Cuộc sống vốn là khổ đau, là giả tạm, là thay đổi, nhưng thông thường khi con người ta gặp khó khăn hoặc đối mặt với những chuyện bế tắc, ngoài việc cầu xin sự phù hộ của chư Phật, Bồ tát và các vị thần linh thì niềm hy vọng lớn nhất của họ là có được thần thông.
Thần thông là sức mạnh phi thường có được sau khi thực hành thiền định, sức mạnh này là phi thường và không bị ngăn trở. Vì vậy người bình thường ai mà không mong muốn có được sức mạnh siêu phàm. Có thần thông, có thể tạo ra sự thần kì, để đạt được những nguyện vọng mà bình thường không thể thực hiện.
Tuy nhiên, có được thần thông, liệu có phải sẽ muốn gì được nấy? Kì thực không phải vậy, bởi vì thần thông dù siêu phàm cũng không thể thoát khỏi nghiệp lực, chỉ có nghiệp lực mới là sức mạnh lớn nhất thế gian này. Thần thông không thể chống lại luật nhân quả, do đó dù là “Thần thông đệ nhất” như ngài Mục Kiền Liên1 cũng không có cách gì cứu được mẹ ngài thoát khỏi đau khổ ở Địa ngục.
1 Ngài là một trong những đệ tử xuất chúng của Đức Phật Thích Ca, phẩm hiệu của ngài là “Thần thông đệ nhất”. Mẹ ngài là bà Thanh Đề, khi còn sống bà sống xa hoa lãng phí, còn phỉ báng Tam Bảo nên khi chết đi bà phải đọa Địa ngục, chịu nhiều giày vò. Sau khi ngài Mục Kiền Liên chứng quả A La Hán, có ngũ căn lục thông, thấy mẹ chịu tội nơi Địa ngục, ngài liền xuống thăm và dâng cơm, nhưng vì nghiệp chướng của bà Thanh Đề quá nặng nên cơm đưa lên miệng lại biến thành lửa đỏ v.v.
Thần thông không những không phải là toàn năng, đôi lúc có thần thông lại đem đến đau khổ cho ta, ví như có “tha tâm thông”1, biết được người bạn thân nhất của mình đang ủ mưu hại mình thì bạn còn cảm thấy thoải mái được không? Có “thiên nhĩ thông”, bạn có nén giận nổi khi nghe đám bạn thân xúm lại cùng nói xấu sau lưng mình không? Thậm chí có được “túc mạng thông”, biết rằng bản thân chỉ còn một năm tuổi thọ, liệu cuộc sống của bạn có tự tại thoải mái được không?
1 Phật giáo có Lục thần thông hay còn gọi là Lục thông bao gồm: Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thần cảnh thông và Lậu tận thông. Trong đó: Người chứng được Thiên nhãn thông có thể nhìn thấy khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, không chướng ngại; Người chứng được Thiên nhĩ thông có thể nghe hiểu được mọi âm thanh của mọi loài trong lục đạo luân hồi; Người chứng được Túc mạng thông có khả năng nhìn thấu được các tiền kiếp của bất kỳ chúng sinh nào.
Bên cạnh đó, thần thông không phải chỉ có Phật, Bồ tát, quỷ thần, tiên nhân mới có như mọi người vẫn thường nghĩ. Thần thông không nhất định phải là những phép thuật biến hóa thần kì. Thần thông chứa đựng trong các hiện tượng khác nhau của tự nhiên, ví dụ khi mây đen bao phủ dày đặc, bầu trời sẽ đổ mưa; không khí biến động sẽ dẫn đến gió bão; thậm chí là bốn mùa lưu chuyển, ngày đêm thay đổi, v.v. những loại biến hóa tự nhiên như vậy, đều có thể xem là một loại thần thông.
Thần thông ở trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta thậm chí còn càng là nhiều hơn nữa. Ví dụ uống trà liền hết khát, ăn cơm liền no bụng, biết bơi người sẽ nổi được trên mặt nước, v.v. Cho đến việc phát minh ra điện thoại, máy bay và internet chẳng phải chính là có “thiên nhĩ thông”, “thần túc thông” và “thiên nhãn thông” hay sao? Thậm chí, việc cấy ghép nội tạng, nhân bản động vật v.v. tất cả những thứ thần thông này không đủ khiến người xưa phải kinh ngạc tột cùng hay sao?
Vì vậy, thần thông là sự tích lũy kinh nghiệm của con người, là sự thể hiện ra của trí tuệ, là sự vận dụng các khả năng phi thường. Thần thông là tìm cầu sự hữu hình, hữu tướng mà “hữu” chính là hữu hạn, hữu lượng, hữu tận chỉ có chân lí “vô tướng” mới có diệu dụng vô hạn. Cho nên, thần thông không sánh được với đạo đức, có đầy đủ thần thông chưa chắc đã có hạnh phúc, chỉ có đạo đức mới là kho tàng vô tận, dùng mãi không hết; mới có khả năng cầu chứng chân lý, mới chính là con đường cứu cánh giải thoát.