Có con mèo kia bắt được con chuột nọ. Chuột ta liền cãi lý với mèo: “Ngươi là một mạng, ta cũng là một mạng, mọi sinh vật đều bình đẳng với nhau, cớ sao ngươi lại đòi ăn thịt ta?”.
Mèo ta nghe xong, nó không ngờ chuột cũng biết về bình đẳng, lại còn đòi quyền bình đẳng. Mèo liền nói với chuột: “Vậy được! Ta để cho ngươi ăn ta!”.
Chuột trả lời: “Ngươi là mèo, ngươi to như vậy, sao ta ăn thịt nổi ngươi?”. Mèo đáp: “Ngươi nhỏ như vậy, nếu đã không ăn được ta, thì ta sẽ ăn ngươi!”.
Chuột tự đuối lý liền im lặng! Mèo nói tiếp: “Ngươi không cần lý luận thêm nữa, đây vốn là bình đẳng lắm rồi đó!”.
Bình đẳng không phải là dùng các thủ đoạn cưỡng chế để ép buộc đối phương phải phục tùng; bình đẳng là phải coi người như mình, cùng tôn trọng lập trường của nhau; bình đẳng, cần phải chú ý đến sự tôn nghiêm và lợi ích của đối phương. Chỉ khi chúng ta tôn trọng nhau, mới có thể đạt được sự bình đẳng lẫn nhau.
Đức Phật dạy: “Bốn sông vào biển, không lấy tên sông; bốn họ xuất gia, cùng là họ Thích”. Phật giáo chủ trương: “Người người đều có Phật tính”, sự bình đẳng về mặt bản tính này mới là bình đẳng thực sự.
Nhưng, mặc dù về lý là “Phật và chúng sinh bình đẳng” mà trên thực tế thì vẫn có “nhân quả khác biệt”. Vì vậy, xét về phương diện bản tính chung mà nói, tuy mọi người đều có thể thành Phật, nhưng trên phương diện thực tế mà nói thì bởi vì nhân duyên phúc đức của mỗi người khác nhau, nên có sự phân biệt thánh, phàm. Vì vậy, “trong tính bình đẳng, Phật và chúng sinh chỉ là giả đặt tên gọi; trong cảnh giới Chân Như, ta với người làm gì có khác nhau”, và đây cũng là bình đẳng.
Con cái đòi được bình đẳng với cha mẹ, lấy lý rằng vì sao cha mẹ cứ nhất nhất ở trên? Con cái đòi được ngang hàng phải lứa với cha mẹ, đây là không hiểu luân lí mà cũng chẳng phải là bình đẳng, vì bình đẳng vẫn cần phải có “thứ tự lớn bé”.
Cấp dưới đòi được bình đẳng với cấp trên, cho rằng cấp trên có thể như vậy tại sao tôi lại không thể như thế? Cấp dưới muốn được đãi ngộ cùng loại với cấp trên, đây là không hiểu quy củ và cũng không phải là bình đẳng, bởi vì bình đẳng vẫn phải có “khác biệt về tôn ti”.
Bình đẳng thực sự là bình đẳng về điểm xuất phát mà không phải bình đẳng theo kiểu cào bằng. Trong một cuộc thi chạy, mọi người đều bắt đầu ở cùng một điểm xuất phát, nhưng ngay khi tiếng súng lệnh vang lên, mọi người đều cố gắng tiến về phía trước, tốc độ của mỗi người không giống nhau, ai ai cũng đều cố gắng để giành vị trí quán quân. Nhưng chúng ta không thể đòi hỏi tất cả mọi người đều về đích cùng một lúc. Đây mới là sự bình đẳng thực sự.
Ngư dân sống nhờ vào biển, ngày ngày đánh bắt cá để mưu sinh, ai cũng coi đó là điều hiển nhiên, tiều phu lên núi bẫy chim sẻ, lấy danh nghĩa bảo vệ chim di cư mà tha hồ bắt lấy. Chẳng lẽ chim bách thanh thì nên bảo vệ còn cá lóc thì mặc tình ăn thoải mái sao?
Trong xã hội, thường khi xảy ra thiên tai dịch họa như bão lụt, động đất v.v., mọi người dân đều chung tay cứu nạn, tương trợ lẫn nhau trong tình đồng bào thắm thiết. Tuy nhiên đây chỉ là sự bình đẳng trong nhất thời, điều mà xã hội cần là sự bình đẳng trong mọi lúc.
Chủ trương của “bình đẳng” là có thể xóa bỏ những bất công trên thế giới; bình đẳng nhất định phải dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau giữa người và ta, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, mới có thể thực hiện được sự bình đẳng giữa bản thân và người khác.
Chỉ khi nào có sự bình đẳng giữa bản thân và người khác, giữa Phật và chúng sinh, giữa lý luận và thực tiễn, giữa chân lý và thực tế. Khi đó mới có thể mang lại hòa bình vĩnh viễn cho thế giới.