Con người hiện đại rất chú trọng “sửa đổi” vẻ ngoài như giảm cân, phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí là đắp lên người hàng hiệu hay dùng lối trang điểm độc lạ v.v. Thế nhưng mọi người lại thường quên để tâm sửa đổi tính cách, thói quen, quan niệm và các mối quan hệ của bản thân.
Có thể đem cái xấu sửa thành cái tốt, cái chưa thiện sửa thành cái thiện, cái chưa đúng sửa thành cái đúng và cái không đẹp sửa thành cái đẹp, đây chính là phẩm chất căn bản nhất trong cuộc sống.
Sửa đổi chính là cải đổi bản thân, làm mới chính mình. Các bậc thánh hiền trong lịch sử, không phải sinh ra đã là người thành công, mà chính là nhờ vào sự không ngừng học hỏi và sửa đổi bản thân nên mới có thể thành đạt như thế.
Con người, tuổi còn nhỏ thì phải dựa vào cha mẹ chỉ bảo cho để sửa đổi bản thân, tuổi thiếu niên thì phải dựa vào thầy cô chỉ dạy cho để sửa đổi bản thân, lớn rồi thì phải dựa vào bản thân để sửa đổi lấy mình.
Có một số người, tuy biết những hành động, suy nghĩ, lời nói của bản thân là sai lầm, thế nhưng họ lại chẳng chịu tự sửa đổi chính mình. Những người biết bản thân có sai mà không chịu tự sửa như vậy không những không đạt được thành công gì mà chắc chắn còn bị người khác khinh thường.
Tư tưởng “một ngày ba lần xét lại bản thân”1 của Nho gia và tinh thần “xưa kia đã tạo bao nghiệp ác, tất cả nay tôi đều sám hối” của Phật giáo, đều nói rõ chúng ta phải thường xuyên sám hối những hành vi sai trái của mình. Như người nặng về tham dục thì phải dùng tâm hỷ xả mà thay đổi và người nặng về sân giận thì phải dùng lòng từ bi để thay đổi.
1 Thường được biết đến với câu nói của Tăng Tử, âm Hán Việt: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân”.
Kinh Phật dạy rằng: “Làm người không thể không có lỗi lầm, khởi tâm động niệm đều là tạo nghiệp”, hễ một khi thấy bản thân có lỗi lầm thì cần phải tự giác đi sửa đổi ngay, đó mới thật là người đáng trọng.
Lương Khải Siêu2 nói: “Ta của hôm nay không ngại tuyên chiến với ta của ngày hôm qua”. Nho gia cũng có câu nói để tự thay đổi bản thân: “Mỗi ngày một mới, ngày ngày làm mới, ngày ngày mới”.
2 Lương Khải Siêu (1873 - 1929) là nhà tư tưởng và là nhà hoạt động chính trị Trung Quốc thời cận đại.
Quy tắc sống của các vị tu sĩ trong Phật giáo là “siêng tu giới, định, tuệ, để diệt trừ tham, sân, si”1, chính bởi vì luôn có vũ khí giới, định, tuệ, nên tất nhiên có thể điều phục được tham, sân, si.
1 Đọc thêm về giới định tuệ và tham sân si.
“Người thợ muốn khéo léo trong công việc, trước tiên phải có dụng cụ sắc bén”, sửa nhà cửa, sửa quần áo, sửa bàn ghế đều cần dựa vào công cụ, chúng ta muốn sửa đổi những sầu bi khổ não, hành vi sai lầm của bản thân thì phải dựa vào thứ vũ khí gì đây? Ví như rửa bát phải dùng nước rửa bát, lau nhà phải dùng nước lau nhà, loại bỏ rỉ sét phải dùng dầu nhớt. Vậy “nước rửa bát”, “nước lau nhà”, “dầu nhớt” để sửa đổi bản thân là ở đâu?
Tàm quý1 có thể gột sạch thói giải đãi của chúng ta;
1 Tàm quý là một trong những hạnh tu của Đức Phật. Tàm quý hiểu thông thường là biết xấu hổ, biết hổ thẹn. Người biết hổ thẹn với lương tâm mình khi làm điều sai trái là người có hạnh tàm quý.
Chính kiến có thể đẩy lùi tà kiến của chúng ta;
Từ bi có thể sưởi ấm ngôi nhà tâm hồn của chúng ta;
Tinh tấn có thể thôi thúc sức mạnh của chúng ta;
Biết đủ có thể tăng thêm sự giàu có của chúng ta;
Bỏ ác có thể thôi thúc những điều thiện của chúng ta;
Trì giới2 có thể điều chỉnh hành vi của chúng ta;
2 Trì giới là giữ gìn một cách miên mật và trọn vẹn các điều răn cấm mà Đức Phật đã đặt ra cho hàng Phật tử.
Tịnh niệm1 có thể trang nghiêm2 thế giới của chúng ta.
1 Hiểu theo nghĩa thông thường là làm trong sạch suy nghĩ của chúng ta.
2 Hiểu theo nghĩa là sửa trị, tu bổ.
Ngạn ngữ có câu: “Quá khứ không thể làm lại, nhưng tương lai có thể theo đuổi”, còn trong tác phẩm Liễu phàm tứ huấn cũng nói: “Những điều trước đây đều đã qua đi như ngày hôm qua, những điều sau này sẽ coi như bắt đầu từ ngày hôm nay”, cho nên chúng ta hãy quên đi quá khứ và bắt đầu một cuộc sống mới.
Mỗi người chúng ta nhất định phải hiểu việc tự sửa đổi bản thân là quan trọng đến nhường nào, từ đó mới có thể ngày một hoàn thiện bản thân.