Ảnh hưởng từ trào lưu “văn hóa thức ăn nhanh”1 của thời cận đại, cho nên con người thời nay dù trong bất kì việc gì cũng đều muốn thành công nhanh chóng, ví như người tu hành hy vọng thành tựu đạo nghiệp ngay trong đời này, người đi học hy vọng ngay lập tức được ghi danh bảng vàng, doanh nhân hi vọng có thể phất lên sau một đêm v.v.
1 Nhà sử học Andrew F. Smith, tác giả của cuốn sách Fast Food and Junk Food: An Encyclopedia of What We Love To Eat, cho rằng chính việc công nghiệp hóa bột mì vào thập niên 20 của thế kỷ XIX đã mở ra kỷ nguyên của thức ăn nhanh và thức ăn vặt.
Tục ngữ có câu: “Hoa hái ép không thơm, quả chín ép không ngọt”, dù làm gì đi nữa, nếu không biết trau dồi thực lực, ẩn nhẫn chờ đợi thời cơ thì sao có thể làm tốt cho được? Bởi vì “cây một năm tuổi chỉ có thể làm củi đốt, cây mười năm tuổi chỉ có thể làm bàn ghế, cây trăm năm tuổi mới có thể đem làm trụ cột”, do đó “cơm nấu chưa chín, đừng vội mở vung; trứng ấp chưa đủ, đừng cố đập vỏ”.
Trải qua thử thách cùng năm tháng mà vẫn có thể bền bỉ đến cùng, đó mới là gốc rễ của thành công.
“Kiên trì” là một môn nghệ thuật, “bền bỉ” là một loại hy vọng. Có kiên trì, bền bỉ thì học hành mới có thể thông hiểu; có kiên trì, bền bỉ thì tu hành mới có thể có được thành tựu; có kiên trì, bền bỉ thì làm người mới có thể thấu tình đạt lý.
Người xưa vì muốn làm nên công danh, mà miệt mài đèn sách, dùi mài kinh sử, nhờ sự kiên trì mà có vô số tấm gương thành công. Chẳng hạn, Đổng Trọng Thư1 thời nhà Hán, thời trẻ lập chí học hành, suốt ba năm không ngó ngàng gì đến xung quanh, cuối cùng trở thành nhà tư tưởng nổi tiếng của phái Nho gia; Vương Hy Chi2 đời nhà Tấn, thường đến bên hồ luyện chữ tiện để mài mực, rửa bút nghiên, miệt mài bao năm làm nước hồ biến đen, hồ bị đổi tên thành hồ Mực, cuối cùng được tôn xưng là “Thư thánh” tức bậc thánh về thư pháp.
1 Đổng Trọng Thư (179 TCN - 104 TCN), nhà tư tưởng thời Tây Hán, lấy học thuyết Nho gia làm cơ sở, dẫn nhập lí luận âm dương ngũ hành, hình thành hệ thống tư tưởng mới.
2 Vương Hi Chi (303 - 361), nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn.
Chỉ có kiên trì bền bỉ mới giúp gốc rễ cắm sâu, gốc rễ cắm sâu thì cành lá mới tươi tốt. Trên đời, chỉ cần bạn chịu khó học tập thì không có việc gì là không thể thành công.
Những bức chạm khắc trên đá trong hang Mạc Cao1 chính là kiệt tác được tạo ra bởi trí tuệ và tài hoa của hàng nghìn, hàng vạn nghệ nhân thuộc bao thế hệ và trải suốt vài triều đại. Nếu như không có sự kiên trì bền bỉ chạm khắc của những thế hệ nghệ nhân này thì ngày nay chúng ta đâu được chiêm ngưỡng những tuyệt tác kia?
1 Hang đá Mạc Cao là một quần thể gồm 492 ngôi đền thờ Phật nằm cách trung tâm thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc khoảng 25 km về phía Đông Nam. Nơi đây còn được gọi là Thiên Phật Động hay hang Đôn Hoàng.
Kiên trì bền bỉ là yếu tố rất quan trọng để gây dựng sự nghiệp thành công, nhưng mà chứng “thiếu kiên trì” dường như đã trở thành căn bệnh phổ biến ở giới trẻ ngày nay, còn tật “không bền bỉ” chúng ta cũng có thể thấy rõ qua sự hời hợt trong công việc của nhiều bạn trẻ.
Một bộ phận giới trẻ hiện nay đang thiếu đi sức kiên nhẫn và sự an định, không những thân tâm dao động mà còn thường nhảy việc liên tục, và đặc biệt là thiếu sự kiên trì bền bỉ trong công việc cho nên không thể ngồi yên trên cương vị công tác. Người như thế thì làm sao cấp trên có thể yên tâm giao phó trọng trách? Một người không được cấp trên tin tưởng và xem trọng, thì làm sao có thể thành công? Đây chính là đạo lý “đá lăn không rêu mọc”, tảng đá thường xuyên lăn đi thì làm sao có thể trở thành tảng đá kiên cố không thể dời đi được?
Cho nên, ngày nay chúng ta phải luôn tự hỏi: “Tôi có kiên trì học hành không?”; “Tôi có chịu khó trong công việc không?”; “Tôi có nhẫn nại với mọi người không?”. Nếu bạn thiếu kiên trì và không có sự bền bỉ, cho dù có đào giếng xuống tới vài mươi mét rồi thì cuối cùng cũng bỏ cuộc giữa chừng và chịu cảnh không có nước uống.
Vì vậy, bí quyết cho sự thành công của bản thân, không gì khác ngoài “kiên trì và bền bỉ”.