Ngạn ngữ có câu: “Ý chí không nằm ở tuổi tác, lẽ phải không ở nơi ồn ào”. Đạo lý là cán cân giữ cho các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với sự việc và giữa con người với vạn vật được cân bằng.
Trên đời, có người rất hiểu đạo lý, nhưng lại có người không biết đạo lý; người hiểu lý lẽ có thể đi khắp nơi còn người không hiểu lý lẽ thì đến một bước cũng khó dời. Vì vậy, làm người thì trong tâm cần có đạo đức, có đạo đức mới có mọi thứ. Đối nhân xử thế trong tâm cần hiểu lý lẽ, có lý lẽ mới có thể đi khắp thiên hạ.
Con người, đôi khi cũng có đạo lý, nhưng vì ích kỷ và vô minh nên thường trở nên vô lý; có người lại không có đạo lý nhưng vì khiêm tốn, biết nhận lỗi nên ngược lại trở thành có đạo lý.
Trên thế giới, người có tiền và có học vấn tuy nhiều nhưng người hiểu biết đạo lý lại ít. Tiền bạc có lúc sẽ dùng hết, nhưng đạo lý thì dùng suốt đời không bao giờ hết. Thế nên Đức Khổng Tử nói: “Sáng nghe được đạo, chiều chết cũng cam!”. Những lời dạy của các bậc thánh hiền từ xưa đến nay chính là muốn khuyên răn chúng ta, cần hiểu rõ đạo lý và sống có đạo lý. Người không hiểu đạo lý phần nhiều chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân mà khởi lên tâm tham lam, sân giận và đố kỵ với mọi người, cho nên họ trở thành người sống không có đạo lý.
Trong chương Lễ vận thuộc Lễ ký có câu: “Để thực hành được đạo lớn thì tất phải lấy thiên hạ làm chung”1. Đất nước là của nhân dân, thuộc quyền sở hữu của nhân dân, do nhân dân quản lý và xây dựng, không thuộc sở hữu của riêng một gia đình hay một dòng họ nào cả, đó chính là thực hiện được đạo lý “thiên hạ là của chung” vậy.
1 Âm Hán Việt: “Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công”.
Có đạo lý mới có thể vững bền, không có đạo lý sẽ không được an ổn. Cho nên chúng ta cần diệt trừ vô minh, bỏ thói ích kỷ để trở thành người sống có đạo lý.