Bàn ghế hỏng cần phải sửa, quần áo rách nên vá lại, nhà ở dột hãy sửa sang, đường sá nứt phải tu bổ, vậy nên con người phải không ngừng sửa đổi tâm tính, bỏ đi những thói quen xấu, mới có thể dần dần hoàn thiện bản thân đến độ hoàn hảo nhất.
Khổng Tử có nói con người, dựa trên mặt hiểu biết, cũng phân ra thành người sinh ra đã hiểu biết, người phải học mới hiểu biết và người phải khổ học mới hiểu biết1. Con người dù có sống đến già cũng không thể học hết tất cả, bởi lẽ “biển học là mênh mông”, cho nên nếu có người nào tự cho mình là người biết nhiều, biết hết tất cả, không chịu sửa đổi bản thân, không chịu học hỏi, thì chắc chắn người đó không thể tiến bộ.
1 Âm Hán Việt: “Sinh nhi tri giả, thượng giả; học nhi tri giả, thứ dã; khốn nhi học chi, hựu kỳ thứ giả”, nghĩa là: “Sinh ra đã hiểu biết là bậc thượng trí, phải học rồi mới biết là hạng người thường, khổ học mới biết là hạng tầm thường”, trích từ sách Trung của Khổng Tử.
Thói hư tật xấu mà con người thường mắc thì có rất nhiều, như trên phương diện ăn nói thì có: Nói lời thô tục, nói lưỡi hai chiều, nói lời đâm thọc, nói sai sự thật. Còn về mặt tâm lý thì có: Lo lợi cho mình, cố chấp bảo thủ, tham lam keo kiệt, thù hằn sân giận, ghen ghét đố kỵ, v.v. Những thói xấu đó giống như căn bệnh ung thư vậy, nếu không tìm được thầy thuốc cao tay chữa cho, tất giống như thuyền thủng khó chèo, đời hết thuốc chữa. Duy chỉ có bản thân tự làm bác sĩ cho mình, sống là một người sẵn sàng tự điều trị và sửa đổi chính mình, thì cuộc đời mới có tương lai tươi sáng.
Nhật Bản có một kiếm sĩ tên là Miyamoto Musashi1, khi trẻ vô cùng độc ác và tàn nhẫn, nói chung mọi điều xấu ác đều hội tụ ở ông, sau nhờ được Thiền sư Takuan Soho2 nuôi dạy mà tâm tính ông đã thay đổi và trở thành vị “Kiếm Thánh” nổi danh nhất Nhật Bản.
1 Miyamoto Musashi (1584 - 1645), còn có pháp danh là Niten Doraku, kiếm sĩ duy nhất trong suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản chưa từng thua một trận nào.
2 Takuan Soho (1573 - 1645), còn phiên là Trạch Am Tông Bành, là một vị Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, dòng Nam Phố Thiệu Minh.
Tống Giang3 lên Lương Sơn làm giặc cỏ, là vì muốn cướp tiền tài của quan lại tham ô và bọn gian thần, địa chủ đem phân phát cho dân nghèo, nhưng sau chấp nhận chiêu an, quy thuận triều đình, từ bỏ chiếm cướp mà trở thành công thần bảo vệ quốc gia, bảo hộ dân chúng được sống trong cảnh an bình.
3 Tống Giang, nhân vật trong tiểu thuyết Thủy Hử của Thi Nại Am, là đại đầu lĩnh của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc sau khi Tiều Cái qua đời.
Thời Đức Phật còn tại thế, có chàng thanh niên dòng Bà La Môn tên là Ahimsaka, vì cho rằng bản thân bị gia đình và xã hội ruồng bỏ rồi mê lầm tin theo lời của ngoại đạo mà giết người, thậm chí còn chặt ngón tay nạn nhân xâu làm vòng đeo, cho nên mọi người đặt cho tên hiệu là Angulimala, nghĩa là “người đeo vòng ngón tay”. Sau khi gặp được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được ngài khuyên bảo, anh ta liền từ bỏ việc ác, sám hối lỗi xưa, tinh tấn tu tập, cuối cùng chứng quả A La Hán.
Bồ tát Long Thọ, một trong bốn vị Đại luận sư vĩ đại của Phật giáo Ấn Độ, trước khi xuất gia bản thân có nhiều thói xấu, như dùng thuật tàng hình lẻn vào trong cung trêu ghẹo phi tần mỹ nữ. Sau đó, nhờ được nghe giáo lý thâm sâu huyền diệu của Phật giáo Đại Thừa, từ đó ngài bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu về nghĩa lý trong Kinh Tạng. Tám tông phái1 của Phật giáo Trung Hoa dựa vào những tư tưởng và triết lý của ngài để lập tông, còn ngài trở thành tổ chung của tám tông, vì vậy hậu thế tôn xưng ngài là Bồ tát.
1 Tám tông phái gồm: Thiền tông, Tịnh Độ tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Mật tông, Câu Xá tông, Thành Thật tông, Luật tông.
Ở Nhật có anh phu xe tên là “Quỷ Bình Vệ Binh”2, tính tình hung bạo nên người người oán ghét, sau nhờ chịu thay đổi tâm tính, trở nên một người biết yêu thương mọi người, nên được gọi là “Phật Bình Vệ Binh”3.
2 Tức Oniheibei.
3 Tức Foheibei.
Còn có câu chuyện vui kể về cái chuông trong điện Phật như thế này: Một hôm rảnh rỗi, chuông ta vặn hỏi tượng Phật: “Vì sao mỗi khi có Phật tử muốn lễ lạy ngài thì luôn đánh vào tôi?”. Tượng Phật đáp: “Bởi vì tôi có thể chịu được dao búa đẽo gọt, nên mới có thể trở thành tượng Phật để mọi người thờ cúng, còn anh hơi động đến đã gào toáng lên rồi, thế nên anh chỉ có thể là cái chuông!”.
Bạn muốn trở thành tượng Phật được mọi người tôn trọng? Hay là làm cái chuông không chịu nổi một đòn? Nó nằm ở việc bạn có muốn “tự sửa đổi bản thân” trong từng khoảnh khắc hay không mà thôi.
Trong Kinh có dạy: “Mọi người đều có Phật tính, Phật tính vốn là thanh tịnh”. Vì vậy, dù cho một người đã từng làm điều xấu, chỉ cần người đó có thể “việc ác cũ chớ làm, tai họa mới không tạo”, đồng thời luôn tự phản tỉnh chính mình, tự sửa đổi chính mình, biết chuyển tâm tham lam thành hỷ xả, hận thù thành từ bi, ngu si thành trí tuệ và đố kỵ thành tôn trọng, thì sẽ trở lại là người tốt. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta nên nhớ “điều sai chớ nhìn, tranh cãi chớ nghe, lỗi người chớ nói, việc ác chớ làm”, làm được như vậy mới có thể dứt bỏ thói xấu, điều phục sáu căn1. Khi đã có thể tự thân làm chủ mắt, tai, mũi, lưỡi và cơ thể của mình, thì những việc làm của bạn trong cuộc sống mới không lầm lỗi.
1 Sáu căn gồm: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.