết sống tiết kiệm và quý trọng phúc báo mà ngay cả đạo lý “muốn thu hoạch thế nào trước phải gieo trồng thế ấy”, họ cũng không hiểu được.
Không chịu cống hiến sức lực mà chỉ một lòng nghĩ đến việc hưởng thụ những thành quả đang có, đấy chính là lý do tạo nên tính cách cực đoan ở một bộ phận không nhỏ giới trẻ thời nay: Lúc có thì xa hoa lãng phí, khi không có thì ăn trộm ăn cướp và khi cuộc sống thiếu thốn thì liều lĩnh làm càn, từ đó đưa đến nhiều hệ lụy cho xã hội.
Kì thực, trên đời không có thứ gì không làm mà có, những thứ không làm mà có đều không vững bền. Trên đời, có rất nhiều kẻ chỉ biết hưởng an nhàn, cho rằng siêng năng tinh tấn1 là thiệt thòi, còn lười biếng giải đãi2 là sung sướng. Trên thực tế, truyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ mà chúng ta quen thuộc chính là minh chứng cho câu “cần cù bù ngốc nghếch”, “không có việc gì khó, chỉ sợ không cần cù”. Cần cù chắc chắn sẽ thành công và đó là một đức tính vô cùng cao đẹp.
1 Có thể hiểu tinh tấn nghĩa là siêng năng, chuyên cần.
2 Có thể hiểu giải đãi nghĩa là biếng nhác, trễ nải. Trái nghĩa với tinh tấn.
Ngược lại, lười biếng là một thói quen xấu, người có tính lười biếng không chịu phấn đấu vươn lên, dù cho có tài hoa hơn người thì sớm muộn cũng sẽ lãng phí cái tài của mình, đây khác nào là tự tay hủy đi tương lai của bản thân, thật đáng tiếc lắm thay!
Trước nay, sở dĩ Hoa kiều đi đến đâu cũng có thể làm giàu thành công, chính là bởi vì người Hoa có truyền thống cần cù và tiết kiệm. Cần cù và tiết kiệm, từ xưa đến nay vẫn được người Hoa ca ngợi là một đức tính vô cùng cao đẹp, đáng được mọi người thực hành.
Người không ngại gian khổ, biết chịu thương chịu khó, biết cần cù tiết kiệm thì mới có thể thành công, từ đó có thể thấy đức tính cần kiệm quan trọng như thế nào.