Dù rằng có câu “chịu thiệt chắc chắn sẽ được lợi”, nhưng đa số mọi người vẫn thích đòi hỏi điều lợi mà không ai muốn chịu thiệt. Vì không ai muốn chịu thiệt, nên chẳng có gì lạ khi những kẻ thích lợi dụng người khác thường không được mọi người chào đón. Do đó, khi đối nhân xử thế chúng ta phải biết chịu thiệt, đây không những là cách tốt nhất, mà còn là cách duy nhất để thành công trong việc đối nhân xử thế.
Trước đây, trong xã hội cũ thường xảy ra chuyện làm giả vàng để lừa tiền. Thực chất, những người bị lừa tiền cũng là tham lợi, chính vì ham cái lợi trước mắt, muốn mua được vàng rẻ, cuối cùng lại thành bị mắc lừa mà mất đi một khoản lớn.
Mặt khác nhìn lại một số người thoạt nhìn có vẻ là đang chịu thiệt, kết quả lại chính là người thu được lợi lớn. Ví như Đại Vũ trị thủy, ba lần đi ngang qua nhà mình mà không vào1, vì ông thà để bản thân chịu thiệt miễn làm việc lợi ích cho nhân dân, nhưng đến cuối cùng, ông lại được vua Thuấn truyền ngôi cho.
1 Cha của Đại Vũ là ông Cổn được vua Nghiêu giao cho nhiệm vụ trị thủy nhưng vì lũ lụt quá nghiêm trọng nên chưa thành công. Sau vua Thuấn lại cho Đại Vũ nối nghiệp cha. Đại Vũ cưới vợ mới bốn ngày đã phải xa nhà đi trị thủy. Sau đó, trong suốt mười ba năm, ông đi ngang qua nhà ba lần nhưng đều không bước vào trong. Lần đầu tiên đi ngang qua, ông nghe nói rằng vợ mình đang sinh con. Lần thứ hai đi ngang qua, con trai của ông đã biết gọi tên cha. Gia đình thúc giục ông về thăm nhà nhưng ông từ chối vì lũ lụt vẫn còn. Lần thứ ba đi ngang qua, con trai của ông đã hơn mười tuổi. Mỗi lần như vậy, ông đều chỉ nhắn người nhà rằng lũ lụt còn hoành hành, ông chưa thể nghỉ ngơi được.
Một giai thoại nổi tiếng khác được nhiều người biết đến đó là giai thoại nói về tình bạn giữa Quản Trọng và Bào Thúc Nha1. Quản Trọng bị mọi người lên án là lợi dụng Bào Thúc Nha, nhưng Bào Thúc Nha luôn ra mặt bênh vực Quản Trọng, sau còn tiến cử Quản Trọng làm Tể tướng. Tuy nhiên chính vì Bào Thúc Nha sẵn sàng chịu thiệt nên ông không chỉ kết giao được với một người bạn tốt mà còn tiến cử được một người tài cho đất nước, lợi ích cho muôn dân.
1 Bào Thúc Nha và Quản Trọng là đôi bạn tốt cùng nhau buôn bán. Bào Thúc Nha có tiền hơn nên bỏ vốn nhiều hơn, nhưng khi chia lãi ông luôn nhường phần lãi nhiều cho bạn, thủ hạ của Bào Thúc Nha thấy vậy mới đi rêu rao là Quản Trọng lợi dụng ông chủ, Bào Thúc Nha đứng ra giải thích rằng ông vì nể trọng nhân cách Quản Trọng mà tự nguyện nhường bạn. Mỗi lần thanh minh cho Quản Trọng, Bào Thúc Nha đều biến khuyết điểm thành ưu điểm bởi một lẽ ông hiểu Quản Trọng và rất yêu mến bạn mình. Quản Trọng vì thế xúc động mà nói: “Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu ta chỉ có Thúc Nha mà thôi”.
Có câu nói rằng: “Phật Tổ thương người thật thà” nghĩa là người thật thà, chịu thiệt thì luôn được chư Phật, chư Bồ tát gia hộ. Truyện dân gian cũng có một câu chuyện kể về hai con quỷ sắp đến nhân gian đầu thai, Diêm Vương cho bọn chúng lựa chọn hoặc là một đời chỉ nhận về, hoặc là một đời chỉ cho đi, thế là quỷ A chọn “cho đi” và quỷ B chọn “nhận về”. Do quỷ A chọn cuộc sống cho đi nên được đầu thai trong một gia đình giàu có, suốt cuộc đời luôn làm việc thiện và thích bố thí, còn quỷ B thì lựa chọn cuộc sống nhận về nên đầu thai trong một gia đình ăn xin nghèo khổ, cả đời phải đi xin ăn để sống.
Câu chuyện này muốn nói cho chúng ta rằng một người hiểu được đạo lý cho đi, chấp nhận chịu thiệt, mới có thể có được một cuộc sống giàu sang. Ngược lại, người chỉ biết tính toán chi li, suy nghĩ thiệt hơn, chỉ biết nhận về, keo kiệt trong việc cho đi, ắt phải sống một cuộc sống bần cùng. Cho nên, những kẻ chỉ biết hưởng lợi, không chắc thật sự hưởng được lợi; người chịu thiệt cũng chưa chắc phải chịu thiệt thật sự, thành thật mà nói, chịu thiệt mới chính là hưởng lợi.
Câu chuyện Tái ông thất mã cho thấy mất chưa hẳn là rủi mà được không chắc là may. Một người chỉ cần luôn có chính niệm, thuận theo nhân duyên, luôn giúp đỡ người khác trước, dù cho chịu thiệt nhất thời, cuối cùng nhân quả ắt sẽ không để bạn phải chịu thiệt. Bởi vì chịu thiệt tức không phải chịu thiệt vậy. Nếu là của bạn, dù cho có chịu thiệt, nó vẫn là của bạn. Ngạn ngữ có câu: “Chịu thiệt chính là phúc”, câu nói này chính là sự kết tinh trí tuệ của người xưa.