“Nghèo” và “giàu” là hai danh từ chỉ thân phận trái ngược với nhau, trong quan niệm của mọi người, người nghèo thì không giàu, còn người giàu thì không còn nghèo. Kì thực cũng không hẳn như vậy, trên đời này, người giàu mà nghèo và người nghèo mà giàu, đâu đâu cũng có.
Ông Nhan Hồi1 sống trong ngõ nhỏ, chỉ với một giỏ cơm, một bầu nước, mà tâm hồn thanh thản ung dung, ta có thể nói ông là người nghèo túng không? Tôn giả Đại Ca Diếp1, sống ở bãi tha ma, hoặc ở triền núi bờ sông, ngày ăn một bữa, vật dụng chỉ có y bát, vậy mà nội tâm giải thoát tự tại, ta có thể nói rằng ngài là một người nghèo khổ chăng?
1 Một vị đệ tử nổi tiếng của Khổng Tử, là người thực sự làm được “mưu tính về đạo chứ không mưu tính về cái ăn uống sinh kế, lo nghĩ về đạo chứ không lo nghĩ về nghèo khổ”, nhiều lần được Khổng Tử khen ngợi, được đời sau tôn xưng là “Phục Thánh”.
1 Hay còn gọi ngài là “Ma Ha Ca Diếp”, Tôn giả là người nước Ma Kiệt Đà, thuộc dòng Bà La Môn, mang thân hình sắc vàng. Khi gặp Phật, Tôn giả xin xuất gia, mong độ các chúng sinh. Ngài được Đức Phật gọi là đệ tử bậc nhất trong đại chúng.
Ngược lại, xem những người sống trong biệt thự lớn, đi xe hạng sang, kẻ hầu người hạ không thiếu, nhưng ngày ngày mặt ủ mày chau lo xoay vòng vốn, ngóng cổ phiếu lên giá, ta có thể nói rằng họ là người giàu chăng? Những người có trong tay hàng triệu đô, đất đai vô số mà keo kiệt, lúc nào cũng cảm thấy không đủ thì ta có thể coi họ là người giàu không?
Cho nên, người giàu không thực sự giàu, người nghèo không thực sự nghèo, giàu nghèo không thể đo lường bằng tiền bạc và vật chất.
Trên thế giới, lại có những người cho dù ngày ngày không kiếm được bao nhiêu tiền nhưng họ sẵn sàng làm việc thiện, tạo phúc lợi cho xã hội, họ chẳng phải là những tỷ phú về tinh thần sao? Nhưng cũng có một số người, lúc nào cũng thèm muốn lợi ích của người khác, thứ gì cũng muốn chiếm đoạt làm của riêng, dạng người như vậy cho dù có nhiều của cải, há chẳng phải cũng là người nghèo túng về tinh thần hay sao?
Kỳ thực, theo cách nhìn của nhà Phật thì trên đời này không có người nghèo. Ta có thời gian, dùng thời gian để giúp đỡ người khác, ta không phải là tỷ phú thời gian sao? Ta khéo ăn nói, ta dùng lời nói để khen ngợi, khích lệ người khác, ta chẳng phải là tỷ phú động lực hay sao? Ta dùng nụ cười, niềm vui, và sự tôn trọng để đối đãi với mọi người, ta chẳng phải là tỷ phú tinh thần hay sao? Ta dùng sức lực để giúp đỡ, phục vụ người khác, đây chẳng phải là tỷ phú sức lực hay sao? Cho nên, người mà “lòng tham vô đáy” thì sẽ luôn là kẻ bần cùng, còn người vui vẻ giúp đỡ người khác, sẽ luôn là người giàu sang.
Bàn về của cải, đừng chỉ nhìn vào của cải nhất thời, mà phải nhìn vào của cải dài lâu; đừng nhìn của cải cá nhân của một người mà hãy nhìn vào của cải chung được chia sẻ; đừng nhìn vào của cải được tích lũy được, mà hãy nhìn vào của cải đang được sử dụng; đừng nhìn vào của cải trên hình tướng bên ngoài, mà hãy nhìn vào của cải giàu có vô hình trong nội tâm.
Một con người có đầy lòng từ bi, trí tuệ, niềm tin, vui vẻ, hài lòng, hổ thẹn, v.v. những thứ này đều là tài sản quý báu của con người chúng ta. Kim Cương kinh có dạy rằng: “Nếu có người dùng bốn câu kệ, vì người khác giảng nói để rộng kết nhân duyên với Phật pháp thì phúc của người này thù thắng hơn phúc của người dùng bảy thứ báu đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới để bố thí”. Cho nên, đánh giá người giàu và người nghèo chúng ta nên theo tiêu chí như vậy.